NGƯỜI THÍCH ĂN DIỆN
NGƯỜI THÍCH ĂN DIỆN
Hầu hết chúng ta ai cũng cảm thấy bị ràng buộc với những vai trò hạn hẹp mà thế giới này mong đợi chúng ta đảm nhận. Chúng ta luôn bị lôi cuốn bởi những người có tính tình thất thường và khó hiểu hơn bản thân mình - những người tự tạo nên cá tính của riêng họ. Người Thích Ăn Diện khơi nguồn cảm hứng trong lòng chúng ta vì không ai phân loại được họ và họ đem đến sự tự do mà chúng ta khao khát. Họ hiện thân cho cả phái nam và nữ; họ tự tô điểm cho mình diện mạo riêng khiến mọi người sững sờ trước sự bí ẩn và khó hiểu. Họ cũng khơi dậy tính cách tự thần tượng hoá bản thân ở mỗi giới tính: Đối với phụ nữ, họ trở nên rất nữ tính về tâm lý, còn đối với đàn ông, họ lại trở nên nam tính. Những Người Thích Ăn Diện có khả năng mê hoặc và quyến rũ số lượng đông đảo quần chúng. Hãy sử dụng năng lực của Người Thích Ăn Diện để tạo ra sự hiện diện hấp dẫn, mơ hồ và có thể khơi dậy những niềm khao khát bị đè nén trong lòng những người khác.
NGƯỜI THÍCH ĂN DIỆN CỦA GIỚI NỮ
Vào năm 1913, ở tuổi 18 Rodolpho Guglielmi đã di cư từ nước Ý sang Mỹ. Khi ấy anh ta chẳng có một kỹ năng nào đặc biệt ngoài dáng vẻ đẹp trai và tài khiêu vũ. Tận dụng những ưu điểm này, anh ta đã tìm được một công việc trong vũ trường Manhattan, nơi những quý cô trẻ đẹp thường lui tới một mình hoặc với bè bạn và thuê một vũ công để vui hưởng những khoảnh khắc rung động ngắn ngủi. Với sự điêu luyện của mình, người vũ công sẽ dìu họ xoay quanh sàn nhảy, tán tỉnh và trò chuyện, làm tất cả chỉ để có được một khoản thù lao nhỏ nhoi. Chẳng mấy chốc, Guglielmi đã khiến tên tuổi anh ta nổi như cồn - một chàng trai hào hoa phong nhã, điềm đạm và đẹp trai.
Trong khi làm nghề vũ công, Guglielmi đã dành nhiều thời gian vui đùa xung quanh giới nữ. Anh ta nhanh chóng biết được những gì làm họ vui lòng - làm thế nào để phản chiếu tâm hồn họ theo những cách tinh vi tế nhị, làm thế nào khiến họ thoải mái dễ chịu (nhưng không quá độ). Anh ta bắt đầu chăm chút đến cách ăn mặc của mình, tự tạo vẻ bảnh bao riêng: anh ta khiêu vũ với một chiếc áo nịt ngực bên trong áo sơmi để tạo cho mình một thân hình gọn gàng, chưng diện thêm bằng một chiếc đồng hồ đeo tay (được xem là ẻo lả như đàn bà vào thời đó) và tuyên bố mình là một hầu tước. Vào năm 1915, anh ta nhận được một công việc biểu diễn điệu tango trong những nhà hàng sang trọng và đã thay đổi tên mình cho gợi cảm hơn – Rodolpho di Valentina. Một năm sau, anh ta chuyển đến Los Angeles: anh ta muốn thử sức mình tại kinh đô điện ảnh Hollywood.
Bây giờ được biết đến với cái tên là Rudolph Valentino, Guglielmi đã được chọn đóng vai phụ trong vài bộ phim rẻ tiền. Cuối cùng anh ta cũng nhận được một vai có tiếng hơn trong bộ phim “Đôi mắt tuổi trẻ” vào năm 1919 mà trong bộ phim đó, anh ta đóng vai một nhân vật quyến rũ, có khả năng thu hút sự chú ý của phụ nữ bằng khả năng hấp dẫn kỳ lạ: dáng đi của anh ta nhẹ nhàng và thanh nhã, làn da rất mượt mà và khuôn mặt thanh tú đến nỗi khi anh lao đến nạn nhân của mình và hôn lên môi người phụ nữ để làm át đi sự phản kháng của cô ta, khi ấy anh ta dường như gây rung động hơn là hung hãn. Tiếp theo là bộ phim “Bốn kỵ sĩ trong sách Khải Huyền (kinh thánh)” trong đó Valentino đóng vai nam chính, Julio, một gã ăn chơi và trở thành một biểu tượng tình dục trong đêm bằng vũ điệu tango. Trong cảnh quay đó, anh ta phải quyến rũ một cô gái trẻ bằng cách dìu cô ta đắm chìm trong vũ điệu này. Cảnh khiêu vũ toát lên toàn bộ bản chất của sự hấp dẫn của anh ta: bước chân mềm mại và lả lướt, dáng anh ta ẻo lả như đàn bà nhưng với khí sắc của người dìu dắt vũ điệu. Những khán thính giả nữ thật sự ngây ngất khi anh ta nâng nhẹ bàn tay của một người phụ nữ đã có gia đình và đưa lên môi, hay cảnh anh ta và người yêu cùng nhau thưởng thức hương thơm ngan ngát của hoa hồng. Anh ta dường như quá đỗi ân cần với phụ nữ hơn bất kỳ người đàn ông nào khác; nhưng hoà lẫn trong sự nhã nhặn này là dấu hiệu của sự tàn bạo và sự đe dọa khiến người phụ nữ cảm thấy bối rối và điên loạn .
Trong bộ phim nổi tiếng nhất của anh ta “Anh chàng đào hoa”, Valentino đóng vai một hoàng tử Ả rập (sau đó bị phát hiện là một quý tộc Scotlen bị bỏ rơi tại sa mạc Sahara từ khi còn rất nhỏ) - người đã cứu sống một quý cô kiêu ngạo người Anh trong sa mạc, sau đó chinh phục cô ta theo cái cách gần như là cưỡng đoạt. Khi cô ta hỏi, “Tại sao anh lại mang tôi đến đây?”, anh ta đáp lại, “Em có phải đàn bà không, sao lại hỏi câu đó?”. Tuy nhiên cuối cùng cô ta lại yêu anh say đắm, y như bao khán thính giả nữ trên toàn thế giới đã làm, cảm thấy rung động trước tính cách lưỡng giới của anh ta. Trong một cảnh của bộ phim “Anh chàng đào hoa”, quý cô người Anh chỉa súng vào Valentino; nhưng anh ta chỉ phản ứng lại bằng cách chỉa đuôi thuốc lá vào cô ta. Cô ta mặc quần dài, trong khi anh ta mặc một chiếc áo choàng dài thướt tha và trang điểm đôi mắt thật rực rỡ. Tiếp theo đó là những bộ phim bao gồm những cảnh Valentino mặc và cởi quần áo, một kiểu vũ điệu thoát y, cho phép người xem thoáng thấy thân hình săn gọn của anh ta. Trong hầu hết các bộ phim, anh ta thường đóng vai nhân vật kỳ lạ nào đó - một gã đấu bò Tây Ban Nha, một tiểu vương Ấn Độ, một tù trưởng Ả Rập, hay một quý tộc Pháp - và dường như anh ta làm say đắm lòng người qua việc tô điểm thêm cho mình bằng nữ trang và đồng phục bó sát.
Vào những năm thập niên 1920, phụ nữ bắt đầu lao vào những cuộc chơi tình ái buông thả và trụy lạc. Thay vì chờ đợi một người đàn ông thích mình, phụ nữ lại muốn là người khởi xướng chuyện tình cảm, nhưng cuối cùng họ vẫn muốn người đàn ông chính là người sẽ làm họ cảm động. Valentino hiểu điều này rõ hơn ai hết. Cuộc sống thực tại phù hợp với hình ảnh trong phim của anh ta: anh ta đeo vòng tay, ăn mặc thật đẹp và như người ta kể, anh ta rất thô lỗ với vợ, thường xuyên đánh đập vợ. (Công chúng vì ái mộ anh ta tha thiết mà đã tinh tế lờ đi hai cuộc hôn nhân thất bại và cuộc sống tình ái hư ảo của anh ta). Khi anh ta đột ngột qua đời tại New York vào một ngày tháng 8 năm 1926, vào tuổi 31 do biến chứng sau một ca phẫu thuật khối u - làn sóng phản ứng qua cảm xúc của công chúng mãnh liệt chưa từng thấy: hơn 100.000 người xếp hàng bên quan tài của anh, nhiều phụ nữ gào khóc và trở nên quá khích, và dân chúng cả nước đều quan tâm. Trước đây chưa từng có chuyện như thế này xảy ra đối với một diễn viên bình thường.
Trong một bộ phim khác của Valentino - “Công tước Beaucaire”, anh ta đóng vai một công tử bột, một vai diễn giống đàn bà nhiều hơn những vai anh ta vẫn thường đóng và vai diễn này không bộc lộ bản tính nguy hiểm thường có của anh ta. Bộ phim đó đã thất bại. Phụ nữ đã không xem Valentino như một anh chàng bảnh trai. Họ cảm thấy rung động trước sự mơ hồ của một người đàn ông có nhiều đặc điểm nữ tính giống như họ, tuy thực chất anh ta là đàn ông. Valentino ăn mặc và chăm chút thân thể mình giống như một người đàn bà, nhưng hình ảnh của anh ta lại vô cùng nam tính. Anh ta đã nài nỉ, van xin hệt như một người đàn bà vẫn thường làm nếu cô ta là một người đàn ông - chậm rãi, chăm chú, chú ý tỉ mỉ, và tạo ra một sự nhịp nhàng thay vì nôn nóng đạt được kết quả. Tuy nhiên, khi đến lúc cần đến sự táo bạo và tài chinh phục, anh ta sẽ bộc lộ khả năng tuyệt vời trong việc lựa chọn đúng thời điểm để áp đảo nạn nhân của mình và không để cho cô ta có bất kỳ cơ hội nào để phản kháng. Trong các bộ phim của mình, Valentino đã diễn xuất nghệ thuật dìu dắt đàn bà trên sàn nhảy của một gã đĩ đực lão luyện nhưng phong cách lại hệt như một gã trai tơ mới lớn - trò chuyện, ve vãn, giải khuây nhưng luôn biết tự chủ và kiềm chế.
Đến ngày nay, Valentino vẫn còn là một nhân vật đầy bí ẩn. Cuộc sống riêng tư của anh ta và tích cách của anh ta vẫn ẩn chứa nhiều điều huyền bí; hình ảnh của anh ta vẫn có khả năng lôi cuốn lòng người y như hồi anh ta còn sống. Anh ta là thần tượng của Elvis Presley, người bị ám ảnh bởi ngôi sao phim câm và đồng thời cũng là người đàn ông hào hoa theo phong cách hiện đại – người có thể làm cảm động cả phái nam và nữ nhưng tính cách lại ẩn chứa vẻ nguy hiểm và tàn bạo.
Sự quyến rũ đã và sẽ mãi là hình thái quyền lực và chiến tranh thuộc về giới nữ. Nó chính là liều thuốc giải cho sự cưỡng đoạt và bạo lực. Khi sử dụng hình thái quyền lực này để đối phó với đàn bà thực chất là đàn ông đang xoay chuyển tình thế bằng cách mượn chính vũ khí của người đàn bà để chinh phục cô ta, mà vẫn không đánh mất nam tính của mình. Anh ta càng trở nên nữ tính tinh tế bao nhiêu thì năng lực quyến rũ đàn bà của anh ta càng hiệu quả bấy nhiêu. Đừng tin tưởng sai lầm rằng càng trở nên vô cùng nam tính thì càng có khả năng quyến rũ đàn bà. Người Thích Ăn Diện của giới nữ biết cách tác động nham hiểm hơn nhiều. Anh ta quyến rũ phụ nữ bằng chính xác những gì họ mong muốn - một thân hình nổi tiếng, duyên dáng và được mọi người yêu thích. Phản chiếu tâm lý của giới nữ, anh ta biểu lộ sự chăm chút đến hình thức bề ngoài, sự nhạy cảm sâu sắc và nét quyến rũ nhẹ nhàng của mình - nhưng ẩn sau đó là sự thô bạo của đàn ông. Phụ nữ thường quá chăm chút đến sắc đẹp của mình, say mê với sự hấp dẫn của giới tính mình. Bằng cách bộc lộ cho họ thấy vẻ quyến rũ đầy nữ tính, người đàn ông có thể thôi miên và xoa dịu họ, bỏ mặc họ bị tổn thương với hành động tàn nhẫn đầy nam tính.
Người Thích Ăn Diện của giới nữ có thể quyến rũ một số lượng lớn công chúng. Không có người đàn bà nào có thể thật sự sở hữu anh ta bởi anh ta quá khó nắm bắt, nhưng tất cả đàn bà vẫn mơ mộng được làm như thế. Mấu chốt quan trọng chính là sự mơ hồ nhập nhằng: bản năng tình dục rõ ràng là sự thích giao hợp với người khác giới, nhưng thân thể và tâm lý của bạn thì lại bay bổng qua lại giữa hai thái cực giới tính.
Tôi là một người đàn bà. Mỗi nghệ sĩ là một người đàn bà và họ nên có sự yêu thích dành cho những người đàn bà khác. Những người nghệ sĩ đồng tính luyến ái không thể là những nghệ sự thực thụ bởi vì họ thích đàn ông và khi bản thân họ là đàn bà thì họ lại quay về với bản chất bình thường của mình.
NGƯỜI THÍCH ĂN DIỆN CỦA GIỚI MÀY RÂU
Vào những năm thập niên 1870, Pastor Henrik Gillot là thần tượng của giới trí thức vùng St. Petersburg. Anh ta trẻ trung, đẹp trai, uyên thâm về triết học và văn chương và anh ta thuyết giảng về một loại giáo lý Thiên Chúa khai sáng. Hàng tá cô gái trẻ đã đổ xô lao đến anh ta và lũ lượt kéo đến nghe những bài thuyết giảng, nhưng thật ra là để ngắm nhìn anh ta. Tuy nhiên, vào năm 1878, anh ta đã gặp một cô gái mà đã làm thay đổi cuộc đời anh ta. Tên cô ta là Lou von Salomé (sau này được biết đến như là Lou Andreas-Salomé). Khi ấy, cô ta 17 tuổi và anh ta 42 tuổi.
Salomé rất xinh đẹp với đôi mắt xanh rạng ngời. Cô ấy đã đọc sách rất nhiều, đặc biệt đối với một cô gái ở độ tuổi cô ta. Cô cũng rất thích và quan tâm đến những vấn đề tôn giáo và triết học sâu rộng nhất. Cảm xúc mạnh mẽ, trí thông minh và sự phản hồi nồng nhiệt với những ý kiến đã khiến Gillot mê mẩn. Mỗi khi cô ta bước vào văn phòng để cùng thảo luận với anh ta, nơi này dường như sáng rực và đầy sức sống hơn. Có lẽ cô ta đang tán tỉnh anh ta trong cách cư xử vô thức của một cô gái trẻ - tuy nhiên khi Gillot thừa nhận với lòng rằng anh đã yêu cô ta và ngỏ lời kết hôn thì Salomé bỗng trở nên hoảng sợ. Vị cố vấn tinh thần này trở nên bối rối và khó hiểu. Anh ta không bao giờ có thể hoàn toàn chinh phục được Lou von Salomé, trở thành người đầu tiên trong số một chuỗi những người đàn ông nổi tiếng trở thành nạn nhân của cô ta với sự say đắm suốt đời không được toại nguyện.
Vào năm 1882, triết gia người Đức - Friedrich Nietzsche đã đi lang thang khắp nước Ý một mình. Tại Genoa, anh ta đã nhận được một lá thư từ người bạn của mình tên là Paul Rée, một triết gia người Nga cũng là người mà anh ta rất ngưỡng mộ, đã tường thuật lại những cuộc thảo luận với một người phụ nữ Nga trẻ đẹp tên Lou von Salomé tại Rome. Salomé đang ở đó nghỉ mát cùng với mẹ mình; Rée quyết định sẽ đưa cô ta đi dạo khắp thành phố này mà không có bảo mẫu đi kèm và họ đã cùng trò chuyện với nhau rất lâu. Những quan niệm của cô ta về Chúa trời và Thiên Chúa giáo hoàn toàn giống với quan điểm của Nietzsche và khi Rée nói với cô ta rằng nhà triết gia nổi tiếng đó là bạn của anh ta, cô ta cứ nằn nì mời Nietzsche cùng gia nhập với họ. Trong những lá thư sau đó, Rée đã mô tả Salomé là người có sức quyến rũ bí ẩn và kể rằng cô ta cảm thấy hồi hộp mong chờ gặp được Nietzsche. Chẳng bao lâu sau vị triết gia này cũng ghé đến Rome.
Cuối cùng khi Nietzsche gặp Salomé, anh ta đã bị chinh phục ngay lập tức. Cô ta có đôi mắt đẹp và ngời sáng nhất trong số những người anh ta từng gặp và trong suốt buổi trò chuyện vào lần đầu gặp mặt, đôi mắt đó quá nồng nhiệt đến nỗi anh ta không thể cưỡng lại cảm giác rằng có gì rất gợi tình trong sự sôi nổi của cô ta. Tuy nhiên anh ta cũng cảm thấy rất bối rối: Salomé luôn giữ khoảng cách và không tỏ ra phản ứng gì trước những lời khen của anh ta. Đúng là một người đàn bà nham hiểm. Vài ngày sau, cô ta ngâm một bài thơ tự sáng tác cho anh ta nghe và anh ta bật khóc; quan niệm của cô ta về cuộc sống sao giống với quan niệm của anh ta quá đỗi. Quyết định nắm bắt thời cơ này, Nietzsche đã ngỏ lời cầu hôn. (Khi ấy anh ta không biết rằng Rée cũng từng làm như thế). Salomé đã từ chối. Cô ta hứng thú đối với cuộc sống triết lý, sự phiêu lưu mạo hiểm, chứ không phải là hôn nhân gia đình. Không nản lòng, Nietzsche tiếp tục tán tỉnh cô ta. Trong một chuyến đi tham quan đến hồ Orta cùng với Rée, Salomé và mẹ của cô ta, anh ta quyết định tách riêng cô gái ra, dẫn cô ta cùng dạo bước vào rừng Sacro trong khi những người kia ở lại phía sau. Hình như những quan điểm và lời nói của Nietzsche có hiệu quả tác động mạnh mẽ và phù hợp; trong lá thư sau đó gởi cho cô ta, anh ta đã tả chuyến đi dạo này như “giấc mơ đẹp nhất trong đời tôi”. Giờ đây tâm trí anh ta đã bị cô ta sở hữu hoàn toàn: tất cả những gì anh ta nghĩ đến chỉ là làm sao cưới được Salomé và sở hữu cô ấy trọn vẹn cho riêng mình.
Vài tháng sau, Salomé ghé thăm Nietzche ở Đức. Họ cùng nhau đi dạo rất lâu và thức thâu đêm để bàn luận về triết học. Cô ta phản chiếu lên những suy nghĩ sâu sắc nhất trong lòng anh ta, đoán biết trước những tư tưởng của anh ta về tôn giáo. Tuy nhiên, khi anh ta tiếp tục ngỏ lời cầu hôn, cô ta lại gắt gỏng với anh ta như thường lệ: sau cùng Nietzsche đã hình thành cho mình lòng can đảm của một siêu nhân; người đàn ông vượt trên những khuôn phép đạo đức đời thường, tuy nhiên theo bản năng thì Salomé ít hành động theo lẽ thường tình hơn anh ta. Thái độ cử chỉ kiên quyết và không thỏa hiệp chỉ càng khiến anh ta càng say đắm cô ta hơn, chẳng hạn như dấu hiệu về sự tàn nhẫn của cô ta. Cuối cùng khi cô ta rời bỏ anh ta, điều này chỉ càng khẳng định rõ rằng cô ta chẳng hề có ý định kết hôn với anh ta. Nietzsche đã suy sụp. Để xoa dịu vết thương lòng, anh ta đã viết quyển “Thus Spake Zarathustra”, một quyển sách chứa đầy tư tưởng dâm dục được lý tưởng hóa, lấy cảm hứng từ những cuộc trò chuyện của mình với cô ta. Kể từ đó, chuyện về Salomé đã lan truyền khắp Châu Âu như một người đàn bà đã làm tan nát trái tim của Nietzsche.
Salomé chuyển đến Berlin. Chẳng mấy chốc, giới trí thức thượng lưu của thành phố đã bị chinh phục bởi tính cách độc lập và tinh thần tự do của cô ta. Hai nhà soạn kịch GerHauptmann và Franz Wedekind yêu cô ta cuồng dại. Vào năm 1897, nhà thơ lớn người Úc tên Rainer Maria Rilke cũng yêu cô ta say đắm. Vào lúc ấy, danh tiếng của cô ta lan rộng và cô ta trở thành một tiểu thuyết gia được công chúng mến mộ. Điều này chắc chắn cũng góp phần trong sự quyến rũ Rilke, nhưng đồng thời anh ta cũng bị hớp hồn bởi một loại năng lượng nam tính mà anh ta chỉ tìm thấy duy nhất trong con người của cô ta. Rilke khi ấy 32 tuổi, còn Salomé 36 tuổi. Anh ta viết cho cô ta những lá thư tình và thơ tình, đi theo cô khắp mọi nơi và chuyện tình cảm yêu đương của hai người họ kéo dài được vài năm. Cô ta giúp hiệu chỉnh thơ, áp đặt luật cho những đoạn thơ quá lãng mạn của anh ta, tạo cảm hứng và ý tưởng cho anh ta viết nên những bài thơ mới. Nhưng cô ta không thích sự lệ thuộc kiểu trẻ con của anh ta, điều đó bộc lộ sự yếu đuối nhu nhược của anh ta. Không thể chịu đựng được bất kỳ sự mềm yếu nhu nhược đó, cuối cùng cô ta cũng rời bỏ anh ta. Bị héo hon vì thương nhớ cô ta, Rilke vẫn tiếp tục cuộc theo đuổi lâu bền của mình. Vào năm 1926, trong giờ phút sắp từ giã cuộc đời, anh ta đã cầu xin vị bác sĩ, “Hãy hỏi Lou rằng tôi đã làm sai điều gì. Chỉ có cô ấy mới biết câu trả lời”.
Một người đàn ông đã viết cho Salomé, “Có điều gì đó kinh hoàng trong vòng tay âu yếm của cô ta. Nhìn bạn bằng đôi mắt xanh rạng rỡ, cô ta sẽ nói, ‘Sự tiếp nhận tinh dịch sẽ đưa tôi vào trạng thái đê mê’. Và cô ta có một niềm khao khát vô độ đối với điều đó. Cô ta bất chấp cả luân thường đạo lý…một con ma cà rồng”. Một bác sĩ tâm lý Thụy Điển - Poul Bjerre, đồng thời cũng là một trong số những người bị cô ta chinh phục, sau đó đã viết rằng, “Tôi cho rằng Nietzsche đã đúng khi nói rằng Lou là một người đàn bà thật sự rất xấu xa tàn nhẫn. Tuy nhiên, quan niệm về sự xấu xa của các nhà thơ, nhà soạn kịch hay tiểu thuyết gia Đức là: trong sự xấu xa cũng có mặt tốt… Có thể là cô ta đã phá hủy nhiều cuộc đời và làm tan nát bao nhiêu cuộc hôn nhân nhưng sự hiện diện của cô ta lại đem đến niềm hứng thú cho con người …”.
Trước sự hiện diện của Lou Andreas-Salomé, hầu hết đàn ông đều cảm thấy bối rối, nhưng vô cùng hứng thú – đây là hai cảm giác tiên quyết và cần thiết tạo nên sự thành công trong bất kỳ quá trình quyến rũ nào. Đàn ông cảm thấy mê đắm bởi sự pha trộn kỳ lạ giữa nam tính và nữ tính trong con người của cô ta. Cô ta xinh đẹp với nụ cười tươi rạng rỡ và phong cách đa tình nhưng đầy vẻ yêu kiều. Nhưng chính bản tính độc lập và mạnh mẽ với những lời lý giải hợp lý lại càng khiến cô trở nên nam tính. Sự mơ hồ này hiện lên trong đôi mắt của cô ta - đôi mắt tình tứ nhưng có vẻ thăm dò. Đó chính là sự nhập nhằng có thể khiến người đàn ông cảm thấy thích thú và tò mò; chẳng có người đàn bà nào khác có đặc điểm giống như thế. Đàn ông muốn hiểu được con người cô ta nhiều hơn. Sự hứng thú nảy sinh từ khả năng mà cô ta có thể khơi dậy những cảm giác bị đèn nén trong lòng đàn ông. Cô ta hoàn toàn là người lập dị, và muốn có những mối liên hệ với cô ta đồng nghĩa với việc phải vi phạm mọi điều cấm kỵ. Nam tính trong con người cô ta sẽ khiến cho mối quan hệ đó có vẻ như hơi đồng tính luyến ái: tính khí hơi tàn nhẫn và hơi độc đoán có thể gợi lên những niềm khao khát dâm đãng, y hệt như trường hợp của Nietzsche. Con người Salomé toát lên bản năng nhục dục bị xã hội cấm đoán. Tác động mạnh mẽ của cô ta đối với đàn ông - sự say đắm suốt đời, những vụ tự tử (cũng đã xảy ra vài vụ), những thời kỳ phát huy tính sáng tạo cao độ, sự mô tả về cô ta như một con ma cà rồng hay một kẻ xấu xa độc ác - minh chứng cho năng lực tâm linh bí ẩn của cô ta.
Người Thích Ăn Diện của Giới Mày râu đã thành công nhờ vào việc biết cách lật ngược vai trò ưu thế thường tình của người đàn ông trong vấn đề tình yêu và sự quyến rũ. Sự độc lập, khả năng tháo gỡ và vượt qua khó khăn của người đàn ông dường như thường tạo cho người đàn ông những ưu thế trong chức năng giữa người đàn ông và đàn bà. Một người đàn bà hoàn toàn nữ tính sẽ gợi lên sự thèm muốn nhưng dễ bị tổn thương trước sự thay đổi thất thường về hứng thú của người đàn ông. Mặt khác, một người đàn bà quá nam tính lại không có sức hấp dẫn chút nào. Tuy nhiên, học hỏi theo Người Thích Ăn Diện Của Giới Mày râu, chúng ta sẽ vô hiệu hóa được mọi nguồn sức mạnh của người đàn ông. Đừng bao giờ bộc lộ hết con người của mình; trong lúc bạn đang cảm thấy nồng nhiệt và ham muốn nhục dục, hãy luôn giữ cho mình thái độ độc lập và tự sở hữu chính mình. Có thể bạn sẽ đến với một người đàn ông khác, hoặc anh ta sẽ nghĩ vậy. Bạn có những chuyện khác quan trọng hơn cần phải quan tâm, chẳng hạn như công việc. Đàn ông không thể nào biết làm sao để chiến thắng phụ nữ nếu như phụ nữ biết dùng chính những vũ khí của đàn ông để đối đầu với đàn ông. Họ cảm thấy bị thu hút, bị khơi gợi và bị tước đoạt vũ khí. Rất ít người đàn ông nào có thể cưỡng lại những niềm khoái cảm bị cấm đoán do Người Thích Ăn Diện Của Giới Mày Râu mang đến.
Sự quyến rũ nảy sinh từ một người có giới tính không rõ ràng và bí ẩn sẽ có tác động rất lớn.
- COLETTE-
ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT
Ngày nay nhiều người trong chúng ta thường nghĩ rằng cuộc sống tình dục phóng túng mới phát triển trong những năm gần đây - rằng mọi thứ đã thay đổi, hoặc tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Đây gần như chỉ là một sự tưởng tượng, bởi một tác phẩm lịch sử đã tiết lộ cho thấy những thời kỳ của sự dâm đãng vốn thuộc về đế chế La Mã, nước Anh cuối thế kỷ 17 và “thế giới lơ lửng” của nước Nhật vào thế kỷ 18, vượt xa so với những gì chúng ta đang trải nghiệm hiện nay. Vai trò về giống chắc chắn vẫn đang thay đổi, nhưng trước đó chúng đã thay đổi rồi. Xã hội luôn thay đổi không ngừng, nhưng có một thứ không thay đổi: đại đa số con người luôn có thể thích ứng với những xu hướng chung của thời đại. Họ luôn hoàn thành vai trò mà họ được giao phó. Sự thích nghi là một hằng số vì loài người là những sinh vật xã hội luôn có khả năng bắt chước lẫn nhau. Ở những thời điểm nào đó trong lịch sử, sự chống đối và lập dị có thể là mốt, nhưng nếu quá nhiều người bắt chước làm theo thì điều đó chẳng còn gì là lập dị hay chống đối nữa.
Tuy nhiên, chúng ta không nên phàn nàn về sự tuân theo mù quáng nhất của con người, vì nó đem đến những khả năng vô kể về sức mạnh và sự quyến rũ cho những người ít dám mạo hiểm. Những Người Thích Ăn Diện đã tồn tại trong mọi thời đại và nền văn hóa (Chẳng hạn, Alcibiades sống vào thời Hy Lạp cổ đại và Korechika sống ở Nhật vào cuối thế kỷ thứ 10). Và bất cứ nơi đâu họ đến, họ đều thành công trong việc thúc đẩy những người khác đóng vai trò của người tuân thủ. Người Thích Ăn Diện thể hiện một sự khác biệt thật sự và triệt để so với những người khác, một sự khác biệt cả về ngoại hình lẫn phong cách. Vì hầu hết chúng ta đều vô hình bị đè nặng bởi những ràng buộc nên chúng ta dễ dàng bị lôi cuốn bởi những người hay thay đổi và thích phô trương sự khác biệt của mình.
Nhưng Người Thích Ăn Diện có thể quyến rũ những người xung quanh họ cả về mặt xã hội lẫn mặt tình dục. Mọi người đua nhau bắt chước theo phong cách của họ; những đám đông công chúng yêu họ say đắm. Khi bắt chước tính cách của Người Thích Ăn Diện cho mục đích của riêng bạn, hãy nhớ rằng Người Thích Ăn Diện bản chất vốn là một loài hoa đẹp và quý hiếm. Luôn khác biệt trong những phong cách nổi bật và thẩm mỹ, họ không bao giờ chế nhạo khuynh hướng và phong cách đương thời, đồng thời lại rất thích ứng với những khuynh hướng mới lạ và tuyệt đối thờ ơ trước những việc mà người khác đang làm. Hầu hết mọi người đều cảm thấy bất an, họ luôn tự hỏi về những gì mà bạn đang làm và từ từ họ sẽ ngưỡng mộ và bắt chước bạn, bởi vì trông bạn vô cùng tự tin khi thể hiện bản thân mình.
Người Thích Ăn Diện theo truyền thống vẫn được xác định qua phong cách ăn mặc và chắc chắn hầu hết các Người Thích Ăn Diện đều có khả năng tạo ra một phong cách độc nhất vô nhị trong mắt người khác. Beau Brummel, Người Thích Ăn Diện nổi tiếng nhất đã bỏ ra hàng giờ ngắm nghía mình trong toilet, đặc biệt bỏ ra khối thời gian cho kiểu thắt thắt cà vạt mà không ai có thể bắt chước và nhờ việc này mà anh ta đã nổi tiếng khắp nước Anh vào đầu thế kỷ 19. Nhưng phong cách của Người Thích Ăn Diện không thể quá rõ ràng, vì bản thân họ thường rất tinh tế khôn khéo và không bao giờ tỏ ra nỗ lực thu hút sự chú ý của người khác, mà chính sự chú ý tự đến với họ. Người nào mà cách ăn mặc quá dị biệt thường chứng tỏ rằng họ thật sự không có khả năng tưởng tượng và khiếu thẩm mỹ. Người Thích Ăn Diện thể hiện sự khác biệt của mình tinh tế đến mức mà chỉ biểu lộ sự khinh bỉ của họ đối với tục lệ xã hội một cách tế nhị: áo ghi-lê màu đỏ của Théophile Gautier, bộ comlê nhung màu xanh lá cây của Oscar Wilde, bộ tóc giả màu bạc của Andy Warhol. Thủ tướng Anh - Benjamin Disraeli – có hai cây gậy rất ấn tượng, một cái ông sử dụng vào buổi sáng và cái kia vào buổi tối; vào buổi trưa ông sẽ thay đổi gậy bất chấp khi ấy ông đang ở đâu. Người Thích Ăn Diện của Đàn Ông cũng làm tương tự như vậy. Dĩ nhiên cô ta có thể bắt chước mặc quần áo của đàn ông và nếu thật sự cô ta làm điều đó thì chỉ cần một chi tiết nhỏ cũng đủ để làm cô ta nổi bật hẳn: không có người nào ăn mặc giống như nữ tiểu thuyết gia George Sand. Cái nón quá cao, đôi ủng cưỡi ngựa đã sờn mòn trên những nẻo đường của thành phố Paris, khiến cô ta trông rất lố bịch.
Hãy nhớ rằng, ắt hẳn chúng ta phải có một cách lý giải hợp lý cho điều này. Nếu phong cách của bạn hoàn toàn xa lạ, theo những cách nghĩ tích cực nhất mọi người sẽ nghĩ rằng bạn rõ ràng là một người có sức thu hút; nhưng những quan niệm tiêu cực lại cho rằng bạn bị khùng. Thay vào đó, hãy tạo ra phong cách thời trang riêng cho mình bằng cách mô phỏng theo và thay đổi những phong cách đang thịnh hành để khiến bản thân trở thành một đối tượng có sức thu hút. Hãy làm đúng điều này và bạn sẽ là thần tượng được mọi người bắt chước theo một cách cuồng nhiệt. Bá tước d’Orsay, một Người Thích Ăn Diện nổi tiếng ở London vào những năm thập niên 1830 và 1840, được những người chạy theo mốt theo dõi sát sao. Một ngày nọ trong khi gặp phải một cơn dông đổ ập bất ngờ tại London, anh ta đã mua một chiếc áo paltrok - một loại áo khoác dày gắn liền với một chiếc mũ trùm đầu từ một người thủy thủ Hà Lan. Ngay lập tức, áo khoác paltrok được mọi người đua nhau mặc. Dĩ nhiên, khả năng có thể khiến cho những người khác bắt chước bạn là một dấu hiệu của năng lực quyến rũ.
Tuy vậy, sự bất tuân lề thói xã hội của những Người Thích Ăn Diện vượt xa trên cả hình thức bề ngoài. Đó chính là thái độ đối với cuộc sống mà cũng góp phần làm họ nổi bật hẳn; hãy kế thừa thái độ đó và những nhóm người bắt chước sẽ vây quanh bạn.
Thái độ cử chỉ của Người Thích Ăn Diện thì cực kỳ xấc xược. Tuy vậy, họ không chửi rủa ai mà cũng không bao giờ cố gắng làm hài lòng ai. Trong vương triều của vua Louis XIV, nhà văn La Bruyère đã để ý thấy rằng những cận thần luôn cố gắng làm hài lòng nhà vua lúc nào cũng bị thất sủng, bởi chẳng có gì thiếu sức hấp dẫn nhà vua hơn thế. Như Barbey d’Aurevilly đã viết, “Những Người Thích Ăn Diện luôn làm hài lòng đàn bà bằng cách làm phật lòng họ”.
Tính xấc xược hình thành nên nguyên tắc cơ bản cho khả năng hấp dẫn của Oscar Wilde. Vào đêm nọ, trong một nhà hát tại London, sau màn trình diễn đầu tiên của một trong những vở kịch của Wilde, những khán giả cuồng nhiệt quá khích đã gào thét yêu cầu tác giả của vở kịch phải xuất hiện trên sân khấu. Wilde cứ để họ chờ đợi rất lâu, và cuối cùng anh ta cũng xuất hiện, miệng phì phèo điếu thuốc lá với dáng vẻ cực kỳ cao ngạo. Anh ta trách móc những người hâm mộ, “Thật thất lễ khi tôi xuất hiện ở đây với điếu thuốc lá trên miệng, nhưng điều tệ hại hơn cả là mọi người lại quấy rầy tôi khi tôi đang hút thuốc”. Tương tự, bá tước d’ Orsay cũng rất láo xược. Tại một câu lạc bộ ở London vào tối nọ, một người đàn ông tên Rothschild – một kẻ ti tiện khét tiếng- đã vô tình đánh rơi một đồng tiền vàng trên nền nhà, ngay lúc đó anh ta cúi xuống tìm nó. Vị bá tước này bất chợt rút ra một tờ tiền giấy 1000 franc (trị giá hơn nhiều so với đồng xu), sau đó cuộn tròn lại và đốt tờ tiền như đốt một ngọn nến, rồi anh ta khom người thấp xuống quỳ trên hai đầu gối và bò qua bò lại trên nền nhà, hệt như anh ta đang thắp sáng để có thể tìm kiếm đồng xu cho rõ hơn. Chỉ có Người Thích Ăn Diện mới có hành động trơ tráo càn rỡ như thế. Tính trơ trẽn xấc xược của Kẻ Ăn Chơi Phóng Đãng có mối liên hệ với niềm khao khát chinh phục được đàn bà; ngoài ra anh ta chẳng quan tâm đến điều gì khác. Tuy nhiên, tính trơ trẽn xấc xược của Người Thích Ăn Diện lại nhắm đến xã hội và những qui ước xã hội. Mục tiêu chinh phục của anh ta không chỉ là một người đàn bà mà là cả một nhóm người, toàn bộ mọi người trong xã hội. Và vì con người thường cảm thấy bị ràng buộc bởi bổn phận phải luôn lịch sự nhã nhặn và nhường nhịn nên họ cảm thấy thỏa mãn và hài lòng khi ở cạnh một người dám coi thường những qui ước tế nhị như thế.
Người Thích Ăn Diện là những bậc thầy về nghệ thuật sống. Họ dành trọn cuộc đời cho những niềm khoái cảm và sự thú vị thuần túy, chứ không phải vì công việc; họ luôn bao bọc mình giữa những thứ đẹp đẽ, và niềm đam mê mà họ dành cho vấn đề ăn uống cũng hệt như phong cách ăn mặc. Đây là lý do tại sao nhà văn vĩ đại người Hy Lạp - Petronius, tác giả quyển “Satyricon” - có thể quyến rũ được ông hoàng Nero. Không giống như Seneca đần độn - nhà tư tưởng vĩ đại thuộc nhóm triết gia Hy Lạp cổ Stoic và là thầy của Nero - Petronius biết cách làm thế nào để biến mọi khía cạnh nhỏ của cuộc sống thành một cuộc phiêu lưu hiển hách, mang tính thẩm mỹ cao, cho dù đó chỉ là một yến tiệc nhỏ hay một cuộc trò chuyện qua loa. Bạn không nên áp đặt thái độ này lên những người xung quanh - đừng biến mình thành một kẻ phiền phức - nhưng nếu bạn dường như tin tưởng vào bản thân và xác định chắc chắn về sở thích của mình, bạn sẽ khiến mình trở thành tâm điểm của sự thu hút. Điểm mấu chốt ở đây chính là hãy biến mọi thứ trở nên hoa mỹ. Nếu bạn có khả năng làm giảm bớt sự nhàm chán bằng cách tô điểm cuộc sống thành một nghệ thuật thì sự hiện diện của bạn sẽ được đánh giá rất cao.
Giới tính đối lập cũng giống như một vùng đất xa lạ mà chúng ta không bao giờ có thể khám phá hết, chính vì vậy điều này luôn gây hứng thú cho chúng ta, tạo ra sự ham muốn nhục dục tương thích. Nhưng nó cũng chính là cội nguồn của bao nỗi phiền muộn và sự vỡ mộng. Đàn ông không hiểu được những suy nghĩ của đàn bà, và ngược lại, mỗi giới tính sẽ nỗ lực để khiến giới tính kia hành động giống như một thành viên thuộc giới tính của chính mình. Người Thích Ăn Diện có thể chẳng bao giờ cố gắng làm hài lòng người khác, nhưng trên thực tế họ lại đang khơi dậy sự hứng thú ở những người khác: Nhờ bắt chước theo những đặc điểm tâm lý của giới tính đối lập, họ có thể thu hút tính cách quá thần tượng hóa bản thân bẩm sinh của chúng ta. Phụ nữ lại đồng cảm với tính cách thanh nhã khéo léo và sự quan tâm tỉ mỉ khi tán tỉnh phụ nữ của Rudolph Valentino; ngược lại đàn ông lại đồng cảm với thái độ tuy tận tâm nhưng lại lãnh đạm thờ ơ của Lou Andreas-Salomé. Trong vương triều Heian tại Nhật vào thế kỷ 17, Sei Shonagon - tác giả quyển “Quyển sách gối đầu” có sức hấp dẫn mạnh mẽ với đàn ông, đặc biệt là những người yêu thích và quan tâm đến văn chương. Tính cách cô ta cực kỳ độc lập, viết thơ bằng cả tâm huyết của mình và luôn giữ một khoảng cách nào đó trong tình cảm. Đàn ông muốn nhiều hơn ở cô ta, thay vì chỉ là bạn bè hay người đồng hành, như thể cô ta cũng là một gã đàn ông. Bị quyến rũ bởi sự thấu cảm sâu sắc của cô ta về tâm lý đàn ông, đàn ông trở nên yêu cô ta say đắm. Loại tinh thần lưỡng giới này – hay chính là khả năng cảm nhận tinh thần của những người khác phái; phỏng theo cách họ suy nghĩ, phản chiếu sở thích và thái độ của họ - có thể là một yếu tố quan trọng trong quá trình quyến rũ. Đó là một cách để mê hoặc nạn nhân của bạn.
Theo quan điểm của Freud, dục vọng của con người bản chất là lưỡng tính; hầu hết mọi người đều có cách nào đó để lôi cuốn những người cùng giới, nhưng những rào cản xã hội (thay đổi tùy theo nền văn hóa và thời kỳ lịch sử) đã kiềm chế, ngăn cản nhu cầu mạnh mẽ này. Người Thích Ăn Diện tượng trưng cho sự giải thoát khỏi những rào cản này. Trong vài vở kịch của Shakespeare, một cô gái trẻ (hồi ấy, những vai nữ trong nhà hát thực sự đều do những diễn viên nam đóng) đã phải cải trang và ăn mặc bảnh bao như là một cậu con trai, phải khơi gợi lên mọi hứng thú nhục dục của người đàn ông, và sau đó, giới đàn ông cảm thấy rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng cậu con trai đó lại thật sự là một cô gái cải trang. (Chẳng hạn, hãy nghĩ đến Rosalind trong vở “Vì tôi yêu em”). Những nghệ sĩ của làng giải trí như ca sĩ kiêm vũ công Josephine Baker (được biết đến như là Người Thích Ăn Diện có làn da màu sôcôla) và nữ diễn viên Marlene Dietrich đã hóa trang thành đàn ông trong vai diễn của mình, điều này khiến họ trở nên vô cùng nổi tiếng, nhất là trong giới đàn ông. Trong lúc ấy, một người đàn ông pha chút nữ tính, một anh chàng đẹp trai lại luôn có sức quyến rũ đối với phụ nữ. Valentino hiện thân cho năng lực này. Elvis Presley cũng có những nét nữ tính (khuôn mặt, hông), thêm vào đó anh ta thường mặc áo sơ mi kiểu màu hồng và trang điểm mắt, vì vậy anh ta đã thu hút sự chú ý của phụ nữ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhà làm phim Kenneth Anger đã nói về ca sĩ Mick Jagger rằng anh ta sở hữu “một sự hấp dẫn lưỡng giới, góp phần tạo nên sức quyến rũ của anh ta đối với các nữ khán giả trẻ… và tác động vào tiềm thức của họ”. Trong nền văn hóa phương Tây qua nhiều thế kỷ, vẻ đẹp nữ tính thật sự đã giành được sự ngưỡng mộ và tôn sùng nhiều hơn so với vẻ đẹp nam tính, vì vậy cũng dễ hiểu khi khuôn mặt nữ tính của nam diễn viên Montgomery Clift sẽ có sức quyến rũ hơn khuôn mặt nam tính của diễn viên John Wayne.
Người Thích Ăn Diện cũng xuất hiện cả trong lĩnh vực chính trị. John Kenedy là một người có tính cách pha trộn “ái nam ái nữ”: rất kiên định, hùng dũng và rắn rỏi trong mối quan hệ gay gắt với dân tộc Nga và trong những trận bóng đá trên sân cỏ tại Nhà Trắng, tuy nhiên anh ta lại rất nữ tính trong dáng vẻ trang nhã, lịch lãm và sang trọng của mình. Sự pha trộn tính cách này đóng vai trò rất lớn đối với khả năng quyến rũ của anh ta. Disraeli là một Người Thích Ăn Diện trong cách cư xử và ăn mặc của mình; tất nhiên cũng có vài người tỏ ra hoài nghi về anh ta, nhưng chính vì anh ta chẳng hề quan tâm đến những gì người khác nói, vì vậy anh ta vẫn giành được sự mến mộ và tôn trọng của người khác. Dĩ nhiên, phụ nữ tôn thờ anh ta, vì phụ nữ luôn ngưỡng mộ Người Thích Ăn Diện. Họ đánh giá cao sự dịu dàng nhã nhặn trong cách cư xử, óc thẩm mỹ và tình yêu anh ta dành cho việc chăm chút quần áo ăn mặc, hay nói cách khác, phụ nữ yêu thích những phẩm chất nữ tính của anh ta. Chỗ dựa chính cho năng lực của thủ tướng Anh - Benjamine Disraeli - chính là một người phụ nữ hâm mộ ông tha thiết: nữ hoàng Victoria.
Đừng bị đánh lừa bởi thái độ phản đối, chê bai bề ngoài thì tính cách Người Thích Ăn Diện của bạn mới có thể khơi dậy. Xã hội có thể công khai ngờ vực về đặc tính lưỡng giới (trong thuyết thần học của Thiên Chúa giáo, quỷ Satan thường đại diện cho tính lưỡng giới), nhưng điều này chỉ càng che đậy cho sự quyến rũ của nó; bởi những gì bị đè nén, cấm đoán nhất lại chính là những cái hấp dẫn nhất. Hãy học hỏi tính cách của Người Thích Ăn Diện và bạn sẽ trở thành “nam châm” đối với những khao khát mơ hồ, chưa nhận thức rõ của con người.
Yếu tố cốt lõi của năng lực này chính là sự nhập nhằng, pha trộn giữa các tính cách đối lập. Trong một xã hội nơi mà trách nhiệm và vai trò của con người quá nặng nề và rõ ràng, sự từ chối tuân theo một chuẩn mực nào đó sẽ kích thích cảm giác hứng thú. Sự pha trộn giữa nam tính và nữ tính, giữa sự láo xược lẫn sự lịch lãm, giữa sự tế nhị lẫn sự tàn bạo. Hãy mặc kệ người khác lo sợ về việc không được xã hội chấp nhận, những loại người đó thì chẳng mấy giá trị và bạn sẽ sở hữu được năng lực to lớn hơn họ tưởng.
BIỂU TƯỢNG
Hoa phong lan - Hình dạng và màu sắc của phong lan biểu trưng cho cả hai giới tính, hương hoa vừa thơm ngát vừa thoảng mùi hoang tàn bởi nó chính là loài hoa nhiệt đới tượng trưng cho tội lỗi. Tuy nhiên, sự thanh nhã và được chăm sóc chu đáo khiến phong lan xứng đáng được yêu chuộng như một loài hoa hiếm thấy, không giống như bất kỳ loài hoa nào khác.
ĐIỂM YẾU
Sức mạnh nhưng đồng thời cũng là vấn đề nan giải của Người Thích Ăn Diện là anh ta hay cô ta thường hành động thông qua những cảm giác tội lỗi liên quan đến vai trò giới tính. Mặc dù hành động này ẩn chứa năng lực quyến rũ, nhưng nó cũng rất nguy hiểm, bởi vì nó dấy lên biết bao nỗi bất an và lo âu khủng khiếp. Những mối nguy hiểm lớn hơn sẽ thường nảy sinh từ chính những người đồng giới với bạn. Valentino có khả năng hấp dẫn vô hạn đối với phụ nữ nhưng chính đàn ông lại rất căm ghét anh ta. Anh ta không ngừng bị dằn vặt với những lời buộc tội của họ về sự nhu nhược sai trái và điều này gây nên cảm giác đau khổ khủng khiếp cho anh ta. Salome cũng không được phụ nữ cùng giới yêu thích; em gái của Nietzsche, có lẽ là người bạn thân nhất của anh ta đã xem cô ta như một mụ phù thủy độc ác, đã tổ chức một chiến dịch chống đối lại cô ta trên phương tiện truyền thông sau khi nhà triết học này qua đời. Nhưng người ta không thể làm được gì để đối mặt với sự căm hận như thế. Một số Người Thích Ăn Diện cố gắng đấu tranh với hình ảnh mà chính mình đã nỗ lực tạo ra, nhưng điều này là phản ứng dại dột: để minh chứng cho nam tính của mình, Valentino tham gia vào một trận đấu quyền Anh và làm bất kỳ điều gì để minh chứng cho điều này. Cuối cùng anh ta chỉ càng chìm sâu trong nỗi tuyệt vọng. Tốt hơn là nên chấp nhận sự chế giễu thất thường của xã hội bằng sự đáng yêu lẫn sự xấc xược. Sau cùng, sự hấp dẫn của Người Thích Ăn Diện nằm ở chỗ họ thật sự không quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình. Đó là lý do tại sao Andy Warhol đổi chiêu bài của mình: khi mọi người quá mệt mỏi vì những trò hề hay vài vụ tai tiếng bê bối của anh ta, thay vì cố gắng tự bào chữa cho mình thì anh ta đơn giản chỉ tiếp tục tạo ra một hình ảnh mới nào đó - một gã sống buông thả suy đồi, một họa sĩ vẽ ảnh chân dung công chúng - như thể để tỏ rõ quan niệm xấc xược rằng vấn đề này không chỉ xảy đến với anh ta mà còn với cả phạm vi quan tâm của mọi người khác.
Một mối nguy hiểm khác đối với Người Thích Ăn Diện là sự láo xược cũng có giới hạn riêng của nó. Beau Brummel tự cao tự đại về hai thứ: dáng vẻ gọn gàng, chỉnh tề và tài châm biếm dí dỏm. Thần hộ mệnh của anh ta chính là hoàng tử xứ Wales, người mà trong những năm sau đó, đã trở nên béo phì. Vào một đêm nọ, trong buổi ăn tối, vị hoàng tử muốn gọi điện cho quản gia và Brummel đã nói với vẻ châm chọc, “Đừng gọi điện nữa, anh chàng béo Big Ben”. Vị hoàng tử không mấy hài lòng với lời giễu cợt này, nên tỏ vẻ bực tức với Brummel ra mặt và từ đó, không bao giờ nói chuyện với anh ta nữa. Không có sự bảo trợ của hoàng gia, Brummel rơi vào cảnh túng quẫn và điên loạn.
Thậm chí khi ấy Người Thích Ăn Diện còn phải cân nhắc về sự láo xược của mình. Một Người Thích Ăn Diện chính thống luôn biết được sự khác nhau giữa một sự chọc ghẹo vờ vĩnh để gây sự chú ý với một lời nhận xét, sự xúc phạm hay lăng mạ có thể thật sự gây tổn thương đến người khác. Đặc biệt quan trọng là phải tránh xúc phạm phải những người có địa vị quyền thế mà tự làm hại đến bản thân. Trên thực tế, tính cách này chỉ phát huy hiệu quả tối đa với những người có năng khiếu xúc phạm người khác như nghệ sĩ, kẻ sống buông thả phóng túng,… Ở những nơi làm việc, có lẽ bạn cũng cần phải sửa đổi và giảm bớt hình ảnh Người Thích Ăn Diện của mình. Hãy trở nên khác biệt một cách dễ thương và gần gũi, hãy là một người mang đến niềm vui, chứ đừng là một người chỉ biết thách thức với qui ước của nhóm và làm người khác bất an.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top