9. Giao thông

Trong các việc phước thiện, đắp đường, bắt cầu là việc thiện được nhiều người ca ngợi.
Giao thông là yếu tố vô cùng quan trọng trong sinh hoạt của xã hội. Ngay trong ngôi nhà nhỏ bé của chúng ta cũng cần phải có lối đi; rồi từ làng này sang làng khác, vùng này sang vùng khác tất cả đều cần đường sá để giao lưu qua lại. Người ta đi lại để làm ăn, mua bán, học tập, thăm hỏi... Hầu hết mọi sinh hoạt của con người đều dính líu với đường đi (kể cả đường hàng không, và đường thủy), nếu đường sá bị tắt nghẽn, sinh hoạt của con người sẽ gặp nhiều trở ngại, thậm chí còn gây nên tai nạn nghiêm trọng. Một người lái xe hai bánh đi từ Sài gòn về Tây Ninh, bị vấp vào ổ gà, ngã soài xuống đường. Chiếc xe lớn từ sau lướt tới cán anh chết tại chỗ.

Hiện nay, ở các quốc gia tiên tiến, đường sá thuộc về công trình quốc gia được thi công với kỹ thuật cao. Những đường xa lộ cao tốc, đường rày xe lửa cao tốc được thực hiện rất hoàn hảo. Mạng lưới giao thông trong quốc gia, liên quốc gia được phát triển không ngừng. Anh và Pháp đã hoàn thành đường ngầm xuyên biển Manche để nối liền hai quốc gia bằng đường bộ đi dưới đáy biển.

Thuở xưa, kỹ thuật thi công cầu đường còn đơn sơ kém cỏi. Những con đường đất bụi bặm, đường sá lởm chởm nối các làng mạc, thị trấn lại với nhau. Họ phải vượt qua những đường đèo hiểm trở, những dòng sông chảy mạnh bằng đôi chân hoặc bằng sức ngựa. Ngay cả ngồi trên một chiếc xe ngựa có bánh tròn cũng không sung sướng gì vì dằn xóc dữ dội. Do giao thông bị hạn chế nên sự giao lưu văn hóa, phát triển xã hội bị thu hẹp.
Trong bối cảnh đó, việc tu sửa đường sá, nối bắt cầu cống luôn luôn là việc làm cần thiết và được mọi người tán thán. Đối với luật Nghiệp Báo, phước của hành vi đắp đường bắt cầu cực kỳ lớn lao. Những quả báo lành xuất phát từ nghiệp thiện đó có thể kể ra như sau:
- Vì làm cho sinh hoạt của mọi người được thuận tiện nên mọi sinh hoạt, mọi dự định của mình đều được trôi chảy tốt đẹp.
- Vì làm cho người đi đường được an toàn nên chính mình không gặp tai nạn khi đi đường.
- Vì khiến cho mọi người dễ dàng đi lại nên chính mình sẽ được khỏe mạnh, không bị tật nguyền, lệch lạc.
- Nếu dùng sức lực để đắp đường, quả báo trở lại là được sức khỏe hơn người khiến cho gặt hái nhiều thành công trong lao động.
- Nếu dùng tiền bạc để thuê người làm, quả báo trở lại là được giàu có sung mãn.
- Luôn luôn được xe cộ xênh xang, di chuyển thuận lợi.
Hạnh đắp đường bắt cầu được chú trọng đến nỗi trong kinh điển của Phật giáo Bắc Tông xuất hiện một vị Bồ Tát tên là Trì Địa với hạnh nguyện mãi mãi thị hiện vào sinh tử để gieo duyên với mọi người bằng cách tu sửa cầu đường.
Vua Asoka chỉ hãnh diện vì đã trồng cây lấy bóng mát ven đường cho khách bộ hành, đào giếng ven đường cho khách uống.

Một câu chuyện cảm động được kể trong "Góp nhặt cát đá" (Bản dịch Đỗ Đình Đồng) như sau:

Zenkai, con trai một Samurai, du hành đến Edo và trở thành người hầu cận của môt viên chức cao cấp ở đó. Zenkai yêu người vợ của viên chức này và việc đó bị phát giác. Để tự vệ, Zenkai giết người chồng và dẫn người vợ tẩu thoát.
Sau đó cả hai trở thành những tên ăn cắp, nhưng người đàn bà quá tham lam khiến Zenkai trở nên khinh bỉ. Cuối cùng Zenkai bỏ người đàn bà và đến một tỉnh xa tên là Buzen. Ở Buzen để chuộc lại dĩ vãng Zenkai quyết định làm một vài việc tốt trong đời. Biết trên sườn núi đá có một con đường nguy hiểm đã làm nhiều người bị thương và thiệt mạng, Zenkai quyết định đào một con đường hầm xuyên qua núi đá.
Ban ngày xin ăn, ban đêm đào núi. Khi Zenkai hơn 30 tuổi thì đường hầm đã đào được dài 695 thước, cao 6 thước, rộng 9 thước.
Hai năm trước khi công việc hoàn thành, một người con trai của viên chức bị Zenkai giết, đã học kiếm và trở nên một người giỏi kiếm thuật, tìm được Zenkai và muốn giết Zenkai để báo thù cho cha.
Zenkai nói:
"Tôi sẽ dâng mạng cho anh, nhưng hãy cho tôi làm xong công việc này. Khi công việc hoàn thành anh có thể giết tôi cũng được."
Người con trai đồng ý đợi đến ngày xong việc. Nhiều tháng trôi qua và Zenkai vẫn tiếp tục đào đường. Người con trai trở nên chán nản vì không có việc gì làm nên anh bắt đầu giúp Zenkai đào đường. Sau khi giúp Zenkai hơn một năm, anh ta trở nên kính phục dũng chí và tư cách của Zenkai.
Cuối cùng con đường hầm đã hoàn thành và người ta có thể qua lại an toàn.
Zenkai bảo:
"Bây giờ việc đã xong rồi, hãy chém đầu tôi đi!"
"Làm sao con có thể cắt đầu thầy được?" Người thanh niên hỏi qua làn nước mắt.

Ở câu chuyện này công hạnh khổ nhọc đào đường hầm của Zenkai đã xóa được mối thù sâu đậm của người con trai. Ngoài việc này Zenkai còn hưởng vô lượng phước ở vị lai. Tuy nhiên, dù sao ông cũng phải trả quả báo giết người và đoạt vợ ở một kiếp khác.

Một người phật tử bán sữa đậu nành ở Phan rang đã "công quả đắp đường" bằng cách bồi dưỡng sữa cho công nhân đắp đường gần đó.
Ở nước ta lao động đắp đường có vẻ nặng nhọc và ít được coi trọng. Nhưng không có ai ngờ là họ đang tạo phước rất lớn. Sự giúp đỡ bồi dưỡng cho công nhân làm đường luôn luôn là điều đáng khuyến khích, cũng giống như chính chúng ta chung sức làm đường vậy. Hoặc nhặt mảnh vỡ, gai góc trên đường để tránh cho người sau khỏi dẫm đạp cũng là điều rất tốt.

Đôi khi chúng ta cũng cảm thấy buồn khi đi qua xóm nhỏ có những đoạn đường hư lỡ, những vũng nước ứ đọng trơ trơ trước mắt mọi người. Đó là những cơ hội để mọi người có dịp làm phước, nhưng họ bình thản vô tư bỏ qua. Những lợi ích chung của thôn xóm mà không ai thèm đoái hoài thì nói gì đến lợi ích của quốc gia, của nhân loại! Một đất nước chỉ phát triển khi những con người trong đất nước đó luôn luôn biết nghĩ đến lợi ích của toàn thể hơn là lợi ích của cá nhân.

Ngược lại với thiện nghiệp đắp đường là ác nghiệp phá đường. Người làm ngăn trở giao thông cũng sẽ chịu quả báo tương xứng như di chuyển khó khăn, sinh hoạt bị trở ngại, tật nguyền ở chân và nghèo khó. Đối với các công trình phúc lợi công cộng như đường sá, cầu cống, nếu không bảo vệ được thì thôi, chúng ta đừng vì lợi ích riêng mình mà xâm phạm làm cho hư lỡ. Quả báo về sau sẽ khó chịu vô cùng.

Nhu cầu về giao thông trên thế giới càng lúc càng tăng. Xe máy được sản xuất ồ ạt. Nạn kẹt xe thường xuyên xảy ra. Phải chăng vì có phương tiện dễ dàng nên con người càng muốn di chuyển nhiều hơn? Sở làm ở xa nhà là một yếu tố chính làm cho giao thông bị tắt nghẽn ở những giờ cao điểm.

Trong tương lai không xa, phương tiện viễn thông được hoàn thiện sẽ giải tỏa bớt nhu cầu đi lại của con người. Với hệ thống truyền hình điện thoại được điều khiển tự động bởi máy điện toán, người ta có thể ở nhà mà vẫn dự được các buổi hội nghị, vẫn điều khiển công việc của sở làm. Thậm chí người công nhân có thể ở nhà mà vẫn điều khiển cỗ máy hoạt động bình thường qua máy viễn thông điện toán.
Nhưng điều đó không làm cho con người chấm dứt mộng ước đi của họ. Họ sẽ lao tâm khổ tứ để đi đến các hành tinh khác. Con người vẫn còn ham đi lắm.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top