THÔNG TIN THUYẾT MINH CƠ BẢN TỈNH THANH HÓA


Phần 1.
*
I. Khái quát

Thanh Hóa là tỉnh nằm Bắc Trung Bộ. Tựa như lưng con rồng. Từ xương sống Trường Sơn có những giẻ xương sườn chảy ra biển: Dãy núi đá vôi Tam Điệp, đám núi Xước, Quỳnh Lưu, núi Hoàng Sơn, Hoành Sơn. Tỉnh Thanh Hóa Bắc giáp Ninh Bình với dãy núi đá Tam Điệp, Tây giáp núi Pu Luông đầu dãy Trường Sơn, Nam giáp Nghệ An với dãy núi Quỳnh Lưu, phía Đông giáp biển Đông. Diện tích 11.168km2, thủ phủ là thành phố Thanh Hóa. Hiện nay Thanh Hóa có hai thành phố: Sầm Sơn và Thanh Hóa. Hai thị xã là Nghi Sơn và Bỉm Sơn và 23 huyện. Thanh Hóa là một trong những tỉnh thành có đơn vị hành chính nhiều nhất cả nước. Khí hậu Thanh Hóa thuộc vùng chuyển tiếp giữa Bắc Bộ và Trung Bộ. Nhiệt độ trung bình 23-24oC. Cao điểm mùa hè có thể lên tới 35-37 độ. Nằm ở độ cao không lớn, lại nằm kế biển nên mùa đông không lạnh lắm, mùa hè dịu mát hơn, giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy đều thuận lợi. Địa hình cơ bản đặc trưng theo miền Trung Việt Nam. Đồi núi chạy dọc có nhiều dãy ngắn dốc đâm ngang ra hướng biển. Chiều dốc chủ yếu hướng Tây Bắc – Đông Nam. Có nhiều sông và nhánh sông ngắn nhỏ và chảy dốc tạo mùa lũ.

Thanh Hóa là một trong những địa bàn cư trú của người Việt cổ, nơi có nền Văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Trống đồng Đông Sơn là di vật độc đáo của nền văn hóa này. Nhiều hang động đá vôi là những nơi cư trú của những nhóm người cổ từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn năm trước. Thanh Hóa có truyền thống văn hóa lâu đời được gọi là đất “địa linh nhân kiệt” đã cung cấp cho đất nước biết bao danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, nơi phát tích của các triều Tiền Lê, Hậu Lê, nhà Hồ, chúa Trịnh, chúa Nguyễn mà dấu ấn còn ghi lại ở các vùng quê với các đền đài, chùa miếu, lăng tẩm. Hiếm có vùng đất nào lại sinh ra tới “ba dòng vua”, “hai dòng chúa” như ở xứ Thanh. Thanh Hóa cũng là 1 trong các xứ đặc trưng của Việt Nam.

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, nhưng chủ yếu có 7 dân tộc là Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú. Người Kinh chiếm 81,7% dân số toàn tỉnh và có địa bàn phân bố rộng khắp, các dân tộc khác có dân số và địa bạn sống thu hẹp hơn. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Thanh Hóa có hệ thống tôn giáo tín ngưỡng đa dạng. Tính tới năm 2019, Thanh Hóa có tới 9 tôn giáo được công nhận chính thức. Một nền văn nghệ dân gian đậm bản sắc mà điển hình là Hò sông Mã – một làn điệu dân ca đặc trưng nhất của xứ Thanh.

Thanh Hóa cũng là nơi có truyền thống đấu tranh trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Lịch sử còn ghi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bằng một chương sáng chói. Những người đi ở, chăn bò, nấu muối, bán dầu đã theo Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh thắng quân Minh. Khi giặc Pháp tràn vào nước ta, năm 1883, dân Thanh Hóa ngăn không cho đặt công sứ. Phạm Bành và Đinh Công Tráng khởi nghĩa. Tống Duy Tân xây dựng căn cứ ở phía Tây tỉnh. Oanh liệt nhất là trận Ba Đình năm 1887. Đinh Công Tráng chỉ huy đắp thành Ba Đình, giữ vững trong mấy tháng. Sau vì xác giặc quanh thành thối quá, phải rút lên Mả Cao phân tán thành những nhóm nhỏ. Rồi Tống Duy Tân xây dựng các căn cứ ở Vân Động và Hồng Lĩnh. Đặt mỗi huyện 200 hương binh, đánh Vạn Lại diệt nhiều giặc. Năm 1890 đánh Nông Cống. Lúc ấy đã khuyên “đoàn kết lương giáo” đánh Tây. Sau rút về Thọ Xuân, Pháp đến vây, bị thua nhiều trận. Năm 1893, tên Cao Ngọc Lễ phản bội, Tống Duy Tân bị bắt và bị chém đầu.
Năm 1941, phong trào cách mạng phát triển, giặc Pháp khủng bố, quần chúng Thanh Hóa chống lại có tính chất vũ trang. 19/8/1945, cách mạng thắng lợi.
*
II. Địa danh hành chính và thắng cảnh nổi tiếng.
*
1. Thành phố Thanh Hóa
Các đời trước đóng ở Yên Trường, rồi Dương Xá năm 1804. Năm 1829, Nhà Nguyễn cho xây thành với chu vi 2.520m. Từ đó Thanh Hóa thành một tỉnh lị lớn có nhiều nhà máy công nghiệp, lò chum, xưởng đá, xưởng đóng thuyền, một điểm dừng chân sầm uất trên đường từ Hà Nội vào kinh đô Huế. Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ra sắc dụ thành lập thị xã Thanh Hóa. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chúng san bằng thị xã cổ kính Thanh Hóa rất nhiều lần vì đây là điểm trung chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam. Năm 1976, ta bắt tay xây dựng lại thị xã Thanh Hóa. Năm 1995 Thanh Hóa được nâng lên Thành phố. Thành phố ngày nay thay da đổi thịt với cơ sở hạ tầng phát triển, bộ mặt thành phố ngăn nắp và đàng hoàng hơn.
*
2. Biển Sầm Sơn

Từ thành phố Thanh Hóa rẽ hướng Đông Tỉnh lộ 8, du khách đi khoảng 16km thì sẽ tới thành phố Sầm Sơn. Nơi đây từ lâu ai cũng biết có một bãi tắm lý tưởng. Đầu thế kỷ, một học giả người Pháp là Le Breton đã có nhận xét về bãi tắm Sầm Sơn: “Đây là một bãi tắm tốt nhất để phục hồi sức khỏe”, vì bãi biển này là một nơi nghỉ ngơi chứ không phải như bãi biển thông thường ở Đồ Sơn, vả lại nước biển ở đây rất trong. Điều đáng chú ý là bãi tắm Sầm Sơn có một dải cát trắng mịn, chạy thoai thoải ra khơi, không hề có đá ngầm hoặc các mảnh vỏ sò, ốc, sóng bạc đầu vỗ vừa phải, nên người tắm có thể ra xa bờ hàng trăm mét mà vẫn thấy an toàn, thú vị. Tuy nhiên đó là trước đây.
Với sự thay đổi của thủy triều, luồng lạch và các dòng sông cùng sự tác động của con người. Hiện nay biển Sầm Sơn đã khác xưa rất nhiều. Do đặc điểm của bãi tắm nên một số người cứ mải miết bơi ra quá xa đến khi muốn trở lại vào bờ thì đã mệt, lại bị sóng ngầm cuốn trở ra và sói cát dưới đáy thành những lạch sâu không lường trước được nên dễ xảy ra tai nạn. Vì thế số người mê tín đã cho rằng thần biển ở đây rất dữ, hàng năm thế nào cũng phải hiến thần một sinh mạng. Bãi tắm Sầm Sơn chạy dài hàng chục cây số, từ chân núi Trường Lệ đến xã Quảng Tiến phía Bắc gồm ba bãi tắm.

Sầm Sơn là nơi có một loại phương tiện đi biển đặc biệt. Đó là những chiếc mảng làm bằng luồng, một giống cây chỉ thấy có nhiều ở miền núi xứ Thanh. Mảng luồng thường nhẹ, bão sóng dữ dội đến mấy cũng không chìm, chịu được độ mặn của nước biển khá tốt. Năm 1994, một số nhà thám hiểm và nghiên cứu đại dương phương Tây do ông Tim Severin chỉ đạo đã đóng và hạ thủy tại bãi biển Sầm Sơn một chiếc thuyền vượt đại dương làm bằng hàng trăm cây luồng Thanh Hóa. Chiếc thuyền được buộc bằng các sợi song, mây và hoàn toàn không có kim loại. Ngày nay, Sầm Sơn thịnh hành một loại hình phương tiện rất chủ động và có mặt ở hầu khắp các điểm du lịch trên Việt Nam. Đó là xe điện.

Sầm Sơn còn có đặc sản biển phong phú và chất lượng hơn nhiều địa phương khác. Khách có thể thưởng thức đủ loại mực ống, tôm he, cua gạch, các giống cá ngon như: chim, thu, nụ, đé… Hải sản nơi đây có đặc điểm là thịt chắc, dai, ngọt, rất đậm đà.
Đặc biệt là món “gỏi cá” và “lẩu rắn biển” đang được du khách ưa thích. Muốn làm món “gỏi cá” người ta phải chọn một số loại cá vừa đánh bắt được còn tươi nguyên rồi chế biến cá sống từ ngoài khơi. Sau đó mới đưa về nhà làm thêm các thứ gia vị như nước chấm có pha thêm rượu gọi là “nước chẻo”, chanh, ớt, rau thơm rồi ăn với bánh đa nướng. Còn món đặc sản rắn thì người ta bắt những con rắn biển nuôi sẵn trong thùng thủy tinh, treo ngược đầu lên, cắt tiết lột da. Tiết rắn và tim, gan bỏ riêng vào ly. Xương rắn băm viên chiên, còn thịt, da, trứng thì nấu lẩu. Trước khi thưởng thức người ta cho rượu ngon vào cốc đựng tiết rắn, dùng thân cây sả thay thìa quậy cho thật tan đều rồi nhắm với món lẩu và viên. Theo những khách ăn quen thì rượu tiết rắn biển chữa được bệnh đau sống lưng, còn món thịt rắn thì ngon và bổ.
*
3. Đền Độc Cước

Về phía Đông Nam thành phố Sầm Sơn có một dãy núi đá chạy dài, hình thù giống một phụ nữ nằm ngửa với bộ ngực nở nang. Đó là dãy núi Trường Lệ. Một chân của dãy núi này kéo sát đến tận bãi biển có thành đá dốc đứng. Phía trên là đền Thượng hay đền Độc Cước. Theo truyền thuyết đền này có từ thế kỷ XIII dưới thời Trần, cũng có truyền thuyết cho rằng đền được dựng trước nữa, sớm hơn nhiều.

Trong cuốn thắng cảnh Quảng Xương của Nguyễn Đức Thuận, người huyện Hoằng Hóa đỗ cử nhân khoa Mậu Thân (1848) triều Tự Đức soạn thì sự tích đền này như sau: Tục truyền đời xửa đời xưa một năm vào ngày mồng 7 tháng giêng, làng Trường Lệ bị một cơn mưa to gió lớn đến mức nước ngoài biển dâng lên ngang lưng núi, cây cối đổ nghiêng ngả. Sáng hôm sau dân làng trèo lên đỉnh núi thì thấy dấu bàn chân lớn in trên tảng đá, dài hơn một thước. Đến ngày 17/3 năm ấy bỗng có một bè gỗ lim trôi dạt vào chân núi. Dân làng cho đó là điềm trời bèn dùng số gỗ đó dựng đền thờ ở chỗ có vết chân đền Thượng thờ thần Độc Cước. Lưng chừng núi là đền Trung thờ vị quan dưới thời Lý là Tô Hiến Thành. Dưới chân núi là đền Hạ thờ vị thần thời Trần là Hoàng Minh Tự.

Về thần Độc Cước cũng có nhiều sự tích khác nhau. Có tích nói thần là con một người đàn bà bị chết đuối mà dãy núi Trường Lệ là hình người đàn bà này. Thần được dân làng cưu mang, nuôi nấng trở thành chàng trai khổng lồ. Thuở đó ở vùng biển này có lũ thủy quái thường làm hại dân chài. Nhưng từ khi có chàng đi đánh cá cùng thì lũ thủy quái bị chàng trừng trị. Chúng bèn âm mưu chờ chàng đi vắng kéo về làng làm hại những người ở nhà. Từ đó hễ chàng ở nhà thì chúng sát hại người đi biển, hễ chàng đi biển thì chúng sát hại những người ở nhà. Chàng bèn quyết định đối phó bằng cách xẻ thân mình làm đôi. Nửa thân với một chân ở ngoài biển, còn nửa thân và một chân đứng ở đất liền. Từ đó bọn thủy quái đành chịu không dám quấy nhiễu dân làng này nữa. Chàng trai được nhân dân làm đền thờ và tôn làm thành hoàng. Cái tên thần Độc Cước, tức thần “Một Chân” bắt nguồn từ tích này.

Còn cuốn Thanh Hoa Chư Thần Lục đời vua Thành Thái thì thần Độc Cước lại là họ Cao, tên Sơn Tự đỗ tiến sĩ đời nhà Tấn (265 – 317) nhiều năm vâng lệnh vua đi đánh giặc có công được phong làm Phó Quốc Vương. Khi mất hiển linh nên dân sở tại lập đền để thờ và các đời vua sau đều phong sắc.

Đền đã qua nhiều năm trùng tu. Năm trùng tu xưa nhất ở thượng lương gian tiền đường ghi niên hiệu Chính Hòa (1675 – 1705). Còn tiền đường mới hiện tại có niên đại Tân Mão (1891) với dòng chữ: ”Hoàng triều Thành Thái tam niệm tuế thứ Tân Mão hạ nguyệt trọng xuân lưu nhật quan thời tân tạo tiền đường thụ đại cát”. Tạm dịch: Đời vua Thành Thái thứ 3 năm Tân Mão mùa xuân tháng ba ngày tốt làm ngôi tiền đường. Qua hai cuộc kháng chiến từ 1945 đến 1975, bom đạn liên miên nhưng đền Độc Cước hầu như vẫn nguyên vẹn với những chiếc cột gỗ lim, gỗ chò và một số đồ thờ, bia, tượng có phong cách nghệ thuật của Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX.
*

4. Núi Ngọc – Hàm Rồng
Hàm Rồng là một cảnh đẹp thiên nhiên trên đường từ Nam ra Bắc và cũng là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Núi Hàm Rồng ở bờ Nam sông Mã, cách Hà Nội gần 150km. Cầu Hàm Rồng vắt mình trên dòng sông Mã, hai đầu gối và lưng núi Rồng, núi Ngọc, dòng nước trong xanh luôn cuồn cuộn chảy. Về mùa lũ, dòng sông gầm thét, hùng vĩ lạ thường.

Khi thực dân Pháp thực hiện chương trình khai thác ở Việt Nam, đường Quốc lộ được nắn lại, Hàm Rồng được chọn làm chỗ xây cầu. Bọn thực dân Pháp làm chiếc cầu này phải mất 3 năm (1901 – 1904). Nhưng đó chỉ là một chiếc cầu treo, thế mà chúng khoe khoang đây là một kỳ quan thế giới. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vào một ngày tháng 2/1947 người Hàm Rồng đã hạ cầu Hàm Rồng xuống sông Mã để ngăn chặn bước tiến của quân thù. Hòa bình lập lại, ngày 19/5/1964, một chiếc cầu theo kiểu mới to đẹp hơn, mang tên Cầu “19/5” lại nối liền hai bờ sông Mã. Trong thời chống Mỹ cứu nước, cầu Hàm Rồng được cả thế giới biết đến. Giặc Mỹ đã dùng 5.000 lượt máy bay hiện đại ném hơn 70.000 tấn bom phá và hàng trăm quả bom bi mẹ, bắn 500 quả tên lửa và nhiều đạn súng lớn từ ngoài khơi, thả thủy lôi và dùng nhiều cách để hạ cầu Hàm Rồng.

Có thể nói không ngoa rằng cầu Hàm Rồng là một “Tượng đài chiến thắng” của mặt trận giao thông vận tải trên con đường miền Bắc chi viện cho miền Nam trong những năm chống Mỹ. Là nơi diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt: chỉ trong hai ngày 1 và 3/4/1965, ta đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Chiếc máy bay thứ 2.000 rơi trên miền Bắc do chính người Hàm Rồng bắn vào ngày 5/6/1967. Hàm Rồng là nơi xuất hiện 5 đơn vị anh hùng như Nhà máy điện, Phân đội 3 Công an nhân dân vũ trang, Đội cầu 19/5, Đại đội dân quân tiểu khu Nam Ngạn và Đơn vị C4 pháo cao xạ. Cũng nơi đây đã tuyên dương 3 anh hùng: Ngô Thị Tuyền, Đỗ Chanh, Lê Kim Hồng và bao gương chiến đấu dũng cảm hy sinh khác.

Sau khi miền Bắc ngưng tiếng bom Mỹ, chỉ sau 69 ngày đêm thi công, cầu Hàm Rồng vững chãi to đẹp lại nối liền hai bờ sông Mã. Và đúng 17h25’ ngày 19/5/1972, đoàn xe lửa lại kéo còi.
*

5. Sông Mã - Cầu sông Mã (cầu Hoàng Long).
Có diện tích toàn lưu vực là 28.400km2, dòng chính có chiều dài 512km nhưng một phần của trung lưu lại nằm trên đất Lào với một đoạn dòng chảy là 102km, chiếm gần 20% dòng sông với diện tích lưu vực 10.800km2 chiếm 38% tổng diện tích. Sông Mã có hai nguồn, một từ vùng núi Tuần Giáo xuống, một từ sườn Bắc Pu Sam Sao đổ về, dòng chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam qua Sầm Nưa (Lào) rồi vào Thanh Hóa và đổ ra biển ở 3 cửa là: Cửa Lèn, Cửa Lạch Trường, Cửa Lạch Trào. Mùa lũ kéo dài 5 tháng từ tháng 6 - 10.

Cầu sông Mã là một trong những cây cầu đẹp trên tuyến Quốc lộ 1A. Ngày 2/7/2000 cầu được khánh thành và được Thủ tướng Phan Văn Khải cắt băng khánh thành và đặt tên là Hoàng Long có nghĩa là Rồng Vàng. Cầu sông Mã gồm đường dẫn dài 3,5km, cầu Hàm Rồng vượt đường sắt dài 413m, rộng 12,5m và cầu vượt sông Mã dài 380,68m, rộng 12,5m. Cầu được khởi công từ tháng 7/1997, kinh phí 124 tỉ đồng.
*

6. Dấu tích Lam Sơn.
“Dẫu đi trăm núi ngàn rừng
Hồn Lam Sơn vẫn thấu từng câu ca.”
(Ca dao)

Lam Sơn, mảnh đất ghi lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc ta ở thế kỷ 15, đến nay vẫn còn soi rọi ánh sáng rực rỡ cho bước đường của nhân dân Thanh Hoá nói riêng và đất nước nói chung. Lam Sơn là nơi Lê Lợi dấy quân đánh giặc Minh, giành độc lập. Lam Sơn (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) là khu di tích lịch sử – văn hoá quê hương anh hùng dân tộc Lê Lợi, mang những dấu tích và truyền thuyết về Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hào kiệt xuất của dân tộc ta.
Ở triều Lê, Lam Sơn được chọn làm đất tôn miếu. Ở đây có bia ký, lăng mộ tưởng nhớ, điện miếu thờ các vua, hoàng hậu, con cháu nhà Lê có tước vương. Lam Sơn thời bấy giờ được coi là kinh đô thứ hai của đất nước (Lam Kinh), có nhiều công trình kiến trúc văn hoá như: điện Lam Kinh, Lăng mộ, đền các vua Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông… và Lăng mộ các Hoàng hậu: Ngô Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Ngọc Huyên, khu lăng có những bia lớn cùng nhiều con vật bằng đá chạm khắc khá công phu.

Xưa kia ở Lam Sơn, có cung điện nguy nga đồ sộ. Lăng bia các vua và Hoàng Hậu nhà Lê đặt tại nhiều chỗ trên một địa bàn rất rộng tại các khu rừng cấm. Mấy trăm năm qua, khu di tích không được bảo vệ, bị thiên tai, hoả hoạn đổ nát hầu như hoàn toàn. Khung cảnh thiên nhiên cũng biến đổi nhiều. Nay chỉ còn dấu tích của tường thành, nền cung điện với nhiều viên gạch, đá tảng chân cột, có kích thước khá lớn, các bậc rồng lên xuống bị đổ vỡ, các lăng mộ bị sụt lở, các con vật bằng đá bị sứt mẻ, xê dịch, các bia đá trơ trọi ngoài mưa nắng, lối đi lại lầy lội rậm rạp.
Nhà nước ta đã cho sửa chữa một vài lần như đền Lê Lợi, làm nhà bia Vĩnh Lăng, phát quang mặt bằng, trồng cây và tăng cường bảo vệ. Nhân kỷ niệm lần thứ 600 năm sinh Nguyễn Trãi, khu di tích Lam Sơn được Bộ Văn Hoá Thông Tin, Tỉnh Ủy, UBND Tỉnh Thanh Hoá cho sửa lại, phục hồi khung cảnh thiên nhiên trong mức độ có thể được.
*

7. Di chỉ núi Đọ – Đông Sơn
Đi ngược lại dòng lịch sử vài ba vạn năm trước đây, Thanh Hóa là một điểm tụ dân xưa nhất ở nước ta, một điểm tụ dân bản địa không phải từ Nam hay từ Bắc di cư đến quần tụ lại mà hình thành. Trên cương vực của Thanh Hóa, các gia đoạn phát triển lịch sử của con người đều có dấu ấn hẳn hoi, từ thời đại đồ đá cũ (di chỉ núi Đọ thuộc nền văn hóa núi Đọ); đồ đá giữa (di chỉ làng Bon thuộc nền văn hóa Hòa Bình); đồ đá mới (di chỉ Da Bút, Đồng Khôi thuộc nền văn hóa Bắc Sơn); thời đại đồng thau (di chỉ Đông Sơn thuộc nền văn hóa Đông Sơn). Có mấy nền văn hóa có tính chất thế giới thì riêng Thanh Hóa đã có địa danh của mình đặt cho hai nền văn hóa Núi Đọ và văn hóa Đông Sơn.
Núi Đọ nằm sát nơi gặp nhau giữa hai dòng sông Chủ và sông Mã (cách thành phố Thanh Hóa về phía Tây Bắc khoảng 5km đường chim bay), thuộc địa phận các xã Thiệu Tân, Thiệu Vân, Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa. Người ta đã có đủ những tài liệu để xác định được địa bàn phân bố chủ yếu của văn hóa Đông Sơn là tương đương với miền Bắc Việt Nam ngày nay và văn hóa Đông Sơn có những giai đoạn phát triển nối tiếp nhau và tồn tại trong khoảng thời gian cách ngày nay hơn 3.000 năm.
Những di tích văn hóa Đông Sơn vừa mới phát hiện (1973) ở làng Vạc thật thú vị. Khu mộ táng thuộc nền văn hóa Đông Sơn này nằm ven sườn núi phía Tây nhìn xuống một khe suối cổ. Diện tích khai quật đợt hai là 363m2, trên đó cứ trung bình 100m2 lại tìm thấy từ 45 đến 50 ngôi mộ cổ gồm các loại: mộ đất, mộ vò, mộ kè đá, lợp đá và mộ rải gốm, kè gốm. Nhiều mộ lợp đá, kè gốm có quy mô lớn, kết cấu đẹp chứa hàng chục hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý được coi là những ngôi mộ “giàu” mà chủ nhân có thể là những thủ lĩnh tôn giáo hay quân sự của cư dân thời đó. Đồ đồng thau chiếm tỉ lệ khá lớn trong số các hiện vật tùy táng, gồm gần 200 chiếc. Lần khai quật này còn tìm thấy 7 trống đồng là hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn khiến cho làng Vạc trở thành địa điểm phát hiện được nhiều trống đồng Đông Sơn nhất ở Việt Nam.
*

8. Vườn Quốc gia Bến En
Từ thành phố Thanh Hóa theo đường bộ 24km tới huyện lỵ Nông Cống rồi đi tiếp 17km nữa thì sẽ tới vườn Quốc gia Bến En thuộc địa phận huyện Như Xuân – Thanh Hóa. Nơi đây chẳng những là khu bảo tồn các nguồn gene động, thực vật quý hiếm phục vụ cho nghiên cứu khoa học mà còn là một khu tham quan du lịch, nghỉ mát lý tưởng.
Bến En có hồ nước rộng tới 4.000ha sâu hàng chục mét chia ra làm hai hồ. Hồ dưới khoảng 800ha và hồ trên rộng hơn 3.000ha. Trên mặt hồ nhô lên hai hòn đảo lớn nhỏ. Các đảo có rừng cây, hoa lá và một vài giống chim, thú sinh sống tự nhiên và do con người chăn thả, nuôi dưỡng. Trên một số đảo khách tham quan có thể dựng lều, căng bạt để nghỉ ngơi qua đêm và giải trí bằng cách câu cá, bắt cua đá ở trong các hốc. Nếu dùng thuyền hoặc xuồng máy du ngoạn trên khắp hồ thì phải mất hàng ngày trời. Động vật hồ Bến En có các loại cá, ba bam đặc biệt có giống cá mè sông Mực từ xưa nổi tiếng là lớn và ngon.
Cùng với hồ nước, Bến En còn có rừng thực vật phong phú, hiện tính được có đến 462 loài và 125 bộ. Bao gồm nhiều loại cây dùng làm đồ mỹ nghệ như song, mây… làm dầu thơm như hương bài, màng tang, sến trẩu, cây làm thuốc có tới 300 loại và nhiều giống cây cảnh đặc biệt là các giống phong lan. Rừng ở đây hiện còn bảo quản được nhiều loại gỗ quý hiếm như lát hoa, lim, chò chỉ, vùa hương. Có cây lim chu vi đến 2,06m, cao gần 50m và ước tính tuổi đời phải đến thế kỷ.
Khu vực rừng và hồ Bến En còn có tới 300 loài côn trùng và 216 giống vật, trong đó có một số động vật quý hiếm như sói đỏ, gấu ngựa, hổ báo, vượn bạc má, vượn đen, voi…
Muốn tham quan hết khu rừng, du khách cũng phải mất nhiều ngày. Rừng Bến En nằm trên địa phận các xã Tân Bình, Binh Lương nên ở đây còn có các dân tộc như: Thái, Mường, Thổ và Kinh cùng sinh sống và một số phong tục, sinh hoạt của người miền núi vẫn còn được lưu giữ như ở nhà sàn, uống rượu cần.
Ngoài khu vực hồ, đảo, bán đảo và rừng, Bến En còn có dãy núi đá vôi thuộc xã Hải Vân với một số cụm hang động khá đẹp và còn giữ được vẻ tự nhiên nguyên thủy chưa bị bàn tay con người phá hoại, đục đẽo như hang, động ở nơi khác. Trong đó đáng chú ý là hang Ngọc. Hang này có chiều dài khoảng 80m, cao 2,5m, rộng 8m trong đó có thạch nhũ óng ánh muôn hình muôn vẻ. Đặc biệt ở giữa hang có một khối thạch nhũ lớn, đường kính đến 1,5m sáng lấp lánh được mệnh danh là “hòn Ngọc”. Nước từ các đá trong hang chảy ra tạo thành dòng suối nhỏ trong mát, tiếng kêu róc rách suốt đêm ngày.
Đến tham quan Bến En du khách còn được thưởng thức món “canh đắng” – là một loại đặc sản của vùng miền núi xứ Thanh. Canh được nấu bằng lá của một loại cây có vị đắng. Người ta chọn lá không già quá, cũng không non quá, thái nhỏ rồi nấu với thịt bò, thịt gà hoặc tim, gan heo. Thịt phải tươi rồi gia thêm mắm tôm, muối, ớt… thành một thứ canh vừa đắng vừa béo, vừa cay lại có vị hơi chua, hơi ngọt. Người miền núi cho rằng ăn “canh đắng” bổ và mát. Khi đã dùng quen, khách sẽ thấy hạp khẩu vị, muốn cứ mỗi bữa ăn có bát “canh đắng” ăn với cơm, bánh mì, hoặc súp. Ngày nay ở miền xuôi, một số hàng ăn đã đưa món “canh đắng” vào thực đơn xem như là một loại thức ăn đặc sản và đang được nhiều người yêu thích.
*

9. Di tích quê hương các chúa Trịnh
Trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII suốt hơn 2000 năm, họ Trịnh đã đóng vai trò lãnh đạo bộ máy nhà nước phong kiến với một chính quyền “kép”, vừa có vua lại vừa có chúa, thường được gọi là thời kỳ Lê – Trịnh.
Vị chúa đầu tiên của dòng họ Trịnh là Trịnh Kiểm (1503-1570) vốn quê ở làng Sáo Sơn – Biện Thượng (hay Sóc Sơn – Bồng Thượng) nay thuộc xã Vĩnh Hùng – huyện Vĩnh Lộc – Thanh Hóa. Đây là vùng đất có cảnh quan rất đẹp, sông núi bao quanh và nằm giữa những địa điểm có di chỉ khảo cổ đồ đá nổi tiếng như Núi Đọ, núi Nổ, Đa Bút. Vì thế đã có câu ca rằng:
“Dòng Mã Giang mênh mang sóng bạc
Dãy Hùng Sơn man mác điệp trùng
Núi sông hun đúc khí hùng
Sóc Sơn, Biện Thượng một vùng Thanh Hoa”
Kể từ năm 1539, khi vua Lê Trang Tông phong cho Trịnh Kiểm tước Thái Sư Quận công và chọn Vạn Lại (nay thuộc xã Yên Trường – huyện Thọ Xuân) làm “Hành điện” (nơi vua ở) thì vùng Sóc Sơn – Biện Thượng trờ thành “Hành dinh” của chúa Trịnh, nơi bộ phận đầu não chỉ huy cuộc chiến đấu chống nhà Mạc khôi phục nhà Lê đóng bản doanh. Từ đó, làng Sóc Sơn – Biện Thượng vừa là quê hương, vừa là đại bản doanh của các chúa Trịnh trước khi thu phục được Thăng Long nên nơi đây có nhiều công trình kiến trúc như dinh thự, cung điện, đền đài. Tiếc rằng, trải qua sự huỷ hoại của thời gian và chiến tranh binh lửa nên đến nay quê hương các chúa Trinh chỉ còn lại một số ít di tích được dựng từ trước. Trong đó có phủ Trịnh, là hành dinh của chúa, và Nghè Vẹt là nơi thờ 12 vị chúa Trịnh (Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Giang, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Trịnh Khải và Trịnh Bồng).
*

10. Động Bích Đào – Truyền thuyết Từ Thức
Từ thị trấn Nga Sơn, Thanh Hóa theo trục đường bộ đi về hướng Đông Bắc khoảng 6km đến địa phận xã Nga Thiện du khách sẽ gặp dãy núi Thần Đầu hay còn gọi là núi Thần Phù, núi Giáp Sơn, chạy dài “liên tiếp như bức tường kéo đến, quanh co, khuất khúc”. Tại dãy núi này có một thắng cảnh nổi tiếng đựơc các sách vở xưa nay ca ngợi nhiều, đó là động Bích Đào hay còn gọi là động Từ Thức vì gắn với một truyện cổ dân gian về cuộc tình duyên của một người trần tên Từ Thức với nàng tiên là Giáng Kiều.
Muốn đến được động, du khách phải đi qua một cánh đồng cát khá rộng, khoáng đãng, nhân dân địa phương thường trồng hoa màu như ngô, lạc. Trước cửa động có nhiều cây cối mọc râm mát, các dây leo chằng chịt làm thành những chiếc võng tự nhiên, du khách có thể ngồi nghỉ chân trước khi vào thăm động. Mấy gốc cây to còn lại chứng tỏ nơi đây trước kia có các đại thụ rất lâu đời nhưng nay đã bị đổ.
Đường vào thăm động là một lối đá mòn từ dưới chân núi đi lên dài khoảng trăm thước nhưng không cao, không khúc khuỷu lắm. Trước cửa động hiện còn hai bài thơ chữ Hán. Một khắc trên vách đá cao và một khắc trên phiến đá hình chữ nhật giống như tấm bia dựng dưới nền động. Bài thơ thứ hai này là của bảng nhãn Lê Quý Đôn sáng tác vào thế kỷ XVIII, được một viên tri huyện cho khắc vào năm Ất Tỵ, đời Thành Thái thứ 17. nội dung như sau:
“Mờ mịt thần tiên ngất dặm dương
Bích Đào động cũ dấu thê lương
Ao gai phiêu bạt thân Từ Thức
Mây nước già dăm mặt Giáng Hương
Trống đá nghe khuya lay động sớm
Sương thu chăng đượm cát sa trường
Thiên Thai bao kẻ từng xây mộng
Nào biết Thiên Thai cũng hí trường”
*

11. Di tích Bà Triệu
Từ Hà Nội vào theo Quốc lộ 1A hoặc tuyến đường sắt Bắc Nam đến cách ga Nghĩa Trang khoảng hơn 2km du khách nhìn sang phía trái sẽ thấy một ngôi đền nằm ở vị trí rất đẹp. Đó là đền thờ Bà Triệu. Đền được xây dựng từ bao giờ chưa biết rõ. Theo một số sách vở ghi chép thì năm 554, Lý Nam Đế – một vị anh hùng dân tộc Việt Nam đã nổi dậy chống quân đô hộ nhà Lương có đem quân đánh dẹp vùng Bình Lâm (huyện Hà Trung – Thanh Hóa bây giờ). Ông có qua làng Bồ Điền và ban cho Bà Triệu đạo sắc “Bật chính anh liệt hùng tài trịnh nhất phu nhân”. Xem vậy thì đền thờ Bà Triệu có lẽ đã có từ thời đó. Hiện đền còn giữ được sổ ghi 30 đạo sắc phong với hàng trăm danh hiệu như: Bắc chính phu nhân, Anh Liệt phu nhân, Hồng âm mẫu đức đại vương…
Đền được dựng dưới chân một ngọn núi có tên là núi Bân (Bân Sơn). Xung quanh cây cối bao bọc, râm mát. Đền gồm có hai phần: hậu cung và bái đường. Hậu cung dựa lưng vào vách núi gồm 3 gian. Trước mặt là một sân nhỏ nối với hậu cung bởi hai dãy hành lang tả hữu. Bái đường ở bậc thấp hơn, gồm 5 gian làm bằng gỗ, lợp ngói. Từ ngoài nhìn vào ở chính giữa phía trên có 4 chữ Hán: “Triệu Nữ Vương tử” (Đền thờ Triệu Nữ Vương). Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức hàng năm vào ngày 24/2 âm lịch.
Cuộc khởi nghĩa của Triệu Trinh Nương chống nhà Đông Ngô xảy ra vào năm 248. Bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt lập căn cứ ở vùng Thanh Hóa ngày nay. Mỗi khi xung trận, bà thường mặc áo vàng và xưng là Nhụy Kiều tướng quân. Nghĩa quân đánh phá nhiều thành quách của quân Ngô làm chúng khiếp sợ. Thứ sử Giao Châu là Lục Dận đem quân đàn áp đánh trong 6 tháng. Nghĩa quân mai một dần. Bà Triệu đem tàn quân về đến Núi Gai (Thanh Hóa) và tự sát ở đấy. Nói đến Bà Triệu ta như thấy Bà vẫn còn đây với câu nói bất hủ: “Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.
*

12. Lăng Bà Triệu
Cách đền khoảng 1.000m về hướng Tây là ngọn núi Tùng hình giống như một cây thông. Trên đỉnh núi là mộ Bà Triệu, có tường hoa bao quanh và một cái tháp chiếu thẳng xuống đền.
Dưới chân núi có mộ và bia của 3 anh em họ Lý người làng Bồ Điền là tùy tướng của Bà Triệu. Đứng ở mộ Bà Triệu, du khách có thể phóng tầm mắt ra khắp 4 hướng xung quanh và ngắm nhìn núi non, sông ngòi, làng mạc, đồng ruộng, đường bộ, đường sắt xen nhau dệt thành một bức thảm đẹp kỳ lạ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #bt