Chương 2 - Arlette, Cô Người Mẫu
Vào cuối buổi chiều tám ngày sau đó. Khách hàng nhà mốt lớn Chermitz bắt đầu rời những phòng khách rộng trên đường Mont Thabor. Trong gian phòng dành riêng cho các cô người mẫu, Arlette Mazolle và các bạn, không bận trình diễn các kiểu trang phục nữa, lao vào những thú vui thường ngày, nghĩa là bói bài, chơi bơ - lôt và ăn sô - cô - la.
Một cô kêu lên:
- Arlette này, rõ ràng lá bài dự báo cho cô những cuộc phiêu lưu, hanh phúc và giàu có.
- Và bài nói đúng đấy - Một cô khác nói - Vì vận may của Arlette đã bắt đầu vào tối hôm trước ở cuộc thi tại nhà hát nhạc vũ kịch. Giải nhất kia mà!
Arlette tuyên bố:
- Tôi không xứng đáng đâu. Régine Aubry hơn tôi chứ.
- Vớ vẩn! Người ta đã bỏ phiếu bầu cô rất đông.
- Người ta không biết họ đã làm gì. Vụ cháy đã làm vợi đi ba phần tư khán giả trong nhà hát. Việc bỏ phiếu không được tính.
- Bao giờ cô cũng lẩn mình trước những người khác, Arlette. Chắc Régine Aubry cáu giận lắm!
- Không đâu. Cô ấy đến gặp tôi và tôi đảm bảo cô ấy ôm hôn tôi thực lòng.
- Cô ấy ôm hôn "cay cú" đấy.
- Việc gì cô ấy phải ghen tức. Đẹp thế cơ mà!
Một em bé vừa đưa tờ báo buổi chiều vào. Arlette đọc báo và nói:
- Này, người ta đăng về cuộc điều tra: "Vụ trộm kim cương..."
- Đọc cho chúng tôi nghe với nào, Arlette.
- Đây: "Sự cố bí ẩn ở nhà hát nhạc vũ kịch chưa ra khỏi giai đoạn tìm kiếm. Giả thuyết được chấp nhận nhất ở toà án cũng như ở cơ quan tỉnh là đối mặt với một vụ có chuẩn bị, ý đồ trấn lột những viên kim cương của Régine Aubry. Người ta không nhận ra vết tích dù tương đối của kẻ bắt cóc cô nữ diễn viên đẹp, vì hắn che kín mặt. Người ta cho rằng hắn vào nhà hát như một thanh niên giao hàng với những bó hoa đồ sộ để gần cánh cửa. Bà hầu phòng nhớ không rõ đã gặp hắn, thấy hắn đi giày ống bằng dạ màu sáng. Những bó hoa phải là hoa giả tẩm chất dễ cháy. Hắn chỉ chờ lúc bắt đầu hoả hoạn, lợi dụng nỗi sợ hãi chung như dự kiến, giật chiếc áo lông thú ở tay bà hầu phòng để thực hiện kế hoạch. Không thể nói gì hơn được vì Régine Aubry, đã qua nhiều lần gạn hỏi, không thể nói rõ con đường ô - tô đi và nêu cảm giác cụ thể về kẻ bắt cóc cùng đồng bọn trừ một số chi tiết phụ tả lại ngôi nhà cô bị trấn lột chiếc yếm quý."
- Tôi sẽ rất sợ nếu chỉ một mình trong ngôi nhà ấy với người đàn ông và người đàn bà kia! - Một cô gái nói - Cô thì sao, Arlette?
- Tôi cũng thế. Nhưng tôi sẽ cố vùng vẫy... Sẽ lấy lại can đảm ngó quanh xem.
- Nhưng ở nhà hát cô thấy kẻ ấy đi qua à?
- Tôi chẳng thấy gì cả!... Chỉ là một bóng người, vác một người khác, thậm chí tôi còn không tự hỏi là cái gì. Tôi đang lo thoát ra. Cô nghĩ! Lửa bùng lên thế!
- Và cô không nhận ra điều gì?
- Có chứ. Đầu của Van Houben trong hậu trường.
- Cô biết ông ta ư?
- Không, nhưng ông ấy hét lên: "Kim cương của tôi! Mười triệu đồng kim cương! Kinh khủng quá! Thật tai hoạ!" Và ông nhảy chân này rồi chân khác như sàn nhà đốt cháy ông. Mọi người nhớn nhác cả.
Cô đứng dậy, vui vẻ nhảy lên như Van Houben. Trong chiếc áo đơn giản - chiếc áo dài nỉ hơi bó người - cô cũng duyên dáng như mặc chiếc áo sang trọng ở nhà hát. Thân hình cô thanh mảnh, rất cân đối, thể hiện sự hoàn hảo nhất trên đời. Khuôn mặt mịn màng và tinh tế, nước da sáng, mái tóc vàng lượn sóng rất đẹp.
- Đã đứng dậy thì nhảy đi, Arlette, nhảy đi!
Cô không biết nhảy, cô nhảy như bước đi rồi dừng lại như trình diễn những kiểu mẫu phóng túng nhất. Quang cảnh vui thích và duyên dáng khiến các bạn cô không biết mệt.
Tất cả thán phục cô và đối với họ, Arlette là một con người đặc biệt, hứa hẹn một số phận rực rỡ. Họ hô lên:
- Hoan hô Arlette, cô thật mê hồn.
- Cô là người bạn tốt nhất; nhờ cô mà ba trong chúng tôi sẽ được đi nghỉ ở Bờ biển xanh.
Cô ngồi xuống trước mặt họ, hồng hào, đôi mắt ánh lên nói với họ, giọng nửa tâm sự, hơi tươi vui cũng hơi buồn và tự hào:
- Tôi cũng chẳng hơn gì các bạn, không khôn khéo hơn cô Rérine, không nghiêm chỉnh bằng Charlotte và chẳng trung thực bằng Julie. Tôi cũng có những người si tình như các bạn... Họ đòi hỏi nhiều hơn điều tôi muốn cho họ... nhưng dù sao tôi cũng cho nhiều hơn mình muốn. Và tôi biết đến một ngày nào đó sẽ kết thúc không tốt. Làm sao được? Họ không cưới chúng ta. Họ thấy chúng ta với những chiếc áo dài quá đẹp và họ sợ.
- Cô sợ điều gì thế? - Một cô gái nói - Lá bài dự báo cô có của cải.
- Bằng cách nào vậy? Ông già giàu có ư? Không bao giờ. Thế mà, tôi muốn đi đến...
- Đến đâu?
- Tôi không rõ... Mọi cái quay cuồng trong đầu. Tôi muốn có tình yêu và muốn có tiền.
- Cả hai ư? Arlette! Để làm gì?
- Tình yêu để sống hạnh phúc.
- Còn tiền?
- Tôi không biết nhiều. Tôi có những ước mơ, tham vọng và tôi thường nói với các bạn. Nhưng muốn giàu... không phải cho tôi... đúng hơn là cho những người khác... cho các em bé... Tôi những muốn...
- Arlette, tiếp tục đi.
Cô mỉm cười, nói nhỏ giọng hơn:
- Thật mơ hồ... những ý nghĩ trẻ con. Tôi muốn có nhiều tiền, sẽ không phải thuộc về tôi mà tôi có thể sử dụng.Ví dụ, được tài trợ, làm chủ, lãnh đạo một nhà may lớn, có tổ chức mới, nhiều phúc lợi... và nhất là có của hồi môn cho nữ công nhân... Vâng, để mỗi người trong các bạn có thể lấy chồng theo ý mình.
Cô duyên dáng cười trước ước mơ vô lý của mình. Những cô khác tỏ ra nghiêm trang. Một người lau nước mắt.
Cô tiếp tục:
- Vâng, của hồi môn, bằng tiền mặt. Tôi không được học hành nhiều... thậm chí không có bằng... Nhưng tôi đã ghi một tiểu dẫn về những ý nghĩ của tôi với những con số và lỗi chính tả. Ở tuổi hai mươi, người ta sẽ có món hồi môn... và rồi một gói quần áo cho đứa con đầu...
- Arlette, có điện thoại!
Bà giám đốc mở cửa gọi cô gái.
Cô đứng ngay dậy, xanh mặt và lo lắng, thì thầm:
- Mẹ đang ốm.
Ở nhà mốt Chemity chỉ có những tin nghiêm trọng mới chuyển cho người làm, khi có trường hợp người thân đau nặng hoặc chết. Người ta cũng biết Arlette rất yêu quý mẹ, cô là con hoang, có hai chị trước đây làm người mẫu đã cùng người tình trốn ra nước ngoài.
Trong im lặng, Arlette không dám ra nghe tin. Bà giám đốc giục: "Nhanh lên".
Điện thoại đặt ở phòng bên cạnh. Dồn về cánh cửa hé mở, các cô gái nghe giọng nói của bạn ấp úng:
- Mẹ ốm nặng, đúng không? Vẫn do tim đấy chứ? Nhưng ai ở đầu máy thế?... Bà Louvain à?... Tôi không nhận ra giọng bà... Phải mời bác sĩ đến? Ông nào? Bác sĩ Bricou, đường Mont thabor, số nhà 3b?... Đã tin cho ông ấy? Tôi phải đến đưa ông tới à? Được, tôi đi đây.
Không một lời, người run lên, Arlette nắm lấy chiếc mũ trên giá và đi ngay. Các cô bạn chạy lại cửa sổ, nhìn theo cô chạy dưới ánh đèn đường vừa nhìn các số nhà. Đến cuối đường về bên trái, cô dừng lại, chắc là trước số nhà 3b. Có một chiếc ô - tô và trên hè đường một ông đang chờ mà họ chỉ thấy hình dáng và đôi giày ống màu sáng. Ông tự giới thiệu và nói chuyện với cô. Hai người cùng lên xe, chạy nhanh về đầu đường kia.
- Lạ thật - Một người mẫu nói - ngày nào tôi cũng đi qua đấy, chưa bao giờ thấy một tấm biển bác sĩ trước nhà nào. Bác sĩ Bricou, nhà 3b, cô có biết không?
- Không. Có lẽ tấm biển đồng gắn dưới cổng xe.
- Cứ tra cứu danh bạ điện thoại xem sao... - Bà giám đốc đề nghị.
Các cô chạy sang phòng bên, vội vàng mở hai tập sách dầy.
- Nếu có bác sĩ Bricou ở số 3b hoặc một bác sĩ nào đó thì ông ấy không có số điện thoại - Một cô gái tuyên bố.
Và một cô khác lên tiếng:
- Sổ địa chỉ toàn Paris cũng không có bác sĩ Bricou ở đường Mont Thabor hay bất cứ nơi nào khác.
Có sự xáo động, lo lắng. Mỗi người một ý kiến. Câu chuyện có vẻ khả nghi. Bà giám đốc báo cho chủ nhà mốt Chemity.
- Chẳng cần suy nghĩ nhiều - Ông này nói - Đi thẳng vào mục đích và không bao giờ có một lời nói thừa.
Ông lạnh lùng cầm máy, hỏi một số điện thoại và nói ngay:
- A lô... Nhà bà Régine Aubry đấy à?... Nhờ báo tin bà Régine Aubry rằng Chemity, chủ nhà mốt Chemity muốn nói chuyện với bà. Được.
Ông chờ một lúc rồi lại nói:
- Vâng thưa bà, nhà mốt Chemity. Tuy tôi không có hân hạnh có bà là khách hàng, nhưng trong trường hợp này tôi nghĩ phải hỏi chuyện bà. Thế này. Một trong những cô người mẫu của tôi... A lô? Vâng, cô Arlette Mazolle... Bà tử tế quá nhưng về phần tôi... phải nói với bà là tôi bỏ phiếu cho bà... Chiếc áo của bà tối hôm ấy... Nhưng bà cho phép tôi đi thẳng vào mục đích. Có cơ sở để nghĩ rằng, thưa bà, Arlette Mazolle vừa bị bắt cóc và chắc do kẻ đã bắt cóc bà. Tôi cho là bà và những người tham mưu cho bà quan tâm đến việc này... A lô?... Bà đang nhờ ông đội trưởng Béchoux? Tốt lắm... Đúng đấy thưa bà, tôi nghĩ bước đi đó sẽ đưa lại cho bà mọi sự sáng tỏ.
Chủ nhà mốt Chemity bỏ máy, bước đi vừa kết luận: "Chỉ làm thế thôi, không sao khác được."
Trình tự sự việc xảy ra đối với Arlette Mazolle cũng gần như với Régine Aubry. Cuối xe có một người đàn bà. Người gọi là bác sĩ giới thiệu:
- Đây là bà Bricou.
Bà này mang chiếc khăn trùm dày. Vả lại trời tối và Arlette chỉ nghĩ về mẹ mình. Cô hỏi ngay bác sĩ, thậm chí không nhìn ông. Ông ta trả lời giọng khàn khàn, một khách hàng của ông, bà Louvain điện thoại mời ông đến gấp chữa bệnh cho một bà hàng xóm, nhân tiện ghé qua đưa con gái của người bệnh về cùng. Ông không biết gì hơn.
Chiếc xe chạy theo đường Rivoli theo hướng quảng trường La Concorde. Qua quảng trường, người đàn bà trùm lên đầu Arlette chiếc chăn, giữ quanh cổ và gí lưỡi dao vào vai cô.
Arlette vùng vẫy, lo sợ lẫn với mừng vui vì cô nghĩ bệnh của mẹ chỉ là một cái cớ lôi kéo cô đi và việc bắt cóc cô phải có một nguyên nhân gì khác. Cô bèn im lặng, nghe ngóng và quan sát.
Đến lượt cô cũng có những nhận xét như Régine. Xe chạy nhanh qua các đường phố Paris, rẽ ngoặt đột ngột. Không thấy bàn tay của người canh giữ mình nhưng nhận ra một chiếc giày của người đàn bà rất nhọn.
Cô cũng nghe loáng thoáng vài lời hai đồng phạm trao đổi rất khẽ với nhau. Tuy vậy có một câu rất đầy đủ: "Anh lầm rồi - người đàn bà nói - sai lầm... Muốn thế thì cũng phải chờ vài tuần đã... Sau vụ ở nhà hát nhạc vũ kịch, làm bây giờ là quá sớm..."
Câu nói làm cô gái rõ ra: hai người bắt cóc cô chính là những kẻ đã bị Régine Aubry tố cáo trước toà án. Người giả danh bác sĩ Bricou là kẻ đã gây ra hoả hoạn ở nhà hát. Nhưng tại sao họ lại tấn công cô vốn chẳng có gì, không đưa lại sự thèm khát điên cuồng, yếm kim cương hoặc vật trang sức nào khác? Điều này làm cô yên tâm, chẳng có gì đáng sợ lắm và cô sẽ được thả ra khi họ thấy rõ sai lầm.
Tiếng cánh cổng nặng nề mở ra. Arlette nhớ lại cuộc phiêu lưu của Régine, đoán chừng đã vào sân gạch. Người ta đưa cô xuống trước thềm nhà. Cô đếm có sáu bậc. Rồi tiền sảnh lát gạch.
Lúc đó cô lấy lại bình tĩnh. Khi người đàn ông đẩy cửa tiền sảnh, nữ đồng bọn trượt chân trên một tấm gạch và trong một giây, thả vai Arlette. Cô không suy nghĩ, hất bỏ tấm vải trùm đầu, chạy tới phía trước, leo nhanh lên cầu thang và đi qua hành lang vào trong một phòng khách, còn nhanh trí đóng cửa lại cẩn thận.
Một ngọn đèn điện với chiếc chao đèn dày, toả một vòng ánh sáng, soi mờ mờ phần còn lại trong phòng. Làm gì đây? Chạy trốn đi đâu? Cô thử mở cửa sổ ở cuối phòng không được. Bây giờ cô sợ, biết rằng nếu đôi kia khám xét phòng khách, chúng sẽ xông vào cô ngay.
Thực thế, cô nghe tiếng đẩy cửa. Bằng giá nào cũng phải ẩn mình. Cô trèo theo lưng chiếc phô - tơi sát tường lên mặt chiếc lò sưởi rộng, men lại phía cuối. Một chiếc tủ cao dựng đứng ở đấy. Cô táo bạo đặt chân lên chiếc cốc đồng đen, nắm chắc đường viền nóc tủ rồi cũng chẳng biết vì sao mà đu người lên được. Khi hai kẻ đồng loã ùa vào phòng, Arlette đã nằm trên nóc tủ, đường viền che khuất nửa người.
Chỉ cần ngẩng lên là chúng nhìn thấy hình dáng cô nhưng chúng đã không làm thế. Chúng tìm kiếm dưới những chiếc ghế dài, phô - tơi và sau những tấm màn. Arlette theo dõi bóng chúng qua tấm gương soi đối diện. Nét mặt chúng không rõ và lời nói khó nghe vì chúng trao đổi với nhau rất nhỏ giọng.
Cuối cùng gã đàn ông nói:
- Cô ta không có trong này.
- Có lẽ nó nhảy ra vườn chăng? - Người đàn bà nhận xét.
- Không thể. Hai cửa sổ đều đóng kín.
- Còn chỗ thụt vào tường?
Phía bên trái, giữa lò sưởi và một chiếc cửa sổ có chỗ lõm vào, trước đây thuộc phòng khách, cách nhau một tấm ngăn di động.
Gã đàn ông kéo tấm ngăn.
- Không có ai.
- Sao thế?
- Tôi không biết và nghiêm trọng đấy.
- Vì sao?
- Nếu cô ta trốn thoát?
- Thoát bằng cách nào?
- Thực thế. Chà! Con ranh, tôi mà tóm được thì nó chết!
Hai người tắt điện, đi ra. Đồng hồ treo điểm bảy giờ, rồi tám, chín và mười giờ. Arlette không dám động đậy. Lời gã đàn ông đe doạ làm cô co người lại, run sợ.
Chỉ sau nửa đêm, bình tĩnh hơn, thấy cần thiết phải hành động cô mới lần xuống. Chiếc cốc đồng đen chao đảo, rơi xuống sàn nhà với một tiếng động lớn làm cô gái hoảng hồn. Tuy thế không có ai vào, cô đặt chiếc cốc vào chỗ cũ.
Bên ngoài trời sáng. Cô lại gần cửa sổ dưới ánh trăng thấy một khu vườn dọc theo thảm cỏ viền cây trồng. Lần này cô mở được cánh cửa sổ.
Cúi người xuống cô nhận thấy mặt đất chỗ hàng rào cao hơn và không quá chiều cao một chiếc thang. Không ngần ngừ, cô bước qua ban công, nhảy xuống đất sỏi không thương tích gì.
Chờ đám mây che khuất mặt trăng, cô chạy nhanh qua một khoảng trống đến chỗ hàng cây. Cúi mình đi dọc hàng cây, cô đến chân một bức tường được chiếu sáng nhưng nó quá cao không hy vọng vượt được. Bên phải có một căn nhà hình như không có người ở. Cửa đóng. Cô nhẹ nhàng tiến lại. Trước căn nhà có một cánh cửa trong tường khoá chặt và trong ổ khoá là một chìa khoá lớn. Cô mở khoá, kéo cánh cửa.
Cô chỉ kịp mở cửa nhảy ra đường phố, nhìn lại phía sau thấy một bóng người chạy đuổi theo.
Đường phố vắng vẻ. Quay lại cô thấy bóng người hình như tăng tốc độ, cách khoảng hơn năm mươi bước chân. Đầu gối sắp quỵ xuống thì cô lao được vào một con đường khác rất đông người qua lại. Một chiếc taxi đến mời. Cô cho địa chỉ, lên xe, đóng cửa lại, nhìn vào lỗ cửa sau cô thấy kẻ thù chui vào một chiếc xe khác nổ máy chạy ngay.
Qua những đường phố này rồi đường phố khác... Người ta có đuổi theo cô không? Arlette không rõ và cũng không tìm hiểu. Đến một quảng trường nhỏ, ô - tô nối đuôi nhau chờ đợi. Cô gõ vào cửa kính:
- Dừng lại, anh lái. Hai mươi phrăng đây; anh tiếp tục chạy nhanh lên để đánh lạc hướng kẻ nào đó đang đuổi theo tôi.
Cô nhảy vào một taxi khác, đưa địa chỉ cho người lái mới.
- Đến Montmartre, đường Verdrel, số nhà 55!
Cô thoát nạn nhưng mệt quá thiếp đi bất tỉnh.
Cô tỉnh dậy trên chiếc trường kỷ trong gian phòng nhỏ của mình, gần một ông đang quỳ gối mà cô không quen.
Mẹ cô, bận tâm và lo lắng, băn khoăn nhìn cô. Arlette cố mỉm cười với bà, và ông kia nói với mẹ:
- Từ từ hãy hỏi chuyện cô ấy, thưa bà. Và cô, đừng nói vội, lắng nghe trước đã. Chính ông chủ cô, Chemity, đã báo với Régine Aubry cô bị bắt cóc như trường hợp của cô ấy. Cảnh sát được báo động ngay. Sau đó qua Régine Aubry, tôi biết chuyện và đến đây. Mẹ cô và tôi suốt buổi tối rình phía trước nhà, hy vọng người ta thả cô ra như đối với Régine Aubry. Tôi đã hỏi người lái xe đi từ đâu tới. "Quảng trường des Victoires." Không có thông tin gì khác. Đừng, cô đừng cử động. Ngày mai cô sẽ keể lại tất cả việc đó với chúng tôi.
Cô gái rên rỉ, xáo động vì cơn sốt và những việc đã qua như ác mộng. Cô lại nhắm mắt, thì thầm:
- Có người đang lên cầu thang.
Thực thế, có người bấm chuông cửa. Bà mẹ ra tiền sảnh. Hai giọng nói đàn ông vang lên; một giọng giới thiệu:
- Van Houben, thưa bà. Tôi là Van Houben, người có chiếc yếm kim cương. Khi được biết con gái bà bị bắt cóc, tôi đi săn lùng ngay cùng ông đội trưởng Béchoux vừa đi du lịch về. Chúng tôi chạy khắp các sở rồi đến đây. Bà gác cổng nói Arlette Mazolle đã về nhà; Béchoux và tôi vào ngay để hỏi cô ấy.
- Nhưng thưa ông...
- Việc rất quan trọng thưa bà. Vụ này liên quan đến vụ trấn lột kim cương của tôi. Cùng những tên trộm cướp ấy... Không nên để mất phút nào...
Không đợi cho phép, ông ta bước vào gian phòng nhỏ theo sau là đội trưởng Béchoux. Cảnh trước mắt hình như làm ông ngạc nhiên quá mức. Anh bạn Jean d' Enneiis của ông đang quỳ gối trước chiếc trường kỷ gần một cô gái nằm dài mà anh đang hôn trán, mí mắt, má một cách tế nhị, thái độ rất cẩn thận, trịnh trọng quá đáng.
Van Houben ấp úng:
- Anh đấy à, d' EnnerisL. Anh!... Anh làm gì thế?
D' Enneris giơ cánh tay, ra hiệu im lặng.
- Suỵt! Đừng làm ồn như vậy... Tôi làm cho cô gái bình tâm lại... Không có gì làm dịu hơn. Ông thấy đấy, cô ấy thả lỏng mình...
- Nhưng...
- Mai... Ngày mai... chúng ta gặp nhau ở nhà Régine Aubry. Bây giờ để người bệnh nghỉ ngơi!... Đừng đùa với thần kinh cô ấy... Để sáng mai...
Van Houben đứng ngơ ngác. Mẹ của Arlette MazoIle không hiểu gì về sự việc xảy ra. Nhưng bên cạnh họ có ai đó sửng sốt và bối rối hơn hẳn họ: đội trưởng Béchoux.
Béchoux, người nhỏ thó, xanh và gầy muốn có vẻ lịch sự, có đôi cánh tay đồ sộ, mở tròn mắt ngắm Jean d' Enneris như đứng trước một sự xuất hiện đáng sợ. Ông có vẻ biết rõ d' Enneris, cũng có vẻ không biết và hình như đang tìm xem dưới mặt nạ trẻ trung, tươi cười ấy có một khuôn mặt khác mà đối với ông, Béchoux, chính là khuôn mặt ma quỷ.
Van Houben giới thiệu:
- Ông đội trưởng an ninh Béchoux... Ông Jean d' Enneris... Nhưng ông có vẻ biết d' Enneris à, Béchoux?
Ông này muốn trả lời, muốn nêu lên những câu hỏi. Nhưng ông không thể và luôn tròn mắt nhìn thái độ phớt lờ của nhân vật đang tiếp tục cách chữa bệnh kỳ lạ của mình...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top