Chuyện ngày mưa

Có lần tôi đứng chờ một người bạn ngoài cổng viện huyết học, gặp nguyên đám thiếu niên mới lớn, áng chừng lớp 11 lớp 12 đang túm tụm dưới gốc cây trú mưa. Cơn mưa to đã ngớt nhưng mấy cô cậu vẫn xôm câu chuyện, tỏ vẻ chưa muốn về. Ngoài đường ồn ã, khoảng cách cũng xa nên tôi cũng không để ý chúng nói chuyện gì. Có thể là chuyện bài kiểm tra trên lớp, có thể là bài tập về nhà, mà cũng có thể là bộ phim Hàn Quốc giai xinh gái chảnh, hay thậm chí là đoạn clip hot trên mạng. Giới trẻ ngày nay thì đa dạng lắm, giấy mực khó có thể lột tả hết được. Thế nhưng có thể là vì tôi chờ đợi lâu nên buồn tay chân quá, cũng có thể do đoạn đó mấy em nhỏ cao hứng quá nên có mấy câu lọt vào tai tôi rõ ràng, mạch lạc.
"Thôi thôi cất cái giọng nhà quê của ông đi. Ai ngửi được chứ!?"
Lời vừa dứt thì cả đám cười hi ha. Ngoại trừ cậu thiếu niên đứng đối diện chủ nhân của câu nói vừa rồi. Anh chàng kia lại tiếp tục:
"Giờ sống ở Hà Nhội là phải nói giọng Hà Nhội. Cứ mang giọng Quảng Linh nhà ông ra dọa nhau à."
Dứt đoạn những tràng cười lại ồ lên. Tôi không rõ đó chỉ là câu đùa cho vui giữa bạn bè thân thiết hay câu mỉa mai với hàm ý khinh rẻ, chỉ thấy thiếu niên "Quảng Linh" mím môi không cười, hơi cúi xuống, chân trái di di cánh hoa tàn dưới đất.
Tôi sinh ra ở Hạ Long, không biết quê hương Quảng Ninh của tôi có phải Quảng Linh quê thiếu niên đó không. Năm học cấp 3 tôi bắt đầu lên Hà Nội học, may mắn hơn cậu ấy là từ nhỏ tôi không nói giọng địa phương. Tôi không bị nhạo báng mỗi khi cất tiếng nhưng lại bị tẩy chay vì là dân ngoại tỉnh. Thời đó còn non nớt, tin rằng người với người vẫn tốt với nhau nên khi bị tẩy chay tôi rất bất ngờ.
Vốn hay phải thay đổi môi trường từ bé, do gia đình, nên cứ 1, 2 năm à tôi lại fải chuyển chỗ ở, chuyển trường, thế nên khi đó tôi cũng chẳng vướng bận gì chuyện bị xa lánh. Trường cấp 3 nơi tôi học là truờng dân lập, nổi tiếng đắt đỏ dành cho các cậu ấm cô chiêu cả ngày ăn chơi cộng với mấy thiếu niên hoạt động nghệ thuật, càng ngày càng dấn thân vào showbiz. Họ chắc chắn là không thuộc hằng đẳng thức cũng như bảng chữ cái tiếng anh. Ngoài mấy thành phần kể trên thì cũng có một số ít những đứa như tôi - ngoại tỉnh, không hộ khẩu Hà Nội, không thể xin vào trường công.

Mẹ tôi xin cho đứa con duy nhất là tôi học ở đó, nào biết thành phần học sinh trong trường thoái hóa cỡ nào, chỉ biết nó gần nhà, lại nghe quảng cáo giới thiệu. Người phụ nữ quanh năm lao động nặng nhọc bán rẻ sức lao động nuôi con thật khó để có thể tìm ra được ngôi trường tốt. Tôi cũng chẳng nề hà gì. Chuyển trường nhiều quá hóa quen, tôi lại đâm ra thích học trong môi trường cá biệt tự lúc nào. Vì vậy trong suốt những năm trung học phổ thông, mẹ chưa bao giờ nghe một lời phàn nàn nào về trường lớp của tôi, đương nhiên là cũng không mảy may biết gì về chuyện tôi bị xa lánh.

Thời gian đầu cộng đồng tẩy chay, tôi liền sử dụng một  vài phương pháp, biến cả lớp tẩy chay thành nửa lớp tẩy chay, dần dà biến thành 1 vài đứa tẩy chay và cuối cùng là kiểu "đứa nào ghét mình thì chỉ ghét ở trong lòng". Nghĩ lại lúc đó, cảm thấy mình cũng hơi bị nham hiểm. Tôi trở thành lớp trưởng, luật bất thành văn là đứa nào chép bài tôi thì sẽ không được cho "những đứa ghét tôi ra mặt" chép bài. Sau 1 thời gian ngắn, tôi chẳng còn kẻ thù, thậm chí còn được mấy bạn nam lớp bên cạnh để ý vì học hành nổi bật. Thằng chột làm vua xứ mù.

Ngày ấy những tưởng người Hà Nội khinh người ngoại tỉnh vì họ có học thức cao, họ tài giỏi giàu có, họ văn minh hơn đám tỉnh lẻ chúng tôi. Vài năm sau nhận ra, con người ăn nhau ở trí óc và vận may. Mức sống ở nơi tôi sinh ra còn cao hơn ở chốn kinh kỳ đất chật người tứ xứ này nhiều. Những người hay khinh người thường là những người kém hiểu biết, nếu có văn hóa thì không chấp vặt với họ làm gì, con người hơn nhau về hậu vận, so đo tính toán gì thứ trước mắt.

Tôi ở Hà Nội đã chín năm, lại là người hay đi, ít có ngóc ngách nào Hà Nội mà tôi không biết. Bản thân gia đình tôi thời phong kiến cũng là người Thăng Long gốc, đến tận bây giờ vẫn giữ nếp văn hóa kinh kỳ. Tôi cũng yêu, cũng thương Hà Nội, nhưng chẳng có giây phút nào mà tôi không mong ngóng ngày kết thúc sự nghiệp học hành, trở về với đất Hạ Long. Nơi tôi sinh ra nó thân thương hơn chốn quê hương vẫn nghe trong câu chuyện của bà. Những câu chuyện thuở bé tôi nghe bà nội kể, dù bây giờ có rong ruổi thế nào thì tìm cũng không ra. Thế hệ cũ đã ra đi hết rồi, chốn thủ đô gần 10 năm qua vẫn cứ xa lạ với tôi. Dù giờ đây chẳng ai dám chê tôi tỉnh lẻ, nhưng cái cách người đối xử với người ở chốn này vẫn vậy, vẫn ngoài ấm trong lạnh, giả tạo cái tình người.

Đám trẻ đã giải tán từ bao giờ, chỉ duy nhất cậu thiếu niên kia đứng đó, vẻ mặt mang đầy nỗi niềm. Nỗi niềm của trái tim non nớt bắt đầu nếm trải cảm xúc mà xã hội nghiệt ngã này mang lại.  Ánh đèn xe máy bỗng rọi tới, thiếu niên ngẩng lên, khuôn mặt cậu bừng sáng.

"Lần sau mưa gió thế này thì đứng trong trường chờ bố đón, cứ cố đi bộ về rồi đội mưa lại ốm ra."

Người đàn ông ngồi  trên chiếc xe biển 14 dựng chân trống, lấy áo mưa đưa cho thiếu niên, ông loáng thoáng hỏi hôm nay trường lớp ra sao. Cậu chàng vui vẻ trả lời qua loa rằng chuyện học hành thì có gì đâu, sau đó leo lên yên sau. Hai bóng người mặc áo mưa lùm lùm mất dạng dần trong ánh đèn đường nhạt nhòa.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top