(P-2, Kỳ 1): Đế Nghiêu thánh vương hạ thế, từ tâm khai sáng nhân loại
Sử ký ghi chép: cha của Đế Nghiêu là Đế Cốc, ông có bốn người phi tử là Khương Nguyên, Giản Địch, Khánh Đô và Thường Nghi...
Thánh vương hạ thế
Khương Nguyên là chính phi của Đế Khốc, Khương Nguyên ướm vào vết chân người khổng lồ, thế rồi bà thụ thai sinh được người con trai đặt tên là Khí (tức Hậu Tắc). Ông chính là tổ tiên của triều đại nhà Chu
Giản Địch nuốt trứng sống mà sinh ra Tiết, Tiết chính là tổ tiên của triều đại nhà Thương.
Khánh Đô, họ Trần Phong sinh ra ở dưới núi Y Kỳ. Truyền thuyết kể rằng Khánh Đô là con gái của một vị Thần Tiên. Một ngày nọ, trời nổi sấm sét đánh vào người vị Thần Tiên đến chảy máu, máu chảy đến tảng đá lớn. Sau đó máu này hóa thành một đứa trẻ sơ sinh chính là Khánh Đô. Sau khi lớn lên Đô Khốc cưới nàng làm phi tử, và nàng cũng chính là mẹ của Đế Nghiêu.
Phi tử thứ tư là Thường Nghi, bà sinh ra Đế Chí, Đế Chí là con trai trưởng của Đế Cốc. Sau này Thường Nghi còn hạ sinh một người con gái.
Theo Trúc thư kỷ niên (Biên niên sử viết trên thẻ tre) có ghi chép: Khánh Đô là mẫu thân của Nghiêu Đế, bà được sinh ra ở nơi hoang dã, khi đó thường có mây màu vàng bao phủ bên trên. Sau khi lớn lên, bà quan sát ở ba con sông, thường có rồng đi theo. Một ngày, rồng mang đến một bức tranh, viết rằng: "Diệc thụ thiên hữu" (Được trời ban phước). Phía dưới còn có bảy chữ "Xích đế khởi thành thiên hạ bảo" (Xích đế hưng khởi, trở thành báu vật của thiên hạ): Lông mày 8 màu sắc, tóc mai dài bảy thước hai tấc, mặt trên hẹp dưới đầy, chân bước sao Dực Tú. Có âm phong bốn phương hợp lại, xích long cảm thán. Khánh Đô hoài thai mười bốn tháng sinh ra Nghiêu đế ở Đan Lăng, giống như miêu tả trong bức họa. Hai chân có hai mươi hai nốt ruồi đỏ, tựa như chòm Dực Tú trên bầu trời vậy.
Đây có thể gọi là sự ra đời của Xích đế còn được gọi tên là "Phóng Huân". Thụy hiệu là Nghiêu đế, theo Thụy pháp ghi chép, ông là vị đế vương lương thiện tài ba hiểu rộng và là vị vua chính nghĩa có phẩm hạnh đạo đức nên được gọi là Nghiêu.
Sau khi sinh ra, Nghiêu đế và mẹ ở cùng với ông ngoại Y Kỳ Hầu, do đó ông mang họ Y Kỳ, hoặc Y.
Nghiêu đế "Thân dài mười thước". Theo Xuân thu nguyên mệnh bao (thời Tây Hán) viết rằng: "Lông mày Nghiêu dài tám thải, thông minh sáng sủa. Trải qua năm tháng, tuyền cơ ngọc hành". Chính là nói lông mày của Nghiêu đế có tám ánh sắc hào quang, ông thông hiểu tương lai, thiên tượng và lịch số, hiểu rõ sự vận hành của các vì sao. Trong Xuân thu vĩ - Hợp thành đồ nói rằng trán ông trông giống như vầng thái dương.
Đế Chí kế vị
Lúc tuổi về già Đế Khốc chuyên tâm tìm hiểu về tu Đạo, nên ông phải cân nhắc thật kỹ lưỡng ai trong bốn người con sẽ thay ông kế thừa ngôi vị. Ông bắt đầu so sánh bốn người con trai, xét về tài đức, thì có Nghiêu và Tiết, bàn về nhân cách những người mẹ sinh thành các con thì có Khí, nếu nói về tuổi tác thì có Chí, nhưng tài đức của Chí lại không bằng các huynh đệ của mình. Đế Khốc quyết định dùng quẻ bói để lựa chọn, kết quả, bốn người con đều có khả năng thống trị thiên hạ. Cuối cùng Đế Khốc quyết định so tuổi tác để chọn, vậy nên Chí là người được chọn cho ngôi quân vương.
Sau khi Đế Khốc qua đời Chí kế thừa ngôi vị, hiệu là Đế Chí.
Năm Nghiêu 13 tuổi, ông được phong ở đất Đào. Ông là người tài giỏi hiếu học, nổi tiếng xa gần với sở trường chế tác các loại dụng cụ gốm sứ. Nghiêu là người hiền đức và tài năng, ông quản lý chăm lo công việc của mình vô cùng tốt.
Năm Nghiêu 15 tuổi ông lại được phong ở đất Đường, làm Đường Hầu, nhận mệnh trợ giúp quản lý triều chính, ông và thị tộc của mình được gọi là "Đào Đường thị".
Đế Chí chưa đủ tài đức, thường kết thân với một số kẻ không lương thiện, cùng nhập bọn với nhóm "Tam hung". Nhóm "Tam hung" gồm ba kẻ xấu xa, là Khổng Nhâm, Hoan Đâu, Cổn.
Khổng Nhâm là kẻ luôn nói những lời lẽ sắc bén giả dối, bề ngoài tỏ ra kính cẩn hiền hòa, nhưng trong nội tâm lại cay nghiệt ác độc, thường cảm thấy vui sướng khi người khác gặp chuyện không may, là kẻ tàn bạo chẳng còn nhân đức, bại hoại gia phong, loạn thần phản quốc. Cổn là kẻ học rộng tài cao, giỏi về xây dựng, nên luôn tự cho mình là đúng, vô cùng bảo thủ và cố chấp.
Đế Chí phong chức cho Hoan Đâu làm Tư Đồ, quản lý chung chính sự; phong Khổng Nhâm làm Cộng Công, làm tổng quản các công trình; phong Cổn làm Tư Không, chuyên quản lý về đường thủy, đường bộ và trị thủy. Hoan Đâu và Khổng Nhâm thường dẫn dụ Đế Chí ăn chơi rượu chè, không để ý tới triều chính, chẳng quan tâm trăm quan, không thương xót con dân trăm họ, dân chúng nhiều lần oán thán, thiên tai không ngừng, mọi người nói đây là do thiên tử vô đạo mà gây ra.
Bình định họa loạn
Đế Chí thất đức, dẫn tới một vài bộ lạc thiểu số phía Đông nhân cơ hội lần lượt nổi dậy, gây rối loạn đất nước. Theo Hoài Nam Tử - Bản Kinh Huấn: Vào thời Nghiêu những thủ lĩnh bộ tộc như Áp Du, Tạc Xỉ, Cửu Anh, Đại Phong, Phong Hi, Tu Xà đều gây họa hại cho dân.
Theo Sơn hải kinh - Hải nội có ghi chép, lúc đó Thiên đế là Đế Tuấn, ngài thấy rằng thế gian sắp phải hứng chịu nạn lớn, liền phái Hậu Nghệ hạ thế trợ giúp nhân loại:
"Đế Tuấn ban cho Nghệ cung đỏ và mũi tên trắng, để cứu giúp quốc gia ở dưới. Nghệ ban bắt đầu trải qua trăm nạn ở hạ giới". Nghệ nhận mệnh cùng với Nghiêu tiến trận, Bắc trảm Tiết Thâu, Tây diệt Cửu Anh, Trung trừ Phong Hi, Nam giết Ba Xà, Đông bắn Đại Phong, sau đó giết Tạc Xỉ. Dẹp yên họa loạn, từ đó danh tiếng của Nghiêu nổi khắp thiên hạ, khắp nơi đều quy phục.
Nghiêu thuận theo mệnh trời kế thừa đế vị
Chư hầu bốn phương thấy rằng uy đức của Nghiêu ngày càng lớn mạnh, thế nên cũng muốn biểu thị sự ủng hộ ông lên ngôi đế vị. Đế Chí cũng cảm giác thấy mình không đủ tài đức sáng suốt như Nghiêu, vì vậy ông tại vị chín năm, sau đó hạ chiếu chỉ nhường ngôi, đem đế vị nhường lại cho Nghiêu.
Tương truyền Nghiêu gặp phải một giấc mộng kì lạ, mơ thấy mình đang dạo chơi trên núi Thái Sơn, đột nhiên xuất hiện một con thanh long, sau đó ông cưỡi rồng mà bay lên, hạ xuống đỉnh núi, ngẩng đầu nhìn lên, thấy cổng Thiên Cung mở toang, chỉ cách đỉnh đầu chưa đầy năm thước, hai tay ông nắm lấy cửa Thiên Cung, bước lên Thiên Thượng, cảm thấy ngân đài kim khuyết, ngọc vũ quỳnh lâu lộng lẫy huy hoàng.
Đế Nghiêu nối tiếp Đế Chí trở thành thiên hạ cộng chủ, định đô ở Bình Dương.
Sau khi Nghiêu đế kế thừa ngôi vị ông thường ra vào nhân gian tìm người hiền tài, trợ giúp đất nước. Nghiêu tìm đến Xích Tương Tử Dư, Phiệt Khanh, Vu Hàm... và mời họ vào triều nhậm chức, ngoài ra còn có Bách Thành Tử Cao, Trương Quả Lão... cùng tương trợ.
Nghiêu đến núi Cô Xạ Phần Thủy Bắc Ngạn, viếng thăm bốn vị Đạo sĩ tu luyện: Phương Hồi, Thiện Quyển, Phi Y (Bồ Y) và Hứa Do. Nghiêu dùng lễ đối đãi họ như trưởng lão, hay như học trò đến thăm hỏi thầy mà đối đãi lễ phép, khiêm tốn xin chỉ giáo. Nghiêu còn từng là học trò của thầy Doãn Thọ Tử
Năm thứ năm thời Đế Nghiêu, có nước nam di Việt Thường phái sứ thần đến chúc mừng triều đình, cống tặng một con rùa lớn. Sứ giả nói rằng, con rùa này chính là rùa thần, nó đã sống thọ được một ngàn năm rồi, đường kính nó dài hơn ba thước, trên lưng rùa chằng chịt vết khắc khoa đẩu văn, ghi lại lịch sử nhân loại từ khi khai thiên tịch địa cho tới nay. Nghiêu đế hết sức vui mừng, mệnh lệnh sử quan ghi chép lại toàn bộ vào sách sử.
Đế Nghiêu đem thiên hạ chia làm chín châu (Cửu châu), định ra ngày đi tuần tra bốn phương, trưng cầu ý kiến của các chư hầu ở bốn phương, nhằm kiểm tra khả năng nắm quyền cai quản của các quan lại địa phương, lại cho người dựng "Báng Mộc" (bảng trách lỗi) thường lắng nghe nỗi lòng con dân trăm họ, hết lòng trị vì thiên hạ xã tắc.
Sử ký ghi chép rằng: Nghiêu đế "Nhân đức như Trời, trí tuệ như Thần, ở gần như thấy mặt trời, từ xa trông như đám mây".
Nghiêu đế là vị vua nhân đức có tu dưỡng, kiến thức uyên bác, trí tuệ như một vị Thần, khi đến gần ông như vầng thái dương tỏa sáng khắp nơi, nếu nhìn về nơi xa thì ông như áng mây sáng lạn rực rỡ. Quyền quý nhưng chẳng ngạo mạn, Ông luôn tôn kính những người lương thiện đạo đức, tâm thường nghĩ đến con dân trăm họ, khiến cho cửu tộc trở nên thân thiết với nhau, trăm họ quy thuận. Ông là vị vua nhân từ sáng suốt, nhân đức mà đảm nhận sứ mệnh trời đất giao cho, trăm quan làm việc rõ ràng minh bạch không sai phạm. Các bộ lạc cũng đều cùng nhau sống chung hòa bình.
Theo Thuyết Uyển: Nghiêu là người có chủ tâm vì thiên hạ. Gặp phải người đói khát, ông nói: "Là ta đã khiến ngươi sắp chết đói rồi!”; Gặp phải người đang rét lạnh, ông nói: "Là ta không cai quản tốt thiên hạ mới khiến ngươi rét lạnh"; Gặp phải kẻ phạm tội, ông nói: "Chính ta đã khiến anh ta phải đi ăn trộm". Vua Nghiêu lấy lòng nhân từ mà gây dựng đức hạnh, dùng hiểu biết mà thay đổi mọi việc, trước chẳng tán thưởng mà khuyên người, không xử phạt mà giúp người sửa lỗi sai, đó cũng là đạo của Nghiêu đế.
Thiên hạ thái bình, có ông lão 80 tuổi vừa gõ vừa hát ca rằng: "Mặt trời mọc thì ta đi làm, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi, đào giếng mà uống, làm ruộng mà ăn, vua có sức gì giúp được ta đâu!".
Người xem than rằng: "Vĩ đại thay, đó là đức của vua Nghiêu đó".
(Còn tiếp)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top