nghiepvukdnh
3.1.TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI
3.1.1. Khái niệm, chức năng và đặc điểm của thị trường ngoại hối
3.1.1.1. Khái niệm ngoại hối và thị trường ngoại hối
Ngoại hối là thuật ngữ dùng để chỉ các phương tiện tiền tệ được sử dụng trong thanh toán quốc tế. Tùy theo cơ chế quản lí ngoại hối của mỗi quốc gia mà ngoại hối bao gồm các loại khác nhau. Ở Việt Nam, theo chế độ quản lí ngoại hối hiện hành, ngoại hối bao gồm:
+ Ngoại tệ (tiền xu, tiền giấy, tiền trên tài khoản, tiền điện tử và các phương tiện khác được xem như tiền);
+ Các phương tiện thanh toán quốc tế (séc, kỳ phiếu, hối phiếu…);
+ Giấy tờ có giá ghi bằng ngoại tệ (trái phiếu, cổ phiếu và các giấy tờ có giá khác);
+ Vàng tiêu chuẩn quốc tế;
+ Đồng tiền quốc gia do người không cư trú nắm giữ.
Thị trường ngoại hối (The Foreign Exchange Market - FOREX), theo nghĩa rộng, là nơi mua bán ngoại hối. Tuy nhiên, vai trò tiền tệ của vàng ngày càng giảm nên khi nói đến FOREX, người ta thường hiểu là thị trường mua bán các đồng tiền.
Như vậy “Thị trường ngoại hối là một bộ phận của thị trường tài chính, nơi diễn ra hoạt động mua bán các đồng tiền”.
Theo số liệu thống kê, các giao dịch ngoại hối trên thị trường liên ngân hàng (interbank) chiếm tỉ trọng lớn (khoảng trên dưới 85% doanh số), phần còn lại là giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng và giao dịch giữa các chủ thể kinh doanh khác với khách hàng.
3.1.1.2. Chức năng của thị trường ngoại hối
FOREX là một thị trường có sự tham gia của nhiều chủ thể như ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương, các tập đoàn kinh tế, các nhà môi giới, nhà đầu cơ, kinh doanh acbit... Việc chi trả cho hoạt động xuất nhập khẩu và mua bán tài sản đều phải thông qua thị trường ngoại hối. Thị trường ngoại hối thực hiện một số chức năng cơ bản sau đây:
- Cung cấp ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán các giao dịch thương mại quốc tế;
- Luân chuyển các khoản đầu tư, tín dụng quốc tế… giữa các quốc gia;
- Là nơi kinh doanh và cung cấp các công cụ phòng ngừa rủi ro hối đoái;
Trong hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế, các công ty luôn phải đối mặt với rủi ro, trong đó rủi ro sức mua của đồng tiền hay rủi ro hối đoái chiếm tỷ trọng lớn trong kết cấu tổn thất. Đề bù đắp tổn thất và trước hết là phòng ngừa rủi ro, các công ty thường tham gia thị trường ngoại hối với tư cách là nhà đầu cơ và chủ thể tự bảo hiểm khi sử dụng các công cụ phái sinh của thị trường ngoại hối.
- Ngoài ra, FOREX còn là nơi thể hiện sức mua đối ngoại của tiền tệ quốc gia; là nơi để NHTW can thiệp, điều chỉnh tỉ giá theo hướng có lợi cho nền kinh tế.
3.1.1.3. Đặc điểm của thị trường ngoại hối
Thị trường ngoại hối có một số đặc điểm cơ bản sau:
- Hàng hóa của thị trường ngoại hối đó là các đồng tiền. Giao dịch ngoại hối là hoạt động mua một số lượng đồng tiền này bằng một đồng tiền kia, hoặc bán một số lượng đồng tiền này để lấy đồng tiền kia.
- Thị trường ngoại hối có tính toàn cầu hay thị trường không biên giới. Do sự chênh lệch về múi giờ giữa các khu vực trên thế giới nên các giao dịch ngoại hối toàn cầu được diễn ra liên tục, chỉ gián đoạn vào thời gian nghỉ cuối tuần, hoặc nghỉ lễ. Thị trường bắt đầu hoạt động từ Australia, Nhật Bản, Singapore, Hồngkông, Châu Âu, Newyork… Khi thị trường châu Á đóng cửa thì thị trường châu Âu bắt đầu ngày giao dịch mới. Đây là chu kỳ giao dịch có tính khép kín toàn cầu.
- Không giống như các thị trường tài chính khác, thị trường ngoại hối có thể không cần một trung tâm tài chính hoặc một trung tâm giao dịch. Bộ phận quan trọng nhất của thị trường ngoại hối là thị trường liên ngân hàng (Interbank). Hoạt động chủ yếu của thị trường là các giao dịch điện tử của các ngân hàng nối kết với nhau và hoạt động 24 giờ mỗi ngày. Thành viên của thị trường liên ngân hàng là các ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại, nhà môi giới ngoại hối.
- Các giao dịch trên thị trường ngoại hối có tính tập trung và tính xu hướng. Một số đồng tiền được giao dịch thường xuyên nhất trên các thị trường hiện nay là USD, EUR, JPY, GBP, CHF. Tuy nhiên, do vị thế của mỗi loại tiền trên thị trường không cố định mà biến đổi theo thời gian (bởi tác động của tiềm lực kinh tế chính trị, tình hình phát triển kinh tế của quốc gia hoặc khu vực phát hành ra đồng tiền đó,…) làm ảnh hưởng đến xu hướng giao dịch của chúng.
- Độ thanh khoản của hàng hóa trên thị trường cao. Không giống như các bộ phận thị trường tài chính khác, khi tham gia thị trường ngoại hối, chủ thể có thể thực hiện giao dịch mua bán bất kỳ lúc nào và không phải quá đắn đo lựa chọn loại tiền đầu tư, bởi vì hàng hóa giao dịch chỉ tập trung vào một số đồng tiền chính.
3.1.2. Thành viên tham gia thị trường ngoại hối
Tham gia thị trường ngoại hối bao gồm nhiều chủ thể khác nhau.
● Theo động lực thúc đẩy tham gia thị trường
Theo tiêu thức này, chủ thể tham gia thị trường ngoại hối bao gồm: nhóm khách hàng mua lẻ, các NHTM, các nhà môi giới và các ngân hàng trung ương.
- Nhóm khách hàng mua bán lẻ (Retail Clients)
Khách hàng mua bán lẻ bao gồm các tập đoàn đa quốc gia, các công ty nội địa, các nhà đầu tư quốc tế và dân chúng. Nhóm khách hàng mua bán lẻ tham gia thị trường ngoại hối với hai mục đích cơ bản, đó là chuyển đổi tiền tệ đáp ứng nhu cầu chi trả trong hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế và phòng ngừa rủi ro hối đoái. Trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu ngoại hối, nhóm khách hàng mua bán lẻ chủ yếu giao dịch qua ngân hàng bởi ngân hàng là chủ thể cung ứng ngoại hối với lợi thế vượt trội: chi phí giao dịch, giá cả, loại tiền tệ, khối lượng, thời gian và hạn chế được rủi ro.
- Các ngân hàng thương mại (Commercial Banks)
Ngân hàng thương mại là một chủ thể quan trọng tham gia thị trường ngoại hối. Ngân hàng thương mại tham gia thị trường ngoại hối với chức năng cung ứng dịch vụ mua bán hộ và kinh doanh ngoại hối cho chính mình. Đối với chức năng cung ứng dịch vụ, ngân hàng thương mại tham gia với vai trò trung gian hoạt động mua bán đối với nhóm khách hàng mua bán lẻ thông qua việc mua hộ, bán hộ và hưởng chênh lệch. Ngoài ra, các ngân hàng còn kết hợp cung ứng dịch vụ thanh toán, tín dụng và bảo lãnh… Tùy theo từng dịch vụ cung ứng ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro và ảnh hưởng tới kết cấu tài sản nội bảng. Khi ngân hàng tham gia thị trường ngoại hối với tư cách nhà đầu tư, ngân hàng kinh doanh cho chính mình thông qua việc bỏ vốn, tạo ra trạng thái ngoại hối. Kết quả hoạt động này bị chi phối bởi rủi ro và kết cấu bảng cân đối nội bảng và ngoại bảng.
- Những nhà môi giới ngoại hối (Brokers)
Trên thị trường INTERBANK, nhà môi giới là chủ thể tập trung thông tin về mức giá đặt mua và đặt bán của các ngân hàng, do đó họ có thể đưa ra mức giá tốt nhanh chóng. Mặc dù các ngân hàng phải trả phí môi giới, điều này làm cho khe hở tỷ giá hẹp lại nhưng giao dịch qua môi giới rất phát triển vì tính hiệu quả của giao dịch.
- Các ngân hàng trung ương (Central Bankers)
Các ngân hàng trung ương tham gia thị trường ngoại hối với chức năng can thiệp thị trường nhằm mục đích điều hành tỷ giá theo mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia. Các NHTW can thiệp thị trường ngoại hối bằng cách mua hoặc bán ngoại hối nhằm duy trì tỷ giá theo hướng phù hợp.
● Theo chức năng hoạt động trên thị trường
Theo tiêu thức này, chủ thể tham gia thị trường ngoại hối bao gồm: nhà môi giới, nhà kinh doanh, nhà đầu cơ, nhà kinh doanh chênh lệch tỉ giá và các chủ thể khác.
- Nhà môi giới (Brokers)
Nhà môi giới tham gia thị trường với chức năng mua bán hộ cho khách hàng. Nghiệp vụ này được thực hiện chủ yếu bởi các NHTM, họ liên tục cung cấp dịch vụ mua hộ (dùng tiền của khách hàng để mua một loại tiền mà khách hàng yêu cầu) và bán hộ (bán hộ khách hàng một đồng tiền nhất định để lấy một đồng tiền khác). Nếu việc mua vào và bán ra diễn ra đồng thời với số lượng bằng nhau, thì ngân hàng không cần bỏ vốn và không chịu rủi ro tỉ giá. Thu nhập của ngân hàng chính là chênh lệch giữa tỉ giá bán ra và tỉ giá mua vào.
- Nhà kinh doanh (Dealers)
Nhà kinh doanh là người thực hiện mua bán tiền tệ cho chính mình bằng nguồn vốn của mình để hưởng thu nhập từ chênh lệch tỉ giá. Hành vi mua bán của nhà kinh doanh diễn ra tại hai thời điểm khác nhau, nên hoạt động kinh doanh đã tạo ra trạng thái mở và người kinh doanh phải chịu rủi ro tỉ giá và phải bỏ vốn kinh doanh.
- Nhà đầu cơ tỉ giá (Speculators)
Đầu cơ cũng là hoạt động kinh doanh mua bán tiền tệ cho chính mình để hưởng chênh lệch tỉ giá. Có hai hình thức đầu cơ:
(1) Đầu cơ giá lên: nhà đầu cơ dự đoán một loại tiền nào đó có xu hướng tăng giá trong tương lai nên quyết định mua vào và chờ giá tăng sẽ bán.
(2) Đầu cơ giá xuống: nhà đầu cơ dự đoán một loại tiền nào đó có xu hướng xuống giá trong tương lai nên quyết định vay đồng tiền đó bán trước, chờ giá xuống mua vào để trả nợ.
Nhà đầu cơ cũng có thể so sánh tỉ giá kì hạn với kết quả dự báo về tỉ giá giao ngay thời điểm đó để quyết định mua hay bán kì hạn.
Giữa kinh doanh (đầu tư) và đầu cơ có đặc điểm giống nhau là cùng mua bán ngoại tệ nhằm thu lợi nhuận từ chênh lệch tỉ giá. Tuy nhiên, chúng cũng có những điểm khác nhau. Đầu cơ thường gắn với hành vi găm dữ chờ cơ hội tăng giá, hoặc giảm giá để thu lợi nhuận cao. Trên thực tế, việc phân biệt đâu là đầu tư và đâu là đầu cơ không phải dễ dàng.
- Người kinh doanh chênh lệch tỉ giá (Arbitrageurs)
Arbitrage (acbit) cũng là hoạt động kinh doanh mua và bán tiền tệ trên các thị trường khác nhau để hưởng chênh lệch tỉ giá. Về lí thuyết, hành vi acbit diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nên không chịu rủi ro về tỉ giá và không phải bỏ vốn. Tuy nhiên, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, cơ hội kinh doanh acbit ngày càng thu hẹp dần. Bởi vì, khi các các chủ thể kinh doanh tiền tệ (ngân hàng) nhận ra việc niêm yết tỉ giá không thống nhất thì ngay lập tức một hoặc cả hai ngân hàng sẽ điều chỉnh tỉ giá mua và bán của mình, dẫn đến mất cơ hội kinh doanh acbit.
Bảng 3.1: Một số điểm khác nhau giữa Arbitrage và Speculation
Tiêu chí
Arbitrage
Speculation
1. Thời gian
Mua & bán xảy ra đồng thời
Mua & bán xảy ra tại 2 thời điểm
2. Vốn kinh doanh
Không cần bỏ vốn
Phải bỏ vốn
3. Trạng thái ngoại hối
Không tạo ra trạng thái ngoại hối
Tạo ra trạng thái ngoại hối mở
4. Rủi ro tỉ giá
Không chịu rủi ro tỉ giá
Chịu rủi ro tỉ giá
5. Cơ sở & cơ hội kinh doanh
Quan sát thị trường
Chỉ thoáng qua
Dự báo thị trường
Có thể tiến hành bất cứ lúc nào
6. Lãi kinh doanh
Chắc chắn và biết trước
Không chắc chắn
7. Địa điểm kinh doanh
Tại 2 thị trường
Có thể tại 1 thị trường
Ngoài các chủ thể nêu trên, tham gia thị trường ngoại hối còn có các khách hàng mua bán lẻ, ngân hàng trung ương…
3.1.3. Phân loại thị trường ngoại hối
Thị trường ngoại hối bao gồm nhiều loại tùy theo tiêu thức phân chia.
● Căn cứ vào thời gian giao nhận ngoại hối
Theo tiêu thức này, thị trường ngoại hối bao gồm thị trường giao ngay, thị trường kỳ hạn.
Thị trường ngoại hối giao ngay là thị trường giao dịch ngoại hối mà việc thanh toán và giao nhận ngoại hối được thực hiện ngay trong ngày giao dịch, hoặc tại ngày xác định theo quy định. Thông thường ngày giá trị (ngày giao nhận ngoại hối, ngày hoàn tất giao dịch) theo nguyên tắc T+ 2.
Thị trường ngoại hối kỳ hạn là thị trường ngoại hối mà hợp đồng mua bán được thiết lập ngày hôm nay, việc thanh toán và giao nhận được thực hiện sau một khoảng thời gian nhất định.
● Căn cứ vào tính chất kinh doanh
Theo tiêu thức này, thị trường ngoại hối bao gồm thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ.
Thị trường bán buôn là thị trường liên hàng quốc tế trong đó chủ thể tham gia chủ yếu là các ngân hàng thương mại.
Thị trường bán lẻ là thị trường ngoại hối mà nhóm khách hàng mua bán lẻ tham gia và được các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu ngoại hối.
● Căn cứ vào cơ chế giao dịch
Theo tiêu thức này, thị trường ngoại hối bao gồm thị trường tập trung và thị trường phi tập trung.
Thị trường tập trung là thị trường ở đó việc giao dịch mua bán ngoại hối được thực hiện tại một địa diểm tập trung được gọi là sàn giao dịch. Mọi giao dịch trên thị trường tập trung được chuẩn hóa nguyên tắc và cơ chế giao dịch trên phạm vi toàn cầu.
Thị trường phi tập trung là thị trường ở đó giao dịch mua bán ngoại hối không diễn ra tại một địa điểm tập trung mà thông qua hệ thống máy tính kết nối với thành viên của thị trường.
● Căn cứ vào nghiệp vụ kinh doanh
Theo tiêu thức này, thị trường ngoại hối bao gồm thị trường giao ngay, thị trường kỳ hạn, thị trường hoán đổi, thị trường hợp đồng tương lai và thị trường quyền chọn.
● Theo tính chất pháp lí
Theo tiêu thức này, thị trường ngoại hối bao gồm thị trường chính thức (thị trường hợp pháp) và thị trường phi chính thức (thị trường ngầm, chợ đen).
● Theo phương thức giao dịch
Theo tiêu thức này, thị trường ngoại hối bao gồm thị trường giao dịch trực tiếp (Direct Interbank) và thị trường giao dịch qua môi giới (Indirect Interbank).
● Theo quy mô và phạm vi hoạt động
Theo tiêu thức này, thị trường ngoại hối bao gồm thị trường ngoại hối nội địa, thị trường ngoại hối quốc tế.
Nghiên cứu phân loại thị trường ngoại hối có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các chủ thể tham gia. Qua nghiên cứu thị trường theo từng tiêu thức phân loại giúp các chủ thể không những biết được các bộ phận cấu thành mà còn hiểu rõ những đặc điểm riêng của mỗi loại thị trường để tổ chức quản lí, điều hành (nếu là người tổ chức, quản lí) và lựa chọn thị trường và các nghiệp vụ kinh doanh thích hợp (nếu là các chủ thể kinh doanh và đầu tư)…
3.2. TỶ GIÁ VÀ XÁC ĐỊNH TỈ GIÁ
3.2.1. Tỷ giá và phân loại tỷ giá
● Khái niệm tỉ giá
Trong các quan hệ kinh tế đối nội, đồng tiền được sử dụng phổ biến là nội tệ. Trái lại, trong các giao dịch kinh tế quốc tế, đồng tiền được sử dụng chủ yếu là các loại ngoại tệ mạnh, hay các đồng tiền được tự do chuyển đổi. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả, đầu tư quốc tế… các chủ thể thường phải chuyển đổi từ một loại tiền này sang một tiền khác theo một tỷ lệ nhất định. Tỷ lệ đó chính là tỷ giá.
Có nhiều quan điểm khác nhau về tỉ giá hối đoái. Trong đó, một quan điểm có tính phổ biến: “Tỷ giá (Foreign Exchange Rate) là giá cả của một đơn vị tiền tệ này được biểu thị thông qua một số đơn vị tiền tệ khác”.
Tỷ giá thể hiện tương quan về sức mua giữa các đồng tiền, là cơ sở xác định giá cả của hàng hóa, dịch vụ và đánh giá kết quả, hiệu quả các hoạt động kinh tế quốc tế.
Tỷ giá là công cụ chuyển giá của các hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia. Một sự thay đổi của tỷ giá sẽ tác động tới giá cả nhập khẩu, xuất khẩu của hàng hóa, dịch vụ và thu nhập của người cư trú, người không cư trú khi họ có thu nhập thể hiện bằng nhiều đồng tiền. Sự thay đổi của tỷ giá dẫn tới kết quả: một đồng tiền trong quan hệ tỷ giá sẽ tăng giá và đồng tiền còn lại sẽ giảm giá so với đồng tiền kia.
● Các yếu tố tác động đến tỉ giá
Tỉ giá là một loại giá cả. Vì vậy, sự biến động của tỉ giá phụ thuộc vào sức mua của các đồng tiền và quan hệ cung cầu tiền trên thị trường ngoại hối.
- Tác động của sức mua của đồng tiền
Việc so sánh sức mua giữa các đồng tiền là vấn đề không đơn giản. Thuyết ngang giá sức mua (Purchasing Power Parity - PPP) cho chúng ta thấy một ý tưởng về vấn đề này. Theo thuyết PPP, tỷ giá giữa các đồng tiền của bất kỳ 2 quốc gia nào sẽ điều chỉnh để phản ánh sự thay đổi trong mức giá của 2 quốc gia đó. Đây đơn giản là sự ứng dụng của luật một giá cho mức giá quốc gia. Thuyết PPP gợi ý rằng nếu mức giá của một nước tăng tương đối so với nước khác thì đồng tiền của nước đó sẽ giảm giá, đồng tiền của nước kia sẽ tăng giá. Nói cách khác, nếu tỷ lệ lạm phát ở một nước cao hơn các nước khác thì đồng tiền nước đó có xu hướng giảm giá so với đồng tiền nước kia.
Thực tế khảo sát ở nhiều quốc gia cho thấy thuyết PPP không giải thích được đầy đủ những diễn biến của tỷ giá trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn bởi những giả thiết về sự giống nhau của hàng hoá và sự di chuyển tự do của các loại hàng hoá giữa các nước không hoàn toàn đúng trong thực tế. Tuy nhiên nó vẫn có những ý nghĩa nhất định trong việc dự báo tỷ giá trong dài hạn.
- Tác động của cung cầu ngoại hối
Khi cầu ngoại hối không thay đổi, nếu cung ngoại hối tăng sẽ làm ngoại tệ giảm giá và ngược lại. Khi cung ngoại hối không thay đổi, nếu cầu ngoại hối tăng sẽ làm ngoại tệ tăng giá và ngược lại. Đến lượt mình, cung cầu ngoại hối trên thị trường chịu tác động của các yếu tố sau:
+ Thực trạng cán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán quốc tế của một nước cho thấy tình hình cung và cầu ngoại tệ của nước đó. Đặc biệt cán cân vãng lai cho chúng ta thấy rõ nhất điều đó. Cán cân vãng lai của một nước thặng dư làm cung về ngoại tệ lớn hơn cầu về ngoại tệ. Điều này có xu hướng làm cho đồng tiền trong nước tăng giá so với ngoại tệ.
+ Mức chênh lệch lãi suất giữa các nước
Nước nào có mức lãi suất ngắn hạn cao hơn nước khác sẽ có thể có nguồn vốn ngắn hạn chảy vào nhằm thụ hưởng phần chênh lệch lãi suất cao hơn, làm cho cung ngoại hối tăng lên, dẫn đến ngoại tệ giảm giá và ngược lại. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự di chuyển vốn giữa các quốc gia, nhưng luồng vốn có thực sự di chuyển không và di chuyển với quy mô và tốc độ như thế nào còn tùy thuộc vào quan điểm của các nhà đầu tư, tùy thuộc vào tình hình kinh tế chính trị, tình hình lưu thông tiền tệ… của quốc gia có mức lãi suất cao hơn.
+ Những dự đoán thị trường
Những dự đoán thị trường cũng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới cung cầu ngoại tệ và tỷ giá hối đoái. Nhiều người cho rằng, có thể dựa vào xu hướng của tỷ giá kỳ hạn để dự đoán những biến động của tỷ giá giao ngay trong tương lai. Nhân tố tác động chủ yếu ở đây là những dự đoán của nhiều người tham gia vào thị trường về triển vọng lên giá hoặc xuống giá của một đồng tiền nào đó. Nếu số đông người dự đoán giá ngoại tệ trong tương lai giảm, họ có thể thực hiện các hành vi bán ngoại tệ giao ngay ở hiện tại làm tăng cung, và ngược lại sẽ đầu tư mua vào làm tăng cầu ngoại tệ.
Ngoài ra cung cầu ngoại hối trên thị trường còn chịu tác động bởi các yếu tố khác như tình hình tăng trưởng hay suy thoái của nền kinh tế, những biến động về tình hình chính trị xã hội trong nước và thế giới…
● Phân loại tỉ giá
Tỉ giá bao gồm nhiều loại khác nhau tùy theo tiêu thức nghiên cứu.
+ Căn cứ vào nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối
Theo cách phân loại này tỷ giá bao gồm:
- Tỷ giá mua (bid rate/ buy rate): là mức giá mà ngân hàng yết giá sẵn sàng mua vào đồng yết giá.
- Tỷ giá bán (ask rate/ offer rate): là mức giá mà ngân hàng yết giá sẵn sàng bán ra đồng yết giá.
- Tỷ giá giao ngay (spot rate): là tỷ giá được áp dụng trong hợp đồng mua bán ngoại hối giao ngay, trong đó mức giá được thỏa thuận tại thời điểm hôm nay nhưng giao dịch được hoàn tất sau hai ngày làm việc.
- Tỷ giá kỳ hạn (forward rate): là tỷ giá được áp dụng trong hợp đồng mua bán ngoại hối kỳ hạn trong đó mức giá đã được thỏa thuận tại thời điểm hôm nay nhưng giao dịch thực hiện sau ba ngày làm việc trở lên.
- Tỷ giá mở cửa (opening rate): là mức giá áp dụng cho hợp đồng mua bán ngoại hối đầu tiên trong ngày.
- Tỷ giá đóng cửa (closing rate): là mức giá áp dụng cho hợp đồng mua bán ngoại hối cuối cùng trong ngày.
- Tỷ giá chuyển khoản (transfer rate): là tỷ giá áp dụng cho các giao dịch mua bán ngoại hối với ngân hàng thông qua hạch toán trên tài khoản khách hàng.
- Tỷ giá tiền mặt (bank note rate): là tỷ giá áp dụng cho các giao dịch mua bán ngoại hối mà việc thanh toán ngân hàng thực hiện bằng tiền mặt.
- Tỷ giá điện hối: là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng điện.
- Tỷ giá thư hối: là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng thư.
+ Căn cứ vào cơ chế điều hành tỷ giá
Theo tiêu thức phân loại này, tỷ giá bao gồm:
- Tỷ giá chính thức (official rate): là tỷ giá do NHTW công bố, phản ánh chính thức giá trị đối ngoại của đồng tiền quốc gia và làm cơ sở xác định tỷ giá kinh doanh của NHTM trong biên độ cho phép, tính thuế xuất nhập khẩu và các giao dịch khác liên quan tới tỷ giá chính thức.
- Tỷ giá trên thị trường tự do/ chợ đen (black market rate): là tỷ giá được hình thành ngoài hệ thống ngân hàng và do quan hệ cung cầu trên thị trường tự do quyết định.
- Tỷ giá cố định (fixed rate): là tỷ giá do NHTW công bố và được cố định trong biên độ hẹp. Để duy trì tỷ giá này NHTW can thiệp trên thị trường ngoại hối bằng cách bán ra hoặc mua vào ngoại hối.
- Tỷ giá thả nổi hoàn toàn (freely floating rate): là tỷ giá được hình thành hoàn toàn theo quan hệ cung cầu trên thị trường và ngân hàng trung ương không tham gia can thiệp trên thị trường ngoại hối.
- Tỷ giá thả nổi có điều tiết (managed floating rate): là tỷ giá được hình thành theo quan hệ cung cầu trên thị trường nhưng ngân hàng trung ương có can thiệp theo mục tiêu của chính sách tiền tệ.
3.2.2. Phương pháp niêm yết tỷ giá
● Cách biểu thị tỉ giá
Ø Tỷ giá giao ngay
Có nhiều cách biểu thị tỉ giá giao ngay. Trong đó, kiểu niêm yết phổ biến trên các thị trường ngoại hối hiện nay là:
Đồng tiền I/ Đồng tiền II = X-Y
Đồng tiền I được gọi là đồng tiền yết giá, có số đơn vị cố định là 1.
Đồng tiền II được gọi là đồng tiền định giá, có số đơn vị thay đổi tùy thuộc sức mua của đồng tiền I, II và quan hệ cung cầu đồng tiền yết giá vào thời điểm niêm yết.
X và Y là tỷ giá mua và tỉ giá bán của đơn vị kinh doanh ngoại hối (sau đây sẽ dùng thuật ngữ của ngân hàng - một chủ thể kinh doanh tiền tệ chủ yếu trên thị trường).
Ø Tỷ giá kỳ hạn
+ Trên thị trường bán lẻ: tỉ giá kì hạn được niêm yết kiểu outright (niêm yết đầy đủ, hoặc rút gọn) giống niêm yết tỉ giá giao ngay.
+ Trên thị trường bán buôn - thị trường liên ngân hàng (Interbank): tỉ giá kì hạn được niêm yết theo kiểu swap.
● Các phương pháp niêm yết tỷ giá
Thực tế cho thấy, tùy theo phong tục tập quán kinh doanh ở mỗi thị trường, mỗi quốc gia mà việc niêm yết tỉ giá được thực hiện theo những phương pháp khác nhau. Nhưng nhìn chung, tỷ giá trên các thị trường thường được niêm yết theo một trong bốn phương pháp chủ yếu sau:
- Yết giá trực tiếp (Direct Quotation): là cách yết giá thể hiện số đơn vị nội tệ tương ứng với một đơn vị ngoại tệ.
Ví dụ: NHTM Ngoại thương Việt Nam niêm yết tỷ giá như sau:
USD/VND = 18.482,00-18.492,00
JPY/VND = 220,70-225,70
EUR/VND = 28.628,39-28.217,80
- Yết giá gián tiếp (Indirect Quotation): là cách yết giá thể hiện một đơn vị nội tệ tương ứng với bao nhiêu đơn vị ngoại tệ.
Ví dụ: Thị trường ngoại hối London niêm yết tỉ giá như sau:
GBP/USD = 1,5565-70
GBP/CHF = 2,1117-29
- Yết giá kiểu Mỹ (American Term): là cách yết giá thể hiện số dola Mỹ trên một đơn vị tiền tệ.
Ví dụ: Thị trường Newyork niêm yết tỉ giá như sau:
GBP/USD = 1,9809-39
CHF/USD = 0,6445-55
- Yết giá kiểu Châu Âu (European Term): là cách yết giá thể hiện số đơn vị tiền tệ trên một dola Mỹ.
Ví dụ: Thị trường Frankfurt niêm yết tỉ giá như sau:
USD/CHF = 1,6097-17
USD/AUD = 1,2543-51
Cách yết giá kiểu Châu Âu và kiểu Mĩ thường được áp dụng cho thị trường ngoại tệ liên ngân hàng (Interbank Market), tức là áp dụng cho khách hàng là một ngân hàng khác. Đối với khách hàng không phải là ngân hàng, phương pháp niêm yết được áp dụng phổ biến là trực tiếp và gián tiếp.
3.3. CÁC NGHIỆP VỤ KINH DOANH NGOẠI HỐI
3.3.1. Nghiệp vụ giao ngay (The Spot Transaction)
● Khái niệm
Nghiệp vụ giao ngay là nghiệp vụ mua bán tiền trong đó mức tỉ giá được thỏa thuận tại thời điểm hôm nay nhưng việc thanh toán, giao nhận tiền được thực hiện ngay trong ngày giao dịch hoặc được hoàn tất sau ngày giao dịch một khoảng thời gian ngắn, thường là hai ngày làm việc.
● Đặc điểm
- Nghiệp vụ giao ngay được thực hiện theo tỷ giá giao ngay. Tỉ giá này được hình thành phụ thuộc vào sức mua của các đồng tiền và quan hệ cung cầu các loại tiền đó trên thị trường ngoại hối.
- Để thực hiện các giao dịch giao ngay, các nhà tạo giá cấp 1, cấp 2 và khách hàng phải dựa trên hợp đồng mua bán giao ngay. Ngày giá trị giao ngay (spot value date - SVD) theo thông lệ là sau hai ngày làm việc (SVD = T+2), trong đó ngày T là ngày ký kết hợp đồng (Contract Date - CD) mua bán.
- Số lượng mua bán trong các hợp đồng giao ngay do hai bên mua bán thỏa thuận.
- Nghiệp vụ giao ngay được thực hiện trên thị trường tự do và chủ yếu trên thị trường liên hàng giao ngay bao gồm thị trường liên hàng trực tiếp và thị trường liên hàng gián tiếp (qua môi giới).
● Các ứng dụng nghiệp vụ giao ngay
Nghiệp vụ giao ngay được ngân hàng và khách hàng sử dụng trong một số trường hợp sau:
- Nghiệp vụ giao ngay được khách hàng mua bán lẻ sử dụng để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngay bằng các loại tiền tệ khác nhau, trong đó chủ yếu là hoạt động thanh toán quốc tế.
- Các ngân hàng sử dụng nghiệp vụ giao ngay để cân đối trạng thái ngoại hối thông qua thị trường ngoại hối liên ngân hàng.
3.3.2. Nghiệp vụ kỳ hạn ((The Forward Transactions)
● Khái niệm
Nghiệp vụ kỳ hạn là các hoạt động tác nghiệp trong kinh doanh ngoại hối có ngày giao dịch được xác định tại một thời điểm trong tương lai và được thể hiện trên hợp đồng kỳ hạn. Hợp đồng kỳ hạn là hợp đồng mua bán ngoại hối trong đó việc giao nhận ngoại hối được thực hiện tại một thời điểm xác định trong tương lai.
● Đặc điểm của nghiệp vụ kì hạn
Nghiệp vụ kì hạn có một số đặc điểm sau:
+ Mọi điều khoản của hợp đồng được đàm phán, kí kết ở hiện tại, còn việc giao nhận tiền được thực hiện ở tương lai. Ngày giá trị kì hạn (forward value date - FDV) trong các hợp đồng chuẩn được xác định căn cứ vào ngày giao ngay và thời hạn của hợp đồng.
FVD = T+2+n (n là thời hạn của hợp đồng)
+ Nghiệp vụ kì hạn thường được thực hiện trên thị trường OTC.
Thị trường giao dịch kỳ hạn được tổ chức theo mô hình phi tập trung. Các chủ thể tham gia tiến hành giao dịch thông qua điện thoại hoặc telex. Việc công bố tỷ giá kỳ hạn trên thị trường bán buôn hay bán lẻ đều được yết giá hai chiều trong đó chênh lệch giá mua bán tại thị trường bán lẻ thường rộng hơn thị trường bán buôn.
+ Số lượng ngoại tệ mua bán thường lớn và chẵn. Quy mô cụ thể được thể hiện trong cơ chế giao dịch của mỗi thị trường.
+ Nghiệp vụ kỳ hạn được đặc trưng bởi tính chất tự thân, các bên thống nhất nội dung trong hợp đồng và đó là cơ sở pháp lý cho giao dịch. Việc thanh toán hợp đồng kỳ hạn chỉ được thực hiện tại ngày đáo hạn của hợp đồng.
+ Ký quỹ không phải là yêu cầu bắt buộc đối với nghiệp vụ kỳ hạn, do đó khi rủi ro tín dụng xảy ra ngân hàng phải gánh chịu. Nhằm giảm thiểu rủi ro và để ràng buộc lẫn nhau trong quá trình thực hiện hợp đồng, các ngân hàng thường yêu cầu khách hàng phải đặt cọc trước một số tiền nhất định.
+ Khi thực hiện hợp đồng kì hạn, nhà đầu tư có thể có lãi, hòa vốn hoặc thua lỗ. Đối với ngân hàng, thông qua giao dịch kỳ hạn ngân hàng có thu nhập từ chênh lệch giá mua bán.
● Các ứng dụng của nghiệp vụ kì hạn
Nghiệp vụ kỳ hạn có tính ứng dụng cao trong việc bảo hiểm rủi ro hối đoái trong kinh doanh của ngân hàng và khách hàng. Ngân hàng sử dụng các giao dịch kỳ hạn nhằm bảo hiểm cho trạng thái ngoại hối của mình, khách hàng sử dụng hợp đồng kỳ hạn nhằm bảo hiểm các khoản phải thu và phải trả bằng ngoại tệ trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, bảo hiểm khoản tiền đầu tư bằng ngoại tệ.
● So sánh nghiệp vụ giao ngay và kì hạn
Bảng 3.3: So sánh nghiệp vụ giao ngay và nghiệp vụ kì hạn
Nội dung so sánh
Giao dịch giao ngay
Giao dịch kì hạn
1. Mục đích thực hiện
Đáp ứng nhu cầu mua bán ngoại tệ giao ngay phục vụ hoạt động thanh toán
Đáp ứng nhu cầu mua bán ngoại tệ kì hạn nhằm phòng ngừa rủi ro hối đoái
2. Tỉ giá áp dụng
Tỉ giá giao ngay
Tỉ giá kì hạn
3. Thời gian thực hiện giao dịch
Chậm nhất 2 ngày làm việc
Tùy theo cơ chế thị trường và thỏa thuận của 2 bên tham gia hợp đồng kì hạn
3.3.3. Nghiệp vụ hoán đổi (The Swap Transactions)
● Khái niệm
Nghiệp vụ hoán đổi là nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối trên cơ sở hợp đồng hoán đổi. Hợp đồng hoán đổi tiền tệ là hợp đồng mà các bên thỏa thuận hoán đổi một đồng tiền thông qua một hợp đồng và cam kết sẽ mua hoặc bán lại bằng một hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ.
● Đặc điểm
Hợp đồng hoán đổi có đặc trưng cơ bản sau:
- Là hợp đồng mua vào và bán ra (hoặc bán ra và mua vào) một đồng tiền được ký kết tại thời điểm hôm nay.
- Số lượng tiền mua vào và bán ra là như nhau.
- Ngày giá trị của hợp đồng theo chiều mua vào và bán ra là khác nhau.
- Hợp đồng hoán đỏi tạo ra sự không cân xứng về thời gian.
- Hợp đồng hoán đổi gồm hai loại: hợp đồng hoán đổi giao ngay - kỳ hạn (Spot - Forward Swap) và hợp đồng hoán đổi kỳ hạn - kỳ hạn nhưng có ngày giá trị khác nhau (Forward - Forward Swap).
- Hợp đồng hoán đổi được giao dịch trên thị trường phi tập trung.
● Các ứng dụng của nghiệp vụ hoán đổi
Nghiệp vụ hoán đổi có ý nghĩa đối với nhiều chủ thể: người đi vay, nhà đầu tư và kinh doanh quốc tế… Việc sử dụng hợp đồng hoán đổi có tác dụng bảo hiểm rủi ro hối đoái cho các hợp đồng vay và dự án đầu tư có kỳ hạn dài. Trong hoạt động thương mại quốc tế, các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu có thể cố định các khoản phải thu và phải trả thông qua hợp đồng hoán đổi. Đối với ngân hàng, nghiệp vụ hoán đổi đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng quan hệ cung cầu tiền cho khách hàng, phòng ngừa rủi ro hối đoái và rủi ro tín dụng thông qua cân bằng trạng thái ngoại hối. Đối với ngân hàng trung ương, nghiệp vụ hoán đổi có thể được ngân hàng sử dụng như một công cụ để điều tiết cung cầu tiền trong nền kinh tế.
● So sánh hợp đồng kì hạn và hợp đồng hoán đổi
Bảng 3.4: So sánh hợp đồng kì hạn và hợp đồng hoán đổi
Hợp đồng kì hạn
Hợp đồng hoán đổi
1. Là hợp đồng mua hoặc bán tiền tệ, bao gồm một giao dịch. Việc chuyển giao tiền sẽ được thực hiện sau 1 khoảng thời gian nhất định.
1. Là hợp đồng mua bán tiền tệ bao gồm 2 giao dịch diễn ra theo hướng ngược chiều nhau, mua và bán, hoặc bán và mua.
2. Tỉ giá thực hiện là tỉ giá kì hạn
2. Tỉ giá thực hiện là tỉ giá giao ngay và kì hạn, hoặc kì hạn và kì hạn
3. Sử dụng phòng ngừa rủi ro tỉ giá
3. Vừa đáp ứng nhu cầu hiện tại, vừa phòng ngừa rủi ro tỉ giá
4. Không có chuyển giao tiền tệ ở hiện tại, chỉ chuyển giao khi đáo hạn
4. Có chuyển giao tiền tệ ở hiện tại và khi đáo hạn (với hợp đồng Swap giao ngay và kì hạn)
3.3.4. Nghiệp vụ tương lai (The Currency Future)
● Khái niệm
Nghiệp vụ tương lai là nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối trên cơ sở hợp đồng ngoại hối tương lai. Hợp đồng tương lai là hợp đồng mua bán ngoại hối với số lượng và mức giá và ngày đáo hạn đã xác định, chủ hợp đồng có thể giao dịch tất toán bất cứ lúc nào trong chuỗi ngày giá trị của hợp đồng.
● Đặc điểm
- Hợp đồng ngoại hối tương lai là hợp đồng có tính chuẩn hóa theo quy định của sở giao dịch. Nếu hợp đồng kỳ hạn có tính tự thân thì hợp đồng tương lai có tính chuẩn hóa cao. Hợp đồng tương lai có rất ít ngày giá trị, thường là ngày thứ tư của tuần thứ ba của các tháng 3,6,9,12. Quy mô của hợp đồng đã được chuẩn hóa, quy tắc giao dịch tuân theo quy định của Sở.
- Tổ chức thị trường tương lai theo cơ chế thị trường tập trung và việc thanh toán hợp đồng tương lai được thực hiện hàng ngày nhằm xác định lãi lỗ trong giao dịch và gọi ký quỹ bổ sung.
- Giao dịch tương lai đòi hỏi có sự tham gia của môi giới và chủ hợp đồng phải trả phí. Vì hợp đồng được điều chỉnh theo tín hiệu của thị trường và đối với giao dịch hợp đồng tương lai đòi hỏi ký quỹ do đó đã giới hạn được rủi ro tín dụng trong giao dịch.
- Tỉ giá giao dịch không cố định mà thay đổi theo tỉ giá thị trường.
- Tiền lãi lỗ của nhà đầu tư được thanh toán hàng ngày bằng cách ghi tăng hoặc khấu trừ vào tài khoản kí quỹ (TKKQ).
- Phần lớn hợp đồng tương lai (HĐTL) không thực hiện bằng cách giao hàng mà được thực hiện bằng một hợp đồng đảo.
● So sánh HĐ kì hạn và HĐ tương lai
Bảng 3.7: So sánh HĐ kì hạn và HĐ tương lai
Hợp đồng kì hạn
Hợp đồng tương lai
1. Là hợp đồng thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, điều khoản hợp đồng rất linh hoạt
1. Được tiêu chuẩn hóa theo những quy định chi tiết của SGD
2. Thời hạn hợp đồng theo thỏa thuận (thường là 30 bội số của 30)
2. Chỉ có vài ngày giao dịch nhất định
3. Không quy định số dư tối thiểu tài khoản để đảm bảo thực hiện hợp đồng
3. Có duy trì tiền kí quỹ lần đầu và kí quỹ tối thiểu để đảm bảo thanh toán
4. Không thanh toán tiền trước ngày đáo hạn
4. Thanh toán hàng ngày tùy theo biến động tỉ giá
5. Thường yết giá theo kiểu châu Âu
5. Thường yết giá theo kiểu Mĩ
6. Đồng tiền giao dịch do thỏa thuận có thể áp dụng cho tất cả các loại tiền tệ
6. Đồng tiền giao dịch chỉ giới hạn trong một số loại ngoại tệ mạnh như GBP, CAD, EUR, JPY, CHF và AUD
7. Tỉ giá không đổi trong suốt thời gian giao dịch
7. Tỉ giá thay đổi hàng ngày
8. Người kinh doanh hưởng thu nhập từ chênh lệch giữa giá bán và giá mua
8. Khách hàng trả hoa hồng cho nhà môi giới, nhà môi giới trả phí cho SGD
9. Chủ thể hợp đồng là 2 bên mua bán
9. Chủ thể hợp đồng là nhà đầu tư và SGD
● Các yếu tố ảnh hưởng đến giá quyền chọn
Bảng 3.9: Các yếu tố ảnh hưởng đến giá quyền chọn
Yếu tố tác động
Call option
Put option
- Tỷ giá thực hiện theo hợp đồng (E)
- Chênh lệch giữa E và tỉ giá giao ngay (S)
- Thời hạn của hợp đồng (T)
- Lãi suất tiền tệ chọn mua hoặc bán
- Các dự đoán về tỉ giá
-
+
+
+
+
+
-
+
-
+
Ghi chú: dấu + phản ánh tác động cùng chiều của các yếu tố với giá quyền chọn, dấu – phản ánh tác động ngược chiều của các yếu tố với giá quyền chọn.
● So sánh hợp đồng kì hạn & hợp đồng quyền chọn
Bảng 3.10: So sánh hợp đồng kì hạn & hợp đồng quyền chọn
Hợp đồng kì hạn
Hợp đồng quyền chọn
1. Là hợp đồng có tính bắt buộc
1. Không bắt buộc thực hiện đối với người mua quyền
2. Không có phí giao dịch
2. Người mua quyền phải trả phí cho người bán quyền
3. Khách hàng có thể là người mua, hoặc người bán
3. Khách hàng chỉ là người mua quyền chọn
4. Thường được sử dụng như một công cụ để phòng ngừa rủi ro tỉ giá
4. Vừa là công cụ phòng ngừa, vừa là công cụ kinh doanh
3.3.6. Nghiệp vụ acbit (The Arbitrage Transactions)
● Khái niệm
Acbit là nghiệp vụ kinh doanh tiền tệ dựa trên sự khác biệt hay chênh lệch về tỉ giá và lãi suất giữa các thị trường.
Nguyên tắc của nghiệp vụ acbit là mua ở nơi rẻ, bán ở nơi đắt để hưởng thu nhập từ chênh lệch tỉ giá và lãi suất.
● Các loại acbit
Có 3 loại acbit: acbit địa phương , acbit ba chiều, acbit bù đắp lãi suất.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top