𝚍𝚒ễ𝚗 𝚋𝚒ế𝚗 𝚝â𝚖 𝚝𝚛ạ𝚗𝚐 𝚌ủ𝚊 𝙼ị 𝚝𝚛𝚘𝚗𝚐 đê𝚖 𝚖ù𝚊 đô𝚗𝚐

     Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là một thành công lớn của Tô Hoài  viết về đề tài miền núi. Mị là nhân vật trung tâm của tác phẩm được tác giả viết năm 1953, sau đợt thâm nhập thực tế ở Tây Bắc năm 1952. Từ cuộc đời của nhân vật Mị, nhà văn đã phản ánh được cuộc sống khổ đau, tủi nhục của người phụ nữ miền núi và sức sống tiềm tàng của họ dưới chế độ thực dân phong kiến. Trong truyện ngắn, diễn biến về tâm lí phức tạp nhất của Mị có lẽ là: "Những đêm mùa đông miền núi... Mị phảng phất nghĩ như vậy."

     Mị đã từng là một cô gái trẻ đẹp, yêu đời, nhưng vì món nợ truyền kiếp của cha mẹ mà Mị bị bắt làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra bị bóc lột sức lao động, bị đày đọa như một nô lệ. Mị dường như đang chết dần chết mòn cho đến khi mùa xuân về, sự hồi sinh ấy đã trỗi dậy nhưng rõ nhất phải đến với đêm mùa đông, Tô Hoài mới để cho Mị vực dậy mạnh mẽ nhất và được giải thoát hoàn toàn. Đoạn trích trên thuộc phần gần cuối của tác phẩm, đã thể hiện sự chuyển biến tâm trạng của Mị khi chuẩn bị cắt dây trói cứu A Phủ.

   Mị gặp A Phủ trong nhà thống lí Pá Tra, hai con người cùng cảnh ngộ bị áp bức, đày đọa. A Phủ trong lúc trông coi bò ngựa cho thống lí vì ham bẫy nhím nên để hổ vồ mất một con bò nên bị thống lí Pá Tra trói đứng vào cột và chỉ còn chờ chết. Mị đã nhìn thấy A Phủ bị trói đứng vì phải chịu tội.

   Lúc đầu, Mị hoàn toàn dửng dưng, thờ ơ với việc A Phủ bị trói đứng. Câu văn mở đầu đã vẽ ra một không gian mênh mông, bao la, rộng lớn "Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn" đồng thời còn gợi thời gian "những đêm mùa đông". Đây là khoảng thời gian lạnh lẽo, tê tái đến cắt da cắt thịt ở miền núi cao Tây Bắc. Ba tính từ "cao", "dài", "buồn" được đặt cạnh nhau liên tiếp gợi ra vẻ hoang vu, hiu quạnh, tĩnh lặng của cảnh vật. Dường như cái "buồn" của cảnh vật cũng chính là nỗi buồn của lòng Mị. Mị xuất hiện trong bối cảnh ấy gắn với hành động sưởi lửa "Mỗi đêm, Mị đã dậy thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần"; "chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm". Đây là hành động lặp đi lặp lại đến đơn điệu, nhàm chán. Mị chỉ có ngọn lửa làm bạn, đó là thứ ánh sáng duy nhất giúp Mị vượt qua khỏi đêm đông lạnh thấu xương tủy "nếu không có bếp lửa thì Mị cũng đến chết héo". Hơi ấm của ngọn lửa cũng là thứ duy nhất sưởi ấm tâm hồn, níu giữ niềm hi vọng nào đó dù rất mong manh và mơ hồ, "không để cho sự vô vọng hùa đến tuyệt vọng" (Tô Hoài). Mị hiện lên thật đáng thương và khiến người đọc vô cùng xót xa. Trong những đêm thức dậy thổi lửa ấy, Mị đã nhìn thấy cảnh A Phủ bị trói đứng đầy đau đớn nhưng Mị hoàn toàn dửng dưng, không mảy may quan tâm, lo âu hay thương cảm: "Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi". Bởi "sống lâu trong nỗi khổ Mị quen khổ rồi". Mị quen với nỗi khổ của mình và với nỗi khổ của mọi người xung quanh. Không những thế, trái tim Mị gần như đã tê liệt cảm xúc, sự nhân hậu của Mị dường như đã bị bào mòn theo năm tháng.

   Một đêm sau đó, tâm hồn Mị bừng tỉnh, lòng nhân hậu được đánh thức sau khi chứng kiến giọt nước mắt của A Phủ, đánh dấu bước ngoặt trong nhận thức của Mị. 

 Dòng nước mắt của A Phủ là tác nhân đánh thức tâm hồn Mị. Tô Hoài từng tâm sự "cái khổ cái nhục mà Mị gánh chịu như lớp tro tàn phủ khuất che lấp sức sống tiềm tàng trong lòng Mị. Và chỉ cần có một luồng gió mạnh đủ sức thổi đi lớp tro bụi nguội lạnh ấy thì đốm lửa sẽ bùng cháy và giúp Mị vượt qua cuộc sống đen tối của mình". Và giờ, ngọn gió ấy đã đến, đó chính là hình ảnh giọt nước mắt của A Phủ "một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại". Nguyễn Minh Châu quan niệm "Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người". Phải chăng giọt nước mắt của A Phủ chính là những "hạt ngọc" vô giá? Bởi chính nó đã cứu sống chính A Phủ và cả Mị, đồng thời làm bộc lộ vẻ đẹp ẩn sâu trong tâm hồn Mị. Đây quả là một chi tiết đắt giá, nói như nhà giáo Đỗ Kim Hồi "Nước mắt A Phủ đúng là một chi tiết nâng tầm Tô Hoài". Mị nhìn thấy "dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" của A Phủ thể hiện sự bất lực và tuyệt vọng. A Phủ là một chàng trai gan góc, kiên cường và mạnh mẽ, không sợ cường quyền, không sợ cả sự nghèo đói. Vậy mà giờ đây chàng trai ấy đã khóc. Chính dòng nước mắt của A Phủ là sợi dây liên kết Mị với A Phủ đã giúp Mị hồi sinh trở lại, đánh thức kí ức của Mị khi bị trói đứng trong đêm tình mùa xuân năm nào.

 Miêu tả diễn biến tâm lí Mị đầy phức tạp và bất ngờ khi nhìn thấy A Phủ khóc. Nhân vật nhớ lại quá khứ đau thương và nhận ra sự tương đồng về số phận của mình với A Phủ. "Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được". Giọt nước mắt đánh thức kí ức hãi hùng và ám ảnh trong Mị, nỗi đau năm nào tưởng đã bị vùi lấp, lãng quên giờ đây đã trỗi dậy để rồi Mị nhận ra sự giống nhau giữa mình và A Phủ. Họ đều bị ngược đãi, trói đứng một cách dã man và tàn bạo. Họ đều khóc, đều cay đắng trước sự bất công của số phận. Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ. Như vậy giọt nước mắt đã khơi dậy nỗi niềm đồng cảm giữa hai thân phận đồng cảnh ngộ, mà những người cùng cảnh ngộ rất dễ cảm thông cho nhau. Đây chính là trạng thái tâm lí mở đầu cho những suy nghĩ kế tiếp của Mị. Ban đầu Mị thương A Phủ - người cùng cảnh ngộ: "Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi...". Mị không còn dửng dưng với A Phủ mà lòng Mị đầy thương cảm và lo lắng cho A Phủ: "Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết". Từ "chết" được nhắc lại năm lần, khẳng định kết cục tất yếu của A Phủ, thể hiện mối quan tâm, niềm thương xót và nỗi âu lo của Mị, giọng văn vang lên như những tiếng than. Tiếp theo, Mị căm phẫn trước tội ác và sự bất công của bọn chúa đất phong kiến: "Chúng nó thật độc ác". Mị đã từng phải chịu đựng và chứng kiến biết bao nhiêu bất công, sự đày đọa của cha con nhà thống lí Pá Tra với thái độ cam chịu. Nhưng giờ đây, lòng Mị đầy căm phẫn. Tác giả thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ trần thuật nhập vào dòng suy tư của nhân vật nên thấm đẫm cảm xúc của Mị. Câu văn ngắn vang lên như một lời kết án đanh thép đầy căm phẫn. Cuối cùng, Mị luôn ám ảnh bởi tư tưởng thần quyền nhưng lại nhận ra sự bất công đối với A Phủ: "Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ có biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi". Nhưng mặt khác, Mị lại đầy tỉnh táo khi nhận ra sự phi lí trong số phận của A Phủ: "Người kia việc gì mà phải chết thế"

 Mị phủ định cái chết của A Phủ, việc A Phủ phải chết là một việc bất công. Đó là sự nhận thức mang tính lí trí chứ không phải cảm tính nữa. Như vậy, giọt nước mắt lấp lánh của A Phủ đã làm tan chảy trái tim băng giá của Mị, đánh thức lòng trắc ẩn, lòng nhân ái và phần người trong Mị, như Nguyễn Minh Châu từng nói "Mỗi con người đều chứa đựng trong lòng nét đẹp đẽ kì diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ nhận thức khám phá tất cả những cái đó."

   Tô Hoài đã khẳng định ngòi bút miêu tả tâm lí sắc sảo, vững vàng của ông qua những cảnh ngộ, tình huống đặc sắc, đầy bất ngờ, từ đó làm nổi bật được số phận và tính cách của Mị. Giọng trần thuật rất linh hoạt, chi tiết nghệ thuật đặc sắc như: tiếng sáo, bếp lửa, dòng nước mắt,... Lời văn tinh tế đầy chất trữ tình, đậm màu sắc dân tộc. Nhà văn miêu tả thành công diễn biến tâm lí của Mị trong đêm mùa đông đồng thời khẳng đinh, trân trọng những vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mãnh liệt của Mị. Mị là nhân vật điển hình cho số phận của những con người nghèo khổ trong xã hội phong kiến miền núi xưa. Qua đó, người đọc cảm thương, xót xa sâu sắc trước những kiếp người bị đày đọa, bất công bởi cường quyền và thần quyền cũng như lên án bọn phong kiến chúa đất ở miền núi cao Tây Bắc.

     Có thể nói đoạn văn miêu tả diễn biến tâm lí của Mị trong đêm mùa đông là một trong những thành công lớn của Tô Hoài. Đoạn văn không chỉ giúp ta hiểu được vẻ đẹp tâm hồn Mị, sức sống tiềm tàng của cô mà còn giúp ta hiểu thêm về tài năng nghệ thuật của Tô Hoài trong việc miêu tả cảnh và miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #văn12