Chương 2: Có gặp gỡ ắt có chia ly
Từ ngày cậu trở thành vệ sĩ bất đắc dĩ, con bé ấy đã quên luôn chuyện giận dỗi, nó lại sang lớp cậu vào giờ tự học, lấp ló chờ cậu dẫn xuống căn tin trường, mua những món mà nó thích. Ngay cả những ngày nó chẳng muốn ăn gì, nó cũng lôi cậu đến những cửa hàng bán những thứ chỉ dụ dỗ được bọn con gái một lúc mới tha cho cậu về lớp, con nít thật lắm trò để trốn học. Ngồi trên xe Ánh cũng chẳng ngủ nữa, nó bắt đầu thao thao bất tuyệt đủ thứ chuyện, nào là chuyện nhà, rồi chuyện con mèo không đi vệ sinh đúng chỗ, đến chuyện mấy đứa con gái trong lớp khoe nhau mấy thứ đồ chơi hay chiếc túi đi học vừa được bố mẹ mua cho ở tận đẩu tận đâu. Tóm lại là không có nổi chuyện gì thú vị, thật không hiểu nổi nếu cậu là thằng nhóc chín, mười tuổi, liệu cậu có hứng thú với loại chuyện "trẻ con" này không. Có lần cậu lơ đễnh liền bị con bé ấy giẫm một phát vào chân, cậu quay sang gườm mặt với nó, nó liền giở bài mắt long lanh ngân ngấn nước "Ai cũng không thương em!". Đến là mệt. Nhưng cùng một tuồng diễn mãi khán giả cũng chán xem, một lần cậu cốc vào đầu nó, nói:
- Sao người ta phải thương em? Mà thương em thì phải chịu đựng em à?
Nói thế thôi mà nó gào lên khóc thật, nước mắt chảy ra thật, tròng mắt đỏ au. Thật sự nó rất có khiếu làm diễn viên, muốn khóc liền khóc, khóc sưng cả mắt. Cậu thở dài ngán ngẩm, chú lái xe cũng chẳng biết làm gì, thi thoảng liếc gương chiếu hậu nhìn hai đứa trẻ ở băng ghế sau. Được một lúc cậu đành lên tiếng:
- Hôm nay em thích gì, anh mua cho em! Thế được chưa?
Nó nhìn cậu, nấc lên, thút thít vài tiếng mới nói:
- Là do anh nói, không phải em đòi.
Trẻ con thì vẫn là trẻ con, cậu thở hắt ra một tiếng:
- Ừ!
Tiền mẹ cho cậu hàng tháng thật ra chỉ có hai nguồn chi chính, một là bữa trưa ở trường, hai là những đòi hỏi vô thưởng vô phạt của đứa trẻ con nhà bên. Thi thoảng bố dượng còn đưa thêm cho cậu một khoản, thật ra cậu không nghĩ được nên tiêu vào chuyện gì, nhưng từ chối lại có vẻ xa cách quá. Vậy nên cậu cứ cất cả vào ngăn bàn, biết đâu có lúc cần dùng tới. Cậu nhớ ngày nhỏ được mẹ đưa đi cửa hàng đồ chơi, món gì cậu cũng muốn mua, tự nghĩ sau này lớn sẽ kiếm một công việc sau đó sẽ dùng lương mua toàn bộ những thứ cậu thích. Một lần, cậu và Ánh được người lớn đưa đến trung tâm thương mại lớn, vào những cửa hàng đồ chơi hiện đại, vậy rồi cậu lại chẳng thấy hứng thú nữa. Có lẽ do đã hết tuổi, hoặc những thứ cậu bỏ qua lâu dần đã không còn là niềm khao khát. Hôm ấy cậu chỉ mua về một hộp đồng hồ cát be bé, những lúc suy nghĩ vẩn vơ thường lật tới lật lui, nhìn những hạt cát vàng óng rơi xuống, chẳng phải đó chính là hình dạng của thời gian sao?
Buổi chiều hôm ấy trời đổ cơn giông, mưa gió mù mịt. Chú lái xe gọi điện bảo hai anh em chờ cho ngớt mưa vì đường từ nhà đến trường có cây đổ, vẫn chưa đi được. Cậu ngồi ở góc thư viện trường, sách cầm trên tay nhưng mắt hướng ra ngoài, trời 4h chiều tối sầm, mưa tạt vào cửa kính rào rào không ngớt. Đêm mà bố cậu bỏ nhà đi hình như cũng mưa lớn như vậy...
Ánh ngồi bên cạnh, gật gà ngái ngủ, ngáp ngắn ngáp dài, vở bài tập viết nguệch ngoạc. Nó đưa viết chọt chọt vào áo cậu, nói:
- Chừng nào tạnh mưa nhỉ?
- Ai mà biết! Khi nào không thấy nước đổ xuống nữa thì tạnh!
- Nhỡ mưa tới sáng mai thì bọn mình ngủ lại đây à?
- Ừ, chắc thế! - Cậu trả lời bâng quơ, cũng chẳng nghĩ nghiêm túc xem con bé ấy vừa hỏi gì.
- Trường có ma không?
- Uhm, chắc có!
- Nếu có ma thì anh có chạy trốn bỏ em lại không?
- Uhm, chạy chứ!
Con nhỏ ấy chỉ chờ có thế, nó lại nước mắt giàn dụa, bù lu bù loa khiến cho những học sinh xung quanh quay sang nhìn. Cậu một tay lôi nó ra ngoài, một tay ôm ba lô của cả hai đứa. Ấy vậy nhưng trên người con bé ấy dường như luôn gắn chặt với "sự cố", một đoạn váy móc vào cạnh bàn kéo xoẹt một tiếng, rách luôn một mảng. Sự cố bất ngờ khiến con bé khựng lại, đỏ mặt rồi khóc to hơn, còn cậu luống cuống quăng balo, cởi nhanh áo khoác ngoài trùm lên phần chân váy, sau đó nhanh chóng nhặt lại balo, quàng tay qua vai rồi kéo nó ra ngoài. May mắn phòng y tế ở gần đó, cậu đưa Ánh đến nhờ cô y tá của trường trông hộ, rồi chạy nhanh xuống cửa hàng ở khu trung tâm của trường mua đồng phục, ngớ người ra khi chị bán hàng hỏi:
- Cậu mặc size gì?
- À, em mua cho em gái, em gái cao bằng này, người tròn như này.
Chị bán hàng bụm miệng cười:
- Em cậu mặc cỡ nào mà cậu cũng không biết à?
Cậu lắc đầu, chị bán hàng hỏi tên, lớp, xem thông tin trên máy tính rồi gói đồ đưa cho cậu. Cậu về đến phòng y tế thấy con bé ấy đang nằm đắp chăn, thư thả đọc truyện tranh, nước mắt nước mũi đã biến đi đâu hết, quả đúng là diễn viên tài ba. Cậu đưa túi đồ cho con bé, nói cụt lủn:
- Thay đi!
Nó nhìn cậu, mắt gườm một cái, môi trề ra phụng phịu. Vừa lúc ấy cậu nhận được điện thoại của chú lái xe báo chú đang đợi ở cổng trường, bèn nói vọng ra chủ ý cho đứa trẻ con sau bức rèm nghe thấy:
- Chú đến rồi đấy, nhanh lên còn về!
Tiếng rèm kéo soẹt một phát sau lưng, con bé nhìn lên cậu, nói:
- Anh còn chưa xin lỗi em đâu đấy!
- Sao anh phải...
Câu nói còn chưa thốt ra hết trên miệng, cậu đã thấy chân con bé đầu gối thì dán gạc, cổ chân lại bó tròn, nhíu mày, quay sang chị y tá hỏi:
- Chị, nó... em ấy làm sao thế ạ?
- Trầy xước với trật chân, vừa nãy bác sĩ nắn lại rồi, không sao đâu! Chịu khó hạn chế vận động bên chân đau vài hôm.
Thì ra vừa nãy không chỉ có váy bị rách, một bên chân con bé ấy vướng vào chân bàn do bị kéo bất ngờ. Cậu bất giác thấy áy náy, nhìn ra ngoài trời vẫn mưa chưa ngớt. Chị y tá cho mượn một chiếc ô của trường, vậy là một đứa cõng một đứa che ô đi băng qua sân trường dâm dấp nước, cảm giác chỉ có thể gói gọn trong một chữ "Nặng".
Cậu bỗng nhiên nhớ đến một ngày rất xa xôi trong ký ức, cái đêm cậu sốt cao, mẹ cõng cậu trên lưng, tìm mãi không có chiếc xe ôm nào trên đường, bèn đi bộ mấy cây số đến bệnh viện, trời lạnh như thế mà mồ hôi trên lưng mẹ thấm ra cả làn áo. Có lần cậu nói với mẹ:
- Sau này con sẽ đổi vai, sẽ chăm sóc mẹ thật tốt!
- Không cần, sau này lấy vợ, chăm sóc vợ con mới là thứ con cần làm!
- Vậy thì trước khi con lấy vợ... mẹ lấy chồng đi, tìm người mà họ chăm sóc được cho mẹ ấy!
Lúc ấy mẹ cậu chỉ cười, xoa rối mớ tóc cậu, nói:
- Cụ non!
Lúc mẹ lấy chồng, cậu cũng chỉ mong người ấy tốt với mẹ, thế là đủ. Sau này Ánh hỏi cậu liệu cậu có mong chờ bố cậu về đoàn tụ gia đình không, cậu nói "Ông ấy có xuất hiện thì cũng chỉ là bố về mặt sinh học của anh thôi, không còn là chồng của mẹ nữa!". Chẳng có gì là mãi mãi, đời người có dài đâu mà sống phí hoài để chờ đợi, mà kể ra bố cậu cũng chẳng đáng cho mẹ và cậu phải chờ.
Những ngày sau đó cậu đều phải cõng con bé lẫn balo to bự của nó vào đến lớp, giờ ăn trưa thì đưa đến căn tin, buổi chiều thì cõng ra xe, đến nơi lại cõng vào nhà, cứ thế một tuần sau nó mới xác nhận khả năng đi lại bình thường, không cần trợ giúp. Mà thực ra nó cũng chẳng tự mình thú nhận chuyện ấy, chỉ là nó bị cậu bắt gặp trèo lên cây thoăn thoắt, tay còn cầm theo một túi bánh rán còn vương cả dầu ra lớp túi giấy. Con bé xòe miệng ra cười, cười xong chìa cho cậu một chiếc bánh rán, nói:
- Chị Cam mới làm!
Cậu thở dài, bỏ đi một nước. Ở đời mà hiền lành tin người quá thì kiểu gì cũng sẽ bị đè đầu cưỡi cổ, quả là chẳng sai đi đâu được. Vậy nhưng ngay cả ai đó biết mình bị lừa đi chăng nữa, chẳng hiểu sao vẫn mong điều ấy kéo dài thêm một chút, đâu đó trong hai căn nhà của những người bận rộn, hai đứa trẻ con cứ thế mà xích lại gần nhau hơn. Thi chuyển cấp xong, hai đứa được về quê nội của Ánh chơi một tháng, lũ trẻ con ở đấy lắm trò hơn trẻ con thành phố, mấy đứa em họ dẫn tụi nó ra đồng, trèo cây hái quả, chơi dàn trận, đi lùa vịt. Buổi tối, cậu theo tụi nó ra đồng bắt đom đóm bỏ vào lọ nhựa, đục vài lỗ nhỏ trên nắp. Khuya, Ánh tắt đèn, hai đứa ngồi nhìn mấy đốm sáng chớp tắt trong chiếc lọ trên sàn nhà, cuối cùng con bé thả cho chúng bay ra ngoài cửa sổ. Những đốm sáng bay xa dần xa dần, tỏa ra giữa bầu trời quê đen thẫm.
- Đẹp nhỉ? – Con bé ngồi trên băng ghế dài, đầu nằm nghiêng lên hai tay xếp bằng trên bệ của sổ cảm thán. – Tụi nó sẽ bay đi đâu?
- Chắc là ra đồng, về nhà!
- Làm sao tụi nó biết đường về nhà?
- À thì.. anh cũng không biết nữa! Chắc là có cách nào đó...
Bỗng nhiên cậu lại nghĩ đến nhà, liệu đó có phải nhà cậu không?
Hôm ấy đi học về sớm, vô tình cậu nghe được tiếng vang ra từ phòng làm việc của bố dượng, tiếng mẹ của Ánh có vẻ không vui:
- Cậu tính làm thật đấy à? Chờ vài năm nữa xem sao đã. Đã được bao lâu đâu, làm sao biết nó là người thế nào mà cậu đã đưa vào di chúc?
- Sống chết biết làm sao được? Nó là con hợp pháp, chẳng may em có chuyện gì thì tự pháp luật cũng sẽ chia thôi.
- Nhưng mà những thứ cậu viết trong di chúc có hơi... vả lại cậu cũng phải thử cố gắng thêm, biết đâu...
- Không quan trọng, con cái là lộc trời cho, em không có thì đành chịu. Chị đừng lo, em thấy thằng bé ấy được lắm, còn nếu không được thì di chúc có thể thay đổi được, có gì mà ngại.
- Cậu... không bệnh tật gì đấy chứ... hay là giấu tôi?
- Điên à? Giấu gì mà giấu! Chẳng qua cảm thấy nhiều của như vậy, cũng nên rõ ràng một chút.
- Nhưng mà... cậu có cho mẹ con nó biết không?
- Chưa! Cũng chưa cần thiết!
- Phải đấy! Tôi không quy chụp đâu nhưng mà có nhiều vụ con giết cha, vợ giết chồng chỉ vì tài sản. Nói gì thì nói, nó không phải con ruột cậu, cũng chẳng phải do cậu nuôi lớn, vẫn nên là cẩn tắc vô áy náy.
Cậu đứng chôn chân ở cửa, cho đến khi nghe thấy âm thanh của nắm đấm cửa mới vội vàng chạy nhanh về phòng mình. Cậu ngồi thừ người mất một lúc lâu, bỗng thấy cổ họng đắng ngắt, mẹ cậu nói đúng "người nhà phú gia chẳng phải dễ gì mà thành người một nhà".
Sau mùa hè năm ấy cậu chính thức lên cấp ba, chuyển sang học ở một ngôi trường khác. Cậu nói với bố sẽ đi học bằng xe đạp, bố cậu vỗ vai tán thành. Từ nhà đến trường chỉ vài cây số, cảm giác được vận động một chút buổi sáng cũng rất khoan khoái. Có lẽ đạp xe nhiều nên chân dài ra chăng, có lần bố bảo nhìn cậu cao lên thấy rõ. Bố dượng có đôi mắt rất ấm áp, nhìn cậu trìu mến đến nỗi đã có lúc cậu tin rằng họ là bố con thật. Bố cũng chưa từng tỏ ra xa cách hay khách sáo với cậu, số lần hai bố con nói chuyện với nhau có khi còn nhiều hơn cậu nói chuyện với mẹ. Mẹ từ khi trợ giúp bố quản lý công ty lẫn tài sản, nhà cửa thì bận rộn hơn trước rất nhiều. Cậu có cảm giác mẹ đang rất cố gắng để chứng tỏ rằng bà ấy không phải chỉ cần lấy một người chồng giàu có thì có thể ỷ lại rồi hưởng thụ những thứ xa xỉ. Bà ấy tiêu pha rất chừng mực, mọi thứ đều phải có mục đích cụ thể, quần áo là để đi dự các buổi tiệc hay sự kiện cùng chồng, vật dụng trong nhà cũng đều là những thứ cần thiết. Có lần bố cậu nói:
- Em hà tiện như vậy người ta lại nghĩ anh đây keo kiệt! Con xem mẹ con, có phu nhân nào lại thế không?
Ngày trước cậu đã từng nghĩ sao mẹ lại phải như thế, nhưng giờ thì đã hiểu. Có thể bố là người phóng khoáng thật, nhưng những người xung quanh ông hay những người đang nhìn vào mẹ con cậu ngoài kia có thể chẳng có cái nhìn rộng lượng như thế. Nghĩ vậy nhưng cậu không nói, cậu cũng chỉ cười hùa vào cùng với bố:
- Đúng đấy mẹ! Mẹ phải mua sắm hẳn du thuyền với cả máy bay riêng đậu trong sân nhà mình mới ra dáng chứ!
Mẹ cậu chỉ gườm bố con cậu, rồi cười cười. Cậu nhìn cảnh ấy, hạnh phúc đan xen ngờ vực, liệu có mấy phần thật giả. Cậu chưa bao giờ nghi ngờ bố dượng, bởi vì ông ấy chắc chắn chẳng có mưu đồ trục lợi gì trong cuộc hôn nhân này, nhưng cậu không rõ liệu sâu thẳm trong lòng ông ấy có mảy may đề phòng mẹ con cậu hay không. Trong đầu cậu lúc ấy chỉ nuôi một suy nghĩ duy nhất ấy là khi lên đại học, cậu nhất định sẽ chọn một trường trong Nam, bắt đầu cuộc sống của riêng mình. Một lần cậu hỏi mẹ:
- Mẹ, sao mẹ không sinh thêm em bé đi? Bố... dù gì cũng chưa có con.
Mẹ cậu chỉ im lặng, xoa đầu cậu, không đáp. Cậu lúc ấy cứ thắc mắc mãi, là vì mẹ sợ san sẻ tình thương rồi sợ cậu tủi thân, hay vì một lý do gì khác.
Từ dạo cậu phổng phao ra dáng thanh niên, bố thường hay đưa cả cậu đến những buổi tiệc toàn những gia đình của giới doanh nhân. Cậu cũng bắt đầu học cách ăn mặc cho ra dáng cậu ấm nhà người ta, quần áo đều là những thứ đặt may đắt tiền, còn đắt đến cỡ nào thì cậu cũng chẳng rõ. Ban đầu chỉ là chào hỏi, sau đó cậu bắt đầu học cách lắng nghe, dần dà cũng học được việc nói dăm ba câu tham gia vào câu chuyện của những cậu ấm cô chiêu khác. Bình thường việc con bé Ánh lèo nhèo khiến cậu xoắn não để chiều theo những yêu cầu của nó thì những buổi tiệc như vậy, việc tháp tùng nó trở thành lý do mà cậu yêu thích để né tránh những câu chuyện tranh đua nhạt nhẽo. Những buổi tiệc khuya, cậu thường hay lấy lý do đưa em gái về nhà để thoát thân, để cởi phăng những bộ quần áo phẳng phiu ngột ngạt mà về với góc cửa sổ lộng gió trong phòng mình.
Cho dù khuôn viên biệt thự rất rộng, mỗi cuối tuần cậu lại chở Ánh đi đến thư viện trường, lên tầng ba, nơi có những ô nhà nhỏ, yên tĩnh, một đứa làm bài tập, một đứa nằm co chân lên ghế ngủ ngon lành cho đến lúc được gọi dậy đi xuống căn tin ăn trưa.
- Em sắp thi tốt nghiệp rồi đấy! Em không lo à?
Con bé ngái ngủ, giọng nhỏ như muỗi kêu, nói:
- Nhà em tư chất thông minh, mấy cái chuyện thi cử ấy chỉ bắt nạt được mấy đứa học sinh bình thường thôi!
- Thành tích của em có cao đâu?
- Nhưng em có thi rớt bao giờ đâu? – Con bé trả treo.
- Tùy! Anh nhắc vậy thôi! Cũng... lớn rồi!
Nói vậy nhưng cứ thi thoảng cậu lại nhắc nhở, đôi lúc cảm thấy mình đang hành xử đúng như những ông anh lắm điều thích lên giọng. Nhưng cho dù có nói gì cũng như nước đổ lá môn, tuần nào nó cũng ôm theo một ba lô sách vở nặng chịch rồi cũng chỉ có tác dụng gối đầu cho ngon giấc. Ấy vậy nhưng đúng như nó nói, nó thi chẳng bao giờ rớt, chỉ là kết quả chẳng lấy gì làm tự hào nếu đem so sánh với danh tiếng mà anh chị con bé từng để lại. Có điều nó chẳng quan tâm, việc thi đậu hạng nhất hay hạng bét cũng có khác gì nhau, mọi người đều lên cấp hai cả thôi, và cũng vẫn là ngôi trường ấy, chẳng có gì mới mẻ. Vốn vẫn nghĩ lớp 6 nhiều bài vở hơn, nó sẽ nghiêm túc hơn đôi phần, nhưng không, nó vẫn nhởn nhơ trèo cây cùng con mèo xám ngồi vắt vẻo ăn bánh và cuối tuần bám áo cậu cùng lên thư viện, hôm nào nổi hứng lại cùng nhau sang mấy khu trò chơi giải trí hoặc ăn vặt, thi thoảng lại về quê nội quê ngoại của nó trong những kỳ nghỉ. Hình như vì quan hệ anh – em ấy mà những người nhà con bé cũng có dần có ánh nhìn thiện cảm với cậu, quen với việc gọi hai đứa là "anh em", quen dần đến nỗi sau này họ quên hẳn rằng tụi nó vốn chẳng hề có chút quan hệ huyết thống nào.
Cậu luôn nghĩ chuyện mẹ lấy bố dượng thật tốt, ít ra cậu đã có một gia đình, mẹ cậu cũng không phải chắt bóp lo nghĩ nhiều cho tương lai của cậu, và cậu có thêm một người để chăm sóc, để cảm thấy mình cũng có thể che chở cho ai đó. Việc được chiều chuộng ai đó dường như cũng trở thành một nhu cầu, cho dù cậu có vờ vịt than thở thì trong lòng lại rất trông đợi, cảm thấy thích thú mỗi lần con bé mũm mĩm ấy gọi "Anh...anh ơi...này anh...". Là vì cậu đã một mình quá lâu chăng, hay là bởi vì loại tình cảm trong sáng ấy đã tưới mát cuộc sống âm u ngày cũ. Những ký ức của cuộc sống khắc khổ buồn tẻ ngày bé nhạt dần đi, thay thế dần bằng hình ảnh cô gái nhỏ ngồi đung đưa chân cười nói khúc khích, tóc búi củ tỏi dần thả xuống, bay trong gió xen vào những tán lá xanh rập rờn phe phẩy. Có lẽ mọi thứ sẽ mãi như thế cho đến sinh nhật 17 tuổi của cậu, lần đầu tiên trong đời cậu được con gái tỏ tình, cũng là nụ hôn đầu tiên có người áp xuống môi cậu, dưới tán cây đó, cô gái ấy nhẹ nép vào người cậu, nói:
- Tớ thích cậu, còn cậu?
Cậu luống cuồng, lắp bắp, tựa sát thân cây, à ừ hồi lâu mới khẽ gật đầu. Còn chưa định thần thì cô ấy đã đưa tay bám lên vai cậu, nhón chân đặt môi lên môi cậu. Lần đầu tiên trống ngực đập dồn dập, bỡ ngỡ đến nỗi không biết nên đáp lại như thế nào, nên nhắm mắt hay mở mắt, nên vòng tay ôm cô ấy hay cứ đứng im như thế. Một giây, hai giây, ba giây... mười giây, khi cậu bắt đầu điều hòa được nhịp thở, cánh môi vừa khẽ động đã nghe một tiếng bịch bên cạnh. Ánh nhảy từ trên cây xuống, phủi phủi tay, cho dù ánh sáng trăng mờ mờ, cậu vẫn nhìn thấy được một cái cười nhếch mép rất ừ ngỗ ngược mà cậu chưa từng thấy bao giờ. Cô gái kia cũng giật mình lùi lại, ngượng ngùng nói không nên lời. Con bé đưa mắt nhìn cậu một lượt, sau đó gọi con mèo xám cũng vừa nhảy từ trên cây xuống:
- Lì, đi thôi!
Từ đêm ấy trở về sau này Ánh không khi nào trèo lên cái cây ấy nữa, lý do có phải là vì chuyện hôm ấy không cậu cũng chẳng thể hỏi, việc một đứa trẻ con nhìn thấy cậu hôn bạn gái kể ra cũng bình thường mà cũng không bình thường. Thời gian sau đó cậu thường dành những ngày cuối tuần sang nhà cô gái ấy, đưa cô đi chơi, đi lên thư viện, cùng học, cùng đi ăn vặt, làm những chuyện lãng mạn mà những cặp đôi gà bông ngày ấy đều làm. Cậu hạnh phúc thật, hạnh phúc nên bỏ quên lại người đã đưa cậu ra khỏi vỏ ốc ngày xưa. Cậu ít gặp Ánh hơn, đúng ra là hình như nhu cầu chiều chuộng một ai đó đã chuyển dời từ cô bé ngồi trên cây sang cô gái thanh xuân đem đến cho cậu nụ hôn đầu. Có đôi lần cậu đạp xe ngang qua nhà bên cạnh, thấy con bé đang ngồi cùng con mèo xám trên xích đu, nhìn cậu không nói gì, nhưng ánh mắt kia quá phức tạp đối với một đứa 12 tuổi, vậy nên cậu tránh né, rồi quên ngay sau vài giây sau đó. Cô gái 12 tuổi năm ấy nhiều năm sau này thi thoảng vẫn dùng ánh mắt phức tạp ấy nhìn cậu, rồi quay đi, rồi cho dù lúc này cậu đã không lờ đi ánh mắt ấy, lại cũng chỉ biết giữ lại những xót xa trong lòng.
Một bữa tiệc như những bữa tiệc khác, khi cậu lấy lý do đưa em gái về nhà để trốn, thực ra bạn gái vừa nhắn tin bảo muốn cậu đưa đi sắm sửa vài thứ, ngồi trong xe, Ánh hỏi:
- Anh thích chị ấy nhiều không?
- Ai? À... ừ... mà trẻ con, hỏi mấy chuyện như vậy làm gì.
- Cho biết, rồi em cũng sẽ lớn mà.
Cậu đưa tay xoa đầu nó:
- Đến lúc đó hãy hỏi.
Con bé bĩu môi, sau đó nói rất nhỏ:
- Không ai thương em, cả anh cũng không cần em.
- Vớ vẩn. Anh... bận thôi.
Con bé quay sang nhìn cậu, ánh mắt như thể chất vấn "bận thật không?". Cậu quay sang hướng khác, nhìn vào điện thoại bạn gái đang nhắn tin hỏi khi nào cậu đến, sau đó nói với Ánh:
- Cả nhà đều thương em, chỉ là họ còn phải... ờ... thương thêm những người khác nữa. Sau này khi em lớn, em sẽ hiểu. Giờ thì... về nhà, rửa mặt, đi ngủ.
- Tuần sau được nghỉ, em về bên ngoại. Anh đi không?
-...
- Vậy em đi một mình!
Xe dừng lại trước cửa nhà. Cậu vội vã mở cửa xuống trước, chạy vội lên nhà thay quần áo rồi dắt xe đạp ra, đi ngang qua Ánh vẫn đứng trước sân nhà nó, nhìn cậu, một tia nhìn tha thiết đến nỗi khiến cậu một giây ngập ngừng nhưng rồi tiếng tin nhắn hối hả trong điện thoại nhắc cậu mau chóng bỏ lại hết sau lưng, lao xuống con đường dốc thoai thoải ra hướng cổng. Gã trai mới lớn yêu đương lần đầu, mọi tâm tư đều chỉ dồn vào một nơi, bỏ quên cả cô gái bé nhỏ với làn tóc dài bay theo nhịp chân đong đưa, người đã đưa cậu ra khỏi vỏ ốc mà hòa mình vào thế giới.
Oải Hương, bạn gái cậu có đến nhà cậu chơi vài lần, thường hay mang theo những món ăn vặt tự tay mình làm, cùng cậu chơi đàn, cùng cậu ngồi học bài dưới tán cây, cùng cậu đứng bên cửa sổ lộng gió nói những câu chuyện phiếm ở trường. Cô ấy cũng có một nhóm bạn mà họ hay chơi cùng, và cho dù cậu chẳng cảm thấy mình hợp cạ cho lắm, cậu vẫn rong ruổi cùng họ trong một vài chuyến dã ngoại đó đây. Số tiền tiết kiệm trong ngăn bàn cũng bắt đầu đem ra dùng dần, từ việc mua quà tặng đến những chuyến đi chơi, tất cả đều tiêu tốn những khoản không nhỏ. Vậy rồi ý định vào Nam cũng bắt đầu mờ nhạt đi. Tình yêu tuổi mới lớn đôi khi tạo ra một thế giới lung linh đến nỗi khi cậu sống trong đó, cậu luôn nghĩ nó sẽ mãi đẹp như vậy, có thể nắm tay nhau rong chơi cả đời.
Thật ra "cả đời" trong tình yêu gà bông là chuyện rất hi hữu, bởi vì một thời gian sau đó, cậu càng lúc càng không hứng thú với những cuộc chơi mà cậu cho là vô vị, nhưng bạn gái cậu lại chẳng thấy vậy. Nhưng chỉ cần cậu từ chối, lập tức sẽ có những chuyện cãi vã, điện thoại cậu sẽ phải sáng thâu đêm, sáng đạp xe đến trường trong tình trạng mắt nhắm mắt mở, nửa tỉnh nửa ngủ, không ít lần chỉ vài giây ngủ gật nữa thôi thì cậu không phải chỉ là một con người mang tên Vì Sao, mà có thể sẽ chính thức trở thành một Vì Sao như người ta vẫn nói về những người an nghỉ ngàn thu. Cậu đối với Oải Hương (cậu gọi cô nàng như thế vì cô ấy rất thích oải hương) vẫn luôn giữ thói quen chiều chuộng, nhưng khi những xúc cảm ban đầu qua đi, cậu nhận thấy mình đang sống theo một quỹ đạo vạch sẵn: Đi học, đi chơi, về nhà, còn đi chơi ở đâu thì bạn gái sẽ lên lịch, cậu chỉ ngoan ngoãn làm theo. Đôi lần về nhà không quá trễ, cậu bất giác nhìn sang cửa sổ phía đối diện vẫn sáng đèn vàng ấm, không hiểu sao lại nhớ cảm giác của thời gian trước, nhớ tiếng gọi "Anh" nũng nịu quen thuộc. Bỗng điện thoại cậu ting lên một tin nhắn mới "Anh, tuần sau cả nhà đi dã ngoại, anh đi không?". Cậu tư lự suy nghĩ, tuần sau ư, điều gì đã khiến những con người bận rộn kia chịu bỏ thời gian cho việc "dã ngoại". Cậu lần giở chiếc lịch bàn, à suýt nữa cậu lại quên mất. Cậu trả lời tin nhắn "Ừ, tính anh vào đi!". Cậu lại nhìn sang cửa sổ bên ấy, thấy một bàn tay đưa lên vẫy vẫy cậu, cho dù rất xa không thể nhìn rõ nhưng cậu tưởng tượng được một gương mặt bầu bĩnh đang cười híp mắt, làn tóc dài bay theo gió đêm.
Lúc trả lời Ánh, cậu vô tình quên khuấy đi rằng tuần sau nhóm của Oải Hương cũng đã dự định đi Hà Giang, cả nhóm đã thuê một chiếc xe, đưa cả bọn lên đó. Hôm sau khi nói với bạn gái về việc đi chơi cùng gia đình, bạn gái cậu sửng sốt:
- Thế cậu để tớ đi một mình à?
- Đi đâu?
- Cậu bị ngẩn à, đã bàn nhau đi Hà Giang rồi còn gì?
- ... Tớ... quên thật. Xin lỗi nhé, lần này tớ bận thật, việc đột xuất. Với lại cả nhóm bạn cậu cơ mà, sao lại đi một mình?
- Chúng nó đều có đôi có cặp cả, cậu ở nhà thì tớ chẳng phải một mình là gì? - Oải Hương cau mày, giọng đã lên một tông, mắt bắt đầu long lanh.
- Vậy hay cậu ở nhà lần sau rồi đi. Tớ có việc gia đình!
- Việc gì?
- Sinh nhật em gái tớ!
- Thì cậu ở nhà một lúc rồi chuồn đi như mọi lần í, có làm sao đâu?
- Cả nhà tớ đi dã ngoại!
- Nhưng cậu hứa với tớ trước cơ mà!
- Bọn mình chẳng đi suốt còn gì? Không đi lần này thì đi lần khác, có gì đâu mà cậu cứ giãy nảy lên?
- Em cậu năm nào chả sinh nhật? Hay là vì đối với cậu tớ không quan trọng?
- Không phải thế!
- Mà thật ra con bé ấy cũng chẳng phải em gái cậu thật, hay là... cậu sợ mất lòng nhà ấy rồi bị quẳng ra đường?
Cậu tối sầm mặt, nhìn đăm đăm vào đôi mắt đỏ lên của Oải Hương, không nói thêm gì nữa, đẩy cô nàng sang một bên rồi bước về phía trước, sau lưng tiếng khóc thút thít xa dần, xa dần.
Mấy ngày sau Oải Hương giữ cậu lại sau giờ học, kéo cậu đến một góc trường, nhón chân hôn lên má cậu, nói:
- Tớ xin lỗi. Hôm ấy tớ... nhỡ lời!
- Không sao!
- Tớ đi cùng gia đình cậu được không?
- Không tiện đâu!
- Hay là... tớ giả vờ tình cờ đi ngang qua?
- Hôm ấy là sinh nhật em gái tớ, tớ muốn dành thời gian cho nó.
- Con bé ấy quan trọng với cậu hơn cả tớ?
- ... Đừng hỏi mấy câu ngớ ngẩn như thế!
- Vậy thì đúng rồi! Tớ trước giờ không thích bị xếp thứ hai đâu! Bọn mình chia tay đi!
- Cậu chắc chứ? - Cậu nhìn thẳng vào Oải Hương, ánh mắt sắc lạnh, buông thỏng một tiếng - Được!
- Cậu chẳng hề yêu tớ! - Tiếng cô hét lên đằng sau, hòa vào tiếng nấc của nước mắt.
Cậu vẫn chẳng mảy may ngập ngừng dù chỉ một nhịp chân, bước thẳng một mạch ra nhà để xe, chậm rãi đạp trên con đường về nhà hôm ấy lất phất mưa, rơi lấm tấm lên tóc, lên áo. Cậu nghe trong lòng mình nhẹ bẫng, chẳng vui chẳng buồn. Người bắt đầu là Oải Hương, người muốn chấm dứt cũng là cô ấy. Chẳng có ai sai trong thời điểm ấy, chỉ là tình cảm non nớt không đủ chín để vượt qua sự ích kỷ của bản thân mỗi người. Oải Hương muốn cậu phải luôn bên cạnh và chấp nhận hòa vào mọi thứ xung quanh cô, cậu lại muốn tách mình ra khỏi những cuộc vui tạm bợ. Chỉ có một điều dường như Oải Hương đã đúng, cô gái bé nhỏ ấy rất quan trọng với cậu, vậy mà phải cần ai đó hỏi cậu mới chợt nhận ra.
Những ngày sau đó Oải Hương không liên lạc với cậu, trong lớp cũng chẳng nói chuyện nửa cậu. Thằng bạn bàn sau rù rì:
- Chàng nàng giận nhau à?
Cậu chỉ quay lại nhún vai, không đáp. Thằng bạn "Chậc chậc" ra chiều hiểu biết, rằng mấy đứa yêu nhau 3 ngày yêu 4 ngày giận cũng là chuyện bình thường ở huyện. Cậu quay lại, mặt thằng bạn háo hức:
- Sao sao?
- Mày có em gái thua bọn mình mấy tuổi đúng không? Sinh nhật em mày, mày tặng gì?
- Con em tao thì cứ đưa tiền cho nó tự mua nó mới thích, mà tao cũng đỡ tổn thất thần kinh não. Sao tự dưng lại hỏi em tao? Mày có ý đồ gì?
- Tao còn chưa biết em mày thì có ý đồ gì? Hmm sắp đến sinh nhật em gái tao, còn chưa biết tặng gì cho nó.
- Phải tặng à? Hmmm hay mày hỏi thẳng nó thích gì rồi đưa nó đi mua.
- Mày...
- À, hay bảo nàng của mày góp ý cho, nàng chắc chắn hào hứng ba cái trò sắm sửa này.
- Thôi...
- Sao, giận thật à?
- Không. Tao sẽ tự nghĩ.
Hôm ấy đi học về, cậu bắt xe lên một trung tâm thương mại lớn ở nội thành, rảo khắp các gian hàng vẫn chưa tìm được món gì ưng ý. Chọn mãi, chọn mãi, cuối cùng dừng lại trước một món đồ trong cửa tiệm đồ chơi, ấy là một con nhỏ nhồi bông màu xám có đôi mắt nâu trong vắt được làm bằng một loại bông rất mịn màng. Cậu nhờ gói vào một chiếc hộp quà thắt nơ xinh xắn, giấu vào chiếc túi giấy rồi rảo bước về nhà.
Ngày cuối tuần cả nhà đều dậy từ sớm, chuẩn bị rất nhiều thứ để mang theo. Địa điểm cắm trại thực ra ở cách nhà không xa, trong một khu du lịch có một chiếc hồ nhân tạo rất lớn. Đàn ông dựng lều bạt, phụ nữ bày lò nướng, xếp bàn, bày biện các món ăn. Mẹ cậu đã tự tay làm một chiếc bánh kem, thực ra cũng không được đẹp cho lắm nhưng là loại bánh kem bắp lạnh mà Ánh rất thích. Ánh cùng con Lì ra bờ hồ, đặt ghế xếp, móc mồi câu trông rất điệu nghệ, lúc thấy cậu đi đến, nó bảo:
- Ngày trước anh Phong với bố vẫn hay ra đây đi câu. Mấy năm rồi...
Câu nói bỏ lửng, một cơn gió ùa tới cuốn bay chiếc mũ cói Ánh đang đội, xõa tung mái tóc dài, con bé ngước lên nhìn cậu, một thoáng khiến cậu bối rối, hình như có điều gì khang khác với đứa con gái nhỏ bé 8,9 tuổi ngày đầu nhìn cậu lom lom. Từ bao giờ đã trông khác như vậy, ngay cả nụ cười híp mắt cũng đã không còn nét trẻ con nữa. Trong ánh nắng dịu dàng buổi sáng hôm ấy, hình như thứ đang đập trong lồng ngực cậu đã sững lại một nhịp cho đến khi nghe tiếng mẹ cậu gọi ở đằng xa.
Vậy nhưng cảm xúc của một đứa con trai 17 với một đứa con gái 13 vẫn chưa thể gọi là tình yêu. Nó chỉ như những tia nắng đầu tiên của buổi bình mình xua tan dần màn đêm tĩnh mịch. Cậu chạy lấy mũ cho Ánh rồi mới rảo chân về phía mẹ mình, giúp bà khiêng mấy thùng hải sản tươi ướp đá từ ô tô xuống. Thi thoảng cậu lại đưa mắt về phía bờ hồ, nơi Ánh vẫn cặm cụi ngồi móc mồi câu vào ba chiếc cần mang theo. Con mèo xám đã tìm được một góc nắng nằm phơi mình hưởng thụ. Hôm ấy câu mãi mới được vài con cá, chị Cam đem vào nhờ nhà hàng làm sạch, ướp muối rồi cho lên bàn nướng. Đã lâu rồi mới thấy người trong nhà cười nói với nhau nhiều như vậy, cả mẹ cậu cũng cười rất nhiều, cơ mặt không còn chùng xuống như mọi ngày. Dường như tiếng cười không chỉ ở gia đình cậu, mà còn từ những lều xung quanh. Bỗng có tiếng ai đó gọi cậu rất quen thuộc:
- Thì ra nhà cậu cắm trại ở đây? Tình cờ vậy, bọn mình cũng ra đây!
Chân mày cậu nhíu lại, ánh mặt vừa bất ngờ vừa ngờ vực:
- Tại sao cậu biết nhà tôi đến chỗ này?
- Ơ... cậu nghĩ đi đâu vậy? Chỗ cho thuê xe bị trục trặc nên tụi này đổi kế hoạch ra đây thôi. Tin hay không tùy cậu.
Cậu nhìn Oải Hương, một thoáng dò xét rồi nhún vai bước về phía hồ nơi bố cậu, Ánh và bố con bé đang ngồi thu dọn cần. Oải Hương đi về phía những người phụ nữ, chào hỏi vui vẻ, sau đó lại hướng ánh mắt về phía cậu. Đoạn cô nàng đi đến chỗ Ánh, lấy trong túi ra một gói nhỏ, nói:
- Mừng sinh nhật em gái. Hôm nay mới nhìn kỹ, xinh xắn quá.
Ánh đưa mắt nhìn cậu, sau đó nở một nụ cười đúng phong cách xã giao trong những buổi tiệc mà cậu và nó thường đến, nói:
- Em cảm ơn!
- Thôi cậu về bên kia đi kẻo bọn bạn cậu lại trông! - Cậu lên tiếng.
- Chốc nữa cậu sang chỗ bọn tớ một lát không? - Oải Hương hỏi.
- Thứ hai đi học sẽ nói chuyện với cậu sau! - Cậu đáp, sau đó kéo Ánh về phía lều. - Đi lại đây anh bảo cái này!
Oải Hương nhìn theo bóng lưng cậu, hơi nhếch mép cười rồi cũng rảo bước đi lên cầu gỗ bắc ngang đi về trại của cô nàng phía bên kia hồ.
- Anh với chị í gây nhau à?
- Trẻ con, đừng tò mò.
Ánh bĩu môi:
- Em đã là người lớn rồi, chỉ là anh không biết thôi. Mà em nhìn qua là biết đang giận nhau. Sao vậy? Cần em giúp không?
Cậu búng vào trán nó, nói:
- Giúp cái đầu em í! Mới cao bằng này mà người lớn với ai? Với con Lì à??
- Con Lì có bạn gái rồi đấy, nó còn làm mèo nhà người ta có chửa, chắc cũng sắp sinh rồi. Nó sắp làm bố rồi. Anh tính ra còn chưa so sánh được với nó.
Thật ra lúc ấy cậu có ngoái lại nhìn theo Oải Hương, trong một giây phút cảm thấy mình có lỗi, thằng bạn cậu nói cũng có phần đúng, có thể con gái khi tức giận thường sẽ nói những điều gây tổn thương thiếu cân nhắc, có lẽ cậu chẳng cần canh cánh mãi điều ấy trong lòng, nhưng cậu vẫn cảm thấy đâu đó Oải Hương vẫn nhìn cậu bằng ánh mắt dành cho một dây tầm gửi, mà cũng chẳng có gì sai, cuộc sống "vương giả" này của cậu là nhờ vào mẹ cậu kết hôn với một người đàn ông giàu có, đưa cậu từ căn phòng trọ bình dân bước vào ngôi trường thượng lưu của những cô cậu sinh ra từ trứng vàng. Ngày ấy cậu cũng đã từng suy nghĩ qua rằng cậu có yêu Oải Hương không, mà yêu là gì? Như bố cậu yêu mẹ cậu, rồi nói đi là đi, chẳng một lần trở lại. Có thứ tình yêu nào sống sót nếu người ta mỗi ngày đều phải đối mặt với cơm áo gạo tiền? Thước đo của tình yêu không phải là tiền, nhưng gánh nặng kiếm tiền khiến người ta chẳng còn đủ sức mà yêu nữa, mẹ cậu đã từng nói thế.
Cậu còn nhớ đêm hôm ấy khi cậu bước qua bên kia cầu, định bụng tìm cô bạn gái nói một lời xin lỗi, đi tới đi lui vẫn không rõ họ ở lều nào bèn đi vào khu nhà bungalow dạo qua một lượt. Lúc mất hết kiên nhẫn định bụng gọi điện thoại lại nghe tiếng nói vọng ra từ một ô cửa sổ mở, là tiếng Oải Hương và một cô nàng trong nhóm, đoạn đối thoại qua lại có đề cập đến cậu, cả thân phận "con riêng" của cậu lẫn túi tiền của bố dượng, so sánh cậu với những anh chàng khác trong nhóm. Tự nhiên cậu lại chùn bước, con gái thực dụng với cậu mà nói cũng chẳng có gì là xấu, mà bản thân cậu cũng không bất ngờ, vậy nhưng nghe trực tiếp từ giọng nói vẫn luôn nũng nịu với cậu nói ra những lời ấy vẫn khiến cho cậu nghẹn đắng trong lòng. Tình yêu đầu có vẻ chẳng trong sáng đơn thuần như người ta vẫn nói. Có thể Oải Hương có tình cảm với cậu, nhưng có lẽ loại tình cảm này cần duy trì bằng cả vật chất và gia thế.
Sao quay bước ra bờ hồ, điện thoại lấy ra vừa định gọi lại cất về chỗ cũ. Cậu đi bộ dọc theo bờ hồ cho đến một cây cầu ở phía xa, băng qua rồi mới đi ngược về lều. Mọi người đã về phòng ngủ, chỉ còn bố dượng và vị anh em cọc chèo ngồi lại nhâm nhi hàn huyên, thấy cậu liền ngoắc lại ngồi chung. Những câu chuyện của người lớn chẳng có gì thú vị cho lắm. Được một lúc bố cậu vỗ vai, hỏi:
- Con tính lên đại học sẽ học khoa gì?
- Cũng... chưa nghĩ xong bố ạ! Con sẽ nghĩ thêm!
- Ừ, nghĩ kỹ một chút. Bố cũng chẳng muốn ép con, nhưng nhà mình có mỗi mình con, sau này đều đặt lên vai con cả. Chịu khó nhé chàng trai!
Cậu sững người lại một nhịp. Ông anh cọc chèo của bố cũng một thoáng nhíu mày, ly rượu thủy tinh cầm trên tay chao nhẹ lưng chừng.
- Bố, sao lại mỗi mình con? Sau này bố mẹ cũng phải sinh thêm vài đứa cho con gõ đầu chúng nó chứ?
- Chậc, không sinh nữa. – Bố cậu thở dài – Chẳng phải có con trai rồi đây còn sinh thêm làm gì? Chăm trẻ con phiền phức lắm.
Lúc ấy cậu thực sự không hiểu, cả bố dượng và mẹ đều còn trẻ, sức khỏe mẹ cậu rất tốt, vậy mà hai người bọn họ đã mấy năm rồi vẫn không hề đề cập qua đến chuyện con cái. Mẹ cậu luôn cười trừ, còn bố dượng lại sợ trẻ con phiền phức, nhưng mẹ của Ánh chẳng phải rất coi trọng chuyện con cái nối dõi cho nhà ấy sao? Nghĩ là nghĩ vậy nhưng cậu chẳng hỏi thêm. Cậu bước ra ngoài nhìn về căn bungalow gần đó, cửa sổ phòng Ánh vẫn sáng, trong đầu cậu tự hiện lên hình ảnh một con bé ngồi giữa một tá quà tặng của mọi người mà cậu lúc nãy phụ nó khuân về phòng, chẳng biết nó đã mở xem món quà mà cậu tặng nó chưa, liệu nó đã biết tìm ra bí mật nhỏ mà cậu giấu, liệu nó có thích món quà ấy không? Cậu đem mớ câu hỏi ấy vào giấc ngủ. Hôm sau và những hôm sau nữa, Ánh chẳng hề đề cập với cậu lần nào về món quà cậu tặng, vậy nên cậu cũng có chút chạnh lòng, có lẽ bí mật nho nhỏ ấy chỉ mình cậu biết mà thôi.
Chuyện của cậu và Oải Hương cũng chẳng chấm dứt hẳn. Thi thoảng nếu cô nàng không đi với đám bạn, cậu lại cùng cô đến những nơi cô thích. Thời gian còn lại cậu tập trung học hành cho những kỳ thi sắp tới. Nghĩ mãi, cuối cùng cậu không chọn du học, cũng không học trường quốc tế gần nhà mà âm thầm nộp đơn vào một trường đại học ở miền Nam. Ngày cậu nhận giấy báo trúng tuyển, Oải Hương phản đối dữ dội. Mẹ cậu muốn cậu thay đổi quyết định, chỉ có bố trầm ngâm, ánh mắt đau đáu nhìn cậu. Ngày ấy khi cậu nói với bố dượng về việc từ bỏ quyền thừa kế, ông im lặng một lúc mới nói:
- Là con không tin bố? Hay là con sợ thiên hạ?
- Là con không muốn nhận những thứ không thuộc về mình!
- Thôi được, quyền của con, bố không can thiệp. Chỉ có điều bố mong rằng sau này con sẽ hiểu tấm lòng bố đối với con.
Trước ngày cậu đi, Ánh bị ốm, hệt như lần Phong đi Mỹ. Nó nằm mãi trong phòng, nghe chị Cam nói bác sĩ bảo lần này con bé ốm thật. Cậu sang vài lần con bé đều quay mặt vào trong, mắt nhắm nghiền. Con thỏ bông xám cậu tặng nằm lăn lóc trên sàn ở góc phòng. Cậu thở dài, mỗi lần đều chỉ nói một câu na ná nhau: "Mai anh lại sang". Cho đến ngày cuối cùng trước khi cậu đi, cậu lên phòng Ánh, gõ cửa nói:
- Nhóc con, anh đi đây! Em đừng ốm nữa!
Bên trong im lìm, không một tiếng đáp. Cậu đứng một lúc rồi quay bước xuống cầu thang. Cậu biết đằng sau lưng có tiếng cửa hé mở, dừng chân lại một nhịp, đắn đo sau đó bước tiếp, bỏ lại một ánh mắt len lén nhìn theo. Lúc ấy cậu tự nhủ với mình "Hè lại về, chỉ mấy tháng thôi mà!". Vậy nhưng mùa hè năm ấy, cậu lại chẳng hề trở về như đã định.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top