Chương 11: Qua Nhà Tôi Ngay Bây Giờ.
Tôi cười khổ. Sao tôi lại rơi vô tình huống này hả trời. Lúc nãy vì sơ suất không hỏi kỹ Hoàng muốn uống café gì, đen hay sữa, ít đường, nhiều đường? Nóng? Đá?... Vì nghĩ rằng chỉ cần hỏi thư ký là biết nên không hỏi anh ta. Giờ đứng đây lóng ngóng. Tôi bắt đầu suy luận: người không hoặc ít uống café thì chắc là không thích hoặc vì lý do gì đó mà không thể chịu được lượng cafein. Vậy thì không thể cho nhiều café được. Trong mọi loại biến thể của café thì chỉ có món bạc xỉu là ít café mà thôi. Mà người sạch sẽ như Hoàng chắc chắn sẽ không thể uống đá lạnh khi làm việc vì nó sẽ vương bẩn lên bàn.
Suy luận xong tôi liền đi pha cho anh ta một tách bạc xỉu nóng hổi. Vừa mang vào phòng cho anh ta vừa hồi hộp như bốc thăm trúng thưởng.
Hoàng nhìn tách bạc xỉu nghi ngút khói trên bàn mất mấy giây như đánh giá xem tại sao tôi lại làm cho anh ta cái món này. Tôi định thần nếu bắt tôi pha lại thì tôi sẽ hỏi cho cặn kẽ. Nhưng số tôi lần này may, lần đầu tôi được anh ta ghi nhận:
"Xem ra cô cũng thông minh đấy. Từ ngày mai mỗi sáng mỗi chiều cô cứ công việc này mà làm."
"Vâng. Nếu không còn việc gì tôi xin phép."
***
Tôi về phòng tiếp tục công việc. Bắt đầu lấy mấy bản vẽ ra nhìn tới nhìn lui, search thông tin trên google xem có hiểu được chút nào không. Đâu vẫn hoàn đấy, như nhìn vào đám rừng. Dự án Legend City Đà Nẵng mà Huy Hoàng đang trong quá trình làm việc với Denkei là một dự án nhà ở liên kế cho nhân viên cấp cao của Denkei. Denkei là một công ty sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử nên có số lượng nhân viên rất đông, trong đó lượng quản lý cao cấp vừa người Nhật vừa người Việt lên đến cả trăm, vài trăm người. Họ xây khu nhà liên kế này trong khu phức hợp vừa công viên, vừa trường học, bệnh viện, giải trí của họ. Khu nhà này vừa để cho cấp quản lý ở, vừa để bán. Ngoài công ty Huy Hoàng thì còn vài nhà thầu nữa dự thầu. Denkei chưa quyết định chọn nhà thầu nào. Thứ 2 tới đây chúng tôi ra Đà Nẵng gặp họ để trình bày phương án lần cuối, nên chuyến đi này quan trọng là vậy.
Tôi xếp mấy bản vẽ của khu nhà lại. Hy vọng tối nay tôi có người để hỏi vì tối nay tôi bắt đầu buổi học Phong Thuỷ đầu tiên. Bây giờ tôi lên kế hoạch cho chuyến đi Đà Nẵng sắp tới. Ra Đà Nẵng lần này chỉ có Hoàng và tôi. Nhiệm vụ của tôi trong chuyến đi này chủ yếu là để phiên dịch cho Hoàng. Nhưng để truyền tải được đúng, thậm chí là hay hơn từng ý mà Hoàng muốn trình bày, thì bắt buộc tôi phải hiểu về dự án này, hiểu về xây dựng. Phiên dịch không thôi thì không làm khó được tôi. Nhưng để thuyết phục để Denkei chọn Huy Hoàng làm thầu chính cho Legend thì có vẻ vấn đề không chỉ nằm ở chuyện tôi phiên dịch đúng và đủ ý. Bởi nếu đơn giản như vậy thì Hoàng có thể chọn bất cứ ai biết tiếng Nhật. Càng nghĩ tôi càng cảm thấy áp lực. Nhưng càng áp lực thì hình như trong tôi lại càng bị ...kích thích hay sao ấy. Cái cảm giác mình phải chinh phục được cái mà mình thấy khó, nó rần rần trong người. Mà đây lại là việc không phải của riêng tôi, mà là việc của cả một công ty, nên tôi vừa thấy khẩn trương, nhưng cũng thấy thật thú vị.
Mang tâm trạng ấy vào buổi học Phong Thuỷ đầu tiên, tôi đem câu chuyện của tôi trình bày một lần nữa với anh Huy Anh, về sự gấp gáp của tôi. Anh ấy không ra vẻ gì khẩn trương như tôi, cũng không thường an ủi và động viên như chị Châu vẫn làm với tôi. Anh chỉ vạch ra lộ trình từng kiến thức chúng tôi sẽ cùng học và thống nhất phương án học phù hợp.
Nói một chút về anh thầy này. Thực sự tôi bị ấn tượng khi màn hình hiện lên hình ảnh một ông thầy Phong Thuỷ không phải như tôi hình dung. Anh thầy khá trẻ, mặt mũi sáng sủa nhưng nhìn ...hơi khó tính giống lão Hoàng. Điểm làm tôi ấn tượng là anh mặc một bộ Haori. Đây là lễ phục truyền thống của người Nhật mặc trong những nghi lễ trang trọng như lễ thành nhân, lễ tốt nghiệp, lễ thành hôn. Nếu không ở Nhật thì ít ai biết về những lễ phục truyền thống này. Nên tôi đánh giá anh thầy này chắc chắn là tri thức dày dặn và có vẻ ...khác người nữa. Trong tâm trí tôi thầy phong thuỷ thì chắc phải đeo nhiều chuỗi, nhiều hạt ở cổ, ở tay, thậm chí là cái đầu sẽ cạo trọc dù tôi cũng không hiểu sao người ta thường hay có style cạo trọc đầu để ra vẻ huyền bí và khác người, mặc đồ Trung Hoa rồng phượng bay nhảy uốn lượn này nọ. Nhưng anh Huy Anh không có một chút gì đặc điểm ấy, mà lại cũng không như người thường. Khó tả thật đấy.
Buổi học đầu tiên, tôi học được nguyên lý đánh giá ngoại khí và nội khí. Nôm na ngoại khí tức là hình ảnh bề ngoài của ngôi nhà, là cảnh quan xung quanh nhà. Nội khí là năng lượng, là khí di chuyển trong nhà. Nếu biết cách dẫn khí đi đến nhiều nơi nhất có thể trong nhà, thì nhà sẽ vượng, sẽ tốt cho người ở trong đó. Cho nên mới cần thiết kế là vậy. Thiết kế tầm bậy, không có kinh nghiệm thì khí không thể lan tỏa trong nhà, dẫn đến việc sẽ hình thành sát khí và sẽ có nhiều nơi trong nhà bị bế khí hoặc vô khí. Sát khí thì dễ gây tổn thương, đại ý là người ở trong nhà dễ bị thương tổn, mà bế khí thì dễ bị bệnh, vô khí thì nơi đó sẽ làm cho chất lượng cuộc sống rất thấp. Nhiệm vụ của kỹ sư thiết kế là phải thiết lập hệ thống giao thông trong nhà sao cho dẫn khí đi chan hòa khắp căn nhà. Vì vậy, nếu đã biết về Phong Thuỷ theo lý thuyết này, tức là lý thuyết mà anh Huy Anh đang dạy cho tôi, thì chỉ cần nhìn bản thiết kế, tôi sẽ đánh giá được nhà này tốt hay không, thậm chí có thể chấm điểm cho từng khu vực trong nhà nữa ấy chứ. Chấm điểm được thì sẽ biết sử dụng sao cho đúng công năng. Thậm chí biết cách cải tạo cho nơi có điểm thấp được nâng điểm.
Hay thật đấy. Sao có một phương án hay thế này mà tôi không nghĩ ra sớm. Tất nhiên tôi là tay ngang nên tôi chỉ cần biết như thế này thôi. Biết được nhà tốt nhà xấu, tốt thì sử dụng, xấu thì chỉnh lại. Tôi không có theo nghề kiến trúc nên tôi không có nhu cầu biết quá sâu về tỷ lệ, kích thước chi li, vật liệu. Nhưng tôi có nhà để ở dù đó là nhà thuê đi chăng nữa thì tôi cũng nên biết ngôi nhà mình ở đang tốt hay xấu như thế nào chứ nhỉ.
Các buổi học sau, tôi dần dần được hướng dẫn các cung cụ thể trong nhà. Cung nào quyết định cho việc gì, hay nói dễ hiểu là phòng nào thì ảnh hưởng đến chuyện gì. Ví dụ như bếp thì ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân chẳng hạn. Rồi biết cách kích hoạt cho những khu vực có điểm yếu để nó mạnh lên. Cải thiện, chỉnh sửa lại, sắp đặt nội thất sao cho tốt nhất.
Sau năm ngày miệt mài hai thầy trò vừa học lý thuyết, vừa thực hành phân tích vài căn nhà, tôi cơ bản nắm được những nguyên lý cốt yếu, đánh giá được, có thể nghĩ ra vài phương án be bé để cải thiện những chỗ chưa được. Quan trọng nhất là tôi đưa anh Huy Anh bản vẽ nhà trong dự án Legend City để cùng phân tích, thì tôi đã có thêm những đánh giá, có thể ra được thêm những phương án để tham mưu cho Hoàng. Tất nhiên tôi không dám qua mặt anh ta. Nhưng tôi vẫn có những hiểu biết nhất định về văn hoá nhà ở của người Nhật, cộng với bây giờ tôi đã biết được nguyên lý Phong Thuỷ thế nào là thiết kế tốt, thì tôi vẫn có thể đưa ra những góp ý cho anh ta. Chẳng phải anh ta cũng trông chờ ở tôi điều đó hay sao??
À, sau những ngày miệt mài nổ não với Phong Thuỷ, tôi còn thu được một lợi ích nữa, đó là tôi đã có thể có những kết luận về căn hộ mà tôi đang ở. Hèn gì hôm bữa chị Châu nói là ban công nhà này khiến tôi yêu đến chết đi sống lại. Vì năm nay có sao đào hoa đến ngay đó luôn mới chết. Nhưng chuyện này là chuyện tôi tạm chưa để tâm đến. Chuyện khẩn trương bây giờ là ngay ngày mai, tôi sẽ có những đánh giá về dự án này gửi cho Hoàng. Hôm nay đã là thứ 7, chắc là đêm nay tôi sẽ viết đánh giá rồi gửi luôn cho anh ta. Chiều mai chúng tôi đã bay ra Đà Nẵng rồi.
Nghĩ thế, học Phong Thuỷ xong là tôi bắt tay vào viết báo cáo ngay. Đúng 12h khuya tôi viết xong. Tôi gửi mail ngay cho Hoàng. Gửi xong tôi hy vọng sáng mai anh ta sẽ nhận được và vẫn còn thời gian để chỉnh sửa bài thuyết trình. Nhưng không ngờ 15 phút sau khi gửi mail, tôi thấy nhấp nháy trên màn hình điện thoại hiện tên anh ta:
"Vâng, tôi nghe."
"Ngủ chưa?"
"Tôi mới viết báo cáo xong thôi, chưa ngủ."
"Qua nhà tôi ngay bây giờ."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top