2. Thiện và Ác
Thiện và ác chỉ có thể được định nghĩa một cách tương đối. Ví dụ hành vi giết người để tế thần linh nơi các bộ lạc bán khai, đối với họ việc làm này là thiện, nhưng đối với chúng ta việc làm này là ác. Hoặc khi Hitler xua quân đội Đức Quốc Xã đi đánh chiếm khắp nơi. Người tướng lãnh thắng trận được dân Đức xem như anh hùng, nhưng bị dân các nước khác xem như kẻ cướp.
Một hành vi được xem là thiện ở nơi này, nhưng lại là ác ở nơi khác. Dường như không có cái gì hoàn toàn thiện cho tất cả mọi mọi người cùng lúc.
Cụ thể hơn, chúng ta có thể cho rằng một hành vi được gọi là thiện khi nó đem lại lợi ích cho mọi người như bố thí người nghèo, an ủi người đau khổ, thả những thú vật bị giam cầm, đắp những đoạn đường hư lỡ. Rõ ràng là người nhà nghèo được lợi ích nhờ bố thí, người đau khổ được lợi ích nhờ an ủi... Như vậy, cái lợi ích là tiêu chuẩn để định giá trị thiện ác của một nghiệp. Lợi ích cho người càng nhiều, giá trị thiện càng lớn.
Tuy nhiên, ngay một hành vi được gọi là thiện vẫn mang theo một vài khía cạnh ác của nó. Ví dụ, đắp đường là một việc thiện rất lớn. Nhưng trong khi đắp đường, người này cũng phải đào xới, đổ đất đá, chất dụng cụ làm cản trở giao thông một thời gian ngắn.. Như vậy cũng là ác, nhưng cái ác nhỏ so với giá trị thiện lớn lao lâu dài về sau.
Ví dụ, người mẹ mang tiền bố thí cho kẻ nghèo. Đó là việc thiện đối với kẻ nghèo vì giúp họ qua cơn đói khổ, nhưng lại làm giảm mất tài sản của gia đình, làm cho con cái phải mất đi một ít sự tiêu dùng của họ. vậy người mẹ thiện với kẻ nghèo mà ác với chồng con của mình. Nhưng so ra trong số tiền bố thí đó, kẻ nghèo thoát được cái đói khổ ghê gớm dày vò nên giá trị thiện rất lớn, còn các người trong gia đình cũng không bị ảnh hưởng bao nhiêu nên giá trị ác không nhiều.
Trước khi làm một việc gì, nói một lời gì, chúng ta phải sáng suốt nhìn thấy mọi khía cạnh thiện ác của nó. Nếu thấy ác rất ít mà thiện rất nhiều thì hãy làm. Còn nếu thiện và ác sấp sỉ với nhau thì nên tránh.
Ví dụ, việc xịt thuốc trừ sâu rầy bảo vệ cây trồng. Việc này có khía cạnh thiện là làm ra lương thực cho con người sử dụng, và ác là sát sinh một số sâu rầy. Cứ cho rằng cái ác trong việc giết hại sâu rầy là nhỏ và cái thiện làm ra lương thực là lớn. Nhưng bên cạnh đó, thuốc trừ sâu giết luôn những côn trùng có ích, làm ô nhiễm môi trường có hại cho sức khỏe con người... Cái hại này làm cho giá trị ác lớn thêm, có thể sấp sỉ với cái thiện trước đó.
Hiện nay các nhà nghiên cứu nông dược đang tìm cách giảm thiểu cái ác như thuốc sẽ không làm ô nhiễm môi trường, không giết hại côn trùng có ích, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người và súc vật... Thậm chí họ còn nghiên cứu thuốc trừ sâu sinh học, không cần phải giết sâu rầy, chỉ làm cho nó trở nên không sinh sản tiếp tục mà thôi. Với những thuốc trừ sâu loại mới này, cái ác được hạn chế tối đa và chúng ta có thể mạnh dạn sử dụng hơn trước.
Ví dụ một triết gia nhiệt tình chống lại tệ mê tín dị đoan đang núp dưới chiêu bài tôn giáo. Điều này có vẻ như thiện vì ông làm cho chân lý được sáng tỏ, giúp mọi người xa lìa những hiểu biết sai lầm. Nhưng bên cạnh đó, ông cũng làm tổn hại danh dự của những tu sĩ chuyên khai thác mê tín để trục lợi, đồng thời làm chới với hoang mang một số tín đồ đã từng chấp nhận các hình thức đó. Dù sao thì đây cũng chỉ là cái ác nhỏ so với lợi ích do việc phá trừ mê tín đem lại cho xã hội. Thời nào cũng vậy, những tư tưởng tiến bộ mới lạ luôn luôn bị công kích gay gắt. Mãi về sau mới được con người chấp nhận hoan nghênh và lúc đó có khi tác giả đã qua đời. Tôn giáo với những lý thuyết cách đây vài nghìn năm chắc chắn có những điểm cần phải điều chỉnh cho phù hợp với những khám phá của khoa học. Một số nhà hoạt động tôn giáo đã chấp nhận ý kiến này, nhưng họ luôn luôn bị ác cảm từ những đồng nghiệp đã quen đi theo cái cũ. Nhưng chính những con người gan dạ biết tìm tòi, biết hoài nghi mới có thể để lại cho cuộc đời nhiều ý kiến tốt đẹp đúng đắn.
Dường như không một hành nghiệp nào thuần thiện hoặc thuần ác. Nó thiện ở khía cạnh này và ác ở khía cạnh khác. Ngay cả một số hành vi được xem là ác, đôi khi cũng có những tác dụng thiện không ngờ. Ví dụ gây chiến tranh là một tội ác lớn, nhưng đối với kinh tế gia Malthus (1766-1834) thì chiến tranh, chết đói, bệnh tật là những điều cần thiết để làm giảm bớt sự gia tăng dân số của loài người. Theo ông, lương thực tăng rất chậm trong khi dân số tăng rất nhanh. Con người càng đông thì càng phải phá rừng nhiều hơn để lấy chất đốt. Rừng bị tàn phá thì sinh thái xáo trộn, mùa mưa có nhiều bão lụt và mùa nắng thì mạch nước tắt khô. Thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không khí không được lọc sạch... Tất cả chuyên gia về kinh tế đều lo ngại về dân số đến nỗi một số quốc gia khuyến khích việc phá thai bất chấp sự chống đối của tôn giáo.
Tóm lại, hầu hết mỗi hành nghiệp đều thiện ác lẫn lộn, thiện ở khía cạnh này và ác ở khía cạnh kia. Trước khi hành động chúng ta hãy cân nhắc cẩn thận xem thiện có nhiều hơn ác hay không. Nếu nhận thấy tính thiện rất nhiều mà ác không đáng kể thì bắt đầu làm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top