Chiều Tối (Mộ) - Hồ Chí Minh (2)

II. Đề 2: Sự kết hợp cổ điển và hiện đại:


1. Cổ điển: ở chất thơ

1.1. Thể loại, đề tài, thi liệu và cấu tứ:
a. Thể loại:
* Nhà thơ đã sử dụng thể thơ nổi tiếng của Đường thi – thể thất ngôn tứ tuyệt – mỗi bài chỉ gồm bốn câu, mỗi câu bảy chữ. Ngắn gọn là vậy song câu thơ nào của Hồ Chí Minh cũng hàm chứa ý nghĩa sâu xa.
b. Đề tài:
* Nhan đề "Chiều tối" đã cho thấy đề tài của bài thơ – khoảng thời gian dễ gợi sầu nhất trong ngày. Nói đề tài này quen thuộc vì nó đã trở đi trở lại trong thơ xưa. Cũng với đề tài chiều tối, Bà Huyện Thanh Quan đã trải nỗi lòng "nhớ nước...thương nhà" dưới "bóng xế tà" bên Đèo Ngang.
c. Thi liệu:
* "Chiều tối" của Bác Hồ tái hiện bức tranh hoàng hôn bằng những hình ảnh thiên nhiên vô cùng quen thuộc trong thi ca phương Đông là cánh chim và chòm mây. Người ta đã bắt gặp những hình ảnh này trong:
+ "Xuất tái – Lương Châu từ" của Vương Chi Hoán: "Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian" (Xa xa, sông Hoàng Hà leo lên tận khoảnh mây trắng)
+ "Lạng Châu vãn cảnh" của Trần Nhân Tông: "Phong định vân nhàn hồng thụ sơ" (Gió im mây nhởn nhơ, cây lơ thơ lá đỏ.)
d. Cấu tứ:
* Bốn câu thơ "Mộ" là sự kết hợp, lồng ghép những mối quan hệ tương phản mang phong vị Đường thi – giữa cái hữu hạn với vô hạn, lấy cái nhỏ bé của cánh chim, chòm mây tô đậm không gian rộng lớn, mênh mông của đất trời. Ngoài ra còn sự hòa quyện giữa những ánh sáng với bóng tối, Hồ Chí Minh miêu tả ánh "hồng" của lò than mà lột tả bóng tối đã bao trùm lên vạn vật.

1.2. Bút pháp miêu tả thiên nhiên:
a. Bút pháp chấm phá:
* Để đưa những thi liệu cổ xưa vào thơ, Hồ Chí Minh sử dụng bút pháp chấm phá – một nét đặc trưng trong nghệ thuật thơ Đường. Cánh chim và chòm mây hiện lên qua những cụm từ miêu tả ngắn gọn, cô đọng, hàm súc phù hợp với thể thất ngôn tứ tuyệt. Dù không nói dông dài, Người vẫn diễn tả trọn vẹn từng chuyển động, sắc thái của cảnh vật.
* Nhìn lại "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, người đọc cũng thấy sự xuất hiện của bút pháp chấm phá trong những câu thơ như: "Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa."
b. Bút pháp tả cảnh ngụ tình:
*Những bậc tao nhân mặc khách xưa vẫn dùng thơ để thể hiện suy nghĩ cá nhân. Dù mang thân phận người tù xa xứ, Hồ Chí Minh vẫn chọn cách truyền tải cảm xúc đầy thanh tao và ý tứ. Người đã gửi tâm trạng buồn chán, cực nhọc của mình vào "quyện điểu", "cô vân",vừa để bộc lộ tâm tư tình cảm, vừa để làm dịu đi những mệt mỏi tinh thần trên đường chuyển lao.
c. Bút pháp họa vân hiển nguyệt:
* Người đọc thấy không gian như xa hơn, rộng hơn khi chòm mây cô độc chầm chậm trôi, thấy bóng tối hiện lên khi ánh lửa của lò than rực hồng. Đó chính là tác dụng của bút pháp họa vân hiển nguyệt mà tác giả "Chiều tối" đã sử dụng.
* Bút pháp cổ điển này cũng được Huy Cận – một nhà thơ chịu ảnh hưởng lớn từ thơ Đường áp dụng: "Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng."

1.3. Phong thái:
* Phong vị Đường thi còn toát lên từ phong thái ung dung, tự tại của chủ thể trữ tình khi ngắm cánh chim, chòm mây, ngắm người lao động bên bếp lửa hồng. Thần thái điềm nhiên, tĩnh lặng bất chấp hoàn cảnh này cũng đã xuất hiện trong bài "Vọng nguyệt" (Ngắm trăng): "Trong tù không rượu cũng không hoa/ Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ/ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ." Những câu này đúng với tinh thần của phần đề từ "Nhật ký trong tù": "Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao.", chúng khiến ta liên tưởng tới một bậc tao nhân mặc khách đang hưởng cuộc sống thanh tao, bình yên như Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài "Nhàn" chứ không phải một người tù xa xứ đi bộ "năm mươi ba cây số một ngày" từ lúc "gà gáy một lần đêm chửa tan."
2. Hiện đại: ở hồn thơ

2.1. Sự vận động của hình tượng thơ:
a. Hình ảnh thiên nhiên: [mục "nét hiện đại" trong Đề I – 1 – a, b]
b. Bức tranh đời sống: Hình ảnh "lò than đã rực hồng" cho thấy sự biến chuyển của bức tranh đời sống miền sơn cước. Nếu như ở hai câu trên của bài, người đọc cảm nhận được bóng chiều tà đang dần kéo xuống sau cánh chim bay về tổ, áng mây nhẹ trôi trên nền trời thì ở hai câu cuối, ta lại thấy rõ sắc màu buổi tối bao trùm lên vạn vật. Màu "hồng" của bếp lửa chỉ có thể rực lên khi phông nền xung quanh đã chìm trong sắc xanh thẫm. Từ đó ta khẳng định thời gian trong bài thơ đã chuyển mình, từ chiều sang tối.
c. Bức tranh tâm trạng: Tinh thần hiện đại của "Chiều tối" còn thể hiện ở sự chuyển biến tâm trạng của chủ thể trữ tình, điều được thấy rõ qua sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ mệt mỏi đến tươi vui, từ cô đơn tới ấm áp. Độc giả sau khi thấm thía sự lẻ loi, hiu quạnh của người tù xa xứ ở hai câu đầu ngỡ rằng tâm trạng ấy cũng sẽ khép lại cả tứ thơ. Tuy nhiên, đoạn kết đi vào lòng người của tác phẩm lại là khung cảnh cuộc sống thanh bình, giản dị.

2.2. Sự vận động của tư duy nghệ thuật:
a. Vẻ đẹp cuộc sống đời thường: [mục "gợi sức sống" trong Đề I – 2 – a, b]
b. Vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ:
* Tính hiện đại của tác phẩm bộc lộ qua tâm hồn của chủ thể trữ tình: tâm hồn luôn rộng mở đón nhận cái đẹp của thiên nhiên, con người dù ở trong hoàn cảnh nào. Ban đầu, độc giả nhận thấy vẻ mệt mỏi, buồn chán của người tù trên đường chuyển lao dưới nhịp bay của "quyện điểu", "cô vân" nhưng những cảm xúc ấy không sâu đậm, rõ nét khi những cực nhọc, bế tắc dần chuyển hướng đến niềm tin, hi vọng. Nhưng tới khi tầm nhìn của nhà thơ thu lại nơi cô gái xóm núi xay ngô và lò than rực hồng, tinh thần ấy đã thăng hoa thành niềm vui, niềm lạc quan, bản lĩnh phi thường – bản lĩnh bỏ lại phía sau chặng đường đầy chông gai, vất vả, để tâm hồn tự do, giang cánh bay cùng cái hồn thi sĩ đầy thơ mộng.

3. Kết luận: Giống như mọi bài thơ thuộc tập "Nhật ký trong tù", "Mộ" (Chiều tối) là sự kết hợp hài hòa giữa nét điển và nét hiện đại. Nhờ đó, bài thơ vừa mang phong vị Đường thi, vừa giữ được chất riêng của thơ Hồ Chí Minh – những vần thơ thép: "Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp/ Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh/ Vần thơ của Bác vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thơ-ca