Chap 27: Cô Điệp - Người Phụ Nữ Gốc Nam.
Không cần đến số vàng đã được chôn kín, sau cái ngày tìm được 3 viên gạch vàng dưới giếng và thầy Lã rời đi. Thời gian sau đó gia đình ông Hải cứ thế phất lên không ngừng, làm gì được đấy. Bà Hoài từ buôn bán nhỏ chỉ trong 1 năm rưỡi đã có cả một cửa hàng vải lớn nhất làng mặc cho trước đó đã có nhiều người buôn bán cùng nghề mở ra. Nhưng chẳng hiểu sao người ta cứ kéo đến cửa hàng của bà Hoài để mua vải, đặt vải số lượng lớn. Làm ăn thuận lợi, mối lái từ những nơi xa xôi như biên giới Trung Quốc cũng tự động tìm đến bà Hoài để giao kèo làm ăn.
Đất nước trong giai đoạn sắp sửa thống nhất, khi mà người người nhà nhà đang vực dậy từ đống đổ nát, khó khăn chồng chất khó khăn thì tiệm vải của bà Hoài vẫn trụ vững, không chỉ vậy khi mà giữa một xã hội khó khăn thì những người nhiều tiền lại càng được dịp thể hiện mình. Quần áo, trang phục của những người giàu khi đó họ muốn thật đẹp, thật sang và họ muốn tìm đến những nơi có uy tín, chất lượng. Và khi ấy, không chỉ là một bà chủ của tiệm bán vải vóc, nhung lụa mà bà Hoài, ông Hải còn có cả một xưởng may nhỏ với những người thợ lành nghề từ khắp mọi miền đất nước. Như một điều tất yếu, những người thợ giỏi cũng cứ thế đến tìm hai vợ chồng bà.
Gần hai năm quá vượng, quá phát mọi chuyện tiến triển đến ngoài sức tưởng tượng của những người dân trong làng. Khi mà họ vẫn còn nhớ rõ câu chuyện về cái giếng nước đổi màu đen xì báo hiệu tai ương sắp ập xuống gia đình ông Hải. Nhưng chỉ sau đó 1 tháng, ông Hải thông báo với mọi người giếng nước đã trở lại bình thường, nhờ có thầy giỏi cúng vái nên hóa giải được kiếp nạn. Đúng là trong họa có phúc không những gia đình không gặp tai ương như nhà bà Thoản ngày xưa mà gia đình ông Hải còn khiến cho cả làng phải thắc mắc tại sao họ lại giàu nhanh như vậy. Không ít những người ngày xưa trù ẻo, thêu dệt câu chuyện, xa lánh nhà ông Hải bởi cái giếng bị quỷ ám thì nay lại mon men đến xin nước giếng để lấy may. Nhưng chủ yếu là họ muốn xem cách mà ông thầy ngày trước đặt phong thủy ra làm sao mà nhà ông Hải lại phất nhanh như vậy. Họ cũng học theo về đào giếng, rồi cũng xây miếu, lập ban thờ tuy nhiên hao tốn tiền của cũng chẳng đem lại được lợi lộc gì.
Vợ chồng bà Hoài sau khi có được sự ổn định thì họ lại tiếp tục nhận được tin vui, bà Hoài mang thai lần thứ hai. Cuối năm 1975, cậu con trai thứ hai của bà Hoài ra đời. Mặc cho người đời đồn đoán, gia đình bà Hoài vui mừng chào đón cậu con trai thứ hai và việc làm ăn lại càng phát triển. Có lẽ mọi thứ đã quá thuận lợi cho nên ông Hải cũng không còn mảy may quan tâm đến hai viên gạch vàng chôn dưới nền nhà hai năm về trước. Điều mà ông Hải vẫn nhớ đó chính là phải chăm lo, thờ cúng quỷ thần nơi mảnh đất mà nhà ông đang ở. Người ngoài không hiểu còn hai vợ chồng ông Hải đều hiểu được rằng, tất cả sự may mắn, thành đạt mà họ đang có được chính là nhờ long mạch nơi cái miếu mà thầy Lã đã giúp họ phát hiện năm xưa. Không chỉ tuần rằm, ngày lễ mà hôm nào cũng vậy, cả hai vợ chồng đều thay nhau nhang khói, lau dọn sạch sẽ những vị trí tôn nghiêm, đắc địa. Có những lúc ăn cơm ông Hải nói với vợ :
-- Nghĩ lại ngày xưa thầy Lã nói đúng thật, có những cái nếu thành tâm thì hậu vận sau này còn viên mãn hơn là lấy được của.
Ông Hải vẫn luôn một lòng tôn trọng thầy Lã, chưa bao giờ ông dám quên ơn thầy. Dù cho ông không nghĩ đến hai viên gạch vàng đang chôn dưới đất nhưng lời dặn của thầy Lã đó là nửa viên gạch vàng của thầy Lã gửi lại, hai vợ chồng ông phải giúp thầy làm việc thiện cho những người ngèo, những người ăn xin, bệnh tật trong làng. Sở dĩ ông Hải chưa làm bởi vì bản thân ông cũng chưa sử dụng đến vàng, ông Hải vẫn canh cánh trong lòng một câu nói của thầy Lã trước lúc thầy từ biệt :
" Vàng tìm được có thể dùng được ngay, nhưng nên chờ một thời gian sau, ắt sẽ có cơ hội."
Chình vì điều này mà hai năm nay ông Hải vẫn không muốn bỏ vàng ra đem đi bán, mặc cho có những khi bà Hoài nhập hàng không đủ tiền, bà Hoài ngỏ ý muốn chồng bỏ số của cải mà thần cho ra để đem bán nhưng ông Hải cố gắng giữ lại. Cứ thế mọi chuyện cũng trôi qua và số vàng vẫn còn nguyên.
Đấy là suy nghĩ của ông Hải còn vợ ông thì không nghĩ vậy, có những thời điểm khó khăn thì bà Hoài một tay đi vay mượn. Chỉ có điều nếu là ngày trước chẳng ai cho vay, nhưng từ ngày buôn bán làm ăn, lại còn có cả thương lái từ Trung Quốc sang hợp tác thành ra bà Hoài hỏi vay một người thì đã có cả 4-5 người ngỏ ý muốn cho vay. Ông Hải luôn miệng khen thầy, khen long mạch, đất đai phần nào cũng khiến bà Hoài khó chịu, dù cũng tín nhưng thấy chồng nói vậy ba Hoài hay đối lại không mấy vui vẻ :
-- Vầng, ông thì cái gì cũng thầy, thầy.....Thế chắc tôi mà không cáng đáng, tính toán, đi vay đi mượn trong khi ông không chịu bỏ số vàng kia ra dùng thì có ngày hôm nay chắc.
Ông Hải mỉm cười nịnh vợ :
-- Ừ thì vợ tôi vẫn là giỏi nhất được chưa. Không phải là tôi không muốn bán mà là dường như thời điểm vẫn chưa đến. Cố đợi thêm một thời gian nữa xem sao.
Sinh cậu con trai thứ 2 khiến cho hai vợ chồng khá vất vả trong việc vừa phải trông nom cửa tiệm, xưởng may mặc dù đã thuê người làm, lại vừa phải chăm con mọn. Bà Hoài phải nhờ cả mẹ đẻ lên ở cùng để giúp hai vợ chồng trông con. Thời gian cuối thai kỳ và mới sinh bà Hoài phải ở nhà chính vì vậy mọi công việc hầu như đổ dồn lên đầu ông Hải. Đấy là may mắn sao tiệm vải đã có một người quản lý, cô Điệp. Đó là một người phụ nữ gốc Nam rất giỏi trong việc may vá, thiết kế có kinh nghiệm trong chuyện lựa chọn vải vóc bởi cô ta là con gái của một gia đình có truyền thống trong lĩnh vực này. Theo lời cô Điêp kể lại thì gia đình cô ta trong chiến tranh đã bị ly tán, xưởng dệt vải của bố mẹ cô bị thiêu cháy trong biển lửa giữa làn bom đạn. Cô ta may mắn thoát chết vì không có mặt ở xưởng, một thân một mình không biết nương tựa vào ai. Cùng lúc đó có người họ hàng xa ở ngoài bắc nên đến nương nhờ, trời xui đất khiến thế nào khi mà bà Hoài có ý định mở một tiệm bán vải, đi tìm nguồn hàng từ khắp các chợ đầu mối, bà Hoài đã gặp cô Điệp. Qua những lời tư vấn của cô Điệp, bà Hoài cũng có hỏi qua về hoàn cảnh bởi nghe một người phụ nữ nói giọng miền Nam lại sinh sống ở Bắc khiến bà Hoài tò mò. Thấy gia cảnh của cô Điệp éo le, hơn nữa bản thân bà Hoài cũng nhận thấy mình cần có một người am hiểu về lĩnh vực này nên bà Hoài đã ngỏ lời mời cô Điệp về làm chung với mình.
Gom góp hết tất cả các loại tiền trong nhà, bà Hoài khởi đầu chỉ dám thuê một cái sạp nhỏ ngoài chợ để bày bán. Cái sạp nhỏ bán vải lúc đầu mới bày ra chịu không ít sự dè bỉu, sự ganh ghét, đố kỵ từ những kẻ cắm dùi lâu năm, tuy nhiên chẳng hiểu là nhờ phúc đức của tổ tiên, nhờ quỷ thần long mạch phù hộ hay nhờ cô Điệp, một người phụ nữ vừa xinh đẹp, vừa dịu dàng với chất giọng miền Nam nhẹ nhàng như rót mật vào tai mà khách từ đâu cứ nườm nượp kéo đến. Xưa nay chuyện đi mua vải vóc là chuyện của đàn bà, nhưng riêng sạp bán hàng của bà Hoài thì cả đàn ông cũng đến lựa vải muốn hỏi xem loại nào tốt, loại nào mát, chất liệu nào đẹp.
Chỉ trong vòng 4 tháng đầu tiên, hai chị em đã chuyển từ sạp vải thành hẳn một tiệm vải đàng hoàng, lịch sự. Thương lái Trung Quốc tìm đến, ban đầu tiếp xúc với bà Hoài một người không có kinh nghiệm những gã lái buôn người Tàu tính mời chào hàng đểu giá cao. Nhưng khi cô Điệp xuất hiện, nhìn sơ qua cô Điệp đã nói với chúng đây là hàng chất lượng kém. Thế là lái buôn Trung Quốc đã phải chịu khuất phục trước những lý lẽ, đặc biệt là ánh mắt sành sỏi về vải vóc của người đẹp xứ Việt. Cũng bắt đầu từ đây chuyện làm ăn của bà Hoài cứ thế lên như diều gặp gió. Với bà Hoài khi ấy cô Điệp còn thân thiết hơn chính anh chị em ruột của bà ở quê.
Thường thì chuyện làm ăn ông Hải chỉ quán xuyến giúp vợ phần nào, nhưng nay vợ mang bầu thành thư ra ông phải chạy qua chạy lại cả hai nơi là tiệm vải cũng như xưởng may để theo sát công việc. Cô Điệp thì ông Hải cũng không còn lạ lẫm gì, hôm nay cũng như mọi ngày bình thường, ông Hải đạp xe đạp đến tiệm vải của vợ :
-- Ủa, anh Hải đến rồi ạ.....Em cũng mới tính sổ sách hum bữa nè anh, anh xem qua giùm em. - Cô Điệp nói.
Ông Hải cười xòa :
-- Thôi, anh không xem đâu, có xem anh cũng khó mà hiểu được hết. Em cứ cộng sổ lại rồi lúc nào chị khỏe chị xem. Thế buôn bán có được không em..?
Cô Điệp trả lời :
-- Dạ được lắm anh ơi, càng ngày càng nhìu người ghé zô đây đó anh. Hổm bữa trước khi mà chị Hoài sinh á, em có bàn với chị Hoài là sinh xong có khi mình nên mở một tiệm nữa ở trên huyện. Khách huyện cũng zề đây đông lắm anh ạ. Mình mà mở thêm sẽ thu hút được nhìu khách hơn, mà người ta cũng không mất công đi xa.
Ông Hải cười nói :
-- Em đúng là vừa đẹp người lại giỏi cả công việc. Đúng là có em công việc mới ổn được. Mà cô xem thế nào lấy chồng đi chứ, anh thấy trong làng này khối người muốn hỏi cưới cô rồi đấy.
Cô Điệp cười bẽn lẽn :
-- Anh này cứ trêu em, em chưa tính chuyện lấy chồng đâu. Anh chị có thương thì cho em ở lại đây làm là em mang ơn lắm rồi.
Ông Hải ngồi xuống ghế rồi nói tiếp :
-- Chắc là do chuyện bố mẹ mất chưa bao lâu nên em chưa muốn lấy chồng phải không..? Thôi em ạ, số trời định cả, đừng nên quá đau buồn. Em làm tốt như vậy, vợ anh nếu không có em cũng sao có được cơ ngơi như ngày hôm nay, vợ chồng anh phải cảm ơn em mới đúng.
Cô Điệp nghe ông Hải nói thì đỏ mặt ngại ngùng, đúng là con gái miền Nam hay e thẹn, chẳng thế mà thời gian cô Điệp ở đây không ít đàn ông để ý, nhưng cô Điệp vẫn chưa ưng ai cả. Vừa lúc đó có khách, ông Hải đứng dậy nói :
-- Mới sáng đã có khách rồi kìa, thôi cũng đến giờ mọi người bên xưởng may làm rồi. Giờ anh đi qua đó đây, Điệp làm đi nhé.
Ông Hải đang hất chiếc chân chống con xe đạp Liên Xô toan trèo lên thì cô Điệp từ trong tiệm chạy ra :
-- Anh Hải, chắc sáng nay anh chưa ăn sáng phải không..? Nãy anh ngồi em nghe thấy bụng anh sôi lên đó. Anh ăn cái bánh mỳ trứng này đi cho đỡ đói. Hi hi, anh ăn đi, em ăn rồi....Thôi em vào xem khách cần gì đây, em chào anh.
Ông Hải cầm cái bánh mỳ vẫn còn nóng hổi trên tay chưa kịp cảm ơn thì cô Điệp đã chạy vào bên trong, ông Hải khẽ mỉm cười :
-- Đúng là người đâu mà chu đáo quá, chẳng bù cho vợ mình, sáng đang đánh răng rửa mặt đã quát ầm ầm nói phải đi xem cửa tiệm với cả cửa hàng ngay. Haizzzzzzz....!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top