Chè Thái Gái Tuyên

Vì sao thế nhỉ, cùng Ngoc nguyen tìm hiểu về câu nói được xem thành ngữ này nhé

Trong ngôn ngữ của người Việt, chúng ta thường dùng lối nói sóng đôi để miêu tả một sự việc, hiện tượng. Ví dụ: “Nước khe, chè núi”, “Cá chậu, chim lồng”, “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”… Đây là một biện pháp tu từ cú pháp cho phép hai câu hoặc hai cụm có nghĩa đứng cạnh nhau tạo nên một câu hoàn chỉnh. Hai câu hoặc cụm từ đi cùng nhau thường có nghĩa tương đồng để làm nổi bật tính chất, rõ nghĩa hoặc bổ sung ý nghĩa cho nhau. Như vậy, “Chè Thái, gái Tuyên” cũng có thể được coi là một trường hợp tương tự mà dân gian mượn sự tinh túy, hương vị thơm ngon khó quên của chè ở vùng đất Thái Nguyên để nói đến cái tinh tế, đằm thắm, thanh thoát của người con gái xứ Tuyên. “Chè Thái” là một đặc sản khiến nhiều người đã được thưởng thức phải tấm tắc khen, là một thức uống không thể thiếu với mỗi người “sành” trà đạo. Hình ảnh người con gái xứ Tuyên đặt song song với hương vị của “Chè Thái” phải chăng để lột tả vẻ đẹp của người con gái Thành Tuyên?

Nói đến con gái đẹp thì người ta hay nhắc đến “Gái Tuyên” cũng như nói đến Thái Nguyên người ta nhớ ngay đến đặc sản chè nổi tiếng. Điều đó giống như là bản quyền của một “thương hiệu” và sự thật vẻ đẹp của người con gái xứ Tuyên đã được dân gian khẳng định bởi câu thành ngữ “Chè Thái, gái Tuyên”. Chẳng thế mà đã có rất nhiều giai nhân xứ Tuyên đã đi vào tâm trí của người dân đất Việt. Có thể kể đến tên một số người đẹp nổi tiếng đã từng một thời “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nhỏ như: Chị em người mẫu Thủy Hương – Mỹ Hạnh, diễn viên điện ảnh Thu Hà, Vũ Mai Huê, Á hậu Báo Tiền Phong năm 1992 Nguyễn Minh Phương, Á hậu năm 1994 Tô Hương Lan, người mẫu Châu Á – Thái Bình Dương Dương Thanh Chấn, phát thanh viên truyền hình Thu Hiền, Tùng Lâm… Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo một lần “Qua miền gái đẹp” ấy cũng đã phải rung động mà thốt lên: “Người đẹp Tuyên Quang cổ mang vòng bạc/Môi đỏ như ớt vừa ngọt vừa cay/Da trắng chân dài đèo cao áo bay/…/Người đẹp vít cần nồng hơn rượu mạnh/Đàn hát chao ôi nghe chạnh lòng nhau/…/Xe rời thành Tuyên xa miền gái đẹp/Còn vọng lời chào dính hơn xôi nếp/Còn xanh lá tếch ai cầm trên tay…”.

Trước hết, có thể nói “gái Tuyên” đẹp là do lịch sử truyền thống. Xưa kia, Tuyên Quang là một vùng đất rộng lớn gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và một phần của Cao Bằng. Tuyên Quang là vùng đất cổ, mỗi địa danh đều có tên tuổi và ghi nhiều dấu tích của lịch sử, đều gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc… Cho đến nay, những dấu tích lịch sử ấy còn được lưu giữ và nằm trải dài ở nhiều nơi dọc theo mảnh đất xứ Tuyên. Trên Núi Thổ Sơn nằm ở trung tâm thành phố, bên cạnh dòng sông Lô hiền hòa còn lưu lại tấm bia đá từ thế kỷ XV, ghi: An biên viễn ải ưu kim bạc / Tuyên thành vạn cổ áng Thăng Long. (Tạm dịch: ở nơi biên cương xa xôi có nhiều vàng bạc. Thành Tuyên Quang muôn đời là nơi che chở cho đất Thăng Long).

Các triều đại phong kiến trước đây đều coi Tuyên Quang là vùng phên giậu ở phía Bắc của Tổ quốc và những vị tộc trưởng, tù trưởng ở đây được xem là “nanh vuốt” của triều đình.

Để giữ chắc phên giậu, nhà nước phong kiến phải kết giao và giữ mối quan hệ đối với các tù trưởng, tộc trưởng.

Trong đó, không loại trừ cả “kế mỹ nhân” là gả công chúa, quận chúa cho các tù trưởng, tộc trưởng để tạo dựng niềm tin, lòng trung thành. Bài văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi (văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc) được khắc bằng chữ Hán trên một tấm bia đá từ thế kỷ XIII, đặt tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc thuộc xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) có ghi tên một vị công chúa nhà Trần tên là Khâm Thánh, được vua cha gả cho tù trưởng Hưng Tông, một người có công chống giặc ngoại xâm.

Thế kỷ thứ XV nhà Mạc xây thành đắp lũy ở một số nơi và Tuyên Quang là nơi vương triều nhà Mạc chọn làm chốn định đô khi thất thế. Tuyên Quang hôm nay vẫn còn đó Thành nhà Mạc sừng sững giữa thành phố trẻ, như chứng nhân cho một thời kỳ thịnh trị của một triều đại.

Như vậy, Tuyên Quang từng là nơi “định cư” của nhiều vua chúa, quan lại, cung tần, mỹ nữ. Những người con gái đẹp được tuyển chọn làm thê thiếp lại phải là những người con gái “sắc nước hương trời”, được rèn giũa và dạy bảo đầy đủ gia phong, lễ nghĩa, phép tắc.

Từ đây ta có thể lý giải rằng, theo mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có thêm những công chúa, quận chúa được gả về đây và tháp tùng họ lên Tuyên Quang chắc chắn có cả một đoàn tỳ thiếp mỹ nữ được lựa chọn từ nhiều nơi cùng một đội ngũ quân binh tráng kiệt.

“Gái Tuyên” đẹp còn do điều kiện tự nhiên. Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, địa hình có nhiều đồi núi cao, rừng rậm và hệ thống sông, suối dày đặc, khoảng 500 con sông suối lớn nhỏ chảy bao quanh. Khí hậu tương đối ổn định, nhiệt độ trung bình hằng năm từ 22 đến 24 độ C được coi là mát mẻ, không khí trong lành… Có lẽ đây là một điều kiện khá thuận lợi để tạo nên những làn da trắng nõn nà, mái tóc đen, mượt mà, nụ cười hồn nhiên, trong sáng của những cô gái miền sơn cước.

Mặt khác, ngoài người Kinh, Tuyên Quang còn nhiều dân tộc khác sinh sống như: Tày, Dao, Cao Lan, Mông, Thái, Hoa… Đặc điểm sinh sống của các dân tộc ở Tuyên Quang là ít co cụm mà thường phân tán, đan xen nhau. Sự giao thoa lối sống, văn hóa và hôn nhân đa tộc đã góp phần sinh ra nhiều người đẹp cho xứ Tuyên.

“Gái Tuyên” đẹp không chỉ ở hình thức bên ngoài mà còn đẹp ở nội tâm bên trong.

Đó là những nét dịu dàng, đằm thắm, nết na, sự khéo léo trong cách ăn ở… và đặc biệt là giọng nói với phát âm rất chuẩn. Tất cả đều đã được hình thành và khẳng định bởi nguồn gốc lịch sử, yếu tố địa lý và nét văn hóa đặc trưng của miền đất xứ Tuyên.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #bt