Nghệ thuật DIỄN GIẢNG & XƯỚNG NGÔN 1

Nghệ thuật

DIỄN GIẢNG & XƯỚNG NGÔN

Lễ hội Phật Giáo

TT. Thích Đạt Đạo

ĐĐ. Thích Nguyên An - MC. Tánh Thuần

DÀN BÀI ĐẠI CƯƠNG

TÂM LÝ - NGHỆ THUẬT DIỄN GIẢNG

TRƯỚC THÍNH CHÚNG VÀ

XƯỚNG NGÔN LỄ HỘI PHẬT GIÁO

I. CÁC KHÁI NIỆM VỀ TÂM LÝ HỌC

1. Định nghĩa về tâm lý học

2. Các trạng thái tâm lý

3. Sự liên quan giữa tâm lý và ngôn ngữ

4. Các vấn đề liên quan đến tâm lý

- Phong tục tập quán.

- Truyền thống

- Tính dân tộc

- Tín ngưỡng, tôn giáo

II. CÁC YẾU TỐ PHÂN TÍCH TÂM LÝ THÍNH CHÚNG TRƯỚC KHI DIỄN GIẢNG

1. Định nghĩa việc phân tích thính chúng

2. Phân tích thính chúng

2.1. Phân tích dân số

+ Tuổi tác

+ Giới tính

+ Nền tảng văn hóa, sắc tộc

+ Tín ngưỡng, tôn giáo

2.2. Phân tích thái độ

+ Thái độ

+ Niềm tin, quan điểm

2.3. Phân tích môi trường

III. MỤC ĐÍCH DIỄN GIẢNG

1. Đáp ứng nguyện vọng của thính chúng

2. Diễn đạt phải có hiệu quả

3. Tác động tư tưởng

IV. NGHỆ THUẬT DIỄN GIẢNG

1. Yêu cầu của buổi diễn giảng

2. Chuẩn bị bài giảng

2.1. Phần giới thiệu

2.2. Phần nội dung

+ Cách nêu từng điểm chính

+ Cách nhấn mạnh một điểm

+ Cách đan xen các điểm chính

3. Tiến trình diễn giảng

3.1. Địa điểm diễn giảng

3.2. Chuẩn bị tinh thần

3.3. Triển khai diễn giảng

4. Kết thúc diễn giảng

V. THỰC TẬP DIỄN GIẢNG

1. Phần chuẩn bị

1.1. Chọn đề tài

1.2. Soạn dàn bài đại cương

1.3. Soạn bài giảng chi tiết

1.4. Bổ sung hòan chỉnh

1.5. Tập luyện nhiều lần -

Giải quyết bài giảng tùy theo dung lượng thời gian

2. Phần thực hiện

Có 5 tiêu chuẩn chấm điểm:

2.1. Điệu bộ

2.2. Âm thanh giọng nói

2.3. Giáo lý

2.4. Văn chương

2.5. Thời gian

VI. XƯỚNG NGÔN LỄ HỘI PHẬT GIÁO

1. Chuẩn bị trước ngày lễ hội

2. Chuẩn bị trước giờ khai mạc lễ hội

3. Phần thực hiện bắt đầu buổi lễ

4. Kết thúc buổi lễ

VÀ XƯỚNG NGÔN LỄ HỘI PHẬT GIÁO

Thích Đạt Đạo

Trong cuộc sống, không chỉ có kiến thức rộng, kiến thức sâu là đủ để cho người khác đến với mình hoặc cộng tác với mình.

Nuớc Ý từng có câu ngạn ngữ: "Ai không có tiền trong túi thì phải có sẵn mật ngọt ở đôi môi".

Trong nhà Phật chúng ta thì Kinh Pháp cú cũng từng dạy:

"Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương

Nói hay và làm giỏi

Kết quả thật vô lường" (PC.52)

Thế giới ngày càng phát triển thì nhu cầu giao lưu cũng phát triển theo và diễn giảng cũng là một trong những vấn đề trao đổi thông tin hết sức bổ ích, thực tế. Người nói cần diễn đạt những vấn đề mới, người nghe cần biết những vấn đề mình chưa hiểu, chưa thông. Cả hai bên đều gặp nhau ở nhu cầu cần nghe và cần nói này.

Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng, diễn giảng không phải là một vấn đề đơn giản vì muốn nói để người khác muốn nghe và họ hiểu được những gì ta nói thì đấy là một vấn đề hết sức phức tạp, có liên quan rất nhiều đến lãnh vực tâm lý của con người, cụ thể ở đây là tâm lý của người nghe.

Để giữa người diễn giảng và người nghe có một mối đồng cảm với nhau thì trước hết chúng ta cần nghiên cứu đến tâm lý của người nghe và của cả người diễn giảng nữa.

I. CÁC KHÁI NIỆM VỀ TÂM LÝ HỌC

1. Định nghĩa Tâm lý học

Tâm lý học là một môn khoa học về tâm hồn. Là một ngành khoa học nghiên cứu sự hình thành, diễn biến và phát triển của các hoạt động tâm lý. Tâm lý học nghiên cứu quá trình hình thành ý thức dựa trên hai quy luật: Quy luật về sự phát sinh của loài người và quy luật về sự phát triển của cá nhân.

Thuật ngữ "Tâm lý" xuất phát từ chữ Hy Lạp cổ phiên âm ra chữ La Tinh "PSYCHOLOGIE". Từ "PSYCHO" có nghĩa là tâm hồn, linh hồn. Từ "CHOLOGIE" có nghĩa là khoa học, học thuyết.

Cũng vì thế, tâm lý học còn có nghĩa là khoa học về tâm hồn. Đối với ngôn ngữ loài người, thuật ngữ tâm hồn xuất hiện từ lâu lắm rồi dùng để biểu thị các hiện tượng tâm lý. Đối tượng của tâm lý học chính là tâm lý của con người, nghiên cứu, giải thích các hiện tượng, quá trình, trạng thái và các thuộc tính tâm lý của con người.

Sự hình thành và phát triển của Tâm lý học cũng rất phong phú.

Học thuyết Duy tâm thời cổ đại quan niệm rằng tâm lý là hiện tượng hoàn toàn phi vật chất, cho rằng khi con người đã chết thì phần xác mất đi nhưng phần hồn là bất tử, chỉ lìa khỏi xác nhưng vẫn quẩn quanh đâu đó mà con người không biết được.

Ngược lại, học thuyết Duy vật thời cổ đại thì quan niệm ngược lại, các nhà Triết học thời bấy giờ cho rằng tâm lý học có nguồn gốc vật chất:

+ HÉCRALITE cho rằng tâm lý cũng được cấu tạo nước, lửa, không khí, đất.

+ DÉMOCRITE cho rằng tâm lý, tâm hồn cũng do nguyên tử cấu thành.

+ HYPOCRATE cho rằng tâm lý được tạo thành từ bốn chất lỏng là: máu ở trong tim, nhớt trong não, mật vàng trong gan, mật đen trong dạ dày.

+ Thuyết ngũ hành thì cho rằng Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tạo nên vạn vật trong đó có cả tâm lý của con người. Tùy theo tỷ lệ pha trộn các chất trên mà từng con người sẽ có từng yếu tố tâm lý khác nhau.

2. Các trạng thái tâm lý

Tâm lý chỉ tồn tại trong đầu, trong suy nghĩ của chúng ta, không thể nhận thức nó bằng các giác quan một cách rõ ràng chính xác mà chỉ có thể nhận thức được tâm lý một cách gián tiếp thông qua các biểu hiện bên ngoài như hành vi, cử chỉ, hình dáng, ngôn ngữ, sắc mặt.

Đặc trưng của tâm lý là hết sức phức tạp, nó hòa quyện, thâm nhập, kết hợp, quy định lẫn nhau, sự chuyển biến các trạng thái tâm lý từ hiện tượng này sang hiện tượng khác khó mà phân định được.

Trong quá trình nghiên cứu tâm lý con người, các nhà khoa học chia ra làm ba loại: Các quá trình tâm lý, các trạng thái tâm lý, các thuộc tính tâm lý. Ở đây vì đề cập đến vấn đề diễn giảng nên chúng ta chỉ nghiên cứu một khía cạnh các trạng thái tâm lý mà thôi.

Có thể hiểu một cách ngắn gọn, các trạng thái tâm lý là những hiện tượng tâm lý thường xuyên đi kèm với các quá trình tâm lý, gắn liền với các sự kiện và nó chi phối toàn bộ các hoạt động tâm lý của con người.

Các trạng thái tâm lý biểu hiện ở cường độ xúc cảm và thời gian tồn tại của xúc cảm, và xúc cảm cũng được chia thành hai loại là xúc động và tâm trạng.

- Xúc động làm cho con người không làm chủ được bản thân mình, có cường độ mạnh, xảy ra theo từng cơn.

- Tâm trạng lại là một dạng khác của xúc cảm, tồn tại trong một thời gian dài, có cường độ yếu hơn xúc động và có ảnh hưởng đến hành vi của một con người trong thời gian dài.

- Stress cũng là một trạng thái đặc biệt của xúc cảm, phát sinh trong các hoàn cảnh nguy hiểm, cực khổ, lao lực, lao tâm, hoặc phải buộc đưa ra những quyết định sống còn trong giây phút.

- Tình cảm cũng là một trạng thái tâm lý ở dạng ổn định của cá nhân đối với bản thân mình và có tính ổn định hơn.

3. Sự liên quan giữa tâm lý và ngôn ngữ

Thế giới nội tâm của con người dù sôi động hoặc trầm lắng, các trạng thái tâm lý dù đơn giản hay phức tạp cũng đều có nhu cầu diễn đạt bằng ngôn ngữ. Chính ngôn ngữ là một công cụ của tư duy, có liên quan đến toàn bộ quá trình tâm lý của con người, nó chi phối, điều chỉnh các quá trình tâm lý.

Một người muốn diễn giảng thành công một vấn đề gì, nhất thiết phải sử dụng ngôn ngữ và phải hiểu thấu đáo các trạng thái tâm lý của người nghe để có thể đưa ra các vấn đề một cách thích hợp, tùy thời, hợp tình, hợp lý.

Diễn thuyết lại là một hình thức giao tiếp độc đáo, khác hẳn với lối đối thoại bình thường với bạn bè.

Các tính chất của ngôn ngữ như nhịp điệu, âm điệu, ngữ điệu... ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người nghe.

Có những người khi nói chuyện, giao tiếp, diễn thuyết với âm điệu dịu dàng, rõ ràng, mạch lạc làm cho người nghe rất thích thú và chăm chú lắng nghe nhưng cũng có người khi nói ra chát chúa, không đi vào trọng tâm, nói lan man hoặc âm điệu rời rạc làm người nghe buồn ngủ, thiếu tập trung không muốn nghe.

4. Các vấn đề liên quan đến tâm lý

4.1. Phong tục, tập quán:

Phong là nề nếp đã lan truyền rộng rãi. Tục là thói quen lâu đời. Tập quán là những ứng xử lặp đi lặp lại quen thuộc của con người trong những tình thế nhất định. Phong tục, tập quán là những nề nếp, các thói quen lâu đời trở thành các định chế và lan truyền rộng rãi, trở thành một khía cạnh của tính dân tộc, là một phần giá trị trong bản sắc văn hóa của dân tộc.

4.2. Truyền thống:

Là một hiện tượng tâm lý xã hội hình thành trong quá trình giao lưu giữa con người với nhau trong một cộng đồng người nhất định.

4.3. Tính dân tộc

Tiêu biểu cho tính dân tộc là tính chất cộng đồng về lãnh thổ và đời sống kinh tế, cộng đồng về ngôn ngữ. Mỗi dân tộc đều có hoàn cảnh lịch sử cụ thể trong quan hệ sản xuất, chính trị, triết học, đạo đức, tôn giáo, luật pháp, tín ngưỡng, nguồn gốc, về điều kiện khí hậu, về tự nhiên... mang tính ổn định, đặc trưng của từng dân tộc.

Tính dân tộc được hình thành từ đời sống tâm lý chung của dân tộc qua nhiều thế hệ và luôn được vun đắp, giữ gìn, phát triển.

4.4. Tín ngưỡng, tôn giáo

Tín ngưỡng là phần quan trọng trong đời sống tâm linh của con người, tạo ra sự vững tin, an tâm của con người và an ủi con người khi họ gặp khó khăn, đau khổ trong cuộc đời. Tín ngưỡng góp phần chi phối quan trọng đời sống tinh thần và hành vi của con người.

Tôn giáo là hình thức tổ chức có cương lĩnh, mục đích, có nghi thức, có hệ thống, có lý luận để đem lại cho con người niềm tin tín ngưỡng bền vững. Tất cả những phân tích về vấn đề tâm lý nêu trên là cơ sở để diễn giả hiểu được tâm lý người nghe, từ đó có cách diễn giảng thích hợp cho từng đối tượng, từng hoàn cảnh khác nhau.

II. CÁC YẾU TỐ PHÂN TÍCH THÍNH CHÚNG TRƯỚC KHI DIỄN GIẢNG

1. Định nghĩa việc phân tích thính chúng

Muốn cuộc diễn giảng thành công phải chú ý đến bốn vấn đề quan trọng đó là: diễn giả, phương tiện thông tin, nội dung thông tin và thính chúng. Phân tích thính chúng chính là quá trình xem xét, điều chỉnh nội dung diễn thuyết sao cho phù hợp với trình độ, tâm lý, tư tưởng của thính chúng.

2. Phân tích thính chúng

Trong diễn thuyết, việc phân tích thính chúng giúp cho diễn giả xác định được chủ đề, xác định mục đích, thu thập thông tin để truyền đạt phù hợp với từng đối tượng thính chúng.

Diễn giả phân tích thính chúng để thỏa mãn các vấn đề: Ta đang diễn thuyết cho ai nghe? Thính chúng muốn nghe ta nói vấn đề gì? Mục tiêu của ta muốn gởi đến thính chúng là gì? Ta nên trình bày với họ những thông tin gì? Ở cấp độ nào? Minh họa bằng hình ảnh, tư liệu gì là thích hợp nhất?...

Có ba cách phân tích thính chúng cơ bản nhất mà một diễn giả nên tuân thủ để mang lại hiệu quả cao nhất cho buổi diễn giảng.

2.1. Phân tích dân số: xác định các tư liệu về đặc điểm của họ để có đề tài thích hợp:

- Tuổi tác : Biết được lứa tuổi bình quân của thính chúng để dàn dựng nội dung, thu thập tài liệu, cách minh họa cho phù hợp với lứa tuổi của họ.

- Giới tính: Xem tỷ lệ giới tính của thính chúng hôm đó là bao nhiêu nam, nữ để những đề tài đưa ra giới nào cũng hiểu, cũng tiếp thu tốt. Theo một số công trình nghiên cứu khoa học gần đây, nam giới có khuynh hướng nghe liên tục, kết hợp tập trung quan sát, tìm hiểu, kiểm soát được nội tâm và dễ đi vào nội dung diễn thuyết hơn. Trong khi nữ giới thì lại dựa vào trực giác nhiều hơn, dễ bị phân tán hơn so với nam giới. Như vậy, diễn giả phải tổ chức bài thuyết giảng sao cho toàn thể thính chúng dù lắng nghe theo kiểu nào cũng đều tiếp thu được và tiếp thu một cách tỉnh táo, hưng phấn.

- Nền tảng văn hóa, sắc tộc : ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức tiếp thu bài diễn thuyết. Trình độ khác nhau, cộng đồng khác nhau, diễn giả phải xác định đúng để điều chỉnh cách diễn thuyết thích hợp.

Những thính chúng được giáo dục, học tập trong một nền văn hóa cao, mang tính đặc thù như một nhóm sinh viên quốc tế, một nhóm các nhà khoa học... thì họ sẽ thích lối diễn thuyết hùng hồn, trịnh trọng, đi thẳng vào vấn đề hơn là cách diễn giảng bình dị với nhịp điệu chậm đều đều, họ luôn muốn diễn giả vận dụng ngôn ngữ một cách chuẩn mực, chính quy, trang trọng như: "Kính thưa Ngài Chủ tịch, kính thưa quý Thượng Tọa, kính thưa quý Hòa Thượng..."

Nếu thính chúng cùng là thành viên trong một khóa học, trong một lớp tập huấn thì diễn giả xác định ngay được trình độ văn hóa của họ nhưng nếu phải diễn thuyết cho một tập thể cộng đồng Phật tử ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì việc xác định cho được trình độ lãnh hội của thính chúng sẽ khó khăn hơn. Điều này chỉ có thể tạm xác định qua tình trạng kinh tế và tình trạng xã hội của địa phương đó mà thôi.

- Tín ngưỡng, tôn giáo : Đây là vấn đề thuộc về niềm tin, thuộc về lãnh vực tinh thần tối thượng. Khi đề cập đến vấn đề này, diễn giả phải hết sức thận trọng về cả hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ của mình khi đứng trên bục giảng hoặc ngay khi tiếp xúc trao đổi ngoài lề.

Diễn giả phải hết sức nhạy bén, tinh tế trước những cử tọa, những thính chúng có tín ngưỡng tôn giáo khác biệt vì nếu không cẩn thận thì sự cuồng tín và bạo lực sẽ phát sinh ngay lập tức. Trên thế giới các xung đột về sắc tộc, về tôn giáo đã dẫn đến không biết bao nhiêu cuộc chiến đấu đẫm máu và biết bao trận thảm sát.

2.2. Phân tích thái độ : Cũng có thể coi đây là việc phân tích tâm lý của thính chúng, khám phá tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, quan điểm, mục đích lãnh hội và cả uy tín của diễn giả đối với họ.

- Về thái độ : Xem xét trạng thái phản ứng tâm lý của thính giả qua việc họ thích hay không thích nghe buổi giảng này. Họ có nhu cầu gì khi đi nghe buổi diễn giảng này? Nghe để họ tìm hiểu thêm về một đề tài mới hay họ bị bắt buộc phải đi nghe?

Thí dụ phản ứng, quan điểm của thính chúng thế nào đối với việc khủng bố? Thái độ của họ ra sao đối với tiến trình phát triển của đất nước? Hoặc nhỏ hơn là cách nhìn của họ đối với một vị Sa môn ăn mặc luộm thuộm, dơ bẩn, không nghiêm trang trên đường phố khi đi đứng... Ánh mắt của thính chúng khi nghe giảng có tập trung vào diễn giả không hay lơ đễnh nhìn ra cửa sổ, hay lo nói chuyện không chú ý lắng nghe hay ngủ gục? Vẻ mặt vô cảm hay đăm chiêu? Đang tập trung hay đang mơ màng suy nghĩ về một vấn đề khác bên ngoài? Nếu thiếu tập trung họ sẽ thường xuyên cử động như xê dịch chỗ ngồi, tay chân đong đưa, vặn vẹo thân thể vì chán nãn, mệt mỏi.

- Về niềm tin, về quan điểm : Niềm tin thể hiện qua việc bày tỏ thái độ. Biết được điều này, diễn giả sẽ linh hoạt, uyển chuyển hơn trong cách truyền đạt nội dung diễn thuyết.

Thính chúng quan tâm hay thờ ơ với vấn đề đưa ra? Họ phản đối hay ủng hộ? Họ hiểu vấn đề đến mức nào? Hãy nghĩ xem họ có thể phản ứng như thế nào đối với các vấn đề nhạy cảm mà diễn giả nêu ra? Thái độ của thính chúng đối với diễn giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung diễn thuyết.

2.3. Phân tích môi trường : Là tìm hiểu xem bối cảnh diễn giảng được thiết kế, bài trí như thế nào để tránh những bất trắc xảy ra do cách bố trí không gian, địa điểm, phương tiện...

Trong lớp học, trong giảng đường của một tự viện quen thuộc thì diễn giả thoải mái và tự tin hơn. Cách bài trí bàn ghế, khoảng cách đến thính chúng, khung cảnh chung quanh, trang hoàng, bài trí có thích hợp với chủ đề diễn giảng hay không? Âm thanh, ánh sáng có đạt yêu cầu hay không?

III. MỤC ĐÍCH DIỄN GIẢNG

1. Đáp ứng nguyện vọng của thính chúng

Tất cả những họat động hữu ích trên thế giới này đều nhằm đem lại lợi ích cho mình, cho người, cho hiện tại, cho tương lai. Ở đây, phạm vi hẹp, mục đích của diễn giảng là đem lại kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho thính chúng. Diễn thuyết lại là một mô hình hoạt động sân khấu, có tác động hai chiều, vì thế, dù trực tiếp hay gián tiếp, diễn giả đóng một vai trò nhất định truớc thính chúng.

Diễn giả chính là người đáp ứng nhu cầu tri thức của thính chúng cho nên mọi vấn đề liên quan đến diễn thuyết như: chủ đề, cung cách tổ chức, thời gian diễn giảng. Xây dựng ý tưởng cho đề tài, thu thập thông tin để buổi giảng có nội dung súc tích, phong phú.

Chính vì vậy, diễn giả phải nghiên cứu kinh sách, tài liệu, kết hợp với tình hình thực tế để trình bày vấn đề được rành mạch, dễ hiểu và nhuần nhuyễn trước toàn thể thính chúng.

2. Diễn đạt phải có hiệu quả

Đây là yêu cầu chính, yêu cầu cốt lõi của buổi diễn thuyết. Khi lên diễn đàn, diễn giả phải đặt hết trọng tâm vào thính chúng, nắm bắt kịp thời tâm lý của họ và thu hút sự lắng nghe, sự tiếp thu của họ để sau buổi diễn thuyết, họ thật sự hiểu được vấn đề và mang lại lợi ích cho họ thật sự trong việc tiếp thu kiến thức.

Hiệu quả này cao hay thấp, buổi diễn thuyết hấp dẫn hay buồn tẻ, thành công hay thất bại tùy thuộc chủ yếu vào cung cách diễn giảng, trình độ diễn giảng và ngôn ngữ, cử chỉ của diễn giả.

Nếu nội dung biên sọan phong phú, mạch lạc, nhiều ý tưởng hay, sâu sắc mà phong cách trình bày uể oải, không sinh động, không linh hoạt thu hút thính chúng thì buổi diễn thuyết xem như thất bại.

3. Tác động tư tưởng

Mục đích cuối cùng của buổi diễn giảng là tác động được tư tưởng của thính chúng, làm thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ của thính chúng về vấn đề mà chúng ta đặt ra và nhắm đến. Qua đó, động viên họ nỗ lực hơn, tích cực hơn trong việc phát huy tài năng, trí tuệ.

Thí dụ khi đứng trước thảm họa về một cơn động đất, một cơn sóng thần, bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, dịch bệnh phát sinh, người người đói khổ, trắng tay, chết vì đói, vì lạnh, vì bệnh tật nhưng với buổi diễn thuyết thành công, chúng ta sẽ kêu gọi và khơi đậy được biết bao tấm lòng, biết bao trái tim của những nhà hảo tâm, những tổ chức từ thiện phát huy và ủng hộ tiền tài, phương tiện, cứu giúp những nạn nhân của các cơn thiên tai này thì xem như buổi diễn giảng của chúng ta đã thành công trọn vẹn và vượt bậc.

Hoặc cụ thể hơn, đối với một lớp Tăng Ni sinh, diễn giả sau khi kết thúc bài giảng đã làm cho Tăng Ni sinh nhận ra việc học của họ là hết sức cần thiết cho vấn đề hoằng dương Phật pháp chứ không chỉ biết kệ kinh, tụng niệm cho riêng mình hoặc đem lại cho họ cảm giác bình an, thanh tịnh trên con đường tu học của mình. Đó là diễn giả đã thành công.

"Chỉ một lời chánh pháp

Nghe xong tâm bình an

Hơn tụng cả muôn ngàn

Những lời kệ vô dụng" (PC 102)

IV. NGHỆ THUẬT DIỄN GIẢNG

1. Yêu cầu của buổi diễn giảng

Khi một tổ chức thính chúng muốn mời diễn giả đến giảng về một vấn đề thì họ sẽ đặt ra yêu cầu của vấn đề đó và chúng ta sẽ căn cứ vào yêu cầu đó mà xây dựng cho mình một bài giảng với đầy đủ những tư liệu, cũng như chuẩn bị rất nhiều vấn đề liên quan để cho buổi diễn giảng được thành công tốt đẹp.

Các bài diễn thuyết đều nhằm các mục đích là: cung cấp thông tin, có sức thuyết phục, giải trí, nhất là khi thuyết giảng trong lớp học thì thường đặt ra hai mục đích là thông tin và thuyết phục, diễn giả phải nắm vững mục tiêu của buổi nói chuyện để không bị lạc đề.

2. Chuẩn bị bài giảng

Một bài diễn giảng thành công luôn luôn bắt đầu với việc nghiên cứu và tìm kiếm tư liệu một cách cẩn thận.

Từ lúc tuyển chọn chủ đề cho đến lúc lập dàn bài, diễn giả phải hết sức chú trọng đến nhu cầu, hoài vọng, sở thích, quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng và cá tính của thính chúng.

Việc thu thập, lựa chọn tư liệu phải được nghiên cứu sao cho phù hợp với trình độ của thính chúng.

Nếu đánh giá chính xác trình độ tiếp thu, ước muốn của thính chúng là đã thành công được một nửa trong bài thuyết giảng.

Trong thời đại ngày nay, khi tìm kiếm tư liệu, đừng căn cứ vào các quyển sách cũ, hãy tìm kiếm trên Internet, thu lượm các thông tin mới nhất cho đề tài. Những gì diễn giả nghe, thấy, đọc được từ một mẫu tin nóng bỏng, một sự kiện đương thời được trình chiếu trên truyền hình hoặc đăng tải trên báo chí đều là tư liệu quý giá cho bài giảng.

Tư liệu của bài giảng càng nhiều, càng sống động, gắn liền với cuộc sống hiện thực, với phong tục, tập quán, nội dung diễn thuyết càng phong phú, thính giả càng tin tưởng lắng nghe bởi vì đối với thính chúng, các bằng chứng cụ thể thì sôi nổi, hấp dẫn hơn các ý tưởng trừu tượng vì nó làm sống dậy các tiềm năng họat động của cảm giác.

Thứ tự của bài giảng và việc nhấn mạnh các điểm chính sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thông điệp mà diễn giả định truyền đạt cho thính chúng.

Bài giảng càng có cấu trúc chặt chẽ, mạch lạc thì diễn giả càng an tâm, tự tin, bình tĩnh trên diễn đàn và người nghe thì dễ tiếp thu nội dung và thỏa mãn ước vọng của mình.

Một bài diễn thuyết thường phải có ba phần chính: Phần giới thiệu đề tài, phần nội dung chính và kết luận.

2.1. Phần giới thiệu

Cũng chính là phần nhập đề, có thể theo phương pháp lung khởi, trực khởi, kịch tính hoặc hoán dụ... nêu bật trọng tâm và chào mừng thính chúng tham dự nhằm mục đích tập trung sự chú ý của thính chúng và giới thiệu tổng quát chủ đề mà ngày hôm nay trình bày để người nghe có sự chuẩn bị tập trung hơn về đề tài này và tùy theo môi trường, khung cảnh hoặc tình huống của buổi diễn giảng mà vận dụng.

2.2. Phần nội dung

Là phần mà ta muốn thính chúng phải nắm bắt và hiểu được vì đây là mục đích của buổi diễn giảng. Có thể trình bày theo ba cách: nêu từng điểm chính, nhấn mạnh một điểm hoặc đan xen các điểm chính.

+ Với cách nêu từng điểm chính : Các ý tưởng trình bày có thể tách biệt và quan trọng như nhau mặc dù các ý tưởng này có thể độc lập, không kết nối với nhau.

Để thu hút người nghe, các ý tưởng phải được xây dựng một cách logic, bài diễn giảng phải được phát triển dưới dạng một chuỗi các luận điểm, luận cứ và các luận điểm này phải xuất phát từ một luận điểm khác, từ ý này đi đến ý khác phải có một kết nối chặt chẽ, hợp lý, logic, cẩn thận, mạch lạc để không bị mất sự mạch lạc của đề tài. Tuy nhiên cần thận trọng vì thính chúng có thể cho rằng điểm trình bày đầu tiên là quan trọng nhất.

+ Với cách nhấn mạnh một điểm : Nếu vấn đề này có ý nghĩa quan trọng nhất thì hãy đặt điểm này lên đầu và dành cho nó nhiều thời gian nhất, sau đó mới bổ sung thêm bằng các điểm phụ và các thí dụ minh họa.

+ Với các đan xen các điểm chính : Trong thực tế, khi trình bày thì các điểm được trình bày đan xen nhau và phụ thuộc vào các điểm khác. Điểm sau được khai mở một phần để giải thích điểm thứ nhất, điểm sau có thể liên quan điểm trước và liên kết mọi điểm chính với nhau. Để nội dung trình bày có dấu ấn sâu đậm trong đầu người nghe thì diễn giả phải dẫn chứng thêm các lời trích dẫn của những nhân vật nổi tiếng để minh họa hoặc những câu chuyện thực tế rút ra từ chính kinh nghiệm bản thân của diễn giả thì sẽ rất có giá trị thuyết phục.

Trong khi giảng, tùy theo nội dung bài giảng, tùy theo từng đối tượng thính chúng mà đan xen vào các câu chuyện khôi hài, những câu đùa dí dỏm, nhẹ nhàng để cho không khí bớt căng thẳng trong từng thời điểm nhất định.

2.3. Phần kết luận

Tóm tắt quan điểm, ý tưởng trọng tâm và thể hiện được tâm tư, tình cảm, ước vọng của chính diễn giả về bài giảng này. Những gì đã nêu trong phần giới thiệu, phần nội dung thì phần kết luận này cũng phải nhất quán với hai phần kia, không được mâu thuẫn, đối nghịch nhau.

Tùy theo tính chất của bài giảng, phần kết này có thể thêm những lời chúc mừng, những nhiệm vụ sắp tới cho tương lai, những vấn đề đặt ra để người nghe giải quyết hoặc những lời kêu gọi.

Bên cạnh bài giảng cần có một dàn ý tóm tắt để diễn giả dễ theo dõi cấu trúc bài giảng và nhắc nhở diễn giả không bị lạc đề. Khi viết dàn bài tóm tắt này cần viết đơn giản, rõ ràng để khi giảng chỉ cần liếc nhìn qua là có thể đọc được ngay.

Đừng chủ quan ỷ lại vào trí nhớ của mình vì có khi ta sẽ bỏ sót các sự kiện hoặc phải im lặng. Với dàn bài tóm tắt này diễn giả sẽ tự tin hơn đồng thời hạn chế được việc nói dông dài, lan man đi ra ngoài chủ đề.

3. Tiến trình diễn giảng

3.1. Địa điểm diễn giảng

Địa điểm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của diễn giả. Một buổi giảng trong căn phòng tràn ngập ánh sáng của khuôn viên một trường đại học, một giảng đường trong một ngôi chùa quen thuộc sẽ khác xa với không khí của buổi giảng trong một hội nghị lớn ở toàn quốc hoặc trong một ngôi chùa xa lạ rộng lớn ở nước ngoài.

Nếu có thể được, hãy ghé thăm trước địa điểm diễn giảng nhất là trong những buổi giảng có tầm cỡ quan trọng.

Khi đánh giá một địa điểm diễn giảng, thuyết trình hãy chú ý cẩn thận đến vị trí của nó, thính chúng có tiện lợi khi đến đó không? Địa điểm đó có tiện đường giao thông không? Gần nhà ga hay phi trường? Gần khu dân cư ồn ào náo nhiệt hay là một nơi hẻo lánh?

Chỗ ngồi của thính chúng có thoáng đãng rộng rãi không hay tù túng chật hẹp, nóng bức? Liệu họ có thể ngồi nghe trong trạng thái thoải mái hay sẽ ngủ gục vì không khí nóng bức, chen lấn nhau? Nếu buổi giảng cần phải ghi chép thì địa điểm bố trí như vậy có thích hợp không?

3.2. Chuẩn bị tinh thần

Tinh thần của diễn giả cũng quan trọng không kém so với bài diễn giảng. Nếu là người đã từng giảng dạy nhiều thì không sao nhưng nếu là những giảng sư còn non trẻ, mới ra trường thì tâm lý của những buổi giảng sẽ phải được chú trọng rất nhiều.

Nếu quá căng thẳng tập trung thì dễ bị chi phối, lúng túng, thậm chí có khi quên hết cả những gì đã chuẩn bị. Nếu quá xem thường, thờ ơ thì có khi sự trình bày không đạt được sự thu hút nhất định.

Sự căng thẳng sẽ làm diễn giả lúng túng, mất tự nhiên vì thế trước khi bước lên bục diễn giảng, nên tập trung thư giãn, sắp xếp thời gian đến sớm hơn để không bị hấp tấp, không bị trễ nải. Ngược lại cũng không nên quá tự tin, điều này làm cho diễn giả nói chuyện theo cách một người đã biết hết tất cả mọi thứ, việc này tạo cho một số thính chúng không thấy yêu thích đề tài nữa trước một vị giảng sư cao ngạo.

Hãy nhớ rằng sự nhiệt tình và chân thành của diễn giả sẽ thu hút rất lớn tình cảm và sự chú ý của thính chúng.

Ngoài ra, yêu cầu tối thiểu về trang phục và diện mạo cũng là điều quan trọng. Trang phục phải sạch sẽ, không nhăn nhúm, nhàu nát, không có mùi hôi. Gương mặt phải tươi tỉnh, thanh thoát, phấn chấn vì thính chúng thật sự cảm nhận được trạng thái tinh thần của diễn giả khi họ bước lên bục giảng, đừng bao giờ đi diễn giảng với gương mặt nhăn nhó, bực bội, quạu quọ khi gặp những chuyện bực mình phiền não bên ngòai mà mang vào giảng đường. Không nên hiểu một cách đơn giản là trang phục và biểu cảm chỉ là hình thức bên ngoài mà nó thể hiện phần quan trọng nội dung bên trong của người đó.

Bề ngoài chững chạc, phong thái đàng hoàng, tự tin, ung dung thường chỉ có ở những người có nội tâm phong phú, trong sáng.

3.3. Triển khai diễn giảng

Diễn giảng trước thính chúng là một hình thức giao tiếp đặc biệt, khác với phong cách khi trò chuyện hoặc thảo luận thông thường. Nếu trong song thoại, hội thoại, người tham dự có thể lắng nghe, phát biểu, thậm chí có khi ngắt lời nhau nhưng trong diễn giảng, diễn thuyết thì vai trò của người nói và người nghe được quy định rõ ràng, chặt chẽ, không lẫn lộn với nhau. Diễn giảng tức là vị diễn giả, vị giảng sư trình bày một vấn đề trước toàn thể thính chúng. Lúc này người nghe không được quyền ngắt lời, không được quyền xen vào hoặc trao đổi ý kiến đột ngột với vị diễn giả.

Vì thế, một diễn giả có nhiều kinh nghiệm, khả năng diễn đạt lưu loát, thu hút thính chúng thì phải hiểu được nhu cầu và sự hưởng ứng của thính chúng ngay khi chuẩn bị diễn giảng và lúc đứng lên bục diễn giảng. Chính vì thế, diễn giảng mang tính chất nghiêm trang, chuẩn mực hơn tất cả những lãnh vực giao tiếp khác. Nghiêm trang chuẩn mực ở đây không chỉ trên phương diện nội dung giảng dạy, truyền đạt mà còn cả ở phong cách, thái độ khi diễn giảng trước thính chúng. Và phong cách của diễn giả có ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng quan trọng đến sự tiếp thu, sự ngưỡng mộ của thính chúng.

Bên cạnh đó, phần diễn đạt là phần cốt lõi của buỗi diễn giảng. Ngôn từ, phong thái, cách diễn đạt hấp dẫn, lôi cuốn, sinh động thì thính chúng tập trung và có ấn tượng nhớ mãi, ngược lại ngữ điệu không sinh động, trình bày chậm chạp, tẻ nhạt thì thính chúng sẽ không muốn nghe nữa, thậm chí có người sẽ ngủ gục.

Trước tiên, hãy có một lời giới thiệu tạo ấn tượng tốt, thích hợp để người nghe nắm bắt ngay đề tài hôm nay diễn giả muốn trình bày là cái gì. Hãy bắt đầu một cách tự tin, lướt qua các ghi chú ở ngoài, cố gắng trình bày vài điểm đầu tiên lưu loát, trôi chảy mà không nhất thiết phải nhìn vào bài giảng liên tục. Động tác này sẽ củng cố một bầu không khí tin tưởng, cởi mở, xác lập uy tín của diễn giả. Đôi lúc nhịp điệu của bài diễn giảng thay đổi sẽ làm cho thính chúng thích thú nhưng tránh không quá nhanh hoặc không quá chậm đột ngột mà không có mục đích.

Hãy nhớ ngưng lại giữa các điểm chính, dành cơ hội giao tiếp qua ánh mắt với người nghe, qua đó, diễn giả có cơ hội đánh giá thái độ, phản ứng của thính chúng đối với bài giảng.

Khi trình bày qua các phần của bài giảng, hãy nên nói chậm rãi và nhấn mạnh khi muốn nêu bật những điểm quan trọng. Luôn giữ tư thế cởi mở, tránh khoanh tay hoặc tạo khoảng cách giữa diễn giả và người nghe. Tư thế đứng tự tin, nói chuyện một cách đầy quyền uy cho thấy sự am tường của diễn giả đối với đề tài, điều này sẽ thiết lập được uy tín của diễn giả và tạo được sự tin tưởng của người nghe.

Hãy nhìn bao quát thính chúng, không bỏ qua người ngồi ở cuối phòng cũng như người ngồi quá gần hàng đầu, tiếp xúc bằng mắt với những ai tỏ vẻ tập trung, thích thú nhưng cũng không bỏ qua những ai lơ là hoặc tiêu cực.

Muốn nhấn mạnh một điểm hãy sử dụng các câu súc tích, hãy đứng thẳng và lên giọng. Muốn cho thính chúng biết rằng diễn giả sắp chia sẻ những điều quan trọng thì hãy nghiêng về phía trước, hạ thấp giọng một chút, họ sẽ tập trung hơn và bài thuyết giảng thêm hấp dẫn.

Hãy để cho thính chúng biết được bài giảng trong bao lâu để họ biết thời gian mà họ cần phải tập trung. Thí dụ: "Chúng ta chỉ có 20 phút để bàn về vấn đề này...", hoặc: "Chúng ta chỉ còn có 5 phút, tôi sẽ tóm lại vấn đề...". Nếu cần biết thời gian nên liếc nhìn đồng hồ treo tường hơn là nhìn vào đồng hồ đeo tay, nếu không có đồng hồ treo tường thì nên nhìn đồng hồ đeo tay một cách kín đáo khi cuối xuống nhìn bài giảng. 4. Kết thúc buổi diễn giảng

Sự kết thúc bài diễn giảng rất quan trọng vì nó giúp cho người nghe mang theo ấn tượng mãi mãi. Hãy lặp lại các điểm chính đã nêu, hãy tóm tắt các ý tưởng mà bài giảng đã nêu ra với tính cách gọn gàng, mạnh mẽ, dứt khoát, nhất là phải nhấn mạnh các điểm then chốt, trọng tâm. Điều này làm cho thính chúng rất thích thú vì có thể trong quá trình nghe, có lúc họ đã lơ đãng, không tập trung nhưng với sự kết thúc ngắn gọn, súc tích này làm cho họ nắm được hết những gì họ đã bỏ qua.

Sau khi kết thúc buổi giảng, hãy đánh giá phản ứng của thính chúng để ta có thể rút kinh nghiệm cho những lần giảng sau. Chính nhờ những phân tích này mà diễn giả sẽ có thêm kinh nghiệm trình bày, triển khai, tăng cường khả năng diễn thuyết tự tin hơn cho dù có gặp lại số thính chúng này nhiều lần, ở nhiều nơi.

Có thể đánh giá qua cách họ vỗ tay theo kiểu nào? Bày tỏ sự văn minh lịch sự, hay hờ hững? Hoặc vỗ tay hăng say, nhiệt tình với bài giảng sinh động? Kết hợp với sự hài lòng, thỏa mãn, vui thích trên gương mặt, ánh mắt, thái độ của thính chúng. Họ vui vẻ, thoải mái hay uể oải ra về.

Những phản ứng không lời này, nếu diễn giả tinh tế sẽ nhận biết rất rõ hoặc có thể tham khảo qua những sự đóng góp chân tình của thính chúng so với bài giảng của những vị diễn giả khác, từ đó, rút kinh nghiệm cho bản thân để chuẩn bị cho những bài diễn giảng sau ngày càng phong phú, sinh động, ấn tượng hơn.

V. THỰC TẬP DIỄN GIẢNG

Đức Phật dạy: "Này các Tỳ Kheo! Phú Lâu Na là một con người can đảm trong sự nghiệp thuyết giáo độ sinh, đáng được tán dương". Trong công tác đi truyền giáo, giảng sư cần có 10 đức tính sau đây:

1. Thông hiểu giáo nghĩa

2. Nói năng lưu loát

3. Không lo sợ trước đám đông

4. Biện tài vô ngại

5. Vận dụng phương tiện khôn khéo

6. Tùy theo căn cơ mà bố giáo

7. Đầy đủ oai nghi

8. Tinh tấn dũng mãnh

9. Thân tâm tráng kiện

10. Có đầy đủ uy lực

1. Phần chuẩn bị

1.1. Chọn đề tài

Giảng sinh phải xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định chọn đề tài mà mình có thể triển khai thông suốt. Nên sáng tạo khi đặt tên đề tài để thính chúng thấy đề tài lạ mới mang tính thu hút.

Mục tiêu của buổi diễn thuyết là cung cấp thông tin mới, tin tức quan trọng khác với nội dung động viên quần chúng phát huy trí tuệ và tài lực hoặc ngược lại buổi diễn thuyết không nhằm cung cấp thông tin mới lạ hoặc tác động tư tưởng, khích lệ những hành động cần thiết mà chỉ nhằm mang lại sự lạc quan, sự thanh tịnh, yêu đời, thoải mái trong tư tưởng thính chúng trước một vấn đề căng thẳng nào đó, đã ảnh hưởng đến tâm lý thính chúng, nay ta cần giải tỏa. Chính vì thế đề tài của buổi giảng là trọng tâm.

1.2. Soạn dàn bài đại cương

Dàn bài đại cương rất cần thiết cho các vị giảng sư nhất là các giảng sinh có dàn bài để nương vào đó triển khai mạch lạc không thiếu sót hoặc nhầm lẫn.

Diễn giả phải chịu trách nhiệm trước thính chúng về tòan bộ nội dung tư tưởng mình trình bày, về hành vi đạo đức và cách diễn đạt, các ngôn từ sử dụng cho nên một dàn bài đại cương là yếu tố nhất thiết phải có, chủ để buổi giảng phải phù hợp với trình độ thính chúng, phù hợp với diễn giả vì nếu chủ đề quá cao xa, rộng khắp thì người nghe không nắm bắt hết mà chính bản thân người trình bày cũng không đủ kiến thức để đáp ứng.

1.3. Soạn bài giảng chi tiết

Bài giảng chi tiết sẽ giúp cho giảng sinh đọc sách nghiên cứu bổ sung nhiều lần đến khi hoàn chỉnh sẽ giúp cho giảng sinh ghi nhớ nhiều về bài giảng vì bài giảng là do chính mình biên soạn.

Diễn giả xây dựng một dàn bài chi tiết dựa trên nội dung chính của chủ đề, câu phải ngắn gọn, dễ nhớ, phù hợp với tâm tư người nghe để khi triển khai không mất quá nhiều thời gian mà lại đi vào lòng thính chúng.

Diễn giả phải luôn nghĩ rằng thính chúng là những người học rộng, có trình độ, có kinh nghiệm sống để có sự chuẩn bị chu đáo đừng xem thường thính chúng thì sẽ thất bại, nội dung diễn thuyết phải phù hợp với trình độ thính chúng, phù hợp với quy luật phát triển xã hội đừng đi ngược trào lưu văn hóa.

1.4. Bổ sung hoàn chỉnh

Sau nhiều lần bổ sung những ý tưởng mới đi đến giai đoạn hoàn chỉnh cuối cùng. Đừng chủ quan chỉ xem xét một lần sau khi viết mà phải xem đi, xem lại và bổ sung, cập nhật để bài giảng theo kịp với tình hình thực tế khi ta giảng. Dẫn chứng các tài liệu, các thông tin, các trích dẫn của những nhà tư tưởng. Tư liệu càng phong phú, chính xác diễn giả sẽ càng hào hứng trình bày, người nghe sẽ thêm ấn tượng. Một giảng sư am tường giáo lý không chưa đủ mà phải tham khảo thật nhiều sách, nhiều tài liệu, học để hiểu thêm nhiều lãnh vực khác như xã hội, văn học, triết học, lịch sử, các tư tưởng của những vĩ nhân... để trong khi giảng, bổ sung và cập nhật các vấn đề liên quan một cách chính xác, khoa học và phong phú.

1.5. Tập luyện nhiều lần - Giải quyết bài giảng tùy theo dung lượng thời gian

Phân chia thời gian theo bố cục bài soạn, học thuộc bài soạn, tập luyện nhiều lần, tìm chỗ vắng vẻ để tự tập giảng một mình. Khi giảng phải lưu loát, muốn thu hút thính giả phải chú trọng đến âm điệu, phải biết lúc nào nên nhanh, lúc nào nên chậm, phân chia thời gian hợp lý để không bị sa đà vào bài giảng hoặc có những chỗ cần nhấn mạnh ta lại đi quá mau. Biết điều tiết để khi bài giảng vừa kết thúc thì đảm bảo thính giả phải nắm hết được vấn đề ta trình bày, không bị bỏ sót hoặc không bị lướt quá mau.

2. Phần thực hiện

Có 5 tiêu chuẩn để làm căn cứ chấm điểm một giảng sinh:

2.1. Điệu bộ

Quần áo, cách ăn mặc phải nghiêm chỉnh, không được xốc xếch. Đi đứng phải oai nghi, khi đứng trên pháp tòa không để thân đong đưa qua lại. Mắt phải nhìn thính chúng, bao quát toàn hội trường, linh hoạt. Hai tay nên có điệu bộ nhưng vừa phải và thích hợp theo bài giảng. Cầm micro vừa phải, không để quá sát miệng, cũng không để quá xa. Đi lên bục giảng một cách khoan thai, không hấp tấp, để thính giả ổn định mới bắt đầu bài giảng, nếu có trẻ con làm ồn phải khéo léo nhắc nhở. Trường hợp có thính giả chất vấn thì thái độ đối đáp phải vui vẻ, chủ động hoàn toàn trong suốt thời gian đứng trên Pháp tòa. Tập trung chú ý đến Thân giáo và Khẩu giáo.

Giảng sinh có thể đứng hoặc ngồi, nên sử dụng bảng đen. Điệu bộ của giảng sinh góp phần quan trọng làm cho buổi giảng thêm sinh động.

2.2. Âm thanh, giọng nói

Mỗi người có một chất giọng riêng nhưng nói chung có thể chia ra làm bốn loại: Thu hút, có thu hút, ít thu hút, không thu hút và gây cảm giác buồn chán.

Dù cho giọng nói thuộc loại nào thì cũng nên tập luyện thêm cho tốt hơn. Không nói cà lăm, tránh không lặp đi lặp lại một từ nhiều lần, nói rõ ràng, biết nhấn mạnh để gây sự chú ý của mọi người. Nên nói liên tục không để thời gian trống trên bục giảng quá lâu. Khi trình bày không được nhút nhát, tự ti nhưng cũng không được cho mình là trên hết, không dùng giọng điệu chỉ trích, không được tự quảng cáo mình.

Tư tưởng dù hay, dù phong phú, kiến thức sâu rộng nhưng sự diễn đạt kém, không thu hút, giọng nói không tình cảm, hoặc nói đều đều gây buồn chán thì sự truyền đạt không thể nào có hiệu quả, thậm chí còn làm cho người nghe phản đối.

2.3. Giáo lý

Triển khai giáo lý phải chính xác, không được giảng mù mờ, gây ngộ nhận, khó hiểu. Không được khích bác các tôn giáo khác, không được đả phá các pháp môn mà mình không tu tập. Khi giảng phải làm cho thính chúng nắm rõ đề tài và dàn bài (có thể nói hoặc viết lên bảng). Đề tài phải phù hợp với thính giả, tránh dùng ngọai ngữ quá nhiều biểu lộ sự khoe khoang, chỉ nên dùng một ít để dẫn chứng. Nội dung bài giảng có lúc hay có lúc dở nhưng tuyệt đối phải đúng giáo lý không được sai, khi dẫn chứng Kinh, Luật, Luận phải nêu rõ nguồn gốc, xuất xứ, tập trung vào trọng tâm đề tài của mình, tránh bài bác giáo lý của các tôn giáo khác.

2.4. Văn chương

Khi triển khai phải nói lưu loát và có trích kinh sách thơ văn minh họa đề tài. Tránh lặp lại nhiều lần một từ hoặc một đoạn văn. Tập trung về một vấn đề, các ý tưởng phải có mạch lạc, liên hệ với nhau tùy mức độ quan trọng của từng phần tránh lặp đi lặp lại một cách vô ích, không để bị phân tán đi xa đề tài, các vần đề trình bày không được mâu thuẫn với nhau.

2.5. Thời gian

Giảng sinh phải nghiêm túc triển khai đề tài đúng thời gian đã quy định, không được kết thúc bài quá sớm hoặc quá trễ. Trường hợp bài giảng cho 60 phút thì phân ra nhập đề 5 phút, thân bài 50 phút, kết luận 5 phút hoặc nếu bài giảng cho 15 phút thì nhập đề 3 phút, thân bài 9 phút và kết luận 3 phút. Hãy để cho người nghe biết thời gian nghe trong bao lâu để họ tập trung. Thí dụ: "Chúng ta chỉ có 20 phút để dành cho vấn đề này...".

Khi tổ chức một buổi diễn giảng phải chú trọng đến thời gian, không chỉ nói thời gian giảng mà phải xem xét thời gian để thính giả có thể tham dự đầy đủ. Không thể giảng cho nông dân nghe trong những ngày mùa thu hoạch cao điểm mà giảng trong giờ ra đồng hoặc buổi giảng kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ. Cũng không thể giảng cho giới trí thức mà chỉ nói qua loa trong 15-20 phút được. Không thể giảng trong những buổi trưa hè ở một hội trường nóng bức cũng không thể giảng trong những ngày mưa gió lầy lội mà thính giả phải tập trung từ xa đến.

Ngoài những vấn đề đã nêu trên, đôi khi diễn giả chúng ta có thể gặp những tình huống bất ngờ khi phải đối diện với những thính chúng thuộc nhiều thành phần đặc biệt, không muốn hợp tác hoặc muốn phá vỡ những ấn tượng tốt đẹp của buổi nói chuyện thì chúng ta phải đối phó một cách hết sức khéo léo, tế nhị để giữ được bầu không khí thuận lợi, hòa bình của buổi giảng khi gặp phải những vùng đối lập. Nên nhớ phải hết sức bình tĩnh dù giọng điệu và chủ ý của người hỏi có bất lợi và căng thẳng.

Nhiều bài diễn giảng, nhiều bài thuyết trình rất hay, có sức thuyết phục và có ấn tượng tốt đẹp đã bị phá hỏng vì diễn giả xử lý vụng về các câu hỏi của thính chúng nêu ra sau buổi giảng.

Luôn phải giữ thế chủ động, đừng cho phép nhiều người phát biểu một lần nếu không thì tình hình sẽ khó kiểm soát.

Những người đặt câu hỏi sẽ có nhiều dạng nên khả năng nhận ra và đối phó với tính cách của từng câu hỏi là điều quan trọng. Có những người khoe khoang, thích tỏ vẻ hơn hẳn và thông thái hơn diễn giả, hãy tỏ vẻ lịch sự với họ để tránh xảy ra những thái độ đối kháng không cần thiết.

Hãy đề phòng các câu hỏi chứa những ẩn ý nhằm phơi bày các điểm yếu nghiêm trọng trong bài thuyết trình làm cho diễn giả bối rối và thất bại, nếu không trả lời được hoặc không muốn trả lời câu hỏi đó thì nên khéo léo giải đáp để người hỏi thấy rằng diễn giả không bỏ qua câu hỏi đó.

Thí dụ: "Tôi cần suy nghĩ về câu hỏi đó, xin trả lời câu hỏi đó vào lần thuyết trình sau "hoặc" đó là một vấn đề riêng biệt cần rất nhiều thời gian, chưa thể trình bày ngay hôm nay, xin ghi nhận và hẹn lại vào lần thuyết trình sau"...

Khi có những bất đồng nghiêm trọng xảy ra do những kẻ cố tình phá rối buổi diễn giảng, hãy chủ động đưa mọi người trở lại đúng đề tài bằng cách nhắc nhở thính chúng về mục đích của buổi diễn giảng. Trong những tình huống căng thẳng hãy cho thính chúng biết rằng diễn giả đang chủ động nắm quyền điều khiển.

Nếu tình huống xấu hơn thì hãy nhờ các nhà tổ chức giúp đỡ hoặc kết thúc buổi diễn giảng.

VI. XƯỚNG NGÔN LỄ HỘI PHẬT GIÁO

Người xướng ngôn lễ hội Phật giáo còn gọi là Người Dẫn Chương Trình hay còn gọi là MC (Master Ceremony).

1. Chuẩn bị trước ngày lễ hội

1.1. Nên có mặt tham dự trong các buổi họp bàn về việc tổ chức lễ hội (nếu được thì tốt, không thì thôi).

1.2. Nghiên cứu chương trình lễ hội. Phải nắm vững tên lễ hội là gì? Thành phần lễ hội gồm những ai ? Nội dung lễ hội là gì ? Thời gian khai mạc và dự kiến bế mạc?

1.3. Đọc các văn bản, tài liệu liên quan lễ hội. Cần nắm rõ, chính xác ai là người sẽ đọc văn bản nào trong lễ hội, tránh giới thiệu nhầm lẫn. Trường hợp khẩn cấp có thay đổi người báo cáo và chuyên đề báo cáo thì phải cập nhật chính xác, kịp thời.

1.4. Tìm hiểu danh sách khách mời cần phải giới thiệu (Họ tên, chức vụ, đơn vị...).

2. Chuẩn bị trước giờ khai mạc lễ hội

2.1. Không ăn no, không ăn dầu mỡ khó tiêu, không ăn đường ngọt, uống rượu bia. Để tinh thần sáng suốt, thư thái trong buổi lễ, phối hợp với Ban Tổ chức nắm bắt kịp thời các thay đổi.

2.2. Có mặt tại buổi lễ trước khi khai mạc một tiếng đồng hồ để xem danh sách khách mời và các bài phát biểu có gì thay đổi không? Xem xét vị trí cửa ra vào, ổ cắm điện, công tắc đèn, các phương tiện phục vụ truyền thanh, truyền hình, âm thanh, micro, đèn chiếu...

2.3. Sắp xếp trước danh sách chư tôn giáo phẩm sẽ được mời ngồi trên hàng chứng minh, chủ tọa. Phải hết sức cẩn thận không được nhầm lẫn và tuyệt đối không giới thiệu khách đến trễ.

2.4. Ghi danh sách, tên họ và chức vụ của quan khách hiện diện sẽ được giới thiệu.

2.5. Nhờ một vị phụ với MC ổn định hội trường nhằm mục đích thử xem âm thanh đã chuẩn hay chưa. Thử micro trước, kiểm tra âm thanh, độ vang, độ ồn, nghe rõ không ?

3. Phần thực hiện bắt đầu buổi lễ

3.1. Bình tĩnh, mắt linh hoạt, quan sát hội trường trước khi cất tiếng giới thiệu chương trình. Nhìn bao quát khán giả, không bỏ qua người cuối phòng cũng như người ngồi hàng đầu để tạo sự giao lưu bằng mắt, thiết lập được sự thân mật này rất quan trọng, sẽ tạo sự chú ý khi giới thiệu.

Cảm nhận đầu tiên của khán giả về MC là rất quan trọng, nếu người giới thiệu chương trình ăn mặc lôi thôi, nói năng cợt nhã, cộc lốc, gương mặt nhăn nhó khó chịu thì ấn tượng của khán giả về buổi lễ sẽ rất xấu. Đừng nghĩ đơn giản rằng người MC chỉ là giới thiệu, không phải là thành phần chính của buổi lễ, điều này sẽ phạm sai lầm lớn.

Hãy tìm hiểu trước thành phần khán giả để khi đứng lên giới thiệu mở đầu làm cho khán giả có cảm tình với lễ hội ngay.

3.2. Trong khi buổi lễ được tiến hành thì phải bám vào lời văn soặn sẵn theo chương trình. Dùng ngôn ngữ súc tích nhưng đơn giản, dễ hiểu. Không được lệ thuộc vào các ghi chú thì khi giới thiệu chương trình mới được tự nhiên. Hãy nghiên cứu trước đề tài buổi lễ hội để có thể ứng phó trôi chảy trước những tình huống ngoài dự kiến.

Có các khoảng thời gian ngừng cụ thể và nhấn mạnh, không được nói lầm bầm hoặc do dự, nếu đã quên mất phải trầm tĩnh, không bối rối, tránh sự lạc đề và mâu thuẫn khi giới thiệu vào chương trình.

3.3. Có quyết định nên hay không nên nếu có người chung quanh can thiệp vào nhắc nhở vì sẽ dễ bị rối và thiếu sót, không theo sắp xếp trước.

3.4. Phải theo sát buổi lễ để quyền biến khi có sự cố xảy ra. Thí dụ như khi giới thiệu mà không có người hiện diện hoặc khi giới thiệu một tiết mục văn nghệ mà diễn viên chưa ra kịp thì phải nói để lấp vào khoảng thời gian trống chờ đợi đó.

3.5. Tuyệt đối không để chương trình có thời gian trống dù chỉ 30 giây hay 1 phút. Tránh không để buổi lễ bị gián đoạn vì như thế khán giả mất tập trung sẽ gây ồn ào và khi ổn định lại sẽ mất thời gian.

3.6. Tự chuẩn bị lời cảm tạ đề phòng khi Ban Tổ chức nhờ cảm tạ.

4. Kết thúc buổi lễ

4.1. Lưu ý: người điều khiển chương trình không nên nói dông dài, không được nói hết nội dung mà các vị giáo phẩm chứng minh sẽ ban đạo từ.

4.2. MC là người có thể làm cho chương trình buổi lễ sống động, hấp dẫn, thành công hoặc ngược lại sẽ trở nên buồn tẻ, vô vị, thậm chí đi đến thất bại.

Muốn tránh những thiếu sót, Người Dẫn Chương Trình cần phải dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thực hiện một chương trình của buổi lễ.

Để buổi diễn giảng hay một lễ hội, một chương trình tổ chức được thành công thì phần đóng góp của MC rất quan trọng, người giới thiệu duyên dáng, ăn nói lưu loát, diễn cảm sẽ để lại ấn tượng tốt cho khán giả, ngược lại người ta sẽ nhớ mãi một MC lôi thôi, nói năng không trôi chảy, giới thiệu thì nhầm lẫn lung tung. Hãy tự tin và đồng cảm với khán giả thì MC chắc chắn sẽ lưu lại trong lòng khán giả một hình ảnh đẹp về Người Dẫn Chương Trình.

SÁCH THAM KHẢO

§ Hòa Thượng Thích Hiển Pháp. (1994). Cẩm nang Hoằng Pháp. Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hoằng Pháp Trung Ương.

§ Sa môn Thích Thông Bửu (2004). Giảng sư - Bảy đức tính ưu việt. Nhà Xuất bản Tôn giáo.

§ Phạm Văn Nga, Trần Trung Can biên dịch (2004). Kỹ năng Thuyết trình. TP.HCM. Nhà Xuất bản Tổng hợp.

§ Tịnh Minh, Đặng Ngọc Chức (2004). Nguyên tắc diễn giảng trước thính chúng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top