Chương 45: Hoàng đế xin gạo

Trần Hạo ở ngự thư phòng phê duyệt tấu sớ từ sáng sớm. Thái giám Tô Lễ cũng đã được điều đến hầu cận cho hắn trở lại. Nhìn hắn chuyên chú chính sự, Tô Lễ vừa ngưỡng mộ vừa vui sướng nhìn hắn một cách say sưa. Đến khi hắn phát hiện, gọi liền mấy tiếng Tô Lễ mới giật mình, bẽn lẽn mỉm cười. Sau khi hầu hắn dùng xong bữa trưa, Nguyên Trác cũng đến thảo luận triều sự. Tô Lễ liền lui ra ngoài. Nguyên Trác thấy hắn chỉ trong mấy tháng lại đổi khác vô cùng, chẳng những thông minh, tỉnh táo hơn, làm việc cũng rất quyết đoán rõ ràng. Nguyên Trác vui mừng khom người bái hắn nói:

- Không ngờ chỉ sau mấy tháng, quan gia thật sự đã rất khác biệt. Chẳng những có thể nhìn thấu thế cuộc thiên hạ, lại còn có đối sách vô cùng thích đáng. Nguyên Trác ngàn lần khâm phục! Mẫu hậu nếu biết được, nhất định sẽ rất vui mừng!

Trần Hạo bước đến gần, ra hiệu cho Nguyên Trác cùng đến ghế ngồi, hắn ôn hòa nói:

- Chuyện trong triều nếu không phải nhờ nhị hoàng huynh hết lòng chống đỡ, sợ rằng họa lần trước của trẫm đã hại tan sự nghiệp họ Trần lâu rồi. Nhị hoàng huynh văn tài võ lược, thật sự thừa sức đảm đương hoàng vị. Tại sao huynh nhất mực chối từ? Nếu để huynh làm hoàng đế, thật tin rằng sẽ làm tốt hơn trẫm rất nhiều.

Nguyên Trác lập tức quì xuống:

- Quan gia, thần chỉ có một tấm lòng muốn phù trợ quan gia giữ gìn đại nghiệp. Thần đối với quan gia và mẫu hậu dù phải chết thảm cũng tuyệt không có hai lòng, càng không có dã tâm muốn xưng đế. Quan gia, xin người tin tưởng lòng trung của Nguyên Trác!

Trần Hạo đỡ ông ta dậy, nhìn ông mỉm cười:

- Ở đây không có người ngoài, nói chuyện với nhau xưng huynh đệ có được không? Thật ra đệ nào có nghi ngờ gì huynh. Đệ biết huynh giỏi hơn đệ nhưng việc gì huynh cũng muốn ở phía sau hiệp trợ cho đệ, đệ còn nghi kị gì huynh đây? Chỉ là thấy thiệt thòi cho huynh. Hơn nữa, đệ cũng là người tự hiểu sức mình. Nếu không có nhị hoàng huynh, đệ thật sự không giữ được triều đình đâu.

- Xin quan gia đừng lo lắng. Ngày nào còn Nguyên Trác, thần sẽ lấy cả tính mạng để báo đáp hoàng ân, phụng sự cho quan gia thống trị thiên hạ. Nguyên Trác sinh ra mệnh là tướng, cũng đã được làm đến tướng. Thần không còn mong mỏi gì hơn chỉ nguyện một đời này tận trung với quan gia, đáp lại ân nghĩa của quan gia và mẫu hậu với thần!

Trần Hạo nhìn ông anh võ tướng hung dũng uy võ của mình, vừa kính ngưỡng vừa quí trọng. Hắn mỉm cười vỗ nhẹ lên vai Nguyên Trác nói:

- Được. Huynh đã quyết như vậy thì chúng ta một đời đồng lòng, nhất định giúp hoàng triều vững mạnh, giúp bá tánh cơm no áo ấm.

Nguyên Trác chắp tay đáp:

- Thần tuân mệnh, nhất định tận tụy tuyệt không để quan gia thất vọng!

Trần Hạo tươi cười nói:

- À, còn một chuyện. Sau này đừng gọi ta là quan gia. Gọi hoàng thượng cũng được, bệ hạ cũng được nhưng đừng gọi quan gia. Nghe như là oan gia, không có ý tốt.

Nguyên Trác ngớ ra một lúc cũng khom lưng chắp tay:

- Dạ, thần tuân chỉ!

Trần Hạo lại cười nói:

- Còn nữa, sau này không có người ngoài, chúng ta xưng nhau huynh đệ. Đệ gọi huynh là nhị huynh hay nhị ca. Huynh còn ta là tiểu đệ, hoặc hoàng đệ gì đó.

Nguyên Trác càng ngẩn ra khó hiểu nhưng cũng chắp tay cung kính. Nguyên Trác đi rồi, thái giám thông truyền báo có hoàng hậu đến kiến giá. Trần Hạo lập tức đứng dậy, cho mời vào. Từ lúc hắn hồi cung cũng đã mấy ngày, hắn vẫn chưa gặp hoàng hậu. Phần vì bận việc, cũng một phần ngại nàng vẫn còn giận hắn do đã liên đới gây ra cái chết của cha nàng.

Hoàng hậu tiến vào, Ngọc Hà cũng theo hầu phía sau. Trên tay Ngọc Hà còn mang theo một mâm đựng một chiếc áo khoác. Hoàng hậu đến thỉnh an hắn, nàng vẫn cúi mặt, ánh mắt lạnh lùng như lần đầu gặp hắn. Một chút lạnh lẽo len vào lòng, hắn gượng cười miễn lễ cho nàng và vời nàng cùng đến ngồi bên ghế. Hoàng hậu dịu dàng nói:

- Thần thiếp nghe nói quan gia...hoàng thượng đã hồi cung được mấy ngày nhưng vì người còn bận quốc sự thiếp vẫn ngại đến thăm sẽ phiền người nên tận hôm nay mới đến. Xin người đừng trách tội!

Nàng không nói hắn cũng đoán hôm nay nàng đến chắc hẳn không phải là chủ ý của nàng. Có thể là do Ngọc Hà và Tô Lễ đã vì hắn mà năn nỉ nàng, hoặc cũng có thể vì cương vị hoàng hậu, thế nào nàng cũng phải đến thăm hắn một lần cho phải đạo nên buộc lòng nàng phải đi. Nhưng hắn cũng không ngờ, thật ra khiến nàng đến gặp hắn là mẫu thân của nàng, phu nhân của Huệ Túc công Trần Đại Niên. Huệ Túc công đã mất, thế lực gia tộc nàng cũng yếu đi rất nhiều. Muốn vững lại thế lực, tất nhiên gia đình của Huệ Túc công phải dựa vào đứa con cháu hoàng hậu như nàng đây. Vì vậy mẹ nàng mới vào cung nhiều lần khuyên nhủ, đồng thời cũng mềm rắn răn dạy bắt nàng phải vì gia tộc mà tranh thủ giành lấy sự ân sủng của hắn cho gia tộc.

- Nàng đến thăm trẫm đã rất vui mừng rồi, sao có thể trách tội nàng? – Trần Hạo nhẹ mỉm cười nói ra.

Hoàng hậu ngượng ngùng cúi mặt, khuôn mặt trái xoan của nàng bất chợt lại đỏ ửng lên. Trần Hạo chậm rãi nói thêm:

- Chuyện trước đây liên lụy đến quốc trượng, trẫm cũng mong nàng có thể tha thứ cho trẫm. Trẫm đã bàn với nhị hoàng huynh, đến lúc thượng triều sẽ truy phong cho quốc trượng là Huệ Túc Vương, cũng sẽ cho đệ của nàng tập ấm. Tuy rằng làm như vậy cũng chỉ là bù đắp muộn màng nhưng hi vọng nàng có thể hiểu trẫm thật sự muốn sửa sai.

Hoàng hậu nghe nhắc đến cha, nàng quì xuống giọng nàng rưng rưng:

- Đa tạ hoàng thượng có lòng chiếu cố! Ý Từ phận là thần tử, cùng là thê thiếp tuyệt không dám có ý oán trách với người. Xin hoàng thượng không cần để... chuyện cũ trong lòng.

- Nếu nàng có thể quên hết chuyện cũ, trẫm còn mong gì hơn? – Hắn nói, ánh mắt vẫn lén theo dõi cảm xúc của nàng.

Hoàng hậu đứng dậy, ra hiệu cho Ngọc Hà mang chiếc áo đến trước mặt hắn:

- Hoàng thượng, trời đã bắt đầu chuyển gió. Thần thiếp không giỏi may vá, chỉ có thể làm một chiếc áo khoác ngoài dâng đến cho người. Xin người bảo trọng long thể tránh bị cảm lạnh!

Hắn đứng dậy, nhìn chằm chằm vào chiếc áo khoác. Lại nhớ trước đây, Vân Nhạn cũng đã từng tự tay may áo cho hắn. Chiếc áo ấy cũng đã bị rách khi hắn bị gia nô Phùng phủ đánh đập, còn bị xé rách khi bị bọn nha sai giam vào nhà ngục để thay vào chiếc áo tù. Lúc trước hắn ở bên cạnh Vân Nhạn, lại nghĩ về hoàng hậu. Bây giờ ở trước mặt hoàng hậu, hắn lại mong nhớ Vân Nhạn vô cùng. Trong lúc cảm xúc ùa về, hắn không ngờ một giọt nước mắt không kiềm chế được rơi xuống đã bị hoàng hậu bắt gặp. Nàng có chút kinh ngạc nhưng không hề lộ ra, cũng không biểu cảm gì. Hắn như cũng sợ nàng phát hiện mình ủy mị, liền quay mặt đi, gạt đi nước mắt rồi mỉm cười với nàng:

- Nàng có thể giúp trẫm khoác vào không?

Ngọc Hà bên cạnh bước lên, định rằng nếu hoàng hậu e ngại nàng sẽ thay nàng khoác cho hắn. Không ngờ hoàng hậu chỉ khẽ mỉm cười, cầm lấy chiếc áo khoác trên tay Ngọc Hà mở ra rồi khoác lên vai cho hắn, còn cẩn thận cài lại cúc áo phía trước cho hắn. Hắn chăm chú nhìn nàng, ánh mắt đầy sự cảm động và trân trọng. Có những người khi còn ở bên cạnh, lại chẳng nghĩ được sẽ có lúc chia xa. Đến khi mất rồi, dù có gặp người tốt hơn gấp nhiều lần, lại có thể thay thế sao? Có thể sao?

-----------------

Mấy hôm sau ấy, phía bắc Đại Việt mưa lớn liên tục khiến nước lũ dâng cao. Nước tràn bờ làm vỡ đê, cuốn trôi rất nhiều nhà cửa và làng mạc. Dân chúng vùng lũ khốn khổ chạy nạn khắp nơi. Ngay cả những phủ thành lớn như phủ Thiên Trường cũng ngập trong nước lũ. Dân chúng chạy nạn sắp tràn vào kinh thành. Buổi thượng triều hôm nay bá quan đều tranh luận quanh vấn đề làm thế nào để cứu nạn cho dân đói, tránh để dân khốn cùng sinh loạn kéo bè kết đãng xông vào kinh thành sẽ gây ra chiến loạn khó lường. Nhưng vấn đề không chỉ là ngân khố không đủ, mà là lương thực dự trữ của triều đình không đủ để cứu nạn, cũng không thể tùy tiện mở kho quân lương dùng hết, nhỡ mai có chiến loạn triều đình lấy gì để nuôi quân? Lương thực của dân chúng kinh thành có thể cũng đủ dùng nhưng triều đình không thể gõ cửa nhà dân mà trưng mua. Thứ nhất là ngân khố không nhiều, muốn mua cũng không được bao nhiêu. Hơn nữa nếu triều đình ra công cáo thu mua đến các tiệm gạo, một là họ chỉ bán một phần, giấu lại một phần, sau đó lại thừa cơ tăng giá, ép dân chúng trong thành. Thứ hai nếu người dân biết triều đình không đủ năng lực cứu tế dân đói, nhất định sẽ có kẻ thừa cơ nổi loạn. Dân tị nạn ở kinh thành sẽ bị kích động, lúc này triều đình sẽ bị vây khốn vô cùng hung hiểm. Thấy bá quan tranh luận gần nửa ngày cũng không có chủ ý gì hay. Trần Hạo uể oải che miệng ngáp một hơi rồi hỏi:

- Không lí nào cả một Đại Việt lấy nghề nông là chính, lại không cung cấp đủ lương thực để cứu trợ cho dân nghèo của ba trấn vùng lũ hay sao?

Hành Khiển Phạm Sư Mạnh chắp tay nói:

- Bẩm hoàng thượng, thật ra không phải Đại Việt không có gạo. Các thái ấp điền trang ở phía nam mấy năm nay vẫn được mùa, tích được một lượng khá lớn lương thực. Nhưng do nước lũ làm vỡ đê tràn xuống phía nam, chia cắt con đường vận chuyển từ các trấn phía nam về hoàng thành. Thành ra hoàng thành chúng ta bị nước lũ vây chặt. Dân tị nạn bấu víu kinh thành. Các nơi lại bị lũ ngăn cách không thể viện trợ cho kinh thành. Chúng ta phải tự mình xoay sở trong thời gian cấp bách này.

Vị hành khiển này nói chuyện lưu loát, giải thích rõ ràng Trần Hạo có ngốc mấy cũng hiểu hoàn cảnh của hoàng thành thế nào. Hắn lại hỏi:

- Nếu vậy, lương thực ở phía nam vận chuyển đến nhanh nhất phải bao lâu?

- Dạ bẩm hoàng thượng – Lê Quát đại nhân đáp – Bây giờ đường bộ không thể dùng, chỉ còn cách đi bằng đường thủy. Nếu nhanh nhất phải đến gần nửa tháng. Chỉ là dân tị nạn ở bên ngoài thành cũng đã mấy hôm. Thần chỉ e nếu không cứu trợ được cho họ, không đến hai ngày, họ sẽ làm loạn.

- Nếu vậy, chúng ta mượn gạo cứu trợ trước. Đến khi viện trợ đến rồi thì hoàn trả, không được sao? – Trần Hạo hỏi.

Các vị đại nhân nhìn nhau. Trần Thế Hưng bước lên chắp tay nói:

- Dạ bẩm, chỉ là không thể mượn. Nếu để dân chúng trong kinh thành biết tin chúng ta đã hết gạo không thể cứu trợ mà phải dùng đến gạo của họ. Họ nhất định hoang mang, sẽ không tin tưởng chúng ta kịp viện trợ đến. Lúc đó đừng nói dân tị nạn ngoài thành xông vào, chỉ sợ dân trong thành không đói vẫn loạn. Quan gia...hoàng thượng, chuyện này không nên để lộ ra.

Trần Hạo lại không cho là phải. Hắn đứng lên đi lại mấy bước ra vẻ suy nghĩ sau đó nói:

- Không được. Nếu như tình thế này, tất cả chúng ta và bá tánh trong ngoài kinh thành đều đang ở cùng một chiếc bè. Nếu cứ dối gạt họ, phòng bị lẫn nhau như vậy, không những không cứu được hoàng thành, còn tạo điều kiện cho kẻ xấu thừa cơ khích động. Chi bằng chúng ta thành thật với nhau, ta tin có thể khiến cho dân chúng hiểu và tin tưởng chúng ta hơn.

Nguyên Trác bước lên bẩm:

- Ý của hoàng thượng là...

- Nếu không mượn được gạo thì trẫm đi xin vậy!

Hắn nói xong, cũng chẳng đợi đám quần thần kịp ngạc nhiên đã hiên ngang đi thẳng ra cửa cung. Nguyên Trác cùng đám quần thần chẳng hiểu nổi hắn đang định làm gì vội chạy theo sau hắn. Chỉ thấy hắn vẫy gọi mấy tên thị vệ lại, lần lượt phân phó gì đó với thị vệ rồi lại đi tiếp thẳng đến cửa cung. Lúc Trần Hạo và bá quan đi đến cửa cung, đã thấy cửa chính hoàng cung mở toang. Thị vệ cấm quân dàn ra thế phòng thủ bao bọc toàn bộ một khu vực rộng trước cửa cung. Bá tánh trong kinh thành thấy tự nhiên cửa cung mở rộng, cấm quân lại bao vây như vậy rất tò mò nhưng cũng rất sợ hãi chỉ dám quan sát từ xa. Sau đó lại thấy hai đội túc vệ quân không mang vũ khí đi về phía dân chúng thông báo hoàng thượng muốn gặp người dân. Dân chúng ở kinh thành tuy rằng ngay dưới chân thiên tử nhưng cũng biết phận mình như kiến dưới voi, nào dám nghĩ sẽ gặp được hoàng thượng. Nay chính hoàng thượng thông cáo sẽ cho gặp, tất nhiên dân chúng ùn ùn kéo đến trước cửa thành để xem mặt mũi hoàng thượng ra làm sao.

Nguyên Trác đi sau Trần Hạo, thấy hắn cứ ung dung đứng trước cửa thành đã rất hiếu kì, nhiều lần lên tiếng hỏi nhưng hắn chẳng thèm đáp chỉ nhìn ra cửa cung như trông ngóng. Đến khi dân chúng kinh thành kéo đến thật đông trước cửa cung, ông liền phát hoảng, đứng che trước mặt Trần Hạo, đồng thời hô to:

- Hộ giá hoàng thượng hồi cung!

Trần Hạo phì cười, đẩy ông qua một bên nói:

- Trẫm ra cửa gặp người dân nói chuyện một chút. Huynh lo lắng quá làm gì?

Nguyên Trác đổ mồ hôi hột, mặt tái mét nói:

- Hoàng thượng, dân chúng bên ngoài thành phần phức tạp. Lỡ như có phản loạn trong đó, sẽ thừa cơ hành thích hoàng thượng thì nguy. Xin hoàng thượng vào trong trước rồi tính!

- Không sao đâu. Có bao nhiêu thị vệ ở đây, đâu dễ gì ai hành thích trẫm được. – Trần Hạo lì lợm.

Bá quan kinh hoảng trước hành động hoang đường của hắn, luôn miệng một lời xin hắn quay vào. Cả một đám quan lại đều dập đầu khuyên can. Hắn thở dài nói:

- Chúng ta cần gạo cứu người. Các ông không có, ta không có. Tiền thì không đủ, mà có tiền cũng chưa chắc mua được gạo. Người cần cứu không thể cứu mà cũng không thể không cứu. Chẳng lẽ cái gì cũng không làm? Ở đấy cãi nhau nữa ngày không được tích sự gì hết. Thời gian không có nhiều, người đói cũng sắp không đợi được nữa. Các ông không làm được thì trẫm làm.

Lê Quát ấp úng:

- Dạ bẩm, hoàng thượng ý là muốn công khai mượn gạo dân chúng sao?

- Vạn lần không nên đâu hoàng thượng. – Trần Thế Hưng lên tiếng. – Dân chúng nếu biết chúng ta đều bị nguy khốn, nhất định sẽ tự thủ lấy mình, không chịu bỏ ra. Thần chỉ sợ mượn gạo không thành, lại thành ra khiến lòng dân bất an.

- Hoàng thượng, mọi chuyện xin suy xét kĩ, xin đừng khinh suất. – Trần Phủ cũng nói.

Thấy một loạt cái lưng đại quan đều nằm úp dưới đất làm áp lực với hắn, Trần Hạo gãi gãi đầu, bất giác cười khổ. Hắn suy nghĩ thật nhanh sau đó lại ra điều kiện:

- Thế này đi, trẫm đếm đến một trăm. Ai có cách gì hay thì chúng ta trở vào thảo luận tiếp. Còn không thì trẫm sẽ dùng cách của mình. Vậy đi! Bắt đầu, một...

Đám đại thần nhôn nhao cả lên. Thật sự hoàng đế muốn làm khó họ đây mà. Đã không thể nghĩ ra cách mới thượng triều đến nửa ngày vẫn chưa xong. Giờ hắn lại bắt trong vòng một trăm tiếng đếm phải có cách. Làm thế nào mà có đây? Cả trăm vị đại thần tụm lại bàn bạc với nhau. Nguyên Trác đứng ở phía sau định lên tiếng khuyên can Trần Hạo thì đã bị hắn dùng tay ra hiệu chặn lại. Hắn nhìn ra bên ngoài cung thấy dân chúng đã đến rất đông, hắn cũng liền đếm đến số một trăm, sau đó cười bảo với các đại thần:

- Đấy! Là các ông cũng không có cách. Bây giờ trước mắt cứu người như cứu hỏa, trẫm lập tức đi xin gạo, các ông ở đây chờ xem.

- Hả? Xin gạo? – Tất cả đại thần đồng loạt reo lên rồi hướng mắt nhìn theo bước chân của Trần Hạo.

Trần Hạo bước ra ngoài trước sự bảo vệ của Nguyên Trác cùng hai đội cấm quân túc vệ và kim ngô. Cấm quân vây thành vòng tròn, cho hắn ở giữa như cục nhân khiến hắn phải dở khóc dở cười. Nhìn thấy đám cấm quân, Nguyên Trác và cả thảy các đại thần đều căng thẳng như vậy, hắn cũng chỉ biết cười khổ. Tất nhiên là họ phải căng thẳng. Thời cổ đại này làm gì có chuyện một quân vương hiên ngang bước ra khỏi cửa cung để gặp mặt dân chúng mà không hề chuẩn bị từ trước chu đáo như hắn. Hết cách, hắn sai mang đến cái ghế, sau đó đứng lên ghế nhìn ra dân chúng bên ngoài mà nói to:

- Các vị hương thân phụ lão trong thành Thăng Long. Trẫm là hoàng đế Dụ Tông. Hôm nay trẫm gặp mặt mọi người là có một chuyện quan trọng muốn nói.

Bá quan thấy hắn làm thật, Nguyên Trác lại không cản được tất thảy đều tràn theo ra ngoài, quì cả về phía hắn mà khẩn cầu:

- Hoàng thượng, khẩn xin suy sét lại!

Dân chúng đứng ở xa nghe hắn là hoàng thượng liền quì rạp xuống cả, tung hô vạn tuế liên hồi. Đợi khi tiếng tung hô tắt đi, hắn không bận tâm đến mấy ông quan ngăn cản lại nói tiếp:

- Mấy ngày qua mưa lũ đã làm rất nhiều người dân mất nhà cửa, không có cơm ăn. Bọn họ đã đói khổ cùng cực mới vượt xa xôi tìm đến nương nhờ ở các phủ Thiên Trường, phủ Tam Giang và các nơi lân cận hoàng thành. Trẫm đã cho quan phủ địa phương cật lực cứu nạn, quyết không để dân đói. Nhưng dân tị nạn càng lúc càng đông. Phủ Thiên trường cũng gần như không chống đỡ nổi. Dân tị nạn có thể sẽ kéo về kinh thành.

Nghe đến đây, dân chúng bắt đầu xôn xao. Mấy vị đại nhân mặt mũi xám xịt, đều lắc đầu than trời. Nguyên Trác cũng tối mặt mũi, cúi đầu thở dài với ông vua em không biết làm sao mà nói này. Trần Hạo giơ tay ra hiệu cho toàn dân im lặng rồi lại nói:

- Trẫm cũng thẳng thắn nói với các vị bá tánh rằng lương thực trong kho của trẫm thừa sức đảm bảo cho dân chúng trong thành. Nhưng muốn cứu trợ cho dân tị nạn thì chưa chắc có thể đủ. Vì vậy trẫm đã lệnh cho các phủ thành phía nam lập tức đưa gạo đến hoàng thành. Tin chắc trong vòng nửa tháng gạo sẽ đến kịp. Tuy nhiên, dân đói ở Thiên Trường, Tam Giang cũng sắp kéo đến đây. Chỉ sợ lúc đó, dân loạn cùng đường, cảnh bần cùng sinh đạo tặc sẽ khiến bá tánh ở kinh thành này mất đi cảnh thái bình. Vì vậy trẫm quyết định sẽ phải cứu trợ dân đói trước, ngăn họ vì miếng ăn mà làm liều. Nhưng kho lương của kinh thành phải dùng trong tình hình khẩn cấp, dùng cho dân chúng của hoàng thành này. Cho nên trẫm và bá quan đã tranh luận rất lâu, vẫn chưa thể giải quyết. Chúng ta cần phải biết một khi dân đói tràn vào kinh thành, cả hoàng thành của chúng ta đều không còn thái bình được nữa. Hơn thế nữa, họ cũng là con dân Đại Việt, là đồng bào dân tộc của chúng ta. Chúng ta cũng không thể thấy chết mà không cứu. Trẫm muốn mở kho cứu dân, là vì dân chúng cả nước Đại Việt. Bá quan ngăn trẫm mở kho lương cũng là vì nghĩ cho bá tánh kinh thành, cũng là vì dân chúng Đại Việt. Trẫm hỏi các vị nên làm thế nào cho phải đây?

Dân chúng toàn thành xúc động chăm chú lắng nghe hắn nói. Bá quan cũng quì phía sau lặng im không dám ngẩng đầu. Trần Hạo thở dài một hơi, làm ra vẻ bất đắc dĩ nói:

- Nếu như kinh thành không bị lũ vây, làm cản trở đường lưu thông thì chúng ta cũng không phải gặp khó khăn này. Dân tị nạn không còn nơi nào mới phải cầu đến kinh thành. Trẫm cũng không thể làm ngơ. Vì vậy, trẫm muốn các vị bá tánh của trẫm vì thương dân nạn, mỗi người một ít, nhín ra chút gạo cứu trợ trước. Cứu người cũng là giúp mình. Gạo viện trợ phía nam cũng sắp đến rồi. Các khanh cứu dân của trẫm. Trẫm cũng sẽ bảo đảm cho các khanh được cơm no áo ấm, hưởng cảnh thanh bình. Hôm nay, trước mặt tất cả bá tánh kinh thành, trẫm tuyên bố sẽ nhịn ăn một ngày, nhường gạo ấy cho dân tị nạn. Các khanh có lòng xin hãy cùng trẫm nhín ra ít cứu người đi! Được không hả?

Hắn vừa nói xong, một thị vệ mang ra một bát gạo to và một chiếc thùng gỗ. Hắn giơ bát gạo lên cho dân chúng thấy rồi đổ gạo vào thùng gỗ. Lúc này Phạm Sư Mạnh đại nhân đã hiểu ra ý đồ của hắn, liền hô lên:

- Thần Phạm Sư Mạnh cũng nguyện noi theo hoàng thượng, nhịn trọn một ngày, dành gạo cứu giúp nạn dân!

- Chúng thần nguyện noi theo hoàng thượng, nhường gạo cứu nạn dân!

Bá quan đồng loạt reo to. Binh sĩ thị vệ cấm quân cũng đồng loạt nói theo. Bá tánh đang quì ở đó cũng nhất loạt cùng hô to:

- Hoàng thượng thương dân như con! Bọn thảo dân xin noi theo hoàng thượng! Sẽ nhường gạo cứu giúp nạn dân! Hoàng thượng vạn tuế vạn vạn tuế!

Nguyên Trác nghe giọng quen thuộc liền nhìn về phía vị dân thường vừa hô lên, khích động cho dân chúng làm theo. Nhận ra y là Từ Viễn hóa trang thành một ông già, Nguyên Trác mỉm cười thâm ý. Nhìn thấy binh lính lần lượt mang từng thùng gỗ đến nhà dân xin gạo. Lại thấy dân chúng tự mình mang gạo ở nhà đến đổ vào thùng lớn trước cửa cung, đúng là việc chưa từng thấy. Chẳng mấy chốc, mười thùng lớn đặt trước cửa cung đã chất đầy gạo. Trần Hạo liền sai chuyển gạo ấy ngay đến phủ Thiên Trường và các phủ có nạn dân. Bất ngờ, một thị vệ hớt hãi chạy đến, quì xuống bẩm với Trần Hạo:

- Bẩm hoàng thượng! Ông chủ hiệu gạo Trương Ký ở Phủ Kiến Xương tự nguyện ủng hộ ba mươi xe gạo cứu nạn dân trước. Còn nói hôm sau sẽ từ Kiến Xương chuyển thêm hai mươi xe nữa. Quan...Hoàng thượng, dân đói sẽ được cứu rồi!

Ông chủ Trương Ký đó cũng chính là cha của Trương Vân Nhạn. Sau khi bị Trần Hạo giáo huấn một trận, ông ta còn lo cha con ông sẽ bị tịch biên gia sản đày đi biệt xứ. Không ngờ hắn chỉ phạt Trần Trí Thông cả đời không được đến những nơi trăng hoa và cờ bạc, lại còn bắt y phải chăm nom thật tốt mộ phần của Trương Vân Nhạn, phụng dưỡng ông chủ Trương ông thật hiếu thuận. Thế thì hình phạt ấy với ông ta đúng là muôn vàn cảm kích. Cho nên ông ta nhất định phải trả ơn. Ông ta cũng đang ở kinh thành khi vừa nghe tin hoàng thượng cần gạo cứu trợ nạn dân, ông không ngần ngại liền dốc cả kho gạo ra giúp. Trần Hạo phấn khích bật cười. Bá quan cũng mừng rỡ ra mặt. Trần Thế Hưng kề tai Trần Phủ nói nhỏ:

- Thật không ngờ xưa nay luôn là triều đình phát chẩn cứu dân. Nay lại là hoàng thượng phát động xin gạo của dân để cứu nạn đói. Không ngờ lại còn có hiệu quả lớn như vậy. Thật không thể ngờ được! Ha ha!

Trần Phủ mỉm cười:

- Hoàng thượng thật tài giỏi, có thể nghĩ ra cách này. Thật sự tốt quá! 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top