Một bát phở
Như mọi cái chợ đủ hương vị và đậm đà bản sắc, chợ nhà anh cu Dân và em Tuấn cũng có một hàng phở. Cái hàng phở của anh Đán nằm khiêm nhường đầu một hẻm nhỏ trong một cái ngách to của con ngõ dài với vỏn vẹn cho khách hai cái bàn bày biện đủ hộp đũa, giấy ăn, giấm ớt, giỏ rau thơm giá sống cùng một đống quất, xì dầu, chí chương anh Đán tự chưng và 3 băng ghế dài xếp quanh. Mấy nhà xung quanh đều là công chức đi làm đóng cổng cả ngày cũng chẳng buôn bán gì nên nếu ba cái ghế dài hết chỗ thì cứ xếp ghế nhựa dọc cái hẻm mà còng lưng xì xụp. Một nghiên cứu không chính thức chỉ ra rằng những thanh niên dậy muộn trong ngõ có cột sống bất ổn hơn so với những thanh niên dậy sớm. Vì dậy muộn ra ăn phở bàn hết phải ngồi húp phở trên chiếc ghế nhựa. Nhưng nhìn chung chỉ số hạnh phúc khi ăn phở của các thanh niên lẫn không phải thanh niên cũng không bị ảnh hưởng bởi cột sống cho lắm. Âu cũng là do nồi nước dùng của anh Đán hấp dẫn quá thôi. Cũng khiêm nhường như hàng phở, nồi nước dùng thơm phức được đặt ngay một đầu bàn, bên cạnh có một cái bàn con đặt nào là bát tô, thịt bò, bánh phở, túi quẩy, bát hành, rổ rau thơm và hằm bà lằng đủ thứ để sẵn sàng phục vụ bát phở chất lượng tới thực khách.
Người ta hay nói hàng phở của anh Đán nhỏ nhưng có võ. Và ngón đòn hiểm nhất của anh chính là nồi nước dùng này. Thế võ thứ nhất, anh nấu nồi nước dùng mang màu vàng mơ, trong vắt lại nghe được cả mùi gừng nướng trên lửa đã đạt đến độ khô vừa phải tạo thành dải hương thanh ngọt luồn giữa những nan mùi đậm đà chồng chéo thành những nốt màu trong trẻo trên bài thủ công đan nong của đám trẻ con sau giờ học vẫn hí hoáy làm.
Chuyển sang thế võ thứ hai, anh Đán đứng cạnh nồi nước dùng làm phở cho khách, dáng anh thanh mảnh lẫn trong hơi nước bốc lên từ nồi nước dùng. Bàn tay thoăn thoắt trụng phở trắng trẻo không thua bánh phở, giọng anh nói với ra cũng trong ngọt như nước dùng thơm ngon đến giọt cuối cùng không vị khách nào bỏ sót. Mà hiểm nhất của thế võ này là mặt Tiền quán phở đến cả mặt tiền hồ Tây cũng phải chào thua anh. Có một dạo thằng Hách suốt ngày ngâm nga gì mà super idol nở nụ cười cũng không ngọt bằng em xem chừng ướm lên mặt anh Đán cũng thấy hợp lý vô cùng. Mỗi lần anh quay sang nhoẻn miệng cười, hai lúm đồng tiền hiện rõ cùng làn hơi nước vấn vương, phải chăng mỹ thực nhân gian mà người đời vẫn ngợi ca tìm kiếm là đây sao? Thế võ này của quán phở hiểm đến nỗi ban đầu anh cu Dân cũng khá e dè dắt em Tuấn đi ăn phở. Gì chứ cái tố chất nghệ sĩ đam mê cái đẹp của em Tuấn anh cu Dân lại rành quá chứ lạ lẫm gì. Anh cu Dân lo lắm vì anh Đán tuy không đẹp trai nhưng anh được cái vô cùng đẹp trai. Cũng may trong quá trình lăn chợ cùng em Tuấn, anh cu Dân sớm nhận ra em Tuấn với cái đẹp chỉ đơn thuần là tán thưởng chứ không tán tỉnh và không lâu sau khi anh cu Dân cùng em Tuấn lăn tới hàng phở anh Đán, em Tuấn và anh Đán đã xác lập tình anh em xã hội chủ nghĩa gắn bó keo sơn. Nói đến tình anh em bỏ cho em nhiều thịt bò hơn cũng phải nói đến em Tuấn có cái nét ăn mỗi khi em gặp được món em thích khiến bất cứ vị đầu bếp nào cũng thấy ấm lòng và anh Đán cũng không ngoại lệ. Mỗi lần thấy gương mặt em Tuấn sáng bừng lên cắn miếng thịt bò, nếm thìa nước dùng cùng một đũa phở, anh Đán cũng như xuân về đến đầu ngõ gật gù mỗi lần em Tuấn bình luận phở hôm nay đậm nhạt khác hôm trước ra sao. Có bữa bằng cách nào đó anh Đán tậu được mẻ sá sùng thế là anh dùng ngay một ít cho mẻ phở hôm sau. Nhìn mắt em Tuấn sáng rực lên ngay từ thìa phở đầu tiên anh đã biết đời này quán phở của anh có thể đóng cọc tại cái chợ này rồi.
“Tuấn em nhìn như mèo mà thính còn hơn Beo La.”
Nhưng Beo La là ai thì anh không nói. Chỉ tóm lại là quán phở của anh đẹp từ nội hàm tới ngoại diên, đẹp từ vị phở tới mặt Tiền, bên ngoài thơm phức bên trong nhiều tiền.
Ngoài ra theo như thằng Hách bấm độn, thế võ nữa của anh Đán là hợp phong thuỷ cái ngõ chợ này. Thằng Hách phân tích cái chợ đã có quán miến ngan của bố nó là Ngàn Tư nay có thêm quán phở Bát Đán là đủ bộ phụng tử long tôn hàng bát hàng tứ phú quý đại cát đại lợi luôn. Em Tuấn với anh Dân dĩ nhiên chả hiểu gì nhưng nghe nó nói cũng uyên bác thâm thuý nên cũng gật gù cho là phải. Miễn là mỗi lần em Tuấn đến anh Đán đều bê cho bát phở không hành không cần em nhắc thì thằng Hách nói gì cũng đúng. Ấy lại nhắc đến vụ hành hẹ thì cũng phải nói đến cái vụ rau giá khiến anh Đán không ngại bỏ thêm vài lát thịt bò vào bát cho em Tuấn.
Anh Đán vốn theo trường phái truyền thống giữ vẹn nguyên vị phở nhưng dù sao khẩu vị của mỗi người mỗi khác, thân làm chủ quán anh cũng tôn trọng khách hàng nên rau giá nước tương các thứ anh vẫn bày đủ cả. Em Tuấn cũng ăn giấm ớt cũng xịt chí chương như mọi thực khách khác đến quán nhưng em không bao giờ ăn cùng rau sống bởi theo em, rau giá cho vào làm nhạt đi cái vị phở anh Đán chắt chiu. Chẳng bù cho mỗi lần nhác thấy anh cu Dân đi cùng em Tuấn là anh Đán phải làm đầy rổ rau sống liền. Nói tới đây anh Đán cũng thấy kì. Không biết đi ăn món khác như nào chứ mỗi lần đôi chim cu rủ nhau đi ăn phở anh Đán lại cảm thán sao cái nết ăn uống trái ngược mà cũng kiên trì đi ăn với nhau ghê. Ấy mới nó chỉ cần tâm hồn đồng điệu có thể thông cảm cho những khác biệt của nhau thì không sợ mối quan hệ không bền chặt mà. Trên đời này làm gì có cái gì là tuyệt đối đâu, nếu ai cũng hoàn hảo, ai cũng phù hợp tương thích một trăm phần trăm với nhau thì chẳng thà nhân bản lên cho nhanh sao. Khác biệt là để mình khám phá về nhau, để có thêm những bất ngờ trong cuộc sống cũng như học cách cảm thông, học cách dung hoà cho nhau. Phở không chỉ là thứ quà sáng ấm bụng mà còn là món quà cuộc sống ấm lòng với anh Đán vì khiến anh nhận ra nhiều bài học nhân sinh quan. Hai đứa nhỏ này cũng vậy, chẳng cần quá trải đời mà vẫn có thể tiếp nhận những chân lý từ những điều nhỏ nhặt mà thiết yếu trong cuộc sống mà nhiều người lớn cứ mải miết tìm một đích đến lý tưởng nào đó lại chẳng thể nhận ra. Có thể lúc này anh cu Dân và em Tuấn chưa nhận ra chúng đã may mắn thế nào vì có thể thẳng thắn trước những khác biệt của nhau như vậy, như...
“Ơ anh Tuấn ơi, anh Dân không ăn cay mà.”
Khoan, dừng khoảng chừng là hai giây.
Mạch suy nghĩ của anh Đán bị tiếng bé Thành sứt cắt ngang. Anh ngơ ngác nhìn ba đứa trẻ cũng không khác gì em Tuấn đang bối rối cầm thìa chí chương chuẩn bị đổ xuống bát anh cu Dân còn đối tượng được nhắc đến bỗng có vẻ, nếu đôi mắt thị lực mười trên mười của anh Đán không bị quáng gà, giật mình chột dạ.
“Dân không ăn cay á?” - em Tuấn chuyển hướng thìa chí chương về bát mình rồi.
“À th...thì ăn cũng được.”
Không, lần này anh Đán hoàn toàn tự tin vào thị lực lẫn thính lực của mình là anh cu Dân đang chột dạ lắp bắp luôn.
Á à.
“Ủa anh bình thường...”
Anh cu Dân liền tọng ngay một miếng thịt bò vào miệng bé Thành.
“Ăn nhanh còn đi học không mẹ chửi u đầu cả anh lẫn mày giờ.”
Lần này thì anh Đán chắc mẩm anh cu Dân cuống lắm, cuống đến mức gọi luôn tên cúng cơm của anh ra cơ mà. Anh còn thoáng nghe nó lẩm bẩm, nuôi trẻ con đúng là chả được tích sự gì.
Anh Đán thầm tặc lưỡi, vẫn còn ngây ngô lắm nhưng được cái cũng đáng yêu. Chỉ có điều trừ bé Thành đã tập trung vào bát phở thì hai nhóc kia đứa thì thẫn thờ suy nghĩ đứa thì rón rén nhìn đứa thẫn thờ kia. Không gian yên tĩnh đến lạ thường, dường như tạp âm huyên náo ngoài chợ bị một lớp kính vô hình chặn lại mà giờ phút này anh Đán chắc mẩm chỉ có anh cu Dân bí bách. Tưởng như Dân còn quên cả thở. Anh định tốt bụng nhắc Dân thở đi chứ quán anh không có bình oxy đâu thì em Tuấn đã dứt cơn thẫn thờ.
“Sao không nói Tuấn biết?”
Anh cu Dân nuốt vội miếng phở vừa bỏ vào miệng. “N...nói gì cơ?”
“Dân không ăn được cay ý.”
Bé Thành vẫn xì xụp húp phờ mặc kệ thế gian có căng thẳng hay anh Đán đang thiếu một cốc trà đứng hóng chuyện.
“Dân thấy cũng không quan trọng lắm dù sao thì cũng không phải không ăn được...”
Anh Đán nghe rõ mồn một em Tuấn thở dài không thèm che dấu.
“Th...thì bình thường vẫn đi ăn vui vẻ mà đâu có quan trọng...”
“Sao lại không quan trọng chứ.” Em Tuấn ngẩng phắt lên nhìn Dân rồi lại thở dài khẽ lẩm bẩm. “Sao lại không quan trọng... Đều quan trọng cả mà...”
Giọng em nhỏ dần trong sự ngơ ngác của anh cu Dân. Anh Đán lại được dịp chống nạnh lắc đầu.
Tưởng giác ngộ thế nào hoá ra vẫn mang đi dầm muối ớt được. Còn phải học nhiều vỡ ra nhiều lắm.
Em Tuấn cũng không nói gì thêm nữa chỉ giục anh cu Dân ăn phở đi không trương ra mất ngon, còn thảy cho Dân miếng thịt bò vì nay anh Đán thái thịt đẹp hơn hôm qua.
Dường như tấm kính trong mắt anh Dân đã được nứt ra một đường liền nhập hội với bé Thành xì xụp ăn phở. Em Tuấn vẫn như mọi khi ăn từng miếng nhỏ khẽ khàng không tiếng động nhưng chí chương nhà anh Đán bữa nay hơi cay hơn thì phải.
Mãi tới khi hai đứa nhỏ xong xuôi đứng dậy chuẩn bị đưa bé Thành đi học, anh Đán mới thấy anh cu Dân giật nhẹ tay áo em Tuấn thỏ thẻ.
“Tuấn giận à?”
“Giận gì cha nội. Làm như Tuấn đại ca đây hay dỗi hờn lắm ấy.”
Còn thằng Hách chắc cũng sắp về thừa kế quán ngan của bố nó rồi.
“Chỉ là...” lần này em Tuấn biết nén một tiếng thở dài rồi. “Mà Thành sứt đã ăn thử món mới quán anh Tiêu chưa?”
Cứ thế ba đứa trẻ rôm rả hẹn ngày đi dần xa quán phở bỏ lại anh Đán lắc đầu ra chiều ngán ngẩm. Vỗ ngực xưng đại ca mà cũng vòng vo Tam quốc, có gì phải nói như đói là phải ăn.
Vẫn là được cả đôi mang đi dầm muối ớt được. Ấy mà không nghĩ đến thì thôi, nghĩ rồi anh lại khoái khoái chảy nước miếng chảy nước miếng, chắc tối nay phải đặt một bịch xoài về cho thoả mới được. Không biết rủ em Tuấn có hứng ăn cùng không cơ chứ. Người ta bảo con đường tới trái tim nhanh nhất là qua đường dạ dày mà chả hiểu sao hai đứa này lại lạc trôi quanh co mãi ở đường ruột non ruột già.
Ôi hai trái xoài xanh thì chỉ có mang đi dầm muối ớt.
_to be chưayêunhau_
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top