𝐬𝐨́𝐧𝐠

      Tình yêu là một đề tài quen thuộc trong thơ ca, nhưng không vì thế mà nó trở nên nhàm chán. Ta đã bắt gặp trong làng thơ tình Việt Nam ông hoàng của tình yêu Xuân Diệu, kẻ vẫn tự coi mình là "uống tình yêu dập cả môi" hay tình yêu tha thiết của "Sóng" của Xuân Quỳnh. Đến bài thơ này có lẽ người ta mới thấy được tâm hồn khao khát được yêu đến cháy bỏng, tha thiết của một người phụ nữ. Đúng là Xuân Quỳnh đã nói những điều mà người phụ nữ truyền thống chưa dám nói. Khổ thơ sau đây của bài thơ nói thật tuyệt vời về điều đó.

"Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

...

Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ."

     Mượn hình ảnh của những con sóng vô hạn, vô hồi ngày ngày vẫn hát ca nơi biển cả, Xuân Quỳnh đã diễn tả bản chất của sóng và bản chất của tình yêu. Cả bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ. Xuân Quỳnh đã xây dựng hai hình tượng "sóng""em". Mượn con sóng biển hữu hình để Xuân Quỳnh diễn tả con sóng vô hình - tình yêu trong tâm hồn của người phụ nữ. Hai hình tượng trên đan cài xuyên suốt bài thơ. Tác giả mượn hình ảnh rất đẹp "con sóng" để gửi gắm tình cảm của lòng mình, là cơ sở để nhà thơ diễn tả mọi trạng thái bí ẩn của tình yêu - thứ tình cảm muôn đời không bao giờ xưa cũ. 

   Bài thơ dựa vào hình tượng sóng để tạo tứ thơ. Các lớp sóng gối lên nhau như những lớp cảm xúc của tâm hồn:

"Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể."

Xuân Quỳnh mượn hình tượng sóng để diễn tả trạng thái phong phú, đa dạng, lại vừa thống nhất trong trái tim của người phụ nữ khi yêu. Sóng trước hết là đối tượng để cảm nhận. Với giọng thơ nhẹ nhàng đằm thắm êm ái, ý thơ mở ra hai trạng thái đối lập của sóng, những tính từ được sử dụng một cách rất tài hoa. Ý thơ mở ra một không gian rộng lớn gắn liền với đại dương bao la với những con sóng biển miên man vỗ về bờ cát suốt ngày đêm không thôi ngưng nghỉ. Nếu như sóng của đại dương là thế, với những cung bậc thăng trầm. Những ngày trời giông bão sóng gầm gào, gào thét tung bọt trắng xóa dưới bầu trời xám xịt. Khi giông tố đi qua, biển lại trở về bình yên sóng lại "dịu êm", "lặng lẽ"  vỗ về bờ cát. Từ trạng thái đối lập của con sóng, Xuân Quỳnh diễn tả trạng thái tình cảm trong tâm hồn của người phụ nữ khi yêu. Sóng của đại dương hay sóng lòng của người con gái khi yêu chứa đầy những bí ẩn phức tạp, hai cung bậc thăng trầm của sóng cũng là hai nửa tâm trạng trong tâm hồn của người phụ nữ khi yêu. Khi yêu người con gái tránh sao khỏi những dỗi hờn, ghen tuông. Hờn dỗi, ghen tuông để được yêu nhiều hơn, hiểu hơn về người mình yêu, hiểu hơn về tình yêu của mình và yên lòng với những gì mình đang có. Sóng của đại dương khi giông tố qua đi, biển lại trở về với bình yên. Tình yêu của người con gái cũng vậy, sau những ghen tuông, hờn dỗi mong họ trở về trong hạnh phúc đong đầy. Rõ ràng dù có lúc ghen tuông, giận hờn nhưng tình yêu của người con gái bao giờ cũng dịu dàng, đằm thắm, sau những khắc khoải cồn cào lại trở về với sâu lắng, suy tư. Hai câu thơ là lời tự thú táo bạo mà êm đềm. Táo bạo vì sau những dữ dội, ồn ào, tình yêu lại đổ dồn về phía cuối câu thơ để lắng lại và dịu êm, lặng lẽ. Đó là cái lặng lẽ, nhẹ nhàng trong tâm hồn người con gái khi yêu.

   Hai câu sau diễn tả khát vọng tình yêu vô biên:

"Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể."

Từ trạng thái đối lập của sóng, những con sóng tự nhiên luôn khát vọng trở ra với đại dương mênh mông theo quy luật "Trăm sông đổ về biển cả". Những con sóng không bao giờ chịu bó mình nơi dòng sông chật hẹp, sóng luôn hướng tới đại dương, tìm ra tận biển để được mặc sức vùng vẫy. Trong tình yêu, Xuân Quỳnh đã mượn sóng như một ẩn dụ để nói khi yêu người con gái muốn thoát khỏi không gian chật hẹp, tù túng để hướng tới thế giới bao la rộng lớn, không chấp nhận tình cảm tầm thường, ích kỉ, nhỏ nhen. Luôn chủ động hướng tới chân trời tình yêu bao la với khát vọng tình yêu cháy bỏng để được yêu và khẳng định tình yêu của mình. Nếu như ngày xưa, không gian chật hẹp ấy là bức tường của lễ giáo phong kiến, là những hủ tục ràng buộc khiến người con gái không thể chủ động bày tỏ lòng mình, thì ngày nay không gian chật hẹp ấy là cái tôi ích kỉ, là sự cam chịu. Người con gái nào cũng muốn được quyết định tình yêu của mình, được sống trong tình yêu đẹp. Ý thơ còn gợi ra những suy ngẫm về tình yêu lứa đôi chỉ đẹp khi biết hòa vào tình yêu đất nước, tình yêu cộng đồng.

   Trước đại dương bao la, người con gái thốt lên:

"Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế"

Lời thơ cảm thán, giọng thơ ngọt ngào tha thiết, chữ "và" đứng đầu dòng thơ kết nối thời gian "ngày xưa""ngày sau", kết nối lịch sử tình yêu loài người. Với con sóng của đại dương từ xưa đến nay, tồn tại muôn đời không bao giờ thay đổi. Cụm từ "vẫn thế" khẳng định một quy luật bất bất biến của sóng trường tồn cùng thời gian. Trong tình yêu của người con gái, cụm từ "vẫn thế" khẳng định sự tồn tại vĩnh hằng từ xưa đến nay và mãi mãi về sau. Tình yêu trong tâm hồn họ lúc nào cũng mãnh liệt, tha thiết, cháy bỏng lúc dịu dàng, đắm say và luôn khát khao hướng tới cộng đồng.

   Nếu như sóng của đại dương tồn tại vĩnh hằng theo thời gian thì sóng lòng trong tâm hồn người con gái ra sao?

"Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ"

Bằng phép tu từ đảo ngữ kết hợp với từ láy "bồi hồi" đứng đầu dòng thơ chứa chan bao cảm xúc bâng khuâng, da diết, xao xuyến, bồi hồi, khát khao. Ẩn sau lời thơ yêu thương tha thiết ấy là cảm xúc có tính chiều sâu triết lí. Nếu nhà thơ Xuân Diệu đã từng khẳng định:

"Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào."

Thì ở đây Xuân Quỳnh đã khẳng định tuổi trẻ luôn gắn với tình yêu. Tình yêu như phép màu nhiệm có sức mạnh kì diệu tác động đến tâm hồn của mỗi con người. Còn trẻ là còn yêu, tình yêu không có tuổi. Cuộc đời sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu tình yêu. Tình yêu của tuổi trẻ mãi mãi bất tử theo dòng chảy thời gian và mãi mãi vĩnh hằng như con sóng đại dương.

   Người con gái trong bài thơ muốn cắt nghĩa nguồn gốc của sóng để tìm lời giải đáp cho câu hỏi về sự khởi nguồn của tình yêu trong trái tim mình:

"Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn"

Đối với tình yêu, người con gái luôn luôn khao khát, nhận thức được gửi vào đại dương mênh mông. Hai hình ảnh "sóng""em" tiếp tục sánh đôi với nhau, giọng thơ như lời tâm sự, sự đối lập giữa "em" với "muôn trùng sóng bể" là sự đối lập của cái nhỏ bé hữu hạn với cái vô biên của vũ trụ như làm thức dậy những suy tư trăn trở. Điệp ngữ "Em nghĩ về" lặp lại hai lần nhằm diễn tả những suy tư chồng chất, những khám phá tìm tòi của người con gái khi yêu. Ba câu thơ gợi hình ảnh người con gái đứng trước đại dương bao la, trước vòng xoáy, cơn lốc của cuộc đời, lòng chất chứa bao nghĩ suy. "Nghĩ về anh, em" là nghĩ về tình yêu của chúng mình, "nghĩ về biển lớn" là nghĩ tới cộng đồng, tới trách nhiệm đối với đất nước.

"Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?"

Xuân Quỳnh vẫn tiếp tục lấy sóng làm hình ảnh ẩn dụ để giãi bày tình cảm của lòng mình. Nhân vật trữ tình đang đứng trước đại dương bao la. Đang truy tìm nguồn gốc của sóng, của gió. Giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết kết hợp với câu hỏi tu từ, điệp ngữ "bắt đầu từ" gợi những bâng khuâng, trăn trở cuộc xoáy trong lòng người con gái. Xuân Quỳnh đang đối thoại với sóng với gió, với vũ trụ bao la. Chị cất tiếng hỏi sóng "Từ nơi nào sóng lên" và Xuân Quỳnh đã lí giải được "Sóng bắt đầu từ gió". Nhưng vũ trụ lặng yên với vẻ mênh mông huyền bí sâu thẳm. Như vậy thiên nhiên luôn chứa đầy bí ẩn khiến con người khao khát, khám phá, chinh phục. Xuân Quỳnh hỏi sóng hỏi gió hay đang tự hỏi lòng mình (và trong tình yêu của người con gái thì sao).


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #văn12