BÌNH ĐẲNG GIỚI - CÓ HAY KHÔNG TỒN TẠI?

Bước qua đầu thế kỷ 21, vị thế của phụ nữ trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng được cải thiện rất nhiều nhưng sự bình đẳng giới vẫn còn là vấn đề lớn của nhân loại.

Những ai đã từng đọc chút ít về lịch sử thế giới cũng đều biết rằng: trước đây, phụ nữ châu Âu không có quyền bầu cử. Họ bị coi là công dân hạng hai, chỉ vì khi sinh ra họ đã không phải là đàn ông. Ngày 8-3-1908, tại Mỹ,thành phố New York đã chứng kiến 15 ngàn nữ công nhân đồng loạt xuống đường đòi được hưởng các quyền về bình đẳng giới, muốn được sống một cuộc sống mà họ có các quyền tương tự nam giới. Một năm sau, ngày 8-3-1909 được gọi là Ngày Quốc tế Phụ nữ, đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình đòi quyền bình đẳng giới của phụ nữ thế giới, ngày tôn vinh những thành tựu của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống.

Trong mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà gần 200 quốc gia đã ký kết vào tháng 09/2000, bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho phụ nữ được thể hiện trong Mục tiêu thứ 3, đồng thời cũng lồng ghép trong tất cả các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Những dẫn chứng nêu trên chứng minh vấn đề bình đẳng giới không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, một quốc gia hay một châu lục nào. Đó là vấn đề mà cả thế giới phải cùng đối mặt, cùng hợp tác giải quyết. Bà Nguyễn Thế Thanh, chuyên gia về vấn đề này , đã từng chia sẻ:" Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, quyền lợi của người phụ nữ chưa được đề cao. Sự thiên vị nam nữ trong giáo dục, không công bằng trong cơ hội việc làm, sự bất bình đẳng về giới trong chính trị..."

Còn ở Việt Nam, trong thời đại phong kiến, theo thuyết Nho giáo quan niệm về đức hạnh của người phụ nữ: Người phụ nữ phải là người "tam tòng": khi còn ở với cha mẹ thì phải phục tùng cha, khi đi lấy chồng phải phục tùng chồng và nếu chồng chết thì phải theo sự sắp đặt của con trai. Với "tam tòng" này có thể dẫn đến người phụ nữ phải chung sống với người đàn ông có thói gia trưởng, bạo hành. Cũng từ mối quan hệ "chồng chúa vợ tôi" dẫn đến chuyện hôn nhân hoặc việc lựa chọn tương lai của con cái cũng đều phải theo sự xếp đặt của cha mẹ " Cha đặt đâu con ngồi đó". Không những thế, tôi thấy hiện nay có nhiều bà mẹ trẻ có học thức rất cao nhưng sao vẫn muốn có con trai hơn con gái? Hay do bản thân họ là phụ nữ vì vậy họ thấy những khó khăn của mình là phụ nữ nên giờ đây họ không muốn có con là con gái để con họ cũng không phải khổ như họ? Lý do chính là vì hiều phụ nữ thiếu tự tin vào suy nghĩ đúng của mình: trai hay gái đều là con của mình, cháu của mình. Và vì thế không thể có việc đứa con trai, cháu trai mới có ý nghĩa nối dõi tông đường...


Tôi không muốn nói rằng bình đẳng giới ở Việt Nam không tồn tại. Thực tế, từ khi Bác Hồ kính yêu đã tìm ra con đường cứu nước, đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin đến cho dân tộc ta, phụ nữ Việt Nam cùng với toàn thể dân tộc đã có phương hướng hoạt động cứu nước rõ ràng: Cách mạng giải phóng dân tộc đồng thời giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ. Khi đất nước ta đã được độc lập, tự do, qua từng nhiệm kỳ, Chính phủ đã xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Phụ nữ đã trở thành những người đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng. Hiện nay, trong mọi gia đình phần đa phụ nữ và nam giới đều tham gia các hoạt động tạo thu nhập, cùng giáo dục con và chăm sóc các thành viên khác trong gia đình. Vợ chồng cùng bàn bạc, tôn trọng ý kiến của nhau trước khi quyết định các vấn đề lớn, quan tâm, chăm sóc và tạo điều kiện về mọi mặt cho con trai và con gái.

Theo ông Jesper Morch đã đánh giá, trong nhiều năm nay, "Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về các chỉ số về bình đẳng giới qua việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục tới các trẻ em gái và trẻ em trai, phụ nữ và nam giới. Sự chênh lệnh về tỉ lệ nhập học giữa các em nữ và các em nam là rất thấp. Tỉ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm". Còn theo sự đánh giá của Ngân hàng Thế giới vào năm 2003 thì "Việt Nam có tỉ lệ cao nhất trên thế giới: 85% nam giới và 83% nữ giới ở độ tuổi từ 15 - 60 tham gia vào các hoạt động kinh tế".

Trong xã hội hiện đại ngày nay, vấn đề về sự bình đẳng cho những bạn homosexual cũng được quan tâm. Mặc dù trong những năm gần đây, xã hội Việt Nam đã có cái nhìn thoáng hơn về cộng đồng người đồng tính và chuyển giới. Tuy nhiên xuất phát từ những quan điểm sai lầm cho rằng đồng tính luyến ái là bệnh tâm thần, là những biểu hiện lệch lạc về tâm lý, lối sống tha hóa mà xã hội đã dành cho người đồng tính và chuyển giới sự kỳ thị, biểu hiện ở những hành động như chế giễu, ghê sợ, phân biệt đối xử, thù hằn, bạo lực, xa lánh thậm chí cô lập.

Không những thế, định kiến, kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người đồng tính và chuyển giới cũng được thể hiện dưới nhiều khía cạnh và mức độ khác nhau. Từ bị dèm pha, xa lánh, sợ hãi đến đánh đập. Định kiến, kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người đồng tính và chuyển giới không chỉ xảy ra từ các mối quan hệ xã hội mà tình trạng này còn xảy ra trong chính gia đình của họ. Điều này đã dẫn đến những tổn thương tâm lý vô cùng nghiêm trọng đối với người đồng tính và chuyển giới như lo âu, trầm cảm thậm chí một số người đồng tính, chuyển giới khi rơi vào bế tắc đã có ý định tự tử hoặc hành vi tự tử.

Trước đây tình dục đồng tính bị xem là một căn bệnh- một rối loạn cần phải được chữa trị. Nhưng y học và tâm thần học đã công bố thì khác biệt hoàn toàn. Năm 1973, đồng tính được chính thức đưa ra khỏi sổ chẩn bệnh (DSM-3) của APA. Vì đồng tính luyến ái không phải là bệnh nên xã hội cần có ý thức tôn trọng sự đa dạng của các cá nhân trong xã hội, trên cơ sở đó tôn trọng quyền của người đồng tính , người chuyển giới như quyền của người dị tính. Tránh sự khắc họa chân dung người đồng tính và người chuyển giới dựa trên những định kiến về "khuôn mẫu giới". Điều này sẽ góp phần giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của định kiến, kỳ thị đối với cộng đồng người đồng tính và chuyển giới ở Việt Nam.

Nói tóm lại, ở Việt Nam, ngoài các chương trình hành động của Chính phủ, ngoài sự bảo vệ của pháp luật, để thực sự có một xã hội bình đẳng giới, còn cần phải thay đổi quan niệm của nhiều người về vấn đề bình đẳng nam – nữ. Vì "bình đẳng giới là lẽ tự nhiên, như phàm là cây cỏ thì có quyền vươn lên đón ánh mặt trời".


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top