Giới Thiệu

" Trong cuộc sống chúng ta thường nghe đến cái " Nghiệp " mà mỗi người phải gánh. Nghiệp của kiếp trước chưa trả hết thì kiếp sau phải trả. Đôi khi " Nghiệp" được hình thành ngay trong cuộc sống hiện tại, những lầm lỗi gây ra trong một gia đình sẽ bị báo ứng vào con cái, anh chị em, người thân của họ với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nói đơn giản " Nghiệp " chính là khi bạn mắc lỗi và tai ương sẽ giáng xuống đầu chính những người thân của bạn.

Con người sống thường không biết, không chú ý hoặc không quan tâm đến cái " Nghiệp " của mình. Họ sống ích kỷ, sống chỉ biết bản thân và họ quên mất một điều : Cho dù họ có chết đi thì " Nghiệp " vẫn còn.

Không chỉ thế, nếu gây Nghiệp Chướng quá nặng thì hậu quả sẽ không phải chỉ một người gánh chịu mà còn là rất nhiều người và đáng sợ hơn nó sẽ còn kéo dài cho đến nhiều đời kế tiếp. "Đó là những lời nói của anh Huấn nói với tôi trong cuộc nói chuyện cách đây một tháng. Và hôm nay, khi đứng bên trên huyệt mộ nhìn người ta đang thòng dây thừng đưa quan tài anh xuống dưới cái hố mới được đào cách đây một ngày, trời thì mưa rả rích. Tháng 7 mưa ngâu, hay người ta còn gọi là Mưa Thất Tịch. Nhưng giữa nghĩa địa hoang vắng, nổi lên những nấm mồ lạnh lẽo, nhiều ngôi mộ đã phủ rêu xanh, nước ve trắng đã chuyển sang màu ố đen kịt. Tiếng gào khóc thảm thiết của mẹ anh Huấn như xé tan cái bầu không khí u ám, đau thương đến tột cùng này. Bởi đây là đứa con trai thứ 3 của bà Hoài được đưa xuống mồ trong 6 năm qua. 


" Kịch...kịch.."

Nền đất bùn khá trơn bởi trời mưa nên vất vả lắm người ta mới đặt được chiếc quan tài nằm ngay ngắn đúng vị trí của huyệt mộ đã được đào sẵn. Cũng chẳng có ai đi đưa ngoài những người thân trong gia đình anh Huấn, tôi đúng ra cũng bị vợ bắt ở nhà bởi vì không chỉ riêng vợ tôi mà cả làng này đều rùng mình hoảng sợ khi anh Huấn qua đời. Cái họ sợ không phải là cái chết của anh Huấn, mà đã 6 năm nay, cách 2 năm một lần cứ vào ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch, một người con của bà Hoài lại chết. Dân làng gọi đó là Trùng Tang. Nhưng không đi sao được khi mà nhà tôi với nhà anh Huấn chỉ cách nhau đúng một giậu mồng tơi. Trong số 4 người con của bà Hoài thì anh Huấn là người thân với tôi nhất, có lẽ cũng do tuổi của anh Huấn là trẻ nhất so với những người còn lại.

Bà Hoài có cả thảy 4 người con, ba trai, 1 gái. Chồng bà Hoài đã qua đời cách đây cũng khá lâu. Ba người con trai lần lượt sinh năm 1972, 1975, 1980, còn người con gái sinh năm 1977. Anh Huấn là con út, anh hơn tôi 10 tuổi nhưng vì gần nhà nên từ bé tôi đã rất thân với anh. Bà Hoài năm nay cũng đã trên 80 tuổi, nếu phải nói ở đây ai là người bất hạnh nhất thì chính là bà Hoài. Sống đã gần hết cuộc đời, mái tóc của bà Hoài giờ đây bói không ra một sợi tóc đen. Nhưng bà đã chứng kiến cái chết của chồng, rồi cái chết của ba cậu con trai. Nhìn tấm lưng còng cúi rạp, phủ phục trên nền đất bùn, bàn tay bà Hòa túm chặt những khóm cỏ giày xéo trong đau đớn tuyệt vọng tôi thấy bà Hoài thật đáng thương.

Chuyện người chết hàng ngày có lẽ rất bình thường bởi vì ngày nào chẳng có người chết. Nhưng chuyện một gia đình có đến 4 người đàn ông đã chết, trong đó ba cậu con trai lần lượt chết theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, xong còn mất trùng một ngày thì chắc hẳn nó là một câu chuyện được chú ý. Dân làng ngay từ cái chết của người con trai thứ 2 của bà Hoài đã truyền tai nhau những câu chuyện kỳ bí về cái mảnh đất mà gia đình bà Hoài đang ở. Những câu chuyện thoạt nghe qua có vẻ sẽ không ai tin, nhưng nó là sự thật. Bởi nếu là người dân bên ngoài đồn tôi cũng chẳng tin, nhưng những điều mà tôi sắp kể cho các bạn sau đây lại được chính một người trong gia đình bà Hoài kể lại. Người đang nằm trong quan tài bên dưới cái huyệt đang dần bị phủ kín kia, anh Huấn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #bíẩn