Truyện ngắn: Nghệ thuật cải lương

1
Ngày 21/7/2021, nữ doanh nhân Đào Ngọc Thúy được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng, kết quả chụp X-Quang cho thấy hai phổi bà đã bị tổn thương trắng xóa, chỉ số SpO2 chỉ còn 75%.Chuyện bắt đầu xảy ra từ hồi cuối tháng sáu vừa rồi, Thúy từ Mỹ về Sài Gòn để dự đám tang một người bạn, thế rồi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến thành phố, sau hai tuần ở nhà, bà bắt đầu có dấu hiệu sốt và rát họng, rồi những cơn ho đến ngày càng nhiều, sau đó một người quen đưa bà đến viện kiểm tra thì phát hiện ra bà bị nhiễm Covid-19 từ lúc nào rồi. ...Trong phòng hồi sức lúc này, tuy đầu nặng như búa bổ và hai tai ù đi, nhưng Thúy vẫn nghe loáng thoáng được những trao đổi của mọi người về tình trạng của mình, họ nói bà thuộc trường hợp "Thiếu oxy thầm lặng", hướng điều trị lúc này là động viên bà cố gắng tự thở không cần đặt nội khí quản là tốt nhất."Có số người nhà bác ấy không?" Một người hỏi.Người kia nói người nhà bà ở nước ngoài chưa liên lạc được, nhưng như bà nói thì có ông Cao Hùng là bạn rất thân của bà cũng đang điều trị ở đây, nghe xong họ liền gọi ngay cho Hùng, họ giải thích qua tình hình và nhờ ông động viên bà trước khi bắt đầu điều trị.Rồi họ bật loa ngoài cho hai người nói chuyện, tuy bác sĩ không nói hẳn ra, nhưng cả hai đều hiểu là tình trạng của bà rất nguy kịch, không ai dám nói trước điều gì."Anh ơi!..." Thúy gọi, trong hơi thở khó nhọc. "Em sợ... rất sợ...""Em cố gắng làm theo lời bác sĩ!..." Hùng nói gấp gáp. "Hãy nhớ anh và má Châu lúc nào cũng ở cạnh em!" "Vâng...em..." Thúy không thể nói được nữa vì tức ngực quá.Bác sĩ đành xin phép tắt máy tại đây, họ hứa với Hùng sẽ nỗ lực hết sức để điều trị cho bà. Sau đó họ đặt bà nằm sấp và hướng dẫn cách tập thở, máy thở cũng được đặt ngay cạnh để can thiệp nếu có dấu hiệu thở nhanh. Sau đó là những ngày đêm nửa tỉnh nửa mê kiên cường chiến đấu với bệnh tật của Thúy, nhớ tới lời động viên của Hùng, bà luôn tự nhủ không được bỏ cuộc, trong cuộc chiến này bà không đơn độc, vì bên cạnh bà luôn có Hùng và má Châu, giống như những ngày tháng ấy...Đôi khi, trong những cơn mê sảng giữa đêm khuya, Thúy lại nhìn thấy má Châu trở về trước mặt mình, má mỉm cười và nhìn bà với đôi mắt đầy ấm áp và yêu thương. "Má Châu ơi! Xin tiếp sức cho con!" Thúy gọi thầm má trong những cơn mê sảng như vậy. "Con còn rất nhiều việc muốn làm! Xin má hãy tiếp sức cho con!..."2Một sáng mùa Đông năm 1953, thầy trụ trì một ngôi chùa ở quận 3 nghe thấy tiếng trẻ con khóc ngoài cổng, ông đi ra xem thì thấy một bé gái sơ sinh nằm trong giỏ nhựa, cạnh bé là ít quần áo và bức thư ngắn nhờ cậy nhà chùa, họ ghi tên dự sinh của bé là Ngọc Thúy.Sau đó Thúy được chính quyền đưa vào cô nhi viện nuôi ăn học, năm cô lên 7 tuổi, trong một lần đến viện làm từ thiện, má Châu phát hiện ra năng khiếu ca hát của Thúy nên xin nhận cô làm con nuôi và dẫn về đoàn hát truyền nghề.Còn Hùng được gặp má Châu muộn hơn, cậu gặp bà vào năm 1965, khi vừa tròn 14 tuổi. Ba của Hùng vốn là một nhà giáo mẫu mực được dân làng rất kính trọng, mỗi khi có đoàn cải lương về làng biểu diễn, người làng đều nhờ ông đứng ra đại diện tiếp đón, sau nhiều lần theo ba đi xem hát, Hùng đã dần phát hiện ra thiên hướng nghệ thuật của mình.Thế nhưng, khi vừa nghe con trai bộc bạch nguyện vọng trong lòng, ba Hùng đã gạt phắt đi ngay: "Ca cải lương!? Không được! Con không được đi theo cái nghề xướng ca vô loài ấy!""Con không hiểu?!" Hùng sửng sốt. "Ba đã khen ngợi họ hết lời cơ mà, chẳng nhẽ những lời ấy đều là giả dối hay sao?"Ông Long khổ sở nhìn cậu rồi nói: "Những lời ấy hoàn toàn thật lòng!""Vậy là... ba khen món ăn đầu bếp nấu rất ngon, nhưng lại chê đôi tay họ dính đầy dầu mỡ à?!""Trời ơi... Con phải hiểu là..." Ba nhìn cậu, gương mặt đầy đau khổ. "Nếu con theo đuổi nghệ thuật nghiêm túc, con sẽ phải sống với rất nhiều nhân cách, những nhân vật ấy sẽ ám ảnh con, con sẽ phải sống nửa điên nửa tỉnh suốt đời!""Con đủ mạnh mẽ để gánh chịu tất cả!" Hùng quỳ xuống nài nỉ. "Xin ba tin con!""Không! Con phải trở thành bác sĩ!!" Ba Hùng nói dứt khoát.Nhưng ngọn lửa nghệ thuật cứ ngày một bùng cháy mạnh mẽ trong lòng Hùng, và rồi đến khi gặp đoàn hát của má Châu, cậu đã làm một việc rất liều lĩnh, đó là bỏ nhà ra đi, bằng cách trốn vào thùng đựng đồ của đoàn hát.Thúy là người đầu tiên phát hiện ra Hùng, khi ấy đoàn hát đã sang tỉnh khác rồi, sau một hồi lúng túng không biết giải quyết thế nào, má Châu phải viết tạm một lá thư tay rồi cho người cầm về thông báo để gia đình Hùng yên tâm. Rồi khi hết chuyến lưu diễn, đích thân má Châu dẫn Hùng về nhà nhận lỗi, ông Long nhìn con bất lực, biết không thể ngăn được chí trai nên ông đành xin phép má Châu cho Hùng được theo bà lên Sài Gòn học hát.3Lúc đầu Thúy cũng không quan tâm đến Hùng lắm, nhưng có một lần Thúy bị trượt chân ngã xuống ao, Hùng đã kịp nhảy xuống cứu cô lên khi cô kiệt sức sắp không thể vẫy vùng được nữa, sau sự kiện đó thì cô bắt đầu nảy sinh tình cảm với anh - một thứ tình cảm hòa trộn giữa tình yêu, lòng ngưỡng mộ và sự biết ơn.Rồi hai người họ cùng trưởng thành bên nhau, hồi mới lớn Hùng rất ham chơi, thời gian ấy Thúy thường phải đón anh về đoàn hát trong trạng thái say mềm, có hôm tối muộn cô và má còn phải ra đường tìm, để rồi cuối cùng tìm thấy Hùng đang ngủ say sưa trên ghế đá công viên gần nhà.Từ nhỏ Thúy đã rất nhiều lần được nghe má Châu ca bài "Dạ cổ hoài lang" – bài hát kể về một người vợ khắc khoải đợi chồng, nhưng chỉ đến lúc này, khi bắt đầu lớn, bắt đầu nếm trải hương vị vừa ngọt vừa đắng của tình yêu, cô mới thấm thía được từng chữ từng lời của bài hát được mệnh danh là bài hát vua của sân khấu cải lương ấy: "Từ là - từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng/ Vào ra luống trông tin nhạn/ Năm canh mơ màng/ Em luống trông tin chàng/ Ôi! Gan vàng thêm đau í à..."4Năm 1970 đánh dấu một bước tiến lớn trong sự nghiệp của Thúy, cô đào con năm nào nay đã đủ trưởng thành để má Châu tin tưởng giao vai đào chính, không phụ lòng má, Thúy đã trở nên nổi tiếng chỉ sau một thời gian ngắn. Chưa có giai đoạn nào trong cuộc đời mà Thúy cảm thấy hạnh phúc viên mãn đến vậy, cô có má Châu, có Hùng, có một sự nghiệp triển vọng, dường như ông trời đang bù đắp cho tất cả những bất hạnh mà cô phải gánh chịu trong quá khứ.Nhưng Thúy không bao giờ có thể hình dung ra rằng, chỉ sau đó chừng một năm thôi, ba người họ sẽ đứng trước những ngã rẽ số phận hoàn toàn khác nhau. Vào một tối mùa hạ năm 1971, khi ba má con đến chụp ảnh ở tiệm ảnh Viễn Kính nổi tiếng Sài Gòn, tình cờ Hùng đã gặp được Thúy Nga - cô sinh viên Văn khoa hát nhạc Pháp hay có tiếng trong giới sinh viên lúc ấy, và anh đã trúng phải tiếng sét ái tình ngay từ lần gặp mặt đầu tiên ấy. Trước nay Thúy vẫn biết Hùng là người phóng khoáng ham chơi, nhưng chưa bao giờ cô thấy anh nhìn cô gái nào với đôi mắt như vậy, đôi mắt ấy nói với cô rằng gia đình họ sẽ mãi mãi rạn nứt kể từ đây. Sau đó một năm, Hùng xin phép má Châu tách ra ở riêng, anh đã quyết định chuyển sang điện ảnh và chuẩn bị xây dựng gia đình với Nga, ngày chia tay anh khóc và nói lời xin lỗi má Châu rất nhiều. Sau đó khoảng một tháng, Hùng và Thúy đã gặp lại nhau, đó là một đêm bão giông không thể nào quên trong cuộc đời hai người họ.Hôm ấy Hùng về lại đoàn hát để lấy ít đồ đạc còn sót khi chuyển nhà, cả đoàn hát đã về tỉnh biểu diễn, chỉ còn Thúy cố tình xin ở lại để mở cửa cho anh.Hùng tỏ ra ngượng ngùng khi thấy Thúy, anh hỏi thăm vài câu rồi vào phòng nhanh chóng xếp đồ.Đứng cạnh cửa nhìn anh xếp đồ, Thúy rơm rớm nước mắt nghĩ về tất cả những kỷ niệm bọn họ có với nhau, một lúc sau cô mở lời trước: "Anh... Anh nhất định phải đi à?!"Hùng im lặng một lúc, rồi anh quay lại và nói: "Con chim khi lớn sẽ phải rời tổ... Em biết quy luật ấy mà..."Thúy bỗng giật nút thắt khiến chiếc áo lụa cô đang mặc rơi xuống, để lộ ra thân hình đẹp tuyệt trần trong bộ đồ lót. Hùng giật mình vội quay mặt đi chỗ khác. "Em làm cái gì vậy!? Mặc đồ vào đi!"Thúy bước lại gần anh, rồi cô ngồi xuống giường và nhẹ nhàng ôm lấy anh từ phía sau. "Em không tiếc anh một điều gì cả!" Cô thì thầm vào tai anh như vậy.Hùng với lấy chiếc sơ mi trắng đang gấp dở trên giường, rồi anh quay người lại và nhanh tay choàng áo lên đôi vai trần của cô.Thúy nhìn anh ngạc nhiên, rồi cô hỏi: "Anh ngủ với bao nhiêu cô gái rồi, sao với em lại không??""Em là em gái anh!" Hùng nói. "Má và em là gia đình của anh!""Còn má và anh là cả thế giới của em!!" Thúy nói, đôi mắt đỏ hoe vì xúc động.Hùng sững sờ nhìn cô, không biết phải nói gì nữa, anh quay ra nhìn cây sao đen cổ thụ ngoài cửa sổ và thở dài mệt mỏi. Hai người ngồi bất động trong bóng tối một lúc lâu, đến khi ngoài trời có tiếng sấm đì đùng báo hiệu một trận mưa lớn sắp đến, Hùng mới cất lời trước, anh nói nhỏ nhẹ: "Trời sắp mưa, anh phải đi rồi! Em về phòng đi!" Thúy nhìn anh, nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt, cô nói: "Anh biết em là một đứa trẻ mồ côi... Em lớn lên trong nỗi cô đơn và mặc cảm. Thế rồi má và anh đã đến, đã mang lại cho em một gia đình – một tổ ấm mà em vẫn hằng khao khát... Em đã luôn nghĩ rằng ba người chúng ta sẽ mãi mãi được ở bên nhau, sau này khi má già đi, chúng ta sẽ tiếp quản gánh hát của má. Em sẵn sàng lui về hậu trường để chăm lo gia đình và hỗ trợ anh từ phía sau... Anh cũng biết là em có rất nhiều đàn ông theo đuổi, nhưng em chỉ thương anh, trong lòng em lúc nào cũng chỉ hướng đến anh..." "Anh rất trân trọng tình cảm của em!" Hùng buồn bã nói. "Nhưng trước nay anh chỉ luôn xem em như em gái mình!" "Tại sao vậy?! Em không hiểu??" Thúy gắt lên. "Em có gì không phù hợp với anh!? Rốt cục em thua cô ca sĩ hát nhạc Pháp ấy ở điểm gì??""Em bình tĩnh lại...""Hay anh thích nhạc Pháp đến vậy? Dạo này em cũng bắt đầu học tiếng Pháp... Em sẽ hát cho anh nghe, được không?!""Trời ơi! Em say rồi!?" Hùng đứng dậy và kéo tay Thúy lên. "Em về phòng ngủ đi!""Nhưng em không phục!!!" Thúy gạt phăng tay anh ra và hét lớn, tiếng hét của cô át cả tiếng sét nổ ngoài trời. "Rốt cục em thua cô ấy ở điểm gì???"Hùng cúi đầu bất lực, cảm thấy không thể trốn tránh được nữa, anh ngẩng mặt lên nhìn Thúy và nói: "Em quá xinh đẹp và sắc sảo, anh không thích phụ nữ như vậy!""Sao??" Thúy sửng sốt, lý do kiểu gì thế này."Anh thích vẻ đẹp dịu hiền của cô ấy, ở bên cô ấy anh có cảm giác mình là đàn ông, em không đem lại cho anh cảm giác ấy...""Không! Không phải đâu!!" Thúy luống cuống. "Em không mạnh mẽ như anh thấy đâu! Em cũng mềm yếu, em cần che chở hơn bất kỳ người phụ nữ nào, anh nhầm rồi!!""Anh xin lỗi!" Hùng quay người bước ra cửa, trước khi khép cửa, anh nói mà không quay lại nhìn cô: "Em nghỉ sớm đi, anh sẽ lấy đồ sau..."Thúy đứng chết lặng trong bóng tối khoảng hai phút, rồi cô vội chạy đến cửa sổ nhìn xuống dưới phố theo bóng Hùng, tay nắm chặt song sắt, cô bật khóc tức tưởi vì nhìn thấy người đàn ông cô yêu đang rời xa cô mãi mãi mà không thể làm gì được. Giá như Hùng nói vì cô xấu, cô đần nên anh không yêu cô thì Thúy sẽ chỉ đau khổ một thời gian thôi, nhưng với lý do quá trớ trêu thế này, thì Thúy biết rằng vết thương anh để lại trong lòng cô sẽ mãi mãi không bao giờ có thể lành lại được. Khoảng một năm sau, tình cờ một lần Thúy gặp một anh tiến sĩ từ Pháp về nước tìm tư liệu viết luận văn về cải lương, tính cách hiền lành của anh ta đã tạo thiện cảm cho cô ngay từ lần đầu gặp mặt. Sang đầu năm 1974 thì Thúy nhận lời cầu hôn của anh, sau đó ba tháng, hai vợ chồng họ quyết định sang Pháp định cư.Mỗi người trong gia đình họ đã đi theo ngã rẽ của riêng mình kể từ thời điểm ấy, má Châu tiếp tục dẫn dắt đoàn cải lương, Cao Hùng toàn tâm toàn ý theo điện ảnh, còn Thúy, sau khi ra nước ngoài, cô chuyển sang kinh doanh và cuối cùng trở thành một doanh nhân thành đạt.5Cuối năm 1998, má Châu phát hiện ra mình bị ung thư, gia đình vội đưa má đi chữa trị ở nhiều nơi, cả trong và ngoài nước, nhưng vì phát hiện muộn quá nên tất cả những gì bác sĩ có thể làm bây giờ chỉ là tìm cách kéo dài thời gian cho bà.Những ngày tháng nằm trên giường bệnh, má Châu vẫn đau đáu hướng về sân khấu, thậm chí, thứ thật sự dày vò bà lúc này không phải là bệnh tật, mà chính là thực trạng đi xuống của môn nghệ thuật mà bà đã dành cả cuộc đời để cống hiến.Kể từ đầu những năm 90, sự bùng nổ của làn sóng băng video và phim truyền hình khiến cho cải lương mất thế thượng phong. Sân khấu dần không còn nhiều đất sống, nhiều nghệ sĩ bỏ nghề, nếu vào thời hoàng kim, một suất hát chỉ bán được vài trăm vé là nghệ sĩ đã chê, thì bây giờ chỉ mong mỗi suất có được một trăm khán giả đến là nghệ sĩ thấy mừng lắm rồi. Rồi má Châu chợt nhớ đến người thầy đầu tiên dậy mình hát cải lương, khi nhập môn, câu đầu tiên bà hỏi thầy mình là: "Thầy ơi, cải lương nghĩa là gì ạ?" "Cải lương là ghép từ hai chữ đầu trong câu đối: Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh." Thầy nhìn cô học trò nhỏ với ánh mắt hiền từ và đáp."Nghĩa là sao ạ?!""Ngày ấy, các trí thức nước Việt ta theo Tây học và được tiếp cận với sân khấu kịch thịnh hành của phương Tây, họ đã quay lại cải tiến âm nhạc dân gian của miền đất Nam Bộ này lên, rồi kết hợp nó với sân khấu để trở thành loại hình kịch hát gọi là cải lương này." Thầy nói từ tốn. "Giống như phở và áo dài, cải lương là minh chứng cho thấy khả năng sáng tạo độc đáo của người Việt Nam khi sống trong bối cảnh giao thoa văn hóa."Một bộ môn nghệ thuật đã từng có thời lừng lẫy ở mảnh đất Nam Bộ này, lại có ngày đứng trước nguy cơ bị các loại hình nghệ thuật mới mẻ hơn đẩy lùi về dĩ vãng sao, má Châu ngậm ngùi nghĩ...Đến đầu năm 2002 thì nghệ sĩ nhân dân Tuyết Châu qua đời, bà ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng những người yêu cải lương cả nước. Cao Hùng là người luôn túc trực bên má Châu trong những ngày tháng cuối cùng ấy, cho đến lúc mất bà vẫn rất tỉnh táo, câu cuối cùng bà nói với Hùng trước khi nhắm mắt xuôi tay là: "Con ơi, kiếp sau có đầu thai lại, má vẫn xin được làm nghệ sĩ..."Còn Thúy, trước đây cô từng về thăm và đưa má ra nước ngoài chữa chạy một thời gian, nhưng lần này vì công việc bận rộn, lại biết tin quá muộn nên cô không kịp về nhìn mặt bà lần cuối. Hôm ra sân bay sau khi lo việc tang xong, Thúy vẫn không ngừng tự trách bản thân mình, Hùng phải động viên rất nhiều cô mới nguôi ngoai phần nào."Em đừng tự trách mình!" Hùng nói. "Trước lúc mất má luôn nói má tự hào về em lắm! Má biết thỉnh thoảng em vẫn bỏ tiền ra tổ chức diễn cải lương ở nước ngoài, dù biết sẽ thua lỗ...""Tiền bạc có nghĩa gì đâu anh!" Thúy cười buồn bã. "Em chỉ muốn làm sao để mọi người luôn nhớ đến cải lương, đó là thành tựu văn hóa của người Việt, cũng là di sản của má..."Rồi hai anh em mỉm cười tạm biệt nhau, lúc ấy không ai ngờ lần tiếp theo họ gặp lại nhau sẽ là ở đôi bờ sinh tử...6Sau gần một tháng chiến đấu với tử thần, Thúy đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm, đến ngày 24/8/2021, sau ba lần xét nghiệm âm tính, bà được bác sĩ cho phép xuất viện. Tuy khỏi bệnh nhưng sức khỏe của Thúy bị tổn hại nghiêm trọng, chỉ một tháng thôi mà bà sút hơn chục cân, tóc rụng trắng một mảng đầu, đi lại lúc nào cũng lảo đảo như người say rượu. Khi đứng ở cổng chào bệnh viện, như chợt hoàn hồn, bà giật mình quay sang hỏi y tá về Hùng, lúc này cô bé mới ngậm ngùi thông báo rằng ông đã mất ngay sau khi bà vượt qua giai đoạn nguy hiểm."Trời ơi!..." Thúy choáng váng, bà phải bám tay vào tường để không khụy xuống."Bác ấy dặn cháu không cho bác biết... Vì bác mới hồi phục." Cô nói tiếp. "Bác ấy nhờ cháu gửi lại tấm ảnh này cho bác."Thúy run run nhận bức ảnh từ tay cô, đó là tấm ảnh ba người họ chụp năm 1970, đằng sau ảnh ghi dòng chữ "Nhân sinh như mộng" và đề ngày mất của má Châu, có lẽ khi má mất, ông Hùng đau buồn quá nên đã nhờ thợ làm một bản sao nhỏ để cất trong ví làm kỷ niệm."Bác ấy còn nói... nếu chẳng may bác ấy không ra được khỏi đây, thì mong bác hãy sống thật ý nghĩa, hãy sống thay phần má Châu và bác ấy!""Ôi!... Má!... Anh!..." Thúy thốt lên.Nhìn về hướng mặt trời đỏ rực cuối chân trời, Thúy chợt hiểu ra việc đầu tiên mình phải làm sau khi dịch bệnh qua đi là gì, bà sẽ tổ chức một buổi biểu diễn cải lương sau khi trở về Mỹ, dù biết sẽ thua lỗ, bởi vì đó là cách duy nhất để bà được gặp lại má và anh, ở nơi thánh đường sân khấu ấy gia đình họ sẽ được đoàn tụ bên nhau mãi mãi./.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top