Chương 4 - Béchoux, Viên Cảnh Sát

D' Enneris nắm lấy cánh tay hai người phụ nữ và trấn an họ:

- Bình tĩnh! Quái quỷ! Mới đầu mà các cô đã nao núng như vậy thì chẳng làm gì được.

Ông quản lý già bước đi trước hơi xa. Van Houben cùng vào trong sân với Béchoux, nói nhỏ vào tai ông này:

- Đúng chứ! Tôi đánh hơi tốt. May mà chúng ta có mặt ở đây!... Chú ý về những viên kim cương... Đừng rời mắt khỏi d' Enneris.

Họ đi qua khoảng sân rộng lát đá không đều nhau. Tường những ngôi nhà bên cạnh trần trụi, không cửa sổ bao bọc bên phải, bên trái. Phía cuối ngôi nhà có những cửa sổ cao, có vẻ bề thế. Họ bước lên sáu bậc thang.

Régine Aubry ấp úng:

- Nếu tiền sảnh lát đá đen, trắng, tôi sẽ không chịu nổi.

- Mẹ kiếp! - d' Enneris phản ứng.

Tiền sảnh có đá đen và trắng. D' Enneris bấu chặt cánh tay hai cô bạn đến mức giúp họ đứng vững trên đôi chân run run.

- Tấm thảm cầu thang cũng như thế - Régine lầm bầm.

- Đúng tầm ấy - Arlette rên rỉ - và tay vịn ấy...

- Thì sao?... - d' Enneris nói.

- Nhưng nếu chúng tôi nhận ra phòng khách?...

- Việc cần thiết là đến đấy. Tôi cho rằng nếu ông bá tước là thủ phạm, ông ta sẽ không dẫn chúng ta vào đó.

- Vậy phải làm gì?

- Phải buộc ông ấy đưa vào. Nào, Arlette, can đảm lên và dù thế nào cũng không thốt một lời!

Lúc ấy bá tước Adrien de Mélamare đến trước các vị khách, đưa họ vào một gian phòng ở tầng trệt trang trí đồ gỗ mun rất đẹp từ thời Louis XIV, chắc là phòng làm việc của ông. Đây là một người đàn ông tóc hoa râm, có lẽ bốn mươi lăm tuổi, người nặng nề, khuôn mặt hơi khó coi và ít gây được thiện cảm. Ông nhìn với một cảm giác hơi mơ hồ, đôi lúc đãng trí, có vẻ bối rối.

Ông chào Régine, hơi giật mình khi thấy Arlette và ngay lập tức tỏ ra lịch sự nhưng xem ra có vẻ hời hợt và theo thói quen quý tộc. Jean d' Enneris tự giới thiệu mình và các cô bạn; không nói thêm một tiếng nào về Béchoux và Van Houben.

Ông này nghiêng mình có phần quá mức, nói với điệu bộ cố tỏ ra duyên dáng:

- Van Houben, tỷ phú về đá quý... Van Houben bị trấn lột kim cương ở nhà hát nhạc vũ kịch. Người cộng sự của tôi, ông Béchoux.

Bá tước, tuy khá ngạc nhiên về tập hợp khách này, nhưng không ý kiến gì. Ông chào và chờ đợi. Van Houben, những viên kim cương ở nhà hát. Béchoux, người ta có thể nghĩ mọi cái ấy không có ý nghĩa gì đối với ông.

Lúc ấy d' Enneris, hoàn toàn tự chủ, không hề bối rối cất lời:

- Thưa ông, sự tình cờ đưa đến nhiều việc. Ngay cả hôm nay khi tôi đến phục vụ ông một việc nhỏ, giở một danh mục cũ về những người danh giá, tôi phát hiện ra chúng ta có họ hàng với nhau. Bà cụ ngoại tôi, dòng họ Sourdin đã lấy một người họ Mélamare, ngành thứ họ Mélamare Saintonge.

Khuôn mặt bá tước rạng lên. Rõ ràng những vấn đề dòng giống làm ông quan tâm và ông trao đổi vối Jean d' Enneris câu chuyện họ hàng của hai người gắn bó với nhau như thế nào. Arlette và Régine bình tĩnh lại dần. Van Houben nói nhỏ với Béchoux:

- Thế nào vậy, anh ta liên minh với gia đình Mélamare à?...

- Cũng như tôi với giáo hoàng vậy - Béchoux càu nhàu.

- Nếu thế thì anh ta liều lĩnh quá!

- Chỉ là bắt đầu thôi đấy.

D' Enneris vẫn tiếp tục, mỗi lúc càng tự do:

- Nhưng tôi lạm dụng sự kiên trì của ông, thưa ông và là người bà con, nếu ông cho phép, tôi nói ngay sự tình cờ đã giúp tôi như thế nào.

- Xin mời ông, thưa ông.

- Tình cờ, một buổi sáng ở tàu điện ngầm tôi đọc thấy thông cáo của ông trên báo. Tôi chú ý ngay vì nội dung của nó và những vật ông tìm kiếm chẳng có ý nghĩa gì. Một mẩu dải băng lụa xanh, một tấm che lỗ khoá, một đĩa nến, một tay nắm đôi kìm, là những vật có lẽ không đáng đưa lên báo. Mấy phút sau tôi không nghĩ đến nữa và có lẽ không bao giờ lưu ý nữa nếu...

Sau một lúc khôn khéo bỏ dở, Jean tiếp tục:

- Dĩ nhiên, người bà con thân mến, ông biết chợ "Marché aux Puces" lộn xộn đủ mọi đồ vật chắp vá. Thường tôi tìm thấy ở đấy nhiều vật rất đẹp và không bao giờ tôi tiếc công đi dạo quanh chợ. Rồi bỗng trên hè đường giữa đống vật dụng không có giá trị, tôi nhìn thấy một mẩu băng... Vâng, một mẩu dải băng kéo chuông bằng lụa xanh đã nhạt màu. Và bên cạnh là một tấm che lỗ khoá, một đĩa nến bằng bạc...

Thái độ của ông de Mélamare bỗng nhiên thay đổi. Vô cùng xúc động, ông kêu lên:

- Nhưng hỏi ở đâu, thưa ông? Làm sao có được chúng?

- Chỉ đơn giản hỏi xin tôi thôi.

- Sao?... Ông đã mua lại chúng? Giá bao nhiêu? Tôi xin trả lại ông gấp đôi, gấp ba! Tôi rất cần...

D' Enneris làm ông bình tâm lại:

- Để tôi biếu ông, người bà con thân mến. Tôi mua tất cả chỉ mười ba phrăng rưỡi!

- Chúng đang ở nhà ông?

- Chúng ở ngay đây, trong túi tôi. Tôi vừa ghé qua nhà lấy đưa tới.

Bá tước đưa tay ra, không ngượng ngùng gì.

- Một giây đã - Jean d' Enneris vui vẻ nói - Tôi muốn được một phần thưởng... ồ, rất nhỏ thôi. Tôi vốn bản chất tò mò... muốn xem chỗ để chúng... và cũng để biết tại sao ông cần đến chúng như vậy.

Bá tước ngập ngừng. Yêu cầu có vẻ không kín đáo và chứng tỏ có sự nghi ngờ nào đấy nhưng về phần ông, sự ngập ngừng ấy có ý nghĩa xiết bao! Tuy vậy cuối cùng ông trả lời:

- Dễ thôi, thưa ông. Xin mời theo tôi lên gác hai, vào phòng khách.

D' Enneris liếc nhìn hai phụ nữ trẻ để muốn nói:

"Các cô thấy không... Bao giờ người ta cũng đi đến điều mình muốn".

Nhưng quan sát họ anh thấy nét mặt họ biến sắc. Phòng khách là chỗ hai cô đã trải qua thử thách. Trở lại đó là xác nhận điều đáng sợ. Van Houben cũng đã hiểu: sẽ tiến tới một giai đoạn mới. Đội trưởng Béchoux tỏ ra hăm hở, bám theo bước chân bá tước. Ông này nói:

- Xin lỗi, để tôi dẫn đường.

Họ cùng đi ra, qua gian tiền sảnh lát đá. Tiếng chân bước vang dội khu cầu thang. Régine đếm các bậc. Có hai mươi lăm... Hai mươi lăm! Đúng con số ấy. Cô lại bải hoải người, nghiêm trọng hơn và chao đảo.

Mọi người xúm lại quanh cô. Có gì vậy? Cô đau đớn ư? Régine thì thầm, không mở mắt:

- Không, không... Chỉ hơi chóng mặt... Thứ lỗi cho tôi.

Van Houben và d' Enneris dìu cô ngồi lên một chiếc trường kỷ. Nhưng khi Arlette vào, thấy gian phòng, cô kêu lên một tiếng, loay hoay và ngã xuống bất tỉnh trên một chiếc phô-tơi.

Thế là hoảng hốt, một sự lộn xộn hơi buồn cười. Người ta quay sang phải, sang trái tuỳ tiện. Bá tước gọi:

- Gilberte! Gertrude! Nhanh lên! Đưa thuốc muối lên đây... ê-te. Frangois, gọi Gertrude cho tôi.

Frangois lên trước tiên. Đây là người quản gia chắc là người đầy tớ duy nhất với bà vợ Gertrude cũng già như ông và nhăn nheo hơn. Bà theo sát ông. Rồi người mà bá tước gọi là Gilberte đi vào, ông nói ngay với bà này:

- Em gái, hai phụ nữ trẻ này có vấn đề về sức khoẻ.

Gilberte de Mélamare đã ly dị chồng, lấy lại họ thời con gái cao lớn, tóc nâu, kiêu kỳ với khuôn mặt trẻ và đầy đặn nhưng có cái gì đó lạc hậu trong cách ăn mặc và phong thái.

Bà trông hiền hơn ông anh. Đôi mắt đen, rất đẹp, tỏ ra nghiêm trang. D' Enneris ghi nhận bà mặc áo dài màu mận chín có những băng nhung đen.

Tuy quang cảnh hình như không giải thích được, bà vẫn giữ vững can đảm. Bà dấp nước hoa lên trán Arlette, bảo Gertrude săn sóc cô rồi lại gần Régine mà Van Houben đang cố gắng chạy chữa. Gertrude de Mélamare cúi xuống hỏi:

- Còn cô ra sao? Không nghiêm trọng lắm chứ? Cô cảm thấy thế nào?

Bà cho Régine ngửi lọ thuốc muối. Cô mở mắt, nhìn bà, nhìn chiếc áo mận chín có những băng nhung đen rồi đôi tay bà và đứng ngay dậy, kêu lên thất thanh hoảng sợ:

- Chiếc nhẫn! Ba viên ngọc trai! Đừng đụng vào người tôi! Bà là người đàn bà đêm hôm nọ! Đúng, chính bà... tôi nhận ra chiếc nhẫn... nhận ra bàn tay bà... cả phòng khách này... đồ gỗ phủ lụa xanh này... sàn nhà... lò sưởi... tấm thảm... chiếc ghế đẩu gỗ mun... Ôi! Để mặc tôi, đừng đụng vào tôi.

Cô ấp úng mấy tiếng nữa không rõ, chao đảo như lần trước rồi lại bất tỉnh. Arlette cũng đến lượt tỉnh dậy, nhận ra đôi giày mõm nhọn đã nhìn thấy trên ô-tô, nghe tiếng chiếc đồng hồ, đúng tiếng ấy và cũng người đàn bà ấy... Thật khủng khiếp!

Hoảng hốt đến nỗi không ai động đậy. Quang cảnh có vẻ là một màn kịch thông tục gây cười cho một người vô tâm. Đôi môi Jean d' Enneris hơi mím lại, thú vị.

Van Houben lần lượt hỏi d' Enneris rồi Béchoux để biết nên nghĩ ra sao. Béchoux chăm chú dò xét ông anh và bà em gái đang đứng ngẩn người.

- Những lời nói ấy có nghĩa là gì? - Bá tước lẩm bẩm - Về chiếc nhẫn nào vậy? Tôi cho rằng cô ấy mê sảng.

D' Enneris can thiệp ngay; anh làm việc ấy nhẹ nhàng như không hề chú ý gì đến tất cả những hiện tượng đó.

- Người bà con thân mến, ông nói từ ấy thật chính xác. Sự xúc động của hai cô bạn tôi có liên quan đến những loại cơn sốt không xác định được dẫn tới nghi là mê sảng. Tôi sẽ giải thích với ông sau. Ông cho tôi một thời hạn mới và nên giải quyết ngay vấn đề nhỏ nhặt những vật tôi thu thập được đã chứ?

Bá tước Adrien không trả lời. Ông tỏ ra bối rối xen lẫn lo lắng, lẩm bẩm những lời không rõ:

- Việc ấy phù hợp với điều gì và chúng ta phải nghĩ như thế nào? Tôi khó hình dung nổi...

Ông đưa bà em ra một phía và họ sôi nổi trao đổi với nhau. Jean tiến lại chỗ ông, cầm giữa ngón cái và ngón trỏ một mảnh đồng làm thành hai con bướm xoè cánh.

- Đây là miếng áp ngoài lỗ khoá, người bà con thân mến. Tôi cho rằng đúng là miếng đã mất đi của một trong những ngăn kéo chiếc bàn này. Nó giống như hai mảnh kia.

Anh tự áp mảnh đồng và chỗ của nó và những đầu nhọn mặc nhiên khớp vào lỗ cũ. Tiếp đó Jean d' Enneris lấy dải băng xanh trong túi ra, một đầu còn đính núm chuông cũng bằng đồng. Thấy dọc theo lò sưởi một dải băng khác đang treo, phía dưới bị đứt và cùng màu, anh lại gần, nối hai đầu rất khớp với nhau.

- Tốt lắm - Anh nói - Và chiếc đĩa nến này, chúng ta để vào đâu, ông bà con thân mến?

- Ở chiếc đèn nhiều ngọn kia, thưa ông - Bá tước Andrien nói giọng cục mịch - Có sáu chiếc, chỉ còn năm như ông thấy. Còn lại tay nắm chiếc kìm bị vặn tháo đi.

- Nó đây - Jean nói vừa lấy tất cả trong túi ra - Bây giờ, người bà con thân mến, ông giữ lời hứa cho, đúng không? Ông cho biết vì sao những vật lặt vặt ấy thân thiết với ông đến thế và vì sao chúng bị thất lạc?

Những việc làm trên làm cho bá tước có thì giờ bình tâm lại, hình như ông đã quên những lời rủa của Régine và những rên rỉ của Arlette vì ông trả lời ngắn gọn, như muốn rũ bỏ người lạ mặt buộc ông có lời hứa bất ngờ:

- Tôi thân thiết với mọi thứ mà những người trong dòng họ để lại và những vật lặt vặt như ông nói, đối với em gái tôi và tôi cũng thiêng liêng như những đồ vật hiếm hoi nhất.

Lời giải thích có giá trị của nó. Jean d' Enneiis lại nói:

- Ông thân thiết với chúng rất phải lẽ, như tôi tự mình đã quá biết người ta gắn bó với những kỷ niệm gia đình đến mức nào. Nhưng tại sao chúng biến mất?

- Tôi không rõ, thưa ông - Bá tước nói - Một buổi sáng nhận thấy thiếu mất một đĩa nến, tôi cùng bà em kiểm tra tỉ mỉ. Mảnh đồng ở lỗ khoá thiếu, một mẩu dải băng, tay nắm đôi kìm cũng thế.

- Vậy là một vụ trộm?

- Chắc chắn rồi, và lấy cùng một lúc.

- Sao vậy? Có thể lấy trộm những hộp kẹo này, những bức tranh thu nhỏ, chiếc đồng hồ, vật bằng bạc này, mọi đồ đạc có giá trị... Thế mà người ta chọn những gì vô nghĩa nhất. Vì lý do gì?

- Tôi không biết, thưa ông.

Bá tước lặp lại câu nói ấy một cách khô khan. Những câu hỏi làm ông chán ngấy và cuộc đến thăm, đối với ông, không còn mục đích nữa. Jean nói:

- Có lẽ ông muốn tôi giải thích những lý do tôi tự cho phép mình dẫn hai cô bạn đến đây và vì sao họ xúc động quá như vậy.

- Không! - Bá tước Adrien tuyên bố rõ ràng - Việc đó không liên quan gì đến tôi.

Ông vội kết thúc cho chóng xong và phác một cử chỉ ra cửa. Nhưng ông thấy Béchoux tiến lại trước mặt, nghiêm trang nói với ông:

- Việc đó liên quan đến ông, thưa bá tước. Một số câu hỏi cần được sáng tỏ ngay bây giờ.

Béchoux can thiệp, một cách uy quyền. Ông ta đưa hai cánh tay dài ra ngáng cửa.

- Nhưng ông là ai? - Bá tước kêu lên cao đạo.

- Đội trưởng cảnh sát Béchoux.

Ông de Mélamare nhảy dựng lên.

- Ông là một cảnh sát? Ông có quyền gì vào nhà tôi? Một viên cảnh sát ở đây! Trong nhà Mélamare!

- Tôi đã tự giới thiệu với ông tên mình là Béchoux ngay khi đến, thưa bá tước. Nhưng những gì tôi thấy và nghe buộc tôi phải thêm vào chức vụ đội trưởng.

- Những gì ông thấy?... Những gì ông nghe được? - Ông de Mélamare ấp úng, mặt mỗi lúc càng tái đi - Nhưng thực sự, thưa ông, tôi không cho phép ông...

- Điều đó không làm tôi quan tâm - Béchoux không giữ lễ độ rống lên.

Bá tước trở lại chỗ bà em và họ lại to tiếng. Gilberte de Mélamare tỏ ra xúc động như ông anh. Họ đứng dựa vào nhau, chờ đợi với thái độ những người đang cảm thấy bị tấn công.

- Thế là Béchoux kích động rồi - Van Houben nói rất nhỏ với Jean.

- Phải, tôi thấy ông ta mỗi lúc càng giận dữ. Tôi biết rõ con người ấy. Bắt đầu bằng bực tức, bịt mắt lại và rồi đột nhiên bùng lên.

Arlette và Régine cũng đứng dậy, lùi lại sau dưới sự bảo vệ của Jean. Béchoux dằn giọng:

- Không lâu đâu, thưa bá tước. Vài câu hỏi, tôi đề nghị ông trả lời không quanh co. Hôm qua ông ra khỏi nhà lúc mấy giờ? Và bà de Mélamare nữa?

Bá tước nhún vai, không trả lòi. Bà em mềm dẻo hơn, thấy nên trả lời:

- Anh tôi và tôi ra ngoài lúc hai giờ và trở về lúc bốn giờ rưỡi để uống trà.

- Và sau đó?

- Chúng tôi ở nhà, không bao giờ ra ngoài buổi tối.

- Điều đó lại là một vấn đề khác - Béchoux kiêu căng nói - Tôi muốn biết, hôm qua ông và bà làm gì trong gian phòng này, giữa tám giờ tối và nửa đêm?

Ông de Mélamare tức tối dẫm chân, bảo bà em im đi. Béchoux hiểu không một sức mạnh nào trên đời buộc được họ nói; điều đó làm ông nổi nóng và với sự tin chắc của mình, không hỏi nữa, ông tuôn ra lời kết tội, lúc đầu giọng cố nén rồi gay gắt, nghiêm khắc, run run:

- Thưa bá tước, chiều hôm qua ông không ở nhà, cả bà em cũng thế, mà ở trước số nhà 3b đường Mout-Thabor. Nhân danh bác sĩ Bricou, ông chờ một cô gái, bắt lên ô-tô, bà em trùm chăn vào đầu cô gái và ông chở đến đây, trong nhà này của ông. Cô gái ấy đã bỏ trốn. Ông đuổi theo cô trên các đường phố nhưng không bắt kịp. Cô ấy đây.

Bá tước đấm mạnh, môi cong lên, tay nắm chặt:

- Ông điên rồi! Ông điên rồi! Tất cả những kẻ điên này là thế nào đây?

- Tôi không điên! - Viên cảnh sát rống lên, chuyển dần sang tấn kịch thông tục và cường điệu làm d' Enneris thích thú vì những lời khoa trương và thô lỗ - Tôi chỉ nói đúng sự thật. Bằng chứng? Tôi có đầy túi. Cô Arlette Mazolle mà ông đứng chờ ở cửa nhà may Chemitz có thể là một nhân chứng. Cô ấy trèo lên lò sưởi nhà ông, nằm dài trên chiếc tủ này. Cô ấy làm đổ chiếc độc bình, mở cửa sổ, chạy qua khu vườn này. Cô lấy người mẹ ra thề. Đúng chứ, Arlette Mazolle, cô thề điều đó trên đầu người mẹ thân yêu của mình.

D' Enneris nói vào tai Van Houben:

- Ông ta ngớ ngẩn rồi. Có quyền gì làm dự thẩm? Và việc phán xét thảm hại làm sao! Chỉ có ông ta nói!...

Thực vậy, Béchoux hét lên, đối mặt với ông bá tước đôi mắt ngơ ngác đang bối rối cực độ:

- Không phải chỉ có thế, thưa ông! Thậm chí chưa là gì cả. Có một việc khác! Cô này... Cô này... (Ông chỉ Régine Aubry) ông biết rõ cô ấy chứ? Người bị bắt cóc vào một buổi tối ở nhà hát nhạc vũ kịch, và ai bắt? Thế nào? Ai đã đưa cô ta đến đây, trong phòng khách này mà cô nhận ra đồ đạc... đúng chứ, thưa cô? Những chiếc phô - tơi này... chiếc ghế đẩu... sàn nhà này...

Thế nào thưa ông, ai đưa cô ấy đến đây? Ai đã lột của cô chiếc yếm kim cương? Bá tước de Mélamare... Bằng chứng? Chiếc nhẫn đính ba viên ngọc trai... Bằng chứng có quá nhiều. Toà án sẽ quyết định, thưa ông, và những thủ trưởng của tôi.

Ông nói không hết câu. Bá tước de Mélamare không nén được tức giận, chộp lấy cổ họng ông, dẫm chân chửi rủa. Béchoux vùng ra, giơ nắm đấm, lại bắt đầu lời buộc tội lạ thường. Bị thúc đẩy vì những sự việc hiển nhiên, vì vai trò của mình trong vụ này nhất là vì tầm quan trọng về vai trò của mình trước các thủ trưởng và công chúng, ông ta ngớ ngẩn như d' Enneris đã nói. Ông bỗng cảm thấy rõ thế nên ngừng ngay lại, lau mồ hôi trán và đột nhiên tự chủ đúng mức, nhấn mạnh:

- Tôi thú nhận đã vượt quá quyền hạn của mình. Việc này không thuộc về khả năng của tôi và tôi sẽ điện thoại cho Sở cảnh sát. Đề nghị ông chờ những chỉ thị tôi sẽ nhận được.

Bá tước ngồi sụp xuống, hai tay ôm đầu như một người không muốn tự bảo vệ nữa. Nhưng Gilberte ngáng đường ông đội trưởng, hổn hển nói:

- Cảnh sát! Cảnh sát sẽ đến đây?... Trong nhà này? Không không... Không thể thế... Có những sự kiện này... Ông không có quyền... Đấy là một trọng tội.

- Tôi xin lỗi, thưa bà - Béchoux nói. Chiến thắng làm ông tỏ ra lễ độ.

Bà bấu vào cánh tay viên cảnh sát, khẩn khoản:

- Tôi khẩn cầu, thưa ông. Anh tôi và tôi là nạn nhân của một sự hiểu lầm ghê tởm. Anh tôi không thể có một việc làm xấu... Tôi xin ông...

Béchoux không nao núng. Thấy máy điện thoại ở phòng ngoài, ông đi ra, nói chuyện và trở vào.

Mọi việc không kéo dài. Trong nửa tiếng, Béchoux mỗi lúc càng kích động, ba hoa trước d' Enneris và Van Houben còn Régine và Arlette nhìn ông anh và bà em ghê sợ xen lẫn thông cảm. Cảnh sát trưởng đến cùng một số nhân viên, tiếp đó là một dự thẩm, một lục sự, một chưởng lý. Việc liên hệ điện thoại của Béchoux đã có tác dụng.

Một cuộc điều tra sơ bộ được tiến hành. Người ta thẩm vấn vợ chồng người đầy tớ già. Họ ở trong một cánh cửa ngôi nhà cách biệt, chỉ lo về công việc của mình. Công việc xong họ về phòng hoặc vào trong bếp nhìn ra hàng rào khu vườn.

Việc trình bày của hai phụ nữ trẻ rất nặng nề; họ gợi lại những điều mình nhớ. Đặc biệt Arlette, cô chỉ con đường mình chạy trốn, ngay trước khi nhìn lại, đã tả khu vườn, rặng cây, bức tường, căn nhà phía cuối, cánh cửa, đường phố vắng vẻ đi tới một con đường nhộn nhịp hơn. Không thể có một nghi ngờ gì.

Vả lại, Béchoux vinh dự có một phát hiện cho phép không còn một ngập ngừng nhỏ nhất. Nhìn vào phía trong tủ, Béchoux nhận thấy một loạt bìa cũ gấp thành bốn trang sách cũ có vẻ khả nghi. Quan sát từng tập, ông thấy không có trang sách mà là những chiếc hộp.

Một trong những hộp đó đựng mảnh vải bạc, một hộp khác đựng chiếc yếm.

Régine kêu lên ngay:

- Chiếc áo bó thân của tôi!... Chiếc yếm của tôi!... Chiếc yếm của tôi!...

- Nhưng những viên kim cương không còn đấy nữa! – Van Houben rống lên, chao đảo như người ta lấy kim cương của ông lần thứ hai - Những viên kim cương của tôi, ông làm gì chúng rồi? Chà! Rồi ông buộc phải trả lại...

Bá tước de Mélamare thản nhiên chứng kiến cảnh ấy với một cảm giác là lạ. Khi viên dự thẩm ngoảnh lại phía ông, đưa mảnh áo và chiếc yếm đã tước hết kim cương, ông ngẩng đầu lên, miệng nhăn nhó một nụ cười thảm hại.

- Em tôi không ở đây sao? - ông nhìn quanh thì thầm.

Bà đầy tớ già trả lời:

- Tôi nghĩ bà đã về phòng.

- Bà vĩnh biệt bà ấy hộ tôi và bảo nên theo gương tôi.

Và nhanh nhẹn, ông rút khẩu súng ngắn trong túi áo ra đưa lên thái dương bóp cò.

D' Enneris đang trông chừng, đẩy ngay cùi tay ông. Viên đạn chệch hướng, làm vỡ một mảng kính cửa sổ. Cảnh sát lao vào ông de Mélamare. Viên dự thẩm tuyên bố:

- Ông có lệnh bắt giữ, bá tước. Dẫn cả bà de Mélamare! - Nhưng khi tìm bà này khắp nhà, người ta đều không thấy.

Bà trốn đi đường nào và với mưu mô gì?

D' Enneris rất lo lắng, sợ có một vụ tự sát, hướng dẫn truy tìm. Không có kết quả.

- Bất kể thế nào - Béchoux lẩm bẩm - ông Van Houben, ông sắp lấy lại được những viên kim cương. Tình hình tốt rồi và tôi đã làm đúng.

- Jcan d' Enneris cũng thế, chúng ta phải thú nhận điều ấy - Van Houben nhận xét.

- Nửa chừng anh ta thiếu can đảm - Béchoux đáp lại - Lời kết tội của tôi đã mở đường cho tất cả.

Mấy giờ sau, Van Houben trở về ngôi nhà rất đẹp của mình trên đại lộ Haussman. Ông ăn tối ở nhà hàng cùng đội trưởng Béchoux và dẫn ông này về đây để còn nói chuyện về vụ này mà cả hai cùng lo toan.

- Này, này - Ông nói sau một lúc trò chuyện - hình như ở đầu nhà có tiếng động. Đầy tớ thì không ở phía ấy.

Ông cùng Béchoux đi dọc hành lang dài, phía cuối là một gian phòng có lối đi riêng về phía cầu thang.

- Hai phòng cách biệt hẳn nhau - Ông nói - Thỉnh thoảng tôi tiếp những người bạn ở đây.

Béchoux lắng tai nghe:

- Đúng là có người.

- Lạ thật. Không ai có chìa khoá.

Súng ngắn cầm tay, họ nhảy một bước vào, Van Houben kêu lên một tiếng: "Ôi, lạy Chúa!" và Béchoux trả lời với một tiếng kêu khác: "Mẹ kiếp!"

Quỳ gối trước một người đàn bà nằm dài trên trường kỷ, Jean d' Enneris hôn lên trán và mái tóc bà theo phương pháp làm dịu cơn đau của mình.

Họ tiến lại, nhận ra Gilberte de Mélamare mắt nhắm, rất xanh xao và ngực phập phồng thở.

D' Enneris giận dữ, đứng thẳng trước mặt những người mới đến.

- Lại các ông! Mẹ kiếp! Không yên được với các ông! Cả hai ông đến đây làm gì?

- Sao, chúng tôi đến làm gì ư? - Van Houben kêu lên - Tôi ở đây trong nhà của tôi!

Béchoux tức tối rống lên:

- Thế đấy! Anh cả gan thật! Thì ra chính anh tổ chức cho bà bá tước trốn thoát?

D' Enneris bỗng bình tâm lại, xoay tròn người:

- Không thể giấu ông được điều gì, Béchoux. Lạy Chúa, vâng, chính tôi đấy.

- Anh dám thế à?

- Đức Mẹ ơi, ông bạn thân mến, ông quên bố trí nhân viên trong vườn. Tôi bèn chỉ cho bà chạy theo lối ấy, hẹn gặp trên một đường phố gần đấy giữ lấy một chiếc xe. Thủ tục điều tra xong, tôi đến tìm bà đưa đến đây và từ lúc đó đến bây giờ chăm sóc cho bà.

- Nhân viên y tế ai đưa ông vào, quỷ quái thật! - Van Houben nói - Phải có chìa khoá của gian nhà này.

- Không cần. Với đôi kìm tôi mở tất cả mọi cánh cửa như chơi. Ông bạn thân mến, đã nhiều lần tôi đến thăm nhà ông và thấy không có chỗ nào lẩn tránh cho bà de Mélamare tốt hơn góc này. Ai hình dung được Van Houben có thể đón nhận bá tước de Mélamare? Không người nào, kể cả Béchoux! Bà ấy sẽ bình yên ở đây, được ông bảo trợ cho đến lúc vụ việc sáng tỏ. Bà hầu phòng phục vụ bà ấy nghĩ rằng đó là người bạn gái mới của ông vì ông đã mất Régine rồi.

- Tôi bắt giữ bà ta! Tôi báo với cảnh sát! - Béchoux kêu lên.

D' Enneris phá lên cười.

- A! Điều ấy hơi lạ lùng đấy. Nào, anh cũng biết như tôi là anh sẽ chẳng thể đụng vào. Bà ấy không xâm phạm được.

- Anh nghĩ thế à?

- Mẹ kiếp! Vì tôi bảo vệ bà ấy.

Béchoux chán nản:

- Thế anh bảo vệ một kẻ trấn lột ư?

- Một kẻ trấn lột, anh biết gì về điều đó?

- Sao! Em gái của người anh đã làm cho bị bắt?



- Vu khống bỉ ổi! Không phải tôi làm cho bị bắt. Chính anh, Béchoux.

- Do anh chỉ đường, và vì ông ta phạm tội, không thể chối cãi.

- Anh biết thế nào?

- Cái gì? Anh không chắc chắn nữa à?

- Theo tôi thì không - Jean d' Enneris nói, giọng rít lên bực bội - trong tất cả chuyện này có những điều rất lạ lùng. Nhân vật quý tộc ấy là kẻ trấn lột? Người đàn bà rất tự trọng, tôi chỉ dám hôn vào mái tóc, là kẻ trấn lột ư? Thực sự, Béchoux, tôi tự hỏi anh có đi quá nhanh không, có thiếu khôn ngoan lao vào một vụ rất dở không? Trách nhiệm lớn đấy, Béchoux!

Béchoux lắng nghe, phấp phỏm và xanh người. Van Houben, trong lòng lo lắng, cảm thấy những viên kim cương của mình lại rơi vào bóng tối.

Jean d' Enneris kính cẩn quỳ trước bà bá tước, thì thầm:

- Bà không phạm tội, đúng không? Không thể chấp nhận một phụ nữ như bà là kẻ trấn lột. Bà hãy hứa sẽ nói với tôi sự thật về ông anh và bà...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lupin