Một bát miến ngan
Nói về độ éo le, anh Trịnh cháo lòng vẫn chưa rõ mình hay ông chủ quán miến ngan kiêm bố thằng Hách ở chiếu trên. Tính ra thì hai quán cháo lòng và miến ngan đối diện nhau này cũng lắm điểm tương đồng.
Mọi sự éo le của hai quán đều bắt nguồn từ cái tên, thằng Hách và em Tuấn. À không, hình như là từ cậu Hưởng nữa. Thoạt nghe thì quán miến ngan và cửa hàng một giá chả có điểm gì liên quan đúng không? Và hai phạm trù đó sẽ mãi không giao nhau nếu như ông Từ, bố thằng Hách cũng là ông chủ quán miến ngan, không quyết định phải đặt cho đứa con thân yêu của mình, dĩ nhiên là quán miến ngan chứ không phải thằng Hách, một cái tên thật thiết thực, gần gũi nhưng độc đáo. Ổng họ Từ, bán miến ngan nên hay được gọi là Từ Ngan. Ngặt nỗi ổng vốn người gốc Mỹ… Tho nên lại khoái bài anh Ba Khía thành ra cũng khoái đặt tên số này số nọ cho đỡ nhớ quê thế là ông Từ xài ngay phép đảo từ, cái tên quán miến Ngàn Tư ra đời. Mọi chuyện sẽ dừng lại ở cái tên ngộ ngộ này bởi chẳng ai nghĩ có bát miến nào giá ngàn tư cả cho tới khi cậu Hưởng từ Gia Lai chuyển đến. Vâng, vẫn là cậu Hưởng hỏi mua sim Viettel chỗ anh Trịnh chứ không phải cậu Hưởng nào khác.
Đó là một ngày chú Từ cũng không nhớ thời tiết như nào chỉ biết em Tuấn đang đội mặt nạ người nhện chơi với lũ trẻ con trong xóm người lớn nhờ cậu trông trông hộ. Em Tuấn đang chơi với đám trẻ rất yên bình rồi mẹ cậu sai em ra cửa hàng một giá mười ngàn trong chợ mua cho mẹ mấy cái rổ về đựng rau tối nhà ăn lẩu thế là em te te chạy đi liền để còn về chơi tiếp với đám trẻ con. Chuyện cũng chả có gì đáng nói nếu em không bị cận và em bỏ cái kính ra để đội cái mặt nạ người nhện chụp kín đầu cậu và mắt có màng. Và trong cảnh nhìn nhân sinh nhòe nhoẹt, em thấy lờ mờ chữ “ngàn” gì đó trên biển hiệu nên vừa chạy tới vừa hô to rõ ràng anh Tám cho em mua cái rổ. Mà sâu xa hơn nữa hồi nhà em mới chuyển về ngõ chợ này, em vừa cận vừa khó nhớ mặt người và một chiều thu em đi mua rau, em nhìn sang bên cạnh thấy ai quen quen như chú Từ thế là em tíu tít một hồi bảo chú đắt hàng nhớ để phần em hai bát để tối em kéo bạn Dân ra ăn cùng. Ấy thế mà chú Từ im như thóc em liền thấy hơi sai bèn nheo mắt nhìn lại. Nhìn rồi em mới ngượng quá, ngượng hơn cả quả cà chua trên sạp. Nãy giờ em ríu rít với anh họ chú Tám ấy chứ nào phải chú Từ em quen.
Thế là lần hai nhầm lẫn lại còn nhầm hẳn quán quen bự tổ chảng thành hàng khác, em Tuấn quê độ tới nỗi một thời gian không dám tới nhà chú Từ ăn miến nữa. Còn cậu Hưởng ở đâu trong câu chuyện éo le này ư? Dĩ nhiên là cái mặt nạ người nhện, nguồn cơn sâu hơn cả tâm trái đất của vụ nhầm lẫn là cậu Hưởng cho em Tuấn mượn rồi. Chú Từ buồn chú Từ không nói.
Thực ra chú Từ buồn vì em Tuấn không đến ăn miến ngan hơn là em Tuấn nhầm quán. Cơ bản thì qua cái việc đặt tên cũng thấy chú tâm huyết với quán miến ngan và cái chất nghệ sĩ trong chú như nào. Theo quan điểm của chú, chặt ngan là một nghệ thuật còn người chặt ngan là một nghệ sĩ. Nhưng con trai chú, chính là thằng Hách, lại khiến chú tổn thương như cái cách nó làm anh Trịnh tổn thương vì hôm đó em Tuấn vừa nguôi ngoai sự lệch quẻ trang phục cùng nguyên cây đồ đi ăn cháo lòng đầy chất ngựa của anh cu Dân thì nó xuất hiện nhắc cho em Tuấn nhớ. Còn chú Từ, chú tổn thương vì con chú chặt ngan như băm không thể nào lĩnh hội được những đường xuống dao gãy gọn dứt khoát của chú. Nó thà mỗi chiều tan học sang phụ anh Trịnh thái lòng cho quen dao còn hơn là đứng nhìn chú chặt ngan thị phạm. Chỉ có em Tuấn lần đầu ngồi xuống đã rù rì với anh cu Dân khen miếng ngan chú chặt đẹp ghê, độ dày vừa phải dù em đang niềng răng cắn cũng không quá khó khăn lại còn không 1 mẩu thịt thừa xương vụn lẫn phải. Thế mà em lại cả tuần trời không đến quán chú, ôi chú buồn làm sao. Nhìn sang bên đường thấy con trai đang đứng thái lòng hộ anh Trịnh chú cũng chẳng còn lòng dạ mà gọi nó về.
Thực ra người buồn không chỉ có chú, anh Dân cũng buồn. Anh Dân khổ tâm lắm vì anh quá hiểu em Tuấn đang vào guồng mê món nào thì em không dứt ra được ấy vậy mà giờ đứt gánh giữa đường em Tuấn phải bứt rứt lắm. Nhớ hồi mới mê món lẩu ma tà lằng gì đấy, gần như tuần nào em cũng rủ anh Dân đi ăn đến hai ba bận, nhìn em ăn anh đến là vui quên luôn vụ sau một tháng chỉ nghe đến từ lẩu thôi miệng anh Dân đã phảng phất vị lẩu nào đó anh không nhớ nổi tên.
Quán miến Ngàn Tư đã đưa anh Dân khỏi cảnh đấy nhờ miếng ngan đầy nghệ thuật và hũ măng ngâm của chú. Có thể nói thanh xuân lăn chợ của em không có hũ măng ngâm nào ngon như măng nhà chú Từ cũng như chưa thấy ai chặt ngan đẹp như chú. Ấy là chưa kể nồi nuớc dùng ngọt thanh không béo thơm phức của chú nhé. Miến mềm mà không nát, ngan chặt miếng đều tăm tắp không một chút vụn thừa, nước dùng đậm mà thanh lại thêm măng ngâm cay cay tê tê, em Tuấn sao dứt ra được. Em ăn kiên định mà da mặt mỏng xấu hổ cũng kiên định. Mấy lần anh Dân rủ em đi ăn miến ngan em đều từ chối kéo theo quán cháo lòng đối diện em cũng không đi, anh thương em lắm. Chú Từ buồn một anh buồn mười. Có anh Trịnh là nửa buồn nửa chênh vênh vì dù em là khách quen nhưng anh vẫn hơi rén em…
Nhưng cơn mưa nào cũng phải tạnh, nỗi buồn nào cũng sẽ qua, ngày em Tuấn bình tâm trở lại cũng đến sau hai tuần. Một bữa nọ điện thoại anh cu Dân nháy nháy tin nhắn em Tuấn gửi đến rủ anh Dân tối sang ăn cơm cùng, bố mẹ đi vắng em ăn cơm một mình em buồn.
Anh Dân hớn hở ra mặt, quả là trời ban cho anh cơ hội lôi kéo em Tuấn về với con đường ẩm thực cùng anh. Mà ngoài đường dạ dày thì còn đường nào tới trái tim nhanh hơn đâu. Anh vội chiu chíu nhắn lại lấy cớ sắp thi có nhiều bài vở phải ôn nên mua đồ về cho đỡ mất thời gian của hai đứa.
"Miến ngan chú Từ nhé?"
Em Tuấn có vẻ chần chừ không nhắn lại ngay. Anh Dân nhìn chằm chằm điện thoại tận hai phút em mới nhắn lại gọn lỏn "ok".
Anh đến là mừng, anh nhấp nhổm đếm từng phút tiết cuối giảng viên bước ra khỏi lớp là anh phi ra lấy xe phóng tới quán chú Từ mua hai bát miến ngan với thật nhiều măng ngâm. Anh cu Dân có thể hình dung đôi mắt lấp lánh của em Tuấn rồi, em sẽ vừa ăn vừa ngân nga khẽ lắc lư đầy vui vẻ. Tiện đà vui em sẽ cong mắt kể anh nghe nay ở trường em học những gì, vẽ những gì rồi anh kể em nghe bên anh sắp thi gì. Tin nhắn sao mà chân thực được bằng trực tiếp nghe em ríu rít kể chuyện khoái trí như mèo nhỏ được gãi đúng chỗ. Nghĩ thôi anh đã thấy ngon miệng rồi.
Ấy thế mà anh cu Dân tính không bằng trời tính.
Chú Từ bị đau tay. Vừa mấy phút trước khi anh cu Dân đến, chú bị kẹp tay vào cửa đau điếng người nên giờ thằng Hách đang phụ bố dọn hàng sớm. Nhìn anh Dân đến mua ngan mua miến cho em Tuấn, chú càng đau hơn. Thằng Hách đứng lặng thinh ngó hai chú cháu bất động nhìn nhau. Bên ngoài tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người vẫn léo nhéo nhưng cảm giác như không gian trong quán Ngàn Tư đã kẹt lại ở một dòng nào đó. Tiếng điện thoại anh Dân báo tin nhắn đến như mũi dùi xé toạc không gian ấy kéo hai chú cháu về lại ngõ chợ.
"Bạn về chưa? Chắc tôi 15 phút nữa về nha."
"Lâu mới được ăn miến ngan chú Từ, háo hức ghê."
Chú Từ nhìn chằm chằm màn hình điện thoại anh cu Dân. Chú nhìn lại bàn tay đang sưng của mình rồi lại nhìn thằng Hách. Không, chú không thể phụ tấm lòng của một người trân trọng nghệ thuật nơi chú được. Chú phải đem em trở lại với con đường ẩm thực, bằng cơ hội này dùng bát miến ngan đánh bại nỗi ngượng nơi em Tuấn để chứng minh nghệ thuật và lòng tận tâm là sức mạnh kì diệu nhất của loài người. Chú, cũng như mọi hàng quán quen thuộc của ngõ chợ, hết lòng ủng hộ cho anh cu Dân.
Nhìn hai đứa vờn nhau hoài, chú chóng mặt. Mà với "thần đồng" tán tỉnh là anh cu Dân, dũng cảm cả đời chắc dồn cả vào con đường ẩm thực này rồi. Thôi thì góp được chút sức phá đá mở đường cho anh Dân cũng là góp sức cho thế gian này bớt đi một (vài) người rối loạn tiền đình vì nhìn hai cháu chạy vòng vòng.
Chú nhìn lại con ngan vẫn còn nóng trên quầy, nhìn lại bàn tay mình rồi hít thật sâu.
Chú-
"Chú để con!"
Anh cu Dân nhanh nhẹn cầm lấy con dao chặt ngan của chú trong sự ngỡ ngàng của cả chú và thằng Hách.
"Dân…"
"Ch… cháu nhìn chú chặt nhiều rồi, cháu ghi nhớ rồi…"
Lý thuyết là một nhẽ còn thực hành là một nhẽ khác chứ...
"Lần nào ăn miến cháu cũng quan sát cách chú chặt ngan, không phải cháu định trộm nghề… chỉ là cháu muốn có một ngày sẽ có thể làm được hết những món mà…"
"Chú hiểu rồi." Chú Từ cắt ngang lời anh cu Dân, hai mắt rưng rưng nhìn đôi mắt rực lửa quyết tâm của cậu trai trẻ. Thằng Hách chép miệng nhìn một màn lâm li trước mặt, người lớn chỉ người trẻ cách dùng lực vào từng phần ra sao rồi tiếp tục công cuộc xếp lại bàn ghế của nó.
Thái lòng hộ anh Trịnh rõ nhàn tênh.
Nó thấy rõ mỗi lần bố nó chan chát hạ dao, thằng Dân bạn nó đều có tí giật mình mà nay quyết đoán lạ.
Hai bát miến được bày trên bàn nhà em Tuấn đã là chuyện của 20 phút sau. Anh cu Dân nhìn em Tuấn gắp lên một miếng ngan nhìn khoảng chừng là hai giây rồi bỏ vào miệng, mắt em lập tức híp lại mà anh thở ra một hơi không biết nén lại từ bao giờ. Em Tuấn tủm tỉm nhìn anh Dân vui vẻ húp miến rồi bắt đầu thao thao bất tuyệt kể trên trường nay em vẽ những gì…
"Mai ra quán chú Từ không? Nhà tôi có lọ cao sao vàng đỉnh lắm."
Anh Dân gật đầu không thể nhanh hơn, hớn hở kể em Tuấn nghe hôm nay anh họ chú Tám lại tới chơi.
Đêm đó thằng Hách nghe tiếng bố nó vừa uống coca vừa cười khà khà. Xem chừng sắp tới nó không phải lỉnh sang quán anh Trịnh mỗi lần bố nó định truyền lại nghệ thuật chặt ngan cho nó nữa.
Ôi nghệ thuật và sức mạnh kì diệu của những tấm lòng trong thiên hạ.
_to be chưayêunhau _
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top