"Nghiện" Facebook: Thực trạng đáng báo động ở giới trẻ!
Facebook (FB) là mạng xã hội nổi tiếng trên toàn thế giới và hiện đang tăng đột biến về số người dùng tại Việt Nam. FB được sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi, tạo ra sức cuốn hút ghê gớm và tốc độ lan truyền mạnh mẽ, đặc biệt là trong giới trẻ.
Phải thừa nhận rằng, FB đem lại rất nhiều tiện ích, nhất là sự kết nối thông tin và những ứng dụng giải trí thú vị (chơi game, nghe nhạc, xem phim…). Nếu sử dụng đúng mục đích và ở chừng mực phù hợp, mạng xã hội này sẽ là công cụ hữu hiệu cho những công dân hiện đại ưa chuộng công nghệ. Tuy nhiên, khi bước vào thế giới của FB, rất nhiều người đã không cưỡng nỗi sự lôi cuốn như mê hoặc của nó. Vào FB vì thế thành một thói quen không thể từ bỏ, một hội chứng “nghiện”…“Nghiện” Face book: Thói quen nguy hiểm…
Lướt FB của nhiều bạn trẻ không khó tìm gặp những status (trạng thái) - những “tuyên ngôn” bản thân gây bất ngờ như: “Một ngày không vào FB cứ thấy bứt rứt, “nhớ” FB quá!!!” hay “Ăn mì tôm sống qua ngày nhưng được vào FB là OK hết!”… Rất nhiều học sinh, sinh viên nếu ngày nào không vào FB thì thấy “ngứa ngáy không chịu được”, họ có thể thức thâu đêm để cập nhật status (tình trạng), comment (bình luận), like ảnh hay các link, page… thử các ứng dụng, gia nhập các hội nhóm…. ; một số “nghiện” đến mức online chỉ vì một mục đích duy nhất là để vào…Facebook!!!
Bạn T, lớp 11 trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ: “Em biết dùng FB từ khi chưa có máy tính, thấy bạn bè chơi nên cũng vào cho biết, rồi giờ nghiện hẳn, không vào là cứ bứt rứt không yên. Em mê FB tới mức chỉ muốn được ngồi lì trước máy tính để tán gẫu, xem, đọc rồi like những page mình thích”. Cũng một trường hợp tương tự, bạn T.L - Sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh cho biết: “Cứ hễ bật máy tính lên để chuẩn bị làm việc gì đó thì mình lại bị cuốn vào FB, hết xem ảnh của mấy đứa bạn lại qua comment đi comment lại. Mỗi mùa thi, ngồi ôm quyển sách đọc được năm ba câu thì ghé qua FB đến cả tiếng đồng hồ. Khổ nỗi, cứ đọc sách là buồn ngủ mà vào FB cả đêm lại thấy tỉnh táo như thường (cười). "
Khác với những “con nghiện” vô tư này, có nhiều bạn nhận ra những rắc rối do nghiện FB và trăn trở tìm cách “cai” bằng nhiều biện pháp khác nhau: xóa phần mềm FB trong điện thoại; cài phần mềm khác thay thế hoặc có bạn còn dán khẩu hiệu “một ngày lên FB 1 lần” khắp phòng học… Đã có người cai được, nhưng không ít thì đâu vẫn vào đó. FB quả thực là thói quen dễ nghiện nhưng khó bỏ!
...Những hệ lụy
Bên cạnh với những lợi ích mà facebook đem lại thì việc lạm dụng nó đã làm cho người dùng bị ảnh hưởng rất nhiều về thời gian, sức khỏe cũng như công việc. Chị H.T.T - đường Lý Tự Trọng, TP Hà Tĩnh có con đang học THPT tâm sự: “Con tôi chuẩn bị sang năm là thi đại học rồi mà cứ có thời gian là cháu lại truy cập FB để tán chuyện với bạn bè. Tôi nói thế nào cũng không chịu nghe, kiểm soát bằng máy tính bàn thì cháu vào bằng máy điện thoại. Thu máy điện thoại thì cháu ra quán net để giải tỏa nhu cầu vào FB. Tôi và nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng về vấn đề này”. Hội chứng “nghiện” FB khiến nhiều bạn trẻ tiêu tốn thời gian, sức khỏe dẫn đến chểnh mảng học hành, kết quả học tập sa sút.
Mất tập trung cho việc học tập đã đành, các em học sinh, sinh viên có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm những thói hư, tật xấu bởi các mối quan hệ trên FB vì ở độ tuổi này các em chưa có nhận thức chín chắn nên dễ bị lôi kéo và ảnh hưởng bởi những tác động xấu từ thế giới “ảo”. Không ít bạn sử dụng lời lẽ thiếu văn hóa thậm chí văng tục, chửi bậy nhau trên FB; chia sẻ những hình ảnh, thông tin thiếu lành mạnh hoặc thành lập những hội nhóm vô bổ: “Hội phát cuồng vì trai xinh, gái đẹp trường…”; “Hội phát cuồng vì sự cute của couple…”; “Hội những người phát tởm vì em…..”; “Hội phát tởm vì sự xinh đẹp giả tạo của….”. Trên FB của nhiều bạn trẻ Hà Tĩnh, xuất hiện câu cửa miệng kỳ quặc kiểu như: “GATO” (gen ăn tức ở), “Đậu xanh rau má”, tự kỷ… “ném đá” chỗ này rồi “chém gió” chỗ kia. Vậy mới thấy, tính năng chia sẻ, kết nối thông tin của FB quả như một “con dao hai lưỡi”, thông tin bổ ích cũng có nhiều song thông tin tiêu cực thật khó để kiểm soát.
Hội chứng “nghiện” FB đang trở thành thực trạng đáng báo động trong giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, nghiện hay không nghiện FB căn bản vẫn là ở nhận thức của người sử dụng. Điều đó đòi hỏi các bạn trẻ phải biết sắp xếp hợp lý thời gian học tập và vui chơi giải trí; biết cách chia sẻ, yêu thương và học hỏi những điều hay từ bạn bè. Bên cạnh đó, để ngăn chặn những hệ lụy đáng tiếc, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần kịp thời tuyên truyền, giáo dục, tăng cường quản lý học sinh, sinh viên đồng thời đưa ra những giải pháp đẩy lùi những tư tưởng tiêu cực, độc hại đang lây lan trong giới trẻ thông qua mạng xã hội Facebook.
Tác hại của “nghiện” Facebook?
Chủ Nhật 08:33 13/01/2013
Hiện nay, mạng xã hội Facebook đã trở thành công cụ kết bạn, "ngôi nhà ảo" để nhiều HS gửi gắm tình cảm, tâm sự của mình. Tuy nhiên, việc dành quá nhiều thời gian để chăm chút cho "ngôi nhà ảo" này khiến các em xao nhãng việc học tập. Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của các em và thầy cô về vấn đề này nhé.
Em Nguyễn Thu Trang (HS lớp 11, Trường THPT Cao Bá Quát):
- Ở lớp em, hầu hết các bạn có một trang Facebook riêng. Sau đó các bạn còn thành lập các trang Facebook của nhóm, của lớp, của trường… Mạng xã hội Facebook giống như một quyển nhật ký điện tử ghi lại những ý nghĩ, cảm xúc bản thân nhưng nó lại có dạng "mở". Mọi người có thể cùng đọc để chia sẻ, góp ý. Để "làm mới" trang cá nhân này, em phải liên tục cập nhật thông tin, "cóp nhặt" các câu chuyện hấp dẫn trên mạng. Muốn được nhiều người kết bạn và làm đẹp cho Facebook, cuối tuần em còn tranh thủ đi chụp ảnh để đăng lên, phải chọn những khung cảnh thật đẹp, bức hình thật ấn tượng.... Ngày nào em cũng "tu" Facebook đến ba tiếng đồng hồ, chỉ có những lúc ôn thi em mới tạm rời xa "ngôi nhà ảo" này.
Em Trần Minh Thư (HS lớp 12, Trường THPT Yên Viên):
- Em cũng thường vào Facebook để đọc tin tức và xem các trang cá nhân của bạn bè. Nhưng bố mẹ cũng sợ em "nghiện" mạng xã hội này nên đã có thỏa thuận từ trước, mỗi ngày chỉ dành 15-30 phút để xem Facebook. Ngày cuối tuần rảnh rỗi thì có thể truy cập Facebook đến hai tiếng đồng hồ. Em thấy Facebook không chỉ là mạng tán gẫu vô bổ mà còn giúp nhiều người cùng chung tay đóng góp cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Tuy nhiên, không ít bạn lại lạm dụng các mạng xã hội để nói xấu thầy cô giáo, cha mẹ với những lời lẽ vô văn hóa, cập nhật những bức ảnh, clip "khoe hàng", "tự sướng" phản cảm ...
Cô Nguyễn Bích Vân (giáo viên dạy văn, Trường PTDL Đinh Tiên Hoàng):
- Cơn "nghiện" Facebook không chỉ lan ra đối với các em HS mà khá đông bộ phận giới trẻ, nhân viên văn phòng, thậm chí các giáo viên trong trường cũng gia nhập "ngôi nhà ảo" này. Tôi đã từng đọc các nghiên cứu của nước ngoài về tác hại của Facebook. Trong đó, các em HS "nghiện" Facebook rất dễ mắc bệnh "tự yêu mình". Những người dùng Facebook hay tự quảng cáo về bản thân, khoe khoang thái quá, luôn muốn mình là trung tâm của sự chú ý. Nhiều khi, các em gặp những chuyện buồn phiền, không biết tâm sự với ai, nên "trút" cả vào Facebook và hoàn toàn phụ thuộc cảm xúc vào những chia sẻ của đám đông.
Ngoài ra, hệ lụy của việc "nghiện" mạng xã hội còn khiến các em học hành sa sút, sức khỏe không tốt (giảm thị lực, mất ngủ, tinh thần mệt mỏi…). Do đó, các phụ huynh cần phải giám sát thời gian sử dụng internet của con cái, không nên để trẻ mất quá nhiều thời gian vào việc truy cập trang Facebook. Ngoài ra, cần phải giáo dục các con ý thức bảo vệ thông tin, nội dung, hình ảnh riêng tư khi được đưa lên mạng xã hội nhằm chia sẻ với người thân, bạn bè... tránh bị kẻ xấu lợi dụng để sử dụng vào mục đích không tốt.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top