Chương 3. Lửa thiêu tướng phủ
Chương 3. Lửa thiêu tướng phủ
Chàng không giãy giụa khỏi tấm lưới dệt từ sợi Ô Kim, liệu chàng có phá nổi lưới tình ai dệt…
Tín Nhi chờ đợi mòn cả hai con mắt, Ðỗ Hân Ngôn mới trở về quán trọ, thấy công tử đầu tóc rối bời, áo khăn bẩn thỉu, quần sũng nước, thì đứng ngây ra.
Ðỗ Hân Ngôn mệt mỏi giơ ngón tay chặn lại những điều Tín Nhi đang muốn nói: “Chuẩn bị nước nóng, chuyện trọng đại thế nào đi chăng nữa cũng chờ ta tắm xong hẵng hay”.
Ánh mắt Ðỗ Hân Ngôn vằn đỏ, như một con thú đang sắp phát cuồng. Tín Nhi chưa khi nào thấy thiếu gia nổi giận đùng đùng như vậy, cố gắng kìm lại những câu hỏi đã tuôn đến cửa miệng, vội vã đi chuẩn bị nước nóng.
Ðỗ Hân Ngôn ngâm mình trong nước, cảm giác dễ chịu đến buồn ngủ, uống hết bao nhiêu rượu, mới cảm thấy nguyên khí dần hồi phục. “Ba ngày nay có tin tức gì không?”.
Tín Nhi cầm khăn lau tóc cho chàng, trả lời: “Người của Giám Sát Viện tìm công tử gấp lắm, đợi ở quán trọ đã hai ngày nay rồi”.
Ðỗ Hân Ngôn giật mình, trách: “Việc lớn như vậy sao không nói ngay? Không có lệnh của ta mà đến đây tìm chắc chắn đã xảy ra chuyện lớn rồi”.
Tín Nhi bực bội nghĩ, thiếu gia muốn đi tắm, phải trách ai đây?
Ðỗ Hân Ngôn vội vã thay áo quần, cho gọi mật sứ vào phòng.
Mật sứ của Giám Sát Viện đạo Giang Nam hai ngày nay không tìm được Ðỗ Hân Ngôn, đã cuống như kiến trong chảo lửa, giờ gặp được người, vội vã hành lễ, rồi nói: “Ðại nhân, mật sứ khắp đạo Giang Nam gặp lệnh bài như gặp người, đã tuân lệnh bí mật hành động tiêu diệt thủy trại trên sông, diệt sạch bốn mươi tám tên thủy khấu, không bỏ sót tên nào. Bỉ chức đến để phụng lệnh”.
Ðỗ Hân Ngôn hít sâu một hơi. Dùng người của chàng để giết thủy khấu? Lại còn không bỏ sót một ai. Mẹ kiếp, bốn mươi tám mạng người tính hết cho một mình chàng. Nếu chàng nói mình để mất lệnh bài, chắc Minh đế phải bắt chàng lưu đày ba nghìn dặm. Ðỗ Hân Ngôn giận quá bật cười, “Bên nha môn Giang Nam đốc phủ có động tĩnh gì không?”.
“Ba ngày nay bắt khoảng mười viên quan tống vào ngục”.
Ðỗ Hân Ngôn nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, bốn mươi tám người đó chắc chính là bọn thủy khấu tráo gạo cống trên sông. Bên này giết người diệt khẩu, bên kia bắt đầu bắt người. Hành động nhanh thật đấy! Ðỗ Hân Ngôn rít qua kẽ răng: “Truyền lệnh trạm Hàng Châu canh chừng đại lao cẩn mật! Ta sẽ lập tức đến Hàng Châu!”.
Ðỗ Hân Ngôn cùng Tín Nhi phi ngựa đến thẳng nha môn đốc phủ đạo Giang Nam tại Hàng Châu thay quan phục, cầm lệnh bài, tức tối tiến vào trong. Trong lòng Ðỗ Hân Ngôn cũng đã hiểu mang máng sự tình nhưng vẫn ôm ấp một tia hy vọng cuối cùng. Bên đốc sát sứ bộ Hộ và nha môn đốc phủ đạo Giang Nam vẫn chưa có tin tức gì, chàng hy vọng mình hành động vẫn chưa quá muộn, vụ án vẫn chưa kết thúc.
Khi rời kinh thành, Ðại hoàng tử Hy đã nhắc đi nhắc lại, kỳ thực hàm ý sâu xa rằng, chưa biết chừng vụ án gạo cống Giang Nam lại liên quan đến Tam hoàng tử Duệ, vì Lưu Cát, lương vận sứ Ty Lương vận Giang Nam trước kia là người của phủ Tam hoàng tử. Nếu Tam hoàng tử Duệ có liên quan đến việc này, thì cơ hội tranh ngôi thái tử cũng ít đi vài phần.
Ðến nha môn đốc phủ, Ðỗ Hân Ngôn được mời vào thư phòng của nội nha, uống trà hết một canh giờ mà đốc phủ doãn Trần đại nhân vẫn chưa xuất hiện. Ðỗ Hân Ngôn có chút tức giận, lạnh lùng nói với vị sư gia đang đứng hầu bên cạnh: “Trần đại nhân đâu? Nếu lỡ tiến trình vụ án thì làm thế nào?!”.
Sư gia vâng dạ, nhưng vẫn đứng yên.
“Rốt cuộc là đại nhân nhà ngươi đang ở chỗ nào?!”. Ðỗ Hân Ngôn nheo mắt, đột nhiên sắt mặt, hét lên một tiếng.
Sư gia giật mình, trả lời theo bản năng: “Ðại nhân đang ở trong đại lao!”.
Ðỗ Hân Ngôn đã quá sốt ruột, đến mức này thì không thể tiếp tục ngồi yên một chỗ, đứng dậy đi quanh sư gia một vòng, nheo mắt nói: “Dẫn bản quan đến đại lao!”.
“Ðỗ ngự sử!”, bỗng vang lên tiếng gọi của Trần Chi Thiện, rồi ông ta bước vào mặt vui mừng hớn hở. Người này mới trung niên đã phát tướng, khuôn mặt béo trắng luôn giữ nụ cười hòa nhã mặc bộ quan phục màu tím của đại quan nhất phẩm, bước chân vội vàng dáng vẻ vội vã nhưng trên trán không hề có một giọt mồ hôi. “Giám Sát ngự sử đến, bản quan việc công bận rộn, không tiếp đón được từ xa”.
Ðỗ Hân Ngôn nhướn mày, khuôn mặt cũng không kém phần vui vẻ: “Nghe nói vụ án gạo cống đã có manh mối rồi! Hạ quan muốn xem qua hồ sơ”.
Trần Chi Thiện xem giờ rồi cười nói: “Cũng không còn sớm, Dự đề cử[1] của bộ Hộ nghe nói Ðỗ ngự sử đến đây, đã chuẩn bị tiệc rượu tiếp đón tại Tư Thúy Viên, bảo bản quan nhất định phải mời bằng được Ðỗ ngự sử. Hôm nay đã xét hỏi cả ngày, đúng là có chút manh mối, nhưng vẫn chưa kết án. Ngày mai, Ðỗ ngự sử cùng đến xét hỏi!”.
Trần Chi Thiện là đại quan nhất phẩm, không khác gì hoàng đế đất Giang Nam, ông ta khách sáo với Ðỗ Hân Ngôn như vậy chỉ vì địa vị đặc biệt của Giám Sát Viện. Ðỗ Hân Ngôn chẳng qua cũng chỉ là một viên quan lục phẩm bé tý, theo lý mà nói thì không dám từ chối, nhưng Giám Sát Viện là tai mắt của hoàng đế, lần này đến đạo Giang Nam là phụng mật lệnh của Minh đế, nên Ðỗ Hân Ngôn vẫn ngồi im, cười đáp: “Hoàng thượng rất quan tâm kết quả vụ án, hạ quan cảm thấy việc xét hỏi vẫn quan trọng hơn”.
“Không lẽ Ðỗ đại nhân coi thường hạ quan?”, ngoài cổng nha môn đi vào một vị quan trẻ, quan phục đỏ tươi, khuôn mặt như ngọc, răng trắng môi đỏ, hai con mắt phượng xếch lên, dáng vẻ cực kỳ tuấn tú, chính là Dụ Phẩm Thành, quan đề cử được bộ Hộ cử đến đôn đốc vụ án ở Giang Nam.
Năm đó, Dụ Phẩm Thành và Ðỗ Hân Ngôn cùng thi đình, đỗ thám hoa. Dụ Phẩm Thành vào bộ Hộ, Ðỗ Hân Ngôn vào Giám Sát Viện. Mấy năm sau Ðỗ Hân Ngôn là tri sự lục phẩm, Dụ Phẩm Thành là đề cử lục phẩm. Dụ Phẩm Thành luôn ấm ức vì nỗi hai người ngang tài ngang sức, tướng mạo cũng không thua kém mà tiếng tăm của Tiểu Ðỗ Kinh Thành luôn lấn át mình, nên mỗi khi có cơ hội là luôn tìm cách gây hấn với Ðỗ Hân Ngôn.
Thấy Dụ Phẩm Thành “gây rối”, Ðỗ Hân Ngôn biết tối nay chắc không điều tra xét hỏi được gì. May mà từ sau khi biết tin, Giám Sát Viện đã cử người giám sát đại lao ở đạo Giang Nam. Chỉ cần vụ án chưa kết thúc thì Ðỗ Hân Ngôn cũng chưa cần lo lắng.
Ðỗ Hân Ngôn cười thoải mái: “Cung kính không bằng tuân lệnh, đa tạ tấm thịnh tình của Dụ huynh. Trong kinh cũng ít khi được cùng Dụ huynh nâng chén rượu, chuyện trò vui vẻ, hôm nay mượn rượu của Dụ huynh, trên vùng đất quý của Trần đại nhân, nhất định phải tận hứng”.
Tiệc tùng say sưa, quả nhiên tận hứng. Ðỗ Hân Ngôn mấy lần gần xa nhắc đến vụ án đều bị Trần Chi Thiện từ chối bằng một câu “không nói chuyện công”.
Sáng sớm ngày hôm sau, Ðỗ Hân Ngôn quyết định không khách khí nữa.
Trần Chi Thiện uống chén trà sớm, thong thả đáp: “Lần này phải đa tạ Ðỗ ngự sử quyết đoán kịp thời, nhân lúc đám thủy khấu định tẩu thoát đánh gọn một mẻ, chỉ đáng tiếc là không có tên nào sống sót. Vận lương sứ Lưu Cát phát hiện ra manh mối, bản quan theo đó mà tìm được nghi phạm, phá án. Tất cả những người có liên quan đến vụ án đều đã ký tên điểm chỉ vào tờ khai, hồ sơ vụ án cũng đã được gửi đi kinh thành. Chắc bây giờ hoàng thượng cũng đã nhận được bản tấu cấp báo rồi, bản quan cũng đã báo lên trên công lao của Ðỗ ngự sử. Cũng hiếm khi có dịp đến Giang Nam, chi bằng Ðỗ ngự sử ở lại thêm vài ngày, bơi thuyền du ngoạn Tây Hồ cũng rất thú vị. Thăm hoa thi hứng càng nhanh đến, Dụ đề cử mấy ngày nay tức cảnh sinh tình được bao áng thơ hay”.
Ðỗ Hân Ngôn vô cùng kinh ngạc, ánh mắt thoáng một tia châm biếm: “Hôm qua mới nghe đại nhân nói vụ án còn chưa kết thúc, thế mà hôm nay vụ án không những kết thúc mà đã cấp báo về kinh. Ðại nhân giấu kín như thế là vì không tin Giám Sát Viện đúng không?”.
Ðỗ Hân Ngôn đã viện đến cả Giám Sát Viện, Trần Chi Thiện có vai vế cỡ nào cũng phải để ý đến sắc mặt của đốc sứ Giám Sát Viện Thành Liễm. Cùng là quan nhất phẩm, nhưng dù gì thì Giám Sát Viện cũng cận kề hoàng thượng sớm hôm.
Trần Chi Thiện cười híp mắt, ghé người lại gần hạ giọng: “Việc này đúng là có chút việc riêng. Ðỗ ngự sử cũng biết ân sư của bản quan chính là Thẩm tướng đại nhân, ông ấy có mỗi một cô con gái, luôn coi như ngọc ngà châu báu. Thẩm tiểu thư nghe nói Ðỗ đại nhân đã đến Hàng Châu, đã nói với bản quan kiểu gì cũng phải giữ Ðỗ ngự sử ở lại một đêm. Thẩm tiểu thư nói, nếu nói vụ án đã kết thúc thì chắc chắn Ðỗ ngự sử sẽ trở về ngay. Ha ha, khi về kinh Ðỗ ngự sử có thể tùy ý lật lại vụ án, nhưng nhớ nể cái tình này của bản quan”.
Ông ta nở một nụ cười mờ ám, nhưng lại khiến Ðỗ Hân Ngôn chấn động. Thẩm Tiếu Phi, lại là Thẩm Tiếu Phi!
Trong đầu chàng xuất hiện một suy nghĩ khác, việc công thất bại, hoàng thượng đã nhận được tấu trình của đốc phủ đạo Giang Nam, Giám Sát Viện ra về tay trắng, thật là mất mặt.
Không lẽ Thẩm Tiếu Phi muốn Trần Chi Thiện giữ chân chàng để kéo dài thời gian? Nghĩ tới đây Ðỗ Hân Ngôn suýt chút nữa giận vẹo cả mũi, cố gắng giữ lại nụ cười dù run run trên mặt, hạ giọng nói: “Ðại nhân, hạ quan và Thẩm tiểu thư…, Trần đại nhân có thể nói với nàng ấy… một hai…”. Chàng nói vẻ mơ hồ, ánh mắt vừa thần bí vừa mờ ám.
Trần Chi Thiện chớp chớp mắt cười trả lời: “Ngày hôm qua trước khi rời đi, Thẩm tiểu thư có nói, trên đường về kinh không muốn lại bị Ðỗ ngự sử làm phiền”.
Chàng làm phiền nàng ta?! Ðỗ Hân Ngôn chút nữa thì giận nổ phổi.
Trên đường về kinh thành Ðỗ Hân Ngôn được chim đưa thư tới. Bản tấu của Trần Chi Thiện đã hỏa tốc gửi tới kinh thành. Nội tình nguyên do vụ án đều rành mạch rõ ràng, lời khai của các bên liên quan đầy đủ, tất cả phạm nhân đã lần lượt bị áp giải về kinh thành.
Phó sứ lương vận ty lương vận đạo Giang Nam câu kết với quan chuyển lương, cùng với một đám thảo khấu đánh tráo năm thuyền gạo mới đang trên đường về kinh, số bạc chênh lệch cũng đã bị soát xét tịch thu hết.
Ðám thủy khấu đó đã bị Ðỗ Hân Ngôn hạ lệnh tiêu diệt sạch, không có tên nào chạy thoát.
Chánh sứ lương vận Lưu Cát dâng sớ nhận tội, góp công điều tra vụ án, thoát được trọng tội.
Minh đế vui mừng, lệnh cho bộ Lại ban thưởng, xét công trạng đốc phủ doãn đạo Giang Nam xếp hạng ưu trong năm. Ðỗ Hân Ngôn có công giết thủy khấu cũng được ban thưởng.
Nhưng, những viên quan mà Ðại hoàng tử Cao Hy bí mật sắp xếp ở Giang Nam đều bị liên lụy vào vụ án, không tội chủ mưu thì cũng đồng phạm, phải chịu quản chế. Minh đế cho gọi Ðại hoàng tử vào cung mắng cho tối tăm mặt mũi, rồi tối hôm đó đến cung của hoàng quý phi để nghỉ ngơi.
Cao Hy giận đến run người quay về phủ, chỉ mặt Ðỗ Hân Ngôn hồi lâu không nói nên lời.
“Ðệ! Trông mong đệ đến đó, chưa nói đến việc điều tra xem Tam đệ có dính líu vào việc này không thì ít nhất cũng không được để họ tóm được người của chúng ta. Tại sao đệ lại giết hết đám thủy khấu diệt khẩu như thế? Ðấy đâu phải là cách làm của đệ! Còn nữa, Lưu Cát là người của Tam đệ, phó sứ phạm tội mà ông ta vẫn được miễn trọng tội!”. Cao Hy than thở hồi lâu.
Trung cung hoàng hậu không có con. Ðức phi sinh được Ðại hoàng tử Hy, hoàng quý phi sinh được Tam hoàng tử Duệ, Thục phi sinh được Ngũ hoàng tử Ninh. Trong ba vị hoàng tử, Ðại hoàng tử Hy tính tình ôn hòa, làm việc chắc chắn, có dáng dấp của Minh đế thời trẻ, lại là con trưởng rất được ủng hộ lập làm thái tử. Tam hoàng tử Duệ lại thông minh tài cán, mùa đông năm ngoái dẫn binh chặn quân Khiết Ðan tiến xuống phía Nam, lập được quân công. Hoàng quý phi quyền thế chỉ sau hoàng hậu, được hoàng thượng sủng ái nhất trong tứ phi nên người muốn lập Tam hoàng tử làm thái tử cũng không ít. Ngũ hoàng tử Ninh mới bốn tuổi, mẫu thân Thục phi lại không phải dòng dõi thế gia vọng tộc nên hiển nhiên đứng ngoài cuộc chiến thái tử của Ðại ca và Tam ca.
Trong lòng Ðỗ Hân Ngôn hiểu rõ lần này là do Ðức phi nói khéo, nên Minh đế mới đẩy thuyền theo dòng mà giao vụ án cho mình, rõ ràng là trong lòng hoàng thượng cũng phần nào có ý nghiêng về Ðại hoàng tử.
Kết quả là sau khi Ðỗ Hân Ngôn đến Dương Châu bị trói chân ở bãi Ðá Ðen ba ngày, bị người ta lấy mất lệnh bài, mượn tay chàng giết sạch đám thủy khấu diệt khẩu, Trần Chi Thiện thì thẳng tay bắt người, thẩm tra ngay trong đêm, lại còn cố tình giữ chân chàng thêm một đêm để có thể qua mặt Giám Sát Viện mà dâng tấu lên hoàng thượng.
Ðỗ Hân Ngôn thầm nghĩ, Trần Chi Thiện không tốn công sức mà thu được bao nhiêu cái lợi. Mượn tiếng bẩm báo việc công, giải quyết vụ án khiến Ðại hoàng tử bị liên lụy còn Tam hoàng tử Duệ lại hoàn toàn vô can. Chèn ép người của phủ Ðại hoàng tử, không cần cất nhắc Tam hoàng tử thì Minh đế cũng vì tức giận Ðại hoàng tử mà tự khắc nghiêng về Tam hoàng tử.
“Thật là cao minh!”. Ðỗ Hân Ngôn dù chịu ấm ức vẫn phải buột lời khen. Nhưng càng nghĩ càng cảm thấy kỳ lạ, theo những hiểu biết của chàng về Trần Chi Thiện, người này cực kỳ am hiểu đạo làm quan, đã mười năm làm quan ở đạo Giang Nam, tuy không có những thành tựu nổi bật, nhưng cũng không có gì sai sót, đích thực là một người tài đức bình thường, biết nắm bắt cơ hội. Nói chính xác hơn thì đây là một người rất có mưu mô, trước khi chàng đến Giang Nam, mật sứ về báo Trần Chi Thiện cuống đến nỗi cơm không ăn nước không uống, không biết giải quyết vụ án từ đâu. Thế mà chỉ ba ngày chàng bị trói chân ở bãi Ðá Ðen, Trần Chi Thiện đã điều tra vụ án cặn kẽ từ đầu chí cuối.
Cao Hy giận dữ hồi lâu mới nói: “Dám mạo danh lệnh bài của đệ khiến đệ có nỗi khổ mà không dám nói, theo ta đằng sau vụ này chắc chắn có cao nhân vạch kế. Trần Chi Thiện là môn sinh của Thẩm tướng, liệu có phải chính là con cáo già này không? Không lẽ ông ta lại ngấm ngầm ủng hộ Tam đệ?”.
Một lời thức tỉnh người trong mộng, Ðỗ Hân Ngôn bỗng chốc nghĩ đến việc gặp Thẩm Tiếu Phi ở Giang Nam.
Chuyến đi Giang Nam, vì tránh mưa mà vô tình chàng vào đúng lều cỏ của Thẩm Tiếu Phi. Vò rượu Túy Xuân Phong không có độc, theo đó có thể thấy, nếu không phải vì chàng vạch trần thân phận của nàng ta, chắc Thẩm Tiếu Phi sẽ giấu mình sau mành trúc coi như không quen biết. Nàng ta đến Giang Nam là vì vụ án gạo cống.
Ðỗ Hân Ngôn hiểu rất rõ lực lượng hành động của mật sứ Giám Sát Viện, thấy lệnh bài như thấy người, nhận được mệnh lệnh, mật sứ sẽ thực hiện ngay nhiệm vụ của mình mà không thắc mắc nửa lời. Thế thì tại sao lại phải giết sạch đám thủy khấu như thế? Lẽ nào vụ án này không như những gì kết luận trong hồ sơ mà còn bí mật khác ẩn sau?
Từ vụ án này có thể thấy rằng, người được lợi chính là Tam hoàng tử Duệ. Thẩm tướng vẫn luôn kiên định vai trò trung lập liệu có nhúng tay vào không?
Lúc này, lòng hiếu kỳ với Thẩm Tiếu Phi của Ðỗ Hân Ngôn lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Ðã mấy lần tiếp xúc với Thẩm Tiếu Phi mà chàng vẫn chưa được thấy khuôn mặt nàng.
Tối đó, chàng tới tìm Vệ Tử Hạo.
Vệ Tử Hạo lưu lạc trên giang hồ mười năm nay chưa từng thất bại, nhưng chỉ có chàng biết thực ra chàng ta đã từng thất bại một lần. Kiếm của Vệ Tử Hạo chưa từng động đến được một sợi tóc của Ðỗ Hân Ngôn, thế đã là thất bại. Huống hồ, Ðỗ Hân Ngôn chưa từng chịu xuất kiếm.
Trong ba năm hai người đã đấu với nhau không dưới trăm lần, rồi dần kết giao tình mà thành bằng hữu. Vệ Tử Hạo yêu kiếm đến si mê, thề phải một lần nhìn thấy thanh kiếm của Ðỗ Hân Ngôn. Còn Ðỗ Hân Ngôn thì nhất định không chịu xuất kiếm, cho dù Vệ Tử Hạo ra tay tàn độc đến đâu.
Nay gặp dịp Ðỗ Hân Ngôn có việc nhờ cậy, Vệ Tử Hạo vui lắm. Vì không thể lấy việc này ra mà ép Ðỗ Hân Ngôn xuất kiếm nên luôn miệng châm biếm, “Sao hả, Giám Sát Viện muốn điều tra một người mà khó khăn đến thế sao? Với quyền thế của Ðỗ đại thiếu gia mà còn có kẻ nào dám không nghe lệnh? Nếu quả thực không còn cách nào, với công phu của Ðỗ đại thiếu gia, muốn vào phủ tể tướng thăm dò cũng không phải việc khó khăn gì”.
Ðỗ Hân Ngôn thở dài đáp: “Nàng ta là tiểu thư khuê các. Một tri sự Giám Sát Viện như ta cũng không thể đi vượt tường nhà tể tướng được”.
Nghe chuyện mấy lần gặp gỡ của Ðỗ Hân Ngôn, Vệ Tử Hạo không nhịn được cười, nhưng ánh mắt vẫn nhìn chăm chăm vào vò rượu, đáp: “Chẳng may ta đi vượt tường mà bị bắt thì Ðỗ đại thiếu gia có đến bảo lãnh ta không?”.
Ðỗ Hân Ngôn vội vã đẩy đến một vò rượu nữa, nói: “Ðây là loại rượu Túy Xuân Phong ta mang từ Giang Nam về, Ðại hoàng tử muốn lấy ta còn không nỡ. Vệ huynh giúp tiểu đệ việc này chứ?”.
Tối hôm đó Vệ Tử Hạo đến phủ tể tướng, thẳng tiến đến hậu hoa viên của Thẩm Tiếu Phi.
Vệ Tử Hạo treo người trên mái hiên, lấy ngón tay chấm nước bọt để chọc thủng giấy che cửa sổ. Chưa đến đầu hạ, cửa sổ bên hồ vẫn dán một lớp giấy bông dày, Vệ Tử Hạo vừa liếm tay vừa ra sức chọc. Lưỡi tê dại, Vệ Tử Hạo kêu thầm trong bụng, nhảy vội đi, bên tai vẫn kịp nghe trong lầu tiếng cười văng vẳng như chuông ngân: “Lo uống rượu là được rồi, đi nhìn trộm người khác cẩn thận mắt mọc lẹo đấy!”.
Vệ Tử Hạo tức đến sững cả người, miệng thì cứng đờ, lưỡi sưng vù không nói thành lời, đành phải nhanh như lốc xoáy quay vội về Dương phủ.
Ðỗ Hân Ngôn đang ngạc nhiên khi thấy Vệ Tử Hạo quay về nhanh như vậy. Lại thấy Vệ Tử Hạo há miệng, lưỡi sưng vù như lưỡi lợn, gạt vội Ðỗ Hân Ngôn sang một bên, vớ lấy bình Túy Xuân Phong mà uống như uống nước, chỉ đến khi uống hết hai vò rượu, lưỡi mới bớt sưng.
Nghe xong câu chuyện, Ðỗ Hân Ngôn cười nghiêng ngả. Trên khuôn mặt anh tuấn, hai con mắt sáng long lanh, như được bảo bối. Ngay cả giang hồ lão luyện còn bị nàng ta chơi một vố, thì chuyện chàng bị mất mặt mấy lần trước cũng chẳng có gì là to tát.
“Còn một việc nữa, hình như hậu hoa viên đó có bố trận, nếu chỉ là trộm bình thường, chắc chắn không sờ được đến mép tường của Tú Lâu”.
“Xem ra Thẩm Tiếu Phi cũng có qua lại với người trên giang hồ. Kè kè bên cạnh là thị nữ Vô Song kiếm pháp tuyệt đỉnh. Nhưng hậu hoa viên có bố trận cũng không chịu nổi một mồi lửa! Ðể ta xem liệu nàng ta có còn đeo mặt nạ mà nhảy xuống Tú Lâu để tìm đường thoát thân không?”. Ðỗ Hân Ngôn nghĩ đến ba bốn lần bị Thẩm Tiếu Phi đùa cợt, cộng thêm ba ngày ba đêm chịu đói chịu rét ở bãi Ðá Ðen, tức tối nói.
Ai ngờ Vệ Tử Hạo lại tưởng là thật, đập bàn cái rầm, mở miệng ra là hơi rượu ngút trời: “Nếu Tiểu Ðỗ phóng hỏa, còn ta dẫn người đến dập lửa thì thế nào?”.
Ðỗ Hân Ngôn cười híp cả mắt, nho nhã lắc đầu: “Việc cứu mỹ nhân, trước nay ta đều không muốn người khác nhúng tay vào, phải tự mình ra tay mới biết được điều huyền diệu bên trong”.
Ngày gió lộng ra tay phóng hỏa.
Tiếu Phi lặng lẽ ngồi chống cằm bên cửa sổ nhìn vào màn đêm tối đen, không biết chàng đang ngồi trên nóc nhà nào để chờ xem kịch hay?
“Quá nguy hiểm, cứ để Vô Song đóng giả thành tiểu thư”. Yên Nhiên lo lắng nói.
Tiếu Phi lắc đầu, hai con mắt phượng sáng ngời hưng phấn: “Ðể nàng ta ra tay thì còn gì hay ho”.
Vô Song đứng bên im lặng nhìn vào bóng đêm như Tiếu Phi, mắt thoáng tia lo lắng. Yên Nhiên chỉnh lại cổ áo, Vô Song vẫn đứng yên rồi cẩn thận xem xét lại một lượt, khép cửa rồi rời khỏi khuê phòng của Tiếu Phi.
Tiếu Phi thổi tắt nến, im lặng đợi chờ trong đêm đen yên tĩnh.
Giờ Tý, trong không trung thoáng có mùi dầu, Tiếu Phi khẽ nhoẻn miệng cười, vở kịch đã mở màn.
Một mũi tên lửa từ xa bay đến, hậu hoa viên bỗng chốc chìm vào biển lửa.
Ðỗ Hân Ngôn ngồi trên nóc nhà đối diện hậu hoa viên uống từng ngụm rượu, ánh mắt nhìn chăm chăm về phía Tú Lâu .
Trong tướng phủ, tiếng gọi nước dập lửa, tiếng chân chạy rầm rập, những người xách nước chạy về phía hậu hoa viên dập lửa đã bị biển lửa ngùn ngụt ngăn lại, bên ngoài Nguyệt môn, tiếng than khóc đã nổi lên.
Tú Lâu vẫn không có động tĩnh gì.
Trong vườn cây cối cháy tan tác, xung quanh Tú Lâu vẫn chưa bén lửa, nhưng khói theo hướng gió đã vào khắp bên trong. Ðỗ Hân Ngôn đã không thể ngồi yên, cảm thấy chỉ vì muốn nhìn mặt Thẩm Tiếu Phi mà phóng hỏa đốt cả hậu hoa viên thì thực là ác độc.
Chàng đang định đến cứu người, thì phía cửa sổ của lầu dưới của Tú Lâu, Vô Song đầu chùm chăn, ôm một người chạy ra Nguyệt môn, đang định quay lại thì lửa đã cháy đến tận cổng.
Vô Song kêu lên thê thảm: “Mau cứu người! Tiểu thư vẫn đang trên lầu!”.
Ðỗ Hân Ngôn không kịp nghĩ ngợi gì hơn, vội vã nhảy vào hậu hoa viên. Ðây là kế hoạch của chàng, tất nhiên chàng biết sơ hở ở chỗ nào. Lộn mấy vòng, Ðỗ Hân Ngôn đã ở ngay trên mái hiên sau của Tú Lâu.
Chàng đẩy cửa sổ bước vào bên trong, vừa vào đã bị vướng ngay vào một tấm lưới. Ðỗ Hân Ngôn vội nhảy ngay sang một bên để tránh, ai ngờ hẫng một cái, cả người bị rơi từ trên gác hai xuống, vội vàng vút người lên cao để tránh thì đầu đụng phải trần nhà, lại bị rơi xuống. Bên dưới cũng có một tấm lưới đang chờ sẵn, trong chốc lát chàng đã bị quấn chặt.
Ðỗ Hân Ngôn chỉ còn biết cười khổ thanh minh: “Thẩm Tiếu Phi, Thẩm đại tiểu thư, tại hạ đến để cứu người”.
Ðèn sáng lên, chàng nhìn thấy mình đang bị trói lơ lửng giữa không trung, bốn bên kín mít không có lấy một cái cửa sổ, hóa ra gác một xây tường kép, bên trong là một gian mật thất, từ bên ngoài nhìn vào vẫn có cửa sổ, thực chất chỉ là cửa sổ giả đánh lừa người khác.
Thẩm Tiếu Phi ngồi bên bàn đọc sách, tóc xõa tung, mặc một chiếc áo rộng, khuôn mặt khuất trong bóng tối, chỉ nhìn thấy mỗi đôi mắt sáng long lanh. Giọng nói của nàng không còn vẻ lạnh lùng xa cách nghìn trùng như trước, mà nhẹ nhàng như ngàn vạn người bình thường khác, giọng nói đầy vẻ vui mừng, niềm vui của người thợ săn khi bắt được con mồi.
“Một vạn lạng bạc”.
Ðỗ Hân Ngôn vẫn còn muốn giãy giụa.
Thẩm Tiếu Phi cười khoái trá: “Sửa chữa hoa viên chỉ cần hai nghìn lạng, nhưng phá hỏng giấc ngủ của ta, Tiểu Ðỗ phải đền tám nghìn lạng, không đền thì thành trộm”.
“Ta đến để cứu nàng! Thẩm tiểu thư sao lại lấy oán báo ân như vậy, hãm hại người tốt!?”.
“Nếu ta nói Tiểu Ðỗ Kinh Thành đến để trêu ghẹo ta, cha ta cũng sẽ tin”. Nói xong, Thẩm Tiếu Phi lại chăm chú đọc sách, không nói không rằng, cho tới khi bên ngoài tiếng người lao xao, biết là đã dập xong lửa mới đặt sách xuống uể oải đứng dậy, chả thèm nhìn Ðỗ Hân Ngôn đến một lần, mở cửa ra ngoài.
Nếu bị Thẩm tướng nhìn thấy cảnh này, rồi tin tức Tiểu Ðỗ Kinh Thành trêu hoa ghẹo liễu mà truyền ra bên ngoài thì chàng còn mặt mũi nào mà ở lại chốn kinh thành? Ðỗ Hân Ngôn vội vã lớn tiếng gọi Thẩm Tiếu Phi: “Sao tiểu thư biết vụ hỏa hoạn này có liên quan đến tại hạ?”.
Thẩm Tiếu Phi ngáp dài một cái, lại vẫn một nụ cười khoái trá: “Ta sợ là nói ra, Tiểu Ðỗ sẽ tức vỡ bụng mất. Tất nhiên là có người nói với ta”.
Ðỗ Hân Ngôn nghe những lời này thì ngay lập tức tỉnh ngộ, giận dữ nghiến răng kèn kẹt, nhưng đã có vẻ hiểu chuyện: “Ta đưa. Có điều, hiện ta chỉ có ba nghìn lạng, dù gì, ta cũng là quan thanh liêm”.
“Thôi được, thế thì viết giấy trả trước ba nghìn, nợ lại bảy nghìn lạng, nhớ viết cho rõ, qua ba tháng mà chưa trả được, tính lãi ba phần”.
“Tại hạ bị trói thế này, viết thế nào được?”.
“Tất nhiên ta sẽ thả ngươi ra để viết”.
Ðỗ Hân Ngôn cười: “Nàng thật sự là Thẩm Tiếu Phi đã chơi xỏ ta mấy lần sao? Nàng không sợ thả ta ra ta sẽ nghĩ lại? Nàng đâu biết võ công, ta chỉ cần đánh nàng cho ngất đi là thoải mái ra khỏi đây”.
Thẩm Tiếu Phi cũng cười: “Cả Vô Song và Yên Nhiên đều biết ta đang ở đây. Cửa mở ra, Ðỗ công tử đêm hôm khuya khoắt xuất hiện ở khuê lâu của ta, xông pha nơi hiểm nguy quên thân cứu người. Cô nam quả nữ đêm hôm cùng ở trong phòng, nếu bị người khác phát hiện, Ðỗ công tử mà không chịu lấy ta thì đâu có được”.
Cô gái hái sen bên bờ Cừ Phù, bóng dáng yêu kiều bên rừng trúc, phong thái lãng đãng trong làn mưa ở hồ Tiểu Xuân… Thẩm Tiếu Phi điên rồi sao? Nàng ta có tài có sắc, phụ thân làm quan đến chức tể tướng, còn lo gì không tìm được chỗ gả đi? Ðỗ Hân Ngôn nở một nụ cười hết sức lễ độ trả lời: “Nàng chưa gả ta chưa lấy, chuyện này có gì không được? Hạ quan một tháng lương bổng được sáu thạch sáu đấu, không biết đến bao giờ mới có được bảy nghìn lạng trả nàng! Ðem ra so sánh, lấy nàng về còn kiếm được một món hồi môn, chủ ý của Thẩm tiểu thư thật là hợp ý của hạ quan”.
“Ồ, không phải là Tiểu Ðỗ công tử một lòng yêu mến tiểu thư Ðinh Thiển Hà sao? Chỉ mới thế mà đã định vong tình bội nghĩa sao?”.
Ðỗ Hân Ngôn đâu chịu để nàng ta đứng mãi ở thế thượng phong, ung dung cười đáp: “Lấy Ðinh Thiển Hà về làm lẽ. Nàng ta vui mừng còn chưa hết, đâu cần lo đến chuyện ghen tuông giận dỗi làm gì”.
“Thật sao?”. Thẩm Tiếu Phi lấy giấy bút đi ra khỏi bóng tối.
Ðỗ Hân Ngôn trợn tròn hai mắt.
Thẩm Tiếu Phi gỡ bỏ mạng che mặt, lớp da từ dưới mắt trở xuống lồi lõm kỳ dị, như bị bỏng dầu sôi, dưới ánh đèn yếu ớt lại càng thêm nhăn nhúm. Nàng bình tĩnh nhìn Ðỗ Hân Ngôn, thấy vẻ kinh hãi trong ánh mắt chàng thì cười nói: “Ðỗ công tử còn muốn lấy Tiếu Phi nữa không?”.
Một tuần hương sau, một mình Tiếu Phi ra khỏi tiểu lâu, vùi đầu vào lòng Thẩm tướng mà khóc rấm rứt. Thẩm tướng ôm ái nữ vào lòng, rời khỏi hậu hoa viên.
Người trong tướng phủ cũng dần tản đi, đợi đến sáng mai để báo quan bắt trộm, kiểm tra đồ đạc xem có mất mát thứ gì, trồng lại cây cối...
Ðợi người trong hoa viên đi hết, một lát sau, Ðỗ Hân Ngôn mới dám mở cửa ra ngoài, nhìn trước nhìn sau thấy không có ai, chàng tung người nhảy ra ngoài mất hút trong màn đêm.
Thư phòng của Ðỗ phủ vẫn sáng ánh đèn, sáng rõ trong đêm đen, vô cùng nhức mắt.
Ðỗ Hân Ngôn đứng đó nhìn, cười thê thảm. Thời gian này chàng liên tục gặp phải những chuyện không may, không biết mình sai ở chỗ nào, giờ đã tìm được căn nguyên, cũng là một việc tốt.
Chàng đá cánh cửa thư phòng, Vệ Tử Hạo uể oải lười biếng uống từng ngụm rượu quý của chàng. Thấy chàng trở về, còn tươi cười đưa ra một cốc rượu: “Gặp được người chưa?”.
Ðỗ Hân Ngôn nhận lấy cốc rượu uống ực một hơi hết cả cốc, hơi ấm của rượu lan dần trong bụng, quả là rượu ngon. Chàng xót ruột nghĩ, ít nhất cũng hai mươi lạng một vò! Vừa nghĩ đến đây, Ðỗ Hân Ngôn nghiến răng nghiến lợi: “Huynh lại bán đứng huynh đệ như thế à? Vừa nghe nàng ta nói là ta biết ngay chính là huynh! Cũng chỉ có huynh mới biết rõ kế hoạch của ta!”. Ðỗ Hân Ngôn ủ rũ ngồi phịch xuống ghế, đau khổ đến cùng cực: “Một vạn lạng! Phải mất bao lâu mới kiếm được một vạn lạng?”.
Vệ Tử Hạo mặt không đổi sắc: “Ai bảo đệ nghĩ ra được cả việc ấy, chỉ để nhìn mặt người ta mà phóng hỏa đốt cả hậu hoa viên, mà lại là hoa viên của tể tướng đương triều. Tin này mà đồn ra ngoài, mất chức quan chỉ là chuyện nhỏ, không cẩn thận còn mất đầu như chơi. Một vạn lạng đổi lấy bình an, có gì là không thỏa? Hơn nữa, tình huynh đệ của chúng ta... cũng không bằng tình ruột thịt. Vô Song chính là em gái ta, đệ nói xem, ta đâu thể bán đứng em gái mình?”.
“Là Vô Song sao?”.
“Trong thiên hạ liệu có được mấy Vô Song?”. Vệ Tử Hạo cười nhạt.
“Giấu giếm ta như vậy để biến ta thành trò cười đúng không?”. Ðỗ Hân Ngôn tức giận nói.
“Nói ra thì liệu đệ có mắc lừa? Ta có tốt xấu gì thì cũng là vì muốn kiếm chút hồi môn cho Vô Song! Thẩm tiểu thư tốn công sắp xếp như thế, đệ mà không mắc lừa thì còn gì thú vị?”.
Ðỗ Hân Ngôn không nói được gì, ôm lấy vò rượu uống ừng ực.
Vệ Tử Hạo trả lời xong lại hiếu kỳ hỏi tiếp: “Nói xem, trả một vạn lạng, thế dung nhan tiểu thư họ Thẩm thế nào?”.
Không nhắc đến thì thôi, vừa nhắc đến, Ðỗ Hân Ngôn lại nhớ đến khuôn mặt nhăn nhúm xấu xí dưới ánh đèn lúc nãy, người run lên rồi vội vã xua tay: “Quá xấu, chả trách lúc nào cũng mang mạng che mặt”.
Vệ Tử Hạo nghi hoặc nhìn chàng: “Có thật không?”.
“Tất nhiên là thật. Ta vừa nhìn đã vội viết ngay giấy ghi nợ, chứ nếu để Thẩm tướng biết ta đến cứu con gái ông ấy, cô nam quả nữ đêm hôm ở chung một phòng, chắc chắn sẽ bắt ép ta lấy nàng ta. Thật là đáng tiếc, phong thái ấy, dáng dấp ấy mà khuôn mặt lại bị hủy”.
Vệ Tử Hạo lắc đầu nói: “Muội muội của ta đâu có nói như vậy. Vô Song nói Thẩm Tiếu Phi rất đẹp mà”.
“Cái gì?”. Ðỗ Hân Ngôn lại nhảy dựng lên.
“Ba nghìn lạng bạc giao cho ta”. Vệ Tử Hạo giơ tay ra, “Thẩm tiểu thư nói rồi, ba nghìn lạng bạc này sẽ làm của hồi môn cho Vô Song. Còn bảy nghìn lạng nợ kia, Thẩm tiểu thư sẽ tự đi lấy. Thẩm tiểu thư còn đưa cho ta một thứ, nói nếu đệ muốn nhìn mặt người ta, một tay giao tiền một tay nhận hàng”.
Ðỗ Hân Ngôn sững người hồi lâu, đột nhiên bật cười ha hả: “Hay, hay lắm, khá khen cho Thẩm Tiếu Phi. Ta đồng ý!”.
Quả nhiên là Ðỗ Hân Ngôn gọi quản gia lấy ngân phiếu ba nghìn lạng bạc đưa cho Vệ Tử Hạo, sau đó đá đít đuổi về, cười mắng: “Trong vòng một tháng không được đến phủ của đệ!”.
Vệ Tử Hạo nắm được ngân phiếu thì phóng đi, cũng chẳng thèm ngoảnh lại nói: “Ðệ giờ nợ nần như thế, lấy đâu ra bạc để mua rượu mời ta! Kẻ nghèo phố thị chẳng ai hỏi, giàu có rừng sâu có khách thăm, chân lý ấy, Vệ Tử Hạo ta hiểu hơn ai hết”.
Ðỗ Hân Ngôn chỉ mong phi ra ngoài đá thêm cho Vệ Tử Hạo vài cái nữa, bỗng trong đầu lại nghĩ đến tư liệu về Thẩm Tiếu Phi.
“Thẩm Thị tuổi mười bảy, năm mười lăm tuổi kết thân với Tam hoàng tử Duệ vào Tết đèn Nguyên Tiêu. Duệ tặng thị nữ Vô Song hộ vệ”.
Một người con gái được hoàng tử Duệ coi trọng, dung mạo sao có thể xấu xí đến mức đó được?
Sự hiếu kỳ trong lòng khiến Ðỗ Hân Ngôn chẳng buồn so đo với Vệ Tử Hạo. Chàng đóng cửa lại, chăm chú nín thở cẩn thận mở cuộn tranh.
Thoáng qua vài nét phác họa diêu hồng ngụy tía mẫu đơn hoa nở, bên cạnh đề một câu thơ: “Muốn tìm sắc thật của mẫu đơn/ Tháng tư Lạc Dương hoa khắp thành”.
Bấm ngón tay tính, còn mười ngày nữa là đến hội hoa mẫu đơn Lạc Dương. Ðỗ Hân Ngôn một mình uống rượu, mỉm cười với cuộn tranh. “Thẩm Tiếu Phi, nàng thật là thù dai. Hội hoa mẫu đơn ở Lạc Dương và hội thơ hồ Mạc Sầu ở kinh thành mở cùng ngày. Nàng muốn để cho tất cả mọi người đều biết ta vì nàng mà bỏ rơi Thiển Hà lặn lội đến Lạc Dương dự hội ư?”.
Chàng lắc lắc đầu, nghĩ tới khuôn mặt đáng sợ đó, trong lòng lại trào lên nỗi nghi hoặc. Không lẽ ánh sáng u ám trong phòng tối khiến khuôn mặt biến đổi mà chàng không nhận ra? Hồi lâu sau Ðỗ Hân Ngôn thở dài đánh sượt, chàng không thể không thừa nhận mình rất muốn thấy dung nhan của Thẩm Tiếu Phi, rất muốn tìm hiểu vụ án Giang Nam, trong chốc lát, khuôn mặt chàng thoáng nụ cười hồ ly tinh quái.
Chàng rất muốn biết, nếu tất cả mọi người đều biết chàng đưa Ðinh Thiển Hà đi Lạc Dương ngắm hoa mẫu đơn, Thẩm Tiếu Phi lao đến đó đợi chàng thì sẽ thế nào.
Mọi ấm ức bỗng chốc tan biến hết, Ðỗ Hân Ngôn sảng khoái uống hết vò rượu.
[1] Một quan chức.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top