Chương 1: Xanh đồng nội (*)

"Dù rằng những triền miên của đêm dài chống Mỹ đã qua, nỗi đau của người ở lại vẫn còn đó."

...

"Súng bên súng, đầu sát bên đầu Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ Đồng chí!" 

 Năm 1970, cuối tháng 9, vào một ngày trời quang đãng. 

 Cái hầm trú ẩn ấy lại sập. Và lần này nặng hơn mấy lần trước: sập một cách hoàn toàn. Nhật - khi ấy vẫn còn đang tấp nập cõng bọn trẻ làng chạy bom, chỉ vừa kịp chui nửa người vào thì hầm sập mất. Mà cậu trinh sát đó khi ấy cũng chả cảm thấy gì nặng nề cho lắm. Hầm sập thôi ấy mà, so với bị bọn Mỹ bom cho mấy quả thì vẫn nhẹ hều, chẳng thấm vào đâu so với cái bản tính táo tợn của cậu! 

 "Úi xời," Nhật nhoẻn cười xuề xòa. "như này thì có là gì so với vụ sập hầm chị Châu? Cũng may, chị ý căn chui vào vừa kịp lúc bom nổ, không thì cũng..." 

 Lần nào lần nấy, Nhật cứ bô bô như vậy miết. Có chăng, trong mắt cậu chàng, chết chẳng phải điều gì đáng sợ. Hoặc nếu có đáng sợ thì họa may là chết mà chưa làm được gì cho Tổ Quốc, chết mà phải đợi mòn miết đến ngày khải hoàn.

 Phải khi bị anh Dương tiểu đội trưởng cốc đầu cho mấy quả, Nhật mới chịu lặng im. Cũng ấm ức lắm chứ, nhưng mà anh ấy là đội trưởng, nên phải nhịn. Có nghe chửi cũng phải nhịn. 

 "Mồm mày nói nghe xui quá xá. Đúng là đồ con nít, chỉ có con nít mới không sợ bị chết. Còn anh ấy à... lớn rồi, nên mới biết sợ, hiểu không? Còn ăn nói nhăng cuội nữa là mày cứ liệu hồn."

 Dương vừa ca cẩm, vừa dúi dúi mấy nắm đấm vào không khí làm điệu mình oai lắm. Hừ, anh mới đúng là thứ trẻ nít, Nhật trộm nghĩ.  Nhưng lần này... thì khác. Khác lắm. Nhật chẳng ồn ào, năng nổ nữa. Cậu cứ thế nằm lặng im trên cái cán tạm bợ, được bao quanh lấy bằng những đường băng cũng tạm bợ chẳng kém. Nhật nhìn im ắng, đơn côi đến mức chẳng còn nhìn giống Nhật nữa, mà là một ai đó khác người thiếu niên vừa lao mình vào cái hố sập nổ muộn. Dù có vậy, cậu vẫn trông thật kì khôi. Vì đời nào có ai tránh bom mà vẫn ôm khư khư cái bi đông đựng nước đã bị bóp méo một phần?

 Chỉ có đứa trẻ con ngỡ rằng món đồ nhỏ nhoi nó có là cả một phần bầu trời mới như thế. Và Nhật khăng khăng rằng cậu ta không phải trẻ con. Nhưng Nghi thì lại bảo là có đó. Nhật chợt nghĩ, cậu giao liên này sao dòm qua quen quá. Quen cái màu lưng áo xanh mơn rất đồng nội, hay màu xanh mà Nhật đã đánh mất nơi những tét bánh chưng được gói đợt Tết đến xuân về.

 "Người đồng chí này có mùi thơm của nội thành Hà Nội. Làm mình nhớ tới ngày đầu xuân hồi mấy năm trước cùng các anh đi xem người ta treo câu đố ngoài hiên cửa." Nhật lại trộm nghĩ.

 Tính cậu vốn vậy, bên ngoài thẳng đuồn đuột, còn những gì kín kẽ thì lại đem giấu hết vào trong. Mà những kín kẽ ở đây lại mới là tâm tình lòng cậu tỏ, còn lại là những ngượng ngịu, những bâng quơ đâu đó chui ra từ cổ họng. 

Có cái anh nọ tên Khánh bảo: người như vậy, sống chẳng dám lộ ra điều chi; cứ mơ hồ tựa như kho báu sau khung cửa khóa, ít ai đủ kín đáo để mở ra. Còn cậu giao liên tên Nghi ấy thì lại nghĩ đơn giản: "Ui, cậu này dòm xinh trai ghê. Không biết bình thường cậu ý có hay đến cái viện dã chiến này không ấy?"

 Hình như, phải giản đơn lên nhiều chút, mới làm Nhật cởi mở cái lòng thêm xíu xiu. Như vậy mới là tình đồng chí. Nhưng mà, cậu bối rối, đồng chí thường tình sẽ chạm vào nhau như vậy sao? Nhật ngẩn người, cái chạm này chỉ khiến da thịt cậu hơi se lại thôi mà, sao lại khiến trong cậu nôn nao một xúc cảm lạ kỳ quá mức. Chỉ là Nghi đang hết sức dịu dàng vén cái cạp quần cứng khô của cậu lên sát sàn sạt nơi nào đó cao hơn cả đầu gối rớm máu, rồi săn sóc cái nơi vết thương cậu cháy bỏng đến rát ghê rát gớm. 

 "Đồng chí bị thương nhiều quá đấy, đúng chểnh mảng mà. May ngoài da thôi. Tuy cùng bè với các anh các chị trú tại viện nhưng mình không rành rọt lắm mấy thứ y khoa. Thế mà vẫn biết đường cậu bị nặng hay nhẹ đấy nhé!" 

 Ờ, cảm ơn cậu. 

Đáng lẽ Nhật phải sẽ nói thế. Nhưng lạ thay, lời cậu muốn nói như níu lại chỗ lưỡi, níu chặt, không buông. Làm cậu cảm tưởng nếu để lâu thêm ít hoặc nhiều chút nữa thì chúng sẽ rơi lả tả thật sâu trở vào họng cậu, đâu đó tận mắt cá chân. 

 "Đồng chí dịu dàng quá..." Nhật nói khe khẽ, khẽ đến mức cả cái đời trinh sát của cậu chưa từng nói lời nào khẽ khàng đến mức muốn vỡ ra đến vậy. Thế mà Nghi vẫn nghe được. 

 "Cậu... bảo mình đấy à?" Nghi ngớ người, rồi cười khì. "Cảm ơn nha, mình chưa từng được ai đó khen dịu dàng."

 Đúng lỗ tai trâu! Nhật thầm nghĩ. Đột nhiên, Nhật thấy cái dáng vẻ suy tư trong tĩnh lặng ấy của Nghi chẳng hợp với nét mặt lanh láu và cái miệng táy máy chỗ này chỗ kia ấy của cậu tí nào. Nhìn cứ buồn buồn, rầu rầu thế nào ấy! Mà có được bao lâu đâu. Chỉ trong tích tắc, Nghi lại trở về trạng thái thường thấy. 

 "Tai cậu nóng quá này."

 Cậu giao liên đó nói, rồi chạm vào vành tai Nhật, vẫn dịu dàng hết sức.Nhật bất giác run lên - một cử chỉ thường thấy khi ai đó chạm vào cậu ở những nơi kín đáo hơn cả làn da, đôi mắt. Nếu là cậu của những ngày xưa cũ, có chăng chỉ mỗi bố mẹ Nhật mới thật nhẹ nhàng, khẽ khàng như thế.Giữa cái sự bộn bề rung cảm đó, Nghi chẳng nói chẳng rằng mà buông Nhật ra, quay đi. Cậu đưa tay che mặt, nửa muốn nửa không vị thần nào đó trên cao làm cái mặt gấc chín của cậu bớt đỏ. Rồi lại chẳng để lại lời nào, cậu lúi cúi gật đầu với Nhật, rồi rời phòng trong vội vã. Có lẽ cả hai đều trẻ con. 

  ...

Năm 1970, đầu tháng 10, chiều gió.

 Nhật lúc này đã khỏi hẳn, đang ngồi cạnh cái bệ cửa xập xệ của viện dã chiến, vuốt từng vết nhăn trên áo lính mình. Hơn hai tuần qua, chưa hôm nào cậu nguôi nỗi nhớ Trường Sơn. Một nỗi nhớ ở cái nơi cậu cõng bọn trẻ làng chạy bom, nơi hôm nào cậu cũng xuống mãi bưu điện ngóng tin Việt minh, hay nơi cậu bẻ nửa nắm xôi trên tay biếu các cụ già. Cái nhớ ấy cắm sâu vào da, vào thịt Nhật.

 Hệt như cách Nghi rờ mó đâu đây, gợi lên những cái gợn xa xăm ở sâu hoắm bên trong cậu. "Ở với mình mà Nhật vẫn chưa thỏa lòng sao?" Nghi nhoẻn miệng, hai bên mí mắt nửa khép nửa hờ rồi áp sát Nhật. Trán hai người cứ thế chạm vào nhau, nóng bừng ran. Cái cậu đó cứ thế mãi thôi. 

Như con thiêu thân lao vào khiêu khích Nhật, theo một cách trông vô hại đến đáng sợ. Cậu đã ngỡ sau chiều thu hôm nọ, lảng tránh ánh mắt ấy chỉ là chuyện cỏn con như bẻ nửa nắm xôi. Nhưng Nghi chẳng những không biết đường thỏa hiệp mà còn sấn sổ hơn, chăm chú việc đem lại cho Nhật những bâng quơ, những bồi hồi đầy ghê gớm. 

 "Nhật đi cẩn thận." Và rồi Nghi nói thật dịu dàng. "Ừm." Nhưng cậu chẳng còn gì để đáp lại. Tựa như một nửa linh hồn vẫn nhớ, cái ngày mới lên chiến khu Trường Sơn, thấy chị thanh niên xung phong vừa đứng đó vẫy tay, giây sau đã chôn mình trong đất. Đám trai thành thị chỉ vừa nhập ngũ, đâu đã phải quen mấy cảnh như thế. 

Sau lâu rồi mới biết, chuyện người mình vừa chào, quay đi ngoảnh lại đã thấy tin báo hy sinh là chuyện bình thường. Nhật lại không muốn gặp Nghi cách vậy. Lần đầu tiên trong đời cậu sợ nhận phải tờ giấy báo tử ghi tên cậu trai dịu dàng, trạc tuổi, cả người mát mẻ y hệt lời nói. Cũng lần đầu, cậu thấy "ghét" một người chỉ vì họ lần nào đi đi về về cũng như tắm mình trong những vết thương. 

 "Được rồi, chào đồng chí." 

 Chỉ kịp nói vậy, Nhật rời đi cùng tiểu đội, trên tay cầm chắc cái bi đông Nghi tặng. Chắc lần này, cậu sẽ không thể thật tập trung hát Tiểu đội xe không kính, cười giòn giã những chuyện không đâu hay ngồi ngẩn ngơ ngắm chút yên bình cuối ngày.

 "Không biết mấy sấp nhỏ ở bản có thích chơi với ống sắt không ta?" 

 Quả nhiên, cái cậu tên Nghi kia biết cách làm trái tim người ta trở nên vội vã kinh khủng.

  ... 

 (*)Xanh đồng nội: Ở đây, cái hiểu đầu tiên là ấn tượng gặp thứ nhất của Nhật dành cho Nghi là một màu xanh áo lính rất chi là đồng nội, làm cậu cảm thấy gần gũi cực kì vì nhớ đến cái màu trong quá khứ hồi còn ở Hà Nội á. "Xanh" còn là "xanh" trong "Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh". Ý chỉ những thanh thiếu niên tuy tuổi đời còn mới đôi mươi nhưng đã một lòng xông pha nơi mặt trận, sẵn lòng tử vì đạo. Và cái "đạo" của họ chính là niềm tin nơi Tổ Quốc ngày chiến thắng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top