Chùa BĐ cổ

Như đã giới thiệu ở phần trước, các quý khách đang bước chân trên mảnh đất có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, văn hóa, tín ngưỡng. Bản thân khu vực núi chùa Bái Đính đóng vai trò là vùng giao thoa giữa văn hóa sông Hồng ở phía Bắc và văn hóa sông Mã ở phía Nam, là cửa ngõ từ rừng xuống biển, là một điểm trên con đường sinh dưỡng, giao lưu bằng đường bộ theo hướng Bắc – Nam của người Tiền sử. Điều này được chứng minh qua các di chỉ khảo cổ học ở núi Thung Bình, hang Bói, hang Trống… (những di chỉ thời đại đồ đá nằm ở phía Đông Nam núi Bái Đính), qua những di chỉ thời đại đồ đồng: núi Ốp, núi Xưa, đồi Đống (phía Tây Bắc núi Bái Đính)… Đó là nền cơ sở vật chất của nền văn minh Đông Sơn, thời đại các vua Hùng, gắn liền với những truyền thuyết, huyền thoại về nhân vật thần núi Thánh Tản Viên, nhân vật này cũng được thờ tại đây.

Và khu vực núi Bái Đính cũng nằm trên dòng chảy của tín ngưỡng thờ Mẫu (một tín nhưỡng bản địa của dân tộc), từ đền Sòng, phố Cát (Thanh Hóa) đến phủ Đồi Ngang (Nho Quan – Ninh Bình) qua núi Bái Đính, ở đây ngoài động thờ Phật, đền thờ thánh Cao Sơn còn có phủ thờ Mẫu, để rồi từ đây, dòng chảy tiếp tục về núi Gôi (Nam Định) gắn liền với nhân vật mẫu Liễu Hạnh ba lần sinh, ba lần hóa.Và cũng chính vì thế, nhân ngày hội chùa Bái Đính (ngày mồng 6 tháng Giêng) vào các năm 1943, 1944 có hàng nghìn Phật tử; tín đồ của Mẫu, của Thánh đến tham dự, lợi dụng thời điểm tập trung đông người này các chiến sỹ Cộng sản.

Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía nam. Chùa Bái Đính cổ tọa lạc trên một ngọn núi cao 187m, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nơi có nhiều giai thoại về Đức Thánh Nguyễn Minh Không, người đã lập nên vào triều Lý khi Ngài về đây tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho vua. Vì vậy chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.

Gần 1000 năm trôi qua, ngôi chùa Bái Đính cổ vẫn còn đó như một minh chứng cho sức sống bền bỉ của đạo Phật trong đời sống tâm linh của người Việt. Các hạng mục chính của chùa Bái Đính cổ gồm: động thờ Phật, động thờ Mẫu, điện thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không và điện thờ Đức Thánh Cao Sơn.

Bái Đính cổ tự không có những mái chùa cong vút mái đao hay mũi hài, càng không có những trụ cột to lớn, đồ sộ hay thượng điện nguy nga lộng lẫy. Mà được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa động khá phổ biến như các chùa cổ khác ở Ninh Bình.

Tất cả các ban thờ Phật, thờ Mẫu của chùa Bái Đính cổ đều được đặt giữa lòng những sơn động u minh, làm tăng thêm không khí linh thiêng và huyền bí nơi cửa thiền. Trần hang động đã trở thành những mái chùa kiên cố, che chắn chốn thiêng ngự trị của Phật, của Mẫu đã hàng bao thế kỷ nay.

Muốn lên thăm hang động ở núi Bái Đính các du khách phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng Tam Quan ở lưng chừng núi. Lên hết dốc là tới ngã ba là đền thờ Thánh Nguyễn, bên phải là hang sáng thờ Phật, bên trái là động tối thờ Mẫu. Mỗi một hang động đều có một sự tích và huyền thoại riêng tạo nên những nét kỳ bí và linh thiêng nơi cửa thiền.

Lý Quốc Sư hay thiền sư Nguyễn Minh Không là một nhà sư tài danh, sinh ra tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Ông được coi là thần y khi đã chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông, từ đó trở thành vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu, là người có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân.

Tương truyền rằng, khi ông đi tới vùng đất núi chùa Bái Đính hiện nay, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Ông nhận ra đây là nơi tiên cảnh, với thế núi hướng về phía Tây như chầu về đất Phật, rừng núi mênh mông với muôn vàn cây thuốc quý. Ông quyết định dừng lại nơi đây để tu hành và đặt tên cho núi là Bái Đính sau đó biến nơi đây thành “vườn sinh dược” (có nghĩa là vườn thuốc quý) để cứu sinh độ thế cho muôn dân. Ông là người trực tiếp bốc thuốc chữa bệnh cho chúng sinh nhờ vào những loại thuốc quý có sẵn nơi đây và một số loại ông đưa từ nơi khác về trồng. Đền thánh Nguyễn được đặt nằm ngay tại ngã ba đầu dốc, xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng.

Động thờ Phật

Động thờ Phật có chiều dài 25m cao 2m. Trong một lần vua Lê Thánh Tông kinh lý phương Nam, ngài đã thăm và ban tặng chùa Bái Đính bốn chữ “Minh Đỉnh Danh Lam” trên cửa động, nhằm miêu tả, ca ngợi vẻ đẹp và sự linh thiêng của núi rừng nơi đây. Trước cửa động thờ 2 pho tượng Hộ pháp bằng đồng là ngài Khuyến Thiện và Trừng Ác.

Trong động thờ Phật còn thờ Đức chúa ông, tức là Trưởng giả Tu Đạt hay còn gọi là ông Cấp Cô Độc. Ông là một vị Trưởng giả ở đất nước Ấn Độ cổ, sinh cùng thời với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là đệ tử tu tại gia và hộ pháp đắc lực của Đức Phật. Sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni chứng đắc đạo quả dưới gốc cây Bồ đề, Trưởng giả Tu Đạt và Thái tử Kỳ Đà đã cùng nhau xây dựng một Tịnh Xá dâng lên Đức Phật để ngài làm nơi thuyết pháp, độ sinh. Sau này khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, thì nơi này đã làm nơi thờ Phật và đó được coi là ngôi chùa đầu tiên.

Trong động chính là thờ ngôi Tam Bảo – ba ngôi báu, bao gồm: Phật Bảo là chỉ cho 10 phương ba đời các Đức Phật, Pháp Bảo là chỉ cho kinh điển, giới luật, giáo lý… của nhà Phật; Tăng Bảo là chỉ cho những người xuất gia tu hành tu theo giới luật của Phật và truyền trì chính pháp.

Động thờ Mẫu

Đối diện với động thờ Phật là động thờ Mẫu. Bên trái cửa động treo quả chuông nặng 300kg và có khắc 8 chữ là: “Mẫu – Nghi – Thiên – Hạ / Xuân – Hạ – Thu – Đông”.

Cũng như các ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Bái Đính có tín ngưỡng thờ Tam tòa Thánh Mẫu, hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn… Trong đó, Mẫu Thoải là Mẫu đệ tam cai quản vùng sông nước, thường được khoác trên người màu áo trắng; Mẫu Thượng Ngàn là Mẫu đệ nhị người cai quản vùng núi rừng nên khoác trên người màu áo xanh; Mẫu Liễu Hạnh là mẫu đệ nhất, khoác trên người màu áo đỏ – màu của sinh lực, màu của sự hy sinh, biểu tượng cho sự hy sinh của những người mẹ.

Hầu cận Mẫu là đôi Kim Đồng, Ngọc Nữ cùng với Ngũ vị tiên quan, tức là năm vị quan tối cao thi hành các nhiệm vụ của Mẫu khi mẫu ban lệnh.

Đền Thánh Cao Sơn

Đi sâu qua động thờ Thánh Mẫu có một lối dẫn xuống sườn thung lũng của rừng cây sưa là đền thờ thần Cao Sơn, vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm. Ngôi đền thần Cao Sơn hiện tại được tu tạo có kiến trúc gần giống với đền Thánh Nguyễn, cũng xây tựa lưng vào núi, có hành lang ngăn cách với thung lũng ở phía trước. Theo truyền thuyết Thánh Cao Sơn là một vị tướng của Vua Hùng (Tản Viên là anh cả, Cao Sơn là anh thứ hai, Quý Minh Đại Vương là thứ ba). Tương truyền rằng, lệnh bài người cầm trước ngực là do vua Hùng ban cho những cánh quân đi về núi Bái Đính để trấn giữ 99 ngọn núi

Đặc biệt từ cửa hang sáng nhìn ra phía trước là thung lũng xanh ngút ngàn, tức cảnh sinh tình, có truyền thuyết kể lại rằng, khi vua Lê Thánh Tông lên vãn cảnh chùa trên đỉnh Bái Đính vua đã tạc một bài thơ trên núi đá ca ngợi vẻ đẹp nơi đây, hiện vẫn còn lưu giữ tới ngày nay. Bài thơ có câu dịch:

Đính sơn danh tiếng thật cao xa
Che chở kinh thành tự thửa xưa
Nhân kiệt địa linh nên vượng khí
Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #bt