𝚍𝚒ễ𝚗 𝚋𝚒ế𝚗 𝚝â𝚖 𝚕í 𝚌ủ𝚊 𝚃𝚛à𝚗𝚐 𝚝𝚛𝚘𝚗𝚐 𝚋𝚞ổ𝚒 𝚜á𝚗𝚐 đầ𝚞 𝚝𝚒ê𝚗 𝚕ấ𝚢 𝚟ợ

     Nhắc đến Kim Lân thì nhiều người sẽ nghĩ ngay tới "Vợ nhặt" – một truyện ngắn nổi tiếng của ông. Bạn đọc biết đến tác phẩm như là một minh chứng chân thực nhất cho cuộc đời và số phận của con người trong nạn đói 1945 lịch sử. Trong tác phẩm này, nhà văn đã khắc họa nhân vật Tràng – một người đàn ông nghèo khổ tiêu biểu cho những người nghèo khổ và qua đó để làm nổi bật tinh thần nhân đạo nhân văn về tình yêu thương con người. Đặc biệt diễn biến tâm lí của Tràng trong buổi sáng đầu tiên lấy vợ đã thể hiện rõ tâm hồn và tính cách của Tràng có những chuyển biến mạnh mẽ trước tác động của của hạnh phúc.

     Tràng - một chàng trai xấu xí, quê mùa, nghèo khổ, dân ngụ cư sống tha phương cầu thực - giữa lúc nạn đói khủng khiếp xảy ra lại nhặt được vợ giữa đường giữa chợ chỉ với bốn bát bánh đúc và vài câu nói đùa. Đôi lứa nên duyên chồng vợ lại đơn sơ, giản dị đến ngỡ ngàng. Hơn nữa, Tràng và người phụ nữ xa lạ đến với nhau khi người ta đang đói khát nên càng thảm não hơn. Đoạn trích trên thuộc phần cuối của truyện ngắn diễn tả tâm hồn và tính cách của Tràng có những chuyển biến mạnh mẽ trước tác động của hạnh phúc.

   Kể từ lúc hắn biết mình đã có vợ, lòng hắn tràn trề hạnh phúc. Có người đã từng nói: "Chiếc chìa khoá mở ra năng lượng là "khao khát". Đó cũng là chìa khóa mở ra một cuộc đời lâu dài và thú vị". Tràng bắt đầu trang mới trong cuộc đời của mình với một tâm trạng rất tích cực "Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy". Đã qua một đêm Tràng có vợ, kể từ buổi chiều chạng vạng nhá nhem mặt người ấy. Đất trời đã sang ngày mới, cũng như cuộc đời Tràng đã sang trang mới sáng sủa và tràn đầy hi vọng. Có lẽ đó là cái nhìn đầy ưu ái của Kim Lân khi dụng ý miêu tả sự vận động của thời gian từ bóng tối đến ánh sáng. Nam Cao cũng vậy, khi miêu tả Chí Phèo tỉnh rượu trong một buổi sáng với nắng vàng rực rỡ cùng với âm thanh của cuộc sống vang vọng bên ngoài. Dường như, mỗi khi nói đến sự thay đổi mới mẻ và tốt đẹp, các nhà văn đều chọn gắn với thời điểm buổi sớm mai chan hòa nắng! Bên ngoài "mặt trời lên bằng con sào" nhà văn đã miêu tả bước đi của thời gian mang tính chất ước lượng, tức là không phải khoảng thời gian tinh mơ nữa mà vạn vật đã thức giấc từ bao giờ bởi ánh nắng mặt trời đã lên cao. Đây cũng là thời điểm mà Tràng mới trở dậy sau một đêm hạnh phúc, say giấc nồng cùng với người đàn bà nhặt về làm vợ. Quả đúng là "tình yêu biến những điều vô nghĩa của cuộc đời thành có ý nghĩa, làm cho những bất hạnh thành hạnh phúc" (Lev Tolstoy).

 Tràng cảm nhận được niềm hạnh phúc dâng lên trong lòng "trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra". Câu văn ẩn chứa trong đó nụ cười hóm hình và đôn hậu của Kim Lân. Hạnh phúc đến với Tràng thật bất ngờ khiến Tràng vẫn ngỡ như là không phải. Hạnh phúc của Tràng bình dị và đến trong một cảnh ngộ thật đáng thương, đi liền với nỗi lo âu. Vậy mà với Tràng, nó vẫn đẹp như một giấc mơ. Nhà văn Đan Mạch, cha đẻ của những câu chuyện cổ tích viết cho thiếu nhi đã nói rằng "không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra". Có thể nói rằng niềm hạnh phúc lớn lao đã xua tan hết nỗi lo âu của Tràng về sự nghèo khổ, về nạn đói, về cái chết. Trong lòng Tràng chỉ còn lại hạnh phúc và tình nghĩa với người vợ nhặt. 

 Tràng không tin vào việc mình đã có vợ "việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải". Việc có vợ đó là việc lớn, là chuyện hệ trọng trong cuộc đời của người đàn ông bao giờ cũng phải chuẩn bị kĩ càng, chu đáo, vậy mà chuyện hôn nhân của Tràng lại diễn ra quá nhanh, bất ngờ và chóng vánh khiến đến hôm nay Tràng "vẫn còn ngỡ ngàng như không phải". Từ láy "ngỡ ngàng" gợi sự mơ hồ trong ý nghĩ, dường như đến bản thân Tràng cũng không thể tin nổi về việc mình đã có vợ.

   Tràng xúc động trước bức tranh sinh hoạt bình dị và ấm áp. Không hề nghĩ đến cái đói, không hề quan tâm tới tình cảnh khốn khó ở hiện tại, Tràng vẫn điềm nhiên say hưởng những phút giây yên lành, ấm áp trong căn nhà "rúm ró", "xiêu vẹo" của mình. "Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân". Đây có lẽ là buổi sáng nhàn, thảnh thơi, nhất trong cuộc sống mưu sinh đầy đói khổ, nhọc nhằn của mẹ con Tràng. Khác với mọi ngày phải dậy sớm đi làm thuê kiếm ăn qua ngày, tối chạng vạng mới trở về, thì hôm nay Tràng dậy rất muộn, bước từng bước "lững thững" ra sân để hít thở không khí trong lành của buổi sáng quá đỗi yên bình, hạnh phúc.

 "Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ". Tràng xúc động khi thấy mẹ và vợ hắn đã dậy sớm, cùng nhau quét tước, thu dọn nhà cửa, sân vườn. "Mấy chiếc quần áo đã được đem ra sân hong, hai cái ang nước khô cong đã đầy ăm ắp nước, đống rác mùn đã được hót sạch, người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở, người vợ đang quét lại sân, tiếng chổi kêu sàn sạt". Một cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng lại khiến Tràng thấm thía, cảm động. Hắn cảm động vì đó là lần đầu tiên trong gian nhà hôm nay đã thấy được một khung cảnh ấm áp, bình dị đến thế, bởi hắn thấy hạnh phúc đang hiện hữu trong ngôi nhà và khu vườn của hắn. Hắn đã có một tổ ấm, một gia đình như bao nhiêu người đàn ông khác.

   Hắn thấy "thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng". Đó là niềm hạnh phúc và tự hào của con người về tổ ấm của mình. Cũng căn nhà ấy nhưng hôm nay nó mang một ý nghĩa khác đối với Tràng. Đó không chỉ là nơi cư ngụ mà còn là nơi hắn sẽ xây dựng và vun đắp tổ ấm yêu thương của mình, nơi có vợ và những đứa con trong tương lai của hắn.

   Niềm vui sướng, hân hoan ẩn chứa niềm hi vọng vào tương lai ngập tràn trong tâm hồn Tràng. Nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky đã từng viết: "Hãy biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa". Trong những ngày đói khát, khi cái chết cận kề, lòng Tràng vẫn tràn đầy hi vọng vào tương lai, một tương lai rất bình dị, đẹp đẽ hiện lên trong hình ảnh của những đứa con. Tràng cảm nhận trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa của sự sống: "Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người". Hạnh phúc làm cho con người thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn. Trước đây cuộc sống của hắn đang thiếu một điều gì đó chưa thật trọn vẹn. Chỉ đến bây giờ khi đã có hạnh phúc trong tay thì hắn mới thấy hắn nên người.

   Tràng đã trở thành một người đàn ông chững chạc và có trách nhiệm. Nếu như Chí Phèo sau năm ngày sống cùng Thị Nở khiến Chí khao khát muốn trở lại làm người lương thiện thì với Tràng sau một đêm có vợ, từ một người có phần ngờ nghệch đến mức vô tâm bỗng "hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này"  và có trách nhiệm "tu sửa lại căn nhà". Quả thật "hạnh phúc trong tình yêu có thể làm cho tâm tính con người thay đổi một cách kì lạ". Hạnh phúc bình dị đã làm thay đổi tâm hồn Tràng, tính cách Tràng, hay nói cách khác hạnh phúc khơi dậy trong hắn những cảm nhận, suy nghĩ mới mẻ. Trong chuỗi suy tư của Tràng không hề thấy vởn lên hình ảnh của nạn đói, của cái chết. Khao khát hạnh phúc mãnh liệt đã khiến Tràng quên đi nỗi lo âu về cuộc sống tăm tối, đói khát. Hay nói cách khác sức mạnh của hạnh phúc đã chiến thắng cả sự đe dọa của thần chết. Trong bước đường cùng, người ta vẫn nghĩ đến tương lai để mà vui, mà hi vọng.

   Nhà văn đặt nhân vật trong tình huống truyện đặc sắc cùng với nghệ thuật khắc họa tính cách và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, tài tình. Kim Lân đã thể hiện được năng lực viết với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị gần với lời ăn tiếng nói của con người lao động, cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn với giọng văn đôn hậu, thấp thoáng nụ cười hóm hỉnh. Đoạn trích cho thấy tâm hồn và tính cách của Tràng có những chuyển biến mạnh mẽ trước tác động của hạnh phúc và cho thấy Tràng là người giàu tình thương, có khát vọng hạnh phúc mãnh liệt. Qua đó, độc giả không chỉ thấy vẻ đẹp tâm hồn của Tràng nói riêng, của người lao động nghèo nói chung mà còn thấm thía nhiều thông điệp ý nghĩa. Sức mạnh của tình thương, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt của con người như một thứ "thuốc" bồi bổ tâm hồn họ, giúp họ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

     Có thể nói rằng, "Vợ nhặt" là một bức tranh sống động về đời sống người nông dân trong nạn đói 1945. Tuy rằng ở đó, con người hãy còn chìm trong bóng tối, đói nghèo và chết chóc nhưng với con mắt tinh tường, nhà văn Kim Lân vẫn phát hiện ra chiều sâu tâm hồn tốt đẹp ẩn chứa bên trong họ. Đó là tình yêu thương con người, là ý thức trách trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội. Trên cái nền đen tối ấy, con người đã vượt lên và tỏa sáng những vẻ đẹp rực rỡ nhất. Đó cũng chính là giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc mà nhà văn Kim Lân muốn gửi gắm đến bạn đọc.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #văn12