nghin le mot dem
Nghìn lẻ một đêm - Chương 2
Antoine Galland
Chương 2
ÔNG LÃO ĐÁNH CÁ
Tâu bệ hạ, ngày xưa có một ông lão đánh cá già nua, nghèo khổ đến nỗi không sao có thể nuôi sống được gia đình gồm một vợ và ba con nhỏ. Hàng ngày lão ra đi từ sáng sớm để đánh cá và tự đặt ra cái lệ là mỗi ngày chỉ quăng lưới bốn lần thôi.
Một sáng còn rất sớm, trăng chưa lặn, lão đã ra tới bờ biển. Lão cởi áo ngoài và quăng lưới lần thứ nhất. Khi kéo lưới vào bờ, lão cảm thấy nặng tay. Chắc là có cá to đây, lão đã thầm phấn khởi, nhưng lát sau, tưởng lưới đầy cá, ngờ đâu đó chỉ là bộ xương của một con lừa. Lão vô cùng buồn bã...
Tới đoạn này, Scheherazade ngừng lời vì nàng thấy trời đã rạng sáng.
- Chị của em - Dinarzade nói - em phải thú thật là đoạn đầu câu chuyện này làm em thật thích thú, em chắc là đoạn tiếp theo sẽ rất hay.
- Không gì đặc sắc hơn là chuyện ông lão đánh cá - Hoàng hậu nói - Em sẽ thấy vào đêm sau, nếu hoàng đế gia ân để chị còn sống.
Vua Schahriar, tò mò muốn biết lão đánh cá đã kéo lưới được gì những lần sau nên chưa muốn hành quyết Scheherazade hôm đó. Vì thế ông đứng lên và chưa phát ra cái lệnh ác độc đó.
- Chị thân yêu - Ngày hôm sau, vào giờ thường lệ, Dinarzade bảo chị - Trời đã sắp sáng, xin chị kể nốt cho em nghe chuyện ông lão đánh cá? Em muốn nghe quá đi mất.
- Chị sẽ chiều em, em ạ - Hoàng hậu đáp.
Và đồng thời nàng xin hoàng đế cho phép. Được nhà vua gật đầu rồi, nàng kể tiếp chuyện lão đánh cá như sau:
- Tâu bệ hạ, buồn bã vì mẻ lưới hẩm hiu, sau khi vá lại những chỗ bị cái bộ xương lừa kia làm rách, lão quăng lưới lần thứ hai. Lúc kéo lên lão lại thấy khá nặng, tưởng như đầy một lưới cá nhưng buồn thay, đó chỉ là một cái thúng to chứa đầy bùn đất và sỏi đá. Lão buồn nản vô cùng. Lão kêu lên thảm thiết:
“Ôi đấng thần tài? Hãy bớt nổi giận với ta và cho nên hành hạ một kẻ khốn khổ đã cầu xin Người khoang dung! Ta từ nhà đến đây kiếm sống mà Người lại muốn ta phải chết. Ta chẳng còn nghề nào khác ngoài nghề chài lưới để tồn tại và mặc dù đã hết lòng gắng công gắng sức ta cũng chẳng làm sao mà đáp ứng được những nhu cầu khẩn thiết của vợ con. Nhưng trách oán Người có thể ta đã sai lầm. Vì cái thói được hành hạ những người lương thiện và dìm họ vào trong bóng tối dày đặc là ý thích của Người. Mặt khác Người dung túng cho bao kẻ ác và đề cao những kẻ mà đức hạnh chẳng có gì đáng tin cậy".
Than vãn xong, lão quẳng mạnh cái thúng đi, rửa sạch bùn đất bám vào lưới và quăng nó xuống nước lần thứ ba. Nhưng lão cũng chỉ kéo lên được nào là gạch đá, vỏ trai ốc, nào là rác rưởi. Không sao nói lên được niềm thất vọng của lão, chỉ chút nữa là lão có thể phát điên lên. Tuy nhiên, vì mặt trời cũng vừa ló rạng, lão không quên quỳ xuống cầu nguyện như một tín đồ ngoan đạo của Hồi giáo. Lão khấn nguyện thêm thế này:
- Hỡi Thượng đế, Người đã biết rằng con chỉ quăng lưới bốn lần mỗi ngày. Con đã quăng ba lần rồi nhưng chẳng mang lại kết quả gì. Chỉ còn một lần cuối cùng, con xin được Thượng đế phù hộ trợ giúp cũng như Người đã trợ giúp Moise vậy.
Khấn cầu như vậy xong, lão đánh cá quăng lưới lần thứ tư. Khi đoán là đã có cá vào lão kéo lên và cũng như các lần trước thấy khá nặng tay. Chẳng có con cá nào nhưng lão thấy một chiếc bình bằng đồng thau chắc là chứa cái gì đó nên nó rất nặng. Lão nhận thấy nút chiếc bình được niêm phong bằng chì có mang dấu ấn. Cái đó làm lão thấy vui vui, thầm nhủ:
- Ta sẽ đem bán cho thợ đúc và tiền bán được ta sẽ mua một đấu lúa mì.
Lão ngắm nghía chiếc bình, lắc lắc để nghe xem có tiếng gì của vật chứa bên trong không. Chẳng nghe thấy gì cả và trong trường hợp này, với dấu ấn trên chiếc nắp bằng chì lão nghĩ là chiếc bình này tất là phải chứa đầy vật quí. Để cho mọi việc rõ ràng, lão cầm lấy con dao và chẳng khó khăn gì, lão mở được nắp bình. Lão nghiên miệng bình xuống mặt đất, nhưng chẳng thẩy có gì lăn ra, điều này làm cho lão hết sức ngạc nhiên. Lão đặt cái bình trước mặt và trong lúc chăm chú ngắm nhìn thì từ miệng bình, một làn khói đầy đặc phụt lên khiến lão phải lùi ra sau hai ba bước.
Làn khói này vươn cao chạm tới mây và lan toả ra trên mặt biển và bờ biển làm thành một đám lớn sương mù. Ta có thể tưởng tượng được cảnh tượng này đã làm cho lão đánh cá vô cùng sửng sốt. Khi tất cả làn khói đã thoát ra khỏi chiếc bình, nó tụ lại thành một khối hiện hình thành một hung thần to cao gấp đôi tất cả mọi người khổng lồ. Thấy hiện ra trước mắt mình một quái vật to lớn khủng khiếp lão đánh cá muốn sải chân chạy nhưng vì quá kinh hoàng, lão không thể nhích chân được một bước.
- Salomon - Hung thần kêu lên - Salomon, đại tiên tri của Thượng đế. Xin tha lỗi, xin tha lỗi. Chẳng bao giờ ta làm trái ý Người. Ta sẽ tuân theo tất cả mệnh lệnh của Người...
Scheherazade thấy ngày đã rạng bèn bỏ dở câu chuyện.
Thế là Dinarzade nói:
- Chị của em! Quả là chị chẳng sai lời. Câu chuyện này chắc hẳn là kỳ lạ hơn tất cả những câu chuyện khác.
- Em ạ - Hoàng hậu đáp - Em sẽ được nghe những chuyện làm cho em còn hào hứng hơn nữa nếu hoàng đế, chúa của chị cho phép kể em nghe.
Vua Schahriar rất muốn nghe nốt đoạn cuối chuyện ông lão đánh cá câu chuyện đã làm ông thích thú. Vì vậy ông lại cho lùi cái chết của hoàng hậu đến ngày hôm sau nữa.
o O o
Dinarzade, đêm hôm sau, đến giờ, lại gọi chị:
- Chị của em, nếu chị không ngủ thì xin chị hãy kể nốt cho em nghe chuyện lão đánh cá trong lúc chờ trời sáng.
Hoàng đế, về phía mình, cũng nóng lòng muốn biết có gì xảy ra giữa Salomon với tên hung thần này. Vì vậy Scheherazade tiếp tục câu chuyện về lão đánh cá:
- Tâu bệ hạ, lão đánh cá vừa nghe thấy những lời tên hung thần thốt ra đã thấy đôi chút yên tâm. Lão hỏi: “Này, vị thần cao ngạo kia! Ngài nói gì vậy? Salomon, tiên tri của Thượng đế đã không còn tới nay là một ngàn tám trăm năm và chúng ta đang ở vào hồi tận cùng các thế kỷ. Hãy cho ta biết câu chuyện của Ngài. Vì sao lại bị nhốt trong cái bình này?”.
Nghe lão đánh cá hỏi vậy, hung thần nhìn lão đầy vẻ kiêu căng, đáp:
- Hãy ăn nói với ta cho có lễ độ. Mi dám cả gan gọi ta là vị thần cao ngạo ư?
Lão đánh cá cãi lại:
- Vậy thì để ăn nói với ngài cho có lễ độ, phải chăng tôi phải gọi ngài là con cú may mắn?
- Ta đã bảo mi - Hung thần gắt - Phải nói năng cho có lễ độ trước khi ta giết mi.
- Này, tại sao ngài lại muốn giết tôi - Lão đánh cá vặn lại - Phải nhớ là tôi vừa cứu sống ngài.
- Không, ta không quên - Hung thần nói - Nhưng cái đó không ngăn ta giết mi và ta chỉ chiếu cố cho mi một điều duy nhất.
- Đó là điều gì vậy? - Lão đánh cá hỏi.
- Là mi chọn cái chết như thế nào ta sẽ chiều mi cho chết như thế - Hung thần đáp.
- Nhưng tôi đã làm gì ngài nào? Có phải đó là cách ngài trả ơn người đã làm điều tốt cho ngài chăng?
- Ta không thể làm khác được - Hung thần nói - Và để cho mi tin, hãy lắng nghe câu chuyện của ta:
“Ta là một trong các thần linh đối kháng lại ý chí của Thượng đế. Tất cả các vị thần khác đều công nhận Salomon vĩ đại đấng tiên tri của Thượng đế và phục tùng Người. Duy nhất chỉ có Sacar và ta không muốn làm cái trò hèn hạ đó. Để trả hận, vị đế vương hùng mạnh này lệnh cho Assaf, con trai Barakhia, tể tướng đầu triều của ông đến bắt ta và điều ta đến trước ngai vàng, trước chúa tể của hắn. Salomon, con trai David, bắt ta rời bỏ cách sống riêng, công nhận uy quyền và chịu sự chỉ huy của ông ta. Ta hiên ngang không chịu, thà phải hứng tất cả sự thù ghét giận dữ còn hơn là phải thề thốt tuyệt đối trung thành và phục tùng vô điều kiện mà ông ta bắt buộc. Để trừng trị ta, ông ấy đã nhốt ta vào trong chiếc bình bằng đồng này. Và để chắc chắn là ta không thể phá vỡ để thoát ra, ông đã tự mình đóng niêm trên nắp chì dấu ấn khắc rõ đại danh Thượng đế. Xong, ông trao cho một vị thần được tin cậy với lệnh là ném ta xuống biển. Việc đó đã được thi hành với sự vô cùng nuối tiếc của ta. Suốt trong thế kỷ đầu trong chiếc bình tù ngục, ta đã nguyền nếu có ai đó giải thoát được ta, ta sẽ làm cho kẻ đó giàu có suốt đời, giàu có cả đến sau khi chết. Nhưng thế kỷ đầu trôi qua, chẳng có ai giúp ta cả. Sang thế kỷ thứ hai, ta thề là sẽ mở tất cả các kho của cải trên trái đất tặng cho người nào đem tự do đến cho ta, nhưng chẳng có may mắn gì hơn thế kỷ trước. Sang đến thế kỷ thứ ba, ta hứa là sẽ làm cho người nào giải thoát ta trở thành một đế vương hùng mạnh và luôn luôn ở bên cạnh, ta ban cho người đó mỗi ngày ba điều ước để có bất cứ cái gì. Nhưng thế kỷ này lại trôi qua như hai thế kỷ trước và ta thì vẫn cứ nguyên như thế. Cuối cùng ta hết sức hoang mang thất vọng hay đúng ra là phát điên lên vì bị tù hãm quá lâu, ta thề là sau này có kẻ nào giải thoát ta thì ta sẽ giết không thương tiếc và chẳng ban cho một ân huệ nào ngoài việc được chọn loại chết mà ta sẽ dành cho hắn. Vì vậy, ngày hôm nay mi đã tới đây, mi đã giải thoát cho ta, bây giờ mi hãy chọn theo ý thích cách mà ta sẽ giết mi”.
Lão đánh cá vô cùng buồn bã:
- Khốn khổ cho cái thân ta! - Lão kêu lên - Đến cái chỗ này làm gì để làm ơn cho một tên vô ơn bạc nghĩa? Hãy xem xét lại sự bất công của nhà ngươi đi và hãy huỷ bỏ đi cái lời thề phi lý đó. Tha thứ cho ta thì Thượng đế cũng sẽ tha thứ cho nhà ngươi; rộng lượng cho ta được sống, thì Người sẽ che chở cho nhà ngươi khỏi mọi mưu mô ám hại cuộc sống của nhà ngươi.
- Không, nhất định mi phải chết - Hung thần nói – Mi chỉ còn được chọn ta sẽ giết mi cách nào mà thôi.
Lão đánh cá nhận thấy là tên hung thần kiên quyết lấy đi mạng sống của mình, nên đau lòng vô hạn không phải vì mình mà vì ba đứa trẻ sẽ không khỏi sa vào cảnh đói khổ khi lão bị hung thần giết hại.
- Than ôi - Lão tiếp tục - Phải rủ lòng thương ta mới phải chứ, hãy xem lại những gì ta đã làm cho nhà ngươi.
- Ta đã nói rồi - Hung thần lại bảo - Chính vì thế mà ta buộc phải lấy mạng sống của mi.
- Thật cũng khác đời đấy - Lão đánh cá phản bác - Nhà ngươi lại cứ nhất định muốn lấy oán để trả ân. Tục ngữ có câu: Làm ơn cho những kẻ không xứng đáng được hưởng thì bao giờ cũng được đền đáp lại bằng sự bạc bẽo vô ơn. Thú thực ta đã tưởng thế là sai: quả thật điều đó ngược với lẽ phải và lệ luật của xã hội. Thế mà lúc này ta đau xót thấy cái đó thật hoàn toàn chính xác.
- Chớ để mất thời gian nữa - Hung thần cắt ngang - Tất cả những lý lẽ của mi cũng chẳng làm ta đổi ý. Hãy mau nói mi muốn ta giết mi như thế nào.
Cái khó làm ló cái khôn, lão đánh cá nghĩ ra một mẹo:
- Vì nhà ngươi nhất định muốn giết ta - Lão bảo hung thần - Ta đành thuận theo ý Thượng đế. Nhưng trước lúc ta chọn một cái chết như thế nào, ta xin ngươi, vì uy danh của Thượng đế đã được khắc trên dấu ấn của đấng tiên tri Salomon, con trai David, hãy nối rõ sự thật về một vấn đề ta hỏi ngươi đây.
Khi nghe thấy lời cầu khẩn nhân danh Thượng đế. hung thần buộc lòng không thể khước từ, hắn thấy thầm run sợ, bảo lão đánh cá:
- Nào mi muốn gì hãy nói đi, mau lên?
Trời vừa rạng sáng, Scheherazade ngừng lại ở đoạn này.
- Chị của em - Dinarzađe nói - Phải công nhận là chuyện chị kể càng lúc càng hay, nghe rất thích. Em mong rằng hoàng đế, chúa tể của chúng ta, không bắt chị phải chết trước khi Người được nghe nốt câu chuyện rất hay về lão đánh cá.
- Hoàng đế là chúa tể - Scheherazade tiếp lời em - Tất cả điều gì Người thích đều phải được như nguyện.
Vua Schahrlar cũng muốn được nghe đoạn cuối của câu chuyện như Dinarzade nên đã lui lại ngày hành quyết hoàng hậu.
o O o
Schahrlar cùng với hoàng hậu qua đêm cùng nhau cũng như các đêm trước, và trước khi trời sáng, Dinarzade đánh thức họ dậy bằng câu nói sau đây với Scheherazade:
- Chị ơi, chị kể tiếp chuyện lão đánh cá!
- Rất vui lòng - Scheherazade đáp - chị sẽ làm em được thoả mãn, với sự chuẩn y của Hoàng đế.
- Hung thần - Nàng nói tiếp - Sau khi hứa là sẽ nói rõ sự thật, thì lão đánh cá bảo hắn:
- Ta muốn biết có thực là nhà ngươi đã nằm trong chiếc bình kia không? Nhà ngươi có dám nhân đại danh của Thượng đế mà thề không?
- Dám chứ - Hung thần đáp - Ta nhân đại đanh của Người thề rằng ta đã ở trong chiếc bình và đó hoàn toàn là sự thật.
- Thật lòng mà nói - Lão đánh cá bảo - Ta không sao mà tin được. Cái bình này chưa chắc đã chứa nổi một bàn chân ngươi còn nói chi đến việc tất cả con người nhà ngươi nằm được trong đó?
- Thế mà ta thề với mi - Hung thần tức mình bảo – Là ta đã ở gọn trong đó như mi đã thấy đấy. Sau lời thề thật là trịnh trọng đó mà mi vẫn chưa tin ta ư?
- Chưa tin được, thật vậy đó - Lão đánh cá nói – Ta chưa thể tin nhà ngươi chừng nào ta chưa được tận mắt nhìn thấy.
Thế là cả cơ thể hung thần bỗng tan ra thành khói, lan toả ra khắp mặt biển và trên bờ, rồi tụ lại, bắt đầu chui vào bình, cứ thế đều đều chầm chậm cho đến lúc chẳng còn gì ở bên ngoài cả. Rồi ngay lúc đó một tiếng nói từ trong bình thoát ra bảo lão đánh cá:
- Thế nào, lão đánh cá đa nghi kia, ta đang ở trong bình rồi đấy. Bây giờ mi đã tin ta chưa?
Lão đánh cá đáng lẽ trả lời hung thần thì lại cầm lấy cái nắp bằng chì đậy nhanh lên miệng chiếc bình và kêu to:
- Hỡi hung thần? Đến lượt ngươi cầu xin ta làm phúc. Ngươi hãy chọn xem ta xử tử ngươi cách nào đây.
Nhưng không, tốt hơn cả là ta lại ném ngươi xuống biển đúng ở cái chỗ mà ta đã vớt ngươi lên. Rồi ta sẽ dựng một cái chòi trên bờ này để ở và để báo cho tất cả những người đánh cá đến thả lưới ở đây là cần phải chú ý đề phòng kẻo lại vớt lên một tên hung thần như ngươi, kẻ đã thề là sẽ giết người nào giải phóng cho hắn.
Nghe những lời nói xúc phạm ấy, hung thần nổi giận vùng vẫy hết sức để mong thoát ra khỏi chiếc bình nhưng không thể được vì dấu ấn của đấng tiên tri Salomon, con trai của David đã ngăn cản y lại. Thế là, thấy lão đánh cá đang có lợi thế hơn mình, hung thần đành phải nén cơn giận mà đấu dịu:
- Này, lão đánh cá - Bằng giọng dịu ngọt y nói - Chớ có vội làm như điều lão vừa nói đó. Chẳng qua là ta đùa lão một chút thôi mà, lão chớ vội cho đó là điều nghiêm chỉnh nhé.
- Hỡi hung thần - Lão đánh cá đáp - Chỉ mới lúc nãy thôi, ngươi to lớn biết bao và lúc này ngươi lại là bé nhất trong tất cả các thần linh, phải biết rằng những lời lẽ dối trá chẳng giúp gì được cho ngươi đâu. Ngươi sẽ được trả về cho biển cả. Nếu ngươi đã ở được dưới đó từng ấy thời gian mà ngươi đã kể với ta thì ngươi cũng có thể ở dưới đó cho đến ngày phán xét cuối cùng. Ta cầu xin ngươi nhân danh Thượng đế để cho ta được sống, ngươi đã chẳng đếm xỉa gì tới những lời cầu khẩn của ta. Ta phải đối xử với ngươi cũng như vậy.
Hung thần không còn tiếc gì nữa để cố gắng làm cho lão đánh cá động lòng:
- Hãy mở nắp bình ra đi - Y nói với lão - Hãy giải phóng cho ta, ta cầu xin mi. Ta hứa là mi sẽ được thoả mãn mọi bề.
- Ngươi chỉ là một tên phản trắc - Lão đánh cá bảo - Ta sẽ phải mất mạng nếu ta còn dại dột đặt lòng tin vào ngươi. Rồi ngươi sẽ chẳng ngần ngại gì mà đối xử với ta chẳng khác gì cung cách mà một ông vua Hi Lạp nào đó đối xử với thầy thuốc Douban. Đó là câu chuyện mà ta muốn kể cho ngươi nghe đó. Hãy lắng tai mà nghe:
NHÀ VUA HI LẠP VÀ THẦY THUỐC DOUBAN
Ngày xưa ở xứ Zouman quốc gia Ba Tư có một ông vua mà thần dân vốn là gốc người Hi Lạp. Ông vua này bị bệnh phong. Những ngự y sau khi đã dùng đủ các loại thuốc để chữa trị cho vua của họ nhưng không đem lại kết quả gì cả. Đang trong khi lúng túng thì Douban, một thầy thuốc danh tiếng tới triều đình.
Người thầy thuốc này đã nghiên cứu sâu về y khoa trong các sách Hi Lạp, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập, La Tinh, Syrie và Hébreux. Ngoài kiến thức sâu rộng về lĩnh vực triết học, ông còn hiểu biết rất thông thạo về tính năng tác dụng của tất cả các loại cây cỏ làm thuốc chữa bệnh. Khi ông được biết nhà vua bị bệnh mà các ngự y đều đã chịu bó tay, ông bèn ăn vận sạch sẽ chỉnh tề và tìm cách để ra mắt đức vua.
- Tâu bệ hạ - Ông trình vua - Thần biết là các ngự y của triều đình không thể chữa được bệnh phong mà Người đang mắc phải. Nhưng nếu bệ hạ đặc ân chiếu cố tới tài mọn này thì thần xin cam đoan chữa lành bệnh cho Người mà chẳng cần phải thuốc uống thuốc xoa gì hết.
Nghe lời tâu trình đó, nhà vua rất hài lòng, ông bảo:
- Nếu nhà ngươi có tài làm được như lời ngươi nói thì ta sẽ làm cho ngươi thật giàu sang cho đến đời con đời cháu, không kể đến những món quà quí tặng riêng cho ngươi và ngươi sẽ là một sủng thần của ta. Vậy là nhà ngươi cam đoan chữa cho ta khỏi hủi mà chẳng cần phải có một thứ thuốc nào cả bên trong lẫn bên ngoài?
- Tâu bệ hạ, đúng như vậy và chắc là với sự phù trợ của Thượng đế, thần sẽ thành công. Ngay từ ngày mai, thần sẽ bắt đầu cuộc thử nghiệm.
Sau đó, ông thầy thuốc trở về nhà mình, làm một chày gỗ, khoét rỗng chuôi chỗ tay cầm và bỏ vào trong đó những vị thuốc mà ông đã tính toán phải sử dụng. Xong rồi, ông làm một quả tròn theo ý mình, và với những vật dụng đó, ngày hôm sau ông xin được bệ kiến. Ông quỳ xuống bên chân vua, hôn mặt đất...
Tới đoạn này, Scheherazade nhận thấy trời đã hửng sáng. Nàng báo cho vua Schahriar và thôi kể.
- Chị ơi - Dinarzade bảo chị - Đúng là em thật ngạc nhiên không biết là chị lấy đâu ra biết bao cái đẹp đẽ hay ho đó.
- Em sẽ còn được nghe bao nhiêu cái hay cái đẹp nữa vào ngày mai, nếu hoàng đế chúa của chúng ta mở lượng hải hà còn để cho chị sống.
Schahriar cũng chẳng kém gì Dinarzade, rất muốn nghe đoạn tiếp câu chuyện về người thầy thuốc Douban nên ngày hôm đó chưa ra lệnh đưa hoàng hậu đi hành quyết.
o O o
Đêm đó đã khuya lắm, khi Dinarzade thức giấc, kêu lên:
- Chị ơi, nếu chị không còn ngủ nữa thì xin chị hãy kể nốt câu chuyện rất hay về ông vua Hi Lạp và thầy thuốc Douban đi.
- Được thôi em ạ - Scheherazade đáp.
Rồi nàng kể tiếp như sau:
- Tâu bệ hạ, lão đánh cá vẫn kể tiếp với hung thần đang bị giam lại trong bình như thế này: “Thầy thuốc Douban đứng dậy và sau một vái dài, tâu với nhà vua ông ta thấy là lúc này nhà vua nên cưỡi ngựa và ra bãi chơi bóng chày. Nhà vua làm theo và khi tới bãi bóng, ông ta tới gần đưa cho nhà vua cái chày và nói: “Tâu bệ hạ, xin Người hãy dùng cái chày này đánh quả bóng này cho đến lúc cảm thấy bàn tay cầm chày và toàn thân mồ hôi nhễ nhại. Khi chất thuốc mà thần chứa trong cái chày này được bàn tay của bệ hạ làm cho nóng lên thì chất thuốc đó sẽ ngấm vào toàn thân của Người. Vậy lúc Người ra mồ hôi thật nhiều thì chấm dứt cuộc chơi vì lúc đó thuốc đã phát huy tác dụng. Trở về cung, bệ hạ vào buồng tắm rửa và kỳ cọ thật mạnh tay, rồi đi ngủ. Thức dậy vào sáng hôm sau, bệ hạ sẽ thấy lành bệnh hoàn toàn”.
Nhà vua cầm lấy chiếc chày, giục ngựa đi tới gần quả bóng vừa ném xuống. Ông dùng chày đánh vào quả bóng. Những viên quan cùng tham gia lại đẩy quả bóng về cho ông, ông lại đánh cho bật ra xa và cứ thế ông đánh bóng bằng chiếc chày nắm chặt trong bàn tay cho đến lúc bàn tay ra mồ hôi nhơm nhớp, rồi toàn thân ông cũng nhễ nhại mồ hôi. Thế là, chất thuốc chứa trong chỗ tay nắm của chiếc chày đã ngấm vào toàn thân nhà vua qua cán chày như viên thầy thuốc đã nói. Nhà vua ngừng cuộc chơi, trở về cung, đi vào buồng tắm rửa, làm đúng như lời căn dặn của thầy thuốc Douban. Ông thấy vô cùng khoan khoái. Hôm sau, thức giấc, ngạc nhiên và mừng rỡ, ông thấy mình đã khỏi bệnh, toàn thân nhẵn nhụi đường như chưa từng bao giờ ông bị hủi, cái bệnh hầu như vô phương cứu chữa đó.
Khoác vội vã long bào, ông ra ngự triều rất sớm vì muốn cho cả triều đình biết hiệu quả mầu nhiệm của bài thuốc mới. Khi thấy nhà vua hoàn toàn khỏi bệnh, tất cả các quan lại trong triều đều vui mừng khôn xiết.
Thầy thuốc Douban tới sụp quì trước ngai vàng, đầu cúi sát đất. Nhà vua nhìn thấy, vời ông lại, cho ngồi bên cạnh mình, giới thiệu với cả triều đình và không ngớt nói những lời khen ngợi mà ông thật xứng đáng. Nhà vua không dừng lại ở đó, ông cho tổ chức tiệc mừng thật linh đình và thầy thuốc Douban được đặc ân ngồi ăn cùng mâm với vua...”.
Tới đây, Scheherazade thấy trời hửng sáng, bèn ngừng lời.
- Chị ơi! - Dinarzade nói - Em chẳng biết rồi câu chuyện sẽ kết thúc ra sao, nhưng đoạn đầu thật vô cùng hấp dẫn.
- Đoạn tiếp theo sau đây còn hay hơn nhiều – Hoàng hậu Scheherazade đáp lời em - Và chị tin là em sẽ thấy rất thích thú, nếu hoàng đế vui lòng cho phép chị được kể tiếp vào tối mai.
Vua Schahriar đồng ý và đứng đậy, rất hài lòng với phần câu chuyện vừa nghe.
o O o
Quá nửa đêm hôm sau, Dinarzade lại nói với hoàng hậu Scheherazade:
- Chị thân yêu, nếu chị đã thức, thì chị kể nốt chuyện nhà vua Hi Lạp và ông thầy thuốc Douban cho em nghe đi.
- Chị sẽ thoả mãn tính hiếu kỳ của em với sự chuẩn y của hoàng đế, chúa của chúng ta.
Rồi nàng tiếp tục câu chuyện như sau:
- Nhà vua Hi Lạp - Lão đánh cá tiếp tục kể - Ngoài việc để cho viên thầy thuốc Douban ăn chung mâm với mình, vào cuối ngày, nhà vua còn ban cho Douban một áo triều phục lộng lẫy giống như áo của các đại thần mặc trong những buổi chầu và hai nghìn đồng sequins. Ngày hôm sau và những ngày tiếp theo, viên thầy thuốc còn nhận được rất nhiều ân tứ. Cuối cùng, vị quốc vương này cảm thấy không sao có thể đền đáp lại cho thật đầy đủ công lao của viên thầy thuốc giỏi giang của mình nên hàng ngày ban phát cho ông không thiếu gì những của ngon vật lạ.
Nhưng, nhà vua lại có một viên tể tướng đầu triều keo kiệt, tham lam và tất nhiên là với tính cách ấy thì thật dễ dàng phạm tội ác. Ông ta vô cùng khó chịu thấy những quà tặng quí giá trút cho viên thầy thuốc mà sự nổi tiếng đã bắt đầu làm cho ông ta ghen tức. Ông ta quyết định là phải làm cho hình bóng viên thầy thuốc biến đi khỏi tâm trí của nhà vua. Để thực hiện ý đồ đó, ông ta xin được bệ kiến và tâu riêng với nhà vua mình có một ý kiến cực kỳ quan trọng xin được bẩm báo. Được nhà vua cho phép, ông ta khúm núm tâu:
- Tâu bệ hạ, thật vô cùng nguy hiểm cho một đấng quân vương là đã đặt lòng tin vào một con người mà tấm lòng trung trinh chưa được thử thách. Bệ hạ sủng ái và ban cho biết bao lộc hậu, bệ hạ có biết đâu đó là một tên phản nghịch trà trộn vào triều đình chỉ để thừa cơ mưu sát Người.
- Điều mà ngươi dám tâu trình với trẫm đó là để ám chỉ ai vậy? - Vua nói - Nên nhớ là ngươi đang nói với trẫm chứ chẳng phải ai khác và ngươi tưởng là ta dễ tin lắm sao?
- Tâu bệ hạ - Thừa tướng nói - Những điều thần dám mạo muội tâu trình cùng bệ hạ thần đều thấu hiểu cặn kẽ. Xin bệ hạ chớ nên đặt lòng tin vào một kẻ vô cùng nham hiểm. Xin bệ hạ hãy tỉnh giấc mê vì kẻ hạ thần xin một lần nữa nhắc lại là tên thầy thuốc Douban là một kẻ hạ tiện từ tận cùng xứ sở Hi Lạp đi tới kinh thành, tìm cách lọt vào triều đình của bệ hạ để thực hiện cái ý đồ khủng khiếp mà thần đã nói.
- Không, không, thừa tướng - Vua ngắt lời - Trẫm tin chắc người mà nhà ngươi cho là một tên phản nghịch xảo trá thì lại là một người đức hạnh và có tấm lòng nhân ái hơn tất cả mọi con người. Không có một ai trên đời này làm ta yêu quí hơn ông ta. Ngươi hãy nghĩ xem, bằng môn thuốc nào hoặc đúng hơn là bằng phép màu gì mà ông ta đã chữa khỏi được bệnh phong cho trẫm. Nếu muốn hại trẫm thì tại sao ông ta lại ra sức cứu trẫm? Ông ta chỉ việc bỏ mặc trẫm cũng chẳng thoát khỏi chết mà cuộc sống của trẫm đang chỉ còn treo trên sợi tóc. Nhà ngươi hãy thôi đi, đừng gieo vào lòng trẫm những sự nghi hoặc bất công nữa. Thay vì nghe theo, ta báo cho nhà ngươi biết là ngay từ hôm nay ta hạ lệnh cấp cho người thầy thuốc vĩ đại này mỗi tháng một ngàn sequins cho đến hết đời. Dù cho ta có chia sẻ với ông ta tất cả của cải thậm chí cả non sông đất nước nữa cũng chưa đủ đền đáp lại những gì ông ấy đã làm cho ta. Ta đã hiểu rõ chính đạo cao đức rộng của ông ta đã làm khơi dậy lòng đố kị của nhà ngươi, nhưng chớ tưởng là vì lời sàm tấu của nhà ngươi mà ta thôi sủng ái con người đáng trọng này. Ta làm sao mà quên được chuyện một viên tể tướng đã nói gì với vua của ông ta là Sindbad để ngăn cản nhà vua đừng giết con mình là hoàng tử....
- Nhưng, tâu bệ hạ - Scheherazade nói - Trời lại đã sáng rồi, thần thiếp chẳng còn nói tiếp được nữa.
- Em thật cảm phục nhà vua Hi Lạp, đã cương quyết bác bỏ sự vu cáo của viên tể tướng - Dinarzade nói.
- Hôm nay em khen ngợi thái độ cương quyết của ông vua đó, nhưng ngày mai em sẽ phải chê trách sự hèn yếu của ông ta - Scheherazade bảo - Nếu hoàng đế muốn chị kể nốt câu chuyện này.
Schahriar cũng tò mò muốn biết sự hèn yếu của nhà vua Hi Lạp thể hiện ra sao nên lại lui ngày hành quyết hoàng hậu thêm hôm nữa.
o O o
- Chị ơi - Dinarzade gọi chị khoảng lúc gần tàn đêm hôm ấy - Nếu chị không ngủ nữa, để chờ trời sáng hẳn. Chị hãy kể nốt chuyện ông lão đánh cá đi. Đã tới chỗ ông vua Hi Lạp bênh vực thầy thuốc Douban bảo vệ sự trong sạch vô tội của ông ta.
- Chị nhớ rồi - Scheherazade nói - Em sẽ được nghe đoạn tiếp theo đây - Rồi nàng ngoảnh về Schahrlar nói với ông:
- Tâu bệ hạ, điều ông vua Hi Lạp vừa nói về quốc vương Sindbad làm khơi dậy trí tò mò của viên tể tướng.
- Tâu bệ hạ - Ông ta nói - Xin bệ hạ tha tội nếu thần mạnh bạo xin Người cho biết là viên tể tướng đã nói gì với Sindbad, vua của ông ta để vị quốc vương này không giết con trai của mình.
Nhà vua Hy Lạp sẵn lòng thoả mãn y:
- Viên tể tướng này - Ông nói - Sau khi trình tâu với quốc vương Sindbad về sự vu cáo của một bà mẹ ghẻ, ông ta đã cảnh báo nhà vua là có thể ngài sẽ phải hối hận với hành động của mình. Tể tướng kể cho quốc vương câu chuyện sau đây.
NGƯỜI CHỒNG VÀ CON VẸT
“Một người đàn ông chất phác có một người vợ đẹp mà anh ta yêu say đắm chẳng muốn lúc nào rời. Một hôm vì có những công việc khẩn thiết buộc anh ta phải đi xa, anh bèn tìm đến một nơi có bán đủ các loài chim. Anh chọn mua được một con vẹt không những biết nói thạo mà còn biết và nhớ tất cả những gì xảy ra trước mắt nó. Anh đem lồng chim về nhà, bảo vợ treo lồng chim trong buồng mình và chú ý chăm sóc con vật trong thời gian anh vắng nhà. Sau đó, anh lên đường...
Khi trở về, anh ta không quên hỏi con vẹt tất cả những gì đã xảy ra và con chim kể lại cho anh nghe chẳng thiếu một điều gì. Cũng vì vậy nên chị vợ bị một trận trách mắng nặng nề. Chị vợ ngờ cho bọn đầy tớ mách lẻo nhưng cả bọn đều thề thốt luôn trung thành với bà chủ của chúng và đều nhất trí cho là chính con vẹt đã ton hót với ông chủ. Tin vào lời bọn đầy tớ, chị vợ nghĩ cách làm sao xua tan đi mối nghi ngờ của chồng đồng thời trả thù con vẹt. Dịp may đã tới. Chồng chị phải đi vì công việc trong một ngày. Chị ta ra lệnh cho một con ở đặt một cái cối xay tay dưới ngay lồng chim và quay ầm ầm trong đêm, con ở thứ hai được lệnh vẩy nước liên tục phía trên lồng chim giả làm mưa, còn con thứ ba thì được lệnh cầm một chiếc gương chiếu bên nọ rồi bên kia chiếc lồng chim dưới ánh sáng của một ngọn nến. Lũ đầy tớ đã làm công việc do cô chủ trao cho trong suốt một phần đêm và hoàn thành thật tốt.
Ngày hôm sau, người chồng trở về lại hỏi vẹt những gì đã xảy ra ở nhà, con chim trả lời:
- Thưa ông chủ, sấm chớp và mưa gió đã làm tình làm tội tôi suốt đêm, tôi không biết nói với ông chủ là tôi khổ sở tới mức nào.
Người chồng, biết rất rõ là đêm hôm đó chẳng có sấm chớp cũng không mưa gió, cho là con chim đã nói láo và chắc là nó cũng đã nói sai về vợ mình. Bởi vậy, bực mình, anh ta lôi con vẹt ra khỏi lồng và đập chết. Thế nhưng, về sau, anh biết qua những người hàng xóm là con vẹt chẳng hề nói sai về hạnh kiểm của vợ mình, anh vô cùng hối hận là đã giết oan con vật...”.
Đến đây Scheherazade ngừng lời vì thấy trời đã sáng. Dinarzade vội nói:
- Tất cả câu chuyện chị kể thật phong phú và hấp dẫn. Em nghĩ thật khó có thể có chuyện hay hơn.
- Chị muốn tiếp tục làm em vui thích – Scheherazade nói - Nhưng chẳng rõ là hoàng đế, chúa của chị có còn cho chị thời gian nữa không.
Schahriar chẳng kém gì Dlnarzade cũng còn rất thích nghe hoàng hậu kể chuyện nên đứng lên và ngày hôm đó cũng chưa ra lệnh cho tể tướng đưa nàng đi xử.
o O o
Cũng như những đêm trước, rất đúng giờ Dinarzade đánh thức Scheherazade:
- Chị ơi? Nếu chị không còn ngủ nữa, thì em xin chị kể cho em nghe một trong các chuyện rất hay mà chị biết để chờ trời sáng rõ.
- Em ạ - Hoàng hậu Scheherazade đáp - Chị sẽ chiều em ngay đây.
- Hãy khoan - Hoàng đế ngắt lời - Khanh hãy kể nốt câu chuyện ông vua Hi Lạp với viên tể tướng đã xử sự như thế nào với thầy thuốc Douban rồi sau đó khanh hãy kể tiếp chuyện ông lão đánh cá với hung thần.
- Xin tuân lệnh, tâu bệ hạ - Scheherazade nói và vào chuyện như sau:
"- Khi nhà vua Hi Lạp - Lão đánh cá bảo hung thần - Kể xong chuyện con vẹt, ông bảo viên thừa tướng:
- Còn nhà ngươi, vì đố kỵ với thầy thuốc Douban, người chẳng làm gì hại ngươi, ngươi đã muốn ta giết người đã cứu ta. Nhưng ta sẽ không làm việc đó vì sợ là sẽ phải hối hận suốt đời như người chồng đó đã giết oan con chim vẹt.
Viên tể tướng độc ác rất muốn loại trừ ông thầy thuốc Douban nên chẳng muốn ngừng lại tại đó. Ông ta cố ngụy biện:
- Tâu bệ hạ, cái chết của một con chim thì có gì là quan trọng, và thần chắc là chủ nó cũng chẳng hối tiếc lâu la gì. Nhưng sao chỉ vì sợ đàn áp lầm người vô tội mà bệ hạ lại không ra tay xử tử người thầy thuốc đó! Bị tố cáo là có âm mưu ám hại bệ hạ chẳng lẽ chưa đủ để Người lấy đi mạng sống của y đi sao? Khi phải bảo vệ sinh mạng của một ông vua thì chỉ một thoáng nghi ngờ thôi cũng phải coi như đã là đích thực. Hi sinh một người vô tội còn hơn là bỏ sót một kẻ thủ phạm. Nhưng, tâu bệ hạ, đây là chuyện không còn phải nghi ngờ gì nữa: viên thầy thuốc Douban muốn ám sát Người. Không phải tính đố kỵ xui thần chống lại y mà duy nhất chỉ vì tấm lòng trung đã khiến thần phải ra sức bảo vệ bệ hạ, đưa ra một lời khuyến cáo vô cùng quan trọng. Nếu sai lầm, thần xin chịu hình phạt mà xưa kia một vị tể tướng đã phải hứng chịu.
- Vị tể tướng đó đã làm gì - Quốc vương Hi Lạp hỏi - Để phải chịu hình phạt như vậy?
- Thần sẽ kể lại bệ hạ nghe - Viên tể tướng đáp - Nếu Người vui lòng muốn biết, tâu bệ hạ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top