Ngày Trở Về

“Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được.
Đúng mười một giờ ba mươi phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ tổng tham mưu Ngụy, Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng!”

***

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong không khí vui tươi phấn khởi của toàn dân, Tổ quốc ta rực rỡ với sắc đỏ cờ hoa mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những tiếng hoan hô reo mừng của hàng vạn người dân vang lên cùng bao cảm xúc. Có người hân hoan đầy hạnh phúc, có người tự hào, hãnh diện, cũng có người bùi ngùi và xúc động,...

“Sau hơn chục năm trời dài đằng đẵng, chúng ta đã giành được quyền độc lập của nước nhà!”

Tôi lặng yên, đưa mắt nhìn khắp xung quanh như muốn bản thân phải ghi nhớ thật kĩ những khoảnh khắc quý giá này. Gió nhẹ nhàng lướt qua con phố rộng lớn, đem theo hương hoa dìu dịu. Dọc hai bên đường, những hàng cây to nghiêng mình xuống để tia nắng khẽ lọt qua từng vòm lá xanh xanh, rơi xuống đất và bắt đầu khiêu vũ một cách vô cùng uyển chuyển theo chiều gió.

– Mới hôm nào anh em mình còn bày trò khai gian tuổi đấy mà...

Người nọ khoác vai tôi cùng tiếng cười khanh khách quen thuộc. Tôi không cần quay sang nhìn cũng biết là ai đang đứng cạnh mình. Đó là Kiên, thằng bạn nối khố của tôi.

Giờ chúng ta thắng rồi! – Kiên giơ cao tay còn lại lên. – Đất nước ta thống nhất rồi!

Tôi bật cười, đáp lại Kiên với giọng nghẹn ngào:

– Ừ, hoà bình!

– Thế, sau này đồng chí Trung nhớ phải mời tôi đến ăn đám cưới của đồng chí với cô Xuân đấy nhé?

– Sao lại không? Mấy đứa chúng mình vốn làm bạn với nhau từ bé, tao mà không mời mày, tao chết!

***

Khoảng giữa tháng sáu, tôi và Kiên cùng trở về quê nhà. Khi ấy trời còn đương buổi sớm, mặt trời chưa lên hẳn và làn sương trắng mỏng vẫn đang phủ khắp vùng. Hương cỏ ướt thoang thoảng bốc lên sau cơn mưa lớn đêm qua, gợi lại trong tâm trí tôi biết bao kỉ niệm từ thuở thơ bé. Nghĩ đến nó, lòng tôi bỗng thấy bình yên và vui vẻ hơn hẳn, tay vô thức giữ chặt lấy hai hộp gỗ vuông được gói kỹ bằng tấm vải lụa màu trắng ngà.

Tôi vội vã bước mau qua cổng làng, mọi thứ thay đổi nhiều quá. Dường như chẳng còn gì của xóm Bình mấy năm trở về trước. Lũy tre xanh vi vút đầu làng, cánh đồng sau vụ lúa chiêm xuân cùng mấy ụ rơm vàng hoe kế cạnh, hay cả mấy cây gạo lớn gần con đường mòn dẫn sang khu xóm Đoài,... giờ đã biến đi đâu mất.

Kiên rảo bước phía sau tôi, yên lặng ngắm nhìn khung cảnh mới lạ của quê nhà, như cũng đang nghĩ đến những tháng ngày trước kia.

Tiếng chim hót ríu rít vang lên, xen lẫn với tiếng cười nói vui vẻ của những người đi chợ buổi sớm tràn đầy cả mấy gian hàng.

Bao người thân quen trong gia đình tôi và Kiên ở xóm Bình đều bị giặc hại chết cả, nhưng may là vẫn còn có Xuân và cái Minh – cô em ruột kém hai tuổi của Xuân. Tôi vẫn nhớ rõ nhà Xuân nằm ngay khu đầu xóm, còn nơi tôi ở thì tận tít cuối xóm. Nhưng giờ đây đường ngõ trong làng đã thay đổi đáng kể, không còn dải đất màu mấp mô, quanh co ngõ rẽ khi xưa. Tôi khựng người, phân vân chẳng rõ mình nên đi theo hướng nào. Chợt Kiên gọi tôi rồi chỉ tay qua chỗ cây đa cỗi và quán nước nhỏ kế cạnh nó.

Này, tao với mày qua đó hỏi đường thử đi, tiện cũng hỏi chuyện về xóm mình mấy năm gần đây luôn.

Tôi nhìn sang hướng Kiên chỉ, bỗng thấy cô chủ quán nước ấy trông vừa lạ mà vừa quen. Chẳng hiểu sao khi ấy tôi lại lưỡng lự vài giây, đứng yên không động đậy, rồi mãi sau mới gật đầu đồng ý.

Ừ. Đi...

Bởi còn sớm, cô hàng nước vẫn đang lúi húi dọn hàng, không nhận ra có hai vị khách đang đến gần quán mình. Cô bước từng bước khập khiễng với cái chân đau, và trên khuôn mặt đẹp nhưng xương xương ấy hiện rõ vẻ buồn rầu, lo lắng. Kiên mở lời trước, tôi bước theo sau, nghe câu nói của cậu ta mà sửng sốt, lòng bối rối.

Minh phải không em?

Người kia nghe có ai gọi nên tiến thêm một bước để nhìn tận mặt đối phương. Đôi mắt sâu hoắm bỗng mở to, sáng lên một chút, và cô đứng ngây ra, không sao giấu nổi sự ngạc nhiên. Sau khi hoàn hồn, Minh đáp lời Kiên với nụ cười chua chát, mắt đỏ hoe:

Vâng, đúng là em đây. Mà hai anh thay đổi nhiều quá!

Nghe Minh nói, trong vô thức, tôi đưa tay lên chạm nhẹ vào vết sẹo lớn nằm bên mắt trái do bị một mảnh bom văng thẳng vào đó. Và tự nhiên tôi thấy hơi buồn, trong lòng chợt dâng lên loại cảm giác kì lạ, khó hiểu, khó tả. Tôi cười gượng.

Ừ, trông em cũng khác trước nhiều đấy.

Nắng lên, êm ả như ru với bầu trời xanh ngắt, vài ngọn gió khẽ lướt nhanh qua khu xóm Bình. Ba người chúng tôi cùng trò chuyện thêm mấy câu, rồi cái Minh dọn lại hàng, bảo đóng cửa quán nước một buổi để dẫn tôi cùng Kiên về gặp Xuân.

Nghe vậy, tôi bỗng thấy háo hức hơn hẳn, bước theo sau cái Minh mà nghe cả tiếng trống ngực đập thình thịch. Chỉ một lát nữa thôi, tôi sẽ gặp lại Xuân. Trong đầu tôi hiện lên vô vàn viễn cảnh xem khi ấy mình nên nói gì, nên làm gì,... Và tôi sung sướng tưởng tượng đến cả cái tương lai hạnh phúc của hai đứa trên suốt quãng đường từ quán nước cạnh cây đa đến cổng nhà mới của hai chị em Xuân – Minh. Thú thực, tôi thậm chí còn chẳng rõ mình đã bước qua bao ngõ rẽ, chứ đừng hỏi đến chuyện có nhớ Kiên đã nói những gì với Minh khi ba người cùng đi trên đường...

Hai chân Minh ngày bé vẫn bình thường như bao người khác, thậm chí nó còn nổi tiếng là đứa chạy nhanh gần như nhất xóm trong đám trẻ con, thua mỗi Kiên. Nhưng chỉ cách đây khoảng độ ba năm trở về trước, con bé đã mất hẳn một bên chân do cuộc tập kích phá hoại miền Bắc lần thứ hai của Mỹ. Giờ nó đang dùng chân gỗ. Vậy nên, tuy quãng đường không hẳn là xa đối với tôi và Kiên, nhưng cả bọn phải mất đến hơn ba mươi phút đi bộ mới tới nơi.

Mặt trời dần lên cao hơn một chút so với trước, nắng gắt. Nhưng ngay đoạn từ cổng vào dẫn thẳng đến chỗ thềm nhà Xuân – Minh có nguyên dàn thiên lý xanh mướt che phủ, nên không khí trong sân rất mát. Trên khoảng sân nhỏ lát gạch bát tràng, tôi thong thả rảo bước để ngắm kĩ quang cảnh xung quanh.

Tiếng kẽo kẹt vang lên từ cánh cửa gỗ cũ, Kiên cùng Minh đã bước vào trong nhà, nhưng tôi vẫn còn đứng ở phía ngoài. Trong lòng tôi chợt cuộn lên cảm giác khó chịu, nhưng âu cũng là do tôi hồi hộp quá chăng? Nghĩ vậy, tôi lắc đầu, rồi bước nhanh qua ngưỡng cửa nhà.

Bên trong nhà hơi tối, mát lạnh, và đặc biệt là nó yên ắng đến lạ như thể vốn chỉ có một người ở. Minh lật đật đi mở cửa sổ cho không gian phòng khách trở nên sáng sủa hơn, rồi tiến vào căn phòng phía trong làm gì đó. Tôi đặt quà của mình xuống phản, chỉnh trang lại quần áo cho gọn gàng, định hỏi chuyện về Xuân thì nghe Kiên bảo:

Trung, mày có đem theo diêm hay bật lửa không?

Gì? Có đây. – Tôi rút từ trong túi áo ra một chiếc bật lửa, đưa cho cậu bạn. – Nhưng mày cần nó để làm gì?

Kiên nhận lấy chiếc bật lửa, lẳng lặng không nói, và đúng lúc ấy cái Minh trở ra với một hộp gỗ đen lớn. Con bé đặt cái hộp lên trên tấm phản, ngay trước mặt tôi cùng ánh mắt buồn rầu khó hiểu. Khi Minh mở nắp hộp, tôi thấy bên trong đó chứa đầy những phong thư được ghi rõ tên người nhận là tôi. Không cần Minh nói tôi cũng nhận ra toàn bộ chỗ này đều là thư do chính tay Xuân viết. Tim tôi hẫng mất một nhịp, cảm giác như mọi chuyện có gì đó không đúng.

Sao lại...?

Thế rồi tôi quay qua nhìn thằng Kiên, thấy nó đang đốt ba nén nhang, và tôi hướng mắt lên chỗ tấm di ảnh đặt ngay ngắn trên ban thờ. Tôi bàng hoàng, chợt tỉnh người khi nhận ra ý của cái Minh khi trước.

Tôi không dám tin vào những gì bản thân mình vừa thấy, nhưng Kiên đã lắc đầu ra hiệu với tôi bằng đôi mắt đỏ hoe, trông như sắp khóc. Riêng Minh thì không kìm được nước mắt nữa. Con bé khóc nấc lên, nghe sao mà đớn đau như đứt từng khúc ruột.

Chị Xuân... Chị đã mất từ hồi tháng mười hai năm bảy hai rồi anh ạ. Em thì may mắn hơn chút, nhưng cũng chỉ đến thế thôi...

Minh ngừng lại, nước mắt cứ ứa ra mãi. Nó cúi thấp đầu, giọng lạc hẳn đi.

Trước đó vài tháng, chị cứ dặn đi dặn lại em là dẫu có thế nào, em cũng phải gửi chúng cho anh thường xuyên. Khi ấy, em chẳng thể ngờ rằng... Mọi chuyện sẽ thành ra thế này…

và lòng tôi chết theo người tình năm ấy
sự thật là dao cứa nát bấy trái tim
thời gian trôi qua ngỡ như một cuốn phim
nhưng đã cướp mất vô vàn niềm hạnh phúc

ngày ra tiền tuyến em gửi tôi lời chúc
“anh đi an toàn rồi chiến thắng về quê
em đợi anh giữa vòm lá cũ xum xuê
giải phóng đất nước, ta tính đường chung sống”

vậy tôi còn gì sau chuỗi ngày mong ngóng?
một câu báo tin: người yêu đã không còn
lòng tôi chạy vội, tìm khắp những lối mòn
kêu la thảm thiết vì không còn em nữa

từ nay về sau không còn ai đợi cửa
cũng không còn ai khâu manh áo rách vai
trách than số phận hay đổ lỗi tôi sai?
chẳng hề giữ nổi thứ tình yêu cao cả

nhung nhớ về em mà lệ rơi lã chã
người ở trong tim nhưng bóng dáng nay đâu?
em hứa chờ tôi dẫu cho có bao lâu
cuối cùng lỡ hẹn khiến ái ân bỏ ngỏ

chốn xưa điêu tàn với nấm mồ xanh cỏ
đâu còn mắt môi và những buổi huyên thuyên
người ở chiến trường mà thân thể vẹn nguyên
người nơi thôn xóm lại ra đi vĩnh viễn

đôi ngả chia lìa, tôi ướt lòng đưa tiễn
đất nước tự do nhưng thiếu một mùa xuân
Xuân yêu của tôi là cô gái tảo tần
đẹp đẽ hơn cả muôn loài hoa thơm ngát

cứ ngỡ hòa bình là đời mình sẽ khác
nhưng nào ngờ đâu lại dang dở, chia ly
nước mắt chảy ra không phải ở khóe mi
mà từ xương máu, tâm tư và hồn phách

không có em chờ, tôi giống như người khách
quê hương bỗng nhiên xa lạ biết nhường nào
vác súng lên vai vì hạnh phúc đồng bào
nhưng khi bỏ xuống chỉ còn tôi đau đớn

Tổ Quốc tự do là niềm vui to lớn
mà những tiếc thương vẫn còn âm ỉ hoài
ai trả cho tôi làn tóc thoảng hương lài
và người con gái đem lòng yêu suốt kiếp

bom nổ, đạn rơi trong chiến tranh khủng khiếp
không giết chết tôi như việc mất tình yêu
chôn vùi thân xác dưới kỷ niệm xưa nhiều
hao gầy thần trí theo tháng ngày khốn đốn

bóng dáng thân thương vẫn in hằn khắp chốn
đưa mắt nhìn quanh, đâu đâu cũng là em
tôi gảy khúc đàn dẫu chẳng có em xem
bài ca buồn khổ viết dong dài như sớ

hớt hải gọi em trong cơn say ngủ mớ
choàng tỉnh giữa đời, nước mắt ướt giấc mơ.

git & Ryu Doun.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: