Ngoại truyên Bộ bộ kinh tâm - Đồng Hoa

NGOI TRUYN 1

Hoa hnh, mưa xuân, thiếu niên cười

Ung Chính năm thứ tư.

Gió xuân còn lành lạnh, con gái yếu đuối sợ rét vẫn phải mặc áo chẽn nhưng Thừa Hoan, để ngoài tai lời khuyên ngăn của nhũ mẫu, cứ thay sang áo cánh màu phấn hồng. Cô lại hiếu động, không thích trang sức nặng chịch rườm rà, bèn lén nhũ mẫu, bắt a hoàn vấn cho mình kiểu tóc đơn giản thôi.

Buổi chiều là giờ tập đàn tranh, thầy dạy được một lúc thì gục đầu xuống đàn, ngủ thiếp đi.

Thừa Hoan khúc khích cầm chiếc thước chọc chọc thầy. Ngoài cửa sổ, một thiếu niên mặt mày sáng sủa trông rất tinh quái cất tiếng cười:

- Đừng đùa! Để ông ta tỉnh thì em không đi được nữa đâu.

Thừa Hoan nhăn mặt nghịch ngợm, nói:

- Thuốc em bỏ đủ mà, phen này ông ta phải mê mệt đến hai ba canh giờ là ít.

Cô cầm bút lông vẽ một con rùa đen ngủ khò khò vào trán thầy, rồi nhấc váy giẫm lên ghế, nhảy luôn qua cửa sổ.

Thiếu niên ngoài song đón lấy cô, hai người dắt nhau chạy thục mạng, chạy một lèo hơn nửa canh giờ, đến thẳng cầu Hội Tâm mới dừng lại thở dốc.

Thiếu niên là Ngũ hoàng tử Hoằng Trú, tính tình ngông ngáo, thường gây tai vạ, vì sợ bị phạt nên bạ chuyện gì cũng lôi kéo thêm Thừa Hoan. Cô bé vốn được Ung Chính cưng chiều, thoạt tiên chỉ là cái đệm đỡ lưng cho gã, nhưng lâu dài, đỡ mãi lại sinh cảm tình, hai người còn thân thiết hơn cả anh em ruột. Trò quỷ nào mà có Hoằng Trú là tất có Thừa Hoan, rắc rối gì có Thừa Hoan thì không thể thiếu mặt Hoằng Trú.

Thừa Hoan ngửa mặt ngắm thùy liễu đương nảy lá non:

- Tiếc thật, Hoằng Lịch ca ca cưới được vợ xong là không buồn ngó ngàng đến bọn mình nữa.

Hoằng Trú cười bảo:

- Không phải vì cưới vợ đâu, vì Hoàng a ma đấy!

Rồi gã bắt chước điệu bộ cung kính của Hoằng Lịch, bước đi mắt nhìn thẳng, cứ mở miệng là nói, “Vâng, Hoàng a ma.”

Thừa Hoan bật cười khúc khích, nghĩ chắc Hoằng Lịch cũng đang nói câu này thật.

Trong điện Cần Chính, Hoằng Lịch cúi đầu, kính cẩn thưa, “Vâng, Hoàng a ma”. Dứt lời mũi bỗng ngứa ran lên, bất giác hắt hơi. Chàng đâm bồn chồn, chỉ sợ Hoàng a ma nghĩ mình bất kính, Di thân vương liền cười nói:

- Có ai đang nhắc Tứ a ca rồi!

Hoằng Lịch vội cười hùa, coi như cũng lấp liếm xong.

Chàng chực hầu Ung Chính suốt một buổi chiều, rời điện Cần Chính đi ra mà vẫn cảm thấy sức nặng của hai luồng mắt ép xuống đầu mình, lòng hết sức rầu rĩ. Hoàng a ma không bao giờ biểu lộ giận mừng, bất kể chàng cố gắng đến đâu cũng chẳng mấy khi nhận được lời khen ngợi, còn thường xuyên bị khiển trách dạy bảo trước mặt bao người. Đôi lúc cảm thấy mệt mỏi vô chừng, thậm chí không muốn gặp Hoàng a ma chút nào cả, nhưng lại không được phép không gặp.

Thấy mấy thái giám mặt mày lo âu, chạy nháo nhác khắp nơi như ong vỡ tổ, chàng tiện miệng hỏi tiểu thái giám theo hầu:

- Sao thế?

- Nghe nói Ngũ a ca lại trốn học, họ đang chạy quanh tìm kiếm.

Chân mày cau rúm cuối cùng cũng giãn ra đôi chút. Mấy năm gần đây Hoàng a ma ngày càng nặng lòng theo Phật, ít gần nữ sắc, không thể có thêm con được nữa, người đủ khả năng kế thừa ngôi báu chỉ có chàng và Hoằng Trú. Hoằng Trú thông minh dĩnh ngộ, xứng mặt kình địch, nhưng lại rất ham chơi, không bao giờ gắng công vào việc chính, nên Hoàng a ma chỉ còn chàng thôi, bất kể ông ưng hay không ưng ý.

Đến bên cầu Hội Tâm, đầu này liễu giăng giăng, đầu kia hạnh hoa rực rỡ.

Những cánh hoa mỏng nhẹ như tơ, từng bông từng bông xúm xít đầu cành. Màu phấn nhạt màu trắng xốp cùng dâng rờm rợp một góc trời, tựa tuyết mà không phải tuyết, như sương mà chẳng phải sương. Gió nhẹ thoảng qua là cánh hoa rơi tới tấp. Mặt đất phủ dày tuyết thơm, sóng biếc dưới cầu cũng dập dềnh muôn vàn hoa rụng.

Hoằng Lịch lững thững bước trong mưa hoa, bỗng thấy một cô gái đang chao liệng trên cái đu giữa rừng. Đu chao mỗi lúc một cao, nhưng cô gái không hề sợ hãi, tiếng cười giòn tan xuyên qua mịt mờ cánh hoa, vang xa khắp đất trời.

Tấm áo màu phấn hồng rực rỡ như ráng sớm, suối tóc xanh mướt không bị ràng trói bởi trang sức cung đình, chao lượn trẻ tươi giữa mưa hoa trắng xốp. Lần đầu tiên trong đời, Hoằng Lịch nhận ra chỉ mấy lọn tóc đen nhánh mà cũng đủ để khơi gợi một thứ mơ màng tình điệu.

Chàng bất giác dừng bước, thầm kinh ngạc, thị nữ cung nào mà táo gan đến thế? Nhưng chỉ chớp mắt đã hiểu ra, thở dài quay gót định đi, bỗng cô gái “Á” một tiếng thảng thốt, ngã nhào khỏi đu.

Hoằng Lịch xoay phắt lại, lạng người tới giơ tay đón.

Giữa mưa hoa xao xác, cô gái rơi thẳng vào lòng chàng như một thiên tinh, khuôn mặt không hề bàng hoàng, ngược lại còn ranh ma khoái chí.

- Hoằng Lịch ca ca, em cố ý đấy!

Hoằng Lịch nhìn sửng con người nằm trong lòng mình một thoáng mới thả xuống, dáng điệu thản nhiên như không, mỉm cười hỏi:

- Nếu ta không đỡ được thì sao?

Thừa Hoan nói một cách chắc chắn:

- Em biết anh sẽ đỡ được. Miễn là việc anh muốn, nhất định anh sẽ làm được.

Chỉ tích tắc, Hoằng Lịch thấy lòng bừng lên phấn chấn, cảm giác tủi thân trắc trở ở chỗ Hoàng a ma tựa hồ tan biến. Chàng cười hỏi:

- Hoằng Trú đưa em ra đây chơi phải không? Nó đâu?

Thừa Hoan cười cười trỏ vào sâu trong rừng hạnh:

- Đằng kia. Bọn họ không chịu cho con gái nhập hội, em đành ra chơi đu vậy.

Hoằng Lịch nói:

- Đi nào! Đi xem xem.

Hai người chưa tới gần đã nghe tiếng ai đó cãi cọ với Hoằng Trú.

- A ma và ngạch nương ta đều là người Mãn chính gốc. Tổ tiên từng theo Thái Tổ hoàng đế dẫn quân nhập quan. Thừa Hoan là đứa cha căng chú kiết nào? Một con cách cách giả hiệu.

Hoằng Trú tát đánh bốp vào mặt kẻ đang nói, đối phương cũng không khách sáo gì, lập tức kính trả Hoằng Trú một đấm, hai người lăn xả vào ẩu đả.

Kẻ đánh nhau với Hoằng Trú là em trai của đích phúc tấn Phú Sát thị vợ Hoằng Lịch. Bọn thiếu niên xung quanh cũng đều dòng dõi quý tộc, kiêu ngạo từ trong máu, Hoằng Trú xưa nay lại chưa hề chứng tỏ được uy nghi của một hoàng tử, vì thế không kẻ nào khuyên giải, ngược lại cùng vỗ tay reo hò.

Hoằng Lịch hắng giọng, ho một tiếng. Bọn kia trông thấy chàng, lập tức cúi mình hành lễ:

- Tứ a ca cát tường!

Hai kẻ đang vật lộn dưới đất vẫn quấn lấy nhau, Hoằng Lịch hạ lệnh:

- Tách hai đứa ra!

Lập tức mỗi người lôi một bên, kéo rời bọn họ.

Hoằng Lịch trách mắng Hoằng Trú mấy câu. Hoằng Trú toan phân trần, nhưng thấy Thừa Hoan đứng sững sờ đằng sau, gã bèn mím môi, nuốt ực những điều định nói.

Giáo huấn Hoằng Trú xong, Hoằng Lịch cho tất cả giải tán.

Ai nấy đi rồi, Hoằng Lịch mới cúi xuống xem xét những vết thương trên mặt Hoằng Trú, còn chưa kịp mở lời, Hoằng Trú đã nói:

- Em hiểu ý Tứ ca. Nhỡ để sự việc ầm ĩ đến nỗi Hoàng a ma biết được thì nhất định chẳng kể đúng sai, trước tiên người cứ lột da em đã.

Hoằng Lịch thật lòng rất thương yêu đứa em ngỗ ngược nhưng thông minh này, bèn cười bảo:

- Em hiểu thì tốt rồi.

Thừa Hoan đến gần, thắc mắc hỏi:

- Vì sao bọn nó luôn thích rủa xả em thế?

Hoằng Trú nói ngay:

- Làm gì có chuyện ấy.

- Anh không cần phỉnh em, lòng em hiểu rất rõ, bọn chúng nói em là con rơi, nói em không phải con ruột của a ma, em là con hoang.

Hoằng Trú quát lên:

- Bậy bạ! Bậy bạ hết! Kẻ nào nói thế? Em bảo cho ta biết, ta đi đánh vỡ mồm nó ra.

Thừa Hoan yên lặng nhìn gã, mắt gờn gợn đau đớn, Hoằng Trú không nói được tiếng nào nữa.

Hoằng Lịch đặt hai tay lên vai Thừa Hoan, hơi cúi xuống chăm chú nhìn vào mặt cô, cười bảo:

- Trong Tử Cấm Thành này, hỏi ai là người được Hoàng a ma sủng ái nhất, nếu em xếp thứ hai thì không ai dám xếp thứ nhất nữa. Bọn chúng ganh ngầm, tất nhiên sẽ bịa đặt đủ chuyện để bôi nhọ em, nay em tưởng là thật thì mắc mưu bọn chúng rồi, em định để chúng đắc ý à?

Thừa Hoan ngẫm nghĩ, tin lời Hoằng Lịch, bèn nói:

- Không đời nào.

- Vậy cười lên xem!

Thừa Hoan liền nhoẻn cười, hệt như gió xuân ùa tới, hoa rộ đầu cành, khiến đất trời bừng lên rạng rỡ. Hoằng Trú đang hầm hầm tức giận mà không cầm được cũng phải bật cười. Hoằng Lịch nói:

- Mau về ăn cơm tối! Bọn cung nữ thái giám của các em chắc đang tìm loạn lên rồi, để ta dẫn hai em về.

Hoằng Trú lầm bầm:

- Sau chữ “dẫn” thiếu chữ “giải” nhỉ?

Thừa Hoan bĩu môi:

- Từ khi thành hôn tới giờ, Hoằng Lịch ca ca không thèm chơi với chúng em nữa.

Cô và Hoằng Trú nhìn nhau, đột nhiên cùng nhặt một nắm hoa dưới đất lên ném Hoằng Lịch, Hoằng Lịch giơ tay che chắn, nhưng vẫn trúng vào mặt. Hoằng Trú và Thừa Hoan đều phá lên cười lớn, vừa cười vừa dùng cánh hoa làm vũ khí, liên tục tấn công Hoằng Lịch.

Nhìn bộ dạng hai người, cảm giác như được quay lại hồi nhỏ, Hoằng Lịch bỗng dưng mặc kệ tất cả, cũng cúi xuống cỏ vơ hoa lên, dùng cánh hoa phản kích Thừa Hoan và Hoằng Trú.

Thế là, hoa hạnh tơi bời bay mù mịt, ba người hăm hở chiến đấu, mặt mũi đầu cổ toàn là cánh hoa.

Chơi đến mệt lử, họ ngồi bệt xuống đất.

Hoằng Trú ngả ngốn dựa luôn vào người Hoằng Lịch, ngửa đầu ra mà thở, thổi bay những cánh hoa gần mặt mình.

Thừa Hoan nhặt một nhành liễu đưa cho Hoằng Lịch, chàng thành thạo tết nhành liễu thành một cái vành đội đầu. Thừa Hoan gài hoa hạnh xung quanh rồi đội lên, dang hai tay vừa xoay lòng vòng vừa hỏi:

- Đẹp không? Đẹp không? Có giống cô tiên hoa hạnh không?

Bấy giờ, bóng chiều dát đỏ núi tây, hoa bay trong gió ngất ngây muôn phần. Giữa tà dương và bóng hoa, nụ cười của Thừa Hoan càng thêm rạng rỡ, vẻ xuân càng nồng.

Hoằng Lịch chỉ mỉm cười, không nói năng gì. Hoằng Trú thì nhằn nhằn một nhành liễu, lười biếng nói:

- Trong Tây du ký có một con yêu hoa hạnh, hình như bị Trư Bát Giới quài cho nhát đinh ba chết tốt.

- Em đi mách hoàng bá bá là anh không chăm chỉ học, lại còn đọc sách yêu quái nhì nhằng bây giờ.

Thừa Hoan giậm mạnh chân trên thảm hoa rụng, khiến nó bay tung lên đầy mặt Hoằng Trú. Hoằng Lịch cũng không tránh khỏi liên luỵ.

Hai người đang đấu khẩu thì nhũ mẫu Thừa Hoan tìm đến. Nhác thấy cô, mặt mụ hết xanh lại trắng, nhưng không dám nói nặng, chỉ luôn miệng than thở rồi đưa Thừa Hoan về chải đầu thay áo.

Hoằng Lịch cười tóm lấy Hoằng Trú, nói:

- Dẫn giải cái con khỉ Tôn này về nào, ta còn bận việc nữa.

Liếc xung quanh vắng vẻ, Hoằng Trú ngập ngừng:

- Trên tông phả ghi Thừa Hoan là con của Thập tam thúc và đích phúc tấn, luận về huyết thống thì không ai tôn quý hơn em ấy nữa, vì sao bọn chúng luôn lấy chuyện thân thế Thừa Hoan ra để đàm tiếu?

Hoằng Lịch nói:

- Tông phả đã ghi như thế rồi, em còn bận tâm thiên hạ đàm tiếu làm gì?

- Nhưng… – Mặt đỏ lựng, trù trừ hồi lâu Hoằng Trú mới dám hỏi – Thừa Hoan là con riêng của Hoàng a ma phải không?

Hoằng Lịch ngẩn người, rồi cười sằng sặc:

- Càng đồn đại càng hoang đường, đầu tiên thì nói Thừa Hoan là con riêng của Thập tam thúc, bây giờ lại biến thành con riêng của Hoàng a ma, đến em cũng đi tin những lời tồi tệ ấy ư?

Hoằng Trú cà lắp:

- Nếu là con riêng của Thập tam thúc, vì sao Thập tam thúc luôn hờ hững với Thừa Hoan? Vì sao lại để em ấy lớn lên trong cung? Ngạch nương của Thừa Hoan thì càng quái lạ hơn nữa, bao nhiêu năm nay anh đã thấy thím ôm Thừa Hoan lần nào chưa? Khách sáo lịch thiệp y như người ngoài, ở đâu ra ngạch nương kiểu thế? Thập tam thúc có một đống con trai con gái, vì sao Hoàng a ma chỉ đặc biệt với mỗi Thừa Hoan? Đừng nói công chúa kém xa, mà ngay anh em mình cũng không sánh kịp luôn. Em nhớ trước đây bên Hoàng a ma có một cung nữ, Thừa Hoan luôn âm thầm coi cô ấy là ngạch nương. Cung nữ đấy tên là gì nhỉ, em không nhớ ra, hình như tên là…

- Hoằng Trú! – Hoằng Lịch bỗng đanh mặt – Đừng bao giờ nhắc đến người này, ngạch nương em cũng đã dặn riêng em rồi mà.

Hoằng Trú vội im miệng, một lúc lâu sau mới hậm hực nói:

- Em không bận tâm Thừa Hoan có phải con riêng của Hoàng a ma không, đằng nào chúng ta cũng cùng lớn lên với nhau, em đã coi Thừa Hoan như em ruột từ lâu rồi. Em chỉ cảm thấy lạ lùng, không hiểu vì sao người trong cung luôn né tránh chuyện thân thế Thừa Hoan. Tứ ca có biết không? Nếu biết thì nói cho em hay đi, em tuyệt đối không kể lại cho ai đâu.

Hoằng Lịch thở dài:

- Ta thì có thể biết được bao nhiêu đây? Hoàng a ma và Thập tam vương thúc nhất định là biết, nhưng ai dám hỏi hai vị? Hoàng hậu nương nương và Thập tam phúc tấn chắc chắn cũng biết, nhưng hai bà đều thuộc dạng kín tiếng, chẳng bao giờ tiết lộ cho chúng ta đâu.

- Tất cả mọi người đều lén lút dị nghị Thừa Hoan, chẳng lẽ chưa bao giờ Tứ ca tò mò ư?

- Ta đã từng hỏi ngạch nương, ngạch nương cũng trả lời mập mờ. Bà kể năm ấy Hoàng a ma đột nhiên ẵm một bé gái sơ sinh về phủ, giao cho hoàng hậu nương nương nuôi dưỡng, và nói với mọi người trong phủ rằng đây là con của Thập tam vương thúc, nhưng không hề cho biết là do ai sinh ra. Ngạch nương và các di nương cố nhiên càng không dám hỏi nhiều. Lúc ấy ta đã lơn lớn, còn đi xem cô bé mặt mũi thế nào. Bấy giờ Hoàng a ma suốt ngày giao thiệp với bọn hoà thượng đạo sĩ, người trong phủ thậm chí không dám thở mạnh.

Hoằng Trú cười:

- Ngoài Thừa Hoan, có ai dám thở mạnh trước mặt Hoàng a ma đâu? Em còn mong cả đời không phải gặp người, làm con trai của người mệt chết đi được.

Hoằng Lịch lắc đầu:

- Em không biết, dạo ấy… – Chàng chợt thở dài, nói – Bất kể Thừa Hoan có phải là con gái của Thập tam vương thúc hay không, thì vẫn là cốt nhục của nhà Ái Tân Giác La, bởi tên của em ấy là do hoàng gia gia ban. Không bao giờ hoàng gia gia lại đi nhận bừa cháu gái đâu.

Hoằng Trú than:

- Đúng là lằng nhằng, chuyện năm xưa sao rối tinh thế nhỉ?

Hoằng Lịch nói:

- Em đừng lén lút dò la nữa! Hoàng a ma mà phát hiện ra thì sẽ lột da em thật đấy!

- Em tự có cân nhắc chứ, chuyện này càng chứng tỏ Hoàng a ma không muốn ai biết, vì thế chúng ta cũng không thể biết được, những người biết đều đã… – Hoằng Trú vạch tay ngang cổ.

Hoằng Lịch im lặng, Hoằng Trú cũng tỏ ra nghiêm nghị khác thường. Chuyện Cửu vương đoạt vị năm xưa, tuy họ không tường tận ngọn ngành, cũng chẳng mấy người dám đề cập trước mặt họ, nhưng dầu sao vẫn nghe ngóng được ít nhiều, và cái ít nhiều ấy đã đủ khiến họ tim đập chân run.

Một lát sau, Hoằng Trú lại cười hi hi ha ha:

- Tứ ca, em về đây!

Hoằng Lịch cười nói:

- Em yên lòng về đi! Còn bọn đơm đặt sau lưng, ta sẽ dạy chúng cách quản lý cái lưỡi của mình.

Hoằng Trú nói:

- Biết Tứ ca nhất định sẽ không chỉ mắng em là xong mà.

Rồi khoát tay chào, cười khì bỏ đi.

NGOI TRUYN 2

Sương đm rèm, cửa sổ trăng phơi

Năm Ung Chính thứ sáu.

- Hoằng Trú chết tiệt, trả tranh lại cho tôi!

Thừa Hoan đuổi đằng sau, Hoằng Trú vừa chạy vừa ngoái lại làm mặt hề:

- Cứ không trả đấy, không trả đấy!

Kẻ chạy người đuổi, cùng phóng vào Chính Đại Quang Minh điện.

Có cột nhà và đồ đạc làm chướng ngại vật, Hoằng Trú như cá gặp nước, càng không uý kỵ gì nữa. Thừa Hoan đuổi theo, thở hồng hộc rồi mà không bắt kịp, đảo mắt nghĩ ngay ra một kế, bèn giật mình kêu to về phía sau Hoằng Trú: “Hoàng bá bá!”

Hoằng Trú sợ Hoàng a ma nhất trên đời, sợ đến rụng rời, lập tức sụp lạy. Thừa Hoan phì cười giật lại tranh vẽ của mình từ tay Hoằng Trú, dương dương tự đắc đứng trước mặt gã, cười bảo:

- Trú nhi ngoan, dập đầu thêm mấy cái nữa đi, ta sẽ tha tội cho.

Thấy mình bị trêu cợt, Hoằng Trú đỏ bừng mặt, chồm lên dợt đánh Thừa Hoan. Thừa Hoan bèn lạng mình chạy luôn, vừa chạy vừa kêu:

- Ta đã bảo con đừng quỳ nữa, con lại cứ nằng nặc hành đại lễ, ta còn làm thế nào được?

Hai người đang cười đùa ầm ĩ thì choang một tiếng, cái lọ tráng men dùng cắm trường xuân trong Chính Đại Quang Minh điện rơi xuống đất, Thừa Hoan và Hoằng Trú đều lặng ngắt, sững sờ nhìn nhau. Đánh vỡ đồ vật không phải việc gì to tát, nhưng cả hai từ nhỏ đã chuyên gây vạ, bây giờ mới nhớ ra rằng lúc trước từng được nhắc nhở là không được vào nô giỡn trong Chính Đại Quang Minh điện.

Thừa Hoan liền nói:

- Không phải em đánh đổ, mà là anh.

- Không phải ta đánh rơi, em đụng đổ mà.

Hai đứa cứ đùn đẩy lẫn nhau, chí choé không dứt. Hoằng Trú chợt gợi ý:

- Hoàng a ma chỉ đến điện này vào dịp Tết nhất hay tiếp đón sứ thần nước ngoài thôi. Chúng ta len lén phi tang mảnh vỡ, chẳng ai biết đấy là đâu. Khi nào có người hỏi tới, thì cứ trả lời là không biết…

Thừa Hoan lí nhí:

- Hoàng bá bá đến rồi!

Tưởng Thừa Hoan lại doạ già mình nữa, Hoằng Trú bèn tinh nghịch giả giọng cô:

- Hoàng bá bá đến rồi, đáng sợ quá đi!

Thừa Hoan túm tay gã kéo quỳ xuống. Bấy giờ Hoằng Trú mới nhìn thấy Ung Chính đang đứng ở cửa Chính Đại Quang Minh điện, bên cạnh là Hoằng Lịch và Cao Vô Dung.

Ung Chính nhìn mảnh vỡ tung toé dưới đất, lãnh đạm hỏi:

- Đây là lần thứ mấy trong tháng?

Cao Vô Dung nghĩ kỹ rồi đáp:

- Bẩm Hoàng thượng, không tính lần hai người lén uống rượu làm cháy nhà thì là đồ vật thứ mười chín.

Hoằng Trú dập đầu, không dám nói năng gì. Thừa Hoan vừa dập đầu vừa tự thú:

- Là con đánh vỡ, không liên quan đến Hoằng Trú ca ca.

Hoằng Trú lập tức nói:

- Con đụng đổ, không liên quan đến Thừa Hoan.

- Rốt cục là ai?

- Là con! – Cả hai cùng nói một lượt. Dứt lời lại sừng sộ nhìn nhau như cặp gà chọi.

Ung Chính cau mày, định nói thì một cơn gió lướt qua, thổi tờ tranh Thừa Hoan đánh rơi trên đất đến bên chân ông.

Ung Chính đưa mắt nhìn. Hiểu ý Hoàng thượng, Cao Vô Dung lập tức cúi xuống lượm lên, nhưng khi nhìn rõ người trong tranh thì ngập ngừng không dám đưa ra, do dự một lúc, cuối cùng vẫn chìa hai tay dâng lên Ung Chính, nhưng mặt tái nhợt đi.

Khuôn mặt vô cảm, Ung Chính hững hờ liếc qua, cầm luôn tờ tranh đút vào tay áo rồi quay mình đi, dặn Hoằng Lịch:

- Con tự giải quyết!

Cao Vô Dung đi theo, còn nghe tiếng cãi cọ vọng ra.

- Hoằng Lịch ca ca, không phải em đánh vỡ, là Hoằng Trú đấy!

- Tứ ca, em thề với anh, đúng là Thừa Hoan đánh vỡ.

- Rõ ràng là anh, sao lại vu hãm tôi? Đại trượng phu dám làm mà không dám nhận.

- Ta chỉ biết quân tử phải nói thật, chính cô làm vỡ, chính cô làm vỡ.

- Nếu không phải anh cướp bức ký hoạ than chì của tôi, thì tôi chạy tới đây làm gì?

- Cô không chăm chỉ tập đàn tranh, lại theo mấy tên hoà thượng Tây dương học vẽ tranh Tây, ta ngó xem thì đã làm sao?

Cao Vô Dung lo lắng trong lòng, nhưng Ung Chính vẫn tỏ ra bình thường, không chỉ không hề bâng khuâng trễ nải, mà còn cần mẫn hơn hằng ngày, khoác áo ngồi trên sập, cứ thế duyệt tấu chương đến tận đêm khuya.

Cao Vô Dung nhắc mấy lần, “Hoàng thượng, đã khuya lắm rồi!”. Thấy Ung Chính vẫn không phản ứng, hắn đành ngậm miệng, gắng tập trung tinh thần chực hầu.

Thừa Hoan ôm đèn lưu ly đi vào. Các thái giám toan thỉnh an, nhưng cô ra hiệu im lặng rồi cuộn mình bên cạnh đầu gối Ung Chính, lặng lẽ nhìn ông viết, yên ả như một con mèo.

Ung Chính nhếch môi cười, đặt một tay lên lưng Thừa Hoan, tay còn lại vẫn đưa bút rất nhanh.

Một lát sau, ông buông bút xuống, hỏi:

- Sao còn chưa ngủ?

- Hoàng bá bá cũng chưa ngủ mà.

Ung Chính ra hiệu cho Cao Vô Dung thu dọn tấu chương. Cao Vô Dung như cất được gánh nặng, lập tức vâng lệnh.

Ung Chính lấy áo choàng của mình đắp lên cho Thừa Hoan, hỏi:

- Sao đây?

- Hoàng bá bá, con thật sự là con đẻ của Thập tam vương gia và Thập tam phúc tấn chứ?

- Thừa Hoan!

Ung Chính xưa nay rất chiều chuộng Thừa Hoan, nhưng lúc này sắc mặt băng giá. Thừa Hoan không dám hỏi nữa, cúi mặt xuống, tủi thân nhưng vẫn ương ngạnh. Ung Chính hỏi:

- Con nghe thấy gì vậy?

- Không có gì, con chỉ thắc mắc sao tháng Chạp năm nào con cũng phải cúng bái ai đó.

Ung Chính biết cô không nói thật, nhưng cũng không muốn lục vấn, chỉ trấn an bằng giọng hiền hoà:

- Đừng nghĩ ngợi lung tung! Con là con gái ruột của a ma con. A ma con thật sự rất thương yêu con, có một số chuyện bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau này sẽ hiểu.

Thừa Hoan hỏi:

- Hoằng Lịch ca ca nói tên con là do hoàng gia gia ban cho, vì sao hoàng gia gia lại muốn gọi con là Thừa Hoan?

Ung Chính chậm rãi nói:

- Người ấy hi vọng con sẽ hiếu thảo với cha mẹ, thừa hoan tất hạ.

Thừa Hoan sấp mình trên đầu gối Ung Chính, mắt loáng ướt, so với vẻ hoạt bát hồn nhiên hồi sáng thì hệt như hai người khác nhau. Ung Chính vuốt tóc cô, nhìn nến hồng nhảy nhót trên bàn, người bỗng thẫn thờ.

Một lúc lâu sau, tưởng cô bé đã ngủ, ông định sai người đưa về phòng thì Thừa Hoan đột nhiên thủ thỉ:

- Con nhớ cô cô quá!

Bàn tay cất lên giữa chừng sững lại, rồi chậm rãi thả xuống đầu Thừa Hoan. Ung Chính lãnh đạm nói:

- Để trẫm cho người đưa con về nghỉ.

Thừa Hoan đã ra đến cửa, Ung Chính đột nhiên gọi giật cô lại, chìa tranh ra trả. Thừa Hoan bặm môi:

- Đây là bức đẹp nhất trong số tranh con vẽ, nếu hoàng bá bá muốn thì cứ giữ ạ.

- Không cần – Ung Chính đáp.

Trông dáng vẻ lạnh lùng của ông, Thừa Hoan thầm thất vọng, cung kính nhận lại rồi quay mình đi ra.

Hoàng bá bá cũng quên cô cô rồi ư?

Trong cung người ta đồn rằng cô cô là tình nhân của hoàng bá bá, nhưng lại có người nói cô cô là phúc tấn của Thập tứ thúc. Rốt cuộc cô cô là ai? Người mà Thừa Hoan khấu đầu cúng giỗ vào tháng Chạp hằng năm lại là ai? Thừa Hoan lại là con gái của ai nữa? Thắc mắc trong lòng càng lúc càng nhiều, nhưng không ai cho cô đáp án.

Ký ức hồi nhỏ rất nhạt nhoà hỗn loạn, có nhiều sự kiện đến cô cũng không phân biệt được là thật hay giả. Ban đầu cô còn muốn hỏi cho rành mạch, nhưng hỏi đến ai thì người ấy, nếu không kinh hoàng lắp bắp chẳng nên câu thì cũng lấp liếm rằng cô nhớ nhầm. Bây giờ, Thừa Hoan đã từ bỏ việc đi hỏi người khác, chỉ muốn tìm câu trả lời ở hoàng bá bá mà thôi.

Thừa Hoan trở về tẩm điện, bảo a hoàn lui ra, đang giở chăn định ngủ thì một thây ma trong chăn bật dậy, phóng hai tay bóp lấy cổ cô. Thừa Hoan kinh hoàng giật lui liền mấy bước mới gắng gượng trụ vững lại được.

Thấy Thừa Hoan cuối cùng cũng hoảng hồn, Hoằng Trú thích chí cười váng lên:

- Ôi, đồ nhát gan, đồ nhát gan!

Đương cơn kinh hoàng, bao nhiêu nước mắt tích tụ trong lòng cùng lúc vỡ oà thành lệ châu tuôn xuống.

Hoằng Trú sững sờ. Đối với gã, Thừa Hoan là người không biết âu sầu, là người có thể khiến Hoàng a ma dịu nét mặt mỉm cười, đủ sức làm tất cả vui tươi, là thứ trái cây khiến ai nấy lãng quên phiền não.

Gã vội chắp tay xin lỗi. Thừa Hoan gạt nước mắt, gượng cười:

- Em không sao, chỉ là bất chợt giật mình. Anh đóng thây ma giống quá, lần sau dạy em, em đi doạ Hoằng Lịch ca ca.

Hoằng Trú trông thì hồ đồ nhưng nhạy bén hơn hẳn người thường. Biết rõ Thừa Hoan nói dối, song gã lựa ngay theo, cười nói:

- Được, mai chúng ta cùng đi doạ anh ấy.

Thừa Hoan nói:

- Anh mau về đi. Muộn thế này để người khác nhìn thấy thì lại phiền phức lắm đấy!

Hoằng Trú cười hì hì:

- Em gái ngoan, ta không ngủ được. Em ra ngoài đi dạo với ta nhé! Bọn mình chọn chỗ nào vắng vẻ để không ai phát hiện ra.

Thừa Hoan đang lúc buồn rầu, cũng không ngủ được, bèn kéo màn lại, nguỵ trang như thể mình đã ngủ rồi. Ngại mặc áo chẽn, cô bèn tiện tay vớ lấy một tấm áo choàng bằng gấm trắng, cùng Hoằng Trú trèo cửa sổ nhảy ra.

Hai người không dám xách đèn lồng, cũng may trăng sáng vằng vặc. Dạo bước dưới trăng bỗng thành một thứ ý vị riêng. Có điều, nếu ai trông thấy nhất định sẽ nghĩ thế này: một thiếu nữ áo trắng, tóc dài xoã xượi, một cương thi áo đen, mặt mũi trắng bệch, đúng là cảnh một cặp Hắc Bạch Vô Thường sống dậy đi tuần đêm.

Hai người không dám đi đường lớn, toàn chọn nẻo khuất mà đi, chưa từng nghĩ ở đây cũng có thái giám canh gác. Thình lình giáp mặt một tên, hai người hoảng sợ định tháo chạy, nhưng lão thái giám đó mặt mày tái xanh, mắt lồi hẳn ra, lảo đảo ngã ngất trước rồi.

Hoằng Trú và Thừa Hoan đưa mắt nhìn nhau, không nhịn được cùng bật cười, Hoằng Trú cười khì:

- Đợi đấy! Ngày mai chắc là sẽ nói trong cung có ma.

Chợt cảm thấy khu nhà hoang vắng trước mặt rất quen thuộc, Thừa Hoan bất giác kéo tay Hoằng Trú khẽ khàng đi lại gần, thấy có thái giám đứng canh, hoá ra là Cao Vô Dung. Hai người không dám tiến lên nữa nhưng lòng càng lúc càng nghi hoặc, bèn quay lại đi quanh một vòng, trông thấy bên tường bao sân có một cây to, cùng chung một ý, cả hai im lìm trèo lên thì trông thấy Ung Chính ngồi một mình trong nhà.

Hoằng Trú giật bắn, tay phát run, suýt nữa ngã lộn nhào, nhưng Thừa Hoan bình tĩnh giữ lấy gã, náu trong tán cây âm thầm theo dõi.

Ngọn đèn nhỏ như hạt đỗ, hắt sáng lù mù lên tường lạnh, Ung Chính ôm áo ngồi nghiêng bên án, tựa hồ đang xem bản thảo, nhưng không giở lấy một trang.

Gió đêm riết róng, cuốn thốc hoa rụng nhuỵ tàn, từng vốc một, từng đám một, hắt cả vào màn trướng.

Vầng trăng sáng trên trời rọi trắng tấm rèm trúc cũ, tựa như phủ xuống một lớp hàn sương, khiến những cánh hoa đỏ bay vào rèm trúc nổi bật lên như máu.

Ung Chính không nói năng không động đậy, tựa hồ thần trí đã lang thang cõi nào, mặc cho rèm trúc hất lên đập lạch cạch vào khung cửa.

Một lúc lâu sau, Cao Vô Dung xách đèn lồng đi vào. Ung Chính mở rương, tự tay xếp dọn đồ đạc, khóa cửa nhà rồi cùng Cao Vô Dung đi ra.

Trong ánh đèn mông lung, lần đầu tiên Hoằng Trú nhận ra Hoàng a ma rất gầy guộc rất trơ trọi, tựa hồ không thể gánh được sức nặng. Ngày thường bị trấn áp bởi uy nghiêm của ông, gã mặc nhiên cho rằng ông rất khoẻ khoắn hung bạo, không việc gì không làm nổi.

Hoằng Trú lặng người nhìn theo hồi lâu, mãi cho đến khi ánh đèn vàng vọt chìm lỉm giữa màn đêm, nỗi oán hờn hằng ngày với Hoàng a ma cũng nhạt bớt. Gã ngoảnh lại, thấy Thừa Hoan thất thần bèn đưa tay lay cô, khẽ nói:

- Chúng ta đột nhập nhé! Xem bên trong giấu thứ gì.

Lần đầu tiên, Thừa Hoan không phụ hoạ những trò nghịch ngợm của gã, dùng cả tay lẫn chân tụt xuống khỏi cây, nói:

- Em không muốn xem, em phải về ngủ đây.

Hoằng Trú không làm thế nào được, cũng trượt xuống, nhưng vừa đi vừa ngoái đầu liên tục. Thừa Hoan bỗng đứng phắt lại, nói:

- Hoằng Trú ca ca, hứa với em một việc nhé? Đừng quấy rầy hoàng bá bá nữa.

Thực ra Hoằng Trú tuy nghịch ngợm, nhưng xưa nay nể sợ Ung Chính, dẫu tò mò đến đâu đi nữa mà không có Thừa Hoan chống lưng thì cũng không bao giờ dám nhìn trộm. Song Thừa Hoan không nói “đừng nhìn trộm”, mà lại nói “đừng quấy rầy”, trước mắt Hoằng Trú bỗng nổi lên hình ảnh “sương đẫm rèm cửa sổ trăng phơi, người lẻ bóng đèn soi tường lạnh” vừa rồi, lòng bỗng thấy u buồn khó tả, bèn dẹp ngay tâm tính hiếu kỳ ranh quái của mình, gật đầu nói:

- Ta hiểu rồi!

NGOI TRUYN 3

Gió hoen lệ sắt se mai rụng

Năm Ung Chính thứ tám.

Tháng Tư về nghìn tía tàn phai, hoa rụng tàn hồng thanh hạnh nhỏ. Đây không phải là mùa rực rỡ nhất ở Tử Cấm Thành, nhưng đối với người Mông Cổ thường cư trú nơi đất bắc thì khung cảnh này đã đẹp như mộng như ảo rồi.

Ngói xanh tường đỏ thuỳ liễu rủ, nước biếc dưới cầu uốn nhà ta, yến sồ bay tiếng oanh xa, mỗi nét vẻ đều vô cùng mới mẻ. Tất cả toát lên sắc thái mơ màng, phong cảnh tú lệ vẫn được miêu tả trong thơ Hán này thật khiến cả tâm hồn và thể xác người ta ngất ngây.

Y Nhĩ Căn Giác La Đạt Lan Đài, ngoài mặt cũng say sưa thưởng thức phong cảnh như mọi người, nhưng lòng thi thoảng bị kéo căng như sợi dây đàn. Nghe đồn Ung Chính vui giận thất thường, khắc bạc nghiệt ngã, thủ đoạn lại tàn khốc, từ anh em ruột thịt đến ông cậu là Long Khoa Đa đều không ai được hưởng kết cục tốt đẹp. Lần này ông ta phá lệ cho phép bọn họ vào kinh tấn kiến, rốt cục là ân hay uy, là phúc hay hoạ còn chưa rõ được.

Hoàng thượng đặc cách cho gã vào nghỉ ở vườn Viên Minh, ăn uống khoản đãi như thượng khách, nhưng mãi không tiếp kiến, chỉ có Tứ a ca Hoằng Lịch đến gặp một lần, dặn rằng:

- Gần đây Hoàng a ma bận rộn sự vụ, e rằng vài hôm nữa mới gặp vương tử được. Vương tử hẵng du ngoạn các nơi trong kinh vài hôm, hễ cần bất kỳ thứ gì thì cứ sai cung nhân đi tìm ta.

Đạt Lan Đài thấp thỏm trong lòng, không nắm bắt được tâm tư dự định của hoàng đế, bèn dặn tuỳ tùng hầu cận là Ô Ân Kỳ Đa uống rượu chuyện trò với các thị vệ quanh đấy. Vung ngân lượng ra, cuối cùng cũng thu về được vài tin tức trong cuộc nhàn đàm, thì ra người thân nhất của thánh thượng là Thập tam vương gia bệnh nặng.

Đạt Lan Đài càng thêm ưu tư. Nghe đồn Ung Chính độc đoán chuyên quyền, người duy nhất có khả năng xoay chuyển tâm ý ông ta là Thập tam vương gia. Chuyến này trước khi lai kinh yết kiến, phụ vương đã dặn riêng gã, nếu gặp phải chuyện phúc hoạ khó lường thì có thể đến cầu cứu Thập tam vương gia.

Lại một ngày nữa trôi qua, Hoàng thượng vẫn chưa triệu kiến, Đạt Lan Đài lại không dám cáo từ, tâm trạng vô cùng u ám.

Ngồi trong phòng lật đến nửa quyển thi từ của Đường Bá Hổ, gã đẩy mở cửa sổ thì trông thấy vầng trăng tròn chênh chếch. Cùng làn gió đêm, hương hoa thoảng tới từng chặp. Đúng là “trăng ngời như nước, rọi hoa thơm[1]”, gã bèn lững thững rời phòng đi dạo.

Đến bờ hồ mới phát hiện ra mình vẫn mặc áo ngủ. Bấy giờ đêm khuya người vắng, gã lại không ngại lạnh, vì thế cũng không bận tâm, ngồi luôn xuống bên hồ sen, ngắm lá xanh san sát đang rập rờn trong gió. Tiếc rằng cảnh tượng “sắc nắng ươm sen đỏ lạ thường[2]” phải đến tháng Bảy mới có, gã không thưởng ngoạn được rồi.

Chợt nghe nước oàm oạp, lá sen trồi động, tựa hồ có vật gì sắp nhô lên khỏi đáy. Đạt Lan Đài chăm chú đợi, tay hườm sẵn lực, đến khi nhìn rõ thì ngây ngẩn cả người.

Dưới bóng trăng vằng vặc, ánh bạc tràn trề, một thiếu nữ đội nước ngoi lên, tóc đen nhay nháy dính bết vào mặt, bờ vai thon ẩn hiện dưới lần áo mỏng ướt sũng, khoé mắt đầu mày trĩu nặng ai sầu, nước đọng lấm tấm trên mặt hệt như giọt lệ nhân ngư.

Trông thấy Đạt Lan Đài, thiếu nữ cũng ngẩn người, đứng mãi ở hồ nước.

Muôn vòng sóng bạc loang rộng quanh chân cô, phía sau là hàng vạn lá sen rung rinh theo gió. Đạt Lan Đài sực nhớ đến một câu thơ của người Hán, “Ngời như trời hồng dâng ráng sớm, rạng như sen thắm rẽ sóng xanh[3]”.

Từ đằng xa chợt vang tiếng bước chân. Đạt Lan Đài choàng tỉnh, nơi đây là Viên Minh viên, biệt uyển của Thiên Khả Hãn[4]. Người Mãn từ ngày nhập quan đã chịu ảnh hưởng tập tục của người Hán, rất chú ý giữ khoảng cách giữa nam và nữ, nếu để người ta bắt gặp gã đang ăn bận thế này thì giải thích thế nào cũng không thoả đáng được, tự mình phiền phức đã đành, chỉ e còn chuốc hoạ cho bộ tộc.

Thiếu nữ tựa hồ nhận ra nỗi lo của gã, chợt nhoẻn cười, đặt đầu ngón trỏ lên môi làm hiệu im lặng rồi từ từ chìm xuống đáy nước.

Bóng người biến mất, chỉ còn sóng gợn lăn tăn. Đạt Lan Đài yên tâm, đồng thời lại thấy hẫng hụt mất mát.

Một tốp thái giám canh đêm xách đèn lồng đi đến, Đạt Lan Đài vội tránh vào bóng đổ của tàng cây. Đợi đám người đi qua rồi, gã quay trở lại bên hồ, đứng hồi lâu mà chỉ nghe tiếng lá sen sột soạt khi gió mát lùa qua.

Mộng nhỉ, ảo chăng?

Cuối cùng Đạt Lan Đài cũng nhận được thánh chỉ, Ung Chính triệu kiến gã sau buổi chầu sớm.

Gã thầm thấp thỏm, nhưng ngoài mặt gắng giữ vẻ thản nhiên.

Đến khi gặp Ung Chính, Đạt Lan Đài ngấm ngầm kinh ngạc. Vì nghe đồn đại khá nhiều, những tưởng tướng mạo phải dữ tợn lắm, nào ngờ lại là một người đàn ông nhợt nhạt gầy gò. Gã không dám nhìn kỹ, cung kính dâng lễ vật phụ vương gửi biếu. Cứ nghĩ Ung Chính sẽ hỏi thăm chính sự trong bộ tộc mình, nhưng ông ta chỉ đàm đạo toàn chuyện gia đình:

- Phụ nương và nương thân khanh có khoẻ không?

- Đều khoẻ ạ.

- Hoa trên thảo nguyên chắc mới bắt đầu nở nhỉ?

- Vâng ạ. Khi thần lên đường, cỏ mới chưa chớm móng ngựa, buổi đêm hàn khí vẫn dày.

- Đúng rồi. Phải đến tháng Bảy tháng Tám thì ban đêm mới dễ chịu, không lạnh cũng không nóng.

- Vâng, mẫu thân thần thích nhất là dùng cơm tối xong thì ra ngoài cưỡi ngựa.

Ung Chính im lặng một lát, Đạt Lan Đài thấp thỏm, không biết mình đã nói sai điều gì, bèn kín đáo liếc Bảo thân vương Hoằng Lịch. Hoằng Lịch hơi lắc đầu, ra ý đừng lo.

Chỉ tích tắc, Ung Chính lại cười hỏi:

- Cầu hôn là ý của phụ vương hay mẫu thân khanh?

Cầu hôn đã là việc một năm về trước, Hoàng thượng mãi không hồi đáp nên phụ vương cũng không dám đả động nữa rồi, chẳng ngờ hôm nay lại nhắc lại việc này. Đạt Lan Đài cân nhắc rất nhanh, và thận trọng trả lời:

- Là ý của mẫu thân thần. Phụ vương vốn không dám vọng tưởng, nhưng không cưỡng được tài thuyết phục của mẫu thân, vì thế mới mạo muội dâng tấu.

- Mãn Mông thông gia là quy chế từ xưa, có gì mà vọng tưởng với không vọng tưởng, chỉ tại trẫm không có cô con nào ở lứa gả chồng. Nhưng lại có một đứa còn quý hơn cả con…

- Hoàng a ma!

Hoằng Lịch đột nhiên xen vào, tựa hồ không tán đồng. Ung Chính lặng lẽ liếc chàng, Hoằng Lịch tái mặt cúi đầu xuống.

- Con gái của Thập tam vương gia từ nhỏ đã lớn lên bên trẫm, tính tình…

Đạt Lan Đài tưởng rằng sẽ nghe thấy những câu như “tính tình hiền hậu, cung cách đoan trang”, không ngờ Ung Chính nghĩ ngợi một lát thì không nói nữa, giọng điệu lại lẫn ý cười cợt:

- Trẫm đắn đo rất lâu, cuối cùng quyết định gả nó cho huynh trưởng khanh.

Đạt Lan Đài không hiểu lòng mình có cảm giác gì, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra mừng rỡ, quỳ xuống tạ ơn:

- Khấu tạ thánh ân Hoàng thượng.

Ung Chính điềm đạm nói:

- Khanh lui đi! Chẳng mấy khi vào kinh, ở lại chơi thêm vài ngày rồi hẵng về.

- Đội ơn Hoàng thượng!

Đợi Ung Chính đi rồi, Đạt Lan Đài mới dám đứng dậy, định nói chuyện với Hoằng Lịch thì phát hiện ra sắc mặt chàng rất u ám, bèn thăm dò:

- Vương gia?

Hoằng Lịch nhìn gã, gượng cười:

- Cung hỉ!

Đạt Lan Đài cười nói:

- Tạ ơn vương gia!

Hai người chuyện phiếm vài câu, mỗi bên nặng một tâm sự, rồi ai đi đường nấy.

Buổi tối, chân bước đưa chân, Đạt Lan Đài lại đến đến bên hồ, ngắm trăng sáng, trong lòng chộn rộn. Là anh em cùng cha cùng mẹ, chỉ nhờ sinh ra trước vài năm, một người được đặt tên là A Tư Lan, biệt hiệu Hùng sư, người còn lại gọi là Đạt Lan Đài, cha mẹ chỉ cần gã trường thọ.

Sóng nước lăn tăn, lá sen lay động, Đạt Lan Đài bất thần buột miệng: “Cô nương!”

Không ai đáp lời, khiến gã tưởng mình nghe lầm. Một lúc lâu sau, từ trong bãi sen có tiếng nói phẫn nộ vọng ra:

- Ngươi là ai? Vì sao lại ở đây?

Giọng nghẹn ngào, nghe như vừa khóc. Đạt Lan Đài hỏi:

- Cô bị chủ tử trách mắng à?

- Ta đi đây!

Tiếng nước oàm oạp, lá sen dạt ra.

- Cô nương, chính ta quấy rầy cô. Để ta đi cho.

Nhưng không ai trả lời, chỉ có gió nhẹ thổi qua, lá sen khua lạt sạt.

Đạt Lan Đài đứng mãi trên bờ, khi vầng trăng bò lên giữa trời mới chậm rãi trở về.

Tinh mơ hôm sau, Đạt Lan Đài quyết định đi thăm Thập tam vương gia, coi như làm trọn lệ bộ xã giao.

Đến phủ đệ cầu kiến mới biết Hoàng thượng đã hạ chỉ nghiêm cấm quan viên các cấp tới thăm hỏi, Đạt Lan Đài bèn quay về. Bấy giờ một đầy tớ lớn tuổi vừa từ xe ngựa bước xuống chuẩn bị vào nhà, trông thấy trang phục gã thì hỏi:

- Ngài là vương tử của bộ tộc Y Nhĩ Căn Giác La?

Đạt Lan Đài không dám khinh mạn, bèn lễ phép trả lời:

- Đúng thế.

Đối phương vội thỉnh an:

- Nô tài là Tam Tài, hầu cận Thập tam vương gia, không biết vương tử thân đến nên đón rước chậm trễ. Xin mời vào.

Đạt Lan Đài theo vào, vừa đi vừa hỏi chuyện. Tam Tài nói:

- Hoàng thượng muốn để vương gia tĩnh tâm dưỡng bệnh nên đặc biệt hạ chỉ cấm quan lại các cấp đến thăm hỏi, riêng vương tử thì chắc chắn là gia muốn gặp.

Đang thả bước giữa đình đài lầu các, chợt nghe tiếng cãi cọ:

- Em nói với Hoàng a ma đi! Nếu em không muốn, Hoàng a ma sẽ không bắt em xuất giá đâu.

- Em chẳng có gì muốn hay không cả. Đằng nào đến tuổi thì cũng phải xuất giá thôi.

- Nhưng đối tượng mặt mũi ra sao còn chưa gặp, phẩm cách tính tình lại hoàn toàn không biết.

- Có mấy cô gái được gặp phu quân rồi mới xuất giá đây?

- Em không lo hắn đối xử tệ bạc với em à?

- Em mang họ Ái Tân Giác La. Nếu người đó dám ngược đãi em, hoàng bá bá và các anh cũng chẳng cho phép nào.

- Nhưng đấy là Mông Cổ ở ngoài ngàn dặm, không phải ở kinh thành, cho dù hắn bắt nạt em thì ta cũng không thể trừng trị giúp em được. Em ngoan, mau cầu xin Hoàng a ma! Ta và Tứ ca thật không nỡ gả em đi nơi xa xôi như thế.

- Hoàng bá bá rất kiên quyết, các anh không phải lo lắng. Nhất định hoàng bá bá đã tìm hiểu người đó cặn kẽ rồi mới tứ hôn – Giọng cô gái mềm xuống, mềm như thế nhưng lại khiến người ta cảm nhận được sự não nề và bất lực trong lòng.

Nhất thời, Đạt Lan Đài không biết nên tiến vào hay lùi ra, bèn đưa mắt nhìn Tam Tài. Nhưng Tam Tài mỉm cười tỉnh bơ, tựa hồ không nghe thấy gì cả. Đạt Lan Đài sực hiểu, cái tên nô tài này không ngại để gã nghe thấy. Người chưa bước qua cửa, cảnh cáo đã vào trước rồi.

Hoằng Trú hét lên:

- Vì sao em không chịu khẩn nài Hoàng a ma huỷ bỏ hôn sự? Tử Cấm Thành có gì không tốt chứ?

- Bệnh của  a ma em… Các anh lẽ nào không hiểu? Hoàng bá bá muốn a ma yên lòng, em cũng không muốn để a ma lo lắng.

Tam Tài bước nặng chân, làm lễ thỉnh an Hoằng Lịch và Hoằng Trú:

- Tứ a ca, Ngũ a ca cát tường! Đạt Lan Đài vương tử đến bái kiến vương gia.

Đạt Lan Đài vội vàng thỉnh an Hoằng Lịch:

- Vương gia cát tường!

- Đứng lên đi! – Hoằng Lịch lãnh đạm nói.

Hoằng Trú thì trợn trạo nhìn Đạt Lan Đài, nộ khí bừng bừng hầm hầm bỏ đi.

Cô gái trong đình sớm đã quay gót theo hành lang. Đạt Lan Đài chỉ trông thấy cái bóng thướt tha xuyên qua hàng thuỳ liễu.

Hoằng Lịch cười nói với Đạt Lan Đài:

- Vừa lúc ta cũng đến thăm vương thúc, chúng ta cùng vào nào!

Hai người sánh vai bước đi. Đạt Lan Đài thông làu thi từ của người Hán, hợp với Hoằng Lịch, nên hai bên trò chuyện rất sôi nổi.

Trông thấy họ, Thập tam vương gia định ngồi dậy. Hoằng Lịch vội đến bên sập, giữ lấy ông:

- Vương thúc đừng làm thế. Hoàng a ma mà biết thì sẽ mắng con đấy!

Chàng lại lấy gối mềm, kéo chăn đắp, đứng bên sập hầu hạ Thập tam vương gia, không mảy may lộ vẻ cao ngạo của hoàng tử, chưa kể chàng đang là người mà tất cả ngầm hiểu sẽ là thiên tử tương lai.

Đạt Lan Đài quan sát và âm thầm ghi nhớ.

Thập tam vương gia, tuy khuôn mặt hốc hác nhưng tinh thần lại rất phấn chấn. Đạt Lan Đài cười thưa:

- Khi cháu lên đường, phụ vương và mẫu thân nhắc cháu rằng nếu gặp được vương gia thì nhắn với người, họ luôn đợi người ở thảo nguyên. Nếu rảnh rỗi, nhất thiết mời vương gia đi tái ngoại một lần, tuấn mã và mỹ tửu đều đang chờ cố nhân.

Thập tam vương gia cười lớn, tiếng cười chưa dứt đã ho sù sụ. Hoằng Lịch vội đấm lưng cho ông ta. Thập tam vương gia cười nói:

- Đã hai mươi năm phụ vương và mẫu thân cháu chưa gặp ta, nên không biết cố nhân này không phải là cố nhân ấy nữa rồi. Nếu gặp ta thật, chỉ e sẽ ngạc nhiên thốt lên, lão già thảm hại này là ai thế?

Lời lẽ tuy cảm khái, nhưng vì giọng người nói không hề tang thương nên người nghe cũng không lấy làm phiền muộn lắm, Đạt Lan Đài cười đáp:

- Phong thái của vương gia thì chắc chắn vẫn nguyên vẹn như năm xưa. Phụ vương và mẫu thân cháu lại luôn nhung nhớ vương gia, không khi nào có chuyện không nhận ra đâu.

Thập tam vương gia chỉ cười, hỏi han cặn kẽ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống ngày thường của phụ vương và mẫu thân gã, chuyện trò tao nhã thú vị, Đạt Lan Đài cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều so với khi hầu chuyện Ung Chính, mà ở Thập tam vương gia lại toát ra một thứ khí chất bình đạm hiền hoà, khiến người ta tự nhiên mong muốn được gần gũi ông, chứ không có ý đề phòng hay nghi kỵ. Hệt như gặp một trưởng bối thân thuộc, Đạt Lan Đài vui miệng kể hết những chuyện lặt vặt ngày thường, ngay cả tính khí vùng vằng bướng bỉnh của mẫu thân cũng không giấu.

Thập tam vương gia mỉm cười lắng nghe, ánh mắt ấm áp.

Đạt Lan Đài đang hào hứng tâm sự, chợt có tiếng nhạc tịch tịch tang tang cất lên. Hoằng Lịch cười nói:

- Thừa Hoan đang đuổi chúng ta đấy!

Thập tam vương gia cũng cười, nhìn Đạt Lan Đài, ngẫm nghĩ một lát rồi dặn:

- Thực ra nhắn nhủ thế nào cũng không trọn ý được, nhưng là người làm cha làm mẹ nên luôn luôn lo âu trong lòng. Cháu về nói với mẹ, ta gửi gắm con gái cho bà ấy.

Đạt Lan Đài ngẩn người, vội đứng dậy cung kính đáp:

- Nhất định cháu sẽ chuyển lời lại cho mẫu thân.

Thập tam vương gia gật đầu, ôn tồn nói:

- Cháu về đi!

Đạt Lan Đài hành lễ cáo lui, trông khuôn mặt tiều tuỵ của Thập tam vương gia, lòng bỗng thương cảm, chỉ e… không được bao nhiêu ngày nữa rồi.

Gã cùng Hoằng Lịch bước ra, thoáng thấy một cô gái ôm đàn đi lướt qua hành lang sơn son. Đạt Lan Đài không dám nhìn kỹ, khoé mắt chỉ bắt được dáng nhìn nghiêng yểu điệu.

Đi chưa được bao xa thì tiếng đàn tính tang lại vang lên, nghe yên ả xa xăm. Đạt Lan Đài cảm thấy tâm hồn thư thái, bèn tán thưởng:

- Sách nói âm điệu cổ cầm có thể khiến người ta tập trung đầu óc, giải toả ưu phiền, hôm nay được nghe mới biết quả nhiên là thật.

Hoằng Lịch lãnh đạm nói:

- Đây không phải cổ cầm, mà là tranh cầm.  Thập tam thúc thích nghe đàn tranh, vì thế cách cách theo học đàn tranh từ nhỏ.

Đạt Lan Đài ngẩn người, mỉm cười:

- Tại tôi kiến thức nông cạn, không phân biệt được tiếng cổ cầm và tranh cầm.

Hoằng Lịch cười nhạt:

- Chẳng có gì. Ta cũng chưa chắc nghe ra tiếng mã đầu cầm và hồ cầm.

Đạt Lan Đài về tới Mông Cổ thì trong tộc đã nhận được thánh chỉ cho biết Hoàng thượng chấp thuận chuyện hôn nhân, ai nấy đều hân hoan chúc mừng.

Mẫu thân phấn khởi khác thường, vừa gặp là cho mọi người lui hết để hỏi chuyện riêng:

- Nghe nói con đến yết kiến Thập tam vương gia, ông ấy khoẻ không? Con có nói là chúng ta mời vương gia về thảo nguyên không? Ông ấy bằng lòng chứ?

- Vương gia ốm lặng lắm, e rằng chỉ gượng được vài ba tháng nữa. Phụ vương thường kể Thập tam vương gia dẻo dai tráng kiện, thuật cưỡi ngựa và bắn cung đều rất siêu việt, nên con còn mang theo một cánh cung cứng để làm lễ vật. Về sau mới biết ông khác xa tưởng tượng của mình, chắc vì bị bệnh tật giày vò nên đừng nói kéo cung, ngay đi lại cũng khó khăn rồi.

- Gì cơ? – Mẫu thân lảo đảo, mặt trắng bệch ra.

Đạt Lan Đài vội đỡ bà ngồi xuống. Mẫu thân ngồi chết sững một lúc, lại hỏi:

- Thập tam vương gia có nói gì không?

- Ông ấy nói gửi gắm con gái cho mẫu thân.

Mắt mẫu thân trào lệ, bà quay mặt đi:

- Con đi đường chắc cũng mệt. Về nghỉ ngơi cho khoẻ.

Đạt Lan Đài cung kính hành lễ rồi cáo lui, qua khoé mắt liếc thấy lệ tuôn ròng ròng trên má mẫu thân.

Ước chừng hơn một tháng sau, có tin gửi tới báo Thập tam vương gia bệnh nặng đã qua đời.

Đạt Lan Đài tuy hơi bùi ngùi, nhưng đằng nào cũng chẳng phải bạn bè thân thích, không đến nỗi vật mình vật mẩy.

Nhưng mẫu thân thì đau đớn muôn phần, vừa nghe tin liền oà ra khóc trước mặt mọi người, khóc đến lạc cả giọng, khóc đến gần ngất xỉu trong lòng phụ vương.

Về sau, bất chấp sự phản đối của mọi người, bà khăng khăng đòi lập linh đường, hạ lệnh cho đại ca trông linh cho Thập tam vương gia theo đúng lễ con rể cha vợ, bản thân bà cũng ngày ngày tới linh đường cúng bái.

Đạt Lan Đài rất ngạc nhiên, song không dám hỏi nhiều, chỉ đến trông linh cho Thập tam vương gia theo đúng lễ con cháu.

Một đêm khuya, gã nghe loáng thoáng tiếng hát vọng tới, không giống giai điệu Mông Cổ, nổi tính hiếu kỳ lần theo hướng tiếng ca, thì trông thấy mẫu thẫn bận áo đỏ thắm đang hát trước linh vị Thập tam vương gia.

Chân tình vi vi như đng c

Chng ngi chi mưa gió dn dày

Tri quang mây tnh có ngày

Nng soi muôn dm sum vy hai ta.

Chân tình như mai hoa n n

Băng giá kia cũng khó dp vùi

Dù bao lnh lo chìm trôi…

Mẫu thân vừa hát vừa múa nhẹ tay áo, từ từ cuốn mình theo một vũ khúc. Hát đến đoạn sau, giọng bà nghẹn ngào lúng búng, không hát tiếp được nữa. Thình lình có tiếng mã đầu cầm vang lên, nối vào giai điệu mà mẫu thân vừa hát, cứ thế tiếp tục tấu một cách u hoài.

Đạt Lan Đài nhìn xem thì nhận ra là phụ vương, không hiểu ông đến tự bao giờ, đang ngồi xếp bằng trên sàn linh đường, kéo mã đầu cầm. Mẫu thân trông thấy phụ vương, động tác có phần gượng gạo, nhưng phụ thân vẫn chăm chú kéo đàn:

- Mẫn Mẫn, múa tiếp đi. Chúng ta cùng tiễn anh ấy một chặng cuối.

Phụ vương cất cao tiếng hát, giọng hát hùng tráng ngập đầy bi thương:

Tuyết xoáy li mênh mang gió bc

Cành hàn mai cô đc gia tri

To hương ch bi mt người

Yêu không tiếc hn tình ngi trong tim…

Mẫu thân xoay chầm chậm, nước mắt chảy như mưa, thả mình vào một điệu vũ mỹ lệ mà đau thương. Dáng điệu bà không còn thanh thoát linh hoạt như thời thiếu nữ, bước chân thi thoảng còn lỗi nhịp, lúc ấy phụ vương lại kéo dài tiếng đàn mã đầu cầm, âm thanh nhẩn nha đợi mẫu thân bắt vào đúng bước.

Đạt Lan Đài khẽ khàng rời đi. Gã không biết câu chuyện giữa phụ thân, mẫu thân và Thập tam vương gia, nhưng gã có thể nhận ra nỗi đau đớn của mẫu thân, nỗi đau đớn của phụ thân. Gã bắt đầu lờ mờ hiểu nguyên nhân Thập tam gia và Thiên Khả Hãn cho cách cách hứa hôn với đại ca, có lẽ họ muốn cô ấy cũng được như mẫu thân gã, mãi mãi là bông hoa cao quý nhất trên thảo nguyên. Có người đàn ông sẵn lòng tặng cả thảo nguyên khi nàng muốn ruổi ngựa, sẵn lòng kéo mã đầu cầm khi nàng muốn nhảy múa, và chầm chậm đợi nàng khi nàng lạc bước chân.

Mẫn Mẫn múa xong, tiếng mã đầu cầm vẫn chưa dừng.

Nhiều năm nay, cô không còn hát bài này, cũng không còn múa điệu múa này nữa. Cô không hiểu vì sao chỉ nghe một lần mà Tá Ưng nhớ được. Bản thân cô, bây giờ chỉ nhớ láng máng, không thể mường tượng được tiếng sáo năm xưa, tưởng đâu hơn hai mươi năm trước, điệu nhạc mà cô nghe thấy lại chính là tiếng mã đầu cầm.

Cô bước đến bên Tá Ưng, chầm chậm ngồi xuống, đầu ngả vào vai gã.

Tiếng mã đầu cầm vẫn rền rĩ như khóc như than. Tá Ưng hôn nhẹ lên trán Mẫn Mẫn, nói với linh vị của Thập tam gia:

- Anh yên lòng đi nhé! Tôi và Mẫn Mẫn sẽ thay anh chăm sóc Thừa Hoan.

[1] Trích bài thơ Hoa nguyệt ngâm của Đường Bá Hổ.

[2] Trích bài thơ Hiểu xuất Tĩnh Từ tự tống Lâm Tử Phương (sáng ra chùa Tĩnh Từ tiễn Lâm Tử Phương) của Dương Vạn Lý.

[3] Trích Lạc thần phú của Tào Thực.

[4] Từ tôn xưng của người Mông Cổ dành cho đấng vương chủ thiên hạ. Đây chỉ Ung Chính.

NGOI TRUYN 4

Điện rộng ngôi cao bóng lẻ loi

Năm Ung Chính thứ chín.

Khôn Ninh cung đặc quánh mùi thuốc, hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp sắc mặt vàng vọt, vì quá gầy nên hai má hõm sâu, lưỡng quyền nhọn hoắt, một năm trở lại đây tóc rụng khá nhiều, gần như không còn giữ nổi dù một cây trâm, nhưng bà vẫn bảo cung nữ chải tóc thật mượt, rồi cài cho bà chiếc trâm Khanh Vân Ủng Phúc.

Cung nữ nhỏ nhẹ nói:

- Cách cách, hoàng hậu nương nương còn ngủ.

Ô Lạt Na Lạp mở bừng mắt:

- Thừa Hoan, vào đây!

Thừa Hoan hấp tấp đi vào, quỳ bên giường bà:

- Hôm nay trông nương nương phấn chấn hơn nhiều.

Ô Lạt Na Lạp mỉm cười, trong lòng tỉnh táo lạ thường, bà biết mình đã đi đến đoạn cuối rồi, không đau lòng, không tiếc hận, chỉ bịn rịn mà thôi. Bà nắm tay Thừa Hoan, ra ý bảo cô ngồi lên chiếc ghế cạnh giường cho tiện nói chuyện:

- Bản cung còn nhớ khi Hoàng thượng ẵm con về, con mới nặng hơn hai cân, khuôn mặt chỉ nhỏ bằng trái lê. Hoàng thượng giao cho ta chăm sóc. Lúc ấy a ma con bị giam trong trại nuôi ong, lòng ta thật sự không muốn lắm, chỉ sợ vì con mà cả phủ sẽ rước họa, mãi cho đến khi Thánh Tổ gia ban tên cho con, ta mới yên lòng. Thánh Tổ gia đã muốn con thừa hoan tất hạ, cố nhiên sớm muộn gì cũng có một ngày thả a ma con ra, nhưng không thể ngờ, bao nhiêu năm nay, người con thừa hoan tất hạ lại là ta.

Thừa Hoan áp mặt vào tay hoàng hậu:

- Đó là vì nương nương thương con.

Ô Lạt Na Lạp yêu thích nhất chính là cách ăn ở có trước có sau của Thừa Hoan, hễ ai đối tốt với con bé, nó đều nhất nhất ghi lòng tạc dạ. Từ năm Khang Hy thứ bốn mươi ba, Đại a ca yểu mệnh, Hoàng thượng tựa hồ cũng hiểu nỗi khổ trong lòng bà nên chưa từng tỏ ra ghẻ lạnh, chỉ hiềm bà không sinh đẻ được nữa, hi vọng cũng nhạt dần. Hoàng thượng ẵm Thừa Hoan về cho bà nuôi, lại đặc biệt cưng chiều nó, cố nhiên bà phải săn sóc Thừa Hoan một cách ân cần. Không phải vì bà thật lòng yêu mến con bé, chỉ vì đây là điều Hoàng thượng muốn bà làm. Nhưng bản thân Thừa Hoan lại có biệt tài khiến người ta thương quý, dần dần bà đã yêu thương thật sự, phần nào coi nó như con gái của mình, khoả lấp được nỗi bi thương và cô quạnh vì không con dưới gối. Thừa Hoan thông minh vô cùng, hoặc là cảm nhận được tấm lòng bà, hoặc là cũng giống bà, đều muốn Hoàng thượng vui, nên thường đến Khôn Ninh cung bầu bạn với bà, chơi đàn uống trà, kể về những kiểu quần áo đang thịnh hành, làm chút phấn nước trang điểm, thật sự khiến bà hưởng thụ được niềm vui có mụn con gái dưới gối.

Năm nay, từ khi bà ốm nằm liệt giường, ngày nào Thừa Hoan cũng đến thăm, nghĩ đủ mọi cách để bà vui, nó lại tinh tế, hễ cung nhân phạm sơ suất dù nhỏ nhoi thì đều bị nó vạch ra, đến nỗi bà bệnh gần một năm mà Khôn Ninh cung vẫn ngăn nắp đâu ra đấy. Con gái đối với ngạch nương thân sinh chẳng qua cũng chỉ đến thế mà thôi.

Hoàng hậu nói:

- Bản cung vốn muốn nhìn thấy con xuất giá, muốn tự tay sắp hồi môn cho con, tiễn con ra tận cửa, đáng tiếc bản cung không có diễm phúc được làm mẹ trọn vẹn một lần – Bà thở dài – Hoàng thượng hứa hôn con cho vương tử Mông Cổ. Con được gả sang đó, sẽ có vị trí giống như bản cung trước đây, và tương lai của con cũng giống như bản cung bây giờ. Bản cung muốn chia sẻ với con những lời mà ngạch nương đã cẩn thận răn bảo bản cung bốn mươi năm về trước, trước khi bản cung được gả cho Hoàng thượng. Con nên nhớ cho kỹ.

Thừa Hoan chăm chú nghe:

- Xin nương nương cứ dạy.

Hoàng hậu hỏi:

- Con có mong vị vương tử Mông Cổ kia yêu chiều con không?

Thừa Hoan thẹn thùng, nhưng thẳng thắn gật đầu. Ánh mắt hoàng hậu sắc sảo hẳn lên, cho thấy một khía cạnh khác vẫn bị bà giấu kín dưới vẻ đoan trang hiền hậu hằng ngày:

- Mong ước của con chưa đúng chỗ rồi. Điều đó chỉ dành cho những cô gái không thân phận, không địa vị, chứ không nên là mong ước của một cách cách cao quý. Từ xưa tới nay, có bao nhiêu phi tần sủng át hậu cung mà không thể xuôi tay êm ả? Và có mấy người đàn bà được hoàng đế yêu thương mà kết thúc tốt đẹp đây?

Thừa Hoan ấp úng khó trả lời, hoàng hậu nói:

- Con sang Mông Cổ, nếu vương tử yêu con thì tốt rồi. Nhưng không yêu thì cũng chẳng sao, vì giành được lòng trân trọng của cậu ta mới là điều cốt lõi. Khiến một người đàn ông tráng chí hùng tâm tôn trọng mình từ tận đáy lòng còn khó hơn khiến hắn yêu mình nhiều. Ái tình giữa nam và nữ là cội nguồn của sân si hận nộ, dễ làm đàn bà gây ra những việc thiếu sáng suốt, cuối cùng hương nhạt tình phai, muốn quay lại cũng không còn đường nữa. Con của ta ơi, con nên nhớ, các con không phải vợ chồng bình thường, dưới chân các con là chông gai giăng kín. Tôn trọng lẫn nhau mới là nền tảng để chung sống lâu dài. Con là chính phi của vương tử, sau lưng con là cả nước Đại Thanh, điều con nên trông đợi là giành được sự tôn trọng của cậu ấy.

Thừa Hoan tuy nghĩ khác, nhưng cô thật lòng thật dạ cảm kích hoàng hậu, bèn cung kính nói:

- Nhi thần xin ghi nhớ trong lòng.

Hoàng hậu hài lòng vỗ vỗ tay cô, nói khẽ:

- Hoằng Lịch, Hoằng Trú lớn cả rồi, hay nghĩ nọ kia, nghe phải lời xằng bậy của lắm kẻ bên ngoài, đối với Hoàng thượng sợ nhiều hơn thân, cung kính nhiều hơn yêu thương. Ta đi rồi, con gắng thường xuyên ở bên hoàng bá bá, nhắc nhở người chăm sóc lấy thân.

- Hoàng hậu nương nương…

Hoàng hậu xoa đầu cô, ra ý bảo cô đừng quá buồn:

- Bản cung không con không cái, nhưng ngồi vững trên ngôi hoàng hậu, còn khiến hai hoàng quý phi có a ca phải khép nép tôn kính, không dám mảy may mạo phạm, có thể coi như là kỳ tích so với hoàng hậu các triều. Bản cung không phải là người đàn bà được Hoàng thượng sủng ái nhất, nhưng Hoàng thượng đã đáp ứng mọi mong muốn của bản cung. Bản cung không sợ chết, chỉ không nỡ lìa xa Hoàng thượng.

Thừa Hoan rưng rưng nước mắt:

- Cho dù xảy ra chuyện gì, nương nương đã luôn ở bên hoàng bá bá, miễn là việc hoàng bá bá muốn người làm, người đều gắng sức làm thật tốt. Nương nương vừa nói không muốn nuôi dưỡng đứa trẻ quấn tã này, nhưng chính vì sự gửi gắm của hoàng bá bá, nương nương đã luôn bảo vệ con. Nương nương, người đừng nói những lời thoái chí. Khi a ma con ra đi, hoàng bá bá đã ốm nặng. Nương nương nhất định phải… nhất định phải khỏe lên, hoàng bá bá cũng không nỡ lìa xa nương nương đâu.

Hoàng hậu bắt đầu lơ mơ, lệ tuôn ròng ròng:

- Bản cung cũng muốn lưu lại bầu bạn với người, trong lòng Hoàng thượng khổ lắm, cho dù không có chuyện gì để nói, cũng cần một người ở bên…

Sợ làm hoàng hậu kích động, Thừa Hoan không dám khóc nữa, lau nước mắt gắng trấn tĩnh, khuyên nhủ:

- Lát nữa hoàng bá bá sẽ đến thăm nương nương, con giúp nương nương rửa mặt nhé!

Suốt đời hoàng hậu luôn tuân thủ lễ nghi, giữ nề giữ nếp, coi trọng sự chỉn chu, liền nói: “Được.”

Chiều tối, Ung Chính ghé thăm, khen khí sắc hoàng hậu tươi tắn hơn ngày thường. Hoàng hậu phấn khởi lắm, bèn nói:

- Chỗ thần thiếp đây nồng nặc mùi thuốc. Hoàng thượng không cần ngày nào cũng đến.

Ung Chính đùa:

- Khi trẫm uống thuốc chẳng ngại gặp hoàng hậu. Sao hoàng hậu lại ngại gặp trẫm chứ?

Hoàng hậu vội nói:

- Thần thiếp không có ý đó.

Ung Chính cười nói:

- Không có ý đó. Vậy trẫm hiểu rồi, sau này vẫn tới như cũ.

Hoàng hậu rớm lệ, do dự hồi lâu, cuối cùng đánh bạo hỏi:

- Hoàng thượng nhìn nhận thế nào về thần thiếp? Nếu… nếu quay lại một lần nữa, Hoàng thượng có muốn cưới thần thiếp không? Có vẫn sách phong thần thiếp làm hoàng hậu như thế này không?

Lúc trẻ bà được Khang Hy chỉ hôn làm đích phúc tấn cho Tứ a ca. Đến năm Ung Chính thứ nhất thì được sách phong hoàng hậu, se tơ kết tóc đã hơn bốn mươi năm. Đại a ca, đứa con trai duy nhất chết bệnh vào năm Khang Hy thứ bốn mươi ba, từ đó đến nay không sinh đẻ gì được, chẳng ai tin một người đàn bà không con không cái lại ngồi vững vàng trên ngôi hoàng hậu, nhưng bà đã ngồi rất vững. Mãi đến hôm nay, cho dù bà đau ốm, thì Nữu Hỗ Lộc thị ngạch nương của Hoằng Lịch và Cảnh Giai thị ngạch nương của Hoằng Trú vẫn đều không dám trễ nải với bà. Bà hiểu rằng cố nhiên là vì bà cẩn thận đứng đắn, chưa bao giờ phạm lỗi, nhưng cũng vì Ung Chính bảo vệ bà nữa. Tuy thế, sâu trong đáy lòng bà luôn cảm thấy bất an, luôn muốn hỏi cho rõ ràng.

Ung Chính chăm chú nhìn hoàng hậu, lâu lắm không nói năng gì, hoàng hậu đâm ra thấp thỏm, giãy giụa muốn ngồi dậy khấu đầu thỉnh tội. Ung Chính bèn giữ bà lại, nắm tay bà nói:

- Hoàng hậu từ thuở cập kê đã phụng mệnh Hoàng khảo làm nội nhân của trẫm. Từ buổi kết tóc se tơ đến nay, trải bốn mươi năm, hiếu thảo cung kính, trước sau như nhất – Ngừng một lát, ông nói – Ngoài hoàng hậu, trong lòng trẫm không còn ai xứng đáng với ngôi vị này nữa.

Hoàng hậu khép mi, lệ châu ròng ròng, nắm chặt tay Ung Chính, người run lên từng chặp.

Thừa Hoan lau khoé mắt ướt nhoèn, lặng lẽ lui ra. Chắc hẳn hoàng hậu ít nhiều từng lo cô cô là mối đe doạ với vị trí của bà, nhưng không biết rằng hoàng bá bá tuy rất thù dai, nhưng cũng nặng ân tình, nương nương chưa bao giờ phụ lòng ông, tất nhiên ông sẽ tôn trọng bảo vệ bà, tuyệt đối không cho phép bản thân gây tổn thương đến bà. Hoàng bá bá tuy thương cô cô thật, nhưng nếu phải dùng ngôi vị hoàng hậu để giữ cô cô, gây tổn hại đến người vợ kết tóc luôn hết dạ ủng hộ ông, thì không bao giờ ông làm, mà cô cô yêu ông cũng chính vì tính cách đó, biết việc gì được, việc gì không.

Nửa đêm, Thừa Hoan đột nhiên choàng tỉnh, cảm thấy rợn lòng rối trí, ngồi cũng không yên. Đương bồn chồn thấp thỏm thì có thái giám khóc lóc vào báo: “Hoàng hậu qua đời.”

Tất cả cung nữ thái giám đều sụp xuống đất khóc rống lên. Thừa Hoan đứng ngây như khúc gỗ, nghe bên tai tiếng khóc thất thanh, lòng bức bối như sắp nổ bùng, mà không khóc nổi, thậm chí không thốt được nên lời, sực nhớ một câu thơ của hoàng bá bá: “Một mình bầu bạn cùng trăng gió, điện rộng ngôi cao bóng lẻ loi.[1]”

Rốt cuộc hoàng bá bá đã làm sai điều gì? Mà trời già cướp đi khỏi ông từng người từng người một? Để ngôi cao điện rộng không còn ai thân thích bạn bè?

Năm Ung Chính thứ mười.

Gió bấc lồng lộng suốt một đêm, trải tuyết trắng khắp nơi như trải tấm chăn bông, cả Tử Cấm Thành đều biến thành màu trắng.

Thừa Hoan ngồi trên sập, hỏi thái giám trực đêm qua:

- Hồi đêm hoàng bá bá có ho không? Ho mấy lần? Ngủ có yên giấc không? Thức mấy lần? Buổi sớm ăn uống có ngon miệng không? Ăn món gì?

Từng việc nhỏ nhặt đều hỏi kỹ càng, lại dặn dò tỉ mỉ từng việc.

Hoằng Lịch và Hoằng Trú đến chơi, nghe nói Thừa Hoan đích thân làm bánh, bèn cùng cười bảo:

- Em làm hết việc thì cung nhân biết làm gì đây?

Thừa Hoan khẽ đáp:

- Từ tháng Chín năm ngoái, sau khi hoàng hậu nương nương qua đời, hoàng bá bá ăn uống ngày càng kém sút, tính tình người lại kiên cường, rõ ràng yếu mệt mà cứ tỏ ra khỏe khoắn, không nghe ai khuyên nhủ lấy một câu, đến thái y cũng không chịu gặp. Nghe nói là món em đích thân làm thì tự nhiên lại ăn thêm một chút.

Hoằng Lịch và Hoằng Trú im bặt. Trong mắt họ, Hoàng a ma tâm tính cứng rắn, đối với bản thân hà khắc, mà đối với người khác còn hà khắc hơn, cư xử hành động đều quá đỗi nghiệt ngã, thế mà Thừa Hoan lại coi ông như đứa trẻ tính khí quật cường hiếu thắng, và nghĩ cách dỗ dành.

Ba người đang trò chuyện thì Ung Chính quay về, sau khi tiếp xong đại thần. Trông thấy Hoằng Lịch, Hoằng Trú đều ở đấy, ông nghiêm mặt lại, định hỏi han bài vở công việc của họ, nhưng nhìn Thừa Hoan, nhớ ra chuyện thương nghị ban nãy trên triều, lòng đâm buồn bã, thành thử ngoài mặt tuy vẫn lạnh lùng, nhưng không còn muốn kiểm tra gì nữa.

Hoằng Lịch rụt rè bẩm tấu những việc ông giao cho chàng làm lúc trước, nhưng Ung Chính lại nói:

- Hôm nay không bàn những việc ấy. Tuyết lớn thế kia, chẳng mấy khi ba đứa cùng có mặt, để bảo người đi đốt lò hâm rượu, cùng vui vầy với nhau.

Hoằng Lịch không nói gì, nhưng Hoằng Trú thì hào hứng đến mức reo to lên. Thừa Hoan cũng rất vui, dặn Cao Vô Dung soạn sửa cẩn thận.

Vì có Ung Chính, Hoằng Lịch và Hoằng Trú đều mất tự nhiên, may sao nhờ Thừa Hoan, không khí trong nhà vẫn khá rộn ràng.

Thừa Hoan luôn biết cách biến những chuyện nhỏ nhặt trở thành thú vị. Hoằng Trú cũng dần dần bớt ngại, sôi nổi chuyện trò với cô. Hai anh em vừa nói vừa cười, đánh toan cược rượu, cãi cọ chí chóe. Thái độ Ung Chính cũng thật hiếm có, cứ tủm tỉm suốt, không hề ngăn cản bọn họ.

Ăn ăn uống uống, tán nhảm đến hơn một canh giờ, Thừa Hoan sợ Ung Chính quá sức, bèn viện cớ mình đã mệt, gọi người vào dọn bàn đi. Hoằng Lịch và Hoằng Trú cũng cáo từ ra về, để Thừa Hoan ở lại với Ung Chính.

Thừa Hoan ngồi bên giường Ung Chính, day ấn mấy huyệt trên đỉnh đầu ông theo phương pháp thái y hướng dẫn.

Năm Ung Chính thứ tám, Di thân vương Dận Tường ốm chết. Năm Ung Chính thứ chín, người vợ kết tóc là hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp lại ốm chết, thế là số người thân ít ỏi bên mình Ung Chính đều rơi rụng cả, tính cách ông bỗng càng thêm quái lạ, dù ho ra máu cũng không thừa nhận, càng không cho thái y khám bệnh. Không ai hiểu được tâm tư ông, chỉ mình Thừa Hoan có thể khiến ông dịu nét mặt đôi phần.

Ung Chính nói:

- Hôm nay bên Mông Cổ đã dâng tấu hỏi ngày cưới.

Thừa Hoan ngơ ngác hồi lâu mới nhớ, hình như mình được đính ước rồi. Cô ngồi xuống bên cạnh Ung Chính:

- Hoàng bá bá, không phải con không muốn xuất giá, nhưng cho con nán lại trong cung thêm vài năm nữa đi!

Ung Chính nói:

- Trẫm hiểu tấm lòng hiếu thảo của con. Con muốn chăm sóc trẫm, nhưng bên trẫm cũng có nhiều người mà, con đừng lo lắng.

Thừa Hoan không nói năng gì, có nhiều người ư? “Một mình bầu bạn cùng trăng gió, điện rộng ngôi cao bóng lẻ loi” là thơ ai viết đây? Mà mới viết mấy năm trước thôi, nhưng bây giờ lại không nói lời nào như thế nữa, chỉ lặng lẽ đón nhận mọi an bài của cao xanh.

Ung Chính gắng tỏ ra vui vẻ:

- Trẫm đã cho người chuẩn bị hồi môn, đợi xuân sang ấm áp hoa nở thì tiễn con xuất giá.

Thừa Hoan không ngờ việc hôn nhân lại ập đến ngay như thế, run rẩy biến sắc, lập tức quỳ xuống nói:

- Hoàng bá bá, để con chuẩn bị đã, tất nhiên là con sẽ đi thôi. Nhưng bây giờ con không muốn lấy chồng.

Giọng cô thiết tha, Ung Chính buồn bã.

Ông đã nhìn thấy cô, từ thuở quấn tã, lớn lên từng ngày từng ngày một, mấy năm nay cô luôn ríu ran bên gối, phải gửi cô đến nơi vạn lý muôn trùng, bằn bặt không còn gặp gỡ, ông thật không đành lòng.

Ung Chính đặt tay lên đầu Thừa Hoan hơi nhắm mắt lại, rầu rĩ nói:

- Hai năm trước, trẫm còn oán trách a ma con. Rõ ràng là em mà lại ra đi trước anh, khiến trẫm đau đớn không thể nào chịu nổi. Nhưng hoàng hậu đi rồi, trẫm bỗng nghĩ ra, a ma con đi trước chính là sự tử tế của ông trời đối với trẫm, khiến trẫm có thể lo liệu thỏa đáng hậu sự của chú ấy, không để a ma con phải chịu đựng bất cứ một nỗi khổ khôn kham nào nữa. Cứ từng người, từng người một, bọn họ lần lượt ra đi trước mắt trẫm. Hay lắm! Đi rất hay!

Khi người chết khép mắt, tất cả đã biến thành vật ngoại thân, nhưng người sống thì ngày lại ngày chìm trong đau khổ. Nếu nhất định phải có một người gánh chịu những nỗi đau này, thì để ông chịu đựng vậy.

Thừa Hoan rân rấn lệ, cầu xin:

- Hoàng bá bá, giữ con lại thêm mấy năm đi!

Ung Chính nói:

- Giúp con thu xếp ổn thỏa chung thân đại sự, là ước nguyện của a ma con. Vương phi nhà Y Nhĩ Căn Giác La là bạn thân của a ma và… cô cô con, bà ấy nhất định sẽ đối xử tử tế với con. Nhưng việc trên đời luôn khó thuận ý mình, trẫm muốn tận mắt thấy con sống hạnh phúc thì mới an tâm được. Sức trẫm mỗi ngày một yếu, nếu con xuất giá bây giờ, có chuyện gì không vừa lòng trẫm còn có thể can thiệp giúp. Chứ nấn ná mấy năm nữa, trẫm đi xa rồi, con trọn vẹn đường hiếu, còn trẫm làm sao thanh thản gặp mặt a ma và ngạch nương con được?

Ung Chính nói một thôi một hồi, giọng rất bình tĩnh, ngữ điệu không hề lên xuống, nhưng Thừa Hoan biết ông thật sự đau thấu tâm can. Nước mắt lã chã rơi, cô không dám nói là không muốn lấy chồng nữa, chỉ biết úp mặt trên gối Ung Chính thút thít khóc.

Ung Chính giữ vẻ bình thản, vuốt tóc Thừa Hoan:

- Đừng buồn! Sống thật vui vẻ hạnh phúc để a ma con và trẫm yên tâm, đó mới là lòng hiếu của con đấy!

Thấy vầng trán Ung Chính đã có dấu hiệu mệt mỏi, sợ tâm bệnh ông lại được dịp khơi lên, Thừa Hoan không dám khóc nữa, bèn kìm nước mắt, đè nén nỗi đau trong lòng, tìm những chuyện vui vẻ ra để nói.

Dặn dò Cao Vô Dung hầu hạ cẩn thận xong, Thừa Hoan đi ra khỏi điện, đang cúi đầu bước gấp thì nghe có người gọi: “Thừa Hoan!” Cô ngoảnh sang thì thấy Hoằng Lịch đứng trên đất tuyết trống trải, mình khoác áo lông chồn đen. Cô không muốn nói nhiều, đang định cáo lui thì Hoằng Lịch hỏi:

- Hoàng a ma bắt em xuất giá phải không?

Thừa Hoan gật đầu. Mắt Hoằng Lịch ánh lên bi phẫn:

- Em có nói với Hoàng a ma là em không muốn không?

Thừa Hoan đỏ hoe mắt:

- Em thông suốt rồi. Sớm muộn gì cũng phải lấy chồng, tuổi cũng đã lớn, cứ để mọi việc thuận theo sự sắp xếp của hoàng bá bá đi.

Trầm mặc một hồi, Hoằng Lịch nói:

- Ta đưa em về.

Mấy hôm sau, Hoằng Trú mới biết tin Thừa Hoan sắp phải lấy chồng. Gã không kiềm chế như Hoằng Lịch, mà táo gan chạy thẳng đến chỗ Ung Chính làm ầm lên một mẻ, chất vấn Ung Chính. Trong Tử Cấm Thành có bao nhiêu thiếu niên anh tuấn tài ba, tại sao phải gửi Thừa Hoan ra tận tái ngoại bần hàn? Lẽ nào vì Hoàng a ma đánh không lại người Mông Cổ, gần đây chiến sự liên miên vất vả quá nên muốn hi sinh Thừa Hoan?

Trước sự chỉ trích của con trai, Ung Chính vẫn giữ thái độ bình thường, không tỏ ra giận hay không giận, chỉ hạ lệnh cho gã cút về đóng cửa sám hối.

Khi Thừa Hoan ở đây, rất nhiều người ôm bụng ganh ghét, nay cô sắp rời xa mọi người mới bắt đầu luyến lưu, biết về sau Hoàng thượng nổi giận, không còn ai dám mềm mỏng cầu xin, cũng không còn câu nói tiếng cười nào có thể hóa giải tai vạ cho bọn họ nữa. Vì thế, trên dưới ai nấy đều đau lòng trước việc gả chồng xa của Thừa Hoan, không khí giống lo tang ma hơn là đám cưới, chỉ riêng Xảo Tuệ bà già hầu Thừa Hoan thì lại có dáng vui mừng, hào hứng lo liệu đồ tế nhuyễn.

Ba tháng sau, đoàn người đưa dâu khởi hành từ Bắc Kinh.

Sáng tinh mơ, sắp lên đường mới biết không thấy Thừa Hoan đâu cả, trong cung nháo nhào cả lên, về sau lại phát hiện ra Hoằng Lịch và Hoằng Trú cũng biến mất, không khí càng thêm náo loạn, tra xét hồi lâu mới biết ba người bọn họ mất tích trong cùng một đêm.

Mặt trời lên tận con sào, Hoằng Lịch, Hoằng Trú mới dẫn Thừa Hoan say khướt trở về. Hoằng Lịch tỏ ra ôn hòa, ngoan ngoãn quỳ trước mặt Ung Chính khấu đầu tạ tội. Hoằng Trú thì mũ mão ngả nghiêng, ương bướng nhìn Ung Chính, mặt đầy vẻ thách thức.

Ung Chính nhìn từ Hoằng Trú sang nhìn Thừa Hoan, lòng chợt bâng khuâng mơ màng. Tưởng chừng trông thấy Dận Tường trẻ tuổi đẩy cửa sổ thư phòng ông, nhảy lên ngồi nghiêng trên thành cửa, mũ mão xộc xệch, cười kể đã chuốc say con bé ở phủ Bát bối lặc thế nào, đắc ý là đã làm cho phủ nhà họ nhộn nhạo ra sao. Giọng Dận Tường vang trong, tràn trề sức sống, hệt như lá non đầu cành tắm dưới ánh dương chính ngọ.

Ung Chính giữ vẻ mặt bình thản, phớt lờ Hoằng Lịch, Hoằng Trú đang quỳ, lệnh cho cung nữ đưa Thừa Hoan lên xe. Thừa Hoan hất cung nữ ra, quỳ thụp xuống chân Ung Chính, ôm đầu gối ông khóc nức nở, cứ lải nhải “Hoàng bá bá”, bất kể thế nào cũng không chịu rời đi. Đừng nói những người chịu ơn Thừa Hoan trước nay, mà ngay cả những người không thích cô cũng rơi lệ xót xa. Ung Chính thì không mảy may động lòng, ngược lại còn sai cung nhân kéo Thừa Hoan ra, nhét vào xe ngựa, thật sự khiến người ta hiểu được thế nào là mặt lạnh lòng còn lạnh hơn.

Cùng tiếng khóc rưng rức của Thừa Hoan, đoàn người rước dâu xuất phát, rời Tử Cấm Thành nơi cô sinh ra và lớn lên, đi đến thảo nguyên Mông Cổ hoàn toàn xa lạ.

Buổi chiều, Thừa Hoan lơ mơ tỉnh lại trong lòng Xảo Tuệ, mở mắt ra, câu đầu tiên là: “Hoàng bá bá?”

Xảo Tuệ dịu dàng dỗ:

- Chúng ta đã rời thành Bắc Kinh rồi.

Thừa Hoan lờ mờ nhớ ra mình đã khóc ầm ĩ, liền hỏi:

- Con có khóc à?

- Khóc chứ! – Xảo Tuệ đáp – Khóc đến nỗi mọi người cũng khóc theo cách cách luôn. Ngay cả Ngũ a ca cũng lén chùi nước mắt.

Thừa Hoan chỉ muốn cho mình cái tát:

- Tối qua thật sự không nên nhận lời ra ngoài với hai anh. Trông thấy con khóc lóc như thế, không biết hoàng bá bá dằn vặt tới mức nào.

Xảo Tuệ nói:

- Thấy cách cách gượng cười gượng nói, Hoàng thượng cũng dằn vặt như vậy thôi. So hai đằng dằn vặt, chi bằng cứ khóc cho thỏa.

Thừa Hoan vùi mặt vào lòng Xảo Tuệ, lặng lẽ ngẩn ngơ. Xảo Tuệ mỉm cười:

- Ra đến thảo nguyên rồi, cách cách sẽ hiểu tấm lòng Hoàng thượng và vương gia khi sắp đặt hôn sự cho cách cách.

Thừa Hoan hỏi:

- Cô cô thích nơi ấy, đúng không?

Xảo Tuệ buồn hẳn đi, nói:

- Nô tỳ không biết. Nô tỳ theo Nhị tiểu thư chẳng được bao nhiêu ngày tháng. Đôi lúc tiểu thư rất phức tạp, đôi lúc lại giản đơn, nô tỳ thực không hiểu tâm tư cô ấy, nhưng chắc chắn là tiểu thư hi vọng cách cách có thể rời Tử Cấm Thành.

Thừa Hoan mân mê miếng ngọc bội trên tay. Ba người yêu thương cô nhất đều giúp cô chọn lựa hôn sự này, có lẽ cô nên thay đổi thái độ, thật lòng mong đợi cuộc sống ở Mông Cổ thôi. Chỉ có điều, hoàng bá bá… Trong điện rộng ngôi cao kia còn ai thật sự hiểu được ông đây?

Tựa hồ đọc được suy nghĩ của cô, Xảo Tuệ bèn khuyên:

- Cách cách, tối qua Hoàng thượng có dặn riêng nô tỳ, bảo nô tỳ chuyển lời cho cô, nhất thiết đừng lo lắng đến người, chỉ cần cô sống tốt, đấy là cách thể hiện tốt nhất lòng hiếu thảo của cô rồi.

Thừa Hoan lại muốn sa lệ, nhưng gắng kìm lại.

Từ nay về sau, cô sẽ không còn là cô bé con vui vầy bên đầu gối cha mẹ và mặc tình nũng nịu nữa, mà là Hòa Thạc công chúa của Đại Thanh triều, là vương phi Mông Cổ.

[1] Trích Hoa hạ ngẫu thành (ứng tác dưới hoa) của Ung Chính. Bản dịch của Đặng Phúc An.

NGOI TRUYN 5

Chuyn xưa chng th quay trở li

Năm Ung Chính thứ mười ba, ngày hai mươi ba tháng Tám.

Đêm ấy ta không ngon giấc.

Gió ào ào bên ngoài, thoáng nghe tưởng gió trên thảo nguyên, ta mơ màng ngỡ mình quay lại tây bắc, nghe cả tiếng ngựa hí, giật mình choàng tỉnh thì chẳng có ngựa kiêu tung vó, chỉ có gió bị ách lại ngoài Thọ Hoàng điện đang gào thét mà thôi.

Ta khoác áo trở dậy, cầm lấy bầu rượu trên bàn.

Từ năm Ung Chính thứ tư, ta bị lột tước giam cầm ở Thọ Hoàng điện trên Cảnh Sơn, đã chín năm ba tháng chưa sờ tới ngựa. Nơi đây cũng không cần gì ngựa cả, đủng đỉnh cuốc bộ một vòng quanh Thọ Hoàng điện chỉ bằng giờ tàn một tuần hương. Mà một tuần hương, thời ta còn trẻ, đủ để phi tuấn mã khắp doanh trại địch, tiện thể cắt hai thủ cấp xách về.

Bấy giờ, ngựa tốt trên đời mặc sức ta chọn, có bao giờ ngờ rằng một ngày kia chỉ trong mộng mới được trông thấy chúng nó. Dạo ấy mà có kẻ nói ta sẽ bị giam hãm mười năm trong một khoảnh sân chật hẹp, nhất định ta sẽ cười ngất chẳng buồn để ý đến.

Những điều hồi trẻ chúng ta tưởng rằng không thể chịu đựng, chúng ta đã chịu. Những thứ hồi trẻ chúng ta cho rằng không thể đánh mất, chúng ta đã mất.

Nhờ những ký ức kiêu hãnh, anh dũng và bồng bột ấy, trong căn nhà ngột ngạt này ta vẫn sống được.

Nghe kể Đại ca bị giam cầm quá lâu, về sau thường nói sảng. Không biết bị giam thêm mười năm nữa, liệu ta có biến thành điên loạn hay không.

Khi trời sáng, ta nhặt một cành cây múa kiếm.

Hôm bọn thị vệ trói ta điệu đến Thọ Hoàng điện, ta đã phẫn nộ đập phá cổng lớn, réo gào đòi giết lão Tứ. Sau bữa đó, ta chỉ được dùng cành cây làm kiếm mà thôi.

Thái giám bên ngoài lại căng thẳng nhìn ta. Ta cười lớn, vừa múa cành cây vừa hát:

Nhớ năm xưa, thương vàng ngựa sắt, khí trùm bốn phương như hổ.

Nguyên Gia hời hợt, giành Lang Cư Tư, chỉ thấy nháo nhào Bắc Cố.

Đã bốn ba năm, ngóng trông còn nhớ, khói lửa Dương Châu lộ…[1]

Cứ về ton hót với lão Tứ đi, rằng ta vẫn bừng bừng sinh lực, khí nuốt sơn hà, rằng ta vẫn nhớ nhung sa trường rong ruổi, thiết mã kim qua.

Một thái giám già bước đến sau lưng, ta không thèm ngó ngàng tới hắn, vuốt ve cành cây và hát:

Ngt ngưỡng khêu đèn ngm kiếm, nh doanh rn tiếng tù và.

Rượu tht nóng chia đu tướng sĩ, đàn sáo tưng bng biên tái ca, duyt binh thu đã xa.[2]

Tân Khí Tật dù phẫn chí đến đâu đi nữa, ít nhất vẫn được dựa kiếm mà hát, còn ta chỉ có thể cầm cành cây lấy lời ca thay tiếng khóc mà thôi.

Lão thái giám lắp bắp thưa:

- Thập tứ gia, đêm qua Hoàng thượng đã băng hà.

Ta vẫn nhìn cành cây trong tay. Lão thái giám tưởng ta chưa nghe rõ, bèn lặp lại:

- Đêm qua Hoàng thượng đã băng hà, mời Thập tứ gia thay tang phục.

Cành cây tuột xuống đất. Ta đứng sững hồi lâu, chợt quay mặt ra cửa cười váng lên:

- Ha ha ha! Anh tính toán trăm đường, cuối cùng vẫn không tính lại với trời. Mười ba năm! Vị trí đó anh chỉ ngồi được mười ba năm.

Bọn thái giám nhảy xổ lại, kẻ thì ôm chân đứa kéo đùi ta, lôi xềnh xệch vào nhà. Từ khi bị giam cầm ở đây, trong mắt bọn chúng ta sớm đã không còn là hoàng tử tôn quý, là Đại tướng quân vương anh dũng của Đại Thanh nữa, mà chỉ là một kẻ sa cơ khốn khổ luôn khiến chúng thấp thỏm vì nguy cơ liên luỵ mất đầu.

Tuy bị giam cầm đã chín năm, nhưng công phu rèn luyện trên lưng ngựa từ nhỏ vẫn chưa mất, ta vận sức hất bọn chúng ra. Lũ thái giám khóc rống giàn giụa nước mắt quỳ xuống, van xin ta thay y phục. Ở ngoài kia tiếng hờ khóc văng vẳng vọng vào.

Tiếng khóc của đám đông khiến ta dần dần tỉnh táo trở lại. Lão ta, hoàng đế Đại Thanh, người anh ruột thịt cùng cha cùng mẹ của ta, chết rồi!

Ta đá bọn thái giám ra. Lão Tứ chết, có thế nào cũng phải uống rượu ăn mừng đã. Ta khổ sở bấy nhiêu năm, không phải là để được trông thấy ngày này hay sao?

Chén đầu tiên cho ngạch nương. Ngạch nương, lão Tứ khiến người chết uất, bây giờ lão cũng chết rồi.

Chén thứ hai kính Bát ca, chén thứ ba kính Cửu ca… Bát ca, Cửu ca, lão Tứ xuống dưới ấy gặp các anh rồi đấy! Lão không còn quần thần, không còn trợ thủ, gặp lão các anh cứ thoả sức mà nện. Ồ không phải, lão Thập tam cũng ở dưới đó, nhất định anh ta vẫn còn giúp lão Tứ. Và cả Nhược Hi…

Ta nâng chén rượu, chếnh choáng nói:

- Lão Thập tam, tôi tiện thể kính anh một chén, vì Nhược Hi…

- Nhược Hi, cô cũng uống một chén đi. Ta không thực hiện được lời hứa với cô. Tro cốt của cô bị lão Tứ cướp mất, rồi không chịu buông theo gió… Trâm vàng của cô bị lão cướp mất, rồi không trả lại cho ta… Lão tước đoạt mọi thứ của chúng ta… cái gì lão cũng cướp sạch…

Ta gạt hết chén, bê cả vò tu ừng ực…

Trời tờ mờ sáng, ta tỉnh lại, theo thói quen nhặt cành cây, bắt đầu múa kiếm.Vừa múa vừa ngâm ngợi:

Tr trâm vàng, nâng chén cn,

Lưu luyến chng th chia tay…

Ví m nhân lu Tn trông thy,

Rút trâm cài, b lng tóc mây…

Xót người không áo tìm rương cũ

Thương người thiếu rượu bán trâm này…[3]

Ta từ từ dừng lại.

Lão đã chết rồi! Bọn thái giám không thể đến tâu hót với lão thơ ta ngâm vịnh nữa.

Đột nhiên, việc kiên trì múa kiếm lúc sớm mai suốt mười một năm dưới sự giám sát bỗng biến thành vô bổ, ta ngơ ngác cầm cành cây, lại không biết nên làm gì. Chỉ cảm thấy mệt mỏi rã rời, tựa hồ sức mạnh luôn nâng đỡ ta bỗng chốc tiêu tan hết.

Đám thái giám đều mặc áo xô trắng, im lặng quỳ trước mặt ta. Ta đi vào nhà, nhìn tang phục trên bàn.

Đại ca, bị giam đến năm Ung Chính thứ mười hai thì chết.

Nhị ca, bị giam đến năm Ung Chính thứ hai thì chết.

Tam ca, bị giam đến năm Ung Chính thứ mười thì chết.

Bát ca, bị lột tước tịch thu tài sản gạch khỏi tông phả và bắt giam, chết vào năm Ung Chính thứ tư.

Cửu ca, bị lột tước tịch thu tài sản gạch khỏi tông phả và bắt giam, chết vào năm Ung Chính thứ tư.

Thập tam ca, chết vào năm Ung Chính thứ tám.

Năm Ung Chính thứ mười ba, đến Ung Chính cũng chết.

Ta chậm rãi thay sang tang phục. Khi Đại ca, Nhị ca, Tam ca, Bát ca, Cửu ca qua đời, lão không cho phép ta trở tang, lần này, ta mặc luôn cho tất cả.

Đêm khuya, Cao Vô Dung lén lút  tìm đến. Hắn nói:

- Hoàng thượng có khẩu dụ cho Thập tứ gia.

Ta vẫn tu rượu, không quỳ lạy, càng không có ý định tiếp chỉ, mồ ma lão ta còn khinh như mẻ, lẽ nào lão chết rồi ta lại đi quỳ lạy ư? Cùng lắm là chén rượu độc chứ gì!

Cao Vô Dung không để tâm, nói luôn:

- Trâm vàng của ngươi trẫm đem theo xuống đất, trả ngươi tự do.

Mới nghe nửa đầu ta đã tức đến mức đập tan chén, hoàn toàn không để nửa sau vào tai. Không chần chừ lấy một khắc, Cao Vô Dung chạy tọt ra ngoài. Ta đuổi theo, lũ thái giám ở cửa liền kết thành lá chắn sống ngáng đường. Ta là kẻ tù đày, lấy đâu ra tự do? Cao Vô Dung cũng không còn là đại thái giám của hoàng đế nữa, hành sự có thể không lén lút được ư?

Mấy hôm sau, chiếu thư truyền đến.

Thanh Thế Tông Ái Tân Giác La Dận Chân, niên hiệu Ung Chính, miếu hiệu Thế Tông, thuỵ hiệu Kính Thiên Xương Vận Kiến Trung Biểu Chính Văn Võ Anh Minh Khoan Nhân Tín Nghị Duệ Thánh Đại Hiếu Chí Thành Hiến hoàng đế.

Tứ a ca Hoằng Lịch kế vị, niên hiệu Càn Long.

Hơn hai tháng nữa sẽ là Càn Long nguyên niên.

Càn Long thay thế Ung Chính, một đế vương mới, một triều đại mới, có nhân vật mới, có câu chuyện mới.

Đêm hôm đó, ta mơ thấy Tứ ca.

Bấy giờ ta lên năm, ngạch nương đang cho ta uống sữa dê thì Tứ ca đến vấn an, mang theo tờ giấy có chữ anh viết. Ngạch nương định xem thì ta đánh đổ sữa, bà liền quên bẵng Tứ ca, tiện tay lấy luôn giấy ấy để thấm sữa trên bàn, và ngọt ngào dỗ dành ta. Tứ ca ngồi im bặt, khẽ khàng nhét tờ giấy đã đẫm sữa vào tay áo.

Ngạch nương đi thay bộ y trang bị sữa dây bẩn. Tứ ca mỉm cười nhìn ta, khẽ gọi: “Dận Trinh!”. Ta chòng chọc nhìn anh ấy, không nói năng gì. Anh hỏi:

- Tự viết được tên chưa? Biết không, tên bọn mình phát âm giống nhau đấy!

Ngó quanh thấy không ai chú ý, Tứ ca bèn chấm đầu ngón trỏ vào nước trà, viết từng nét một lên mặt bàn: Dận Chân, Dận Trinh. Anh chỉ hai cái tên đứng liền trên dưới, cười híp mắt bảo:

- Đây là tên ta nhé, đây là tên em này, phát âm giống nhau.

Ta trừng mắt nhìn một lúc, lòng ngưỡng mộ chết đi được, nhưng lại nói ra một cách khinh bạc:

- Chữ anh viết thật là bình thường!  Thầy chẳng qua vì quý phi nương nương nên mới khen anh suốt thế thôi.

Rồi bôi phết lem nhem xoá sạch chữ, nhảy xuống khỏi sập, gọi to: “Ngạch nương!” và lóc cóc chạy đi.

Tỉnh mộng rồi, khoé mắt ta ngấn lệ.

Ta không biết mình khóc vì Tứ ca mười lăm tuổi trong cung ngạch nương ngày ấy, hay vì cuộc đời của một ta đã tan biến theo sự băng hà của hoàng đế Thế Tông.

Ba tháng sau ngày Ung Chính qua đời, ta được Càn Long phóng thích.

Ta đứng một lúc trước ngạch cửa Thọ Hoàng điện rồi mới bước qua. Mười năm trước, ta bị áp giải vào Thọ Hoàng điện, mười năm sau, ta tự mình đi ra.

Chỉ vào rồi ra, mà mất đến mười năm trời.

Tứ a ca Hoằng Lịch, à không phải, nên nói là Càn Long đế, ngồi trên ngai rồng điện Cần Chính.

Ta chăm chú quan sát hắn. Đây là con trai lão Tứ, nhưng không thể tìm được chút bóng dáng nào của lão ở khuôn mặt này. Khó mà nói được là ta thấy tiếc hận hay an tâm.

Hắn hỏi ta:

- Thập tứ thúc muốn gì không? Cứ thoải mái mà nói.

Ngẫm nghĩ chốc lát ta đáp:

- Một con ngựa tốt.

Càn Long dường bất ngờ, đăm chiêu quan sát ta. Biết không nên để đế vương thắc mắc trước tâm tư thần tử, ta chủ động giải thích:

- Đã mười năm rồi thần chưa được cưỡi ngựa.

Mười ba năm qua, ai nấy đều mắng ta là lẩn thẩn ngu xuẩn, họ không hiểu rằng không phải ta không biết mưu mô ứng biến, cũng không phải ta không biết uy lực của đế vương, chỉ là không muốn cúi đầu trước lão mà thôi.

Đôi mắt lộ vẻ xót thương, Càn Long sai thái giám đi dắt con hãn huyết bảo mã mà Mông Cổ tiến cống đến.

Ta dắt ngựa Càn Long ban, đi ra khỏi Tử Cấm Thành.

Đường cái quan nhộn nhịp người qua lại, tiếng nói cười huyên náo.

Ung Chính là một hoàng đế keo kiệt, lão không cho xây dựng rầm rộ ở Bắc Kinh, nên nơi đây hầu như chưa hay đổi, vẫn là Bắc Kinh thành mà ta quen thuộc ngày nào.

Ta dễ dàng tìm lại được những tửu quán “ngựa gấm, áo cừu, chống kiếm hát hò[4]” năm ấy, cũng còn nhìn thấy Phong Nguyệt lâu nơi Cửu ca từng chè chén vui chơi và quán trà mà Bát ca cùng văn nhân Giang Nam họp mặt.

Trên tửu lâu có thiếu nữ gọi:

- Công tử ơi, công tử đang dắt ngựa kia ơi!

Ta ngẩng đầu nhìn, thiếu nữ vẫy tay về phía sau ta:

- Công tử, ngài quên quạt đây này!

Ta nhìn các ca kỹ đang dựa bao lơn cười đùa.

Tết đèn Nguyên tiêu, ta dẫn một đám thế gia công tử lêu lổng ham chơi ngông nghênh ngạo mạn đến đây uống rượu ngắm hoa đăng, thì chạm mặt Thập tam ca, Nhược Hi, và cả nàng nhã kỹ Lục Vu. Đêm hôm ấy, “ngựa quý xe sang hương ngập phố, đêm thanh gió mát hoa bạt ngàn, sao như mưa, cá rồng múa”[5]…

Đằng sau có kẻ khó chịu chọc roi ngựa vào người ta:

- Này, ngươi nhìn gì đấy? Liệu hồn lão gia móc mắt ngươi bây giờ, cút mau!

Hắn vung roi ngựa, điệu bộ như sắp đánh.

Ta không nhìn lên bao lơn nữa, dắt ngựa đi dọc phố, bước chân vẫn vẩn vơ vô định.

Thực tình ta muốn ra tây bắc, tung vó ngàn dặm, thúc ngựa hú dài, ngắm ưng xé vòm không, cá vờn đáy nước.

Nhưng Càn Long sẽ không yên tâm để ta rời Bắc Kinh đâu.

Có điều, cũng đủ rồi.

Ở thành này, mỗi ngóc ngách đều lưu dấu bọn họ và ta. Từng nơi từng chốn một, ta có thể từ từ hồi tưởng.

[1] Trích Kinh khẩu Bắc Cố đình hoài cổ, bài từ theo điệu Vĩnh ngộ lạc của Tân Khí Tật.

[2] Trích Vị Trần Đồng Phủ phú tráng từ dĩ kí (vì Trần Đồng Phủ mà làm bài này gửi gắm tráng chí), bài từ theo điệu Phá trận tử của Tân Khí Tật.

[3] Hai câu đầu trích từ Phó kim thoa, bài từ theo điệu Canh lậu tử của Hạ Chú. Hai câu tiếp trích từ Thiền (con ve), thơ của Lý Dĩnh thời Đường. Hai câu cuối trích từ Khiển bi hoài (giải niềm sầu nhớ), thơ của Nguyên Chẩn thời Đường. Bản dịch của Đặng Phúc An và Phạm Mai Phương.

[4] “Ngựa gấm, áo cừu” nguyên văn “ngũ hoa mã, thiên kim cừu”, chữ dùng trong bài thơ Tương tiến tửu của Lý Bạch. Đoạn này phiếm chỉ cảnh sống phù hoa xa xỉ.

[5] Trích Đông phong dạ phóng hoa thiên thụ, bài từ theo điệu Thanh ngọc án của Tân Khí Tật.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top