nghiepvutdtrxnk
MỤC LỤC
Chương 2: Nghiệp vụ tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu
2.1. Vai trò và phân loại tín dụng xuất nhập khẩu
2.1.1. Vai trò của tín dụng xuất nhập khẩu
Bản chất của tín dụng xuất nhập khẩu
Vai trò của tín dụng xuất nhập khẩu
Đối với doanh nghiệp XNK
Đối với các tổ chức tín dụng
Đối với nền kinh tế đất nước
2.1.2. Phân loại tín dụng xuất nhập khẩu
2.1.3. Một số hình thức tín dụng ngân hàng tài trợ XNK
Mở L/C và cho vay ký quỹ mở L/C
Chấp nhận hối phiếu
Cho vay thanh toán hàng nhập
2.1.3.2. Tín dụng xuất khẩu
2.1.3.2.1. Tài trợ trước khi giao hàng (Pre-shipment financing)
2.1.3.2.2. Tài trợ sau khi giao hàng (Post-shipment financing)
Ứng trước giá trị nhờ thu (advance against collection)
Mua hối phiếu nhờ thu
Chiết khấu bộ chứng từ nhờ thu (collection negotiation), hoặc chiết khấu bộ chứng từ theo L/C (negotiation L/C).
Bao thanh toán (Factoring)
2.1.3.3. Bảo lãnh (Guarantee)
2.2. Thời hạn tín dụng
2.2.1. Thời hạn tín dụng chung
2.2.2. Thời hạn tín dụng trung bình
2.3. Lãi suất và phí suất tín dụng
2.3.1. Lãi suất tín dụng
2.3.2. Phí suất tín dụng
Chương 2
NGHIỆP VỤ TÀI TRỢ XUẤT NHẬP KHẨU
2.1. VAI TRÒ VÀ PHÂN LOẠI TÍN DỤNG XUẤT NHẬP KHẨU
2.1.1. Vai trò của tín dụng xuất nhập khẩu
v Bản chất của tín dụng xuất nhập khẩu
Tín dụng xuất nhập khẩu (XNK) là các dịch vụ tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp XNK trong giao dịch thương mại quốc tế. Đó là các hoạt động cung ứng vốn bằng tiền, hoặc tài sản, hoặc bảo lãnh uy tín cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thực hiện thành công thương vụ và gia tăng hiệu quả kinh doanh XNK.
Tùy theo tiềm lực tài chính của các nhà kinh doanh XNK mà nhu cầu vốn tài trợ XNK có những khác nhau. Nhìn chung, đối với doanh nghiệp xuất khẩu (XK), nhu cầu tài trợ XK có thể phát sinh ngay từ lúc doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thiết kế sản phẩm XK, chào hàng, ký kết hợp đồng, chuẩn bị hàng hóa XK đến khi giao hàng, thanh toán và hoàn thành một hợp đồng XK. Đối với hoạt động nhập khẩu (NK), quá trình tài trợ NK bao gồm tất cả những giao dịch tín dụng và bảo lãnh được thực hiện trước và sau khi doanh nghiệp thực hiện một thương vụ NK.
v Vai trò của tín dụng xuất nhập khẩu
Trong kinh doanh, vốn là điều kiện vật chất, là cơ sở để thực hiện các hoạt động kinh doanh. Lượng vốn lớn hay nhỏ không chỉ thể hiện quy mô kinh doanh của doanh nghiệp mà còn thể hiện vị thế và khả năng chiếm lĩnh thị trường. Có vốn đầy đủ, kịp thời, doanh nghiệp mới có thể thực hiện được các hợp đồng kinh doanh. Có vốn, doanh nghiệp mới có thể chớp được những cơ hội kinh doanh có hiệu quả nhất. Chính vì vậy, lựa chọn và huy động được nguồn tài trợ tín dụng hợp lý không chỉ giúp các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu thực hiện được các mục tiêu kể trên, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.
Mặt khác, trong nền kinh tế thế giới hiện nay, cạnh tranh diễn ra ngày càng khốc liệt. Do vậy, các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu còn sử dụng tín dụng như là một đòn bảy kinh tế, để độc chiếm nguồn hàng, độc quyền về thị trường tiêu thụ, bằng các chính sách như: ứng trước tiền hàng, bán chịu hàng hoá dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc thực hiện các chính sách tín dụng này đã góp phần đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Trên cơ sở đó, tín dụng quốc tế góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế đối ngoại nói riêng, góp phần ổn định sức mua của đồng bản tệ, cân bằng cán cân thanh toán quốc tế...
Như vậy, tín dụng XNK ra đời, tồn tại và ngày càng phát triển là một yêu cầu tất yếu của nền kinh tế mở. Hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp XNK, cho các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng mà còn cho cả nền kinh tế.
● Đối với doanh nghiệp XNK
- Thứ nhất, tài trợ XNK của ngân hàng giúp doanh nghiệp thực hiện được những thương vụ lớn. Trong ngoại thương, có những thương vụ đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, tài trợ của ngân hàng cho XNK là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp thực hiện những hợp đồng dạng này.
- Thứ hai, tài trợ XNK làm tăng hiệu quả của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hợp đồng. Thông qua tài trợ của ngân hàng, doanh nghiệp nhận được vốn để thực hiện thương vụ. Đối với doanh nghiệp XK, vốn tài trợ giúp doanh nghiệp thu mua hàng đúng thời vụ, gia công chế biến và giao hàng đúng thời điểm. Đối với doanh nghiệp NK, nhờ vốn tài trợ, hoặc sự bảo lãnh của ngân hàng giúp doanh nghiệp giữ được chữ tín với nhà cung cấp trong thanh toán, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện thương vụ.
- Thứ ba, tài trợ của ngân hàng giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế. Thông qua tài trợ tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp thực hiện được những thương vụ lớn trôi chảy, quan hệ với khách hàng có tầm cỡ thế giới, từ đó nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thị trường thế giới.
● Đối với các tổ chức tín dụng
- Thứ nhất, bên cạnh các dịch vụ tiện ích khác cung cấp cho khách hàng, các ngân hàng luôn coi trọng hoạt động tín dụng tài trợ ngoại thương bởi nó mang lại nguồn thu nhập từ lãi và phí dịch vụ cho ngân hàng. Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương nhiều nước, mảng dịch vụ này đóng góp từ 40%-70% tổng doanh thu của các ngân hàng có thực hiện nghiệp vụ ngân hàng quốc tế.
- Thứ hai, thông qua việc tài trợ XNK, ngân hàng quản lý được các nguồn thanh toán từ hoạt động XNK. Đối với người XK, khi ngân hàng chuyển bộ chứng từ giao hàng để đòi tiền người NK nước ngoài, ngân hàng đã chỉ định việc thanh toán tiền hàng phải thông qua tài khoản của người XK mở tại ngân hàng. Đối với người NK, trong trường hợp ngân hàng thực hiện tài trợ NK, ngân hàng buộc người NK tập trung tiền bán hàng vào tài khoản mở tại ngân hàng. Cách làm như vậy không những giúp ngân hàng quản lý chặt chẽ được các khoản vay, mà còn giúp Nhà nước kiểm soát tình thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, hạn chế tình trạng trốn lậu thuế của doanh nghiệp kinh doanh XNK .
- Thứ ba, thông qua tài trợ XNK, ngân hàng còn mở rộng được mối quan hệ với các doanh nghiệp và ngân hàng nước ngoài, nâng cao uy tín của ngân hàng trên trường quốc tế. Việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng về mặt tài chính với những điều kiện, thủ tục hợp lý và uy tín trong kinh doanh ngoại thương tạo điều kiện cho ngân hàng thu hút thêm được nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng, qua đó giúp ngân hàng phát triển các dịch vụ, tăng thu nhập. Mặt khác, để có thể cung ứng các dịch vụ tài trợ ngoại thương hữu hiệu cho khách hàng, các ngân hàng phải xác lập và mở rộng quan hệ liên ngân hàng, mạng lưới ngân hàng chi nhánh và ngân hàng đại lý của mình trên khắp thế giới, nhờ vậy mà gián tiếp gia tăng cơ hội kinh doanh, tăng khả năng sinh lợi cho ngân hàng. Trên cơ sở đó giúp ngân hàng từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định được vị thế, uy tín của mình trên trường quốc tế.
● Đối với nền kinh tế đất nước
- Thứ nhất, tín dụng XNK của NHTM tạo điều kiện cho hàng hoá XNK được thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần tăng tính năng động của nền kinh tế, ổn định thị trường.
- Thứ hai, tín dụng XNK của ngân hàng tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nhờ có nguồn vốn của ngân hàng, doanh nghiệp XNK có điều kiện thay đổi dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Sự phát triển của doanh nghiệp tạo nên sự phát triển và thịnh vượng của nền toàn bộ kinh tế đất nước.
- Thứ ba, tín dụng XNK góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cả về mặt lượng và chất. Thông qua hoạt động cho vay, tín dụng XNK góp phần quan trọng vào việc khai thác các nguồn lực xã hội như nguồn lao động, nguồn tài nguyên thiên nhiên... Qua đó tín dụng ngân hàng góp phần tạo thêm việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động; tiết kiệm tài nguyên và lao động, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và theo vùng. Ngân hàng, thông qua nhiều kênh tín dụng, đầu tư góp phần làm thay đổi cơ cấu hàng XNK theo hướng tăng XK hàng thành phẩm, sản phẩm tinh chế chất lượng cao; tăng tỷ trọng NK thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ngoài ra, tín dụng XNK còn góp phần quan trọng vào việc khai thác lợi thế so sánh và làm tăng kim ngạch XNK, tăng dự trữ ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
2.1.2. Phân loại tín dụng xuất nhập khẩu
Tín dụng quốc tế bao gồm nhiều loại khác nhau tùy theo tiêu thức phân loại.
2.1.2.1. Theo đối tượng cấp tín dụng
Theo tiêu thức này, tín dụng xuất nhập khẩu bao gồm: tín dụng hàng hoá, tín dụng tiền tệ, tín dụng qua chữ ký.
- Tín dụng hàng hoá: là loại hình tín dụng mà đối tượng cấp tín dụng được thể hiện dưới những hình thái hiện vật cụ thể như: máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, hàng tiêu dùng, v.v...
Quan hệ tín dụng này thường được thể hiện dưới hình thức mua bán chịu hàng hoá giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu, hoặc dưới hình thức tín dụng thuê mua giữa các công ty cho thuê tài chính với các nhà nhập khẩu.
- Tín dụng tiền tệ: là hình thức tín dụng mà đối tượng cấp tín dụng là tiền tệ.
Quan hệ tín dụng này thường phát sinh giữa các ngân hàng, các tổ chức, các công ty tài chính với các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu và giữa các nhà xuất nhập khẩu hàng hoá với nhau (nhà nhập khẩu ứng trước tiền hàng cho nhà xuất khẩu).
- Tín dụng qua chữ ký. Trong hình thức tín dụng này, tại thời điểm "ký hợp đồng tín dụng", người cho vay không cấp tiền (hoặc hàng) mà chỉ cam kết sẽ trả nợ thay cho người vay khi người vay không hoàn trả được nợ vay của một hợp đồng tín dụng khác. Hình thức tín dụng này có nhiều dạng khác nhau như: mở L/C, xác nhận L/C, bảo lãnh tín dụng, đồng bảo lãnh tín dụng, tái bảo lãnh vay vốn, chấp nhận hối phiếu thay cho người mắc nợ.
2.1.2.2. Theo thời hạn cho vay
Theo tiêu thức này, tín dụng xuất nhập khẩu bao gồm:
- Tín dụng ngắn hạn (Short term credit): bao gồm các quan hệ tín dụng có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng.
Tín dụng ngắn hạn giúp các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu có điều kiện tài chính cần thiết để chuẩn bị hàng hoá xuất khẩu, để mở L/C, để thanh toán hàng nhập khẩu, v.v...
- Tín dụng trung hạn (Medium term credit): bao gồm các quan hệ tín dụng có thời hạn tín dụng từ 1 đến 5 năm.
- Tín dụng dài hạn (Long term credit): bao gồm các quan hệ tín dụng có thời hạn tín dụng lớn hơn 5 năm.
Tín dụng trung, dài hạn giúp các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu có lượng vốn cần thiết để thực hiện các dự án đầu tư dài hạn như: xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ... để làm tài sản cố định của doanh nghiệp.
2.1.2.3. Theo giai đoạn thực hiện thương vụ kinh doanh
Theo giai đoạn thực hiện thương vụ kinh doanh, tín dụng XNK bao gồm:
- Tài trợ tín dụng trước khi ký kết hợp đồng: như bảo lãnh đấu thầu, bảo lãnh uy tín thanh toán…
- Tài trợ tín dụng trong quá trình thực hiện hợp đồng: như tài trợ giao hàng, tài trợ nhận hàng…
- Tài trợ tín dụng sau khi hoàn tất hợp đồng: như tài trợ tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu, bảo lãnh, bảo trì…
2.1.2.4. Theo lãi suất
Theo lãi suất, tín dụng XNK bao gồm:
- Tín dụng có lãi suất cố định (fixed rate)
- Tín dụng có lãi suất thả nổi (floating rate): lãi suất có thể thả nổi hoàn toàn, hoặc tham chiếu theo một lãi suất cơ bản nào đó như LIBOR, SIBOR…
2.1.2.5. Theo chủ thể nhận tài trợ tín dụng
Theo chủ thể nhận tài trợ, tín dụng XNK bao gồm:
- Tín dụng XK: bao gồm các hình thức tín dụng nhằm cung cấp vốn trực tiếp cho doanh nghiệp XK, hoặc gián tiếp qua nhà NK ở nước ngoài trong quá trình thực hiện hợp đồng XK.
- Tín dụng NK: còn được gọi là tín dụng người mua, gồm các dịch vụ tín dụng hỗ trợ vốn và uy tín cho người mua trong quá trình thực hiện thương vụ hoặc giao dịch thương mại nói chung.
2.1.2.6. Theo chủ thể cấp tín dụng
Theo tiêu thức này, tín dụng quốc tế có thể kể tới ba loại: tín dụng thương mại, tín dụng ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác.
2.1.2.6.1. Tín dụng thương mại (Commercial Credit)
Tín dụng thương mại là loại hình tín dụng do các công ty xuất nhập khẩu ở các nước tài trợ cho nhau nhằm duy trì và mở rộng các hoạt động thương mại quốc tế giữa các nước.
Tín dụng thương mại được tồn tại dưới các hình thức cơ bản sau đây:
● Ứng trước tiền mua hàng
Ứng trước tiền mua hàng được coi là hình thức tài trợ vốn của người nhập khẩu đối với người xuất khẩu để nhập khẩu hàng hoá được thuận lợi.
Ứng trước tiền hàng được thực hiện trước khi giao hàng một khoảng thời gian nhất định (thời gian này do hai bên xuất nhập khẩu hàng hoá thoả thuận). Tỷ lệ ứng trước so với tổng giá trị của hợp đồng cũng do hai bên thoả thuận.
Những khoản ứng trước thường được sử dụng trong các trường hợp đặt mua máy móc, thiết bị lẻ, hoặc thiết bị toàn bộ đắt tiền và đòi hỏi một thời gian sản xuất lâu dài, như đóng tầu thuỷ, thiết bị điện tử, máy móc tự động, hoặc được các nhà nhập khẩu ở các nước công nghiệp phát triển sử dụng trong quan hệ mua bán với các nước đang phát triển để nhập nguyên liệu, nông sản với giá thấp hơn so với thị trường quốc tế, v.v... Khoản ứng trước này vừa có ý nghĩa ràng buộc bên đặt hàng thực hiện theo đúng điều kiện đã quy định trong hợp đồng mua bán, vừa có nội dung kinh tế là một khoản vốn của bên đặt hàng cho bên xuất khẩu vay để sản xuất mặt hàng đó. Nhờ khoản vốn ứng trước này, nhà xuất khẩu hạn chế được việc vay vốn ngân hàng để sản xuất và do đó phải thoả thuận một số điều kiện thích ứng với khoản ứng trước như giảm giá hàng hoá.
Tuy nhiên trên thực tế, cần phân biệt hai loại ứng trước. Có loại ứng trước thì mang tính cấp tín dụng của nhà nhập khẩu cho nhà xuất khẩu, nhưng có loại ứng trước chỉ mang tính chất đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng.
Ứng trước mang tính chất đặt cọc, là điều kiện ràng buộc bên mua hàng phải thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết như trả tiền hàng, nhận hàng hoá, v.v... Loại đặt cọc này thường chiếm khoảgn từ 5% đến 10% giá trị hàng hoá, thời gian ứng trước ngắn, nó thường phát sinh trong trường hợp người nhập khẩu là khách hàng ở các nước đang phát triển. Khoản ứng trước này không mang tính chất cấp tín dụng.
Ứng trước mang tính chất tín dụng, một mặt cũng ràng buộc bên mua thực hiện hợp đồng, nhưng chủ yếu là bên mua tài trợ cho bên bán một phần vốn trong thời gian thực hiện hợp đồng. Khoản ứng trước này có thể lên tới 30% - 50% giá trị của hợp đồng và có ảnh hưởng rõ rệt đến giá cả hàng hoá nhập khẩu. Cở sở để xác định mức giảm giá đã trình bày trong chương 2.
Thời gian cấp tín dụng trong trường hợp này được tính từ ngày ứng trước đến khi nhà xuất khẩu hoàn trả số tiền ứng trước. Việc hoàn trả tiền ứng trước được thực hiện bằng một trong các cách sau:
- Hoàn trả toàn bộ một lần khi giao chuyến hàng đầu tiên.
- Hoàn trả toàn bộ một lần khi giao chuyến hàng cuối cùng.
- Hoàn trả dần, theo những tỷ lệ phần trăm nhất định của số tiền ứng trước, hoặc giá trị hàng hoá theo từng chuyến hàng.
● Mua hàng chịu bằng chấp nhận hối phiếu
Trong thương mại quốc tế, hối phiếu xuất hiện từ quan hệ mua bán chịu hàng hoá, do đó nó là một công cụ lưu thông của tín dụng thương mại quốc tế. Nội dung của hình thức này được thể hiện như sau:
Người xuất khẩu sau khi tiến hành giao hàng cho người nhập khẩu ký phát một tờ hối phiếu có kỳ hạn, đòi tiền người nhập khẩu và gửi kèm với các chứng từ hàng hoá về ngân hàng nước mình, để rồi được chuyển đến ngân hàng nước người nhập khẩu và ngân hàng này sẽ thông báo cho người nhập khẩu biết. Chỉ khi nào người nhập khẩu ký chấp nhận trả tiền trên hối phiếu thì ngân hàng mới ký chuyển nhượng những chứng từ hàng hoá đó cho người nhập khẩu.
Khi người nhập khẩu ký chấp nhận hối phiếu, tức là người nhập khẩu cam kết trả tiền vô điều kiện đối với tờ hối phiếu đó khi nó đến hạn, từ đó người nhập khẩu trở thành người mắc nợ. Hối phiếu đã được chấp nhận thông thường được chuyển trả lại cho người xuất khẩu.
Hối phiếu có kỳ hạn do người xuất khẩu ký phát thông thường có số tiền tính bằng giá bán ngay cộng với khoản lãi mà người nhập khẩu phải trả người xuất khẩu. Đây chính là giá bán chịu.
Giá bán chịu có thể tính theo công thức sau:
PBC = PTN (1+RN) hoặc PBC = PTN (1+R)N
Trong đó: PBC là giá bán chịu
PTN là giá trả ngay
R là lãi suất tiền gửi ngân hàng (tháng hoặc năm)
N là thời gian bán chịu (tháng hoặc năm)
● Tín dụng mở tài khoản
Đây là hình thức tài trợ của người xuất khẩu đối với người nhập khẩu. Nghiệp vụ này diễn ra theo trình tự như sau:
Người xuất khẩu được quyền mở một tài khoản để ghi nợ người nhập khẩu sau từng lần giao hàng, theo những điều kiện mà hai bên đã thoả thuận trong hợp đồng. Đến định kỳ thanh toán đã thoả thuận, bên nhập khẩu dùng phương thức chuyển tiền, hoặc phát hành séc để chuyển trả người bán. Số tiền chuyển trả bao gồm cả gốc và lãi trong thời gian chậm trả.
Loại tín dụng này thường được áp dụng trong trường hợp hai bên mua bán tin tưởng nhau, hoặc dùng trong phương thức hàng đổi hàng.
2.1.2.6.2. Tín dụng ngân hàng (Banking Credit) và các tổ chức tín dụng khác
Trong kinh tế thị trường, tín dụng ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác (sau đây gọi tắt là tín dụng ngân hàng) là loại tín dụng được sử dụng phổ biến nhất.
Tín dụng ngân hàng có tính ưu việt hơn tín dụng thương mại vì ngân hàng là các tổ chức chuyên kinh doanh tiền tệ nên họ có thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của người đi vay một cách đầy đủ và kịp thời nhất. Tín dụng ngân hàng bao gồm nhiều loại khác nhau, nhưng nếu căn cứ vào người vay vốn thì có thể kể tới hai loại sau:
● Tín dụng ngân hàng tài trợ nhập khẩu
Các ngân hàng cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu dưới các hình thức như: cho vay để kí quỹ mở L/C, chấp nhận hối phiếu, cho vay để thanh toán tiền hàng nhập khẩu, cho thuê tài chính...
- Cho vay để kí quỹ mở L/C. Hình thức này được áp dụng trong trường hợp nhà NK thiếu tiền để kí quỹ mở L/C. Qua nghiên cứu phương thức thanh toán tín dụng chứng từ cho thấy, khi ngân hàng chấp thuận phát hành thư tín dụng cho nhà nhập khẩu cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng cam kết trả tiền cho người hưởng lợi L/C nếu nhà XK xuất trình được bộ chứng từ thanh toán phù hợp. Vì vậy rủi ro sẽ xảy ra với ngân hàng, nếu tiềm lực tài chính của nhập nhập khẩu hạn chế. Để hạn chế rủi ro, để đảm bảo an toàn cho ngân hàng khi phát hành L/C, hầu hết ngân hàng đều yêu cầu nhà nhập khẩu phải kí quỹ.
- Chấp nhận hối phiếu: là nghiệp vụ thông thường trong lưu thông hối phiếu. Thực tế cho thấy, khi nhà XK không tin tưởng chữ kí chấp nhận của nhà NK, họ thường yêu cầu nhà NK phải tìm một chủ thể khác có độ tin cậy cao hơn, thường là các ngân hàng, kí chấp nhận. Bản chất của hành vi kí chấp nhận thay là ngân hàng, bằng uy tín, bảo đảm cho quan hệ thanh toán giữa nhà nhập khẩu và xuất khẩu. Đến ngày thanh toán, nếu nhà NK không có tiền chi trả, ngân hàng chấp nhận có trách nhiệm trả nợ thay. Trong trường hợp này, thu nhập ngân hàng thường bao gồm: phí chấp nhận hối phiếu và lãi cho vay thanh toán.
- Cho vay để thanh toán tiền hàng nhập khẩu: hình thức tín dụng này phát sinh trong trường hợp nhà NK thiếu/không có tiền khi đến hạn thanh toán. Tùy theo mặt hàng nhập khẩu là tài sản lưu động hay cố định mà quan hệ tín dụng có thể là tín dụng ngắn hạn, trung hạn, hoặc dài hạn. Điều kiện cho vay thanh toán hàng nhập khẩu cũng giống các hình thức cho vay khác, ví dụ: tổ chức vay/ người vay phải có tư cách pháp nhân/ thể nhân; có đủ vốn tự có theo mức quy định; phương án kinh doanh có hiệu quả; có khả năng trả nợ; có tài sản thế chấp, hoặc cầm cố, hoặc bảo đảm bằng chính lô hàng nhập khẩu.
- Cho thuê tài chính: là hình thức tín dụng trung, dài hạn được thực hiện thông qua việc cho thuê máy móc, thiết bị, các động sản và bất động sản. Nói cách khác, cho thuê tài chính là một hình thức trợ cấp tài chính của các công ty thuê mua (leasing companies), hay công ty cho thuê tài chính đối với người nhập khẩu. Các công ty thuê mua đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị... theo yêu cầu của bên đi thuê và trao quyền sử dụng cho bên đi thuê. Bên đi thuê sử dụng tài sản và thanh toán tiền thuê theo các kỳ hạn quy định trong hợp đồng. Khi hết thời hạn thuê, bên đi thuê được quyền sở hữu, mua lại hoặc tiếp tục thuê tài sản theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê.
● Tín dụng ngân hàng tài trợ xuất khẩu
Ngân hàng cho các thương nhân xuất khẩu vay dưới các hình thức như: cho vay để chuẩn bị hàng hoá xuất khẩu; chiết khấu hối phiếu, bao thanh toán,....
- Cho vay để chuẩn bị hàng hoá xuất khẩu: hình thức tài trợ này thường được thực hiện đối với nhà XK khi họ đã có các hợp đồng XK và thanh toán bằng L/C.
Trên thực tế, không phải lúc nào nhà XK cũng có sẵn hàng để giao ngay sau khi ký kết hợp đồng ngoại thương. Lúc này nhà XK cần vốn để thu mua nguyên vật liệu, trang trải chi phí sản xuất hàng hóa, hay thu gom hàng để xuất. Người xuất khẩu có thể đề nghị ngân hàng phục vụ mình cấp một khoản tín dụng trên cơ sở L/C đã mở để chuẩn bị hàng.
- Chiết khấu hối phiếu: là hình thức ngân hàng cho vay trên cơ sở các hối phiếu và bộ chứng từ hàng xuất. Thực chất đây là hoạt động mua đứt, bán đoạn hối phiếu giữa nhà xuất khẩu và ngân hàng. Căn cứ vào thời gian lưu hành còn lại của hối phiếu (tính từ ngày chiết khấu tới ngày đến hạn thanh toán của hối phiếu), căn cứ vào số tiền của hối phiếu, căn cứ vào lãi suất cho vay và khả năng thanh toán của người trả tiền hối phiếu mà ngân hàng quyết định số tiền chiết khấu lớn hay nhỏ. Ngân hàng chiết khấu sẽ thanh toán cho nhà xuất khẩu số tiền bằng hiệu số giữa số tiền ghi trên hối phiếu và số tiền chiết khấu ngân hàng được hưởng.
Đến kỳ hạn thanh toán của hối phiếu, ngân hàng sẽ trực tiếp đi đòi nợ từ người trả tiền hối phiếu (nhà nhập khẩu hoặc ngân hàng phát hành L/C).
- Bao thanh toán (Factoring): là hình thức tín dụng của ngân hàng hoặc các công ty tài chính cỡ lớn ứng trước cho nhà xuất khẩu một tỷ lệ phần trăm nhất định số tiền của hối phiếu và giành lấy quyền đòi nợ đối với người nhập khẩu.
Tỷ lệ ứng trước cao hay thấp là do sự thoả thuận giữa ngân hàng/ công ty tài chính và nhà xuất khẩu (thường từ 70%-90% số tiền của hối phiếu). Nhìn chung, số tiền ứng trước phụ thuộc vào khả năng tài chính của người vay/người trả nợ chứng từ thanh toán, lãi suất chiết khấu hối phiếu trên thị trường, phí nhờ thu cùng với tỷ lệ bù rủi ro có thể xảy ra cho ngân hàng/ công ty tài chính.
Ở một số nước, công ty tài chính sau khi ứng trước tiền hàng cho nhà xuất khẩu, còn mở cho họ một tài khoản tiền gửi, gọi là tài khoản "tiền gửi khống chế" với số tiền bằng hiệu số giữa số tiền ghi trên hối phiếu và số tiền ứng trước cho nhà xuất khẩu. Số tiền trên tài khoản này nhà xuất khẩu sẽ được hưởng lãi. Đây là chính sách mà các công ty tài chính sử dụng để khuyến khích nhà xuất khẩu vay vốn dưới hình thức factoring. Đến kỳ hạn thanh toán của hối phiếu, công ty tài chính sẽ trực tiếp đòi tiền từ nhà nhập khẩu. Công ty giữ lại số tiền ứng trước, lãi cho vay ứng trước và các khoản chi phí khác. Phần chênh lệch còn lại cộng với lãi từ tài khoản tiền gửi khống chế sẽ trả cho công ty xuất khẩu.
- Forfaiting
Forfaiting là loại tín dụng mà các công ty tài chính ứng trước (không hoàn lại) cho nhà xuất khẩu một tỷ lệ nhất định so với trị giá hoá đơn để giành lấy quyền đòi tiền ở người nhập khẩu, và chịu mọi rủi ro xảy ra nếu người nhập khẩu không thanh toán.
Tỷ lệ % này do hai bên thoả thuận. Đương nhiên công ty tài chính chỉ cấp tín dụng forfaiting cho nhà xuất khẩu khi người nhập khẩu của anh ta đã được một ngân hàng hạng nhất bảo lãnh thanh toán.
2.1.3. Một số hình thức tín dụng ngân hàng tài trợ XNK
Cùng với sự phát triển của nền sản xuất hàng hóa và mậu dịch quốc tế, quá trình toàn cầu hóa, liên kết kinh tế trên thế giới diễn ra ngày càng nhanh và sâu rộng thì hoạt động tín dụng ngân hàng tài trợ XNK cũng phát triển ngày càng đa dạng. Căn cứ vào mục đích tài trợ và quá trình thực hiện thương vụ kinh doanh XNK, tín dụng tài trợ XNK bao gồm một số hình thức cơ bản sau đây.
2.1.3.1. Tín dụng nhập khẩu
● Mở L/C và cho vay ký quỹ mở L/C
Đối với nhà NK mở L/C được xem là một hình thức tài trợ của ngân hàng. Khác với các hình thức cho vay khác, khi ngân hàng mở L/C, ngân hàng không chuyển tới người vay một số tiền nhất định mà ngân hàng dùng uy tín của mình để cam kết với người XK, người hưởng lợi L/C rằng: ngân hàng sẽ thanh toán, hoặc chấp nhận hối phiếu do nhà XK ký phát nếu họ xuất trình được bộ chứng từ thanh toán phù hợp với các điều kiện đã ghi trong L/C. Khi ngân hàng mở L/C có nghĩa là ngân hàng chấp nhận gánh chịu mọi rủi ro nếu nhà NK không có khả năng thanh toán. Vì vậy, để hạn chế rủi ro ngân hàng thường yêu cầu nhà NK phải ký quỹ tại ngân hàng. Mức yêu cầu ký quỹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kim ngạch L/C, loại L/C, khả năng tài chính và uy tín của nhà NK, loại hàng hóa NK và khả năng tiêu thụ… Đối với những trường hợp khách hàng thiếu tin cậy, hoặc hiệu quả kinh doanh của thương vụ có rủi ro tiềm ẩn cao, ngân hàng có thể yêu cầu khách hàng ký quỹ 100% giá trị L/C.
Sau khi xác định số tiền ký quỹ khách hàng phải nộp tiền vào tài khoản “tiền gửi ký quỹ” của họ tại ngân hàng và khoản tiền đó sẽ được phong tỏa cho đến khi nghĩa vụ thanh toán của ngân hàng chấm dứt. Tuy nhiên, trên thực tế không phải khách hàng nào cũng có khả năng tự chi trả cho khoản ký quỹ này. Vì vậy, nếu khách hàng đề nghị, ngân hàng có thể cấp tín dụng cho nhà NK và khoản tín dụng này được cấp dưới hình thức cho vay ký quỹ mở L/C.
● Chấp nhận hối phiếu
Thực tế cho thấy, việc chấp nhận trả tiền hối phiếu của người nhập khẩu không được tín nhiệm bằng sự chấp nhận trả tiền hối phiếu của ngân hàng. Vì vậy, người xuất khẩu thường yêu cầu người nhập khẩu phải nhờ ngân hàng chấp nhận hối phiếu mà họ ký phát. Trong trường hợp này, nhà xuất khẩu thường chuyển thẳng hối phiếu cho ngân hàng cấp tín dụng cho người nhập khẩu để chấp nhận trả tiền chứ không phải chuyển cho người nhập khẩu.
Đến kỳ hạn trả tiền của hối phiếu, nếu nhà nhập khẩu có tiền thì ngân hàng thu tiền của nhà nhập khẩu để trả cho nhà xuất khẩu. Trường hợp này người nhập khẩu chỉ phải trả ngân hàng thủ tục phí chấp nhận.
Nếu đến kỳ hạn trả tiền của hối phiếu, nhà nhập khẩu không có tiền thì ngân hàng phải sử dụng vốn của mình để trả tiền cho nhà xuất khẩu. Như vậy, nghiệp vụ chấp nhận này của ngân hàng là một nghiệp vụ tín dụng. Ngân hàng phải dùng tiền của mình để trả nợ thay nhà nhập khẩu và phải chịu mọi rủi ro, tổn thất có thể xảy ra.
Trong nghiệp vụ chấp nhận, theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, ngân hàng có thể chấp nhận theo từng chuyến giao hàng riêng biệt, cũng có thể chấp nhận bao, tức là chấp nhận một hạn ngạch nhất định cho nhiều chuyến giao hàng trong một thời gian nhất định.
Tái chấp nhận cũng là một hình thức khá phổ biến trong ngoại thương. Đó là một hình thức chấp nhận, trong đó người xuất khẩu không chuyển hối phiếu đến ngân hàng phục vụ người nhập khẩu chấp nhận trả tiền mà chuyển đến một ngân hàng hạng nhất mà hai bên đã thoả thuận yêu cầu chấp nhận.
Như vậy, trong tái chấp nhận có hai ngân hàng tham gia, một là ngân hàng phục vụ người nhập khẩu, hai là ngân hàng hạng nhất được hai bên thoả thuận trong hợp đồng. Ngân hàng hạng nhất là người trả tiền khi hối phiếu đến hạn thanh toán.
Trình tự tái chấp nhận thường bao gồm những bước sau:
(1) Người nhập khẩu đề nghị ngân hàng phục vụ mình tìm một ngân hàng hạng nhất (hay theo sự quy định của hợp đồng) và được ngân hàng này đồng ý đứng ra chấp nhận hối phiếu. Ngân hàng phục vụ người nhập khẩu gửi cho ngân hàng chấp nhận một bản cam kết trả tiền.
(2) Sau khi nhận được cam kết trả tiền, ngân hàng chấp nhận mở một L/C không thể huỷ bỏ gửi ngân hàng phục vụ người xuất khẩu, trong đó cam kết trả tiền hối phiếu của người xuất khẩu ký phát, nếu người xuất khẩu thực hiện đầy đủ những quy định trong L/C.
(3) Hoàn thành giao hàng, người xuất khẩu ký phát hai bản hối phiếu như nhau và hoàn tất bộ chứng từ gửi hàng theo đúng yêu cầu của L/C và gửi toàn bộ bộ chứng từ cùng hối phiếu cho ngân hàng phục vụ mình, yêu cầu chấp nhận trả tiền hoặc xin chiết khấu.
(4) Ngân hàng phục vụ người xuất khẩu thanh toán ngay cho người xuất khẩu, nếu họ yêu cầu bằng cách chiết khấu bản thứ hai của hối phiếu, còn bản thứ nhất của hối phiếu và bộ chứng từ gửi hàng thì gửi cho ngân hàng chấp nhận yêu cầu chấp nhận.
(5) Sau khi chấp nhận hối phiếu, ngân hàng chấp nhận chuyển trả hối phiếu cho người xuất khẩu và chuyển bộ chứng từ gửi hàng cho ngân hàng phục vụ người nhập khẩu.
(6) Ngân hàng phục vụ người nhập khẩu chuyển bộ chứng từ gửi hàng cho người nhập khẩu với điều kiện người nhập khẩu ký bản cam kết trả tiền khi hối phiếu đến hạn thanh toán, hoặc ký phát một kỳ phiếu cho ngân hàng phục vụ người nhập khẩu.
(7) Trước khi đến hạn trả tiền, người nhập khẩu chuyển trả cho ngân hàng phục vụ mình số tiền ghi trên hối phiếu, hoặc ghi trên kỳ phiếu, ngân hàng này chuyển trả tiền cho ngân hàng chấp nhận và thu hồi lại bản cam kết trả tiền.
Khi hối phiếu đến hạn trả tiền, bất cứ người nào đang cầm phiếu đều có quyền xuất trình cho ngân hàng chấp nhận để lấy số tiền ghi trên hối phiếu đó.
● Cho vay thanh toán hàng nhập
Khi đến hạn thanh toán tiền hàng NK, nếu không có đủ khả năng chi trả, nhà NK có thể tìm kiếm nguồn tài trợ từ các NHTM. Mức tài trợ phụ thuộc vào nhu cầu của nhà nhập khẩu và khả năng cấp tín dụng của ngân hàng. Người đi vay thường phải có tài sản thế chấp, hoặc cầm cố để bảo đảm cho khoản nợ vay. Nếu không có tài sản thế chấp hoặc cầm cố, người vay phải thế chấp bằng chính lô hàng NK.
Việc quản lí lô hàng NK được các NHTM thực hiện theo một trong ba cách:
- Quản lí tại kho hàng của ngân hàng.
- Giao cho bên thứ 3 quản lý.
- Giao cho người vay quản lý. Trong trường hợp này ngân hàng thường cử cán bộ trực tiếp theo dõi lô hàng nhập khẩu. Khi nào xuất kho, xuất như thế nào… phải được sự chấp thuận của ngân hàng.
Thực tế cho thấy, quản lí lô hàng NK là công việc không dễ dàng. Đặc biệt, với các loại hàng rời, số lượng lớn, các ngân hàng thường chỉ có thể kiểm soát được chứng từ và thực trạng của số ít hàng hóa trong lô hàng NK theo phương pháp xác suất ngẫu nhiên. Nếu người nhập khẩu cố tình lừa đảo bằng cách phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan thì rủi ro vẫn có thể xảy ra với ngân hàng ngay cả trong trường hợp, hàng được nhập về kho hàng của ngân hàng hoặc bên thứ ba.
2.1.3.2. Tín dụng xuất khẩu
2.1.3.2.1. Tài trợ trước khi giao hàng (Pre-shipment financing)
Tài trợ trước khi giao hàng chủ yếu được thực hiện dưới hình thức cho vay để chuẩn bị hàng hoá xuất khẩu.
+ Trường hợp áp dụng: nhà XK thiếu vốn để chuẩn bị hàng hóa XK.
+ Đặc điểm:
- Thường là tín dụng ngắn hạn;
- Hết thời hạn vay, ngân hàng sẽ thu nợ trực tiếp từ người vay - nhà XK;
- Cách trả gốc và lãi tuỳ theo thoả thuận giữa ngân hàng và người vay. Nợ gốc có thể trả một lần hoặc nhiều lần, dựa vào kế hoạch xuất khẩu và thanh toán tiền hàng xuất khẩu. Lãi vay có thể trả cùng nợ gốc (căn cứ vào dư nợ hoặc số nợ gốc phải trả từng lần), hoặc trả theo tháng vào ngày cuối của các tháng theo quy định cụ thể của từng ngân hàng.
+ Điều kiện cho vay: để được vay vốn chuẩn bị hàng xuất khẩu, người vay phải đáp ứng các điều kiện chung trong cho vay như: điều kiện về tư cách pháp nhân, về vốn tự có, về hiệu quả của phương án kinh doanh, về khả năng trả nợ; về tài sản thế chấp hoặc cầm cố. Ngoài ra, các ngân hàng thường quy định, người vay phải có hợp đồng XK thanh toán bằng L/C không huỷ ngang.
Cho vay để chuẩn bị hàng hóa XK là một hình thức tài trợ rất phổ biến vì một mặt do L/C là phương thức thanh toán khá an toàn, mặt khác do kỹ thuật nghiệp vụ không phức tạp nên dễ áp dụng.
Trường hợp L/C trả chậm có xác nhận thì nhà XK có thể nhận tiền bất cứ lúc nào vì đã có sự xác nhận trả tiền của đại lý tín dụng, hoặc bất cứ ngân hàng thứ ba nào. Lúc này nhà XK nhận tiền dưới dạng chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu L/C cho ngân hàng cấp tín dụng.
2.1.3.2.2. Tài trợ sau khi giao hàng (Post-shipment financing)
Tài trợ sau khi giao hàng được thực hiện dưới một số hình thức phổ biến sau:
v Ứng trước giá trị nhờ thu (advance against collection)
Hình thức tài trợ này được ngân hàng thực hiện khi hợp đồng XK thanh toán bằng phương thức nhờ thu kèm chứng từ (documentary collection).
Khi thực hiện nghiệp vụ này, ngân hàng tài trợ ứng trước giá trị hối phiếu cho nhà XK khi nhà XK giao hối phiếu chưa được chấp nhận cho ngân hàng trong phương thức thanh toán nhờ thu. Dạng thức tài trợ này của ngân hàng cho phép nhà XK nhanh chóng nhận được tiền đưa vào kinh doanh thay vì phải chờ đến khi hối phiếu được nhà NK tiếp nhận và thanh toán. Mức tài trợ ứng trước giá trị nhờ thu của ngân hàng không cố định mà tùy thuộc vào mức độ an toàn trong giao dịch và thỏa thuận với khách hàng, thường từ 80%-90% giá trị hối phiếu. Khi tài trợ theo phương thức này, ngân hàng không có quyền sở hữu và thụ hưởng số tiền của hối phiếu, song có quyền truy đòi nhà XK nếu nhà NK từ chối thanh toán hối phiếu.
v Mua hối phiếu nhờ thu
Hình thức tài trợ này được ngân hàng thực hiện khi hợp đồng XK thanh toán bằng phương thức nhờ thu phiếu trơn (clean collection).
Đây là một biến dạng của nghiệp vụ ứng trước giá trị nhờ thu. Các kỹ thuật tài trợ cũng giống như tài trợ ứng trước giá trị nhờ thu, song mức độ biện pháp bảo đảm an toàn tài trợ của ngân hàng với phương thức này chặt chẽ hơn, bởi vì hình thức tài trợ này rủi ro tiềm ẩn cao hơn. Trong phương thức nhờ thu phiếu trơn, chứng từ hàng hóa được nhà XK giao thẳng cho nhà NK nên quyền quyết định thanh toán hoàn toàn tùy thuộc vào nhà NK. Để phòng vệ, ngân hàng thường thỏa thuận với nhà XK áp dụng điều kiện “cho phép truy đòi” hoặc “mua hối phiếu dựa theo việc thanh toán sau cùng”, theo đó cho phép ngân hàng truy đòi nhà XK khi bên mua từ chối thanh toán hối phiếu. Bên cạnh đó ngân hàng cũng bảo lưu quyền ghi Nợ tài khoản của nhà XK giá trị tài trợ bất cứ lúc nào mà không cần phải thông báo, hay xin phép trước, biến dạng tài trợ này thành một khoản cho vay linh hoạt, thường gọi là “call loan” hoặc “demand loan”.
v Chiết khấu bộ chứng từ nhờ thu (collection negotiation), hoặc chiết khấu bộ chứng từ theo L/C (negotiation L/C).
Chiết khấu bộ chứng từ thanh toán (hay chiết khấu hối phiếu) là loại tín dụng ngắn hạn mà ngân hàng cấp cho người xuất khẩu dưới hình thức mua lại bộ chứng từ (hối phiếu) chưa đến hạn thanh toán. Số tiền mua lại quyền thụ hưởng này chính là mức tài trợ chiết khấu hối phiếu, nó được tính bằng phần còn lại của giá trị của hối phiếu sau khi trừ đi lãi chiết khấu cùng với phí dịch vụ theo công thức:
Md = M x [ 1 – ( Rd x T/360)] – C
Trong đó: Md: mức tài trợ chiết khấu hối phiếu
T: thời hạn còn lại của hối phiếu (tính theo ngày)
Rd: lãi suất chiết khấu hối phiếu của ngân hàng
C: phí dịch vụ
M: mệnh giá (giá trị) hối phiếu
Hoặc Md = M - Lãi CK - C
Ngoài cách tính trên, một số NHTM tính mức tài trợ chiết khấu theo công thức sau:
Md = M/(1+T.Rd)
Trong tài trợ ngoại thương, lãi suất chiết khấu của ngân hàng có khi cộng thêm khoản tỷ lệ phụ trội nhằm chống đỡ rủi ro tài trợ. Tỷ lệ này phụ thuộc vào khả năng truy đòi khách hàng nhận tài trợ (nhà XK), khả năng thanh toán khi đến hạn của người trả tiền hối phiếu (nhà NK hoặc ngân hàng mở L/C…), thời hạn thanh toán còn lại của hối phiếu, giá trị và loại tiền thanh toán của hối phiếu…
Đặc điểm của chiết khấu:
- Chiết khấu thường là tín dụng ngắn hạn;
- Khác với các hình thức tín dụng thông thường, việc thu nợ gốc thường được thực hiện từ người trả tiền hối phiếu;
- Lãi và các khoản thu khác từ nghiệp vụ chiết khấu được ngân hàng chiết khấu thu ngay cùng thời điểm phát tiền vay.
Các hình thức chiết khấu:
- Chiết khấu miễn truy đòi: là hình thức chiết khấu trong đó ngân hàng chiết khấu không có quyền đòi tiền nhà XK nếu đến ngày thanh toán hối phiếu ngân hàng không đòi được tiền từ người trả tiền hối phiếu.
- Chiết khấu truy đòi: là hình thức chiết khấu trong đó ngân hàng chiết khấu có quyền đòi tiền nhà XK nếu đến ngày thanh toán hối phiếu ngân hàng không đòi được tiền từ người trả tiền hối phiếu.
Trong hai hình thức chiết khấu trên, chiết khấu miễn truy đòi rủi ro tiềm ẩn đối với ngân hàng chiết khấu cao hơn. Vì vậy, hình thức chiết khấu này thường chỉ được thực hiện đối với những hối phiếu mà người trả tiền hối phiếu là những chủ thể đáng tin cậy, lãi suất chiết khấu thường cũng cao hơn so với chiết khấu truy đòi.
Quy trình chiết khấu:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ chiết khấu
Bước 2: Kiểm tra điều kiện chiết khấu
Bước 3: Thực hiện thủ tục chiết khấu - trả tiền cho khách hàng
Bước 4: Lưu giữ theo dõi chứng từ
Bước 5: Yêu cầu người trả tiền hối phiếu thanh toán (khi hối phiếu đáo hạn)
v Bao thanh toán (Factoring)
● Khái niệm
Có nhiều quan niệm về bao thanh toán (BTT).
Ở Việt Nam, theo Quyết định 1096/2004/QĐ-NHNN, ”Bao thanh toán là một hình thức cấp tín dụng của TCTD cho bên bán hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua bán hàng hóa đã được bên bán hàng và bên mua hàng thỏa thuận trong hợp đồng mua, bán hàng”.
Như vậy, dù hiểu bao thanh toán theo khái niệm nào thì bao thanh toán quốc tế là một hình thức tài trợ dành cho nhà XK. Đó là hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho bên XK trên cơ sở những khoản thanh toán chưa tới hạn và thường là ngắn hạn từ hoạt động XK hàng hóa, hoặc cung ứng dịch vụ. Các tổ chức bao thanh toán sẽ ứng trước tiền cho nhà XK với một tỷ lệ nhất định theo doanh thu và đảm nhận việc đòi nợ. Số tiền ứng trước phụ thuộc vào điều kiện thanh toán, tình hình kinh tế chính trị ở nước người nhập khẩu, khả năng thanh toán của người NK…
● Đặc điểm của BTT
- Thời hạn BTT thường là ngắn hạn và phụ thuộc vào thời hạn còn lại của khoản phải thu.
+ Đối với hợp đồng BTT từng lần: thời hạn tối đa 6 tháng;
+ Đối với hợp đồng BTT theo hạn mức: hạn mức BTT được cấp với thời hạn tối đa 12 tháng;
- BTT được thực hiện khi đã có bằng chứng về việc giao hàng. Các NHTM, các công ty tài chính chỉ cung cấp dịch vụ BTT nếu người bán hàng cung cấp được các bằng chứng về việc đã giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ: hóa đơn, vận đơn, biên bản giao nhận hàng, hối phiếu, lệnh phiếu…
- Để cung cấp dịch vụ BTT quốc tế, cần có hệ thống tổ chức bao thu ở nhiều nước (nước của người nhập khẩu);
- Ngoài cấp tín dụng, BTT còn cung cấp các dịch vụ khác như quản lý tài khoản phải thu của khách hàng, cung cấp thông tin kinh tế, thương mại…
● Các loại BTT
Căn cứ vào khả năng truy đòi, có hai hình thức BTT: BTT miễn truy đòi và BTT được phép truy đòi.
Căn cứ vào phương thức BTT, có hai hình thức BTT: BTT từng lần và BTT theo hạn mức.
BTT từng lần: là phương thức áp dụng đối với người bán hàng có nhu cầu BTT từng lần. Mỗi lần BTT, ngân hàng/ tổ chức BTT và bên bán hàng phải thực hiện các thủ tục cần thiết và ký hợp đồng BTT đối với các khoản phải thu của bên bán hàng.
BTT theo hạn mức: là phương thức áp dụng đối với người bán hàng có nhu cầu BTT thường xuyên, kinh doanh ổn định. Ngân hàng/ tổ chức BTT và bên bán hàng thoả thuận và xác định một hạn mức BTT duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong thời gian hiệu lực của hợp đồng hạn mức BTT, người bán hàng có thể vừa được ứng trước, vừa thanh toán khoản ứng trước và đảm bảo số dư ứng trước BTT không vượt quá hạn mức ứng trước đã kí kết.
● Quy trình nghiệp vụ factoring
(1) Hợp đồng thương mại (định kỳ cung ứng hàng hoá và thanh toán).
(2) Nhà xuất khẩu gửi tới tổ chức Exportfactor giấy đề nghị mua các khoản thanh toán của nhà xuất khẩu.
(3) Quan hệ giao dịch giữa Exportfactor và Importfactor.
(4) Importfactor gián tiếp kiểm tra hoạt động kinh doanh và khả năng thanh toán của nhà nhập khẩu thông qua các ngân hàng phục vụ nhà nhập khẩu.
(5) Importfactor thông báo kết quả kiểm tra cho Exportfactor.
(6) Thông báo của Exportfactor cho nhà xuất khẩu về hạn mức mua khoản thanh toán (hạn mức này phụ thuộc vào khả năng thanh toán của nhà nhập khẩu).
(7) Nhà xuất khẩu chấp nhận thoả thuận và bán khoản thanh toán cho Exportfactor và chuyển quyền sở hữu các khoản thanh toán cho Exportfactor.
(8) Tổ chức Exportfactor thông báo cho nhà nhập khẩu về việc chuyển quyền sở hữu và chuyển nợ.
(9) Importfactor thông báo cho nhà nhập khẩu về việc Importfactor đảm nhiệm nghiệp vụ nhờ thu cũng như những quan hệ giao dịch thanh toán thay cho Exportfactor.
(10) Nhà nhập khẩu thanh toán theo định kỳ thoả thuận theo đúng giá trị hợp đồng cho Importfactor và không chịu trách nhiệm về quyền truy đòi khác.
(11) Nhà nhập khẩu có quyền phản hồi thanh toán khi có vấn đề xảy ra đối với hàng nhập khẩu, hoặc không chấp nhận thanh toán. Trong các vấn đề này nhà nhập khẩu chỉ làm việc với Importfactor.
(12) Importfactor thực hiện hạch toán vào tài khoản giao dịch cho Exportfactor.
(13) Exportfactor tất toán nghiệp vụ khi thanh toán cho nhà xuất khẩu.
● Giá bao thanh toán
Khi nhận tài trợ bằng hình thức bao thanh toán, doanh nghiệp phải trả lãi và phí cho tổ chức bao thanh toán.
GIÁ BAO THANH TOÁN = Lãi (L) + Phí (P)
- Lãi được tính căn cứ vào số vốn mà đơn vị bao thanh toán ứng trước và mức lãi suất thị trường.
L = G.ut x T x r/30
Trong đó:
L: Lãi nghiệp vụ bao thanh toán.
Gut : Số tiền ngân hàng/ tổ chức BTT ứng trước cho các khoản phải thu
T: Thời gian kể từ thời điểm ứng trước đến trước ngày ngân hàng/ tổ chức BTT được thanh toán đầy đủ các khoản phải thu.
r: Lãi suất cho vay tại thời điểm bao thanh toán tính theo tháng (căn cứ theo lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng/ tổ chức BTT tại thời điểm BTT)
- Phí được tính theo một tỷ lệ % nhất định trên giá trị khoản phải thu để chi trả chi phí bù đắp rủi ro tín dụng, chi phí quản lý sổ sách bán hàng và các chi phí khác trong hoạt động ngân hàng.
P = G.pt x p btt
Trong đó:
P: Phí nghiệp vụ bao thanh toán.
Gpt : Giá trị khoản phải thu được bao thanh toán.
p btt : Tỷ lệ phí dịch vụ bao thanh toán
Theo thông lệ quốc tế, phí bao thanh toán thường chiếm 0,5-1,1 % giá trị khoản phải thu. Tại một số ngân hàng trong nước, phí bao thanh toán chiếm khoảng 0,5-0,8 % giá trị khoản phải thu.
Căn cứ tính phí:
+ Phí thẩm định đơn vị mua hàng;
+ Phí thẩm tra chứng từ các khoản phải thu;
+ Phí theo dõi giao hàng/ thực hiện hợp đồng;
+ Thông báo tình hình các khoản phải thu;
+ Phí thu hộ các khoản phải thu từ bên mua hàng;
+ Phí đảm bảo rủi ro.
Thu phí và lãi:
+ Phí: thường được thu ngay sau khi tiến hành giải ngân.
+ Lãi và khoản ứng trước: được thu một lần ngay sau khi bên mua thanh toán các khoản phải thu.
● Các khoản phải thu không được bao thanh toán
Thông thường các khoản phải thu sau đây bị từ chối chấp nhận bao thanh toán:
- Hợp đồng mua, bán hàng hóa bị cấm.
- Các giao dịch, thỏa thuận bất hợp pháp.
- Các giao dịch, thỏa thuận đang có tranh chấp.
- Các hợp đồng bán hàng dưới hình thức ký gửi.
- Các hợp đồng mua, bán hàng có thời hạn thanh toán còn lại trên 180 ngày.
- Các hợp đồng liên quan đến dự án thu tiền từng phần theo tiến độ thực hiện.
- Các khoản phải thu đã được gán nợ hoặc cầm cố, thế chấp.
- Các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng mua, bán hàng.
● Hồ sơ bao thanh toán
- Hồ sơ pháp lý
- Hồ sơ đăng ký: giấy đề nghị cấp hạn mức BTT hoặc giấy đề nghị BTT
- Hồ sơ tài chính
- Bộ hồ sơ liên quan đến khoản phải thu bao gồm:
+ Hợp đồng mua bán hàng hóa
+ Hóa đơn bán hàng
+ Phiếu xuất kho/ biên bản giao nhận hàng hóa
- Thông báo chuyển nhượng khoản phải thu cho ngân hàng/ tổ chức BTT kèm theo xác nhận và cam kết thanh toán trực tiếp cho ngân hàng/ tổ chức BTT từ đơn vị mua hàng.
- Các hồ sơ khác: hồ sơ về TSĐB,…
● So sánh BTT với chiết khấu
Giống nhau: cả BTT và chiết khấu đều cho phép người XK nhận tiền khi các khoản phải thu chưa đến hạn thanh toán.
Khác nhau:
- Chiết khấu thực hiện theo từng hối phiếu riêng biệt còn BTT có thể thực hiện với tất cả các hóa đơn chưa đến hạn thanh toán. Bao thanh toán có thể được thực hiện từng lần, hoặc bao thanh toán theo hạn mức cho những hoạt động XK thường xuyên theo định kỳ, theo hợp đồng dài hạn với nhiều nhà NK trong cùng một nước, hoặc nhiều nước. Hạn mức bao thanh toán là tổng số dư tối đa của các khoản phải thu được bao thanh toán trong một khoảng thời gian nhất định theo thỏa thuận của tổ chức bao thanh toán (factor) và bên XK trong hợp đồng bao thanh toán. Số dư bao thanh toán là số tiền mà đơn vị bao thanh toán ứng trước cho bên bán hàng.
- Trong thỏa thuận chiết khấu, ngân hàng không chịu trách nhiệm quản lí sổ sách bán hàng, trong BTT nhà factor phải chịu trách nhiệm này.
- Trong thỏa thuận chiết khấu không có thông báo nào về sự chuyển nhượng hối phiếu cho người trả tiền biết, còn BTT thì có thông báo về việc chuyển nhượng.
- BTT thực hiện nhiều nghiệp vụ hơn chiết khấu nên tỉ lệ phí thường cao hơn chiết khấu.
● So sánh BTT với các hình thức tín dụng thông thường
TDNH thông thường
- Là dạng tín dụng thuần túy, ngân hàng cho nhà XK vay vốn trong một thời hạn xác định theo các nguyên tắc tín dụng.
- Rủi ro tín dụng phụ thuộc vào uy tín và năng lực tài chính của người vay - nhà XK.
- Giá trị khoản tín dụng phụ thuộc vào năng lực tài chính và uy tín của nhà XK, nhà XK chịu trách nhiệm thu nợ từ nhà NK.
- Nhà NK không được thông báo về việc ngân hàng tài trợ khoản phải thu cho nhà XK.
- Quan hệ tài trợ chỉ liên quan đến 2 bên: ngân hàng và nhà XK.
Factoring
- Có ít nhất 2 trong 3 chức năng: tín dụng, dịch vụ thu nợ và chấp nhận rủi ro thanh toán.
- Rủi ro tín dụng phụ thuộc vào uy tín và năng lực tài chính của người mua - nhà NK.
- Thường khoản phải thu được mua đứt, khoản phải thu là cơ sở để xác định hạn mức tín dụng và ngân hàng/nhà factor thu nợ từ nhà NK.
- BTT được thông báo cho nhà NK và nhà NK có nghĩa vụ pháp lí trả nợ trực tiếp cho nhà tài trợ - tổ chức BTT.
- Quan hệ tài trợ liên quan đến 3 bên: người XK, người NK và tổ chức tài trợ.
2.1.3.3. Bảo lãnh (Guarantee)
● Khái niệm
Bảo lãnh là cam kết bằng văn bản của tổ chức bảo lãnh (bên bảo lãnh) với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh/ người thụ hưởng bảo lãnh) về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng (bên được bảo lãnh) khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.
Trong mua bán quốc tế, nhiều khi nhà xuất khẩu/ nhập khẩu không nắm chắc được khả năng và mức độ tín nhiệm của nhà nhập khẩu/ xuất khẩu, do vậy nhà xuất khẩu/ nhập khẩu sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu/ xuất khẩu phải có một tổ chức thường là ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Trách nhiệm của ngân hàng bảo lãnh là bảo đảm thi hành đúng cam kết với bên thụ hưởng trong trường hợp người xin bảo lãnh không thực hiện đầy đủ một nghĩa vụ nào đó với người thụ hưởng.
● Các chủ thể tham gia
- Bên bảo lãnh (the guarantor): là người phát hành bảo lãnh như các ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư phát triển, ngân hàng chính sách, các tổ chức tín dụng khác thành lập và hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng.
- Bên được bảo lãnh (the principal): là các khách hàng phải thực hiện các nghĩa vụ chi trả - người xin được bảo lãnh, đó là các doanh nghiệp XNK.
- Bên nhận bảo lãnh - người thụ hưởng (the beneficiary): các tổ chức, cá nhân có quyền hưởng thụ các cam kết bảo lãnh (người NK, XK, chủ thầu...).
● Chức năng của bảo lãnh
- Bảo lãnh là công cụ bảo đảm: bằng việc cam kết chi trả bồi thường khi xảy ra sự cố vi phạm hợp đồng, bảo lãnh tạo ra sự tin tưởng trong quá trình thực hiện hợp đồng.
- Bảo lãnh là công cụ tài trợ: trong trường hợp người được bảo lãnh không thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng, người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ tài trợ tài chính để thanh toán cho người nhận bảo lãnh.
● Các hình thức bảo lãnh
+ Theo phương thức phát hành bảo lãnh, có hai hình thức: bảo lãnh trực tiếp và bảo lãnh gián tiếp.
- Bảo lãnh trực tiếp (Direct Guarantee): là hình thức bảo lãnh trong đó ngân hàng của người xin bảo lãnh cam kết bồi thường không hủy ngang cho người thụ hưởng. Sau khi bồi thường người thụ hưởng, ngân hàng truy đòi bồi hoàn trực tiếp từ người xin bảo lãnh. Có 3 bên tham gia bảo lãnh: người xin bảo lãnh, ngân hàng bảo lãnh, người thụ hưởng.
- Bảo lãnh gián tiếp (Indirect Guarantee): là loại hình bảo lãnh trong đó Ngân hàng bảo lãnh phát hành bảo lãnh theo chỉ thị của một Ngân hàng trung gian phục vụ cho Người được bảo lãnh dựa trên một bảo lãnh khác gọi là bảo lãnh đối ứng. Người được bảo lãnh không chịu trách nhiệm bồi hoàn trực tiếp cho Ngân hàng phát hành mà chính Ngân hàng trung gian chịu trách nhiệm bồi hoàn cho Ngân hàng phát hành. Loại bảo lãnh này có 4 bên tham gia: người xin bảo lãnh, ngân hàng chỉ thị, ngân hàng bảo lãnh, người thụ hưởng.
+ Theo điều kiện thanh toán, có 3 hình thức:
- Bảo lãnh thanh toán vô điều kiện (Demand Guarantee): là hình thức bảo lãnh trong đó việc thanh toán được thực hiện ngay khi ngân hàng phát hành bảo lãnh nhận được yêu cầu đầu tiên bằng văn bản của người thụ hưởng không đòi hỏi phải có chứng từ kèm theo chứng minh rằng người được bảo lãnh đã vi phạm hợp đồng.
- Bảo lãnh thanh toán kèm chứng từ (Documentary Guarantee): còn gọi là bảo lãnh có điều kiện là hình thức bảo lãnh trong đó điều kiện thanh toán phải có chứng từ xác nhận của bên thứ ba - bên độc lập có đủ tư cách chuyên môn để xác nhận hành vi vi phạm hợp đồng của người được bảo lãnh.
- Bảo lãnh thanh toán kèm theo phán quyết của tòa án
+ Theo mục đích bảo lãnh, có các hình thức: bảo lãnh vay vốn; bảo lãnh dự thầu (tender guarantee); bảo lãnh thực hiện hợp đồng (performance bond /guarantee); bảo lãnh đặt cọc hay tiền ứng trước (advanced payment guarantee); bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh trả chậm (deferred payment guarantee); bảo lãnh bảo hành (maintenance guarantee).
● Một số loại bảo lãnh chủ yếu
- Bảo lãnh vay vốn: là cam kết của tổ chức tín dụng với bên nhận bảo lãnh, về việc sẽ trả nợ thay cho khách hàng trong trường hợp khách hàng không trả, hoặc không trả đầy đủ, đúng hạn nợ vay đối với bên nhận bảo lãnh.
- Bảo lãnh thanh toán: là cam kết của tổ chức tín dụng với bên nhận bảo lãnh, về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho khách hàng trong trường hợp khách hàng không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của mình khi đến hạn.
- Bảo lãnh dự thầu: là cam kết của của tổ chức tín dụng với bên mời thầu, để bảo đảm nghĩa vụ tham gia dự thầu của khách hàng. Trường hợp, khách hàng phải nộp phạt do vi phạm quy định đấu thầu mà không nộp, hoặc không nộp đầy đủ tiền phạt cho bên mời thầu thì tổ chức tín dụng sẽ thực hiện thay.
- Bảo lãnh thực hiện hợp đồng: là cam kết của tổ chức tín dụng với bên nhận bảo lãnh, bảo đảm việc thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của khách hàng theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp khách hàng vi phạm hợp đồng và phải bồi thường cho bên nhận bảo lãnh mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ thì tổ chức tín dụng sẽ thực hiện thay.
- Bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm: là cam kết của của tổ chức tín dụng với bên nhận bảo lãnh, bảo đảm việc khách hàng thực hiện đúng các thoả thuận về chất lượng của sản phẩm theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp khách hàng vi phạm chất lượng sản phẩm và phải bồi thường cho bên nhận bảo lãnh mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ thì tổ chức tín dụng sẽ thực hiện thay.
- Bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước: là cam kết của tổ chức tín dụng với bên nhận bảo lãnh về việc bảo đảm nghĩa vụ hoàn trả tiền ứng trước của khách hàng theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp khách hàng vi phạm hợp đồng và phải hoàn trả tiền ứng trước mà không hoàn trả, hoặc hoàn trả không đầy đủ thì tổ chức tín dụng sẽ thực hiện thay.
- Bảo lãnh đối ứng: là cam kết của tổ chức tín dụng (bên bảo lãnh đối ứng) với bên bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính cho bên bảo lãnh, trong trường hợp bên bảo lãnh thực hiện bảo lãnh và phải trả thay cho khách hàng của bên bảo lãnh đối ứng với bên nhận bảo lãnh.
- Xác nhận bảo lãnh: là cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng (bên xác nhận bảo lãnh) đối với bên nhận bảo lãnh, về việc bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của bên bảo lãnh đối với khách hàng.
● Các hình thức phát hành bảo lãnh
- Phát hành thư bảo lãnh: thư bảo lãnh (Letter of Sponsor) là cam kết đơn phương bằng văn bản của TCTD về việc TCTD sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.
- Hợp đồng bảo lãnh: là thoả thuận bằng văn bản giữa TCTD và bên nhận bảo lãnh hoặc giữa TCTD, bên nhận bảo lãnh, khách hàng và các bên liên quan (nếu có) về việc TCTD sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.
- Kí xác nhận bảo lãnh trên hối phiếu, lệnh phiếu,…
● Điều kiện bảo lãnh
Tùy theo chính sách của mỗi ngân hàng mà điều kiện về bảo lãnh bao gồm các quy định cụ thể khác nhau. Thông thường, để được bảo lãnh, bên được bảo lãnh phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Có trụ sở làm việc hợp pháp (đối với pháp nhân, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân) hoặc hộ khẩu thường trú (đối với hộ kinh doanh cá thể) cùng địa bàn tỉnh, thành phố nơi chi nhánh đóng trụ sở.
- Có đảm bảo hợp pháp cho nghĩa vụ được bảo lãnh.
- Có dự án đầu tư hoặc phương án kinh doanh phù hợp với các quy định của pháp luật và có hiệu quả khả thi đề nghị bảo lãnh.
- Đối với bảo lãnh hối phiếu, lệnh phiếu, khách hàng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về thương phiếu.
- Đối với bảo lãnh vay vốn nước ngoài, khách hàng phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý vay và trả nợ nước ngoài.
● Qui trình bảo lãnh
(1) Tiếp nhận, thu thập thông tin và hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ bảo lãnh
(2) Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đề nghị bảo lãnh của khách hàng, tiến hành thẩm định và lập báo cáo thẩm định bảo lãnh
(3) Xét duyệt cấp bảo lãnh và hoàn chỉnh hồ sơ bảo lãnh
(4) Ký kết hợp đồng
(5) Kiểm tra, giám sát khoản bảo lãnh
(6) Xử lý phát sinh
(7) Giải tỏa bảo lãnh
Bước 1: Tiếp nhận, thu thập thông tin và hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ bảo lãnh
● Cán bộ quan hệ khách hàng (QHKH) thu thập và đăng ký thông tin khách hàng có quan hệ bảo lãnh lần đầu, phối hợp với bộ phận liên quan để cấp mã số giao dịch cho khách hàng.
● Cán bộ QHKH tiếp nhận nhu cầu bảo lãnh và hướng dẫn khách hàng cung cấp và thiết lập các hồ sơ bảo lãnh như:
- Hồ sơ pháp lý
- Hồ sơ kinh tế
- Hồ sơ bảo lãnh
● Cán bộ QHKH nắm thông tin cơ bản khi tiếp xúc ban đầu với khách hàng:
- Tên, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh, quy mô hoạt động.
- Định hướng kinh doanh, phương thức kinh doanh.
- Năng lực sản xuất kinh doanh, tiềm lực tài chính.
- Nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm của ngân hàng.
- Nhu cầu bảo lãnh, mục đích, số tiền, loại tiền, thời gian, phương thức, hình thức bảo đảm bảo lãnh.
- Những yêu cầu khác của khách hàng đối với ngân hàng.
● Đánh giá các thông tin cơ bản của khách hàng, sàng lọc các thông tin của khách hàng, khai thác thông tin từ CIC, trung tâm phòng ngừa rủi ro để làm cơ sở phân tích thẩm định bảo lãnh.
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đề nghị bảo lãnh của khách hàng, tiến hành thẩm định và lập báo cáo thẩm định bảo lãnh
2.1 Cán bộ QHKH tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đề nghị bảo lãnh của khách hàng
2.2 Cán bộ QHKH thẩm định và lập báo cáo thẩm định bảo lãnh
+ Thẩm định năng lực quản trị điều hành và khả năng tài chính của khách hàng
+ Đánh giá chấm điểm, xếp hạng khách hàng
+ Thẩm định năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự
+ Thẩm định đề nghị bảo lãnh
+ Thẩm định về bảo đảm bảo lãnh
+ Đánh giá qhệ của khách hàng với ngân hàng và lợi ích ngân hàng được hưởng
+ Lập báo cáo thẩm định bảo lãnh
2.3 Bộ phận quản trị rủi ro tín dụng (QTRRTD xem xét đánh giá rủi ro đối với khoản bảo lãnh
- Rủi ro về pháp lý hồ sơ bảo lãnh
- Rủi ro khi quan hệ với khách hàng
- Giới hạn tín dụng đối với khách hàng, nhóm khách hàng có liên quan, ngành hàng.
- Xem xét tính đầy đủ, chính xác và logic của các nội dung trong báo cáo thẩm định bảo lãnh.
- Rủi ro đối với dự án, phương án SXKD của khách hàng
- Các rủi ro liên quan đến khoản bảo lãnh và điều kiện để hạn chế rủi ro
- Rủi ro về bảo đảm bảo lãnh
- Các rủi ro khác
Bước 3: Xét duyệt cấp bảo lãnh và hoàn chỉnh hồ sơ bảo lãnh
Trong thời gian quy định đối với từng loại bảo lãnh (dự án trung, dài, ngắn hạn) kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ bảo lãnh hợp lệ và thông tin cần thiết của khách hàng theo quy định ngân hàng phải quyết định và thông báo việc chấp thuận hoặc không chấp thuận bảo lãnh đối với khách hàng hoặc chuyển trình hồ sơ vượt quyền bảo lãnh lên ngân hàng cấp trên.
Bước 4: Ký kết hợp đồng bảo lãnh
Tuỳ theo yêu cầu của khách hàng trong giấy đề nghị bảo lãnh mà cam kết bảo lãnh có thể được phát hành bằng thư (thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh) hoặc bằng điện, hoặc bằng hình thức ký xác nhận bảo lãnh trên các thương phiếu (hối phiếu, lệnh phiếu)
Công chứng, chứng thực hợp đồng bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm (nếu có)…
Bước 5: Kiểm tra, giám sát khoản bảo lãnh
- Theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh của khách hàng, đôn đốc khách hàng thực hiện nghĩa vụ với bên hưởng lợi, dựa trên các thông tin về tình hình tài chính của khách hàng.
- Theo dõi tình hình khách hàng thực hiện và đảm bảo duy trì các cam kết với ngân hàng trong hợp đồng bảo lãnh và hợp đồng bảo đảm bảo lãnh.
- Theo dõi tài sản bảo đảm: cán bộ QHKH thực hiện kiểm tra hiện trạng và đánh giá lại giá trị tài sản bảo đảm bảo lãnh theo định kỳ.
- Đề xuất biện pháp xử lý khi cần thiết. Trường hợp phát sinh rủi ro bất khả kháng sau bảo lãnh, cán bộ QHKH lập biên bản xác định rủi ro bất khả kháng sau bảo lãnh.
Bước 6: Xử lý phát sinh
- Xét duyệt gia hạn bảo lãnh
- Xử lý khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, làm thủ tục trả tiền cho bên nhận bảo lãnh theo đúng cam kết bảo lãnh
- Nếu trên tài khoản của khách hàng không đủ số dư, cán bộ QHKH thực hiện như sau:
+ Yêu cầu khách hàng nhận nợ vay bắt buộc bằng số tiền còn thiếu với lãi suất quá hạn
+ Trường hợp ngân hàng đã thông báo nhiều lần nhưng khách hàng vẫn không trả nợ thì phát mại tài sản bảo đảm
Bước 7: Giải toả bảo lãnh
- Giải toả bảo lãnh: Cam kết bảo lãnh của ngân hàng chấm dứt trong những trường hợp sau: (1) Bên nhận bảo lãnh có văn bản xác nhận chấm dứt cam kết bảo lãnh; (2) Cam kết bảo lãnh đã hết thời hạn hiệu lực đã ghi trong cam kết bảo lãnh, hoặc thời hạn để bên nhận bảo lãnh xuất trình yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đã hết; (3) Khách hàng cung cấp cho ngân hàng hồ sơ chứng minh đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh.
- Giải toả các hợp đồng bảo đảm bảo lãnh: (1) kiểm tra tình trạng giấy tờ, tài sản bảo đảm; (2) xuất kho giấy tờ, tài sản bảo đảm và làm thông báo giải chấp tài sản bảo đảm; (3) giao trả tài sản bảo đảm cho khách hàng.
● Phí bảo lãnh
Phí bảo lãnh tính cho mỗi khoản bảo lãnh:
Phí BL = Số dư BL x Tỉ lệ phí BL x Thgian BL
- Phí bảo lãnh là phí dịch vụ của ngân hàng bảo lãnh thu từ người xin bảo lãnh
- Số dư bảo lãnh là số tiền đang còn được bảo lãnh
- Tỉ lệ phí bảo lãnh do các bên thỏa thuận tùy thuộc vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo lãnh, tỉ lệ kí quỹ của người xin bảo lãnh. Thông thường tỉ lệ này không vượt quá 2%/ năm tính trên số tiền còn đang được bảo lãnh
- Thời gian bảo lãnh là thời gian (tính theo ngày) ngân hàng chịu trách nhiệm bảo lãnh về số dư bảo lãnh và có nghĩa vụ thanh toán theo bảo lãnh đã cấp
2.2. THỜI HẠN TÍN DỤNG (Duration of credit)
Khi tham gia các quan hệ tín dụng, người cho vay và người đi vay đều rất quan tâm đến thời hạn tín dụng. Thời hạn tín dụng có liên quan chặt chẽ đến tổng chi phí mà bên đi vay phải trả người cho vay, đến những rủi ro có thể xảy ra đối với tiền vay, đến thời hạn sử dụng tiền vay...
Khi xem xét về thời hạn tín dụng người ta thường phân biệt hai loại: thời hạn tín dụng chung và thời hạn tín dụng trung bình.
2.2.1. Thời hạn tín dụng chung
Thời hạn tín dụng chung là khoảng thời gian kể từ khi bắt đầu cấp tín dụng (phát tiền vay, giải ngân) cho đến khi hoàn trả xong khoản tín dụng.
Thời hạn này bao gồm ba thời kỳ: thời kỳ cấp tín dụng, thời kỳ ưu đãi, thời kỳ trả nợ.
- Thời kỳ cấp tín dụng là khoảng thời gian tính từ lúc bắt đầu cấp tiền vay/ giải ngân đến khi cấp xong/ giải ngân xong khoản tiền vay đó.
Khoảng thời gian này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào đặc điểm của đối tượng vay vốn và phương thức cấp tín dụng. Nếu toàn bộ khoản tiền vay được cấp một lần thì thời hạn cấp tín dụng bằng 0. Nếu toàn bộ khoản tiền vay được cấp từ hai lần trở lên thì thời hạn cấp tín dụng sẽ lớn hơn 0.
- Thời kỳ ưu đãi (còn gọi là thời kỳ ân hạn, thời kỳ hoãn trả): là khoảng thời gian tính từ khi cấp xong toàn bộ khoản tín dụng cho đến khi bắt đầu hoàn trả tiền vay.
Thời gian này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào thời gian dự trữ, thời gian ổn định để đưa tài sản hình thành từ vốn vay vào sản xuất, kinh doanh. Đây là khoảng thời gian duy nhất trong suốt thời hạn vay mà toàn bộ số tiền vay thuộc quyền quản lí, sử dụng của người vay.
- Thời kỳ hoàn trả: là khoảng thời gian tính từ khi bắt đầu hoàn trả cho đến lúc hoàn trả xong toàn bộ tiền vay (bao gồm cả gốc và lãi).
Thời kỳ này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào đặc điểm luân chuyển của đối tượng vay, vào khả năng trả nợ của người đi vay và khả năng cấp tín dụng của người cho vay, tuỳ thuộc vào phương thức trả nợ. Nếu toàn bộ khoản nợ vay được trả một lần thì thời kỳ trả nợ bằng 0. Nếu toàn bộ khoản nợ vay được trả làm nhiều lần thì thời kỳ trả nợ sẽ lớn hơn 0.
2.2.2. Thời hạn tín dụng trung bình
Để xác định thời hạn sử dụng thực tế của một khoản tín dụng, làm cơ sở so sánh các khoản tín dụng với nhau, nhằm đưa ra các quyết định quản trị có hiệu quả nhất, điều quan trọng đối với bên đi vay cũng như bên cho vay là xác định thời hạn trung bình của khoản tín dụng.
Thời hạn tín dụng trung bình là khoảng thời gian trong đó toàn bộ số tiền vay (100% giá trị hợp đồng tín dụng) thuộc quyền quản lí, sử dụng của người vay.
Trong các ví dụ trên, ở thời kỳ cấp tín dụng và thời kỳ trả nợ người đi vay chỉ được sử dụng một tỷ lệ % nhất định nào đó của toàn bộ số tiền vay (<100%). Như vậy, để xác định thời hạn tín dụng trung bình cần quy đổi lượng vốn được sử dụng trong hai khoảng thời gian trên về toàn bộ giá trị khoản tín dụng xem tương ứng với khoảng thời gian bao lâu? Đó chính là thời hạn tín dụng trung bình.
Thời hạn tín dụng chung chỉ cho chúng ta thấy khoảng thời gian từ lúc cấp tín dụng đến khi hoàn trả xong khoản tín dụng đó mà không thấy rõ được thời gian thực tế người vay có quyền quản lí và sử dụng trọn vẹn khoản tín dụng này như thế nào. Còn thời hạn tín dụng trung bình cho ta thấy rõ khoảng thời gian thực tế người vay có quyền quản lí, sử dụng toàn bộ khoản tín dụng là bao lâu. Đây chính là một căn cứ hết sức quan trọng giúp người đi vay có được một phương pháp lựa chọn các nguồn tài trợ có hiệu quả nhất, đặc biệt là trong quan hệ tín dụng thương mại.
Khác với các quan hệ tín dụng thông thường, giá cả tín dụng phát sinh trong quan hệ mua bán chịu hàng hoá giữa nhà xuất và nhập khẩu thường không thể hiện bằng yếu tố lãi suất mà được thể hiện thông qua giá cả hàng hoá. Trong nhiều trường hợp, nhà nhập khẩu nhận được những bức điện chào hàng có giá cả hàng hoá, thời hạn tín dụng chung và các điều kiện khác như chất lượng hàng, thời hạn giao hàng chuyến đầu tiên... là giống nhau, nhưng lại có những phương thức giao hàng và trả nợ rất khác nhau. Trong trường hợp này chúng ta không thể căn cứ vào các điều kiện chung như giá cả, chất lượng hàng, thời hạn tín dụng chung... để lựa chọn, mà cần phải căn cứ vào thời hạn tín dụng trung bình mới có được quyết định đúng đắn nhất.
Về phía người xuất khẩu, thời hạn tín dụng trung bình cũng là căn cứ quan trọng để lựa chọn các đơn đặt hàng, là cơ sở để xác định chính sách giá cả hàng hoá trong các hợp đồng mua bán ngoại thương.
Rõ ràng là, trong các điều kiện chung giống nhau thì người đi vay bao giờ cũng muốn thời hạn tín dụng trung bình càng dài càng tốt, còn người cho vay thì có mong muốn ngược lại.
Nếu thời hạn tín dụng chung không thay đổi, thời hạn tín dụng trung bình dài, hay ngắn phụ thuộc vào phương thức cấp phát và trả nợ vay.
- Trường hợp 1: nếu toàn bộ khoản tín dụng được cấp một lần và trả một lần thì thời hạn tín dụng trung bình là lớn nhất và bằng thời hạn tín dụng chung.
- Trường hợp 2: nếu toàn bộ khoản tín dụng được cấp và trả nợ từ hai lần trở lên thì thời hạn tín dụng trung bình bao giờ cũng ngắn hơn thời hạn tín dụng chung.
Có nhiều cách cấp phát tín dụng và trả nợ. Ví dụ:
+ Cấp và trả nhiều lần, mỗi lần đều bằng nhau và trong những khoảng thời gian như nhau.
+ Cấp, trả theo tỷ lệ tăng dần hoặc giảm dần:
Nếu cấp theo tỷ lệ giảm dần (lần đầu cấp nhiều, các lần cấp sau giá trị càng giảm đi), trả theo tỷ lệ tăng dần (lần đầu trả ít, các lần trả tiếp theo giá trị càng tăng lên) thì thời hạn tín dụng trung bình có xu hướng tăng.
Ngược lại, nếu cấp theo tỷ lệ tăng dần, trả theo tỷ lệ giảm dần thì thời hạn tín dụng trung bình có xu hướng giảm.
+ v.v...
2.3. LÃI SUẤT VÀ PHÍ SUẤT TÍN DỤNG
2.3.1. Lãi suất tín dụng
● Khái niệm
Lãi suất tín dụng là tỷ lệ phần trăm giữa lợi tức người cho vay thu được và tổng số tiền cho vay trong một khoảng thời gian nhất định.
Lãi suất
tín dụng
(tháng/ năm)
=
Lợi tức (tháng/ năm)
----------------------------
Tổng số tiền cho vay
● Các loại lãi suất tín dụng
Có nhiều loại lãi suất tùy theo tiêu thức phân loại.
- Căn cứ vào thời hạn cho vay: lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
- Theo nghiệp vụ tín dụng: lãi suất cho vay thông thường, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái chiết khấu.
- Theo loại tiền cho vay: lãi suất cho vay bằng nội tệ (VND), lãi suất cho vay bằng ngoại tệ (USD, GBP, JPY, EUR…).
Trong kinh doanh XNK, thu nhập và chi phí từ hoạt động XK, NK thường phát sinh bằng ngoại tệ. Do vậy, khác với tài trợ kinh doanh nội địa, người vay có thể và cần phải lựa chọn loại tiền vay thích hợp để giảm thiểu chi phí sử dụng vốn vay. Chẳng hạn, một nhà nhập khẩu hiện đang cần USD để thanh toán tiền hàng nhập khẩu. Vấn đề đặt ra đối với nhà nhập khẩu là nên vay USD, VND hay GBP hay một loại ngoại tệ nào khác. Để trả lời được câu hỏi này, nhà nhập khẩu cần phải căn cứ vào điều kiện thực tế của doanh nghiệp (ví dụ: luồng tiền vào trong thời gian tới của doanh nghiệp là VND từ bán hàng trong nước, USD từ thanh toán lô hàng xuất khẩu đã thực hiện cách đây 1 tháng…), từ thông tin thị trường về lãi suất cho vay đối với từng loại tiền, về biến động sức mua của mỗi loại tiền, về chính sách quản lí ngoại hối của Chính phủ…
2.3.2. Phí suất tín dụng - credit cost
Khi sử dụng một khoản tín dụng, bên đi vay phải trả cho bên cho vay một số tiền lãi nhất định. Ngoài ra, do đặc điểm của mỗi loại hình tín dụng và điều kiện cụ thể của các bên tham gia hợp đồng tín dụng mà ngoài lãi tiền vay, người đi vay còn có thể phải chi trả những khoản chi phí khác có liên quan đến hợp đồng tín dụng đó.
Để đánh giá được mức chi phí (hay giá cả) thực tế mà người đi vay phải bỏ ra cho việc sử dụng một đơn vị tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định (tháng hoặc năm), người ta tính toán và phân tích phí suất tín dụng.
Phí suất tín dụng là tỷ lệ % tính theo tháng, hoặc năm của quan hệ so sánh giữa tổng số chi phí và tổng số tiền vay thực tế được sử dụng.
* Tổng chi phí vay
Các yếu tố chi phí phát sinh trong quan hệ tín dụng gồm có: lãi tiền vay, lệ phí, phí bảo hiểm tín dụng, hoa hồng trả cho môi giới, chi phí về dịch vụ tư vấn, chi phí đàm phán, ký kết hợp đồng tín dụng và các chi phí dấu mặt khác.
Lãi tiền vay là yếu tố chính cấu thành nên tổng chi phí vay và cũng là yếu tố quan trọng để xác định hiệu quả của khoản tín dụng đối với bên cho vay, cũng như bên đi vay. Chính vì vậy, mỗi khi đàm phán ký kết một hợp đồng tín dụng, cả hai bên đều rất quan tâm đến yếu tố này.
Lãi tiền vay được tính căn cứ vào kim ngạch của khoản tín dụng, thời hạn sử dụng vốn vay, lãi suất vay.
Đối với mỗi khoản tín dụng khác nhau thì lãi suất và phương pháp tính lãi, trả lãi cũng khác nhau (ví dụ: có thể tính lãi theo phương pháp tính lãi đơn, hoặc tính theo phương pháp tính lãi ghép, lãi có thể phải trả trước, hoặc trả sau, hoặc trả theo những định kỳ nhất định). Nếu chậm trả còn phải chịu thêm một tỷ lệ phạt nhất định. Trong các hợp đồng tín dụng, lãi suất bao giờ cũng là một yếu tố được thể hiện công khai, cụ thể, rõ ràng.
Ngoài lãi tiền vay, khi sử dụng nguồn vốn tín dụng, người đi vay còn phải trả các chi phí khác, tuy không lớn bằng lãi vay, song nó cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng vốn vay. Những chi phí đó là:
- Phí: khi vay vốn người vay có thể phải trả nhiều khoản phí khác nhau.
+ Phí thanh toán cho tổ chức tín dụng: tùy theo hình thức cho vay cụ thể và thực tế phát sinh trong quá trình cho vay, ngoài lãi tiền vay, người cho vay có thể thu thêm các khoản phí như phí cam kết trong cho vay hạn mức, phí quản lí trong cho vay hợp vốn, phí tư vấn, phí trả nợ trước hạn, …
+ Phí bảo hiểm tín dụng: loại phí này thông thường do bên cho vay đóng cho tổ chức bảo hiểm tín dụng nhưng lại do bên đi vay gánh chịu. Thông thường khoản phí này tính theo tỷ lệ % trên số vốn cho vay chưa hoàn trả và thanh toán theo từng đợt hoàn trả khoản tín dụng. Bên cho vay sau khi thanh toán cho tổ chức bảo hiểm sẽ thu lại số phí bảo hiểm từ bên đi vay. Phương pháp thường dùng là tăng thêm ở lãi suất một tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ phí bảo hiểm. Tuỳ theo từng nước, tỷ lệ phí bảo hiểm tín dụng khoảng từ 0,3%-0,5% trên số dư nợ từng kỳ.
+ Phí dịch vụ của các luật gia, tư vấn trong việc xây dựng hợp đồng tín dụng.
+ Phí môi giới (hoa hồng): đây là loại chi phí mà người đi vay phải chi trả cho các tổ chức và cá nhân khi họ làm trung gian trong quan hệ tín dụng. Loại chi phí này thường phát sinh trong trường hợp người đi vay không trực tiếp vay được ở người cho vay. Hoa hồng trả cho môi giới thường tính theo một tỷ lệ % nhất định trên tổng số tiền vay.
- Chi phí về tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng, và các khoản chi phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng.
- V.v...
* Tổng số tiền vay thực tế được sử dụng
Tổng số tiền vay thực tế được sử dụng là hiệu số giữa số tiền vay danh nghĩa (tức là số tiền vay ghi trên hợp đồng tín dụng) và các khoản khấu trừ khi nhận tiền vay.
Trong một số trường hợp, ngay sau khi nhận được tiền vay, người đi vay phải chi trả/ khấu trừ ngay một số tiền nhất định như: lãi tiền vay (phát sinh trong trường hợp vay theo hình thức chiết khấu chứng từ), các khoản lệ phí, hoa hồng trả môi giới...
Từ các công thức tính lãi suất và phí suất tín dụng cho thấy, phí suất tín dụng bao giờ cũng lớn hơn hoặc bằng (≥) lãi suất tín dụng. Dấu bằng xảy ra khi người đi vay không phải trả khoản chi phí nào khác ngoài lãi tiền vay và số tiền vay thực tế được sử dụng đúng bằng số tiền vay ghi trên hợp đồng. Các trường hợp còn lại sẽ xảy ra dấu lớn hơn. Nếu các khoản chi phí khác mà người đi vay phải chi trả càng lớn, số tiền bị khấu trừ ngay khi nhận tiền vay càng nhiều thì phí suất tín dụng sẽ càng lớn.
Qua phân tích trên, cho chúng ta thấy rằng: phí suất tín dụng là căn cứ quan trọng để đánh giá chi phí sử dụng vốn vay và cũng là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn nguồn tài trợ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top