7. Nghiệp chung và Nghiệp riêng

Một cơn động đất kinh khủng đã phá hoại một vùng đất rộng lớn ở Trung Hoa. Nhiều người chết, nhiều người bị thương và nhiều nhà cửa bị hư hại. Trước một tai họa chung đó, các nhà Nghiệp Báo học gọi là cộng nghiệp (nghiệp chung).
Trong một khu phố yên tĩnh. Ông Ba bị dây điện đường đứt rơi trúng khi đi ngang. Ông chết tại chỗ, người ta gọi trường hợp này là biệt nghiệp (nghiệp riêng).

Đối với nghiệp riêng thì vấn đề trở nên đơn giản, nghiệp ai đã gieo thì nấy chịu. Nhưng trước một tai họa chung thì sự việc phức tạp hơn nhiều.
Không hẳn là những người cùng chịu chung một tai họa bởi vì trong quá khứ đã xúm nhau làm chung một điều ác. Họ chỉ là những người có quả báo giống nhau, rồi do sự thúc đẩy của nghiệp đã tìm về ở chung một môi trường với nhau.
Bốn mươi người có chung quả báo sẽ bị tai nạn xe cộ, đã mua vé đi cùng một chuyến xe đò. Khi tài xế lái đến quảng đường vắng thì thấy bóng một cô gái áo trắng tóc xỏa chời vờn trước mũi xe. Anh vội vã bẻ volant và đạp thắng. Xe mất thăng bằng lật nhào vào cánh ruộng bên đường. Người nghiệp nặng thì chết, người khác thì bị gãy tay chân, chấn thương. Một vài người nghiệp nhẹ thì qua một cơn kinh hoàng và chỉ bị xây xát chút ít.

Chính nghiệp của 40 người đã tạo ra một ảo ảnh trước mặt người tài xế. Nhiều người giải thích rằng có một hồn ma tại khúc đường đó muốn làm cho xe lật đổ tìm thêm người chết làm bạn.

Chưa chắc là 40 người này đã tạo chung một nghiệp ác từ quá khứ. Có thể họ chỉ tạo nghiệp riêng rẽ, nhưng đều chiêu thành một quả báo giống nhau nên nghiệp duyên đã thúc đẩy họ đi cùng một chuyến xe định mệnh.
Sông Mêkong dâng nước làm ngập lụt nhiều vùng ở hạ lưu. Một trong những nguyên nhân được tìm thấy là do khói các giếng dầu ở Koweit bị Irak đốt cháy làm xáo trộn thời tiết Địa cầu, cộng với nạn phá rừng từ thượng nguồn sông từ Hy Mã Lạp Sơn qua Vân Nam đến Lào, Thái Lan... khiến cho thiếu rừng giữ nước mưa lại. Như vậy phải chăng người Irak gây nhân và người Việt Nam chịu quả báo?
Không phải vậy, đó chỉ là Nhân Quả của khoa học vật lý trong không gian vật lý. Nó chỉ là bề nổi của luật Nghiệp Báo ẩn dấu đằng sau.
Hệ quả của việc phá rừng đầu nguồn là gây lũ lụt ở vùng hạ lưu. Những ai cũng có quả báo phải chịu lũ lụt sẽ sinh ra lớn lên, hoặc từ đâu chuyển về sinh sống, nơi những vùng đó để cùng nhau chịu chung tai họa. Còn những kẻ phá rừng đầu nguồn sẽ được "tính sổ" ở tương lai.
Ở tính chất khác, có những người cùng tạo chung một nghiệp, cũng dễ dàng cùng chịu quả báo đồng thời.
Ví dụ một ông quan ra lệnh giết một người tốt chỉ vì người này bênh vực dân nghèo chống lại những kẻ giàu có ức hiếp họ. Khi xử thiêu ở giàn hỏa, những kẻ giàu có reo hò biểu lộ sự đồng tình. Đến đời vị lai, ông quan, đao phủ và đám người hùa theo vô tình hội họp ở nhà ăn lớn. Thế rồi nhà ăn phát lửa, nhóm thực khách kinh hãi hỗn loạn, ông quan và tên đao phủ bị chết thiêu, còn những kẻ khác thì bị phỏng nặng.

Nghiệp tùy hỉ với kẻ khác cũng làm chúng ta bị vạ lây. Mỗi khi trông thấy người mổ heo bò, đánh lộn hoặc cướp giật, nếu không ngăn cản được thì thôi chứ chúng ta đừng khởi tâm đồng tình với họ. Nếu có tâm niệm đồng tình ắt có ngày chúng ta "ăn theo" một chút quả báo của họ. Nhiều kẻ ăn không ngồi rồi hay xúm xít xem cảnh một người làm thịt chó với vài ý kiến đóng góp nhiệt tình, hy vọng sẽ được chia ít phần. Họ đâu biết rằng nghiệp nhân đó làm họ đổ thịt chảy máu ở mai sau.

Cũng có trường hợp nhiều người chung tạo nghiệp, nhưng vì thiếu duyên để gặp gỡ nên họ chia ra nhận quả báo riêng rẽ mỗi nơi khác nhau mặc dù quả báo khá giống nhau.
Ví dụ, ba người cùng phát tâm đắp một con đường cho dân làng đi lại dễ dàng. Nhưng do tư tưởng và một số nghiệp khác lại không giống nhau nên đời sau họ sinh qua ba đất nước khác nhau. Mỗi người đều học ngành xây dựng cầu đường và thành công giàu có tốt đẹp gần như nhau.

Trong truyện tích về trưởng lão Losaka Tissa kể rằng vì đời quá khứ, trưởng lão đã đố kỵ với một vị ALaHán, nên nhiều đời về sau trưởng lão đọa làm chó đói, đến khi trở lại làm người cũng bị đói kém thê thảm. Trong kiếp cuối cùng, khi ngài đầu thai tại làng đánh cá, cả làng bỗng nhiên bị một tai họa như mất mùa cá, lửa cháy, hồ nước cạn, vua xử phạt. Họ tìm ra sự xui xẻo xuất hiện từ gia đình của đứa bé và đuổi người mẹ có mang ra đi. Bà mẹ đi xin ăn để nuôi con. Khi đứa bé vừa có thể chập chững xin ăn được, người mẹ bỏ trốn! Sau này chú bé được ngài Xá Lợi Phất tiếp độ và được gọi là Losaka Tissa. Mặc dù chứng được đạo quả ALahán, nhưng trưởng lão vẫn chịu sự đói thiếu suốt đời (Luận về Nhân Quả).

Ở trường hợp này, không phải là họ cùng tạo nghiệp chung với trưởng lão từ quá khứ. Chỉ là do nghiệp của trưởng lão không được sống một cách êm ấm, phải lang thang đói thiếu vất vả nên nó thúc đẩy toàn bộ dân làng hiện ra quả báo xấu của họ, để cho họ buộc lòng phải đuổi người mẹ có mang ngài ra đi.
Không hẳn là nghiệp ác đời này sẽ sinh ra quả báo ở đời sau. Nó có thể kéo dài vài trăm năm về sau. Có những nhà tiên tri lừng danh như Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Nostradamus (1503-1566 Pháp), Jeane Dixon (Mỹ) có thể thấy trước việc tương lai từ rất xa. Nostradamus có thể tiên tri những việc sau đời ông 7000 năm! Cho đến hôm nay khi nghiệm lại các lời tiên tri bóng gió của ông, người ta thấy đúng nhiều chi tiết đến kỳ lạ. Cuộc Cách Mạng Pháp với Công Xã Paris được diễn tả rành mạch; nhân vật De Gaulle được nói đến khá chi tiết... Những sự việc chung này được tiên đoán từ rất lâu chứng tỏ rằng luật Nghiệp Báo từ trong Bản Thể đã sắp xếp quả báo của mọi người khá rõ ràng từ nhiều nghìn năm về trước. Nostradamus có một sự nhạy cảm tâm linh cao độ, đã "đọc" được tiến trình này dù cho nó chưa hề có dấu hiệu nào nơi không gian vật lý.
Những quả báo chung của mọi người như thiên tai, chiến tranh, hỏa hoạn... dường như đã được sắp xếp sẵn từ rất lâu. Đó là sự tập hợp nghiệp của mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Ví dụ có ba nghìn người tạo nghiệp ác ở rải rác mọi nơi. Quả báo của họ khá giống nhau là phải chịu một trận phun núi lửa dữ dội. Nhưng nhân duyên để họ quây quần về sống gần nhau dưới chân núi lửa cần phải một thời gian là năm trăm năm sau nữa. Và một vài nhà tiên tri siêu việt đã nhìn thấy sự kiện sẽ xảy ra này.

Có một tai họa chung mà toàn thể nhân loại phải gánh chịu đó là ngày tận thế! Một số tôn giáo đã nói nhiều về ngày tận thế để khuyến khích tín đồ cố gắng tu thiện ngay từ bây giờ. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng vào kỷ Gjura đã từng xảy ra một vụ va chạm giữa Địa cầu với một thiên thể lớn khiến cho các loài khủng long dường như bị tuyệt chủng đồng loạt. Vào năm 1988, một vẫn thạch lớn cắt ngang quỹ đạo Địa cầu tại một nơi mà Địa cầu mới đi qua. Các nhà thiên văn còn e ngại một sự gặp gỡ tương tự sẽ xảy ra vào lúc khác . Nếu có một sự va chạm lớn như vậy, chắc chắn đó là ngày tận thế của nhân loại. Tuy nhiên, có một ngày tận thế chắc chắn nhất mà chúng ta không thể tránh khỏi là sau vài tỷ năm nữa, mặt trời đã nguội, không còn sưởi ấm cho trái đất nữa, lúc đó một cái lạnh khủng khiếp tiêu diệt toàn bộ sự sống nơi hành tinh này. Từ nay tới ngày đó còn quá xa để cho chúng ta phải lo sợ, chỉ sợ những tai họa bất ngờ xảy ra ngoài dự kiến của con người, và xảy ra trong thời gian rất gần khi mà con người chưa đủ khả năng bồng bế, kéo sang một hành tinh khác để lánh nạn.

Tận thế, một quả báo chung của toàn thể sinh vật (nhất là động vật) là do nghiệp nhân gì của mọi người?
Cái chết tập thể này là do tất cả mọi người cư ngụ trên quả đất, vì sự sống của mình đã thường xuyên tạo các nghiệp PHÁ HOẠI SỰ SỐNG LẪN NHAU.
Những loài vật có khả năng hơn đã ăn thịt các loài vật kém khả năng hơn. Con cọp mạnh bắt đi con dê yếu đuối, vồ đi con người mảnh mai. Con cá lớn nuốt con cá bé. Con người thì đủ thông minh để có thể giết tất cả các loài khác và đồng loại của mình.

Việc giết hại động vật có tâm thức thường gây nên các quả báo rõ ràng trong thời gian gần như vài năm, vài kiếp, vài trăm năm. Kẻ thủ phạm phải chịu đền trả một mình (nghiệp riêng) như bị thương tật, bị chết chóc; hoặc phải chịu tai họa chung với nhiều người khác (nghiệp chung) như bị các thiên tai, bệnh dịch, tai nạn giao thông.

Có một nghiệp "hủy hoại sự sống" rất âm thầm khó thấy nhưng quả báo của nó đủ sức đưa đến tận thế, đó là sự chặt phá cây cối. Thực vật có sự sống và có tâm linh, một tâm linh đơn giản. Tuy thực vật không biết đau đớn nhưng ai hủy diệt sự sống của thực vật (nhất là phá rừng) cũng đã tự chuốc lấy quả báo bị hủy diệt sự sống của chính mình về sau. Toàn thể nhân loại mỗi ngày đều tiêu diệt sự sống màu xanh trên hành tinh để làm món ăn (rau), để làm vật dụng (gỗ), để làm nhiên liệu (củi). Cái nhân tiêu diệt sự sống màu xanh đó tích lũy qua nhiều kiếp, nhiều triệu năm, nhiều tỷ năm, ắt phải đưa đến sự tận thế ghê gớm.
Đối với không gian vật lý, việc phá rừng có nguy hại trầm trọng đến với sinh thái Địa cầu. Những khu rừng già rậm rạp có chức năng lọc không khí như một bộ phổi của hành tinh, rừng hấp thu nhiệt độ của ánh sáng làm dịu bớt cái nóng của mặt trời và giữ độ ẩm cho không khí; rễ cây rừng giữ nước mưa để không làm thành lũ lụt, giữ độ ẩm cho đất khi không còn mưa khiến cho mạch nước được duy trì trong suốt mùa khô. Phá rừng là một hành vi tự hủy diệt chính mình, nhưng không đủ để gọi là gây nên tận thế. Cái quả báo tận thế được nói đến ở đây chính là dựa vào không gian tâm linh. Sự tiêu diệt sự sống của cây cối, tiêu diệt tâm linh đơn giản của cây cối tạo thành một quả báo trầm trọng hơn chúng ta nghĩ theo không gian vật lý. Nó âm thầm tích lũy dần dần để đưa đến một tai họa khủng khiếp cho toàn thể loài vật đến nỗi đáng được gọi là tận thế.
Chúng ta sẽ đặt vấn đề nếu không sử dụng thực vật, dù trực tiếp hay gián tiếp thì con người làm sao giải quyết nhu cầu đời sống, và chính vì đã chung nhau tích lũy nghiệp hủy diệt sự sống màu xanh nên ngày tận thế của nhân loại là điều không tránh khỏi. Nhưng dù sao, đối với dòng luân hồi vô tận sinh tử tử sinh tiếp nối mãi thì cái chết lúc tận thế có gì quá quan trọng để chúng ta phải sợ hãi đâu ? Miễn là chúng ta có một sự nghiệp phước đức cực kỳ lớn đã tích lũy nhiều đời đủ đưa chúng ta đi sang một kiếp sống mới, ở một hành tinh khác vui sướng hơn Trái đất gấp bội lần.

Sau ngày tận thế, kẻ nhiều tội sẽ tái sinh qua một hành tinh đầy khổ sở, biến động, hoang dã. Kẻ có phước sẽ tái sinh qua một hành tinh văn minh, tiện nghi, hạnh phúc tràn trề. Dòng luân hồi vẫn tiếp tục lăn mãi trừ phi kẻ nào đã chứng đạt Bản Thể Tuyệt Đối để giải thoát hoàn toàn mới không bị luân hồi chi phối.
Nếu nhân loại cứ bạo tàn hủy diệt sự sống lẫn nhau và sự sống màu xanh của thực vật thì ngày tận thế sẽ đến gần hơn. Nếu nhân loại biết bồi đắp giữ gìn sự sống lẫn nhau, giữ gìn sự sống màu xanh cây cỏ thì ngày tận thế sẽ dang ra xa mãi, nhưng dù sao ngày tận thế cũng phải đến khi mặt trời bắt đầu nguội. Luật vô thường sinh-trụ-hoại-không- là điều không tránh khỏi.
Thế nên, có mặt trên cuộc đời này, chúng ta hãy trân trọng sự sống của muôn loài, dù đó là con người, thú vật hay cây cỏ lá hoa. Hãy thương yêu và giữ gìn tất cả để góp phần đẩy lùi ngày tận thế ra xa hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top