Câu 10 : Tổng quan về bảo tàng dân tộc học ? Kiến trúc ngôi nhà dài của người Ê

Câu 10 : Tổng quan về bảo tàng dân tộc học ? Kiến trúc ngôi nhà dài của người Ê Đê ? Lễ cấp sắc của người đỏ trong bảo tàng dân tộc học VN ?
 Tổng quan về bảo tàng dân tộc học
1. Lịch sử hình thành và quá trình hoạt động:
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được thành lập theo quyết định của thủ tướng chính phủ ngày 24 tháng 10 năm 1995. Bảo tàng được xây dựng trong 2 năm và chính thức khánh thành ngày 12 tháng 11 năm 1997.
Bảo tàng được thiết kế bởi kiến trúc sư Hà Đức Lịnh. Phần nội thất do bà kiến trúc sư người Pháp Véronique Dollfus thiết kế. Bảo tàng gồm hai khu vực chính: trong nhà và ngoài trời. Khu vực trong nhà bao gồm các khối nhà: nhà trưng bày, cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản, hệ thống các bộ phận kỹ thuật, hội trường… Các khối nhà này liên hoàn với nhau, có các lối đi hợp lý, với tổng diện tích 2.480m2, trong đó 750 m2 dành cho kho bảo quản hiện vật. Khu trưng bày ngoài trời đang tiếp tục được hoàn thiện.
Đây là một trong những bảo tàng có hệ thống sưu tập hiện vật phong phú, tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Trong những năm qua, bảo tàng đã có nhiều hoạt động sưu tầm hiện vật và phổ biến các giá trị văn hóa vật thể – phi vật thể của các dân tộc Việt Nam thông qua các cuộc trưng bày, không chỉ tại bảo tàng mà còn tham gia các hoạt động trưng bày chuyên đề và trình diễn tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Bỉ, Áo…
2. Đặc điểm của bảo tàng:
Hiện nay, phần trưng bày trong nhà chiếm trọn toà nhà 2 tầng có dáng mô phỏng hình trống đồng- một biểu tượng chung của nền văn minh Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực. Chiếc cầu đá granít dẫn vào toà nhà Bảo tàng tạo cảm giác như đang bước lên căn nhà sàn phổ biến ở nhiều vùng. Mặt nền sảnh lớn toà nhà này được trang trí bằng đá granit với biểu trưng theo hình thể của Tổ quốc có đất liền và biển cả.
Hiện vật của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không phải chỉ là những cổ vật đắt tiền, mà chủ yếu bao gồm nhiều thứ rất bình thường trong đời sống hàng ngày của người dân như: con dao, cái gùi, chiếc khố, ống sáo, cái tẩu, tấm chiếu… Chúng phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân cư, thể hiện tiêu biểu mọi mặt cuộc sống và mọi sáng tạo văn hoá của họ.
Trong bảo tàng này, hiện vật rất phong phú, có thể hình thành được nhiều sưu tập theo các tiêu chí khác nhau. Bảo tàng có 54 bộ sưu tập về từng dân tộc, như: về người Thái, về người Hmông, về người Gia Rai… Phân chia theo công dụng, có các sưu tập về y phục, các đồ trang sức, về nông cụ, về ngư cụ, về vũ khí, về đồ gia dụng, về nhạc cụ… Lại có tập hợp riêng về các hiện vật tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay hay nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác.
2. Nội dung trưng bày trong bảo tàng:
Trưng bày trong nhà: Phần lớn diện tích trong nhà được bố trí trưng bày thường xuyên, bên cạnh đó có dành riêng một không gian để tổ chức các trưng bày nhất thời theo chuyên đề. Hiện tại, trưng bày thường xuyên trong nhà được bố trí như sau:
Tầng 1 trưng bày 2 phần chính:
– Giới thiệu chung các dân tộc Việt Nam
– Giới thiệu các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, bao gồm: Việt (Kinh), Mường, Thổ, Chứt.
Tầng 2 chia thành các phần:
– Các dân tộc Chăm, Hoa, Khơme
– Ngữ hệ Nam Đảo ở miền núi: giới thiệu các dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru
– Nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme ở miền núi: giới thiệu 5 dân tộc ở miền Bắc (Khơ Mú, Xinh Mun, Mảng, Kháng, Ơ Đu) và 15 dân tộc ở miền Trung – Tây Nguyên.
– Nhóm ngôn ngữ Hán – Tạng: giới thiệu các dân tộc Cống, Sán Dìu, Ngái, Lô Lô, Hà Nhì, La Hủ, Phù Lá, Si La
– Nhóm Hmông – Dao: giới thiệu các dân tộc Hmông, Dao, Pà Thẻn.
– Nhóm Tày Thái – Kađai: giới thiệu các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Thái, Bố Y
Trưng bày ngoài trời
Đối với khu ngoài trời, do đất hẹp nên Bảo tàng chỉ có thể dựng 9 công trình kiến trúc dân gian cùng một số hiện vật lớn như:
– Nhà rông của người Ba Na
– Nhà sàn dài của người Ê Đê
– Nhà sàn của người Tày
– Nhà nửa sàn nửa đất của người Dao
– Nhà trệt lợp ván pơmu của người Hmông
– Nhà ngói của người Việt
– Nhà trệt của người Chăm
– Nhà trình tường của người Hà Nhì
– Nhà mồ của người Gia Rai.
Xen giữa các công trình kiến trúc dân gian đó là cây xanh các loại, các lối đi ngoằn ngoèo và cả con suối uốn khúc chảy suốt 4 mùa, có cầu bắc nối đôi bờ. Những trưng bày ở phần này đang từng bước được thực hiện.
 Kiến trúc ngôi nhà dài của người Ê Đê
Nhà dài của người Ê đê là nhà sàn, làm bằng tre nứa và bằng gỗ, mặt sàn và vách tường bao quanh nhà làm bằng thân cây bương hay thân tre già đập dập, mái lợp cỏ tranh. Nhà dài thường được lợp bằng cỏ tranh. Tranh lợp từng cụm, ngọn thả xuôi mái, gốc bẻ gập xuống vào bên trong. Người Ê đê thường làm nhà theo hướng Bắc- Nam. Nhìn từ xa ngôi nhà có hình dáng một cái thuyền.  Khi nói đến chiều dài thì nói đến số lượng dầm ngang (đê) tương ứng với một đôi cột. Nhà có bao nhiêu đê là có bấy nhiêu gian. Không gian nhà chạy theo chiều dọc gồm hai phần rõ rệt. Từ cửa chính đi vào là một phần rộng, chiếm 1/3 gọi là Gah, phần còn lại gọi là Ôk. Gah là nơi tiếp khách, có bếp cho khách và là nơi sinh hoạt chung của gia đình, là nơi cúng thần, là chỗ ngủ của con trai chưa vợ, là nơi đặt nhiều đồ vật quý. Gah và Ôk được ngăn bởi vi cột Kmeh Kpăng có khắc hình, trong đó cột phía đông là cột chủ, bên cạnh kê một bộ phản để người đứng đầu gia đình ngồi khi hội họp, trong khi đó cột phía Tây là cột trống nơi có đặt chiếc trống cái trên ghế Kpan cao 0,50m, dài từ 10 - 20m để nhạc công ngồi đánh chiêng, trống, cồng. Gầm ghế thường là nơi để cồng chiêng. Sát vách phía sau hàng cột phía đông là nơi để hàng ché. Bên cạnh bếp khách còn có bếp nấu ăn khi có lễ nghi. Chị Đàm Thị Hợp, cán bộ Phòng Bảo tàng ngoài trời, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam giới thiệu về ngôi nhà dài điển hình của người Ê đê tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Đây là một ngôi nhà giàu có, giàu có ngay ở trong những hiện vật để trong phòng khách, nơi người ta gọi là Gah. Đây là phòng khách, nơi tổ chức những lễ hội tuy ở trong phạm vi gia đình nhưng nó vẫn có tính chất cộng đồng nên khi tổ chức những lễ hội do gia đình thôi nhưng người ta mời rất đông mọi người ở xung quanh. Ví dụ dân làng đến để tham gia cùng do vậy phòng khách này là nơi thường mang tính chất cộng đồng của người Ê đê. Người ta bày rất nhiều đồ dùng ở đây, ví dụ như ché rượu cần, cồng chiêng, nồi đồng… là những tài sản rất có giá trị với người Ê đê. Nếu số lượng những đồ vật này càng nhiều thì có thể hiểu rằng đây là một gia đình rất giàu có.
Trong mỗi ngôi nhà dài, người Ê đê chạm khắc rất nhiều hình con vật như voi, cua, cá... Sự giàu có của chủ nhà được thể hiện trên những hoa văn đó. Chị Đàm Thị Hợp cho biết thêm:Ví dụ hoa văn hình con voi phải những gia đình nào sở hữu những con voi thật thì mới có quyền chạm khắc hoa văn hình con voi ở trên đấy. Một số hoa văn khác như là hoa văn con kỳ đà, con rồng, cua, rùa… là những con vật xuất hiện trong tín ngưỡng của người Ê đê. Người ta khắc những con kỳ đà trên xà ngang với mong muốn sẽ mang đến cho gia đình nhà mình những điều may mắn và ngăn chặn, mang đi những rủi ro. Đặc biệt là con rồng có vây hình con cá, râu, sừng nhô lên. Theo các chuyên gia, đây là hoa văn nguyên thủy của người Êđê  không trộn lẫn với các dân tộc khác.
Cầu thang là một điểm nhấn của nhà dài người Ê-đê gắn với hai cửa của nhà dài, cửa phía trước dành cho khách và nam giới, cửa phía sau dành cho phụ nữ. Chị Đàm Thị Hợp khẳng định:Thường nhà người Ê đê có 2 cầu thang, cầu thang phía trước và cầu thang phía sau. Cầu thang phía trước thường hướng về phía Bắc và được gọi là cầu thang chính. Đối với những gia đình giàu có ngày xưa, cầu thang chính bao giờ cũng có 2  cầu thang để lên xuống, cầu thang đực và cầu thang cái. Trên cầu thang cái bao giờ cũng có hình ảnh bầu sữa mẹ và vầng trăng khuyết, còn cầu thang đực không có hoa văn chạm khắc nhiều, thường chỉ là một cây gỗ sau đó chạm khắc những bậc để lên xuống.
Nhà dài không chỉ là không gian sống mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc của người Ê đê. Khi người con gái lấy chồng, căn nhà được nối dài để làm nơi ở cho đôi vợ chồng mới. Rồi đến đời cháu gái, ngôi nhà lại tiếp tục nối. Cứ như thế, nhà cứ dài ra, mãi che chở cho cuộc sống của nhiều thế hệ... Trong không gian ấy, đêm đêm cả đại gia đình quây quần sum họp bên bếp lửa. Ðàn bà con gái dệt vải, thêu thùa; đàn ông sửa lại cái cày, cái cuốc; người già thì kể sử thi, đọc truyện thơ cho con trẻ. Cũng trong không gian ấy, các lễ nghi, tập tục của người Ê đê được thể hiện trọn vẹn như hồn cốt đại ngàn của dân tộc này.
 Lễ cấp sắc của người đỏ trong bảo tàng dân tộc học VN
Người Dao quan niệm rằng, người con trai phải trải qua lễ cấp sắc từ 3 đèn trở lên mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được cộng đồng coi là người trưởng thành và mới đích thực là con cháu của Bàn Vương - tổ tiên của người Dao, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Do vậy, bất cứ người đàn ông Dao nào cũng phải làm lễ cấp sắc.
Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi. Ngày thụ lễ được lựa chọn rất kỹ.Lễ cấp sắc 12 đèn diễn ra với nhiều bước:
Mở đầu là lễ khai đàn để báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ, lễ dâng đèn và thủ tục thông báo tên tuổi, chức vụ của người được cấp sắc, lễ xuất binh, lễ ăn chay (từ lúc vào làm lễ cho đến khi kết thúc lễ tất cả những người được cấp sắc cũng như người đến dự đều phải ăn chay), bước học làm thầy và điệu múa rùa. Các nghi thức trên được tiến hành tuần tự, hòa theo nhịp điệu của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn… Sau đó, các thầy đem lễ ra ngoài sân gọi Ngọc Hoàng bằng tiếng tù và để thông báo cho Ngọc Hoàng biết bắt đầu vào lễ chính cấp sắc 12 đèn và mời Ngọc Hoàng đến chứng giám. Tiếp đó là lễ thầy cúng truyền dạy đạo làm thầy cho các trò với yêu cầu làm thầy thì phải có tâm, có đức thì con cháu mới có phúc có lộc.
Điều đặc biệt trong lễ cấp sắc của người Dao đỏ là phải mời đủ 12 thầy cúng có uy tín làm lễ. Trong suốt quá trình làm lễ, các thầy cúng và học trò liên tục tiến hành các nghi lễ theo đúng phong tục truyền lại.

Một vật dụng không thể thiếu trong nghi lễ cấp sắc là đèn. Đèn dùng trong lễ cấp sắc là sự thể hiện vị trí cao thấp khác nhau của những người được cấp sắc sau khi thụ lễ. Đèn được sử dụng với dụng ý soi sang cho tâm hồn và tẩy rửa tất cả các tội lỗi, để người được cấp sắc trong sạch. Sau nghi thức đặt đèn các thầy cúng lần lượt đóng ấn cho người được cấp sắc.
Nghi lễ quan trọng trong lễ cấp sắc là nghi thức cấp bằng. Bằng do thầy cúng phát cho là một bản sắc bằng chữ Nôm, trong đó ghi lai lịch cá nhân, lý do cấp sắc, những điều giáo huấn và tên tuổi những thầy cúng đã làm lễ cấp sắc cho người thụ lễ. Đây là bằng cấp cao nhất trong cuộc đời một người đàn ông Dao Đỏ. Sau khi thầy cúng làm xong lễ thông báo, các trò cùng vợ lần lượt quỳ dưới chân cầu thang nhận dấu ấn và văn bằng do các thầy cấp cho. Đây là thời khắc linh thiêng và quan trọng. Thầy cúng sẽ cấp cho người thụ lễ hai bản sắc, một bản sẽ được đốt sau khi thầy cúng đã trình báo với các thần linh, tổ tiên, còn một bản giao cho người thụ lễ.
Sau khi đã xong mọi nghi lễ, mọi người mới mở tiệc ăn mừng những người được cấp sắc. Các thầy và những người đến dự cùng nhau ăn uống chúc mừng thành công của đại lễ cấp sắc 12 đèn.

Nghi lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao Đỏ là di sản văn hóa phi vật thể mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc. Thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc; thể hiện khát vọng của người Dao về một cuộc sống sung sướng, ấm no và hạnh phúc… Đây là nét văn hóa độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Dao cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #bt