Prologue

Viết bởi onetimelessdesire
Giới hạn độ tuổi: Từ 16 tuổi trở lên
Nhân vật: Lee Jeno/Na Jaemin (NCT)
Thể loại: Siêu nhiên, thần thoại, huyền bí
Cảnh báo: Tạm thời chưa có, nhưng chắc mọi người sẽ phải tự research để hiểu mấy sự kiện có thật mà truyện nhắc đến...
Ghi chú:
— [Cập nhật 20/12/2022] Lời đầu tiên mình muốn nói một chút về truyện này. Vốn dĩ đây chỉ là một loại dã sử hiện đại (?), nên mọi sự kiện lịch sử có thật khi được đặt vào truyện cũng chỉ là một cái nền tảng để cốt truyện được phóng tác.
— Tiếp theo thì mình xin lỗi là hiện tại mình cũng đang ở trong tình huống rất khó hình dung được landscape của Việt Nam và tiếng Việt của mình cũng đang hơi hơi có vấn đề nên mình mới ngừng hầu hết dự án viết của mình T_____T vì vậy có thể bối cảnh sẽ hơi outdated một chút, nếu có chỗ nào trúc trắc các bạn góp ý giúp mình nhé.
— [Cập nhật 27/12/2022] Đổi lại tên nhân vật Thục Dân.
— Cho ai không hiểu tên tiếng Việt của nhân vật: Thục Dân (Jaemin), Đế Nam (Jeno), Mẫn Chi (Jimin - Karina), Ái Linh (Irene)


———


1970s (Không rõ thời điểm chính xác)

"... Và mày biết không, tao đã đến thăm nơi từng là nhà của ông cụ. Tao đã mong thời gian – những mấy ngàn năm – đã xóa đi hết vết tích của lão, nhưng vừa bước vào tao đã thấy ngay bức phù điêu chết tiệt đó. Tao chỉ muốn băm nát nó ra. Người dân có vẻ vẫn rất mến mộ lão, tao khinh! Tao khinh... Sau đó, tao rời khỏi Thăng... à không, Hà Nội. Tao nhớ mang máng thằng oắt Đảm gọi xứ đó là Hà Nội, tới giờ. Tao vào Nam. Và may mắn thay, xứ này thì không có bóng dáng lão già kia. May hơn nữa là tao gặp ngay lão Thiệu. Gặp luôn cả mày."

Tên con trai chợt ngừng nói một lát. Bóng y trườn dài trên mặt hồ lóng lánh trăng đêm, hoàn hảo phản chiếu vẻ trầm tư của y thắt lại bằng một điếu thuốc lá. Y nhìn quanh quất trong tầm nhìn của mình. Từ nơi hồ nước ngụy tạo thành một bùng binh này, y nhìn thấy những hàng quán rải rác, và lác đác người lai vãng với ánh nhìn hờ hững không bao giờ trao về chỗ y đang ngồi lần hai. Chẳng ai nhận ra y, cũng chẳng ai quan tâm y, những hành động mà nếu quay ngược về thuở xa xưa, xưa đến nỗi gần như vô thực ấy, y hẳn sẽ lồng lộn lên và tẩn họ một trận ra trò.

Nhưng thời gian là một hình phạt tối thượng, y nhận ra. Tù giam, giáng cấp, bị khước từ, chẳng có đọa đày nào kinh khủng bằng thời gian. Nó mài y. Y rơi vào bàn tay điệu nghệ của nó; và rồi nó, bằng một sự dịu dàng đến nhẫn tâm, nó chuốt y đến mức giờ đây, nếu y chịu khó xoay người lại, nhìn thẳng vào bóng phản chiếu dưới mặt hồ, y thậm chí sẽ chẳng nhận ra mình.

Tất cả chủng loài của y là như vậy – bị thời gian ăn mòn, mòn đến cốt tủy, và rồi từ cái cốt nguyên thủy đó lại được nhào nặn thành một hình hài mới. Chuẩn bị cho, và bắt đầu với lịch sử mới.

"Sao người Việt lại sống tốt thế nhỉ?" Y nghĩ ngợi, tấm tắc khen điếu thuốc này kỳ diệu hơn cả cái nỏ thần y từng trao cho một cố hương đã mất từ lâu, một người bạn cũ mà y chẳng rõ có từng trở về thế gian này lần nào không, hay vẫn mãi mắc kẹt trong lốt của một con chim đêm, kêu mãi những nốt hót buồn suốt đêm suốt ngày; và y thừa nhận y đã giật mình, trong sự ngạc nhiên tinh tế giấu sau cảm thán buồn, rằng người dân đã sống sót, và sống tốt hơn y nghĩ. Lân từng là nguồn tin tức duy nhất cập nhật cho y về tình hình nước Việt, song nó cũng đã mất tích từ lâu, để lại tin vắn cuối cùng là Phụng không ổn, em phải cứu chị ấy. Lòng tốt sẽ phản bội mày, y đã muốn cảnh cáo nó như thế, nhưng nó rời đi quá nhanh, và y đã kẹt lại dưới lòng nước tăm tối đằng đẵng nhiều năm tháng sau đó, những tưởng mình mục ruỗng tới nơi, chỉ trồi lên hai lần theo chỉ thị của Cha trao đi và lấy lại bảo kiếm, và chỉ thế. Y mất liên hệ với nơi từng là trách nhiệm của mình, từ lâu trong bóng tối dằng dặc của lịch sử.

Y giữ điếu thuốc một bên tay, tay còn lại nhấc xuống bệ đá mình đang ngồi, những ngón tay khẽ nhỏ lên bề mặt sần sùi những thanh âm tâm linh mà y mong đối phương sẽ nghe thấy. "Người Việt sống tốt hơn tao nghĩ." Y thật thà thừa nhận, những đổi thay chóng mặt mà chính y sẽ không bao giờ hiểu hết. "Giờ đây tất cả bọn mình chỉ là kẻ đứng ngoài, nhìn một cuộc sống không còn mê muội, không còn sợ sệt, sống..."

Y đã nghĩ thế, miên man, vào rất nhiều năm về trước, khi linh hồn y tưởng chừng chết chìm trong màn nước phương Bắc, bất ngờ được một tiếng gọi từ phương Nam triệu về.

Đã trăm năm trôi qua kể từ lần cuối y thấy con người. Hình ảnh cuối cùng về một vị vua nhiều tiềm năng, song cũng nhiều hoài nghi ở bên chiếc thuyền ngày ấy đã thoát xác từ ký ức của y, nhập vào tầm mắt y mà chuyển mình thành – vẫn là – con người, nhưng lại có cách ăn mặc thật quái dị và kín đáo. Không có sự long trọng và truyền thống, y thậm chí đã không nhận ra đây là người Việt nếu không nhờ khuôn mặt đậm chất Á Đông cùng một thứ tiếng Việt dị bản có vẻ lai tạp nặng ấy. "Vậy ra đây sẽ là ân nhân của tôi?" Người nọ lẩm bẩm, đôi vai hơi sụp xuống, kéo theo trong ít lát sau là sống lưng lẫn đầu đều cúi thấp. "Hân hạnh, Thần Rùa. Tôi, tên tôi là Nguyễn Văn Thiệu."

"Cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa!" Y kêu lên, chẳng buồn để ý đối phương đang lắng nghe y là thinh không, thật lạnh lùng, chỉ phản ứng lại bằng những ngọn gió nhẹ mập mờ. "Ai ngờ có ngày tao lại bị triệu hồi bởi một gã quái đản như vậy. Vậy là sau khi đánh giặc ngoại, người Việt đã chuyển sang giao tranh nội bộ. Tao sẽ đi mua một cuốn lịch sử Việt Nam, ngay trong hôm nay..."

"Gã nói rằng gã cần tao. Rằng tay Tổng thống đời trước, tên gì quên mất rồi, thất bại thảm hại và giờ gã cần tao trấn yểm mày. Tao vui vẻ nhận ngay. Không gì vui bằng đảo ngược tình thế: mày sinh ra để nối nghiệp tao, giờ tao trở lại trấn áp mày. Ngủ đi nhé, em trai. Em đi mất rồi, anh tiếc lắm thay..."

Một nụ cười vờn trên môi y, nhanh đến mức làn gió cũng sững mình mà bất động. Khuôn mặt vừa nãy còn hiền hòa, giờ đã biến dạng thành những đường nét vì oằn mình gánh một nỗi phức cảm quá lớn – một hòa ca hỗn độn của vui vẻ, ghen tỵ, thù hờn, thách thức – mà trở nên méo mó, không khác gì ngày ấy, ngày mà Cha nhìn y với nỗi căm ghét tột cùng, phán xét y bằng một câu kết tội đơn giản, nén trong từng chữ là thịnh nộ như biển động: Kim Quy, ta, thánh tổ Thuồng Luồng, tuyên bố với đất trời, với cội nguồn Bách Việt linh thiêng, tội lỗi của ngươi chính là—

"Em trai, em ngủ cho ngoan." Y ngân nga hát, giọng hát lạc điệu thúc làn gió lại chuyển mình, song lần này không khí xung quanh chập chờn như lạnh hơn, khiến sự sống bất tỉnh, khiến những huyền thoại và vong linh của quá khứ chiêu hồn mà sống dậy, cùng nhảy múa theo tiếng hát chay của y nghe man rợ và huyền bí khó tả. "Khi tao còn đóng cọc chân em, khi hỗn độn chưa hợp lại để đổ mưa, khi lịch sử đã bắt đầu xoay lần nữa, chiều mưa biên giới em đi về đâu..."

Y choàng tỉnh. Hơi thở hổn hển lẫn vào tiếng mền gối loạt soạt, và tiếng côn trùng kêu vẫn thủng thẳng vang bên ngoài. Đêm vẫn bình yên, đôi lúc còn phả vào buồng ngủ leo lét ánh đèn dầu của y vài luồng gió nóng.

Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, ký ức lại hiện hình rõ như thế trong giấc mơ của y. Đây không phải là lần đầu y nằm mơ thấy cảnh tượng đó. Một hồi ức cũng đã được khoảng mấy chục năm tuổi, khi y vừa mới trở lại Sài Gòn từ sau khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh ở Tây Nguyên. Sự kiêu ngạo đó y đã giữ không được lâu; vì Nguyễn Văn Thiệu cũng đã sớm thất thế. Y nhớ vào thời điểm nghe tin lão sa cơ, y đã rủa lão không biết bao nhiêu lần và tức tốc rời khỏi miền Nam ngay để vào Bắc, nghe ngóng tiến trình của cách mạng. Y cũng sớm nhận ra, y không thể đủng đỉnh ngồi ngoài cuộc kháng chiến này nữa. Vậy là, y đã âm thầm đi theo binh đoàn quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, từ lòng Hà Nội, cái thành phố y ngỡ như sẽ còn lâu lắm mới quay lại, mà trở ngược vào Nam.

Đêm cuối tại Hà Nội trước khi khởi hành trở vào Nam, y ngơ ngẩn đứng trước hồ Hoàn Kiếm, tưởng như chỉ mới vài ngày trước, y vẫn còn bị giam giữ tại nơi này. Trầm mình dưới lòng nước sâu, ôm mãi hình ảnh một vị vua mặc long bào với bàn tay đầy sẹo chinh chiến, cặp mắt sắc sảo vẫn dõi theo nơi y đã lặn xuống như mong chờ y sẽ quay về. Y không thể, bất kể y có muốn đến đâu. Thần Kim Quy uy nghi và quyền lực của hàng ngàn năm trước giờ đây đã bị chính người tạo ra nó, thánh tổ Thuồng Luồng, phong ấn tại đây, mãi mãi không thể thoát ra được.

Ấy vậy mà, kể từ lần cuối trồi lên khỏi mặt nước để nhận lấy bảo kiếm Thuận Thiên từ Lê Thái Tổ Lê Lợi, chỉ vài trăm năm sau, y đã thành công rời khỏi mặt nước lạnh lẽo ấy, trong thân xác con người toàn vẹn, mà nhìn ngược lại nơi đã từng là tù ngục của mình, bằng cặp mắt vừa căm phẫn, vừa mỉa mai.

"Thuồng Luồng... Chim Lạc... có lẽ đây là sự khởi đầu của ta." Y lẩm bẩm, và thậm chí còn cung kính chắp tay vái ba lần trước hồ nước đen kịt trong màn đêm mịt mù. Xa xa, y nghe thấy tiếng pháo nổ, thậm chí còn có vài tiếng thét dũng mãnh của binh sĩ tràn trề khí thế Cách mạng. Âm thanh lùng bùng quanh tai y, làm y trong phút chốc hoa cả mắt, ngỡ như trời đất cũng rung chuyển theo chúng. "Ta đã gặp được Long, không quá kháu khỉnh nhỉ? Còn hai kẻ kia thì sao? Họ đang ở đâu?"

Y hỏi Thuồng Luồng và Chim Lạc, bất quá cũng là đang hỏi chính mình. Màn đêm xơ xác, vẫn chưa hồi phục khỏi chiến tranh, còn bảng lảng cả mùi thuốc súng. Y không nhận được một câu trả lời nào từ cảnh tượng âm u đó, nên y lắc đầu và xoay bước.

Từ đây, từ đây sẽ là một khởi đầu mới. Y sẽ quay lại miền Nam. Y sẽ lập nghiệp ở Sài Gòn. Cũng chẳng biết sẽ tiếp tục như thế nào. Y nghĩ y có thể học theo những người dân Việt Nam, tìm chỗ sống ổn đinh sau thống nhất, rồi sẽ thử đi tìm lại những người anh em thất lạc của y. Ngoại trừ Long đang bị phong ấn dưới lòng Sài Gòn, y còn Phụng và Lân, một trong số đó y đã từng gặp một lần. Cũng là một ký ức đã quá cổ xưa rồi. Bây giờ khó mà nhớ được Lân; y chỉ nhớ chất giọng nữ của nó, một giọng nói trong trẻo, thậm chí có phần ngây thơ. Còn Phụng thì y hoàn toàn mù tịt, nghe qua thì có vẻ cũng là nữ, y nghe đồn trong giới yêu ma quỷ quái là đã ngủ say đâu đó ở gần miền duyên hải, song tất cả cũng chỉ là phỏng đoán. Y tuyệt đối không có niềm tin với những sinh vật tâm linh đó. Lần cuối y trao cho chúng niềm tin, thủ lĩnh của chúng đã tuyên tội cho y và phong ấn y ngàn năm dưới lòng hồ. Nhiêu đó đã đủ cho y một bài học đáng giá ngàn đời.

1975

Ấy vậy mà, trong số hai người còn lại trong ba sinh vật sinh sau đẻ muộn tiếp nối Kim Quy đó, y lại gặp Phụng trước tiên.

Chuyến đi Nam của y theo đoàn quân Việt Nam, mà y nhớ họ gọi là chiến dịch Hồ Chí Minh, cuối cùng lại tạm dừng một thời gian ở Tây Nguyên. Y đã cảm nhận ngay lập tức khi mới bước vào vùng rừng núi hoang vắng này. Cái cảm giác đánh thẳng vào từng dây thần kinh của y, khiến chúng bàng hoàng và phát động nhiều cơn run rẩy tụ lại ở hai bàn tay. Giác quan đã nhận thức sớm hơn cả não bộ y, rằng có một sinh vật nào đó giống y đang trú ngụ tại đây.

Đoàn quân Việt Nam nhanh chóng lên đường và bỏ lại y giữa nơi vô định này, hoàn toàn không biết rằng gã thanh niên gầy guộc đó lại là một trong những linh thú đã bảo hộ cho tổ tiên của họ. Còn lại một mình tại đoạn truông này, y nhắm mắt lại, và bắt đầu kết nối tiềm thức mình vào linh hồn của núi rừng. Y gọi lên tất cả — từ những vong hồn của binh sĩ tử trận không lâu, đến con chim cuốc, một người bạn cũ của y mà y chỉ biết bật ra một tiếng cười khẽ, như là tưởng niệm ngắn ngủi cho mối quan hệ đã hóa thạch của họ; đến những yêu ma quỷ quái trú ẩn trong cánh rừng này, các chà lành tính hay hung ác, sống trên đỉnh núi chót vót, hay dưới khe sâu tăm tối, đã từng đe dọa và cộng sinh với đời sống của những dân tộc Tây Nguyên hàng trăm năm qua; và cuối cùng là với chính linh hồn thiêng liêng của rừng núi. Từng gốc cây, từng con suối, tuy vẫn còn ngất ngây trong máu lửa chiến tranh, đã đáp lại hiệu lệnh của gã. Từ những yêu quái trong những hốc sâu nhất, đến những ngọn cây trên ngọn núi cao nhất, bắt đầu râm ran truyền tai nhau: thần Kim Quy huyền thoại đã đến đây và triệu tập chúng! Thần Kim Quy, vốn đã nổi danh trong giới ma quỷ đất Việt là đã không bảo vệ được đất nước Âu Lạc và trót để mất đất nước vào khổ sai ngàn năm Bắc thuộc, đã bị Thánh tổ Thuồng Luồng phong ấn suốt hàng ngàn năm qua, giờ đây đã trỗi dậy và chọn nơi rừng Đắk Nông này để gọi hồn tất cả sinh linh sống dậy. Tiếng kêu của chim cuốc tắt ngúm, và đến lá cây như cũng tĩnh lại. Gió cũng ngừng hú, thậm chí đến nước suối róc rách chảy cũng ngưng đọng. Tất cả khúm núm trong im lặng, trước một trong Tứ Linh huyền thoại của đất Việt, chờ cho động thái tiếp theo của y.

Y bật cười.

"Ta đang thấy gì đây?" Y thích thú hỏi. Y nhìn quanh quất không gian tịch mịch của rừng núi, cái không khí u uẩn và ma quái ấy vậy mà không dám quấn quanh y, nếu không nói là phải lùi xuống một bước để cảnh giác y. Nguồn năng lượng quá lớn mà y đã tu luyện ngàn năm dưới lòng hồ giờ đây đã phát huy tác dụng; nó đe dọa đến sự sống còn của các linh hồn và ma quỷ từ lâu đã hoành hành tại đây, một nơi hoàn toàn nguyên sinh và không hề được thanh tẩy. "Binh đoàn T-247, tiểu đội K-33? Yên tâm, những người đồng đội vừa mới đi qua sáng nay, họ đang thay mặt các ngươi tiếp nối những gì các ngươi đã hy sinh vì; họ đang tiến tới độc lập và tự do..."

Bên tai y vang lên một tiếng khóc, kéo theo nhiều tiếng rền rĩ nữa; y thở dài và phẩy tay. Các vong linh của những binh sĩ đã tử trận tại đây lùi xuống. Một số đã mất đầu, một số mặc một chiếc áo rằn ri dính dớp máu, lòi ra cả ruột gan. Một số đi xiêu vẹo, chân bị bẻ quặp ra sau, trông không còn ra hình thù là đôi chân khỏe khoắn của người lính nữa. Họ nhìn y với cặp mắt trắng dã, một số còn chẳng có tròng mắt, cứ nhìn vô định như thế về phía y; cảnh tượng này tuy có phần lạnh gáy, nhưng y lại thấy cõi lòng y dâng lên một cơn xúc động. "Ngủ yên đi nhé, ngủ yên đi nhé..." Y vỗ về họ, trên bàn tay xòe ra bừng lên một ngọn lửa xanh. Ngọn lửa đó rời khỏi bàn tay y mà từ từ trôi lững lờ trong không trung, càng lúc càng lên cao, cho đến khi cách đỉnh đầu y khoảng hai mét. "Những người bạn của các ngươi sẽ về đây tìm các ngươi. Hãy đợi họ nhé..."

Y dứt lời thì ngọn lửa bắt đầu bùng lên và đáp xuống mặt đất. Nó bắt đầu tản rộng ra khắp cánh rừng; những vong hồn binh sĩ ban đầu có vẻ sợ sệt, tuy nhiên lửa lan đến đâu, những hình thể vặn vẹo, biến dạng của người chết lại được hồi phục lành lặn. Y nhìn thấy nhiều thanh niên trai tráng, thậm chí có cả các thiếu nữ. Họ ngẩn ngơ nhìn lại bộ dạng bình thường của mình, một số thậm chí còn nhận mặt mà ôm chầm lấy nhau. Tuy nhiên, giây phút đoàn tụ ấy cũng vụt tắt khi ngọn lửa tiêu tan; đồng nghĩa với việc, y đã tiễn toàn bộ linh hồn binh sĩ siêu thoát, và có lẽ nếu dưới Địa ngục làm việc năng suất, thì sớm thôi, họ sẽ đầu thai cho kiếp sống mới, trong một thời đại mới: Thời đại của Tự do.

Giờ đây, còn lại một mình với ma quỷ và núi rừng, y mới vào việc. "Ta chưa hết việc với các ngươi." Y đổi giọng. Giọng nói hiền hậu và khoan dung vừa nãy đã thế vào bằng một tông giọng đầy uy quyền và trịch thượng. "Các ngươi đang giấu một trong các em ta ở đâu?"

Rừng núi Tây Nguyên là một trong những nơi giới yêu ma quỷ quái phát triển mạnh mẽ nhất nhờ có sức mạnh từ thiên nhiên sơ khai và loài người ở đây phần lớn vẫn còn mê tín dị đoan, đặc biệt còn tổ chức hoạt động thờ cúng chúng thường xuyên. Vì vậy, sức mạnh của các loại ma quỷ ở đây cũng vượt trội hơn hẳn những con ma xó vô dụng ở Hà Nội. Tuy nhiên, đứng trước một trong Tứ Linh hùng mạnh, chúng cũng tự biết không thể địch lại được. Đặc biệt là gã thanh niên hiện thân của Kim Quy này còn vừa biểu diễn cho chúng một lễ cầu siêu hoành tráng đưa tất cả linh hồn của lính cách mạng tử trận siêu thoát và đầu thai, một loại khả năng kết nối trực tiếp trần gian với Địa ngục mà không phải ai cũng có thể làm được. Vậy nên, cuối cùng chúng cũng cung kính dâng cho y một tên Mönung dẫn đường đến nơi mà một trong các Tứ Linh, tức em của y, đang ngủ yên.

Quỷ Mönung vốn không mặc quần áo, chỉ có bộ tóc dài xõa xuống để che thân, tuy nhiên hắn cũng biết phép tắc mà tròng một chiếc khố ở thân dưới, rồi dùng vây ở cánh tay cắt đứt một thân cây, đốt chúng làm đuốc soi đường. Mönung dẫn y đi vào sâu trong khu rừng hơn, đi đến đâu, cỏ cây dạt ra đến đấy. Họ cứ đi mãi trong lòng bóng tối, đến nơi mà ánh sáng cũng không lọt qua nổi tán cây rậm rạp nguyên thủy, và đôi khi bên tai y còn vang vẳng tiếng kêu của những tộc quỷ giả dạng người, hoặc cũng có thể là bầy vượn chưa tiến hóa thành người, sống ru rú trong nơi này và mãi mãi không chịu hòa nhập với cuộc sống văn minh bên ngoài.

Y bất giác nhớ lại về giấc mơ y đã mơ lúc còn ở Sài Gòn; phải chăng cõi tâm linh u huyền đang cố gắng sấm truyền điều gì đó cho y? Long hiện vẫn đang bị phong ấn dưới đất Sài Gòn, điều mà y không đảm bảo sẽ còn diễn ra lâu. Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có lẽ đã sắp đổ vào thành phố, việc họ kinh động đến giấc ngủ của nó là hoàn toàn có thể diễn ra. Nếu Long thức tỉnh...

Nếu Long thức tỉnh, có thể sự yên bình tạm bợ này sẽ bị đảo lộn chăng?

Bất kể là bị phong ấn dưới hồ Hoàn Kiếm, y vẫn nghe ngóng được nhiều tin tức, chủ yếu là từ Lân, người đã thỉnh cầu y một lần và ngây thơ đem hết câu chuyện ngàn năm mà y đã bỏ lỡ kể hết cho y. Long đã tuyên quyền, và một cuộc nội chiến giữa các Linh Thú nổ ra; lịch sử theo đó cũng liên tục biến động... Sau đó, Lân rời đi, không bao giờ gặp lại y lần nào nữa, để lại cho y một cột mốc dở dang: Long và Thánh tổ Thuồng Luồng đã giao tranh đến tận miền Nam, và người Việt đã khai khẩn đến tận đó. Nơi y được Nguyễn Văn Thiệu gọi hồn có lẽ là nơi mà nó đã thua cuộc trước Thánh tổ, thế nhưng khi y sinh sống và dò la khắp đất Việt trong thời gian sau đó, y cũng không truy ra dấu vết của Thánh tổ nữa.

Lẽ nào cả hai Thánh tổ hùng mạnh Chim Lạc và Thuồng Luồng cũng đã qua đời?

Y đặt ra nhiều giả thuyết, nhưng mọi giả thuyết đều chỉ điểm cho y một động thái khẩn cấp cần phải làm: Phong ấn Long lại ngay lập tức. Đó là lý do vì sao y đã đề nghị Nguyễn Văn Thiệu xây một cột đình tại hồ nước, bên cạnh bia con Rùa. Đó là chiếc cọc đóng đinh đuôi của Long lại, chừng nào bia của y vẫn còn, nó sẽ không thể thức giấc.

Mönung cuối cùng cũng dừng bước. Nó lùi sang một bên và giơ ngọn đuốc lên cao, soi sáng cho y. Y không nói gì và bước lên một bước, cặp mắt hờ hững nhìn tảng đá lớn trước mặt. Họ đang đứng giữa trung tâm của núi rừng Tây Nguyên, và tại đây được đặt một tảng đá nom như một hình người đang ngồi co lại. Trông nó khá giống tảng đá của chàng Lang xưa kia đã hóa thành sau một đêm khóc nức nở không thôi. Bỏ mặc cho con quỷ tùy tùng, y đi quanh tảng đá nhiều vòng và nghiên cứu nó, rồi dừng lại với một tiếng tặc lưỡi.

"Chưa đến lúc." Y thủng thẳng nhận xét.

"Thưa thần..." Gã Mönung định cất lời, nhưng y đã gạt phăng đi.

"Ta tưởng các ngươi đã hút sinh lực của em ta để duy trì sức mạnh, nhưng hóa ra không phải." Y vẫn tiếp tục bài độc thoại của mình, hai tay chắp đằng sau lưng, ra vẻ đạo mạo. "Em ta vẫn đang cộng sinh với vùng rừng núi này. Chưa đến thời khắc tỉnh giấc. Nhưng hỡi núi rừng đại ngàn, hỡi những yêu ma quỷ quái đã gắn bó với nơi này tự thuở sơ khai, hãy nghe đây!" Y quay người lại và nói trổng vào không gian trống trải, thừa biết từng hồn cây cỏ và quỷ ma đều đang dõi theo và lắng nghe y. "Ta đến đây để cảnh báo các ngươi. Kể từ thời điểm này, hai mươi chín năm nữa, em ta sẽ tỉnh giấc. Các ngươi có biết làm thế nào để gọi Tứ Linh tỉnh dậy không?"

Toàn bộ u linh đều chìm vào im lặng. Một câu hỏi mà y cũng không trông đợi chúng có được câu trả lời.

"Hoặc được ai đó chủ động triệu tập," Y ngừng lại, và nở một nụ cười nhàn nhạt. Y cần phải vào lại Sài Gòn sớm. "Hoặc là bạo lực. Ta để cho các ngươi tự đoán. Các ngươi tự xoay sở lấy. Và nếu các ngươi cần trợ giúp gì..." Y đặt vào lòng bàn tay của gã Mönung một đồng tiền xu mà y đã lấy được ở Hà Nội rồi bắt đầu dợm bước, bàn tay giơ lên vẫy vẫy vào hư vô. "Cứ đến gặp ta. Ta ở Sài Gòn, gần với các ngươi hơn là ở Hà Nội. Ta sẽ ở đó chờ tin. Cứ cử tên Mönung này vào đó, tìm đến một người tên là Thục Dân, và đưa cho hắn đồng tiền này." Y quay đầu lại ngắm nghía tên Mönung đó một lát, khiến thâm tâm gã quỷ rợn gáy; ánh mắt lạnh lẽo và đầy đe dọa, không hề khớp với giọng nói cùng lời mời vào Nam ôn hòa mà y đang nói chút nào. "Đó sẽ là ta."

Đó là cách y chia tay rừng núi Tây Nguyên, và vào thẳng Sài Gòn.

Khi đến nơi, y đã nghe tin chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng, và hai cõi Bắc Nam đã thống nhất hoàn toàn. Từ trên mái nhà của tòa nhà mà Nguyễn Văn Thiệu từng sống, nay y nghe tin đã cải tên thành Dinh Độc Lập, y đã ngồi và lặng lẽ chứng kiến hòa bình thay da đổi thịt thành phố này; chính phủ của chế độ cũ giải thể, quân đội Hoa Kỳ rút đi từng lớp một. Y còn hay tin, Nguyễn Văn Thiệu đã vượt biên. Y nghĩ cả đời y cũng không còn gặp lại lão nữa.

Mặt khác, lão cũng không phải là người duy nhất mạo hiểm làm việc này. Trong đêm của năm độc lập đầu tiên, y đã chứng kiến rất nhiều người dân và bộ máy của chính quyền cũ vượt biên tại bến Bạch Đằng. Cảnh sắc dần dần đổi thay, người dân cũng khác hẳn. Giọng Bắc, và giọng Trung bắt đầu lai vào. Song, điều y quan tâm chính là tòa nhà này và phía hồ Rùa của y vẫn đang được giữ nguyên. Y có thể thở phào nhẹ nhõm một chút.

Có nhiều đêm, y đơn độc ngồi tại một chiếc ghế đá gần nhà máy Ba Son quan sát từng toán dân người Nam bí mật lên thuyền để dông đến vùng đất hứa xa xôi ở bên kia Thái Bình Dương. Nhiều chiếc thuyền y đã nhìn thấy cả Thần Chết đứng ở mũi thuyền, hắn nhác thấy y còn cúi người chào cung kính trong lúc chiếc thuyền bắt đầu nhổ neo. Y chỉ biết gật đầu với hắn, miệng thì lẩm nhẩm một ca khúc mà y đã từng nghe được trong một phòng trà nào đó mà sau khi về lại Sài Gòn, y cũng đã ghé qua thăm, cuối cùng chỉ nhận lại một đống phế tích đã chết cháy vì Độc lập tự do: Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu, cuộc phân ly may lắm thì qua mau...

Khi y băng ngang qua những ngôi chùa may mắn còn sót lại sau cải tổ, thỉnh thoảng y còn gặp vài vị La Hán. Y thậm chí đã trò chuyện được với một vị, ông ta còn nhắc lại việc y đã giúp cho nhiều linh hồn binh sĩ quá cố siêu thoát, với một tông giọng hàm ơn. Y cảm ơn lại vị La Hán, rồi trầm lặng rời đi. Y vùi mình trong đêm đen và đi lang thang đến rạng sáng.

Những quán ăn y từng quen mặt giờ cũng đã đóng cửa. Y nghe phong phanh những cuộc chuyện phiếm: một số đã bị đem ra xét xử. Một số thành công tháo chạy qua Hoa Kỳ sống lưu vong. Một số đã chuyển đi đâu đó và sẽ không bao giờ quay trở lại. Y trầm mặc nhìn những xe hủ tiếu bỏ hoang, những ngôi nhà khang trang giờ đã tịch thu làm của cải của chung, và không một địa danh nào là thân thuộc với y nữa.

Thời đại đã chuyển mình, và một lần nữa y lại đánh mất mình trong những ký ức của một thời đại đã chết, đã lật qua trang.

1976

Tuy nhiên, tâm trạng buồn bã và uể oải hậu chiến này không bám tơ lòng trong y được lâu. Vì y vẫn còn việc phải làm, và rắc rối có lẽ đã thích y; nên nó nhất quyết không để y yên.

Không lâu sau đó, năm một nghìn chín trăm bảy mươi sáu, một năm sau khi Việt Nam được thống nhất toàn cõi, y đứng như trời trồng ở hồ Rùa, trước văn bia Rùa mà Nguyễn Văn Thiệu đã xây cho y, nay đã vỡ nát.

Và co ro kế bên cái văn bia đổ nát đó, là một đứa trẻ đang khóc rấm rức. Y chẳng biết nên cười, hay nên òa khóc theo nó luôn.

"Phá chính quyền cái mốc xì, cái mả nhà tụi bây, quỷ tha ma bắt Thuồng Luồng cắn chết hết tụi bây đi..." Y lẩm bẩm chửi thề. Nghe tiếng nói của y, đứa trẻ ngừng khóc và ngẩng đầu nhìn y. Cặp mắt nó trong veo và chớp chớp, chỉ khiến y thêm bất mãn.

Lũ người phản động đó nghĩ sao mà lại đặt bom để phản đối chính quyền chứ? Và còn quá đáng hơn nữa, trong tất cả mọi nơi ở Sài Gòn, lại chọn cái văn bia con Rùa này?

Y thề, y sẽ bằng chính đôi tay này, tìm đến từng kẻ bạo động đó và bóp cổ cho chúng chết hết, vì dám làm loạn kế hoạch của y—

Thở dài, y cũng không còn cách nào khác. Y ngồi xổm xuống, để tầm mắt mình ngang với đứa trẻ. Linh khí của cả hai hòa hợp với nhau ngay lập tức, một cách ruột rà khiến y vừa quạu quọ, vừa phần nào vui lòng. Sự vui lòng đó, dù y có phớt lờ hay phủ nhận thế nào, thì cũng không thể không chống lại được đứa trẻ nhỏ trước mặt bất giác lao vào ôm chầm lấy y. Y xụi lơ trong cái ôm, còn đứa trẻ thì nín khóc hẳn và chuyển sang cười khúc khích.

Xem ra tên nhóc này cũng chẳng nhớ gì hết. Y vụng về đưa một tay quàng qua tấm lưng bé nhỏ của nó, rồi bồng nó lên. Y đứng dậy, và lắc đầu ngao ngán. Chuyện hài hước gì đây, thần Kim Quy hùng mạnh giờ đây phải làm bảo mẫu trông trẻ? "Nào, ngoan, khóc nữa thì anh không cho kẹo đâu đấy..." Y vỗ đại vào cái đầu nhỏ của đứa nhóc, hoàn toàn bất lực trước sự đời không ngờ nổi này. "Bây giờ thì mày về với anh. Anh cũng không biết nữa, ai da, còn đang định đi Tây Nguyên chơi một chuyến..."

Y đổi lại tư thế bồng, sao cho mặt giáp mặt với đứa trẻ. Đứa trẻ này ở trần, cặp mắt trong trẻo và làn da sáng, ở cổ chân có một vết bớt nhỏ - y cố tình lờ cái điểm này đi - liên tục cọ nguậy trong lòng y, có vẻ rất phấn khích khi được gà mẹ này nhận nuôi.

Coi có chết y không chứ.

Y lại thở dài. Mẹ cha cái lũ bạo động quái quỷ kia. Y cần phải thảo lại kế hoạch của mình thôi. Nhưng điều quan trọng bây giờ là—

"Trời ơi, đi mua đồ em bé kiểu gì giờ?" Y vừa bồng nó đi, vừa vò đầu bứt tóc. "Mấy bà già ở xóm thể nào cũng sẽ đồn ầm lên là anh đây có chửa hoang mất thôi..."

Như nghe được mùi đau khổ từ gà mẹ, đứa trẻ lại bắt đầu rưng rưng sắp khóc tới nơi. Sớm nhận ra cơn bão mít ướt sắp kéo đến, y bèn mau chóng thu lại vẻ mặt nhăn nhó mà lắc nhẹ vòng tay của mình và nở một nụ cười mếu máo. "Thôi đừng khóc. Không là anh ném mày lại vào hồ đấy." Y méo xệch miệng khi thấy lời đe dọa của mình công cốc; thần Kim Quy hùng mạnh từng dọa nạt được cả những yêu ma cổ xưa nhất ở Tây Nguyên, giờ đây lại khiến cho một đứa trẻ khóc to ngay giữa hồ Con Rùa. Nhiều người đi đường đã ném cho y cái nhìn dị nghị, nên y đành phải xuống nước chuyển sang giọng năn nỉ. "Thôi mà, đừng khóc nữa. Hay là anh sẽ đặt tên cho chú mày nhé?"

Y dừng lại một chút để suy nghĩ.

Ở đây là đất phương Nam rộng lớn, và đứa trẻ trong lòng y cũng không phải là một đứa trẻ bình thường. Y lại nghĩ về vị vua đã trao trả kiếm cho y bên bờ hồ năm nào, người đó đã mặc một bộ hoàng bào thêu hình rồng dát vàng uy nghi. Y đã từng ấn tượng với bộ trang phục ấy biết bao, và ý nghĩ đầu tiên chớm trong đầu y chính là: loài vật này hẳn là rất hùng mạnh mới được sánh cùng hoàng quyền như vậy.

"Đế Nam." Y ướm thử cái tên đó trên đầu môi. Nó thuận miệng, và nó khiến đứa bé trong lòng y chợt nở một nụ cười tươi híp cả mắt. Đâu đó trong lòng y chợt chùng xuống trước nụ cười thơ trẻ đó. Y phải xốc lại bản thân mình, nhưng y rất ngờ là trong những ngày tới, kiểu gì cái kiếp gà trống nuôi con này cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm tính y cho mà xem.

"Tên chú mày là Đế Nam nhé. Anh chốt nhé, hết tên đặt rồi. Yên tâm, anh sẽ làm giấy khai sinh cho chú mày đàng hoàng. Anh á? Anh tên là Thục Dân."

Thằng nhóc vui mừng kêu lên, dù y chẳng hiểu tại sao có mỗi cái tên thôi mà trông nó sảng khoái như lúc y mới quay về trần gian vậy. "Thụ... Thụ Dân!"

"Là Thục Dân, không phải Thụ Dân! Anh sẽ tập cho mày đánh vần... ái, đừng có cắn vào tay anh! Đau quá, răng chú mày là răng rồng luôn đó hả..."

Vậy là, thần Kim Quy, một trong Tứ Linh được thờ phụng từ ngàn đời nay ở Việt Nam, nay đã an cư lạc nghiệp ở Sài Gòn với cái tên Thục Dân, giờ phải xếp hàng ở bệnh viện để xin giấy khai sinh cho một đứa trẻ y còn chẳng phải rút ruột sinh ra. Hẳn y chính là ông bố đơn thân đầu tiên ở cái đất này, nếu không thì bác sĩ và người dân đã chẳng ném cho y một cái nhìn khó hiểu khi nghe y ấp úng trình bày cái gì đó về con ngoài giá thú, vợ tôi bỏ tôi đi rồi mà y đã bứt đầu trong hai mươi tư giờ khổ sở nghĩ ra để qua mặt bệnh viện.

"Lý Đế Nam." Thục Dân bất lực đọc cái tên đó để bác sĩ ghi vào sổ.

Vị bác sĩ đang viết dở chữ Đế chợt ngước lên. "Anh tên gì?" Ông hỏi, và chàng thanh niên lại phải nén một tiếng chửi thề khác.

"La Thục Dân." Có trời đánh hay Thánh tổ phong ấn lại y cũng không muốn chung họ với cái thằng nhóc này, thế là y bịa đại một cái họ gần gần giống, đã vậy lại bày ra vẻ mặt rất ủ ê để tâm sự rằng. "Tôi đặt tên nó theo họ mẹ."

Thật là ba chấm. Nữ Thánh tổ Chim Lạc, một trong hai đấng Cổ thần tạo ra y thậm chí còn chẳng có họ. Y đặt họ Lý cho thằng nhóc chẳng qua là vì y nhớ nhà Lý là triều đại bắt đầu thờ phụng loài rồng mạnh mẽ nhất, đi chung với đạo Phật. Đó, y nhớ vu vơ lời của Lân kể, hình như cũng là lúc Long đã bắt đầu nhen nhóm mầm mống nổi loạn...

"Tên hay đấy." Vị bác sĩ khen, đoạn di bút đến mục Quê quán. "Nhà anh gốc Hoa à?"

"Không." Y lắc đầu ngay lập tức. "Tôi và nó đều là người Việt Nam."

Mất khoảng hai mươi ngày để giấy khai sinh được chấp thuận và trả về cho ông bố đơn thân Thục Dân. Y thấy ngày hai mươi ba tháng tư là ngày giấy được cấp, vậy nên y lấy luôn ngày đó là ngày sinh cho Đế Nam. Thuở bây giờ hệ thống nhân khẩu vẫn còn sơ khai, nên y làm thủ tục cũng khá dễ dàng. Không lâu sau đó, y cũng tự đăng ký cho bản thân một chứng minh thư, để chứng thực rằng y là một công dân hợp pháp và có hộ khẩu ở căn nhà nhỏ cuối hẻm đường Nguyễn Trãi. Chẳng ai ngờ được rằng vị thần Kim Quy ngàn năm tuổi có thể hô mưa gọi gió, bây giờ lại có một đứa con (em trai không ruột, não y tự động sửa lại; việc y có một đứa con trai nghe lúc nào cũng khiến y nhợn cả họng), lại còn cố gắng nuôi nấng nó nên người giữa lòng một thành phố đang dần dần ổn định và lấy lại trật tự, sẵn sàng tiến lên từ đống đổ nát của chiến tranh tàn khốc. Mà tâm thế đứng dậy từ mất mát, đó đã là một bản năng mang tính di truyền trong máu của người Việt Nam.

2004

La Thục Dân đang đau đầu, thực sự hết sức đau đầu.

Cái xóm Nguyễn Trãi này, cho dù y đã cố gắng che giấu đến đâu, thì cũng đã sớm hay tin y từ một chàng thanh niên lành tính, im lặng ngụ ở căn nhà góc trong cùng của hẻm, bất ngờ trở thành gà trống nuôi con chỉ trong một đêm. Đã vậy, các bà hàng xóm tốt tính còn giúp y tạo dựng nguyên một câu chuyện lâm li bi đát rằng người tình của y sau khi sinh cậu bé Đế Nam đã từ bỏ hai cha con mà vượt biên sang Mỹ, có bà còn quả quyết người này đã đi chung thuyền với một người bà con bà quen biết, hiện đang ở California. Thục Dân dở khóc dở cười chẳng bình luận gì, lại phải tối mặt tối mày lo cho thằng nhóc Đế Nam ở nhà nên người.

Để kiểm soát thằng nhóc con tốt hơn, Thục Dân tạm thời không gửi nó đến trường. Vậy là từ gà trống nuôi con, y trở thành gà trống nuôi con toàn thời gian. Đế Nam ở nhà cũng chỉ được con gà trống này dạy những thứ mà y biết: loại tiếng Việt đã quá cũ kỹ và lạc hậu, pha một chút tiếng Hoa và tiếng Anh bập bẹ. Toán học hay các môn Tự nhiên thì hoàn toàn mù tịt. Duy chỉ có Lịch sử và Địa lý thì y dạy nó rất nhuần nhuyễn, thậm chí là kỹ lưỡng. Cho đến lúc y đã tự hào kiến thức dạy con của mình từ một người chỉ biết cuốn sách nuôi dạy duy nhất là truyện Thánh Gióng, cho đến đã nuôi được Đế Nam chập chững lớn cỡ... mười bốn tuổi sau hai mươi lăm năm, thì lại một biến cố khác kéo đến buộc y phải nhớ lại con đường ban đầu y đang đi.

Con đường ấy bắt đầu lại vào một ngày mùa hè, năm hai ngàn lẻ tư, chỉ còn cách sinh nhật của Đế Nam vài ngày.

Thời điểm đó, chế độ Bao cấp cũng đã qua đi từ lâu, và đất nước đã bắt đầu chập chững hệt như những bước đi của cậu nhóc trên con đường vươn mình phát triển. Khu phố Nguyễn Trãi đã ít nhiều đổi khác; nhiều hộ dân từng góp chuyện cho câu chuyện buồn không có thật của y người đã qua đời, người đã ra nước ngoài, người đã chuyển đi. Nhiều gia đình mới chuyển vào, và cũng chẳng biết rõ gì về cặp cha con đơn thân ở ngôi nhà cuối hẻm.

Thục Dân cũng chỉ vừa nhẹ nhõm ít lâu, thì y lại nhận về đúng tín vật y đã trao cho con quỷ Mönung hai mươi chín năm trước.

"Lời Sấm truyền của ngài đã đúng." Người trao cho y đang phủ phục trước chân y, không phải là con quỷ đó. Mà là một nữ quỷ Nah Tan với bàn chân ngược chiều so với chân người (Đế Nam cứ liên tục quẳng cho con quỷ ánh mắt ái ngại), giọng nói run run. "Gã quỷ chỉ đường cho ngài ngày ấy đã chết rồi. Chính người Êđê đã giết anh ta. Anh ta đã trao lại đồng tiền này cho tôi và cầu cứu tôi vào đây tìm ngài."

"Bạo loạn... ở Tây Nguyên?" Y hồ nghi hỏi lại. Y đã nghe tin này từ đài được ít lâu. Bộ tộc người Thượng đã nổi dậy ở Gia Lai và Đắk Nông, kéo theo một số dân tộc khác tham gia như Êđê, H'mông tham gia. Nhiều thanh niên trai tráng quân đội ở thành phố cũng đã tập kết đến Tây Nguyên để hỗ trợ quân đội Tây Nguyên chống lại biểu tình. Thục Dân không nhận được giấy triệu tập nhờ có hộ khẩu nuôi con nhỏ một mình, nhưng có một điều mà chính quyền không hiểu: Y không thể không tham gia.

"Vậy là sắp đến lúc rồi." Y lẩm bẩm. Y đứng dậy, rồi đặt đồng tiền lên bàn thờ hai Thánh tổ. Y lầm rầm đọc vài dòng kinh cho gã quỷ Mönung xấu số, rồi quay lại nói với Nah Tan. "Ngươi về Tây Nguyên trước đi. Sài Gòn không phải nơi dành cho ngươi. Ta sẽ đến Đắk Lắk trước, rồi sẽ qua Gia Lai và Đắk Nông. Ta không thể can thiệp vào cuộc chiến này, vì đây không phải là một cuộc bạo loạn về tôn giáo tâm linh. Nhưng ta có thể bảo vệ cho yêu ma ở Tây Nguyên tránh khỏi đổ máu."

"Thưa ngài," Nah Tan lạy y ba lạy và dập đầu mạnh ở cái lạy cuối cùng. "Vậy còn chuyện ở trong rừng Đắk Nông...?"

Thục Dân liếc mắt nhanh sang Đế Nam, rồi lạnh nhạt ngắt lời nữ quỷ. "Tự ta sẽ có sắp xếp."

Cuối cùng sau một hồi suy tính, Thục Dân quyết định y không thể dẫn Đế Nam theo. Con rồng quái quỷ này y thậm chí còn chưa rõ về sức mạnh và giới hạn của nó, đừng nói là dắt nó đến một vùng đất yêu khí mạnh như Tây Nguyên. Y cũng chẳng thể hình dung nổi nếu cả ba Linh Thú cùng tụ lại ở một vùng đất đang đà loạn lạc, sẽ càng loạn lạc hơn như thế nào.

Y bèn chọn một giải pháp đơn giản, đậm chất làng xã Việt Nam bán bạn bè xa mua láng giềng gần: Gửi nó cho bà Bảy hàng xóm, nói là y phải đi công tác mấy ngày, cần nhờ bà trông nom.

Gia đình bà Bảy mới chuyển đến xóm Nguyễn Trãi này ít lâu, cũng chẳng biết rõ về gia đình không mấy gia đình của Thục Dân, nên cũng vui lòng nhận trông nom cậu bé Đế Nam trong thời gian y đi vắng. Bà sống chung với gia đình của con gái, người phụ nữ này cưới chồng và có duy nhất một cô con gái là Mẫn Chi, trạc tuổi Đế Nam. Cô bé rất xinh, dáng người thanh mảnh, khuôn mặt nhỏ, lại lễ phép và hay thích gọi Thục Dân là chú Thục. Dù vậy, thỉnh thoảng cô bé vẫn hay nhìn y với ánh mắt dè dặt, nhất là mỗi khi liếc sang bàn tay của y.

Ngày thứ hai Thục Dân đi xa, Đế Nam vừa mới quen với nề nếp sinh hoạt ở nhà bà Bảy, thì Mẫn Chi đã kéo cậu vào trong góc bếp, vẻ mặt cô bé nghiêm trọng như thể sắp sửa tiết lộ bí mật tầm cỡ quốc gia; cô bé thì thầm với cậu, giọng nói nhẹ hẫng.

"Này, Đế Nam," Cô bé hỏi. "Sao bố cậu lại bị rút mất một cái móng ở tay phải thế?"

Ở ngàn cây số cách Sài Gòn, Thục Dân đi theo con đường cũ mà gã quỷ Mönung từng dẫn y đi, lần này là cùng với Nah Tan, nhưng y sớm chỉ nhận lại một cái hố sâu trống rỗng. Hòn đá nặng nề năm nào đã bị lật qua một bên, và bên trong hố đất bị xới ra, cháy đen nhẻm gần như ra tro. Dường như là một cuộc đội mồ trỗi dậy đã diễn ra tại đây, trước sự kinh hãi của ma quỷ Tây Nguyên khiến chúng không dám hó hé tiếng nào, cứ thế mà im lặng nhìn sinh linh từ lòng đất đốt từng mẩu đất và đội tảng đá phong ấn sống dậy.

"Eo ơi. Ta có một cô em gái ở dơ." Là tất cả những gì Thục Dân nhận xét. Y phẩy phẩy tay vào không trung. "Không cần các ngươi trình bày. Ta hiểu rồi."

Sau đó, y bắt đầu lục trong túi quần tây tìm kiếm gì đó. Nữ quỷ Nah Tan và các linh hồn rừng núi hoảng sợ tưởng y định lôi vũ khí ra trừng phạt nên nín họng, không dám nói gì. Thậm chí chúng dường như đã nín thở chờ tên quan tòa cợt nhả kia tuyên tội chúng, vì dám chểnh mảng không kịp báo cho y kịp thời về sự sống dậy của người anh em của y.

Tuy nhiên, chúng đều hố to; con quỷ Nah Tan trố mắt nhìn Thục Dân rút ra một thiết bị trông như một cái tráp tí hon có nắp nhỏ xíu cỡ lòng bàn tay y. Đoạn y mở nắp món đồ kỳ quái đó ra và kê bên tai, giọng hồ hởi nói vào cái tráp, như thể trong đó có phong ấn yêu ma quỷ quái gì đang chờ trò chuyện với y vậy. "A, bà Bảy à? Cháu Nam ở nhà có ngoan không bà? Ngoan lắm à, vâng vậy thì con nhờ bà trông thêm cháu ít ngày nữa nhé. Ai da, xuất nhập khẩu ấy mà, bây giờ doanh nghiệp tư nhân đang đổ xô đầu tư, cháu ở đây thêm vài ngày nữa, điên cả đầu..."

Sau khi y đóng cái tráp lại và cất vào túi, y mới để ý ánh mắt khó hiểu của con quỷ. Y nhún vai. "Đó là cái phôn, công nghệ nước ngoài đấy. Giúp cho ngươi ở Đắk Nông gọi được đến mấy con quỷ ở Gia Lai. Bây giờ ta lên chức bố một con rồi, ta đâu có còn tự tại như xưa nữa."

"Xin thứ lỗi, là chúng con hồ đồ không hiểu biết gì." Nah Tan lẩm bẩm, trong đầu liên tục nhắc đi nhắc lại chữ phôn. Chắc đây là loại bùa chú gì đó của người trong chốn Sài Gòn sử dụng để liên lạc nhau, giống như cách người ở đây sẽ nói vào vách đá để truyền đến tai bạn tình ở xa ấy mà. "Vậy thưa ngài, chuyện của em gái ngài..."

"Ta sẽ lo cho nó sau. Tự ta xoay sở được." Thục Dân nhấm nhẳng. Y đi đi lại lại trên nền đất đầy lá khô lao xao, cặp mắt đảo nhanh qua vùng rừng núi lấp lánh ánh nắng mặt trời. Bỗng nhiên y cảm thấy mình có một mối liên kết khó hiểu với vùng đất này; có lẽ chính là cái cội của y, dù là Linh Thú, thì nguyên bản y vẫn là một dạng yêu ma quỷ quái, vậy nên càng ở vùng đất có yêu khí mạnh, y càng cảm thấy gắn bó hơn. Y không thể để một nơi đẹp đẽ và thiêng liêng như thế này rơi vào bàn tay tàn phá của cuộc biểu tình vốn chẳng liên can gì đến đám bọn y cả. "Bây giờ ta sẽ ở lại đây và yểm bùa khu vực rừng núi này để giảm thiểu tác động của cuộc biểu tình. Ta không muốn nhìn thấy bất kỳ trường hợp Mönung thứ hai nào nữa."

Nữ quỷ Nah Tan quỳ rạp xuống và lạy y thêm một lạy. Trong tâm trí của nàng, nàng vẫn không tin được gã thanh niên gầy ốm với mái tóc đen bù xù như tổ quạ và khuôn mặt trẻ măng như con nít này lại là thần Kim Quy hùng mạnh mà tổ tiên nàng đã truyền miệng kể cho nhau qua nhiều thế hệ. Lại còn cái giọng điệu cợt nhả bình thản của y nữa chứ, chẳng mang dáng dấp uy nghi của một vị thần gì cả. Thế nhưng, nàng buộc phải tin, vì ngay sau đó, gã thanh niên ốm o này đã lười nhác tản bộ quanh bìa rừng, và trong tay là thanh bảo kiếm Thuận Thiên mà nàng đã từng nghe nhờ có nó, vua Lê Lợi đã giành lại được non sông Đại Việt độc lập từ tay quân Minh xâm lược. Thanh kiếm nạm ngọc xanh và dát vàng ở chuôi, lưỡi kiếm sắc bén đâm vào đất cứng và xẻ chúng ngọt như bổ củi. Rồi từ khe rãnh mà nó bổ ra, một luồng ánh sáng màu vàng ma quái hừng lên, mà nàng ngầm hiểu là Kim Quy đang phù phép để bảo vệ khu vực này khỏi tai ương của bạo động.

Đợi cho Thục Dân làm phép xong cũng đã khoảng ba ngày trôi qua. Y vừa làm xong phép đã dặn dò Nah Tan về ranh giới và giới hạn của bùa, rồi sau đó nhanh chóng tạ từ nữ quỷ và chống rừng núi linh thiêng này mà trở ngược vào Nam, với lý do "con ở nhà ngóng trông". Y gửi lại cho nàng một đồng xu mới, và dặn nàng tương tự như y đã nói với Mönung. Rằng y luôn ở đây vì non nước Việt Nam, và bất cứ chuyện gì nguy hiểm xảy ra, đều cần phải được thông tin ngay đến cho y.

Tuy nhiên, có điều mà Thục Dân đã không biết được, đó là trong ba ngày y bận rộn phù phép bảo vệ khu vực Tây Nguyên này, có một chuyến xe đò lén chở những người Kinh từ vùng bạo động vào Sài Gòn tị nạn. Trên chuyến xe chạy gấp này đi dọc con đường Đắk Nông giáp với Campuchia có một cô gái trẻ, nhỏ con, cổ đeo một chiếc khăn quàng to, ngồi im lặng trong góc và không đem theo bất kỳ hành lý gì. Xe đò này thực chất là xe chở hàng, với khoang lái đằng trước, khoang xe đằng sau là hai băng ghế dài được đặt đối diện nhau, người dân hay quá giang để di chuyển từ thôn này sang thôn kia, hầu hết không hề quen đi đường dài. Những người Kinh tuy không phải gốc gác dân tộc Tây Nguyên nhưng cũng đã nghe qua những giai thoại kỳ bí về ma quỷ tại vùng núi rừng nguyên sơ này, thấy cô gái trẻ che kín cổ trông có vẻ xinh đẹp, toàn thân lại dính đất bùn bẩn thỉu thì e sợ nàng là loại quỷ Röhung chuyên đi moi ruột người sống để ăn nên không dám tiếp cận bắt chuyện. Qua được một ngày, khi xe bắt đầu tiến vào Đồng Nai, thấy cô gái trẻ vẫn ngồi co ro không phản ứng gì, một trong những người phụ nữ hành nghề lái buôn mới bạo dạn trò chuyện với nàng. "Gái ơi," Bà dịu dàng, có phần dè dặt, đặt tay lên đùi nàng hỏi thăm. "Con tên gì? Nhà ở đâu thế? Sao con đi một mình?"

Cô gái lắc đầu, đoạn sè sẹ lên tiếng. Giọng nàng khàn đục như đã lâu ngày không uống nước, mái tóc đen tuyền cột tạm bằng sợi thun vàng rủ qua một bên vai. Trông nàng buồn bã và cô độc, khiến bà lái buôn cảm thấy có phần thương xót; chẳng có con quỷ Röhung nào ở đây cả, có khi đây chỉ là một cô gái làm thuê ở Tây Nguyên bị mất việc vì biểu tình, hoặc là gia đình đã lạc mất trong cơn biến động hoành hành tại vùng núi rừng đó mà thôi. "Ái Linh. Con tên là Ái Linh." Cô gái trẻ trả lời, hai bàn tay bấu chặt vào đuôi khăn choàng. "Con... con không có nhà."

"Vậy con định vào Sài Gòn học nghề đi làm à?" Người phụ nữ ân cần hỏi.

"Con định là vậy." Ái Linh rụt rè trả lời. "Con cũng không mường tượng được. Con chưa tới Sài Gòn bao giờ."

"Con đừng lo." Người phụ nữ trấn an. "Con sẽ quen với Sài Gòn sớm thôi. Ở đó mát mẻ, tìm việc làm cũng khá dễ. Con có thể kiếm một bằng nghề rồi đi làm cũng được. Hy vọng nhà nước sớm dẹp được loạn này." Bà thở dài và lắc đầu ngao ngán. "Biết bao nhiêu nhân công mất việc, tan nhà nát cửa vì vụ này. Xe tị nạn đi nườm nượp, lại còn phải đi chui vì sợ bị người Thượng và mấy dân tộc nổi loạn chặn đường. Có xe không may bị họ phát hiện đã kẹt lại ở trển luôn. Cô con mình vậy là may lắm rồi đó."

Co mình lại trong chiếc khăn choàng, Ái Linh chỉ biết gật đầu rồi lại làm thinh. Cô gái trẻ thẫn thờ nhìn khung cảnh vụt qua bên ngoài chấn song sắt của khoang xe đò; từ vùng núi rừng xanh ngắt và mát lạnh, bây giờ đã chuyển sang màu vàng vọt của cỏ héo và khí nóng mùa hè phương Nam. Chiếc xe đi với một hướng đến cụ thể, song nàng thì không. Nàng chẳng có gì trong tay ngoài một cái tên.

Và một ký ức lạnh lẽo, ngai ngái mùi đất cỏ kể lại rằng: nàng tỉnh dậy ở giữa một khu đất hoang trong rừng, xung quanh là côn trùng vo ve kêu, bên trên là vòm cây trong đêm đen tối tăm và ma quái, hoàn toàn không thể nhìn thấy bầu trời; trên tay chân nàng bám đầy bùn đất, móng tay nàng thậm chí còn chảy máu. Nhưng nàng tuyệt không thể nhớ được nàng đã làm gì, vì sao ra nông nỗi này; đến thân phận hay xuất xứ, trí nhớ nàng cũng lắc đầu bất lực, không cho nàng được một câu trả lời.

Nàng còn chẳng biết Sài Gòn trông ra mô tê gì, nhưng từ trong cánh rừng, nàng đã nhìn thấy. Chém giết. Đổ máu. Những toán dân ùn ùn kéo đi, trong tay là cuốc, liềm, búa, rìu, bị chặn lại bởi một toán người khác mặc đồng phục xanh. Nàng tuy chẳng hiểu gì, nhưng nàng biết nơi này không hề an toàn để nàng tìm kiếm câu trả lời cho bản thân. Vậy nên nàng quyết định đi theo một đoàn dân trông có vẻ hiền lành và sợ sệt, trên tay không có vũ trang gì lên một chiếc xe. Và bây giờ những gì nàng được biết từ người đàn bà kia, đó là nàng đang sắp sửa vào Sài Gòn.

Nàng nắm chặt chiếc khăn choàng như bám vào một sợi dây cứu tinh. Sài Gòn. Một cái tên chẳng gợi được gì, vô vị và không hứa hẹn. Nhưng quan sát điệu bộ nhẹ nhõm của những người đi chung xe, nàng lại tin ở đó ít ra sẽ an toàn hơn vùng đất bạo lực và đẫm máu kia.

Bây giờ, nàng cần một nơi để ngụ cư và mưu sinh đã. Những chuyện khác, ít nhất nàng cũng chỉ có thể tiếp tục tính với một cái bụng no.

Nhác nghe tiếng xích lô đỗ lại trước nhà, Đế Nam bèn nhảy phóc xuống giường và mau mắn chạy ra ban công nhòm người mới đến. "Bố!" Cậu reo lên, rồi ba chân bốn cẳng chạy xuống nhà.

Thục Dân dở khóc dở cười xách vali xuống và trả tiền cho người xà ích. Chuyến đi này tuy ké dài không lâu, nhưng đã khiến y tỉnh ngộ khỏi giấc mơ gia đình này mà trở về với một sự thật là: Y đếch phải bố của đứa trẻ. Y cần phải tập cho nó gọi mình là anh sớm thôi, và chấm dứt cái quan hệ cha con bất đắc dĩ này.

Tuy nhiên, lúc y gỡ cái nón phớt xuống và nguyền rủa thời tiết Sài Gòn nóng bức đến vã mồ hôi như tắm này, mắt y chợt dừng lại ở cảnh tượng trước mắt. Đứa trẻ Đế Nam y từng bồng lên ở bên hồ Con Rùa năm nào, tuy lớn khá chậm, giờ cũng đã trổ tuổi dậy thì rồi. Nó đã cao gần đến vai y, hiện giờ đang nhấp nhổm trước hiên nhà, hai tay chắp lại sau lưng mà nghiêng đầu nhìn y, cặp mắt híp lại cùng nụ cười tươi rói quen thuộc chào đón y quay về.

Y bất giác, trong vài giây, quên mất mình là thần Kim Quy. Và đứa nhóc trước mắt này, trong vài giây ngắn ngủi đó, cũng không còn là người em trai Long dũng mãnh mà y không gặp được vài trăm năm trước. Khoảnh khắc đó, họ chỉ như là những người bình thường, sống một cuộc sống rất đỗi bình thường mà y đã vô thức lấy làm quen hơn hai mươi năm qua. Y đặt vali sang một bên rồi ngồi xổm xuống. Lúc này Đế Nam đã cao hơn cái tư thế xổm của y, nhưng cậu vẫn khoái được y xoa đầu, cứ như một con cún nhỏ được khen ngợi vậy. Y tự lấy làm vui với cái ý nghĩ đó và vò tóc Đế Nam mạnh hơn.

"Bố!" Thằng nhóc con phàn nàn, nhưng nụ cười trên môi nó toe toét hơn. "Bố đi lâu quá. Ở nhà miết con cũng phát chán rồi."

"Giỏi giỏi." Thục Dân khen. "Tối nay sẽ dắt con đi xem chiếu bóng, được chứ?"

"Ăn tiệm luôn hở bố?"

"Ô kê. Bố đãi con một bữa phá lấu thịnh soạn luôn."

"Bố là nhất!" Thằng nhóc reo lên, rồi nó co giò nhảy phắt lên lưng của y, để y nhăn nhó vì cái lưng của tuổi già, nhưng vẫn tủm tỉm cõng nó leo lên gác. Tiếng cười nói râm ran sớm lấp đầy căn nhà nhiều hôm rồi trống trải.

"Sao sao? Manchester đã chuẩn bị đá với Juventus chưa?"

"Chưa bố ạ, mai cơ! Bác Tám sạp báo đầu hẻm đã giữ một tờ Thể thao ngày mai cho mình rồi..."

Thôi thì, y nghĩ thầm, ít ra vẫn còn có cuộc sống này an ủi cho y, cho quãng thời gian cô lập hàng trăm năm qua mà y đã phải gánh chịu. Hơn ai hết, y tin y xứng đáng có một cuộc sống bình dị như thế này. Y nhìn cái bóng nhỏ thó lăng xăng chạy qua chạy lại phụ y dọn đống đồ trong vali đi giặt, bất giác lại nhớ đến ký ức mà y đã từng ngủ mơ nhiều năm liền cho đến khi gặp được cậu.

Ngủ đi nhé, em trai. Em đi mất rồi, anh tiếc lắm thay...

Cuộc độc thoại từ gần ba mươi năm trước dội về tâm trí y, khiến y nhận ra chính mình vậy mà cũng đã thay đổi quá nhiều. Gã con trai cô độc thâm thúy đó, bây giờ đã có một mụn con (Một phần tiềm thức y vẫn hơi nhợn nhợn trước điều này, nhưng cái cảm giác sến súa khi bạn trở thành một phụ huynh đã sớm lấn át ngay). Dù y đã sớm hiểu được rằng, những ngày tháng này có thể sẽ không còn tồn tại lâu nữa, y vẫn muốn ngoan cố để bảo vệ chúng bằng mọi giá. Bởi vì ngàn năm trước, y đã làm chính y thất vọng. Trước vành móng ngựa của Thánh tổ, vậy mà y đã không thể bảo vệ được bản thân y.

Đó, đã là một bài học đáng giá ngàn đời của y rồi.

"Này, con giai ạ. Trên đường đi công tác, bố đã nghĩ kỹ một chuyện cho con."

"Chuyện gì thế bố?"

"Đó là mày cũng tới tuổi đi học rồi, oắt con. Không có ở nhà để bố nuôi suốt như thế này nữa."

"Thật á? Bố sẽ gửi con học ở chùa Lâm Tế hở?"

"Mày điên à? Ai lại gửi con đi học ở chùa bao giờ?"

"Con đâu biết! Con thấy bạn Mẫn Chi nhà bên hè này được bà Bảy dẫn vào Chùa học mà. Bạn ấy còn khóc với con nữa cơ, bảo là tưởng sắp bị cạo trọc làm ni cô đi tu tới nơi..."

"Bà Bảy mày là dắt Chi đi học thêm lớp hè thôi, oắt quỷ. Bố là muốn con đi học ở trường thực thụ. Lên lớp, học hành bài bản, có bạn có bè. Ở nhà với bố riết thì không lớn nổi đâu."

Đột nhiên, thằng nhóc Đế Nam khựng lại. Rồi, trước mắt tròn mắt dẹt của Thục Dân, thằng nhóc nhảy phóc lên giường và chống nạnh đứng trước mặt y. Cặp mắt của nó chợt trở nên nghiêm nghị và thậm chí còn lóe lên một tia nhìn khiến y rùng mình.

Không lẽ... nó đang bắt đầu nhớ được điều gì đó?

"Bố này." Đế Nam sẵng giọng tuyên bố. "Vậy khi con đi học xong, con sẽ nuôi bố."

Thục Dân bạnh môi. Y lo xa rồi. "Thôi đi ông. Bước xuống giường ngay, chân dơ mà đứng lên đó? Muốn ăn đòn hả?"

"Con nói thật mà!" Thằng nhóc Đế Nam nhoài người về phía trước, rồi nó lùa một Thục Dân vẫn còn đơ người vào lòng, vào một cái ôm chặt. Vòng tay của nó mạnh mẽ và ấm áp, hoàn toàn không phải sức khỏe của một đứa nhóc đang tuổi dậy thì, khiến cho Thục Dân phải mừng thầm là y đã khuất mặt bên bờ vai của nó, không là nó sẽ thấy khuôn mặt đầy xấu hổ của ông bố nó đang đỏ ửng cả lên. Y chợt nhớ lại ngày mà cả hai gặp nhau đầu tiên, bên văn bia con rùa vỡ nát. Thằng nhóc con đáng ghét cũng chủ động ôm y, khiến y không kịp trở tay. Và y cũng chết dí trong cái ôm đó; tựa như thằng quỷ con này có một loại sức mạnh, đó là khiến y bất lực trong cái ôm chầm của nó vậy. "Con sẽ nuôi bố, để bố không phải vất vả nữa. Bố con mình sẽ mãi mãi như thế này, sáng gánh nước chiều quét lá đa cùng nhau thôi."

"Mày nói thế nữa bố tống mày vào chùa đi tu đấy!"

"Ấy con nói thế thôi cho bố dễ hình dung!"

"Tao không hình dung gì hết!" Thục Dân gầm lên, hai má nóng bừng hấp tấp rời khỏi vòng tay của thằng nhóc và xua xua tay. "Thôi mày xuống nhà nấu giùm bố bình nước đi để bố đi tắm. Cái đó là nuôi bố thiết thực rồi đó."

"Dạ, con đi làm liền!"

Lúc đó Thục Dân chểnh mảng đi làm việc khác, không để ý thằng nhóc Đế Nam vừa chạy ra cửa như sực nhớ ra gì bèn ngoảnh đầu lại mà quan sát y. Cậu chép miệng hài lòng khi thấy cả hai bàn tay y đang xếp đồ đều có mười móng tay lành lặn, rồi bỏ xuống nhà nấu bình nước nóng để cho y tắm. Không quên lục tủ lạnh lấy đồ ăn mà bà Bảy tốt tính vì sợ y đi xa về mệt mỏi không nấu ăn nổi đã nấu sẵn cho hai bố con ra hâm lại, trong lòng thầm trách cứ cô bạn gái hàng xóm vì dám nói bố của cậu mất một móng tay.

Mẫn Chi, cậu kết luận, ắt hẳn là bị quáng gà giữa ban ngày rồi.

"Cái qué gì thế này..." Thục Dân đứng tồng ngồng giữa kệ sách la liệt là sách giáo khoa. Y nhìn qua nhìn lại một hồi chỉ thấy hoa mắt. Cái gì mà Toán, Ngữ Văn, Vật Lý, Hóa Học, lại còn đánh số lung tung, nhìn chẳng ra trật tự thể thống gì cả. Cuối cùng, y đầu hàng và quyết định nhắm mắt mua đại một bộ sách đã được nhà sách cột dây phân loại kèm cả bảng giá cụ thể.

Thằng lỏi Đế Nam vừa vào nhà sách đã tót ngay qua quầy truyện tranh, bỏ mặc ông bố của nó mếu miệng ở quầy Con Nhập Học mà nhà sách hẳn đã nghĩ đến trường hợp sẽ có những tay phụ huynh gà mờ như y mà bày toàn bộ nhu yếu phẩm cho học sinh đến trường, từ sách giáo khoa đến cặp sách, vở, bút, không sót sản phẩm nào. Mỗi món y bốc đại một cái, không thèm hỏi qua ý Đế Nam. Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Ngày xưa Thánh tổ của y cũng quẳng y xuống hồ bắt y ở đó mấy ngàn năm đấy thôi.

Lúc y khệ nệ xách một giỏ đồ nặng qua quầy truyện tranh hòng tóm thằng oắt con kia về, y thấy Đế Nam đang ngồi trong một dãy con nít đọc chùa dọc theo quầy truyện tranh. Trên tay nó là cuốn Lịch sử Việt Nam bằng tranh, tập của nhà Lý vừa đánh đuổi quân Tống và đang thực hiện cải cách đất nước. "Oắt con," Thục Dân cốc đầu nó một cái, làm nó la oai oái. "Đi về thôi. Ở đó mà truyện với chả tranh."

"Này, chẳng phải bố mới là người hay kể sử cho con à?" Đế Nam nhấm nhẳng. Cậu chìa hẳn cuốn truyện để mở cho bố mình xem, ngay trang vẽ minh họa hoa văn loài rồng mà nhà Lý vẫn luôn dùng những thợ thủ công lão luyện nhất để điêu khắc. "Cái này là hoa văn chùa chiền nhà Lý. Con nhìn quen lắm."

Sống lưng Thục Dân chợt lạnh đi. "Thế nào mà quen?"

"Thì..." Thằng nhóc rút cuốn truyện về và ngắm nghía hình vẽ một lát. Khi nó trầm ngâm như vậy, Thục Dân lại mơ hồ cảm giác nó đã già hơn cái tuổi mười bốn rất nhiều. Y biết tiền kiếp của nó đã ngàn năm tuổi là ít, nhưng y không tin nỗ lực của y ngăn chặn ký ức của nó lại công cốc. Một hình vẽ đơn giản như thế không thể xé được bùa phép của y được. "Bố có bao giờ nằm mơ không?"

"Thỉnh thoảng." Y trả lời nhạt thếch, đoạn nhanh tay lùa cậu đứng dậy. Y cất luôn cuốn truyện về kệ, mặc cho cái bĩu môi rầu rĩ của Đế Nam.

"Đấy. Con hay thấy những đường nét đó trong mơ." Đế Nam thật thà thuật lại. Mà không hề để ý bàn tay người bố đang nắm lấy bàn tay mình hình như phần nào siết chặt hơn. "Nó không rõ ràng đâu, nhưng con nhớ những con rồng uốn lượn."

"Con rồng uốn lượn." Thục Dân lặp lại, rồi đẩy cái giỏ đồ về phía quầy thu ngân. "Chắc chỉ là trùng hợp thôi con trai." Lời của y chợt nhỏ xuống, như là y tự nhủ với chính mình. "Ngươi vẫn chưa đến lúc đâu. Chưa có ai đến lúc cả, ngoại trừ ta."

Buổi tối hôm đó, khi đã cho Đế Nam ngủ say, Thục Dân mới lặng lẽ rút cuốn Lịch Sử từ chồng sách giáo khoa y đã mua mà chong đèn đọc. Y chọn đại sách lớp Tám, vì y thích con số đó, chứ cũng chẳng suy nghĩ gì hết ráo. Y cũng chẳng nhớ đến môn học này cho đến khi nghe lời kể của Đế Nam. Một mình trên chiếc bàn làm việc thâu đêm, Thục Dân rà qua cuốn sách Lịch Sử số Tám mỏng manh đó, và thở phào nhẹ nhõm khi thấy chương trình của bậc này đã nhảy một bước nhảy thật dài đến thẳng cuộc cách mạng của Trương Định. Các triều đại phong kiến cũ như vậy đã được bỏ qua.

Thở dài, y đóng sách lại và ngồi thừ ra. Cặp mắt y mơ màng nhìn bầu trời đêm tĩnh lặng bên ngoài. Từ ô cửa sổ bên bàn làm việc, y chỉ thấy những mái nhà bằng tôn phản lại thứ ánh sáng mờ ảo của đêm đen, tuyệt không một ngôi sao nào có thể nhìn thấy được. Rồi y chuyển xuống nhìn bàn tay phải của mình. Y xoay đi xoay lại bàn tay dưới ánh đèn. Một cảm giác nhói đau làm cõi lòng y tê tái vẫn còn đấy, tựa như đã trở thành một phản xạ không điều kiện của bản năng y, mỗi khi y nhìn vào bàn tay mình, gột bỏ hết toàn bộ bùa ảo ảnh và các phép thuật che đậy, thì nơi ngón áp út của y chỉ có độc ngón tay mà thôi. Cái móng đã bị rút đi và vĩnh viễn không thể mọc lại được nữa.

"Hừm..." Y mỉm cười nhạt nhẽo. Y rút một điếu thuốc và tìm thấy cái bật lửa trong ngăn kéo. Bóng lưng gầy nhom trong đêm bắt đầu ám mùi khói, cái hương mùi xưa cũ mà y đã cai kể từ khi y nhận nuôi Đế Nam. Khi có cậu líu lo xung quanh, y không cảm thấy phải cần đến khói thuốc để an ủi. Nhưng mỗi đêm trường thế này kéo đến, Thục Dân lại chợt nhận ra rằng, y vẫn cứ là một kẻ độc hành không thân thích. Và chỉ có thuốc lá mới bầu bạn được với y.

Phải chăng y đã sợ sự cô độc nhiều như thế? Thục Dân hít vào một hơi thuốc, và để cái hơi khói độc hại đó tràn vào nội tạng y, khám phá những câu chuyện, những góc tối mà y không bao giờ kể. Rồi nó bật ngược ra ngoài không trung, tan biến vào hư không, không bao giờ thấu cảm được như một người bạn chân chính mà y không tin là y cần.


(Còn tiếp)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top