THÔNG TIN THUYẾT MINH CƠ BẢN VỀ NINH BÌNH
I. Khái quát.
*
Ninh Bình nằm ở cực Nam của vùng đồng bằng Bắc bộ. Xen giữa lưu vực sông Hồng và sông Mã, nơi tiếp giáp và ngăn cách miền Bắc với miền Trung bởi dãy núi Tam Điệp hùng vĩ. Ninh Bình có quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy qua, cùng hệ thống sông ngòi phong phú, với cảng Ninh Bình, có điều kiện phát triển mạnh giao thông cả đường bộ, đường thủy, giao lưu thuận lợi với các địa phương trong nước và quốc tế. Ninh Bình cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km. Trên tuyến đường quốc lộ 1A xuyên Bắc – Nam quan trọng vào bậc nhất của nước ta. Đường sắt xuyên Bắc – Nam đi qua (đoạn chạy qua đất Ninh Bình dài 35 km). Với hai nút giao thông chính là thị xã tỉnh lỵ Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế – văn hóa với cả hai miền đất nước.
*
Với diện tích tự nhiên là 1398,7km2. Tuy là một tỉnh không lớn nhưng địa hình rất đa dạng: có núi sông, đồng bằng, vùng biển, mang đầy đủ sắc thái địa hình Việt Nam thu nhỏ. Có 8 đơn vị hành chính gồm 6 huyện và 2 thành phố trực thuộc tỉnh. Huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp là vùng đồi núi. Các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô thuộc vùng nửa đồi núi. Diện tích đồng bằng và ven biển chủ yếu thuộc huyện Kim Sơn, Yên Khánh. Thành phố Ninh Bình chỉ chiếm 1/5 diện tích tự nhiên của tỉnh.
*
Cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trong tỉnh gồm có 23 dân tộc: đa số là dân tộc Kinh chiếm trên 98,2%. Đứng thứ hai là dân tộc Mường chiếm gần 1,7%. Các dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Hoa, H’Mông, Dao mỗi dân tộc có từ trên một chục đến hơn một trăm người. Trong số các dân tộc ít người sinh sống trong tỉnh, dân tộc Mường đã định cư khá lâu đời ở các xã thuộc miền núi cao huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp và là một bộ phận của cư dân người Mường sinh sống dọc theo dải núi đá vôi từ Hòa Bình đi Thanh Hóa. Các phong tục tập quán sinh hoạt, truyền thống văn hóa mang nét đặc trưng của cộng đồng dân tộc Mường. Các dân tộc ít người khác sống phân tán, rải rác ở các địa phương trong tỉnh. Họ không hình thành cộng đồng dân tộc nhất định. Đa số đó có quan hệ hôn nhân, gia đình hoặc trong quá trình đi tìm đường sinh cơ lập nghiệp mà đến định cư ở địa phương. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất, truyền thống văn hóa của người Kinh.
*
Vùng đất Ninh Bình thời xa xưa phần lớn là vùng ngập mặn thuộc huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, Ninh Bình có nhiều tên gọi khác nhau như. Thế kỷ thứ X gọi là châu Trường Yên. Thế kỷ XIII gọi là phủ Trường Yên. Thế kỷ XVIII (thời Hậu Lê) gọi là Thanh Hoa ngoại trấn. Dưới triều nhà Nguyễn, thế kỷ XIX năm Gia Long thứ năm (1806) gọi là đạo Thanh Bình. Năm Minh Mạng thứ mười (1829) gọi là trấn Ninh Bình. Năm Minh Mệnh thứ mười hai (1831) gọi là tỉnh Ninh Bình. Năm 1976, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh; Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 6 huyện là Gia Viễn, Nho Quan, Kim Sơn, Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô. Hai thành phố là Ninh Bình và Tam Điệp với tổng số 144 xã, phường, thị trấn. (số liệu tạm tính có thể thay đổi theo thực tế phân bố hành chính lại vào sau này) Tỉnh Ninh Bình có hai tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo.
*
Nhân dân Ninh Bình sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra nhiều người còn làm các nghề thủ công truyền thống. Thêu ren ở Hoa Lư. Dệt chiếu và làm hàng cói mỹ nghệ ở Kim Sơn, Yên Khánh. Đan lát mây tre ở Gia Viễn, Nho Quan. Sản xuất đồ đá mỹ nghệ ở Ninh Vân (Hoa Lư).
II. Danh nhân nổi tiếng đất Ninh Bình trong Lịch sử.
*
1. Đinh Tiên Hoàng (924 - 979).
*
Đinh Tiên Hoàng chính tên là Đinh Bộ Lĩnh. Ông sinh ngày rằm tháng hai năm Giáp Thân (tức ngày 22/3/924) tại thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là thôn Vân Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ X, lúc bấy giờ trong nước loạn lạc, sử gọi là loạn Thập nhị sứ quân. Nhờ thông minh, có khí phách, lại có tài thao lược, Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ dấy nghĩa vào cuối năm 967. Chỉ trong khoảng hơn một năm dẹp yên các sứ quân. Bốn phương ca khúc khải hoàn, non sông thu về một mối. Chấm dứt thời kỳ loạn mười hai sứ quân kéo dài hơn hai mươi năm trời.
Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng đế. Hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế. Đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (nước Việt to lớn). Đóng đô ở Hoa Lư, dựng cung điện, đặt triều nghi, “định trăm quan, đặt sáu quân, chế độ gần đủ”(toàn thư). Nước Nam ta được chính thống kể từ đây. Năm Kỷ Mão (979), vua Đinh và con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị sát hại. Đại thắng Minh Hoàng đế mất, được triều thần tôn là Tiên Hoàng đế. Linh cữu táng ở Sơn Lăng - Núi Mã Yên. Đền thờ ông cũng được dựng ngay dưới chân núi Mã Yên ở Trường Yên, Hoa Lư trên nền cung điện cũ.
*
2. Nguyễn Bặc (924 - 979).
Nguyễn Bặc là đệ nhất công thần, một trong “Tứ trụ” của nhà Đinh. Ông sinh năm Giáp Thân (924), cùng tuổi và cùng làng Đại Hữu với vua Đinh. Ông là người đã giúp Đinh Bộ Lĩnh bình định mười hai sứ quân, lập công lớn, được vua Đinh phong là Định Quốc công, vị trí như Tể tướng trong triều nhà Đinh.
*
3. Đinh Điền (924 - 980).
Đinh Điền quê ở làng Đại Hữu, cùng làng với Vua Đinh, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn. Ông đã cùng Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú, theo phò Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân. Là đệ nhất công thần góp phần to lớn trong sự nghiệp thống nhất giang sơn về một mối. Đinh Điền được vua Đinh cử giữ chức Nhập nội kiểm giáo Đại Tư đồ, Bình chương trọng sự, nội tổng vạn cơ, ngoại nhương tứ cảnh (tức là trong thì tổng lĩnh vạn cơ, ngoài thì trông nom mọi việc biên cảnh). Thời nhà Đinh, việc triều đình được chia làm hai giáp. Việc trong triều đình do Vua trông coi gọi là Nội giáp. Việc bên ngoài triều đình được giao phó cho Đinh Điền gọi là Ngoại giáp.
*
4. Phạm Bạch Hổ (910 - 972).
Phạm Bạch Hổ tên chữ là Phòng Át, người xã Ngọc Đường, nay thuộc huyện Kim Động (Hưng Yên). Ông sinh ngày 10 tháng Giêng năm Canh Ngọ (22/2/910). Cuộc đời Phạm Bạch Hổ trải qua hai triều Ngô - Đinh. Ông đã từng làm khai quốc công thần, giúp triều đình đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Ông lại là một trong 12 sứ quân. Ông đã sáng suốt biết lấy vận mệnh đất nước đặt lên trên hết nên về với Đinh Bộ Lĩnh. Góp phần làm nên sự nghiệp lẫy lừng cùng Đinh Bộ Lĩnh thống nhất non sông về một mối, viết nên những trang sử oai hùng của dân tộc.
Ông là đại thần triều Đinh và là vị tướng tin cậy của Đinh Bộ Lĩnh với chức Thân vệ Đại tướng quân. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, đã phong ông là Thượng đẳng tối linh Đại vương. Các triều Trần, Lê, Nguyễn đều truy phong là Khai thiên Hộ quốc tối linh thần.
*
5. Lê Hoàn (941 - 1005).
Cách đây hơn 1000 năm, dân tộc ta đã ghi thêm vào sử sách một chiến công hiển hách. Đánh bại hoàn toàn cuộc xâm lược của nhà Tống. Và với sự kiện đó, tên tuổi của Lê Hoàn nổi lên trong lịch sử dân tộc. Ông xứng đáng được đặt ngang hàng với những anh hùng dân tộc khác như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... Ông là một trong những vĩ nhân lớn, đã có những cống hiến quan trọng cho đất nước ở buổi đầu độc lập. Nhà nước trung ương mới bắt đầu xây dựng, kinh tế, văn hoá chưa phát triển.
Bằng những cống hiến của mình, Lê Hoàn đã góp phần vào việc bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Ông củng cố thống nhất và sự toàn vẹn lãnh thổ, nâng vị trí của dân tộc ta không chỉ đối với các nước phương Nam mà cả đối với phương Bắc. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển dài lâu về sau của nước ta.
*
6. Dương Vân Nga (952 - 1000).
Theo lễ giáo Trung Hoa xưa, Vua chỉ lập một hoàng hậu. Dưới đó là các phi tần, cung nhân được phân định theo phẩm cấp khác nhau. Nhưng vua Đinh đã lập tới năm hoàng hậu. Trong số năm hoàng hậu ấy, có Dương Vân Nga là người quê ở vùng Nho Quan (Ninh Bình). Bà là một phụ nữ có nhan sắc và hiểu biết nên được vua Đinh rất yêu quý. Sau khi vua Đinh băng hà và trước vận mệnh của đất nước, Bà đã có cái nhìn vô cùng sáng suốt là đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích dòng tộc. Bà chủ động đứng ra điều hành việc triều chính, đưa đến sự thống nhất trong triều đình. Chọn Lê Hoàn là một thống soái quân đội, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, có khả năng tập hợp và tài năng chỉ huy, đương đầu với quân xâm lược, loại bỏ được nguy cơ mất nước và mang lại sự bình yên cho dân tộc.
*
7. Lý Công Uẩn (974 - 1028).
Vương triều Lý ra đời năm 1009 là một sự kiện trọng đại. Đó là dấu mốc lớn, đánh dấu một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên phát triển chín muồi toàn diện của dân tộc và quốc gia. Kỷ nguyên của các triều đại phong kiến trung ương tập quyền. Lý Công Uẩn, người khai sáng vương triều Lý. Đồng thời là người khai sáng nền văn minh Đại Việt, khai sáng thủ đô Thăng Long – Hà Nội. Ông được xếp vào hàng các ông tổ Trung Hưng của dân tộc Việt Nam. 18 năm làm vua của ông cũng là thời kỳ đất nước có nhiều đổi thay lớn lao. Lý Công Uẩn, một con người mà lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, biết ơn.
*
8. Nguyễn Minh Không (1065 - 1141).
Tên thật của ông là Nguyễn Chí Thành, quê xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, nay là thôn Đàm Xá, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn. Nguyễn Minh Không là một nhà sư tài danh lẫy lừng. Ông đã được coi là thần y khi chữa bệnh cho thái tử Dương Hoán sau lên ngôi vua là Lý Thần Tông (1128-1138). Ông được phong làm Quốc sư, được ban thưởng vàng bạc rất trọng hậu. Ông đã đem số vàng bạc đó dựng chùa Quỳnh Lâm ở vùng Đông Triều (Quảng Ninh), đúc tượng Phật lớn bằng đồng để thờ. Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm là một trong 4 vật lớn đời Lý. Ông còn cho đúc vạc Phổ Minh cũng là một trong “An Nam tứ đại khí”.
*
9. Trương Hán Siêu (? - 1354)
Trương Hán Siêu tự là Thăng Phủ, hiệu là Đôn Tẩu, người Phúc Thành, huyện Yên Ninh, phủ Trường Yên, nay thuộc thành phố Ninh Bình – nơi có núi thơ Non Nước mà thơ ông được khắc đầu tiên vào vách đá của ngọn núi lịch sử này. Ông là một danh sĩ, người được bốn đời vua Trần tôn kính gọi bằng “Thầy”. Ông còn là Hàn lâm học sĩ, Tả ty lang trung kiêm Lược sứ Lạng Giang, Tả gián nghị đại phu, Tham tri chính sự, rồi truy tặng Thái phó. Ông cùng tiến sĩ Nguyễn Trung Ngạn soạn bộ Luật “Hình thư” rồi sách “Hoàng triều đại điển”.
Đọc sách viết về ông, người ta nhớ đến “sự kiện” khi ông hơn 80 tuổi. Ông vẫn lên ngựa khâm sai miền trong - Thanh Hoá, Nghệ An - để gánh công vụ nhà Trần giao. Khi hoàn thành công vụ, lúc về, ông mất trên đường đi vì bị ốm đau. Ông để lại một số bài thơ, nổi tiếng nhất là “Bạch Đằng giang phú”. Nhân cách của ông, phẩm giá của kẻ sĩ họ Trương này, có thể hiểu qua các câu thơ mà ông gửi gắm trong bài phú nổi tiếng kia: “Giặc tan muôn thuở thái bình Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao” Và “Những người bất nghĩa tiêu vong Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh”.
*
10. Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858)
Nguyễn Công Trứ chính quê làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng cuộc đời ông lại có một thời gian gắn bó với mảnh đất Ninh Bình. Khi ông làm Doanh Điền Sứ, sau khi khai khẩn đất hoang ở Tiền Hải (Thái Bình) lại về khẩn hoang lập nên vùng đất Kim Sơn ngày nay. Ông sinh ngày 1 tháng 11 năm Mậu Tuất (1778). Năm 1819, đậu giải Nguyên rồi đảm nhiệm nhiều công việc và trải qua nhiều chức vụ từ Hành tẩu Quốc sử quán, Tri huyện Đường Hào (nay thuộc Hưng Yên), Lang trung bộ Lại, Tham hiệp trấn Thanh Hoá, Tham tri bộ Hình, Doanh điền sứ Nam Định và Ninh Bình, Tả đô ngự sử Viện Đô sát, Tổng đốc Hải An, Tuần phủ An Giang…
Nguyễn Công Trứ là người có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc khai khẩn vùng đất Kim Sơn, mở mang sản xuất nông nghiệp và có tình cảm sâu xa đối với quê hương Ninh Bình nói chung, vùng đất Kim Sơn nói riêng. Ông là người được lập “Sinh từ”- Đền thờ sống tại Kim Sơn và tồn tại đến ngày nay.
*
11. Vũ Duy Thanh (1807 - 1859)
Vũ Duy Thanh tự là Trừng Phủ, hiệu Mai Khê, hồi nhỏ còn có tên là Vũ Duy Tân. Ông sinh ngày 9 tháng 8 năm 1807 ở làng Kim Bồng, sau đổi là Vân Bòng, tục gọi làng Bòng, thuộc phủ Yên Khánh, nay là xã Khánh Hải, huyện yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Vũ Duy Thanh là nhà thơ, nhà cải cách, một bậc thức giả uyên bác... Ông sống bình dị, gần gũi nhân dân. Vũ Duy Thanh là người đã từng đề xuất trong bài thi của mình, kỳ thi Đình, về đạo làm vua phải thực hiện 4 điều: Lấy kính thời trước hết Lấy yên dân làm trọng Lấy kinh điển làm gốc Lấy người hiền tài để giúp rập. Ông cũng là người luôn sống vì sự bình yên của nhân dân. Tác phẩm của Vũ Duy Thanh đến nay chỉ còn lại “Trừng phủ thi văn tập”, “Chế khoa Bảng nhãn Vũ Duy Thanh tập”, “Bồng Châu thi văn tập”, nhưng ông vẫn được đánh giá là nhà văn, nhà thơ yêu nước, tài hoa.
*
12. Vũ Phạm Khải (1807 - 1872).
Vũ Phạm Khải sinh năm 1807, quê thôn Phượng Trì, nay thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ông đỗ cử nhân năm 1831, làm quan dưới 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và trải qua các chức vụ chính: Tri huyện, Ngự sử, Lang trung Bộ Hình, Tham biện nội các (nên người ta thường gọi ông là Quan các Phượng Trì), Toản tu sử quán, Trưởng hàn lâm viện, Bố chính Thái Nguyên. Ông không giữ chức giáo quan chính thức nào, nhưng bằng việc giảng dạy nghiệp dư, ông đã đào tạo được khá nhiều nhà khoa bảng từ Cử nhân đến Tiến sĩ và đã hai lần chấm thi Hương, ba lần chấm thi Hội và thi Đình. Ba lần ở Sử quán, tổng cộng là 9 năm. Ông đã góp phần biên soạn phần lớn bộ “Đại Nam thực lục”. Một bộ sử đồ sộ, đã được dịch in gồm 38 tập, trong đó có 26 tập do ông đứng tên đồng soạn giả. Song điều đáng nói hơn cả về ông là một nghĩa khí. Một tấm lòng thương dân, yêu nước sâu sắc trước nguy cơ tồn vong của đất nước. Đi đến đâu, ở cương vị nào, ông cũng tìm mọi cách cải thiện đời sống cho dân chúng. Phát chẩn cho dân đói, khai khẩn đất hoang, giúp dân phiêu tán trở về an cư lạc nghiệp. Vũ Phạm Khải là một con người luôn giữ trọn tấm lòng vì vua, vì nước.
*
13. Nguyễn Tử Mẫn (1810 - 1901) Nguyễn Tử Mẫn sinh năm 1810 quê ở thôn Đống Cao, xã Giá Hộ, tổng Kỳ Vĩ, nay là làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình. Ông đỗ cử nhân năm 1841 ở trường thi Hương Nam Định đời vua Thiệu Trị, làm tri huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang ít lâu rồi cáo quan về quê dạy học. Chính vì thế nhân dân địa phương thường gọi ông là “Ông huyện Hiệp Hoà”. Nguyễn Tử Mẫn là người rất am hiểu về địa lý Ninh Bình. Những tác phẩm của ông có nhiều giá trị, gắn bó với quê hương và là những tài liệu quý về vùng đất Ninh Bình xưa. Ông được coi là nhà địa lý của Ninh Bình.
*
14. Phạm Thận Duật (1825 - 1885) Phạm Thận Duật là Quan Thành, hiệu là Vọng Sơn (tên một ngọn núi ở quê ông). Ông sinh ngày 4/11/1825, quê làng Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, Huyện Yên Mô, trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống hiếu học. Ông học các ông đồ làng, đến năm 21 tuổi theo học Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị (người Nam Định). Phạm Thận Duật tiếp thu tri thức và chịu ảnh hưởng rất lớn về tư tưởng yêu nước, thương dân tiến bộ của ông đồ Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị. Cuộc đời của Phạm Thận Duật luôn cúc cung tận tuỵ vì sự nghiệp giúp nước cứu dân. Ông có nhiều đóng góp trong cuộc chiến đấu chống xâm lược của nhân dân. Phạm Thận Duật là một văn thân yêu nước, một đại thần kiên quyết “chủ chiến” chống Pháp xâm lược trong triều đình Tự Đức.
*
15. Lương Văn Tuỵ (1914 - 1932)
Lương Văn Tuỵ sinh năm 1914, tại làng Lũ Phong, xã Quỳnh lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Thân sinh ra anh là cụ Lương Văn Thăng - người đảng viên cộng sản đầu tiên của Ninh Bình. Năm 1929, Đảng bộ tỉnh quyết định cắm cờ búa liềm trên núi Thuý để tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng, khích động tinh thần đấu tranh của quần chúng và kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Đồng chí Nguyễn Văn Hoan và anh Tuỵ được giao nhiệm vụ lịch sử này. Sau sự kiện cắm cờ Đảng, bọn địch lồng lộn, khám xét, bắt bớ ở nhiều nơi.
Ngày 18 tháng 11 năm 1929, chúng ập đến vây bắt anh Hoan, anh Tuỵ, đưa về nhà lao Ninh Bình, sau đó đưa ra Côn Đảo giam giữ. Tại Côn Đảo, được Đảng dìu dắt, anh Tuỵ lại hăng hái hoạt động. Năm 1932, theo chủ trương của Đảo uỷ, anh cùng một số đồng chí khác vượt biển về đất liền. Gặp gió to, sóng lớn, anh Tuỵ và những đồng chí cùng đi đã hy sinh. Năm ấy anh vừa tròn 18 tuổi. Nhân dân Ninh Bình đã xây dựng tượng đài anh trên đỉnh núi Non Nước nhằm tôn vinh, khích lệ truyền thống cách mạng của nhân dân Ninh Bình, làm tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top