I.

Đà Lạt, ngày 24 tháng 04 năm 2010

𝕿ôi trở về Đà Lạt sau mười tám năm xa cách. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc vì sao tôi lại chọn từ "trở về" để diễn tả sự việc này, bởi vốn dĩ tôi còn không phải là một người con Việt Nam, huống gì đến Đà Lạt.

Tôi năm nay hai mươi tám tuổi, được sinh ra ở một vùng quê yên bình tại miền Nam nước Pháp. Mẹ tôi có một nửa dòng máu là người Việt Nam, thừa hưởng từ ông ngoại tôi. Ông là một nhà văn di dân, ông đã từng nói vậy với tôi, dù khi ấy tôi không hiểu rõ lắm ý nghĩa của từ này. Ông vẫn thường nói với bố mẹ tôi rằng trong tất cả lũ cháu của ông, tôi là người sở hữu được cái dáng vẻ "thuần Việt" nhất mà ông còn nhớ. Từ màu da không giống hầu hết những người châu Âu khác, rồi cái vóc người có phần nhỏ bé, đến mái tóc đen như than và cả đôi mắt to hơi xếch lên, mà ông vẫn thường thích tả là "mày ngài mắt phượng", des sourcils arqués comme des bombyx et des yeux de phénix, như một bậc tiền bối của ông từng miêu tả. Mẹ vẫn thường hay trêu rằng tôi trông hơi nữ tính với đôi mắt to như vậy, nhưng ông luôn phủi đi. Cái đẹp của người Đông Dương nằm ở sự mềm mại tinh tế trong từng đường nét, ông đã nói như vậy. Có đôi khi, ông lại đưa tay giữ lấy cằm tôi, rồi nhìn thật sâu vào mắt tôi bằng một ánh nhìn xa xăm. Tôi biết, ông không thích màu mắt xanh của tôi. Nếu trên cơ thể tôi có cái gì đó ít Việt Nam nhất, thì có lẽ chính là đôi đồng tử xanh biếc này đây. Nó khiến cho ông chạnh lòng đi đôi chút khi cố gắng nhớ lại cái dáng vẻ quen thuộc của người dân nơi đất nước đã trở thành dĩ vãng trong tâm trí ông ấy. Đối với ông mà nói, cái màu xanh đã nhuộm đẫm trong mắt tôi trông giống như ruy băng đeo cùng vải gấm, nhỏ thôi, nhưng chói mắt. Và người ta thì rất dễ khó chịu với những thứ chói mắt.

Dù vậy, tôi vẫn không ghét màu mắt của mình. Trái lại, tôi vui vì nó đã có màu xanh, màu của bầu trời, màu của đại dương. Mẹ vẫn thường khen mắt tôi đẹp, và thuở bé tôi cũng hay thích ngắm đôi mắt của chính mình trong gương. Dĩ nhiên, điều đó đã khiến cho bố tôi có hơi bối rối khi nhận ra đứa con trai cả của mình lại thích soi mình trong gương, còn soi thật kĩ, thật lâu như thế. Nhưng chỉ thế thôi. Bố chưa bao giờ phàn nàn về bất kì sở thích nào của con cái, như là việc nuôi tóc dài của tôi, hay việc con bé Celeste em tôi cứ hay tha mấy cái cây lạ về trồng đầy trong nhà. Ông vui vẻ chấp nhận tất cả sự đặc biệt của con mình một cách bao dung và rộng lượng, có lẽ vì ông là một người Pháp chuẩn mực, một quý ông điển trai với mái tóc vàng như nắng và đôi mắt xanh trong.

Cái thời vẫn còn sống ở Việt Nam ấy, ông tôi là người Đà Lạt. Mảnh đất ấy khác biệt với phần lớn những thành phố khác ở Việt Nam, bởi tuổi đời của nó ngắn hơn, và ngay từ thuở mới chào đời, nó đã là sự đại diện cho sự giao hòa giữa hai nền văn minh, giống như tôi vậy. Có nhiều chuyện xảy ra trong suốt những năm trường lịch sử nhiễu loạn của đất nước khiến ông buộc phải lưu vong sang Pháp. Vào một ngày giá lạnh năm ông  tròn sáu mươi lăm tuổi, ông nói với mẹ tôi rằng ông muốn về nhà. Không phải là về ngôi nhà hai tầng có ban công sơn trắng của chúng tôi, mà là về nhà ông, về mảnh đất mù sương đã trở thành ngôi sao trong trái tim ông ấy. Thế là gia đình chúng tôi cùng nhau đến Việt Nam, đó là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất trong đời tôi được đến vùng đất đó, nếu không tính hiện tại. Tôi vẫn nhớ cái dáng vẻ ông ngồi trên chiếc ghế bập bênh đặt trước hiên nhà, chăn len đắp ngang chân, còn đôi mắt thì cứ nhìn xa xăm qua mấy hàng dâu tằm xanh um. Mùa này, dâu tằm sai trĩu quả, mấy quả dâu đen đen đỏ đỏ, thuôn dài trông như một chùm nho tí hon, căng mọng mọc khắp lối vào nhà nom cực vui mắt. Dâu tằm chín mọng sẽ có màu đen, nhưng khi ấy tôi không biết, lại chọn lấy những quả đỏ rực như màu dâu tây mà ăn thử, ấy toàn là những quả còn non. Vị vừa chua vừa chát xộc lên khiến mặt tôi nhăn nhúm lại, còn Celeste thì không kìm được mà phá ra cười, đến nỗi vô tình bóp nát cả mấy quả dâu mới hái nắm trong tay, nước dâu tim tím chảy xuống làm bẩn cả chiếc váy trắng của nó.

Kể từ lúc ấy, tôi sợ không dám ăn dâu tằm nữa, dù là trái đỏ hay trái đen.

Thuở ấy, nhà tôi chưa nhập tịch vào Việt Nam, thế nên suốt quãng thời gian ở đấy tôi không đi học. Ở cuối con dốc có một ngôi trường nhỏ, sớm nào tôi cũng thấy lũ học trò thắt khăn quàng đỏ, ôm cặp líu ríu đi ngang. Màu tóc đen đen, màu khăn đỏ thắm, và màu xanh sẫm của chiếc áo len đồng phục, tôi ngắm nhìn chúng và nhớ lại những ngày ở Pháp của mình. Ở chỗ tôi thì người ta rực rỡ sắc màu hơn, có đen, có vàng, có hung đỏ, và có cả sắc bạch kim óng ánh, có những đôi mắt xanh dương, xanh lục, và cả đen nữa. Nhưng ở Việt Nam, họ chỉ có một màu đen mềm mại. Ban đầu, chúng cũng chẳng để ý mấy căn nhà sơn xanh trên con dốc thoai thoải này, nhưng đến mùa dâu thì khác. Dâu nhà tôi không nhiều, nhưng trái lại ngon (dù khi ấy, tôi đã chẳng tin bất cứ lời khen ngon nào của họ cả), ban đầu chỉ có vài đứa tiện tay len lén vặt chơi, sau thì lũ học trò cứ xúm xít trước nhà "cái ông tây tóc vàng", canh lúc người lớn không ở đấy mà hái trộm. Ba mẹ tôi dĩ nhiên là biết mấy trò mèo đấy, nhưng để kệ. Mẹ bảo dâu này trồng cũng chẳng phải để bán, cứ mặc cho chúng vặt đi.

Nhờ thế mà chúng khám phá ra nhà tôi có một gia đình người Tây đang ở.

Hôm ấy, tôi cũng chơi một mình trong vườn như thường lệ. Celeste không quen khí hậu nên cứ ốm luôn, thành thử tôi lúc nào cũng chỉ luẩn quẩn một mình. Ông cho tôi mượn mấy cuốn sách cũ, ngày ngày ngồi dưới bóng cây hoàng lan đọc sách. Ông giữ nhiều cuốn văn học cách mạng, những truyện Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, cuốn nào cuốn nấy đều đã ngả sang màu vàng sờn cũ, và xem đấy như kho tàng của mình. Ông thích thứ văn chương chân thật, vang dội và hào hùng. Ông bảo với tôi rằng, cả đời ông chỉ mong được một lần viết được ra kiểu văn chương như thế, thứ văn chương đầy tự hào của một dân tộc anh hùng. Nhưng ông đã không thể. Cuộc đời ông là một nỗi buồn dài và văn chương của ông cũng chỉ là những buồn đau đọng lại.

_Nhưng cháu rất thích những gì ông viết mà._Tôi nhớ mình đã nói vậy._Thích hơn cả những tác phẩm này nữa. Cháu ước gì mai này mình có thể viết được giống như ông."

Ông ngoảnh mặt nhìn tôi từ trên chiếc ghế bập bênh, nom nghiêm nghị như thể tôi đã vừa buột miệng nói ra điều gì không phải phép. Tôi đã nghĩ ông sẽ mắng tôi. Nhưng ông không. Ông chỉ ngồi đó, lặng lẽ nhìn thật lâu vào mắt tôi. Ông vẫn thường nhìn như vậy mỗi khi thấy buồn.

_Đừng nói như vậy, cháu ạ._ Ông lẩm bẩm. _Nỗi buồn này là một lời nguyền, nó chỉ nên kết thúc ở ta là đủ rồi.

Nói rồi, ông nhắm mắt lại. Trông như thể là ông đang ngủ, nhưng tôi biết, ông chỉ đang chìm vào những nỗi buồn của riêng mình ông mà thôi.

Kể từ đó, tôi không bao giờ nhắc lại việc này trước mặt ông nữa.

Quay trở lại câu chuyện, khi ấy tôi, đã hơi mỏi mắt với những dòng chữ bé xíu chảy dài khắp các trang sách, đang ngồi nghịch ngợm bàn cờ ông cho, thì chợt nghe có tiếng cười khúc khích trước hiên nhà. Tiếng cười không lớn, chắc chỉ tầm hai ba đứa gì đó, nhưng chúng cười đến là vui vẻ. Tò mò, tôi ló đầu ra xem thử, thì thấy hai đứa nhóc đang ngắt mấy quả dâu nhà tôi mọc gần bụi rào mà chơi ném nhau, hình như là anh em, một đứa cao lớn chắc tầm mười bốn, mười lăm tuổi, một đứa trạc tuổi tôi. Quần áo hai đứa đều lấm lem nước dâu còn mặt đất thì la liệt những quả dâu đỏ nay đã bẹp dúm.

_Này.

Tôi vừa lên tiếng, đứa con trai lớn hơn đã vội co chân chạy mất, để mặc đứa nhỏ hơn đứng lại. Nó nom sợ hãi, dù không khóc nhưng khuôn mặt bầu bĩnh co rúm lại như khuôn mặt của con chó con người hàng xóm bên Pháp của tôi đang nuôi, nó tập tễnh định chạy, nhưng rồi lại loạng choạng mất đà ngã oạch ra đất. Lúc này tôi mới chú ý đến cái chân phải của nó. Nó làm từ gỗ.

_Này, đừng sợ._ Tôi đâm luống cuống. _Mình đâu có làm gì bạn đâu.

Tôi tiến lại gần, toan đỡ thằng bé dậy. Nó nhìn tôi lom lom. Mắt nó chỉ có một mí, nhưng tròn và to, đen láy như hai hòn nhãn. Nó có màu mắt mà ông rất thích, trong một thoáng tôi đã nghĩ vậy.

_Mày… mày sẽ không xua chó ra cắn tao hả?

_Không đâu. Tôi phì cười._Ông mình không thích nuôi chó, vả lại nuôi chó đâu phải để cắn người.

Ông tôi không thích chó, ông bảo lũ chó cũng không thích ông, chúng chưa bao giờ quấn quít hay thậm chí là thử lại gần ông, mà sau này tôi chợt nghĩ rằng có thể những sinh vật thân thiện ấy không chịu nổi nỗi buồn tràn ra từ ông, nên ông cũng chẳng bao giờ nuôi chó.

_Người dân khu này toàn nuôi chó để cắn mấy đứa vặt trộm dâu đấy._ Thằng bé chun mũi._Cả ngỗng nữa, đám đó cắn đau ra trò mà làm cách nào cũng chẳng chịu nhả ra. Mày đã bị ngỗng cắn bao giờ chưa?

Tôi lắc đầu. Không biết là may mắn hay xui xẻo, nhưng tôi chưa bao giờ chạm mặt một con ngỗng hàng thật nào ngoài đời cả. Tôi đỡ thằng bé ngồi tựa vào gốc phượng trước nhà, nó trông nhỏ thó, ngay cả một đứa cả ngày bị chê bai thiếu dinh dưỡng như tôi cũng to hơn nó một tí. Da nó đen sạm, cái sắc đen của nắng cháy, đen giòn mà khỏe mạnh, không giống với làn da của ông, không giống làn da của những người Đà Lạt khác mà tôi biết, và đôi mắt to của nó cứ lấp lánh phản chiếu lại tia nắng đầu ngày. Nó nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò rất đỗi ngây thơ của một đứa trẻ, mà khi ấy tôi đã hoang mang không biết nó đang thắc mắc điều gì, về việc tôi đang làm, hay là về ngoại hình của tôi.

_Bạn làm bẩn sân nhà mình rồi.

Tôi nói, rồi chỉ tay về phía những quả dâu dập nát vương đầy mặt đường đất đỏ. Có lẽ khi ấy tôi đã bối rối. Tôi biết, thứ mà nó thắc mắc không phải là điều này.

Nhưng thằng bé vẫn chẳng nói gì cả, nó đứng lên, hơi loạng choạng vì cái chân gỗ, rồi tập tễnh bước đi, khom người nhặt lên từng quả dâu lấm lem đầy đất, cho vào cái túi quần cũng lấm lem không kém.

_Này, bạn làm gì vậy?

_Dọn sân cho mày chứ còn gì? Hỏi lắm thế.

Thế là tôi im lặng giúp nó nhặt dâu.

_Ê này, mày không phải là người ở đây đúng không? Ý tao là, không phải là người Kinh luôn ấy?

Sau khi dọn dẹp xong, chúng tôi ngồi với nhau bên bờ giậu. Tôi mời cỡ nào thì nó cũng chẳng chịu vào nhà, nên hai đứa đành bó gối ngồi chò hỏ trước tấm lưới rào mắt cáo. Thằng nhóc nhìn tôi chòng chọc như đang săm soi gì đó, rồi buông ra một câu như vậy.

_Mày nhìn giống người Kinh lắm, nhưng mắt mày không giống.

_À…

Trong vô thức, tôi lại đưa tay lên chạm vào đuôi mắt mình. Đó là một thói quen được hình thành từ ông, từ những lần ông chạm tay vào mắt tôi với một vẻ buồn bã dài rộng. Tôi không thấy bất ngờ, phải chăng là do tôi đã đoán trước được thằng bé sẽ muốn hỏi gì?

_Đúng thế, mình đến từ một nơi rất xa nơi đây.

_Xa cỡ nào?

_Bạn không thể đi đến đó bằng xe máy hay ô tô được, xa thế đó.

Thằng bé ồ lên một tiếng, rồi lại cúi xuống nhìn mấy con kiến bắt đầu kéo đến vây quanh chỗ nước dâu vương dưới nền đất. Từ góc độ này, tôi chợt cảm giác trông thằng bé thật quen mắt, cứ như thể tôi đã vô tình gặp nó ở đâu đó, một điểm mốc vô hình nào đó trong cái quãng đời ngắn ngủi của tôi. Với bản tính ngây thơ của một đứa trẻ con, tôi toan hỏi nó đã từng đến Pháp chưa, nhưng vận mệnh đã nhanh hơn tôi. Giờ đây nghĩ lại, tôi thấy mừng vì mình đã không hỏi.

_Tao tên là Lê Tâm, tao ở ấp Ánh Sáng ngay đầu đường ấy.

_Ừ.

_Còn mày?

Tôi đã định trả lời, nhưng một lần nữa, tiếng của ông vọng lên từ trong hiên cắt ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi.

_Cháu làm gì bên ngoài đó thế?

Lê Tâm giật nảy mình, nó ngoảnh nhìn lại qua những khung lưới mắt cáo, trong giây phút tôi thấy mặt nó thộn ra. Lúc ấy tôi đã nghĩ rằng nó sợ ông tôi mắng, như tất cả người lớn quanh đây khi biết có lũ trẻ đến nghịch phá dâu của mình. Chắc là nó sợ ông xua chó ra, như nó đã từng sợ tôi làm vậy.

_Ông không mắng đâu, đừng sợ.

_Tao phải về.

Nó nói vậy rồi đứng phắt lên, chạy từng bước nhọc nhằn, nhưng vẫn cắm đầu cắm cổ cố mà chạy đi mất hút mà không một lần ngoảnh đầu lại. Tôi ngoảnh lại phía sau, thấy ông đã đứng bên mấy hàng dâu tự khi nào. Hẳn là ông đã thấy Lê Tâm, chẳng buồn liếc mắt lấy một lần cái bụi dâu bị chúng vặt tơi tả, ông cứ nhìn mãi về phía mà thằng nhỏ chạy đi, cứ như thể ông đang nhìn theo bóng một người quen cũ, người sẽ không bao giờ quay về lại bên cạnh ông nữa.

_Ông ơi, bạn ấy không có ý xấu đâu ạ.

_Ông biết.

Ông xoa đầu tôi, nhưng tôi hiểu, ông chẳng hề biết gì cả. Ông không còn nghe tôi nói nữa, như rất rất nhiều lần trước đây.

Kể từ ngày hôm đấy, tôi không bao giờ gặp lại Lê Tâm lảng vảng gần khu nhà tôi nữa. Tôi đã nghĩ Lê Tâm là một bóng hình lạ lùng bước ngang qua đời tôi, cho đến một ngày mù sương của gần hai mươi năm sau, anh tiếp đón tôi ngay tại chính căn nhà này, giờ đây đã là nhà của anh. Thật kỳ lạ rằng anh vẫn nhớ được tôi, và cả ông. Và những câu chuyện dài của anh thì sẽ mãi mãi ám ảnh trong tâm trí tôi cho đến tận khi nhắm mắt.

Chúng tôi sống ở Đà Lạt được tròn một năm thì quay trở về Paris, bỏ lại ông một mình giữa rất nhiều sương mù.

Tôi không bao giờ được biết lý do. Bố mẹ bảo rằng ông muốn được ở lại đó một mình, cùng với lời hứa sẽ biên thư cho tôi thường xuyên. Ngày tôi rời Đà Lạt để đến phi trường Tân Sơn Nhất dưới Sài Gòn, ông không buồn ra tiễn. Ông ở lỳ trong căn phòng biệt lập trên tầng một, với cánh cửa sổ khép chặt im lìm, căn phòng mà tối hôm trước, ông đã gọi tôi vào đó. Ông ngồi im trên chiếc bàn viết bằng gỗ gụ, chăm chú đọc cái gì đó trông như những bức thư tay. Và sau từng ấy năm, ông hút thuốc. Ông đã từng hứa với bà rằng sẽ bỏ thuốc, nhưng bây giờ thì ông đang hút lại, với cái vẻ sầu khổ đã đeo đẳng theo ông cả một đời người. Ông không nói gì với tôi một lúc lâu, chỉ ngồi đó, im lặng nhìn vào mắt tôi. Cảm giác thật khó chịu, nhưng ông không bao giờ cho phép tôi ngoảnh mặt đi. Ông tự hành hạ mình, và cũng hành hạ chính bản thân tôi.

_Ông hy vọng một ngày nào đó, cháu sẽ quên ông đi, Vincent ạ.

_Tại sao ông lại muốn cháu quên ạ?

_Vì điều đó chứng tỏ rằng trái tim của ông đã được giải thoát.

Đoạn, ông cụp mắt xuống và vẫy tay ra hiệu cho tôi được quay đi. Lần này, ông không vội đuổi tôi đi. Lần đầu tiên trong cuộc đời, ông để tôi ngồi vào trong lòng mình, ngồi vào giữa thân hình gầy gò xương xương, giữa đôi bàn tay lốm đốm đồi mồi và giữa cái mùi rất riêng biệt của ông. Ông không nhìn vào mắt tôi nữa, hay nói đúng hơn, là không nhìn vào cái màu xanh chói mắt của tôi. Ông đang nhìn tôi như một người ông nhìn đứa cháu bé bỏng của mình, giống như ánh mắt ông đã nhìn Lê Tâm khi nó chạy vụt đi.

_Cháu sẽ quên ông chứ?

_Cháu không biết. Nếu cháu không quên được thì sao?

_Nếu cháu không quên được, hãy quay về đây, quay về với ông, với sương mù, một ngày nào đó._ Ông thủ thỉ. _Dù ông thành thật mong rằng cháu sẽ tiếp tục sống mà không cần phải náu mình vào một màn sương, như ông.

Bỗng dưng, tôi lại có cảm tưởng rằng đó sẽ là lần cuối cùng ông nhìn tôi bằng ánh mắt như vậy.

Khi chúng tôi trở về Paris, bà tiếp đón chúng tôi mà không hề hỏi một lời về ông, như thể bà đã biết rằng ông sẽ ở lại đó, ở lại xứ sở mù sương mà cõi lòng ông vẫn hoài trông ngóng.

Thời gian đầu, ông vẫn biên thư đến cho chúng tôi hai lần mỗi tháng. Những dòng thư ban đầu không ngắn, cũng chẳng dài. Ông kể một cách ngắn gọn về cuộc sống của ông bên này, cùng những lời thăm hỏi đến người thân. Thỉnh thoảng ông gửi kèm một ít mứt dâu tằm, rồi thì mấy thứ đặc sản mà bố tôi đã trót mê đắm trong chuyến thăm viếng dài ngày ấy. Rồi dần dà, những bức thư cứ thưa thớt dần đi, và tất cả những gì ông viết cho chúng tôi chỉ là hai dòng thư ngắn gọn nói rằng ông vẫn ổn, và một lời hỏi thăm có lệ gửi đến gia đình. Dù thư dài hay ngắn, mẹ tôi cũng đều đưa nó đến cho bà cất giữ. Bà chẳng bao giờ chịu đọc, mà chỉ đơn giản đóng nó thành từng gói, và cất gọn vào mấy hộp bánh quy bằng thiếc bà vẫn hay giữ lại. Nếu có lá thư nào được gửi từ đất nước đó mà bà đọc, có chăng chỉ là bức thư của một người quen thông báo rằng ông đã qua đời.

Tôi không còn nhớ những ngày sau đó như thế nào. Có lẽ trí nhớ của tôi đã chọn cách loại bỏ phần ký ức ấy vào trong một bể sương mù. Tất cả những gì tôi còn giữ được từ trong đám sương đó chỉ có một sắc trắng im lìm. Ở Pháp, người ta tưởng niệm người chết bằng màu đen, màu của một dấu chấm câu tròn trĩnh, màu của cái chết. Nhưng ở vùng đất mà ông đã nằm lại, họ lại dùng màu trắng. Tại sao lại là màu trắng? Tôi không biết, không nhớ được nữa. Có thể tôi đã hỏi bố về điều này, hoặc cũng có thể là không, có lẽ tôi đã tự giữ lấy những câu hỏi cho riêng mình, chờ một ngày nào đó tự bản thân cuộc đời sẽ cho tôi một đáp án. Tôi không thể nói liệu rằng mình có chờ được đáp án đó không, nhưng tôi biết, đám sương mù và sắc trắng ngày hôm đó đã ghim chặt hồn tôi xuống mảnh đất này, xuống cái cõi quê hương mà ông tôi đã phải đành lòng bỏ sau lưng suốt cả đời mình như thế.

Tôi không nhớ được tang lễ đã diễn ra như thế nào, cũng không nhớ được nỗi buồn đau của mọi người ra sao. Dường như chúng tôi đã quyết định sẽ không đưa di hài của ông về Pháp, cũng không quay lại đất nước đó để nhìn mặt ông lần cuối. Tất cả mọi sự thủ tục đều thông qua một "người quen" mà tôi thậm chí còn không biết tên. Như tôi đã nói đó, tất cả làm một màn sương mù trắng xóa, như thể chính tôi khi ấy đã từ chối tiếp nhận bất kì điều gì. Cứ như thể việc lưu giữ ký ức về những ngày đó sẽ là một cử chỉ thể hiện việc tôi hoàn toàn chấp nhận rằng ông đã chết, rằng tôi sẽ không còn được nhìn thấy bóng dáng của ông mỗi sớm mai trước hiên nhà, mặt hướng về một nơi nào đó xa rất xa, một nơi mà tôi sẽ không bao giờ có thể thấy được. Cứ như thể rằng nếu tôi cứ mãi quên lãng như thế thì một ngày nào đó, thời gian sẽ trả tôi về cái quãng đời mà ông vẫn còn đây.

Ông vẫn chưa biến mất hẳn. Tôi nghĩ vậy. Ông vẫn chưa rời đi, chưa từng rời đi. Bởi vì tôi vẫn còn có thể nhìn thấy nỗi buồn của ông nhỏ giọt trên đôi mắt tôi, suốt những năm tháng sau này.

Tôi biết, ông về đấy để chết.

Kể từ lúc đó, tôi cũng đã thầm tự nhủ với lòng mình rằng, khi tôi chết, tôi cũng sẽ quay về nơi đây, quay về để được tan vào cõi mù sương an lành của một đất nước đã trải qua quá nhiều thương đau.

Đối với một đứa trẻ con như tôi khi đó, việc nghĩ về cái chết có vẻ là một điều gì đó quá đỗi xa vắng. Tôi còn cả một quãng đời phía trước. Và thật vậy, khi theo chân gia đình trở về Pháp, tôi đã không còn nhớ về vùng đất xa xôi với sương mù bảng lảng khắp các ngõ ngách, không còn nhớ gì về cái vùng đất mà nơi đó, ông tôi đã bước ra từ sương mù và giờ đây, trở về với sương mù.

Tôi đã quên mất nó, quên mất cái sắc trắng mà ngày ấy, tôi từng mong được hiểu ra ý nghĩa, quên những bụi dâu tằm đỏ đỏ đen đen trước sân nhà. Bố mẹ tôi cũng không một lần nhắc lại về nơi đó, nhưng Celeste thì không. Suốt hai năm trời kể từ ngày ông mất, con bé luôn miệng đòi gia đình tôi quay trở về nơi đó để đón ông về, vì nó nhớ ông rồi. Con bé vẫn chưa thể thấu suốt được ý nghĩa của cái chết. Nó chỉ biết rằng ông đang ngủ, và đã rất lâu rồi chưa tỉnh dậy. Nhờ thế mà tôi biết được vùng đất ấy có thật, chứ không phải là một sản phẩm của giấc mơ.

Tôi đã sống qua mười mấy năm đời mình mà không một lần nghĩ về xứ sở ấy, mãi cho đến ngày hôm nay.

============

Trailer chương 2:

".....Tới lượt tôi cũng bắt đầu bỏ lửng lơ một câu chuyện. Hay nói chính xác hơn, tôi không biết phải diễn tả câu chuyện ấy như thế nào, ra làm sao. Tất cả đều diễn biến theo một bố cục đã được sắp đặt cho ngay ngắn, nhưng khốn nỗi tôi chỉ là một kẻ đi lạc, lạc vào trong câu chuyện không phải là của mình, đâm ra tôi lúng túng. Tôi không còn biết phân định trước sau như thế nào nữa."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top