Ngày Bão Biển
HTD
Phần 1
I
Tôi là một đứa con gái ngổ ngáo và vụng về, hơi nóng nảy và vô tâm nhưng đôi khi cũng khá lãng mạn mộng mơ. Năm nay tôi đã hai mươi hai tuổi, học năm cuối ở một ngôi trường đại học khá danh tiếng. Ở tuổi của tôi nhiều người đã tự lo được cho cái thân thì tôi vẫn sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình về mặt tài chính. Tôi học thì cũng “ngàng ngàng” chưa bao giờ đứng đầu lớp nhưng cũng chẳng phải đứng ở cuối, nhà tôi bố mẹ đều làm nông dân cả, đất nước nông nghiệp mà, cả vùng quê của tôi tính trung bình thì cũng phải đến hơn chín mươi phần trăm dân số là nông dân và bố mẹ tôi cũng nằm trong số đó. Gia đình tôi có một trang trại nho nhỏ trồng cà phê, chè, ngô, lúa và vài thứ cây ăn quả nữa, đất đai và khí hậu quê tôi thuận lợi nên trồng cây gì thì cũng phát triển khá tươi tốt. Nhưng nhà tôi đông chị em nên của cải làm ra cũng chẳng được dư giả gì, nhà tôi tuy không giàu có, không phải khá giả nhưng cũng chẳng đến nỗi nghèo đói… nói cách khác là đời tôi cái gì cũng dang dở.
Cho đến năm hai mươi mốt tuổi tôi chẳng biết tình yêu là gì, có lẽ vì tôi không được xinh đẹp cho lắm lại hay ăn nói bốp chát, nhát gừng nên mãi chưa có người yêu. Nhìn thấy bọn bạn ai cũng có cặp có đôi, những buổi tối, những ngày lễ phải lủi thủi một mình trong phòng tôi cũng thấy rất cô đơn và ao ước có một tình yêu lắm. Kể ra thì không phải tôi không có người theo đuổi, cũng có vài người tán tỉnh tôi nhưng tôi thấy không thích nổi mấy người đó. Người đầu tiên theo đuổi tôi năm đầu tiên đại học là Huy, anh ta hơn tôi một hai tuổi gì đó tôi không nhớ lắm. Huy là một chàng trai miền biển, anh ta có nước da ngăm đen khỏe mạnh, rất vui tính và cũng khá hào phóng anh ta rất hay tặng hoa cho tôi. Điều duy nhất làm tôi thấy thích ở Huy có lẽ vì anh là người miền biển. Tôi sinh ra và lớn lên ở miền núi chẳng bao giờ biết đến biển khơi là gì. Biển là niềm mơ ước của tôi, hồi còn bé lúc nào tôi cũng ao ước được ra biển dù chỉ một lần thôi. Và nếu ngày đó nhận lời yêu Huy thì chắc tôi sẽ được ra biển chán chê nhưng tôi đã từ chối tình cảm ấy chỉ vì tôi không thích cái dáng vóc bé nhỏ của anh, một cái vóc dáng trung bình, vóc dáng đặc trưng của đàn ông Việt nói chung bọn họ chắc cũng chỉ được có thế. Huy chỉ cao tầm hơn mét sáu đã thế còn hơi gầy gầy, dù bản thân mình cũng chẳng cao ráo, xinh xắn gì cho lắm nhưng tôi luôn thích người yêu mình phải cao to đẹp trai. Chắc Huy chẳng thể nào biết tôi lạnh lùng từ chối anh ta ngày từ đầu là bởi vì cái lý do ấy, vì anh ta trông nhỏ bé quá.
Người thứ hai tán tỉnh và theo đuổi tôi cũng nhiệt tình không kém là Mai, một người họ hàng xa xôi nhà cũng gần nhà tôi. Mai là một chàng trai miền núi chất phác, thật thà và khác với Huy hắn khá cao lớn. Hắn hay gọi điện cho tôi, mỗi lần tôi về nhà là hắn đòi sang nhà tôi chơi nhưng lúc nào tôi cũng khéo từ chối. Dù tôi có ăn nói bốp chát, tỏ ra đanh đá đến thế nào thì hắn vẫn cứ tiếp tục cưa cẩm tôi bằng được. Quê tôi ở Mường Phai, cái thung lũng bé nhỏ nằm sâu trong núi rừng Tây Bắc chỉ toàn người Thái, H’Mông, Xinh Mun…, những người con gái dân tộc ở Mường Phai khác với người Kinh ở dưới xuôi rất nhiều. Phải biết ăn nói, biết hát dân ca, phải biết thêu thùa may vá, làm nương, làm rẫy… thì mới mong có được tấm chồng là người Mường Phai và những vùng xung quanh khác. Tôi chẳng biết làm cái gì cả nhất là từ ngày đi xuống thành phố học, trai Mường Phai lại chẳng ai dám đến gần tôi nên có lẽ Mai là người duy nhất chăng? Nói đến tôi bọn con trai trong bản thường hay nói, nó học cao lắm không chơi được đâu. Thế mà Mai không hề băn khoăn đến đều đó, hắn vẫn tích cực theo đuổi tôi lại còn đòi cưới tôi về làm vợ.
Tôi thấy sợ Mai lắm sao mà hắn ta lại có thể đi thích tôi cơ chứ, dù biết tôi không muốn cho lên nhà nhưng hắn vẫn hay thường xuyên lởn vởn quanh chỗ nhà tôi. Tôi mà để hắn lên nhà chơi một lần là coi như xong, rồi khắp cả Mường Phai sẽ truyền tai nhau rằng tôi và hắn đã đính hôn, sau này ra trường là tôi sẽ về nhà hắn làm dâu… Tôi mà về nhà Mai làm dâu thì chắc mẹ tôi ngất mất, vì hai lí do sau: Thứ nhất là vì mẹ tôi không thích họ hàng nhà Mai, “cái họ tộc quái quỷ có đôi mắt màu mắt bò mờ mờ đục đục” – đấy là mẹ tôi nói. Cái họ nhà đấy cũng rất hay kiêu ngạo vì cho rằng mình có nhiều nương rẫy, trâu bò, ruộng vườn… đại loại là cho rằng mình giàu có nhất ở cái vùng Tây Bắc ấy. Thứ hai mẹ tôi bảo cho tôi đi học hành tử tế như thế này không phải là để một ngày nào đó tôi lại trở về Mường Phai đi cuốc rẫy, lấy củi, làm nương và đẻ con một đống. Mẹ muốn tôi phải khác, phải là con người biết nhiều hiểu rộng, con người mang sự đa dạng của các nền văn hóa vân vân. Mẹ tôi nói nhiều lắm, bố mẹ tôi cũng hay đọc nhiều sách báo nên suy nghĩ cũng tiến bộ hơn nhiều người dân Mường Phai khác. Bố mẹ tôi không quan tâm lắm đến việc làm giàu, không cần phải dựng nhà to, không tậu nhiều trâu bò nương rẫy, mua bạc vàng đeo lên đầy người. Cả cuộc đời ông bà dường như chỉ lo cho sự nghiệp học hành của mấy chị em tôi mà thôi, điều quan trọng với bố mẹ tôi là chúng tôi được tự do và hạnh phúc. Bố tôi còn bảo đời đẹp nhất là được đi nhiều, nếm trải nhiều, nhìn thấy và nghe thấy nhiều chứ đời không thể nào gọi là đẹp khi ta ở mãi trong một xó nhà dù là ở để giữ cả một kho của.
Không cần mẹ phải ra sức can ngăn, tôi đâu có thích gì Mai cơ chứ. Nói chuyện với hắn nếu mà nói đến việc làm nương, làm rẫy, đi rừng, đi núi thì còn được chứ nói đến mấy cái ông Banzac, Huygo, Nguyễn Tuân, Nguyễn Du thì hắn chẳng biết cái gì, hắn chưa bao giờ đọc một cuốn sách dù là sách bằng tiếng Việt hay tiếng Thái, H’Mông. Về cái gì liên quan đến công nghệ thông tin thì hắn biết chơi game thường là game trên điện thoại di động mà chẳng biết e-mail, yahoo là cái gì. Tôi đã phải lén lút rời khỏi Mường Phai trong kì nghỉ hè năm thứ hai và đổi số điện thoại để tránh sự theo đuổi ráo riết của Mai, cứ đêm đêm trăng sáng mà hắn mang khèn sáo đến cổng nhà tôi là thôi rồi.
Dù cái thời lạc hậu đã qua từ lâu nhưng tiếng sáo của hắn cứ hay làm tôi tưởng tượng đến những câu chuyện ngày xưa mà các ông bà của tôi hay kể. Nội tôi từng bảo rằng con trai Mường Phai mà đã thích ai thì nó phải theo đuổi bằng được, dù phải cướp giật gì họ cũng làm để có được người mình yêu mới thôi. Cứ nghĩ đến đó mà tôi thấy sợ nên tờ mờ một buổi sáng mùa hè năm ấy tôi đã bắt bố tôi dậy đưa tôi ra bến xe thị trấn để bắt xe về Hà Nội ngay với lí do là có việc gấp. Nghe nói sau đó gần một năm thì Mai lấy vợ, Mín vợ Mai lại là bạn học cùng cấp hai của tôi ngày xưa, Nó cũng nghỉ học từ năm lớp 9, nghe tin đó tôi thở phào nhẹ nhõm hẳn. Mai không còn là cơn ác mộng của đời tôi nữa, tôi không dám tưởng tượng đến những điều có thể xảy ra khi mà tôi lấy hắn, chắc chắn sẽ thật là kinh khủng.
II
Tôi thường hay lang thang trên mạng, thứ mà tôi quý mến nhất trên đời có lẽ là cái máy tính nhỏ của tôi. Nhờ nó mà tôi bớt cô quạnh hơn, qua internet tôi tìm được những người bạn từ tứ phương, những con người xa lạ tôi tha hồ “chém gió” mà chả sợ gì. Nó cũng là công cụ hữu ích giúp cho tôi hoàn thiện “ngon lành” những bài tập của mình dù là bài tiểu luận, niên luận gì cũng có thể làm được hết không mấy khó khăn khi có Google, chỉ có điều điểm thì không cao lắm. Các thầy cô giáo thừa biết những bài tập được xào xáo từ trên mạng nên thường cho điểm rất thấp. Tôi cũng hay xào xáo nhưng thường làm khá khéo, những lúc gấp gáp thì phải làm vậy thôi nhưng cùng lắm là lấy khoảng năm mươi phần trăm trên mạng ra mà chỉnh sửa lại thôi còn đâu là phải tự mình bịa thêm. Nên điểm trác của tôi cứ dao động thường từ 7 đến 8 điểm đó là con điểm không cao mà cũng không thấp ở lớp tôi.
Internet - nhờ nó mà tôi có thể thể hiện được mình, tôi mơ mộng và hay làm thơ. Thời buổi này còn ai thích thơ nữa nhưng tôi cứ làm, cứ sáng tác như một thói quen không thể bỏ tôi làm và tự đăng lên các trang mạng xã hội, các diễn đàn trên mạng mà tôi có tài khoản. Ngoại trừ ngày chủ nhật, hầu như từ thứ 2 đến thứ 7 tuần nào cũng như tuần nào mỗi ngày tôi đều ngồi trước cái máy tính trung bình là 16/24 giờ đó là trừ đi lúc tắm, lúc ngủ và lúc ngồi trên giảng đường. Riêng ngày chủ nhật tôi thường đi tha thẩn khắp phố phường, về nhà bạn bè ở ngoại thành chơi tìm cảm hứng cho việc sáng tác thơ ca của mình. Nhưng tối đến tôi vẫn vùi đầu vào máy tính, hý hoáy ghi lại những cảm xúc ngập tràn, những điều thú vị hay khó chịu mà tôi đã thu nhặt được trong mỗi ngày chủ nhật. Nhờ có mạng mẹt và thơ ca tôi đã quen được Long – một anh chàng đào hoa, đa tài chốn đô thành, nói chuyện với anh vài lần qua mạng thôi mà tôi đã như bị… nghiện. Anh cũng như tôi suốt ngày ngồi trước máy tính, anh cũng có rất nhiều tài khoản trên các trang mạng nhưng không như tôi anh ấy chả bao giờ đăng mấy cái bài thơ, bài viết thể hiện cảm xúc vớ vẩn lên đó. Anh có nhưng trang blog chỉ để đăng quảng cáo cho các sản phẩm của công ty anh mà thôi. Long là dân công nghệ thông tin “chính cống”, đó cái nghề mà tôi rất thích. Long tuy là dân công nghệ nhưng anh cũng rất thích thơ ca, nhạc họa.
Mới đầu chát chít qua mạng chưa biết mặt, (cả anh và tôi đều không có thói quen đăng ảnh cá nhân lên mạng) tôi cứ tưởng tượng anh sẽ phải đeo một cặp kính to và dày lắm, dân IT mà. Qua cách nói chuyện cởi mở vui vẻ tôi thấy anh là một con người rất hiểu biết và từng trải nhưng tôi vẫn cứ nghi ngờ con người thật của anh. Bạn bè tôi bảo dân công nghệ ngoài đời thường khô khan, ít nói tôi cũng nghĩ chắc anh chỉ giỏi “chém gió” trên mạng thế thôi không nghĩ ngoài đời anh sẽ được như thế.
Trên tất cả các diễn đàn, trang mạng xã hội tôi đều lấy duy nhất một cái biệt danh là Lá Cải Mùa Thu và ảnh đại diện là một bông hoa Píp. Cái loại hoa này có màu vàng, giống như hoa Loa Kèn nhưng bông nhỏ hơn, cây của nó cao như cây Gạo, nở hoa vào mùa Xuân chắc chỉ có duy nhất chỉ có ở núi rừng Tây Bắc quê hương tôi. Người dân tộc Thái ở đây gọi nó là hoa Píp tôi cũng chẳng biết dịch ra tiếng Việt nó có nghĩa là gì, tiếng Thái Píp hình như cũng chẳng có nghĩa gì. Loài hoa này nấu canh hoặc xào lên ăn rất ngon, cái tên thường vô nghĩa chắc cái tên hoa Píp cũng vậy thôi. Một loài hoa có cái tên vô nghĩa nhưng hoa lá của nó lại rất có ý nghĩa đối với cuộc sống của người dân Tây Bắc. Tôi và Long quen nhau trên mạng là do anh chủ động trước, sau này anh nói với tôi là có hai lí do khiến anh phải làm quen với tôi. Thứ nhất vì thấy biệt danh và ảnh đại diện của tôi rất lạ nên Long tò mò, anh lân la làm quen với tôi qua một vài diễn đàn trên mạng. Thứ hai có lẽ là lí do quan trọng hơn, Long tìm cách liên lạc với tôi là để xin phép phổ nhạc một bài thơ của tôi thành bài hát, anh hay viết nhạc mà không biết phải viết lời bài hát như thế nào.
Tôi dễ dàng làm quen với anh có lẽ bởi cả hai đều có tâm hồn nghệ sĩ. Long sinh ra và lớn lên giữa chốn phồn hoa đô hội nên anh rất thích cuộc sống ở những vùng nông thôn miền núi. Anh bảo thường thích những cái gì “độc và lạ”. Khi biết tôi là người dân tộc vùng cao anh tỏ ra cực kì thích thú và đòi gặp tôi bằng được. Anh ngỏ ý muốn một ngày nào đó lên miền núi chỗ tôi chơi, nhờ tôi làm hướng dẫn viên du lịch cho. Không hiểu sao nói chuyện với Long dù qua điện thoại hay qua mạng tôi đều cảm thấy rất thoải mái, có bất cứ chuyện gì tôi cũng có thể đem ra tâm sự với anh được và luôn nhận được những lời chia sẻ rất chân thành từ anh. Ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau trên mạng, không phải trên Zing thì là trên Yahoo, Facebook, khi thì trên Gmail, Twitter v.v. Một tháng, hai tháng rồi ba tháng, bốn tháng trôi qua chúng tôi thấy mình thật gần gũi, chẳng có chuyện gì là chúng tôi không kể cho nhau nghe. Khi nào anh đi công tác xa, hay khi tôi về nhà không có mạng internet thì chúng tôi lại nói chuyện, nhắn tin qua điện điện thoại.
Suốt gần một nửa năm như thế, mối tình của chúng tôi có lẽ là mối tình công nghệ thông tin. Ngày nào không nói chuyện với anh là tôi lại thấy nhớ, đôi lúc tôi hay tự hỏi mình không biết đó có phải là tình yêu không? Có nhiều lúc tôi thấy mình nhớ anh da diết nhưng tôi thường tự nói với chính mình, Mây à đó không phải là tình yêu đâu, tình yêu không đơn giản như thế đó chỉ là do mày đang cảm thấy cô đơn, đang muốn yêu mà thôi. Với lại tôi chẳng biết rõ là Long có hay nghĩ về tôi như tôi luôn nghĩ đến anh hay không, dù là qua mạng ảo nhưng thật sự tôi không thể tìm thấy được người nào nói chuyện quá “hợp cạ” với tôi như thế ngoài anh ra.
Long thích núi nhưng tôi thích biển, Long bảo đi biển chán chê rồi nhưng ít khi đi núi, anh lúc nào cũng bảo sẽ lên nhà tôi chơi vào một ngày nào đó. Tôi hay dọa anh là dân miền núi bọn em vẫn còn “thổ dân” lắm, anh không sợ họ bắt anh làm thịt à. Thì Long bảo tôi là vậy em có muốn làm thịt anh không? Những câu chuyện của chúng tôi cứ không đầu không cuối như vậy, nhiều lần tôi thức đến sáng để mà chat chít cùng anh, tôi không thấy mệt mỏi mà ngược lại thấy rất hạnh phúc. Nhưng tôi thật sự không biết anh nghĩ về tôi như thế nào, có lúc nào tự dưng anh nhớ đến tôi hay không? Hay chỉ coi tôi như một người bạn mạng ảo thân thiết, người bạn để anh “chém gió” cùng mà thôi?
Một lần về Mường Phai tôi không nhắn tin cho Long suốt hai ngày trời, anh gọi điện tôi cũng không nghe máy được. Đến ngày thứ ba tôi mới cẩm cái điện thoại lên nhắn được một cái tin ngắn cụt lủn là “anh ơi em đây!”. Long gọi lại ngay trách tôi sao không nghe điện thoại, nhắn tin cho anh phải nói là Long giận thật. Mà lạ sao, anh giận nhưng mà tôi lại thấy vui đấy. Lúc này tôi mới cố giải thích rằng là về nhà tôi đi trèo cây hoa Píp hái hoa, hái được lưng gùi thị bị ngã từ trên cây xuống, cả hai tay đều bị xây xước, bong gân, trật khớp không cầm vào cái gì được. Long lại vẫn giữ thói quen gọi tôi vào lúc tối khuya hoặc nửa đêm những lúc đó tôi không thể nghe máy được. Ở miền núi người ta cũng không hay đi ngủ sớm lắm, nhà nào mà có con gái thì nửa đêm còn phải dậy để tiếp chuyện bạn trai đến gần sáng.Vì ở chỗ tôi ở nam thanh nữ tú chỉ tìm hiểu nhau khi đêm xuống, trăng lên thôi. Ban ngày mọi người làm việc, còn ban đêm thì các chàng trai mang khèn sáo đến cổng nhà các cô gái thổi như báo trước là họ muốn lên nhà cô chơi. Nếu không bận thì cô gái ra mở cổng và mời các chàng trai lên nhà chơi nói chuyện linh tinh, các ông bố bà mẹ đều rút lui khi con gái có khách.
Chắc ở Mường Phai chỉ có nhà tôi là ngoại lệ, bố không cho chị em tôi nói chuyện với một chàng trai nào hết bố bảo làm như vậy là để cho chúng tôi có thời gian học tập. Tối đến là giúp mẹ làm xong các việc nhà, cả nhà xem phim, rồi chúng tôi học bài rồi đi ngủ. Ai mà thích khèn sáo gì ở trước cổng nhà tôi thì mặc kệ, nhiều lúc bực lên vì ồn ào quá bố tôi còn ra đuổi hết bọn con trai về. Đôi khi vì bọn con trai là bạn của mấy anh họ tôi nên bố tôi vì “nể mặt” cháu mới cho phép tôi ra mời họ lên nhà chơi nhưng suốt cả buổi tối chưa hỏi thăm được tôi câu nào bọn họ đã phải tiếp những câu chuyện dồn dập của bố tôi. Ông hỏi họ đủ thứ trên đời, thường bố tôi nói nhiều hơn còn bọn kia chỉ phải nghe thôi, thế là chưa được hơn tiếng cả bọn đã chán nản xin phép ra về. Đó là một phần của nguyên nhân vì sao mà tôi mãi không có bạn trai. Từ ngày đi học đại học bố cũng bớt nghiêm khắc với tôi hơn, nhưng đến lúc ấy thì tôi cũng bị trai bản cho là …già rồi còn đâu nữa. Con gái Mường Phai hơn mười tám tuổi thì đã bị coi là già rồi. Bọn con trai vốn luôn nghĩ tôi làm cao với họ, giờ tôi lại còn lớn tuổi rồi nên chẳng mấy ai còn muốn để ý đến tôi nữa. Đôi lúc nghĩ ngợi linh tinh tôi cũng cảm thấy hơi buồn.
Bố mẹ tôi thường hay thức đêm để xem phim nhưng cứ sau 11 giờ là mấy chị em tôi phải tắt hết đèn điện, ngoan ngoãn đi ngủ hết để sáng hôm sau còn dậy sớm. Nửa đêm mà thấy tôi còn buôn điện điện thoại thì chắc bố tôi đuổi xuống gầm sàn ở với trâu bò mất. Tôi kể hết với Long về những quy tắc trong gia đình tôi, bố tôi nghiêm ngặt, thính ngủ nên nửa đêm dù muốn tôi cũng không thể nghe điện thoại của anh. Long chỉ phì cười vì những tập tục lạ lùng ở chỗ tôi, nghe giọng anh tôi biết anh đang rất lo lắng cho đôi tay bị thương của tôi, điều đó làm trái tim tôi thấy vô cùng ấm áp. Rồi cái ngày tôi bảo sắp xuống Hà Nội, Long cứ nằng nặc đòi tôi mang xuống cho anh bằng được một rổ đầy hoa Píp. Đó chỉ là cái cớ để anh gặp tôi thôi, anh muốn gặp tôi chứ đâu cần hoa Píp tôi biết vậy. Tôi cũng tò mò muốn gặp anh nhưng lại thấy hơi sợ, vì tôi mà anh mới đăng ảnh của mình lên trang Facebook, trước kia Facebook của anh chỉ đăng toàn ảnh máy móc, động vật và bè bạn của anh. Tôi háo hức vào xem mấy cái ảnh của anh, anh có cái khuôn mặt rất rất đẹp trai, phong cách ăn mặc thể thao trông mạnh mẽ và quyến rũ đã hớp hồn tôi, chắc chắn đó không phải là mấy cái ảnh đã qua chỉnh sửa. Nhưng anh càng đẹp trai lại làm tôi thấy càng ngại, tôi không xấu nhưng tôi sợ đứng cạnh anh thì trông chúng tôi sẽ không được cân xứng.
III
Trên các trang cá nhân của mình trên mạng tôi chưa hề đăng bất cứ một cái ảnh nào có mặt mình cả, điều này càng khiến Long tò mò. Anh cũng đôi lần bảo tôi đăng ảnh lên trang Facebook để anh nhìn cho biết nhưng thấy tôi mãi không đăng thì anh bảo tôi.
“ Hay là em xấu gái quá à?”
Tôi bảo.
“Có thể là như vậy.”
Long lại bảo.
“Anh thích ngắm gái xấu lắm em đăng ảnh lên đi!”
Không hiểu sao từ ngày quen biết Long trên mạng tôi tự dưng quan tâm đến bản thân mình hơn. Trước kia trông tôi nhiều lúc hơi nhếch nhác một chút, chẳng biết đến trang điểm là gì. Từ khi quên biết Long qua mạng một thời gian tôi bắt đầu tân trang lại bản thân mình, dù chỉ biết nhau qua mạng ảo nhưng tôi luôn có cảm giác một ngày đẹp trời nào đó sẽ gặp anh trong đời thực. Tôi có nước da trắng sẵn nên cũng không phải chăm sóc nhiều, tôi chỉ đi sửa lại tóc tai, tỉa lông mày và học cách trang điểm nhẹ nhàng, chọn những bộ quần áo hợp với cái kiểu hơi lăng xăng, năng động của mình. Bạn bè bảo tôi càng ngày càng xinh lên và nữ tính ra, tôi chỉ thầm mong cho đến ngày gặp được Long anh sẽ không thấy thất vọng vì tôi, ít nhất thì tôi không xấu. Quãng thời gian đấy khi tự ngắm mình trong gương tôi mới thấy thấm thía câu nói “không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”. Giờ phút của sự hồi hộp và căng thẳng đã điểm, Long hẹn tôi đến một quán cà phê xinh đẹp nằm ở trong một góc phổ cổ kính giữa trung tâm thủ đô. Trước khi đi anh cứ nhắc đi nhắc lại bảo tôi đừng quên mang hoa Píp đến cho anh, anh làm tôi thấy buồn cười và hồi hộp thậm chí hơi run, vì đi gặp trai đẹp mà.
Tôi lại có một cái tật rất xấu có lẽ muôn thủa chẳng sửa được đó là cái tật lề mề, hay quên, hay muộn giờ. Cái số tôi nó không được may mắn, thường thì trước một cuộc hẹn nào đó dù ở nhà có chuẩn bị kĩ càng đến đâu thì ra ngoài đường cũng sẽ gặp chuyện làm mất thời gian, tiền bạc của mình. Là sinh viên nên tôi hay đi lại bằng xe buýt, thực ra thì tôi có thể đi xe máy hoặc xe đạp cũng được nhưng vì cái tình ẩu đoảng, vụng về của tôi mà mẹ tôi cấm không cho tôi đụng vào những cái xe gì có hai bánh. Ở nhà tôi đã từng nhiều lần bị tai nạn khi đi xe, xe đạp thì bị vô số lần, xe máy thì bị hai lần nhưng cái số tôi nó lớn nên lần nào bị tai nạn cũng không gặp nguy hiểm gì to tát đến tính mạng cả. Mẹ tôi là một người phụ nữ giàu tưởng tượng, thỉnh thoảng bà lại tưởng tượng ra cái cảnh tai nạn rùng rợn mà một trong những nạn nhân là tôi. Có những lần đang yên đang lành tự dựng mẹ tôi lại gọi điện hỏi tôi đang đi lại bằng phương tiện gì, nếu tôi bảo đang đi xe buýt hay đi bộ thi bà mới tha cho. Chẳng là bà hay thấy ở nhà quê của tôi thường người ta phóng xe máy như điên, tai nạn cũng vì thế mà xảy ra nhiều. Chứng kiến những tình cảnh ấy mẹ tôi cứ nghĩ chắc ở nơi nào cũng vậy thôi, nhất là ở thành phố mà tôi đang sống lại tấp nập xe cộ, mẹ tôi bảo xe cộ càng nhiều thì nguy hiểm càng lắm nên cấm tiệt việc tôi vác xe máy, xe đạp ra ngoài đường. Cứ hai ba ngày mẹ lại gọi điện hỏi tôi là hôm nay mày có đi xe máy, xe đạp gì ra ngoài đường không, rồi lại kể những vụ việc như là, đấy mày không biết cái vụ cô X, thằng Y ở bản này, bản nọ năm trước, năm ngoài bị tai nạn xe máy ở trên thành phố đấy. Bây giờ thì thành thằng què rồi đấy, trong khi thằng X đấy đang đi rất đúng đường đấy nhé, thế mà tự dưng vẫn bị người ta tông vào vân vân và vân vân.
“Cứ đi xe buýt cho an toàn con nhé, ra trường về nhà đi làm rồi hẵng đi cũng chưa muộn…”
Mẹ tôi suốt ngày chỉ lo tôi bị tai nạn giao thông, đôi lúc bực bội lên tôi cũng gắt lại với bà.
“Mẹ toàn lo những cái điều không đâu con lấy đâu ra xe đi mà để bị tai nạn chứ”.
Mẹ tôi lại bảo thì mày toàn mượn xe của bạn và thằng Bàn để đi đó đấy. Tôi không có xe đạp, xe máy gì cả còn khuya bố mẹ tôi mới mua cho tôi nhưng tôi hay đi cùng bọn bạn với lại anh Bàn – anh họ tôi đang sống và làm việc ở Hà Nội anh có hai cái xe nên thỉnh thoảng tôi vẫn hay đi.
Tôi chẳng biết nói như thế nào về ông anh họ của tôi, chẳng biết là anh ấy xấu hay tốt nữa. Anh luôn vui vẻ cho tôi mượn xe, nhiều lúc thấy tôi sắp bị muộn học anh còn giục tôi lấy xe anh mà đi cho kịp. Tôi sống cùng vợ chồng anh cũng khá thoải mái, cả hai anh chị đều làm ở một công ty du lịch, anh là lái xe, chị là quản lí văn phòng dịch vụ và tư vấn khách hàng. Anh chị đi suốt chỉ thỉnh thoảng mới có mặt ở nhà, anh chị để mặc tôi làm gì thì làm trong căn nhà bé nhỏ của anh chị cách xa trường tôi cả chục cây số. Mỗi lần đi đâu xa về là anh Bàn lại không quên mua quà cho tôi. Anh hay gọi cho mẹ anh là bác gái ruột của tôi và thỉnh thoảng gọi cho mẹ tôi thông báo về tình hình của tôi. Anh hay nói chuyện tháng vừa rồi có cho tôi bao nhiêu tiền để tiêu vặt, sau chuyến đi nam, đi bắc đã mua cho tôi những gì, đã cho tôi mượn xe máy đi học mấy lần, rồi vân vân và vân vân. Nói tóm lại là nói đến chuyện anh đã quan tâm chăm lo cho tôi đến mức như thế nào.
Anh Bàn hầu như không giấu giếm gia đình tôi bất cứ điều gì mà vợ chồng anh đã làm cho tôi, tất tần tật những điều nhỏ nhặt đến những điều to tát, thật sự tôi không quý mến mà cũng chẳng ghét người anh họ này. Cái kiểu kể lể của anh thường làm tôi thấy bực mình, nhất là cái khoản đi xe máy mẹ tôi biết được lại làm ầm lên. Biết tính anh hơi khó chịu như vậy nên tôi cũng hạn chế mượn xe của anh chị, dù nhiều hôm trởi mưa to hay nắng gắt tôi vẫn chịu khó đi xe buýt. Tôi rất ghét cái cảnh phải đợi chờ xe buýt, có những hôm mình rỗi rãi không vội thì các xe cứ đến ầm ầm, còn những hôm vội thì cái xe mình cần đi chờ mãi không thấy đến. Trên xe buýt tôi đã bị bọn móc túi lấy mất bốn cái điện thoại di động, hai cái ví đựng khá tiền và các loại giấy tờ trong vòng hai năm đó là hai năm đầu tiên đại học. Đấy còn là chưa kể những thiệt hại khác, nhiều lúc trên xe chen lấn xô đẩy tôi còn bị người ta dẫm lên chân đến nỗi bầm tím cả bàn chân, còn giày thì bẩn hết khỏi phải nói. Cái mùi xe buýt cũng đẫ lấy đi của tôi suốt gần bốn năm đại học khoảng 6 kilogam, sáu cân thiệt hại ấy tôi không thể nào lấy lại được nữa.
Ngày đầu tiên đi hẹn hò với Long tôi cũng đi xe buýt đến, chúng tôi hẹn nhau năm giờ chiều là sẽ cùng đến nơi. Cả ngày hôm đó tôi đã tất bận chuẩn bị trang điểm mất gần năm tiếng đồng hồ. Tôi định mặc váy nhưng không hiểu sao lúc đó tôi cứ thấy mặc một cái váy xòe xinh xắn bước lên xe buýt thì nó làm sao ấy, có vẻ không được an toàn cho lắm nên tôi lại quyết định chuyển sang phong cách thể thao, rồi phong cách “bụi”... Cuối cùng tôi cũng chọn được một bộ quần áo mà tôi nghĩ cực kỳ hợp với mình trông vừa trẻ trung, thanh lịch, năng động và cũng khá sành điệu. Mọi thứ xong xuôi thì nhìn vào đồng hồ đã gần năm giờ, vội vàng xách giỏ hoa Píp chạy ra chỗ điểm dừng xe buýt, tôi nhắn tin xin lỗi Long là sẽ đến muộn vì… vừa có việc đột xuất phải đi. Để cho anh tin tưởng hơn tôi lại bảo với anh là anh trai tôi đi làm quên mang một tài liệu quan trọng theo nên tôi phải mang gấp đến cho anh ở công ty.
Khi tôi đến được chỗ hẹn thì đã gần sáu giờ tối, tôi không bước vội ngay vào trong quán mà lấy điện thoại ra gọi cho Long trước, tôi nghi ngờ là anh đã bỏ đi rồi cũng nên. Lúc ở trên xe buýt tôi có nhắn tin mấy lần mà anh không trả lời lại, giờ tôi gọi điện cũng chẳng thấy ai nghe máy. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi bực bội, bực với Long và bực với cả chính mình nữa. Tôi hít lấy một cái hơi thở dài và bước đi trong khi còn chưa ngoái lại xem cái quán cà phê buổi tối trông nó như thế nào, buổi hẹn hò đầu tiên thế là tan vỡ mất rồi, tôi toan bước đi thì có ai đó vỗ nhẹ vào lưng tôi nói.
“Chưa gặp mà đã dám bỏ đi à, hoa Píp của anh đâu rồi?”
Tôi giật mình quay lại, tôi nhận ra Long. Anh không đeo một đôi kính dày cộp như tôi tưởng tượng, anh không khác gì so với trong ảnh cả. Đôi mắt của anh là đôi mắt đàn ông đẹp nhất mà tôi đã từng nhìn thấy, đen và sâu, sáng ngời và dịu dàng. Nụ cười của anh cũng đẹp ngây ngất, ngay từ phút gặp gỡ ấy tôi biết trái tim mình đã hoàn toàn thuộc về anh. Nhưng thật là may mắn lúc đó tôi không hề tỏ ra ngượng ngùng, bối rối hình như tôi đã nở một nụ cười tinh nghịch tỏ ý xin lỗi anh vì đã đến muộn. Tôi đưa giỏ hoa Píp cho anh một cách tự nhiên và hồn nhiên, tôi nói của anh này! xin lỗi anh em đến muộn quá. Long vui vẻ nhận món quà, anh làm một động tác nháy mắt cảm ơn cực kỳ đẹp và duyên với tôi, anh quả là một hình mẫu người đàn ông lí tưởng của tôi, một chàng trai hai mươi lăm tuổi hào hoa, lịch thiệp mà cũng rất hài hước, dễ mến. Chúng tôi đi vào trong quán cà phê nói chuyện, từ trong mạng ảo chúng tôi đến với nhau ở ngoài đời dù cũng có những chút ngập ngùng nhưng về cơ bản thì chúng tôi vẫn thấy thân thiết và thoải mái như trên mạng. Cả Long và tôi đều có rất nhiều chuyện để nói với nhau. Chúng tôi nói về những miền đất mà mỗi người đã từng đi qua và muốn đi đến, nói về chuyện học hành, điểm trác của tôi, công việc của anh và các món ăn. Buổi gặp gỡ đầu tiên giữa chúng tôi diễn ra khá tuyệt vời, chúng tôi nói chuyện rất hợp nhau, chủ đề chính của hôm ấy có lẽ là ẩm thực. Trên mạng chúng tôi cũng nói với nhau nhiều về vấn đề đó nhưng hôm gặp gỡ ấy chúng tôi còn nói nhiều hơn nữa về chuyện ăn uống.
Tôi là người rất sành ăn và cũng rất kén ăn, các loại “sơn hào” hầu như đa số tôi đều đã biết đến. Riêng về “hải vị” thì cũng hơi ít vì tôi không phải người miền biển, mà hải sản thì cũng đắt nữa vợ chồng anh Bàn chẳng mấy khi mua về làm. Ở quê tôi người ta thường ăn “tuốt” mọi thứ vàotừ tổ ong, tổ kiến, rắn, rết, sâu, bọ, các loại giun, dế… đều có thể chế thành các loại món ăn. Nhưng tôi đặc biệt kị những thứ đó, thứ nhất là tôi bị dị ứng ăn vào là bị nôn mửa, nổi mẩn đỏ khắp người. Thứ hai là tôi thấy kinh tởm những loại sinh vật đó nên cứ thấy là tôi chạy xa. Còn các loại thịt thú rừng như sóc, chồn, chuột núi, chim chóc… thì tôi cũng “cạch” với lí do… bảo vệ môi trường. Chắc là hồi bé không biết nên mỗi lần thấy bố đi săn về là tôi lại thấy hào hứng chờ đợi những món ăn được chế biến từ những con thú bé nhỏ ấy. Lớn lên tôi không ủng hộ chút nào việc đi săn thú của bố nữa dù là bố có săn con gì thì tôi cũng phản đối, tôi không ăn bất cứ món gì được chế biến từ chim chóc, thú rừng nữa. Anh Bàn tôi hay bảo cuộc sống là một sự đấu tranh sinh tồn, sinh vật này phải tiêu diệt sinh vật kia để có thức ăn và sống sót là lẽ tự nhiên. Mà Sóc ăn mất hoa quả, chuột núi ăn ngô lúa phá hoại mùa màng nên bố tôi có săn bắt chúng đi thì cũng chẳng có tôi tình gì cả, săn các loại động vật to đến nỗi tuyệt chủng mới là đáng tội thôi… mặc kệ lí luận của anh Bàn tôi vẫn phản đối bố về việc săn bắt các loại con đó.Quan niệm của tôi là chỉ nên ăn những gì mà con người dễ nuôi trồng được thôi, dần dần rồi bố tôi cũng không đi rừng săn thú nữa. Nói về chuyện ăn uống tôi với Long thường nói cả buổi cũng không hết.
Có lẽ tôi yêu Hà Nội là bởi nơi này có các quán xá tập nập, những hàng ăn chẳng bao giờ là khó tìm, các món ăn cũng đa dạng và phong phú nữa. Dù cứ hễ đụng đến đồ ăn vỉa hè là tôi lại bị đau bụng nhưng thật khó để tôi có thể từ chối những sự thèm thuồng mỗi lần đi qua những con đường ẩm thực trong thành phố. Thỉnh thoảng bạn bè rủ đi ăn ốc, bún đậu vỉa hè tôi thường vui vẻ đi cùng nhưng ăn xong lại phải về nhà uống thuôc tiêu chảy, cái dạ dày của tôi nó kém thế đấy. Tôi hay đi ăn ở ngoài nên luôn phải rất cẩn thận trong việc chọn quán ăn, cứ ăn cái gì là lạ, mất vệ sinh một chút là bụng tôi như muốn nổ tung. Ở nhà anh Bàn chẳng có bếp núc gì, chi có mấy cái nồi điện, chảo điện vì anh chị ấy có mấy khi nấu cơm đâu, ai cũng bận rộn cả nên tôi hay sang nhà cô Ba ăn. Tôi hay khoe với Long về tiệm cơm của cô Ba gần nhà anh Bàn tôi, cô làm cơm văn phòng nên rất nấu rất ngon và sạch sẽ tôi ăn chẳng bao giờ bị đau bụng. Là sinh viên, không có nhiều tiền nhưng lại cứ phải ăn sang thì mới không sinh ra ốm đau. Vì thế mà bố mẹ tôi cũng khổ khi nuôi tôi, từ bé đến giờ đều vậy.
Nhiều lúc tôi hay nói vui với bọn bạn, ôi sao mà số tao khổ thế đã nghèo rồi mà còn toàn mắc bệnh của đại gia. Lúc ở nhà có lẽ nhờ không khí tươi mát, trong lành của núi rừng nên tôi không hay bị mắc các bệnh dị ứng, không bị cháy nắng như ở thành phố. Từ ngày xuống đây đi học đại học da tôi bị đen đi nhiều vì bị sạm nắng, thay đổi môi trường sống làm tôi sinh ra đủ các loại bệnh nhất là các bệnh di ứng. Ngày bé tôi vốn thích mưa, thích được tắm dưới mưa mà bây giờ hễ cứ đi mưa về là da tôi nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Có lẽ đó là do nước mưa ở thành phố đã bị ô nhiễm nặng với lại khả năng miễn dịch của tôi cũng quá kém nữa nên mới bị như vậy.
IV
Hôm ấy đang chuẩn bị về thì trời bỗng đổ mưa, biết tôi bị dị ứng với nước mưa nên Long rủ tôi nán lại thêm chút nữa đợi mưa tạnh rồi về. Chúng tôi lại ngồi lại trò chuyện tiếp và gọi thêm mỗi người một ly sữa bạc hà. Mưa càng lúc càng to đến tận 9 giờ tối chúng tôi mới ra về, Long đòi đưa đưa tôi về nhưng tôi kiên quyết từ chối mà tôi cũng chẳng hiểu tại sao nữa.
Từ ngày hôm ấy trở về tôi có cảm giác như mình đang đi vào trong một giác mơ, suốt ngày tôi nghĩ đến Long và tưởng tượng đủ thứ về tương lai của hai đứa sau này. Tôi đã yêu. Năm ấy tôi hai mốt tuổi, Long là mối tình đầu của tôi. Ngoài trừ lúc ngủ là lúc con người ta chìm vào trong vô thức còn những lúc tỉnh đầu óc tôi, trái tim tôi lúc nào cũng ngập tràn hình ảnh của Long. Biết yêu ở tuổi hai mươi mốt như vậy có là muộn quá không nhỉ? Tôi đã bắt đầu yêu ở tuổi hai mươi mốt, tôi yêu Long tình yêu ấy cứ lớn dần lên theo ngày tháng nhưng tôi không biết Long nghĩ như thế nào nữa. Tôi sợ chỉ có mỗi mình tôi yêu anh. Kể từ sau cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy tôi và Long ít khi gặp nhau trên mạng mà thường hay đi ra ngoài gặp nhau hơn. Cứ đến ngày thứ bảy, chủ nhật là Long lại đưa tôi đi chơi. Chúng tôi hay ra ngoại thành, Long đưa tôi đi ra những chỗ cũng khá đẹp và thơ mộng cách Hà Nội không xa mấy như ở bãi bồi, bãi đá sông Hồng. Mấy cái hồ Sen ở gần Bắc Ninh, khi thì đi lượn vòng quanh các phố xá.
Tôi thích chụp hình và cũng khá ăn ảnh, ăn ảnh có lẽ là ưu điểm lớn nhất của tôi, nếu mà tôi có chiều cao trên một mét sáu thì có lẽ tôi đã đi tìm cơ hội để làm người mẫu ảnh rồi. Cái mặt tôi không phải là đẹp xinh gì cho lắm, đại loại là cũng chỉ dễ coi thôi nhưng hễ cứ vào ảnh là nó lại lung linh. Nhiều người khen tôi có một nụ cười tự nhiên, đầy tin tưởng, vì tôi cười đẹp nên tôi hay cười, cứ chụp ảnh là tôi lại cười. Khi chụp ảnh dù là máy ảnh xịn hay rởm ảnh của tôi trong đó vẫn cứ đẹp, máy ảnh chất lượng càng kém trông hình tôi lại càng “ảo” và… càng đẹp. Một đứa bạn thân của tôi bảo dân công nghệ phô-tô-sốp chắc phải thất nghiệp vì khuôn mặt quá ăn ảnh tôi, đôi lúc nghĩ đến đều này tôi cũng thấy khá tự hào về bản thân. Tôi thích làm người mẫu ảnh mà Long cũng lại là một tay nhiếp ảnh cừ khôi nên sau mỗi chuyến đi chơi vào cuối tuần tôi lại có hẳn một tập ảnh thật đẹp.
Thời gian cứ êm đềm trôi qua như thế, tình yêu của tôi cứ mãi lớn dần lên, vắng Long là tôi cứ thấy thiếu một thứ gì đó trong cuộc sống. Một ngày không liên lạc với anh là tôi không thể tập trung vào mà học hành, làm việc được, làm cái gì cũng lơ mơ. Nhưng tôi luôn có cảm giác Long chỉ coi tôi như một người bạn bình thường, một người em gái thôi chăng. Dù anh vẫn hay đưa tôi đi chơi vào mỗi cuối tuần, vẫn hằng ngày gọi điện, nhắn tin với tôi, tâm sự với tôi mọi điều nhưng tôi vẫn thấy giữa tôi và anh có một cái gì đó cách xa. Với tôi Long luôn tỏ ra rất thoải mái, vô tư và dường như không quá lịch thiệp như với nhiều cô gái khác. Mỗi lần đi tụ tập cùng với bọn bạn của mình Long thường để mặc tôi, anh vô tư vui đùa cùng các cô bạn gái khác. Và nếu mấy thằng bạn của anh có tỏ ý muốn tán tỉnh tôi thì anh cũng chẳng ý kiến gì, thậm chí nếu họ muốn có số điện thoại, địa chỉ Facebook của tôi anh cũng nhiệt tình cho. Long không hề biết những hành động đó của anh như vết dao cứa vào trái tim tôi nhưng tôi cũng không thể nào nói ra với anh hết tất cả những suy nghĩ và tình cảm của mình. Tỏ tình với anh ư? tôi chỉ sợ không những không có được tình yêu mà còn mất đi cả tình bạn đẹp luôn nữa.
Long cũng có một người bạn gái rất thân thiết chơi với anh từ khi còn bé bằng tuổi với anh, người đó là chị Mai Quỳnh người hay làm tôi thấy ghen tị nhất. Mai Quỳnh là mẫu hình lí tưởng của người con gái đất Hà Thành, chị xinh đẹp, dịu dàng, giỏi giang và khéo léo. Mai Quỳnh vừa mới đi du học Mỹ trở về, tôi đã từng cùng với Long ra đón chị ấy tại sân bay. Ngày hôm đó hai người gặp lại nhau sau bốn năm xa cách, nhìn thấy họ lao vào vòng tay nhau ôm nhau xiết chặt mà tôi cảm tưởng giây phút đó tôi đã mất Long thật rồi. Hình như Long đã kể hết cho Mai Quỳnh tất tần tật về tôi, tôi không thích điều đó chút nào nhưng có những điều Long làm còn khiến tôi bực tức và đau khổ hơn thế. Đó là vào sinh nhật lần thứ hai mươi sáu của Long vào hồi tháng 8, anh bảo với tôi mọi năm anh đã có những bữa tiệc sinh nhật khá ồn ào rồi nên giờ anh chỉ muốn có một bữa tiệc đơn giản, ấm cúng bên gia đình và người thân thiết nhất thôi.
Long bảo hôm sinh nhật anh tôi nên đến nhà anh sớm để giúp anh chuẩn bị bữa ăn tối, tôi ậm ừ nhận lời. Nhưng sau đó tôi lại cảm thấy lo lắng đến mất ăn mất ngủ, tôi sợ gia đình Long. Đây là nỗi sợ kiểu dạng nỗi sợ của cô gái sắp về ra mắt nhà chồng tương lai, tôi chẳng biết cái gì cả nếu mà bố mẹ Long không thích tôi thì coi như chẳng có chuyện gì để nói nữa cả. Tôi đã mơ mộng và tưởng tượng nhiều về chuyện tương lai của hai đứa tức là của tôi và Long nhưng tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng đến bố mẹ anh sẽ nghĩ về tôi như thế nào. Chỉ đến khi tôi tập trung vào suy nghĩ nghiêm túc về điều này tôi mới chợt hiểu cái khoảng cách mơ hồ, xa xôi của tôi với Long là gì. Thật sự là chúng tôi rất hợp nhau, cùng chung nhiều sở thích, sở trường, có thể nói chuyện, đi ăn, đi chơi cùng với nhau suốt cả ngày không chán. Nhưng nếu mối quan hệ của chúng tôi mà phát triển theo hướng nghiêm túc tức là yêu đương rồi cưới xin thì có nhiều vấn đề không ổn sẽ xảy ra. Dù có thể Long không yêu tôi, nhưng tôi đã từng mơ đến ngày tôi cùng nắm tay Long đi trong cơn mưa hoa Hồng rực rỡ, tôi rạng rỡ lung linh trong bộ váy cô dâu, sánh bước cùng anh cũng rạng ngời hạnh phúc. Nhưng tôi đã quên mất không nghĩ đến những điều quan trọng khác, đó là gia đình của chúng tôi. Về gia đình tôi thì chắc cũng chẳng có vấn đề gì, bố tôi hay bảo tôi lấy ai cũng được miễn sao hạnh phúc là được rồi. Mẹ tôi cũng nói thêm vào là, lấy thì lấy thằng nào tử tế và phù hợp với mình thì mới hạnh phúc được chứ. Nếu xét về mặt “tử tế” thì Long là quá tử tế rồi, anh còn trẻ mà đã rất thành đạt, vui tính, cởi mở… những điều đó chắc chắn sẽ khiến mẹ tôi rất thích. Đấy là về mặt “tử tế” còn mặt “phù hợp” thì tôi không chắc. Thế là tôi dành cả một đêm để suy nghĩ tôi và Long có phù hợp với nhau hay không.
Cái đầu tiên mà tôi đem ra suy sét là xuất thân và hoàn cảnh gia đình của chúng tôi. Tôi là con nhà nông dân, là người dân tộc “thiểu số” miền núi, ông bà tôi còn chẳng nói thạo tiếng Việt (phổ thông) còn Long, mẹ anh là giảng viên đại học, bố và anh trai là doanh nhân. Nhà tôi so với nhà anh thì là nhà tôi nghèo, nhà anh giàu có, cả dòng họ nhà anh đều thuộc dạng trí thức danh giá khác với tôi; cả họ nhà tôi thì làm ruộng và nương rẫy. Khoảng cách này thật khác biệt và xa vời đâu có thể rút lại được. Nếu lấy Long thì tôi làm sao có thể sống hòa hợp với gia đình anh được đây? Thêm nữa là có nhiều phong tục của kẻ miền xuôi mà người miền ngược như tôi chẳng biết hết. Làm một người vợ, người con dâu phải lo nội trợ, cả việc họ hàng làng xóm nữa mà tôi thì chẳng biết gì về mấy cái ngày lễ Tết, cúng giỗ ở miền xuôi cả.
V
Tôi đã từng rất ngạc nhiên và cảm thấy sốc, có thể tạm gọi đấy là “sốc văn hóa” khi một lần về nhà đứa bạn thân cùng lớp chơi. Đó là vào đầu mùa hè năm ngoái khi tôi và Long đã gặp gỡ nhau ở ngoài đời được hai tháng. Tôi về nhà Tâm – đứa bạn thân cùng lớp chơi vài ngày. Quê Tâm ở cách Hà Nội cũng khá xa, đó là một vùng quê Bắc Bộ xinh đẹp với cánh đồng lúa xanh trải dài và những đầm sen nở rộ ngát hương bên đường. Bố mẹ Tâm đều làm ruộng, thu nhập của cả nhà chủ yếu là ở mấy sào ruộng trồng hai vụ lúa và một vụ rau màu mỗi năm, ngoài ra nhà Tâm còn nuôi thêm lợn, gà nữa. Về Làng Tâm tôi đã được tận mắt thấy thế nào là một làng quê thanh bình với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình và những cành cò trắng bay lên từ ruộng lúa trong mỗi chiều hoàng hôn. Nhưng phía sau những vẻ thanh bình và mơ mộng của làng quê ấy là những tập tục, thói lệ lạ lẫm mà hình như là đặc trưng của người vùng quê miên xuôi làm kẻ miền ngược như tôi đôi khi phải phát hoảng.
Ở nhà Tâm ba ngày, tôi đã học được cả chục “sàng khôn” liền dù “đi một ngày đàng” người ta chi thường học được “một sàng khôn” thôi, ba ngày thì cùng lắm “ba sàng”. Công việc đồng áng, chăm lợn, gà đã đủ vất vả rồi thế mà mẹ Tâm còn phải đi chợ bán hoa Sen vào mỗi buổi sớm nữa. Mẹ Tâm ít tuổi hơn mẹ tôi nhưng trông già hơn mẹ tôi nhiều, cô bảo tôi cứ gọi cô là cô Thư. Đi chợ buổi sớm đó là công việc chính của cô Thư nhưng lại chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhất của một ngày, vào buổi sáng từ 5 giờ đến gần 7 giờ. Tất cả tiền ăn học của mấy chị em Tâm và các khoản chi tiêu lặt vặt trong gia đìnhTâm hầu như đều từ đôi bàn tay cô Thư mà ra cả. Trước khi về quê Tâm chơi, Tâm có kể cho tôi nghe nhiều về mẹ mình nó bảo:
“Mẹ tao vất vả lắm, sáng nào cũng dậy từ lúc 4 giờ chuẩn bị đi chợ. Mùa hè thì đi bán Sen, mẹ bán cả hoa, cả ngó và cả hạt Sen, những thứ ấy là tự mẹ đi lấy ở các đầm quanh làng từ chiều hôm trước. Mùa Thu thì đi bán Cốm, Cốm nhà do mẹ tự làm lấy, còn mùa Đông Xuân thì đi bán rau, cũng rau nhà do mẹ tự trồng lấy. Những thức mẹ mang đi bán không nhiều vì cũng đâu có kiếm được nhiều, mà mẹ cũng chỉ ngồi chợ được hơn tiếng là về nên có mang đi nhiều cũng chẳng bán được hết. Từ 5 giờ mẹ bắt đầu từ nhà đi ra chợ huyện, mẹ đi xe đạp mất khoảng 30 phút, đến nơi thì chủ yếu là bán cho người bán buôn, người ta mua của mẹ giá rẻ để về bán lại giá cao hơn. Mẹ bảo mẹ cũng không muốn bán như thế nhưng vì không có thời gian nên mẹ buộc phải bán như vậy. Có hôm người mua buôn trả giá rẻ mạt quá mẹ không bán được nên lại mang về, trên đường về mẹ bán dọc đường đôi khi cũng được giá cao hơn là bán ở chợ. Về đến nhà tầm 7 giờ thì mẹ cất xe đạp đi, không thay quần áo gì cả, cứ thế lại cùng bố ra làm đồng tiếp. Cứ 12 giờ trưa mẹ mới nghỉ đi về, các em tao đi học về sớm hơn thì nấu cơm không thì thi thoảng mẹ tao vẫn phải nấu cơm cho cả nhà ăn nữa. Buổi trưa chưa nghỉ ngơi gì thì đã phải cho lợn gà ăn, rồi ra vườn nhổ cỏ, chăm bón rau củ, tầm 4, 5 giờ chiều thì đi hái Sen hoặc kiếm rau cỏ để buổi hôm sau đi chợ. Rồi tối về lại chăm lợn gà, dọn chuồng trại, giặt giũ, nấu cám lợn, quanh quẩn làm các việc vặt trong nhà khác như khâu vá quần áo, tính tiền đi chợ… và đến khuya mới đi ngủ…”
Về nhà Tâm ba ngày, tôi thấy những gì nó kể về mẹ nó đều đúng cả nhưng điều làm tôi thấy lạ là trong khi mẹ Tâm vất vả quần quật cả ngày như thế mà bố Tâm lại có vẻ hơi… nhàn. Ông thường đi làm muộn hơn vợ mình, tôi để ý thấy cô Thư đi chợ sáng về rồi ra đồng luôn thì ông ấy vân đủng đỉnh đi ra đi vào trong nhà rồi mới thong thả đi ra đồng. Bố Tâm có một nghề phụ là làm thợ Mộc nhưng chỉ thỉnh thoảng khi nào có người ta đến thuê ông mới phải đi thôi. Quần áo ông cởi ra thì mấy chị em Tâm và cô Thư giặt hết, cái Ti vi nhỏ nhà Tâm chủ yếu là để cho ông xem. Bữa cơm nào cũng phải có ít nhất hai ly rượu nhỏ cho ông, trước và sau khi ăn cơm ông đều rít vài hơi thuốc Lào. Bố Tâm nghiện thuốc Lào nhưng ông không nghiện rượu, uống rượu trong mỗi bữa ăn đó là thói quen của ông. Cứ sau mỗi buổi đi làm đồng hoặc đi đâu đó về ông tắm rửa xong, rồi lại ngồi bật Ti vi lên xem ngồi chờ đến lúc ăn cơm, xong cơm trưa thì ngủ trưa từ 1 giờ đến gần 3 giờ chiều. Đến chiều tối ông lại đi sang hàng xóm đánh cờ tướng, cờ vây tàm hai hoặc ba tiếng đồng hồ rồi mới về ăn tối, ăn tối xong lại xem Ti vi đến khuya rồi mới đi ngủ.
Bữa cơm tối đầu tiên mà tôi ở nhà Tâm là làm thịt Gà, cô Thư và Tâm cùng làm tôi và mấy đứa em phụ giúp nhặt rau, rửa dao thớt, bố Tâm thì đi mua rượu rồi về cơm chưa xong thì xem Ti vi đợi bữa tối. Đến bữa trưa hôm sau làm thịt Ngan thì cũng là mẹ con Tâm cùng làm, các em Tâm nấu những món phụ khác. Tôi không biết nấu nướng nên cũng không dám động vào sợ vướng chân vướng tay mọi người, với lại tính Tâm hiếu khách qua không để tôi đụng vào bất cứ thứ việc gì cả nhưng tôi vẫn phụ giúp rửa rau, nhặt rau, rửa bát đĩa các thứ. Riêng bố Tâm thì vẫn cứ ngồi xem Ti vi, ăn xong lại ngủ, ngủ dậy đi làm một chút rồi lại đi chơi. Đến ngày thứ ba thì nhà Tâm lại phải mất thêm một con Ngan nữa để đãi khách là tôi. Thực ra thì ngày ấy cũng không phải là gia đình Tâm vì tôi mà phải tốn kém, ba ngày một con gà, hai con Ngan và còn những thức thịt thà cá mú khác nữa như vậy ở quê là hơi quá. Nhưng vì dạo đấy đang có dịch cúm gia cầm đe doạ, quê Tâm không bị nhưng vì sợ trước sau gì cũng lây lan, giá gia cầm lại giảm mạnh nên cô Thư tranh thủ làm thịt hết mấy con to nhất. Nhưng mà nhà Tâm ăn uống cũng khá tiết kiệm nên một con gà tầm hơn một cân là phải chia ra làm ba bữa cho cả nhà bảy người ăn, bảy người là tính cả tôi. Lần ấy tôi về nhà Tâm chẳng biết là may hay rủi nữa.
Thấy bố Tâm chẳng làm gì mấy nên môt lần trong lúc cùng rửa bát tôi đã hỏi thẳng nó.
“Mày ơi, mọi ngày bố mày cũng không nấu cơm à?”
Nó trố mặt ngạc nhiên nhìn tôi, chúng tôi thực ra vì quý nhau nhiều nên mới mời nhau đến nhà chơi chứ cũng không phải thân thiết lắm nên Tâm cũng chưa hiểu nhiều về tôi. Sau mấy giây ngạc nhiên nó hỏi lại.
“Sao mày lại hỏi thế? Nhà nhiều con gái như thế này sao mà để bố phải nấu cơm? Bố tao chưa bao giờ vào bếp cả”.
Lần này đến lượt tôi ngạc nhiên đến suýt đánh rơi cái bát.
“Không bao giờ á? ở nhà tao toàn bố nấu ăn thôi mày à!”
Tôi nói thế Tâm còn ngạc nhiên hơn.
“Sao cơ? Mày toàn để bố mày nấu cơm á?”
“Ừ bố tao vẫn hay nấu suốt mà.”
“Thế bố mày không đi làm à?”
“Đi làm về rồi thì nấu chứ, mẹ tao cũng mệt rồi, chị và các em tao cũng đi học có khi còn về muộn hơn cả bố mẹ ấy chứ”.
Tâm thở dài rồi nghĩ ngợi một lúc.
“Chắc ở nhà mày nó khác, mày được bố mẹ chiều quá nhà tao còn khó khăn nên không được chiều như vậy. Cơm nước, quần áo của bố mẹ thì con cái nhất là con gái phải làm, phải giặt giũ hết chứ ai lại để bố mẹ làm. Mà khắp cả cái làng này đều thế, mấy cái làng xung quanh cũng thế thôi đàn ông có bao giờ vào bếp đâu. Chỉ những khi nào hội hè đình đám, mổ lợn và mổ nhiều gà vịt đàn ông mới phải làm thôi. Mày cứ đến lớp hỏi mấy đứa khác xem, nhà chúng nó cũng vậy thôi mà, rửa bát, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm đâu để người chồng, người cha đụng vào…”
Nghe đến đoạn này tôi chẳng còn hơi đâu mà đi thanh minh giải thích cho Tâm làm gì nữa, có thể cuộc sống trong gia đình tôi nó khác rất khác so với những gia đình ở làng quê của Tâm. Không phải là tôi được chiều chuộng không phải làm gì, nhà làm nông chứ có phải như gia đình thành thị đâu mà có kiểu chiều chuộng như vậy. Sau khi nghe Tâm nói tôi thầm nghĩ, xã hội ta còn trọng nam khinh nữ quá, tại sao việc một người đàn ông cầm chổi quét nhà lại có thể thành câu chuyện đáng sợ đến như vậy. Và tại sao một người đàn ông lại có thể không bao giờ vào bếp khi đã có vợ con? Nếu nói đàn ông vất vả hơn vì phải lo toan biết bao nhiêu công việc ở ngoài xã hội thì cũng đâu có đúng, tôi thấy những người phụ nữ ở làng Tâm bao giờ cũng vất vả hơn đàn ông mà. Như cô Thư chẳng hạn cô luôn thức khuya dậy sớm, làm luôn chân luôn tay không nghỉ ngơi trong khi người chồng chưa thấy làm mấy mà đã ngồi chơi rồi. Tâm bảo người dưới xuôi ở bất cứ vùng quê nào cũng vậy thôi, nhất là khi lấy chồng chuyện cơm nước, giặt giũ thường là người vợ phải làm hết, chẳng có nhà nào để đàn ông phải đi chợ nấu cơm cả. Một năm còn bao nhiêu là lễ đạt, cỗ giỗ việc họ hàng nói ngoài cứ bảo là đàn ông tính toán nhưng thực ra là toàn phụ nữ lo hết, nên là người phụ nữ là phải khéo léo, đảm đang thì mới làm được. Lúc ấy tôi lại nghĩ đến Long, có lẽ tôi chẳng thể nào làm nổi một người vợ miền xuôi nếu gia đình Long cũng như thế này.
Ở nhà tôi thì mọi thứ hoàn toàn khác, dĩ nhiên người cha vẫn có uy quyền lớn nhất ở trong gia đình nhưng điều đó không có nghĩa là bố tôi được ưu tiên, miễn không phải làm việc gì cả. Bố tôi nấu ăn ngon và cũng khá chăm chỉ vào bếp nên đa phần các bữa ăn của cả nhà đều là do bố tôi nấu cả. Nhà Tâm thì thông thường chỉ để một người vào bếp, làm từ đầu chí cuối vì thêm người chỉ thêm vướng. Mẹ tôi thường hay nói với mấy chị em tôi là, “tất cả mọi người ai cũng đều có công việc của riêng mình, khi về nhà ai cũng mệt cả nên việc nấu nướng mọi người cũng phải cùng làm chung cho nhanh gọn và đỡ vất vả”. Nên cứ mỗi lần nấu cơm là cả nhà tôi lại xúm vào bếp, có lẽ cái bếp lửa là nơi lưu giữ lại nhiều kỉ niệm của gia đình tôi nhất. Thường cứ mỗi chiều tối cả nhà lại tụ họp ở đó, người nhặt rau, người gọt củ quả, người xào nấu… hai đứa em nhỏ của tôi thì được phân công nhiệm vụ là dọn bàn ăn. Trong căn bếp bé nhỏ xinh của mình cả nhà tôi luôn vừa nấu nướng vừa nói chuyện với nhau rất rôm rả. Chỉ trừ những lúc có khách bố mẹ tôi bận tiếp khách thì mấy chị em tôi xuống làm nhưng bố mẹ vẫn phải thay phiên nhau xuống xem chúng tôi nấu nướng thế nào.
Còn về những công việc nhà khác như việc giặt giũ chẳng hạn nhà tôi cũng rất khác với nhà Tâm ở cái khoản này. Tâm bảo tôi để tiết kiệm thời gian và bột giặt nên cả nhà chỉ để một người giặt chung cho cả nhà thôi, mấy chị em nhà Tâm cứ phải thay phiên nhau giặt từng đống quần áo một. Tôi lại nhớ lại hồi tôi còn ở kí túc xá trong trường đại học tôi đã từng chịu đựng cảnh giặt quần áo chung rất khủng khiếp. Hồi tôi học năm thứ nhất, anh Bàn tôi chưa lấy chị Thu là chị dâu tôi, anh cũng chưa có nhà cũng chỉ ở trong khu tập thể của công ty nên tôi cũng phải vào kí túc xá ở. Phòng ở trong kí túc xá cũng không phải rộng rãi gì nhưng mỗi phòng chứa đến mười con người, mỗi người đến từ mỗi nơi, mỗi tính cách và mỗi khoa, lớp khác nhau. Tôi vốn sống khó hòa hợp với nhiều người nên năm đó ở kí túc xá với tôi thật là tồi tệ và khủng hoảng.
Phòng tôi ra quy định “chung hóa” gần giống với “tập thể hóa” đó, nước uống chung, giấy vệ sinh chung, một số đồ đạc như móc treo quần áo, xô chậu chung… Sau khi dùng xà phòng rửa tay chung một thời gian, mọi người đi đến quyết định dùng xà phòng giặt chung nốt. Phòng có mười đứa thì cứ hai đứa phải chung nhau một gói bột giặt, chung bột giặt có nghĩa là cũng phải giặt chung. Nói thật là ngoại trừ gia đình tôi ra, tôi rất ngại phải giặt đồ cho người khác nhưng ý kiến số đông biết cưỡng lại sao được. Hồi ấy tôi phải giặt chung với Huệ vì hai đứa cùng giường, nó ở giường dưới tôi giường tầng trên. Quần áo bẩn của hai đứa cứ cho chung vào một chậu giặt, đầy chậu thì mới giặt, có hôm hai đứa cùng nhau giặt nhưng có hôm nếu đứa nào bận thì chỉ có một đứa giặt thôi. Vấn đề ở chỗ Huệ có mùi hôi cơ thể rất khó chịu, lại còn bị mụn trứng cá đầy ở lưng nữa chứ, không hiểu sao cứ mỗi lần cầm áo của Huệ lên tôi lại cứ nhớ đến tấm lưng chi chít mụn của nó và tôi thấy sợ. Lại thêm mùi hôi từ quần áo nó bốc lên làm tôi thấy ghê cả người có lần tôi đã vừa khóc vừa giặt cái chậu quần áo đầy ự mà phân nửa là quần áo của Huệ.
Sau gần một tháng không chịu đựng được cảnh này tôi đã xin không giặt chung với đứa nào nữa cả, tôi giặt riêng và thế là tôi cũng dần dần bị bọn trong phòng cho ra rìa. Chỉ đến khi có một số đứa phải giặt chung với cái Huệ chúng nó mới thấu hiểu nỗi khổ của tôi. Nhưng suốt cả năm đó “chế độ giặt đồ chung” vẫn cứ tiếp tục được duy trì, riêng tôi và Huệ thì không chung với ai cả. Đã rất nhiều lần tôi định lên tiếng bỏ cái “chế độ chung hóa” ấy đi vì nó không những không tiết kiệm được thời gian mà chỉ thấy tốn thêm thời gian mà thôi. Tôi ghét nhất là cái chuyện trực nhật, đứa nào trực nhật thì phải lau dọn phòng, đổ rác, cọ rửa nhà vệ sinh tất nhiên phòng nào chả vậy làm mấy việc ấy cũng không tốn thời gian gì lắm. Nhưng cái phòng tôi nó lắm chuyện ở chỗ là, đứa nào trực nhật là còn phải thu quần áo, phải rửa cốc, bát riêng của những đứa khác mà chúng nó ăn xong lại vứt ra một chỗ. Phải đi mua cơm cho cả phòng, bản thân tôi thì tôi không cần ai phải làm những việc đó cho mình cả và tôi cũng không muốn làm cho người khác. Quần áo tôi phải cất, phải gấp như thế nào và tôi muốn ăn gì, ăn nhiều hay ít thì chỉ có bản thân tôi biết rõ nhất nên tôi không muốn người khác làm hộ mình những việc đó. Tôi lại hay đi sớm về muộn, trực nhật cũng chỉ tranh thủ mà làm thôi đã thế lại còn phải làm nhiều việc như thế thì tôi cảm thấy quá áp lực và mệt mỏi. Nhiều lúc muốn nói ra lắm nhưng lại sợ đám đông phản đối nên đành im.
Cho đến khi anh Bàn lấy vợ và gọi tôi về sống cùng vợ chồng anh, tôi sung sướng hạnh phúc vô cùng. Ít nhất thì nhà anh có máy giặt nên tôi không còn lo chuyện giặt giũ nữa, tôi chỉ cần phải dọn dẹp nhà cửa thôi, nấu nướng cũng chẳng cần phải bận tâm vì nhà vợ anh Bàn ở gần công ty nên vợ chồng anh đóng tiền ăn cho mẹ vợ rồi ăn uống ở bên đó luôn. Thỉnh thoảng anh chị ấy có ăn cơm ở nhà thì chủ yếu cũng là do anh Bàn nấu thôi nên tôi cũng chẳng phải mệt. Dù biết tôi không biết nấu nướng nhưng anh Bàn cũng chẳng bao giờ bảo tôi phải học, anh bảo sau này lấy chồng rồi khắc phải biết, thế là tôi cũng chẳng học làm gì cho mất thời gian. Một lần chị dâu đi vắng chỉ có hai anh em ở nhà, anh mải xem bóng đá nên bảo tôi đi nấu cơm, tôi lê dép vào bếp nấu hẳn một nồi cơm đầy ự nhão nhoẹt. Còn thức ăn thì không cần phải nói làm gì, anh Bàn bảo hôm đó tôi làm món bí xanh luộc, món sò và thịt rang, ba món đơn giản nhất. Nhưng anh nói xong cách làm tôi đã quên mất, ra đến bếp loay hoay một hồi tôi lại cầm quả bí vào phòng khách hỏi anh.
“Anh ơi quả bí này gọt vỏ ra rồi thì có bỏ ruột ra không?”
Anh Bàn quay sang nhìn tôi như thể vừa bị sốc nhưng anh vẫn cố nhắc lại lần nữa.
“Ừ thế mà em cũng phải hỏi à? Bí thì nhớ thái dọc nhé, mà trước khi luộc thì bỏ một ít muối vào nước luộc nhé!”
Tôi cố nhớ lời anh dặn, đi vào bếp làm, bỏ bí vào nồi xong tôi đậy vung lại quay ra ngồi đọc báo. Đến khi vớt ra đĩa thì nó đã nát nhừ, tôi lại quên không bỏ muối vào nước luộc như anh Bàn bảo nữa chứ mà tôi cũng chẳng biết bỏ muối vào như thế để làm gì nữa. Lại đến món thịt rang, tôi xoay ngang xoay dọc miếng thịt đã áp chảo qua giờ chỉ cần thái nhỏ và rang với mắm muối là ăn được. Tôi vẫn chưa biết cách thái thịt như thế nào, thấy anh Bàn bảo thái bí lúc nãy là thái dọc thì tôi cũng thái thịt như thế. Miếng thịt thái không đúng thớ nhìn cũng hơi… đẹp nhưng nhai không nổi. Đã thế khi bày ra mâm tôi mới nhớ ra là tôi quên không cho gia vị gì vào ăn vừa dai vừa nhạt thênh thếch. Chỉ có món sò là làm tôi nhớ nhất, anh Bàn bảo tôi đầu tiên là phải rửa sò, ngâm cho sạch đất cát. Nấu nước sôi cho vài củ sả vào rồi trần sò qua. Tôi làm y như vậy, lúc đi vào nhà vệ sinh anh Bàn ghé qua bếp, nhìn thấy mấy cây sả nằm gọn trong nồi nước anh tắt bếp, gọi tôi ra bếp ngay.
“Mây, cô đang làm cái gì đấy!”
“Ơ, thì anh bảo em nấu nước luộc sò mà, cho sả vào…”
“Trời đất ơi, cho cả cây vào như thế này hả? phải bỏ lá, bóc cái vỏ già ở ngoài đi và đập dập nó ra thì nó mới thơm chứ, đây là nấu nước để trần sò chứ phải nấu nước sả để cho cô gội đầu đâu”.
May mà anh đến kịp, không thì hôm đó tôi đã nấu món sò như nấu hến rồi. Sò là người ta chỉ trần qua thôi, thịt sò mặn sẵn rồi nên cũng chẳng cần bỏ mắm muối, gia vị gì nữa cả, đúng là bao lâu nay tôi chỉ biết ăn chứ không biết làm gì cả. Bữa cơm đó chắc tôi đã làm cho anh Bàn phải nhớ đời, hai anh em chẳng ăn được mấy cuối cùng phải mang đi đổ. Từ ngày đó anh Bàn không dám sai tôi đi nấu ăn nữa, giá như anh bắt tôi học nấu nướng có khi bây giờ còn đỡ khổ.
Mọi người cứ nghĩ tôi được chiều chuộng kể ra cũng có một phần nào đúng chăng? Nhưng bảo tôi không phải làm gì thì cũng không đúng, tôi chỉ không phải làm những gì mình không thích thôi. Cuộc sống ở gia đình tôi là theo tinh thần“độc lập và tự do”, bố tôi đã dạy mấy chị em tôi như vậy. Về chuyện quần áo và giặt giũ, ở nhà tôi quần áo ai người ấy tự giặt, hơn mười tuổi tôi đã bắt đầu tự giặt quần áo cho mình trước kia là bố mẹ tôi giặt cho và các em tôi cũng vậy. Mười một, mười hai tuổi là biết tự giặt quần áo cho mình một cách ngon lành rồi. Bố tôi không thích ai giặt quần áo cho mình, ông bảo quần áo ông để mấy chị tôi giặt cứ cảm giác nó không được sạch sẽ thế nào ấy. Trừ những lúc ốm đau hay bận bịu quá mọi người mới giặt cho nhau thôi, chứ bình thường thì tất cả mọi người trong gia đình tôi đều tự giặt lấy quần áo của mình. Nề nếp sinh hoạt của gia đình tôi là như thế tôi không dám nói với Tâm những điều này vì chắc chắn nó sẽ gọi gia đình tôi là gia đình kỳ lạ mất.
Ở cạnh nhà Tâm là nhà chú út của nó, hai vợ chồng nhà đó cứ tối đến là đánh chửi nhau như điên. Nội dung của những cuộc cãi cọ là chuyện cơm nước, lợn gà, chuyện mua phân bón cho ruộng, chuyện chợ búa v.v. Chiều đi làm về thì người chồng vội vàng chạy sang mấy nhà ông hàng xóm chơi, đến khi tối mịt người vợ mới về, con còn nhỏ chưa biết làm gì nên việc nhà là do người vợ làm hết. Sau khi cho lơn gà ăn xong,tắm rửa giặt giũ xong mệt quá thì cô ấy cũng chẳng còn sức đâu mà cơm nước tử tế nữa. Có một tối chú Tâm về thấy mâm cơm chỉ có cơm với một bát mắm tép, ông chú ấy càu nhàu, đá soong nồi, vợ nói lại chưa đầy câu đã quay ra đánh vợ. Người vợ cũng đanh không kém cũng quay lại choảng chồng. Khi nghe họ cãi nhau, chửi nhau tôi tưởng chừng như họ sắp bỏ nhau đến nơi rồi thế mà sáng ra lại thấy hai vợ chồng tưng tưng cùng nhau ra đồng. Mặt cô vợ vẫn còn thâm tím, cánh tay ông chồng thì còn nguyên vết cào cấu vì trận chiến đêm qua. Tâm bảo ở làng Tâm mấy chuyện đó thường như cơm bữa, nhà chú Tâm là do thím nó không chịu nhường nhịn nên mới hay mới hay xảy ra đánh đấm như vậy, tôi hỏi Tâm.
“Thế bố mày có hay đánh mẹ mày không?”
“Trước kia cũng nhiều nhưng bây giờ thì ít hẳn rồi, vì bố tao có nói gì mẹ tao cũng kệ.”
Trong thâm tâm tôi thầm ủng hộ bà thím của Tâm, tại sao phải nhẫn nhịn như thế nhỉ. Dù mình có đúng vẫn phải nhận lỗi về mình, ở nhà Tâm là không có chuyện con cái nói lại bố mẹ một câu nào, nếu mà con phần trần về việc gì đó thì sẽ bị coi là cãi lại bố mẹ. Ở nhà tôi thì con cái lại được tự do hơn thế, nếu chúng tôi có làm gì sai thì bố mẹ tôi cũng luôn dành thời gian cho chúng tôi được giải thích về những việc mình đã làm. Và nhất quyết là không có chuyện đòn roi, đây là lí do tôi luôn cảm thấy rất tự ái và buồn khi bị ai đó nói mình nặng lời một chút. Lần đầu tiên tôi đi xe máy ở trên đường phố Hà Nội tôi đã bị người qua đường chửi, vì vụ này mà suýt nữa tôi định không đi xe máy lại lần nữa.
Người ta thường hay bảo người nhà quê thường rất thoải mái nhưng có lẽ đó là ở một số vùng quê và một số nhà ở đó thôi chứ thực sự về nhà Tâm tôi cảm thấy không được thoải mái cho lắm. Tầm nửa đêm tôi lại nghe thấy tiếng Ti vi bật mở rất to, lúc ấy bố Tâm đã thức dậy để xem bóng đá hoặc phim truyền hình. Ở nhà tôi bố tôi dù có hay thức đêm để xem phim nhưng ông không bật đèn điện sáng tưng, không tăng âm, không hò hét, cười khanh khách như thế này. Trời chưa sáng thì đã nghe tiếng lạo xạo ở dưới bếp và tiếng lạch cạch ngoài sân, đấy là cô Thư chuẩn bị đi chợ và dọn dẹp nhà chuồng trại. Có lẽ đã quen với tiếng ồn nên mấy chị em Tâm đều có vẻ ngủ rất ngon còn riêng tôi thì hầu như không thể ngủ được. Thật sự ở nhà đứa bạn này mấy ngày mà tôi đã thầm cảm phục cái tĩnh nhẫn nhịn, giỏi chịu đựng của tất cả mọi người dân ở vùng quê này.
Ngày cuối cùng ở nhà Tâm tôi bảo muốn đi thăm các đầm sen quanh làng, tiện thể chụp vài kiểu ảnh làm kỉ niệm. Tâm bảo đến cuối chiều sẽ đưa tôi đi, cô Thư bảo chúng tôi sang gọi cái Kỳ con nhà chú hai của Tâm ở làng bên cùng đi. Tâm bảo không thích nhưng cô Thư cứ nài bảo chị em họ hàng ai lại làm thế cuối cùng Tâm cũng đành lòng. Tôi hỏi vì sao mà Tâm lại tỏ ra khó chịu như vậy thì nó bảo con bé Kỳ con nhà chú hai của nó là con nhà giàu, hay có thái độ khinh người nên nó không thích. Kỳ trông rất xinh đẹp mặc dù mới có mười lăm tuổi và cũng có vẻ hơi tiểu thư thật. tôi rất ngạc nhiên vì Tâm có một ông chú giàu đến như thế, hóa ra ngôi nhà to nhất, đẹp nhất ở làng bên cạnh là chú Tâm. Cái làng bên này giàu hơn làng Tâm nhiều và nhà chú Tâm là cái nhà giàu nhất làng đấy, mà nghe đâu đây chỉ là nhà phụ nhà chính của họ ở trên phố huyện còn to gấp mấy cái nhà này. Trên đường đi sang gọi con bé Kỳ Tâm kể với tôi về chú nó.
“Nhà chú thím ấy kinh doanh bon sai, cây kiểng và bán đồ điện gia dụng ở trên phố, nhà thím giàu từ xưa rồi chú tao vốn giỏi kinh doanh lại lấy được vợ giàu nên cứ ngày một giàu có. Nhà chú ấy giàu nhưng mà kiệt, nhà tao lúc gặp khó khăn có bao giờ dám đến nhờ chú đâu. Gần đây chú còn mở thêm tiệm vàng nữa, giàu sụ luôn ấy tao chẳng muốn dính dáng gì đến nhà chú nhưng mẹ tao cứ lúc nào cũng bảo “dĩ hòa vi quý”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã…”
Con bé Kỳ cũng máu chơi như tôi vậy, chúng tôi đi hết đầm sen này qua đầm sen khác tôi mê tít những đầm sen ở quê Tâm. Không biết bao nhieu là hoa, sen hồng, sen trắng đủ hết tôi còn thấy có cả sen vàng nữa chứ nghe Tâm nói đó là một loài hoa sen hiếm. Chúng tôi chụp không biết bao nhiêu là ảnh đến nỗi cái máy ảnh hết cả pin nên phải chuyển sang chụp bằng điện thoại, hết chụp trên bờ xong mấy đứa tìm cái thuyền nan ra hẳn giữa hồ sen chụp. Cả Tâm và Kỳ đều bị cận nặng nên khi chúng nó chụp ảnh tôi phải vừa giữ kính vừa chụp giúp ảnh, tôi lại còn đeo một cái túi to đùng nữa nên cũng khá là vất vả. Nhưng mà thật sự buổi chụp ảnh đó rất vui, chúng tôi định sang một đầm sen nữa chụp thêm vài kiểu trước khi trời tối. Từ đầm bước lên bờ cái Tâm hỏi kính của nó đâu, tôi giật mình sờ lên cổ áo cả hai cái kính đều mất, tôi bất cẩn mải vui quá nên không cất kính hộ tụi nó cẩn thận mà lại mắc vào cổ áo nên bị mất từ lúc nào mà tôi chẳng biết. Mấy đứa cuống cuồng hết cả lên, Tâm trách tôi sao mà vụng về quá thể còn con bé Kỳ thì mím chặt môi không nói gì. Cả ba đứa nháo nhác đi tìm, tìm hết trên bờ không thấy chắc nó chỉ có rơi xuống đầm, rơi xuống đầm rồi thì biết tìm sao đây? Chúng tôi bơi thuyền nan trở lại giữa đầm, dáo dác tìm kiếm trong vô vọng, tôi thấy bực bội với cả chính mình sao mà tôi lại có thể bất cẩn một cách quá thể đáng như vậy. Kính của Tâm vừa mới cắt hơn sáu trăm nghìn, còn kính của con bé Kỳ cũng vừa mới cắt hơn một triệu, tổng cộng hai cái kính gần hai triệu, số tiền ấy với tôi cũng chẳng phải nhỏ vì tôi đã biết kiếm ra tiền đâu. Có người đang đi hái sen nhìn thấy chúng đang nháo nhào bác ấy thấy lạ nên liền hỏi, sau khi nghe chúng tôi trình bày sự việc thì bác cũng tìm giúp. Đi hết tất cả các chỗ đã từng tạo dáng chụp ảnh ở trong đầm rồi mà vẫn không tìm thấy, tôi để ý thấy nét mặt Tâm và Kỳ đều có một cái gì đó đang rất tức tối có vẻ như hai đứa đều đang trách móc tôi. Mà cũng lỗi tại tôi thật, tại tôi vụng về ẩu đoảng quá. Trời đang tối dần, chẳng còn nhìn thấy cái gì nữa, cái Kỳ thì sợ mẹ nó mắng còn cái Tâm thì sợ không có tiền để đi cắt kính mới ngay được. Nhưng người buồn và thất vọng nhất vẫn là tôi, tôi chỉ sợ sau vụ này mà Tâm lạnh nhạt với tôi thì chết, một lúc sau bác hái sen nọ gọi tướng lên. Chúng tôi vui mừng chạy đến, đã tìm được kính của Tâm, nó bị mắc trên một cành sen ngay sát bờ đầm chúng tôi rối rít cảm ơn bác đi hái sen đã tìm giúp chúng tôi cái kính. Chả biết bác ấy là người làng nào nhưng mà cuối cùng tôi cũng đã gặp được một người làng quê thân thiện và trìu mến thật sự.
Chúng tôi lại tiếp tục tìm kính của Kỳ nhưng mãi mà chả thấy, trời tối mịt chúng tôi đành phải ra về. Kỳ rất sợ bố mẹ nó mắng, Tâm bảo đừng lo vì cả ba đứa sẽ cùng vào nhà nó trình bày vụ việc và xin lỗi bố mẹ nó cùng nó rồi mọi chuyện sẽ được ổn thỏa. Trên đường về mấy đứa bàn bạc nhau rất nhiều về cách trình bày đâu đuôi câu chuyện sao cho nó thật hay và đáng tin để con bé Kỳ không bị mắng. Là người làm mất kính của con bé nên tôi thấy cũng hơi sợ, chỉ cần đền cho nó cái kính mới là xong nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ thấy sợ và thấy tội lỗi quá. Đây là nỗi sợ của trẻ con chăng? Khi bước vào cổng nhà của con bé Kỳ tôi tự hỏi tại sao nhà giàu như thế này làm mất một cái kính lại có thể bị ăn mắng đến mấy ngày liền nhỉ? Lại còn có khả năng bị cấm đi chơi cho đến hết mùa hè nữa chứ. Vào nhà chúng tôi không gặp bố Kỳ, chỉ có mẹ của nó ở nhà, sau khi nghe chúng tôi trình bày mẹ của Kỳ không hỏi han thêm gì cả cô ấy chỉ bảo là không sao, sớm mai sẽ đưa Kỳ đi cắt một cái kính mới. Thế là chúng tôi yên tâm ra về, tôi vẫn thấy sự lo lắng hiện lên trên khuôn mặt Tâm, tôi hỏi thì nó không nói gì. Về đến nhà Tâm chúng tôi giấu không nói với bố mẹ nó, Tâm cùng tôi dọn đồ để sáng hôm sau đi về Hà Nội sớm. Tôi bảo nó nhắn tin hỏi con bé Kỳ xem bố nó về thì có nói gì nó không và cho tôi gửi lời xin lỗi nó lần nữa. Nhắn được vài cái tin thì Tâm bảo với tôi bố con bé Kỳ bảo sáng sớm mai mấy đứa phải đi ra đầm sen bới hết từng cánh hoa một lên mà tìm lại kính, nó vừa nói vừa cười tôi biết chắc nó nói đùa. Sáng sớm hôm sau, cô Thư đi chợ từ sớm còn bố Tâm say rượu từ đêm qua vẫn ngủ khì khò. Mới rửa xong cái mặt đã thấy cái Kỳ đi vào, nó vừa đi vừa gọi.
“Các chị ơi nhanh lên, bố em đang chờ ngoài cổng”.
“Ừ, em đợi một tí chị Mây còn chưa chuẩn bị xong mà”.
Tôi đang lơ ngơ không hiểu chuyện gì, Tâm không nói gì chỉ giục tôi nhanh nhanh lên. Tôi bảo hơn bảy giờ mới có xe về Hà Nội mà bây giờ mới có sáu giờ thì nó liền bảo.
“Không phải về Hà Nội mà là ra đầm sen tìm kính đã’.
Vậy là hôm qua nó đã không nói đùa tôi, thật sự là tôi không nghĩ một cái kính cận của một đứa con nhà giàu lại có thể gây nên chuyện to tát đến thế. Ra đến cổng có một chiếc xe Ford bảy chỗ đang đợi chúng tôi, bố Kỳ tức là chú hai của Tâm đang ở trong đó. Tôi run run bước lên xe, ông chú Tâm lái xe đưa chúng tôi ra đầm sen, đến nơi mọi người tự động tản ra mà đi tìm. Tôi dùng cái bơi thuyền khua khoắng khắp nơi, thậm chí chỗ nào nông nông tôi còn lội xuống tìm nữa mà cũng chẳng thấy cái kính của con bé Kỳ đâu. Tôi lo lắng mỗi lần ngẩng mặt lên là tôi quay sang nhìn ông chú Tâm, ông ấy cũng đang tìm lại cái kính cho con gái, mặt ông trông lạnh tanh, lạnh như tiền. Con bé Kỳ bảo bố nó nghiêm khắc lắm, nếu mà làm mất đồ thì chỉ có nghe ông ấy lải nhải suốt ngày thôi. Tôi chẳng hiểu ra làm sao nữa, người nhà giàu có thể không tiếc tay tìm chọn bằng được cho căn biệt thự của mình một cái bóng đèn để bàn trang trí nhỏ xíu mà giá đắt bằng mấy cây vàng. Họ bỏ cả cơm đi lùng sục khắp nơi để chọn loại nước hoa yêu thich để xịt lên cái xe hơi trị giá tiền tỷ của mình nhưng lại có thể làm ầm lên cả mấy chục ngày liền vì một cái kính cận đã bị mất. Sau gần một tiếng đồng hồ cả bốn người chúng tôi đều không tìm được cái kính đâu cả nên đành phải ngậm ngùi ra về. Chú Tâm đưa chúng tôi về nhà nó, trên xe không ai nói một lời nào cả không khí lạnh giá như bao trùm lên tất cả. Tôi là người mắc tội nặng nhất, thà họ cứ bắt đền tôi cho rảnh việc đằng này họ làm như vậy khiến tôi rất khó xử. Về đến nhà Tâm tôi bảo hay để tôi về đến Hà Nội rồi lấy tiền của anh Bàn tôi gửi cho con bé để nó đi cắt cái kính mới, Tâm bảo.
“Mày điên à? Mày tưởng nhà họ sẽ nhận tiền của mày chắc, đến tao còn chẳng hiểu ông chú tao làm như vậy là để làm gì nữa, ông ấy hay thế lắm. Chắc đó là cách ông cảnh cáo con Kỳ thôi”.
Tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao nữa, thật sự tôi rất khó nghĩ họ hàng nhà Tâm lạ thật, họ chẳng gần gũi gì nhau cả mà hình như còn rất đố kị, ghen ghét nhau nữa là đằng khác. Thế mà là “một giọt máu đào hơn ao nước lã” hay sao? Tôi về Hà Nội mà thấy trong lòng chẳng thoải mái gì, hành động của nhà chú Tâm lạ quá đi một đằng họ bảo không sao, một đằng họ thể hiện một cái hành động rõ là làm tôi phải suy nghĩ.
Chuyện ở làng Tâm còn biết bao nhiêu thứ vặt vãnh khác nữa mà tôi không thể kể ra hết được. Trở lại Hà Nội suốt cả tuần tôi cứ thấy đầu óc mình lơ lửng đâu đâu, chuyến đi về quê Tâm thật sự đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai. Nhiều chuyện khiến tôi phải suy ngẫm, tôi rút ra được nhiều bài học quý giá và chợt thấy mình trưởng thành hơn.
VI
Trước khi đến nhà Long tôi chợt nhớ lại những chuyện này, tôi tự hỏi không biết một gia đình trí thức ở thành thị như nhà Long mọi người sống như thế nào. Tôi không biết đến đó tôi có phải nấu ăn không nữa, tôi thấy hơi hơi sợ vì thực ra tôi nấu nướng chẳng đâu vào đâu cả. Kì quặc ở chỗ là không phải là tôi không bao giờ vào bếp nấu nướng mà tôi cũng nấu mãi rồi mà nó cứ mãi không ăn được. Thêm nữa ở nhà tôi bố mẹ tôi cũng chẳng bao giờ bắt tôi phải học nấu nướng một cách nghiêm túc, có lẽ bố mẹ thương tôi vì hồi bé tôi đã đi học xa nhà rất vất vả. Sáng dậy từ lúc năm giờ rưỡi chuẩn bị đến trường, trưa hơn mười hai giờ mới về đến nhà ăn cơm, nghỉ ngơi xong thì dắt con bò lên nương cùng bố mẹ. Tối về lại tắm rửa học bài, ngày nghỉ thì lại đi ăn cơm nương với mẹ cả ngày nên hầu như chẳng bao giờ tôi phải vào bếp chính thức cả, chỉ ăn xong rồi dọn dẹp, rửa bát đĩa thôi. Khi những năm tháng vất vả ấy qua đi, tôi đã vào cấp ba tôi đi học trường nội trú ở kí túc nên lại càng xa cách với bếp núc, mùa hè đến về nhà nghỉ thì cũng chẳng phải làm mấy.Tôi ghét nấu ăn nên cả nhà cũng chẳng ai bắt tôi phải làm, vào đại học lại ở kí túc và ở với vợ chồng anh Bàn nên bếp núc lại càng xa tôi. Chị Thu vợ anh Bàn vẫn cứ ngỡ tôi là đứa khéo tay, giỏi nội trợ lắm nhưng nếu một lúc nào đó ăn phải cơm tôi nấu chắc chị ấy ngất. Ngoại trừ nấu ăn ra còn những việc nhà khác thực ra tôi vẫn làm tốt, tuy vậy vẫn hơi vụng.
Tôi chỉ lo tôi làm đổ vỡ cái gì ở nhà Long thì mất điểm với bố mẹ anh ấy thôi, tính tôi hơi “hùng hổ” một phần vì có lẽ tôi là dân võ. Năm mười chín tuổi đã đạt đến Đai đen Kareate, từng đạt huy chương bạc giải Tekodo cấp tỉnh hồi học cấp ba nên phải nói là tôi làm gì cũng hơi “hùng hổ” thật. Anh Bàn vẫn hay trêu tôi là làm cái gì cũng như đánh đấm. Sinh nhật của Long càng đến gần tôi lại càng thấy lo, tự dưng tôi muốn mình giỏi nấu ăn quá. Bếp nhà anh Bàn đã hêt ga từ lâu, tôi bảo anh thay nhưng anh cứ kêu bận suốt tôi, lại còn hỏi tôi thay để làm gì có nấu nướng gì đâu mà thay cho tốn kém ra, anh không đồng ý tôi cũng đành kệ. Hôm sinh nhật Long tôi đến cũng không sớm lắm mặc dù anh gọi điện giục suốt, chị Mai Quỳnh và mấy người bạn thân của anh đã ở đó rồi nên tôi cũng không ngại lắm.
Trái hẳn với những tưởng tượng của tôi, tôi cứ ngỡ bố mẹ Long sẽ ngồi ở phòng khách khi tôi bước vào thì mọi người sẽ quay lại đổ hết mọi ánh nhìn về tôi. Thật may sao không phải vậy, mọi thứ vẫn bình thường cả nhưng tôi lại thấy có một cảm giác khác, tôi thấy mình hơi lạc hậu khi ở nhà Long. Từ khi bước vào khu phố nhà anh tôi đã cảm thấy hơi choáng ngợp bởi lần đầu tiên tôi thấy cảnh tượng thật sự giàu có của một khu phố trong thành phố mà tôi đã sống suốt bao năm. Ngôi nhà của gia đình Long to lớn và xinh đẹp ở giữa khu phố, nhìn từ ngoài đã rất sang rất đẹp bước vào bên trong mọi thứ còn khác nữa. Mọi thứ đều lung linh, tiện nghi không khác gì một khách sạn năm sao tôi ngó nghiêng mãi mà cũng chẳng biết phòng bếp ở đâu nữa. Tôi cố gắng mỉm cười và nói chuyện với mọi người cho bớt căng thẳng, mấy lần tôi nhìn sang Long nhưng anh cứ mải bận tiếp bạn bè của anh chẳng để ý gì đến tôi. Hôm đó tôi chỉ mặc quần Jean với một cái áo sơ mi buộc vạt bình thường, không hở hang không lố lăng, không quá điệu đà. Nhìn sang chị Mai Quỳnh và mấy người chị em họ của Long, bọn họ đều xúng xính trong những bộ váy xinh đẹp sao bỗng dưng tôi thấy mình khác người quá. Tôi đã nghĩ mãi suố mấy ngày mà cuối cùng lại chọn bộ quần áo này.
Nói chuyện một lúc thì chị Mai Quỳnh kéo tôi vào bếp để chuẩn bị nốt mọi thứ cho bữa tiệc nhỏ của Long. Căn bếp nhà Long lại một lần nữa làm cho tôi thấy bị choáng ngợp bởi vẻ kiêu sa, hiện đại của nó. Phòng bếp rất rộng và bày rất nhiều đồ đạc tôi cố nhìn kỹ xung quanh một lượt mà vẫn không nhìn ra cái tủ lạnh hay cái chạn bát đĩa để đâu, ở chỗ nào. Trong bếp cũng có mấy người giúp việc và mẹ của Long đang chuẩn bị các món ăn. Chị Mai Quỳnh dẫn tôi ra chỗ mẹ Long giới thiệu.
“Bác ơi, bác còn cần bọn con giúp gì nữa không? Giới thiệu với bác đây là Mây bạn của Long đấy, cô bé này đến từ Mường Phai đấy!”.
“Dạ cháu chào cô à chào bác ạ” – giọng của tôi hơi lí nhí. Mẹ của Long còn khá trẻ nhưng tôi gọi Long bằng anh lại đi gọi mẹ anh bằng cô thì hơi ngại nên tôi lại chuyển qua gọi bằng bác. Với lại mẹ Long chắc chỉ trông trẻ hơn tuổi thôi, tôi thấy vô cùng ngại riêng cái khoản chào hỏi này tôi đã bị mất điểm rồi. Mẹ Long nhìn tôi mỉm cười, Long giống mẹ ở cái mũi thẳng và đôi mắt đẹp, đầy sức hút. Mẹ Long hôm đó mặc một bộ quần áo ở nhà, bộ quần áo lụa màu vàng may như kiểu áo bà ba, trông bà đẹp một cách sang trọng và quý phái. Bà có dáng người thanh thoát, ở cái tuổi gần năm mươi mà vẫn có vóc dáng đẹp như thế thật dễ khiến người ta phải ghen tị. Mẹ Long đáp lại lời chào của tôi gọn lỏn và quay sang chị Mai Quỳnh luôn.
“Ừ chào cháu, Mường Phai là cái chỗ nào vậy Mai Quỳnh?”
“Ở tận trên Tây Bắc đấy bác ạ!”
“Ô thế cháu là người miền núi à?”
Tôi hơi đỏ mặt, chưa kịp trả lời thì chị Mai Quỳnh đã nhanh nhảu đáp.
“Không chỉ là người miền núi không thôi đâu ạ, mà cô ấy còn là người dân tộc miền núi nữa cơ đấy bác ạ.”
Mẹ Long ngạc nhiên.
“Ô thế à? Cháu là người dân tộc gì vậy?”
“Dạ cháu là người Thái.”
“Ở nhà cô ấy toàn nói tiếng dân tộc thôi, xuống đây đi học là cô ấy mới nói tiếng Việt thôi cô ạ, ở trên chỗ nhà cô ấy có nhiều chuyện hay lắm.”
Chị Mai Quỳnh nói với giọng có vẻ hí hửng. Tôi có cảm giác như thể Mai Quỳnh đang cố giới thiệu về tôi giống như là một sinh thể lạ với mẹ Long vậy, tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu.
Mẹ Long bưng một rổ hoa quả ra để cả ba chúng tôi cùng gọt, lúc ấy hầu như chỉ có mẹ Long và Mai Quỳnh nói chuyện với nhau còn tôi thì chỉ biết im lặng tập trung vào mà gọt cái đống hoa quả kia. Mai Quỳnh và mẹ Long rất hợp cạ, vì Mai Quỳnh và Long đã lớn lên bên nhau, bố mẹ họ cũng là bạn thân chí cốt nên nhà Long coi Mai Quỳnh như thành viên trong gia đình. Hai người họ nói toàn những chuyện họ hàng, bạn bè của mình những người, những chuyện, những việc mà tôi không hề biết nên tôi cũng chẳng có chỗ để mà xen vào mà hoà nhập với họ. Một lúc lâu sau chợt mẹ Long quay sang nhìn tôi hỏi.
“Ở chỗ của các cháu người dân tộc người ta biết bùa chài gì đúng không?”
Tôi thấy tái hết cả người lại, không phải tôi ngạc nhiên về câu hỏi của mẹ Long mà tôi không nghĩ là bà ấy sẽ đặt một câu hỏi như thế với tôi. Câu hỏi đó tôi đã gặp rất nhiều lần, cứ lần nào tôi giới thiệu gốc gác của mình là họ lại bắt đầu sấn vào hỏi những câu hỏi như vậy. Ngày đi học cấp ba, lần đầu tiên bước vào lớp tôi đã bị hỏi cậu là người Thái hay người H’Mông hay là dân tộc gì? Trong lớp học tôi luôn là người “thiểu số” nhưng thật sự tôi thấy luôn tự hào về dòng máu của mình về bản sắc dân tộc của mình. Những câu hỏi của mọi người là cơ hội để tôi có thể tự hào bày tỏ những hiểu biết và niềm tự hào về bản sắc của dân tộc mình, quê hương mình với họ nhưng lần này trước mẹ Long tôi không còn cảm thấy thế nữa. Hôm nay tôi nghe thấy từ “dân tộc” nhiều quá nên có cảm giác như mình đang bị kì thị vậy. Tôi không biết trả lời bà ấy như thế nào nữa, bảo không biết thì sợ người ta nghĩ rằng mình không hiểu gì về phong tục tập quán của dân tộc. Mà chỉ trả lời là không hoặc có thì nó cũng không phải là một câu trả lời hay. Thật sự là chẳng bao giờ tôi tin vào mấy trò bùa ngải ấy và cũng chẳng biết là ở chỗ tôi tập tục ấy nó có tồn tại hay không. Bố mẹ tôi chẳng bao giờ kể cho chị em tôi nghe về những chuyện đó cả. Chính cái Tâm cũng bảo tôi rằng thực ra người dưới xuôi người ta sợ người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa là vì họ nghĩ những người dân tộc ít người ấy có phép bùa chài làm hại người khác. Thật đau lòng cho tôi quá, tôi chẳng biết cái tin tức ấy ở đâu ra nữa. Đúng là ở Mường Phai tôi có thấy người ta hay cầu cúng, làm ma, làm tà nhưng đó chỉ là tục lệ. Mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mượn phép của thần bùa của quỷ để mồi chài, làm hại gì ai nên cũng chẳng quan tâm là ở chỗ tôi có cái tục bùa chài gì không.
Tôi nhìn mẹ Long cười gượng và bảo.
“Thưa bác thật sự là mấy cái chuyện này cháu cũng chẳng tin lắm, cháu cũng không biết rõ nữa, cháu cũng chỉ được nghe người ta đồn đại vậy chứ cháu cũng chưa bao giờ tận mắt trông thấy.”
“Vậy à!” – Mẹ Long đáp lại tôi một cách gọn lỏn như vậy. Tầm 8 giờ tối bữa tiệc bắt đầu, mặc dù Long bảo đó chỉ là một bữa tiệc nhỏ nhưng họ hàng nhà Long và các bạn thân của anh đều đến cả. Có khoảng vài ba chục người trong bữa tiệc tối hôm đó, có lẽ trông tôi hơi lạ vì hầu như các bạn khác của Long đều đã đến nhà anh ít nhất vài lần trước đó còn tôi thì đó là lần đầu tiên nên tôi cảm giác như có rất nhiều ánh mắt đổ dồn vào mình. Không biết Long và chị Mai Quỳnh hay mẹ Long đã nói những gì về tôi trong buổi tiệc hôm đó mà có rất nhiều người đến hỏi tôi về quê quán, dân tộc, phong tục. Họ làm như tôi lạ lắm,tôi phải cố tỏ ra mình là người thông minh, lịch sự và hóm hỉnh để cho họ thấy tôi không phải là người miền ngược có trí tuệ thấp kém.
Tôi thấy hơi khó chịu trước một số câu hỏi như, “ở trên chỗ bạn còn nuôi gia súc dưới gầm sàn à? Như vậy có sợ bẩn không? ”hay “ở trên đó hay tảo hôn lắm nhỉ, người ở đó ăn bốc à?...” . Có cảm giác như họ đang nghĩ tôi đến từ một miền nào lạc hậu lắm vậy, tôi ấm ức vì không thể nói với họ rằng, có những thứ khó có thể thay đổi nó không liên quan gì đến chuyện lạc hậu hay hiện đại cả mà đó là phong tục, là cái “tộc” của một nhóm dân cư. Tôi chợt thấy mình bị lạc lõng, họ hỏi tôi xong mấy câu ngớ ngẩn ấy rồi bỏ đi. Long cũng mải vui đùa, hát hò, khiêu vũ với các bạn của anh không để ý gì đến tôi.
Tôi lịch sự đến xin phép mẹ Long rồi ra về, tôi chỉ muốn bỏ về lặng lẽ không muốn chào hỏi ai cả. Làm như vậy thì bất lịch sự quá, tôi chỉ sợ bị chê là quê, là miền núi nhưng nghĩ đến việc đến chào tạm biệt tất cả họ hàng, người lớn tuôi nhà Long gồm, ông bà nội, ngoại, chú thím, cô dì của anh tôi thấy có khi còn quê hơn vì tôi chẳng biết chào thế nào để từng người một biết trong bữa tiệc ồn ào ấy. Chắc Long chẳng biết là tôi đi về, nhảy lên xe bus chắc là tuyến cuối cùng, tôi thấy sao mà mệt mỏi và buồn tủi quá đi. Tôi nhớ đến câu chuyện của chị Minh, bạn của chị gái tôi. Chị là người Xá cùng quê với tôi, rất xinh đẹp và học giỏi, chị ra thành phố học cao đẳng Y và yêu chính người thầy giáo của mình. Gia đình anh đó phản đối quyết liệt với lí do là “không môn đăng hậu đối” nhưng thực chất là họ ngại vì chị là người dân tộc ít người, gia đình không có điều kiện lắm. Anh chị ấy ngậm ngùi chia tay bởi cái lí do mà tôi cho là không thích đáng. Biết bao mộng tưởng về tương lai hạnh phúc với Long trong đầu tôi bỗng trở nên mong manh và tan vỡ như bong bóng.
Tôi sẽ chỉ lấy người yêu tôi và yêu tất cả những gì thuộc về tôi thôi, gia đình và bạn bè của anh ta cũng phải tôn trọng những điều đó. Mà Long không phải là người như thế, về đến nhà tôi lao vào phòng úp mặt vào gối khóc sướt mướt. Tôi nhớ đến chị Minh, đến cuộc tình cay đắng của chị mà tôi thấy đau đớn vô cùng. Sau khi chị và người yêu chia tay, anh người yêu chán nản và rất đau khổ nên suốt ngày rượu chè, bỏ bê công việc. Gia đình anh ta đã đổ lỗi cho chị, họ bảo chị đã bỏ bùa yểm anh ấy, thật tội nghiệp cho chị Minh. Cách đây mấy năm tôi từ trường về nhà nghỉ vào ngày cuối tuần, nghe chuyện chị tôi đến thăm lúc ấy trông chị cũng vì đau khổ mà tiều tụy đi nhiều, chị nói với tôi trong nước mắt rằng.
“Ngày xưa chị thường tin tình yêu là có sức mạnh kì diệu nhất, nó có thể vượt lên tất cả mọi thứ, mọi biên giới, mọi tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, giàu nghèo… nhưng giờ thì chị vỡ mộng rồi. Đôi khi chúng ta bị gia đình phản đối chuyện hôn nhân vì người ta muốn lấy nghèo hơn ta, nhiều người khác không lấy được người mình yêu chỉ vì người họ muốn lấy ở xa quá… còn chị vì chị là Xá mọi còn anh ấy là người Kinh…”
Tôi không hiểu cái thời buổi nào rồi mà mọi người còn có những cái suy nghĩ hẹp hòi đến thế. Có thể hôn nhân đúng là phải “môn đăng hậu đối” thì mới vui được nhưng liệu có phải tất cả các căp vợ chồng môn đăng hậu đối đều hạnh phúc hết không? Tôi yêu Long, thật sự rất yêu anh và suốt cả cuộc đời chỉ muốn có anh thôi, nhưng trong thâm tâm tôi hiểu đây là một cuộc tình không nên hy vọng gì cả. Cho dù tôi không là dân tộc miền núi đi chăng nữa nhưng nhà anh giàu sụ như thế làm sao bố mẹ anh có thể chấp nhận tôi. Trên đời này chắc chỉ có một Lọ Lem trong truyện cổ tích mà thôi, tôi cũng chẳng muốn làm cô bé Lọ Lem đâu. Một chàng trai đẹp mã, hào hoa, giàu có, đa tài như Long mà yêu tôi, lấy tôi làm vợ ư? Điều đó sẽ mãi mãi chỉ là giấc mơ tôi cần phải chôn vùi đi, khóc mãi một hồi, nghĩ ngợi một hồi tôi cảm giác như mình đã vỡ lẽ. Cầm điện thoại lên thấy tin nhắn và cuộc gọi nhỡ của Long tôi không cần xem mà xóa hết đi ngay, tôi xóa và chặn hết mọi địa chỉ liên lạc, mọi thông tin về anh. Không là người yêu tôi cũng không muốn làm bạn với anh nữa, người ta sẽ nghĩ gì khi thấy một cô gái bình thường như tôi suốt ngày kè kè đi bên Long, quả là một bức tranh bên sáng bên tối. Gạt bỏ anh ra khỏi cuộc sống của mình cũng vì một phần tôi thấy tự ái, tôi có cảm giác anh luôn coi tôi như một cái gì đó lạ lẫm. Tôi không thích cái kiểu anh nói về tôi như là cô ấy là người ở miền này, miền nọ đấy, biết thôi miên đấy…. Dù là anh nói đùa cho vui nhưng tôi chỉ đáng để anh đem ra làm vui cho mấy người bạn hiếu kỳ của anh thôi sao.
Cả đêm đó tôi không ngủ được, sáng dậy tôi thấy mắt mình sưng húp híp. Vợ chồng anh Bàn không hề biết gì về những chuyện này, dù chuyện của tôi và Long đã kéo dài được một năm. Cũng vì tôi khá kín tiếng, sợ anh Bàn nói lên nói xuống với mẹ tôi nên chẳng bao giờ tôi để lộ chuyện. Mà gần đây sau hai năm tất bận kiếm tiền cuối cùng anh chị cũng đã quyết đinh sinh con, hai vợ chồng mải lo cho gia đình bé nhỏ của mình nên cũng chẳng để ý đến tôi nữa. Thời gian ấy vợ chồng anh chị lại càng chăm chỉ sang ở bên nhà ngoại hơn nên hầu như ngày nào tôi cũng ở nhà một mình. Tôi lại càng thấy thêm cô đơn và đau khổ, đang nằm khóc thút thít tiếp ở nhà trong nhà thì có tiếng gọi cửa. Tôi giật mình với cái gương soi lại mặt mũi, tôi không nghĩ đến ai khác ngoài Long đang đứng ngoài cửa kia. Có thể vì quá sốt ruột do không liên lạc được cho tôi suốt từ hôm qua đến giờ nên anh đến tìm tôi chăng? Tôi thấy tìm mình đập thình thịch, tôi run run ra mở cửa, Hà đang ôm cái máy tính xách tay đứng đó tôi bỗng thấy thất vọng vô cùng. Lúc đó mới chợt nhớ ra là Long đâu có biết tôi ở đâu mà tìm chứ.
VII
Hà lê đôi dép to tướng lẹt xẹt đi vào nhà, nó mặc bộ quần áo ngủ rộng thùng thình, chiếc kính cận dày cộp của nó trễ xuống như mắc vào sống mũi. Vừa đi nó vừa lải nhải về cái máy tính suốt ngày bị hỏng hóc của nó rồi về chuyện nhà cửa trường lớp của nó. Nghe mà mệt mỏi quá đi. Hà bằng tuổi tôi học sư phạm Văn, tính tình rất lãng mạn và mộng mơ, lắm chuyện và suốt ngày hay lải nhải đủ thứ. Nó thuê nhà ngay sát cạnh nhà anh Bàn tôi nên chúng tôi trở thành hàng xóm tốt của nhau. Tôi vẫn hay gọi nó là cô gái châu phi vì cái làn da đen đen và mái tóc xoăn tít của nó. Suốt ngày nó sang làm phiền tôi đủ thứ, từ chuyện cái máy tính không vào mạng được đến chuyện thằng người yêu nó hay lăng nhăng bắt tôi thử lòng hộ xem sao. Tôi chưa có dịp nào làm phiền lại nó. Nhìn đôi mắt tôi sưng húp híp, tôi liền hỏi ra chiều rất quan tâm tôi.
“Mày bị sao vậy, anh Bàn và chị Thu nói gì mày à?”
Tôi lắc đầu, không hiểu sao lúc đó nước mắt tôi lại chực trào. Hà hốt hoảng.
“Mày bị đau ở đâu à?”
Tôi lại lắc đầu.
“Kết quả học tập kì vừa rồi không được loại giỏi à? Mày vẫn được làm khóa luận đúng không?”
Tôi tiếp tục lắc đầu, khóc nấc lên thành tiếng. Nó ôm tôi vào lòng và bảo.
“Thôi nín đi, tao hiểu rồi mày có chuyện với người yêu à?”. Nó nói không đúng lắm nhưng nó đã hiểu tôi.
Hôm đó tôi kể hết với Hà mọi chuyện của tôi, trong đau khổ và cô đơn ấy nó chính là người hiểu tôi nhất. Nó ở bên tôi, an ủi tôi, ủng hộ quyết định của tôi. Hà gợi ý tôi nên đi đâu đó chơi bời một chuyến cho thỏa để quên đi hết mọi buồn phiền. Tôi cũng rất muốn rời khỏi cái thành phố ồn ào này đi ngay lập tức, tôi muốn đến nơi nào đó bình yên để suy đầu óc được thư giãn một chút. Nơi mà tôi nghĩ đến đầu tiên là Mường Phai nhưng tính cho kĩ thì đó không phải là nơi tôi có thể về trong lúc này. Tôi yêu Mường Phai quê hương tôi, lúc nào đi xa tôi cũng nhớ về nó. Những cánh rừng xanh, những đồi ngô, đồi sắn nối dài tít tắp, xanh mướt. Những dòng suối mát rượi chảy từ trong khe đá, những thác nước nhỏ tuôn dội từ trên núi xuống… là nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, nơi mang cho tôi bao kỉ niệm đẹp thời thơ ấu. Nhưng tôi có cảm giác như đã từ rất lâu tôi không còn là đứa con của núi rừng nữa, nơi ấy tuy gần mà xa. Từ hồi còn bé tôi luôn có những ước mơ khác nhiều đứa bạn cùng tráng lứa, nên chúng luôn coi tôi là xa lạ với bọn nó. Mười hai, mười ba tuổi lũ bạn gái trong bản đã biết làm những chiếc khăn thổ cẩm rất đẹp, chất đầy trong cái hòm nhỏ xinh của mình thì tôi vẫn thêu mãi không xong một chiếc khăn. Tôi vốn không khéo tay với lại không hiểu vì sao tôi không thích làm mấy việc đó, một ngày của tôi đi học về, rồi lại đi nương hoặc đi rừng lấy củi, chăn bò khi về đến nhà là đã đủ mệt rồi. Về nhà tôi chỉ muốn làm cho xong bài tập, học bài cho mau thuộc rồi đi ngủ để sáng hôm sau còn đến trường sớm. Nhưng bọn bạn ấy lại chẳng cần đến trường đến lớp đầy đủ, đúng giờ lúc đi chăn bò, chăn trâu chỉ tranh thủ thêu khăn chứ không tranh thủ học bài như tôi. Tôi thích đi học hơn, tôi không bao giờ nghỉ một buổi học nào dù trời có mưa gió đến thế nào, hồi bé tôi mơ ước làm cô giáo, sau này tôi muốn làm thủy thủ - một ước mơ không dành cho con gái. Rồi tôi quyết tâm trở thành nhà báo nhưng cuối cùng lại học ngoại ngữ, tôi học tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Chưa bao giờ tôi quên tiếng mẹ đẻ nhưng không hiểu sao mỗi lần về Mường Phai nhiều người vẫn thường hay trêu tôi, hỏi tôi có còn hiểu người Mường Phai đang nói gì không? Có lẽ là vì thấy tôi suốt ngày điện thoại khi thì tiếng Anh, khi thì tiếng Việt nên mọi người bảo thế chăng? Hay tại vì thấy tôi học nhiều ngoại ngữ quá, lại ít khi nói chuyện với họ nên họ nghĩ thế tôi cũng chẳng biết nữa. Bạn bè cùng trang lứa thì đi lấy chồng hết, về nhà tôi hầu như chẳng có bạn. Cứ ra đường là phải chào hỏi mọi người, nếu thấy họ hàng đang làm rẫy tận bên kia ngọn đồi cũng phải cất tiếng gọi thì mới ra người giỏi giang. Tai tôi nghe kém nên tôi rất ngại khoản chào hỏi kiểu ấy, nhưng không làm sai tránh được. Người ta chào mình mà mình không nghe thấy để mà đáp lại thì người ta sẽ nghĩ ngay là mình kiêu ngạo, khinh người, người già Mường Phai sẽ bảo bố mẹ nhà đấy không biết dạy bảo con cái… Nhiều lúc tôi thấy mình lạc lõng ngay giữa chính quê hương mình, tôi hiểu họ, tôi yêu họ tất cả nhưng phong tục và những vẻ đẹp của quê hương nhưng tôi không thể nào hòa nhập được với họ, tôi thấy tôi xa rời họ. Chính người dân trong bản cũng coi tôi như một người khách lạ về thăm quê hương họ thôi vậy, cũng có thể là như vậy thật nhiều năm gần đây tôi ít khi về nhà, lần nào về cũng chỉ ở nhà đến gần hai tuần là nhiều. Tôi chẳng muốn ở lâu mà cũng không thể ở lâu được, còn công việc, còn chuyện học hành nữa chứ. Mỗi lần nói chuyện với mọi người trong bản tôi chỉ biết đợi họ hỏi gì nói nấy mà không thể xen vào giữa câu chuyện của họ, không thể bốc đồng, nói phét như họ vì họ đang nói về những đề tài tôi chẳng biết gì cả. Tôi cảm thấy khó khăn khi mở đầu câu chuyện cùng với họ. Nói về chuyện học hành của tôi ư? Họ chẳng biết gì cả, nói về thành phố ư? Hình như họ cũng chẳng quan tâm, nói đến chuyện nương rẫy, mùa màng, tập tục ư ? họ đã nói đến những điều đó nhiều rồi, ngày nào cũng nói rồi, tôi nên kể một chuyện gì khác. Tôi không biết kể chuyện gì nữa, kể những chuyện của tôi thì làm tôi càng xa cách họ, kể chuyện của họ thì làm họ xa cách tôi. Tôi biết nhiều thứ tiếng, biết nhiều nền văn hóa nhưng lại không thẻ hòa hợp được với nền văn hóa đã sản sinh ra tôi, đó là điều làm tôi đau khổ nhất. Tôi suốt ngày ca ngợi quê hương, bản làng mình với người khác nhưng tôi nhận ra lúc ấy tôi chỉ như một nhà thám hiểm kể lại cuộc hành trình của mình, như một nhà khoa học nói về công trình nghiên cứu của mình thôi vậy. Tôi không muốn bố mẹ suy nghĩ nhiều nên không dám nói ra những điều này mà có nói ra thì bố mẹ tôi cũng chẳng giải quyết được. Nghĩ đến những điều đó nên về nhà tôi cũng chẳng cảm thấy thoải mái gì.
Tôi bảo với cái Hà là không biết đi đâu cả, nghĩ ngợi một lúc nó liền rủ tôi về nhà nó chơi, nhà nó ở miền trung xa tít, nhà gần biển lắm. Vốn từ lâu luôn mơ ước được ra biển tôi liền giật đầu đồng ý ngay nhưng lúc sau nghĩ đến chuyện tài chính tôi lại thở dài não nề. Tôi chỉ còn có một ít tiền may ra đủ tiền tàu xe đi lại, tôi ngại hỏi anh Bàn vì sẽ lại phải chuẩn bị mấy trang giấy dài trình bày lí do cần tiền. Hà bảo tôi không cần phải lo chuyện tiền nong, chỉ cần có tiền xe đi về nhà nó là được mấy hôm nữa nó cũng về quê nên tôi sẽ về cùng nó. Ở nhà nó nên không phải tốn kém khoản gì cả, nó bảo sẽ đưa tôi ra biển ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển đẹp lắm và sẽ nấu cả những món hải sản ngon tuyệt cho tôi ăn nữa. Nghe sao mà thích thế, bỗng chốc tôi như đã quên đi chuyện buồn hôm qua, thôi nghĩ đến Long và tôi chỉ muốn về nhà cái Hà ngay, không thể đợi đến mấy hôm sau được. Thấy tôi hào hứng quá lại thêm vào đó là cuộc điện thoại của Long làm tôi lại thấy buồn phiền trở lại, Hà liền đồng ý với tôi là hôm sau về nhà nó luôn. Long lấy số điện thoại khác gọi cho tôi, khi nghe tôi nhấc máy alo thì anh lịch sự hỏi.
“Alo, xin lỗi đây có phải là số máy của Hoàng Mây không?”
Tôi nhận ra giọng nói của anh ngay nhưng tôi không muốn nói chuyện với anh nên giả vờ giọng nói khác bảo tôi là chị dâu nói với Long rằng Hoàng Mây đã đi du lịch rồi để quên điện thoại ở nhà rồi cúp máy. Tôi thấy mình dại quá đáng lẽ ra số lạ tôi không nên nghe mới phải. Ngày hôm đó tôi cùng Hà đi ra ga tàu đặt vé, rồi gói ghém đồ đạc chuẩn bị hôm sau đi sớm. Tôi gọi điện bảo anh Bàn là tôi có chuyến đi thực tế ở Hạ Long, lớp lên kế hoạch từ tuần trước rồi nhưng vì bận quá nên chưa nói với anh. Anh Bàn không thấy tôi xin tiền nên cũng chẳng bảo gì, chỉ bảo tôi nên cố gắng về sớm đê mấy nữa để còn vào viện hộ chăm sóc chị Thu sinh em bé. Chuyến đi du lịch đầu tiên của tôi đến một vùng đất mà tôi mơ ước không ngờ lại diễn ra vào đúng lúc này. Tôi đang tất bận làm khóa luận tốt nghiệp nhưng chuyện của Long làm tôi chẳng còn hơi đâu mà nghĩ ra cái gì nữa. Hy vọng rằng sau chuyến đi này trở về tôi sẽ có sự hứng khởi để làm việc tốt hơn, sẽ quên hẳn Long - mối tình đầu cay đắng của tôi. Tôi yêu anh âm thầm và giờ tình yêu ấy không còn hy vọng gì nữa.
Tôi tự hỏi không biết Long tìm tôi có việc gì nhỉ, có lẽ là anh định trách tôi về việc đêm qua khi từ nhà anh về đã không chào anh chăng? Mà phải rồi tôi cũng quên không tặng quà sinh nhật cho anh, nghĩ đến sinh nhật anh tôi lại chỉ mãi nghĩ đến việc làm thế nào để gây ấn tượng với gia đình anh thôi chứ không nhớ ra anh mới là nhân vật chính. Tôi tự trách mình nhưng nghĩ đã quyết tâm để Long biến mất khỏi cuộc đời mình rồi, tôi không có cớ gì để gọi lại cho anh nữa. Để thôi nghĩ về anh tôi lao vào những công việc nhà cửa bận rộn, tôi dọn dẹp lại nhà cửa trước khi đi xa nhưng căn nhà nhỏ bé của vợ chồng anh Bàn cũng chẳng có gì lắm mà dọn dẹp. nó luôn sạch sẽ và gọn gàng vì ngày nào tôi cũng phải lau dọn rồi, tôi lại quay trở lại bên cái vali đựng đầy đổ cho chuyến đi ngày mai, tôi lôi hết mọi thứ ra kiểm xem có thiếu cái gì không rồi lại cất gọn vào. Tôi làm đi làm lại như thế đến suốt đêm mà vẫn không thể thôi nghĩ về Long. Định mở cái máy tính lên, lướt web để đốt cháy thời gian nhưng khi nhìn vào cái máy tính nó chỉ càng gợi nhắc tôi nhớ về Long cồn cào, da diết hơn mà thôi. Tôi cố nằm ngủ nhưng không sao chợp mắt được, tôi khóc, nước mắt ướt đầm cả một mảng gối. Lại có tiếng gọi cửa, lúc ấy là bốn giờ sáng cô gái châu phi đã đến giục tôi chuẩn bị đi ra ga tàu, tàu sẽ chạy lúc năm giờ sáng. Vậy là suốt cả một ngày đêm tôi chưa ngủ được một phút nào cả.
Chúng tôi thuê một chiếc xe taxi ra ga tàu, cả hai đứa đều có tính lề mề nên suýt nữa chúng tôi bị muộn, nhỡ tàu thì coi như hỏng cả. Lên tàu xong, ngồi vào chỗ chưa đầy năm phút thì Hà đã gục vào vai tôi ngáy khò khò. Tôi thì chẳng ngủ được tí gì, Đoàn tàu rời ga Hà Nội theo đúng lịch trình đưa tôi về đến một vùng đất mới, cái thành phố ồn ào náo nhiệt xa dần. Đến hơn sáu giờ thì trời sáng hẳn, Hà tỉnh ngủ mọi người trên tàu bắt đầu ăn sáng, mùi xôi, mùi bánh mì thịt xông vào mũi làm tôi thấy đói cồn cào chợt nhớ ra từ hôm qua đến giờ chưa ăn gì cả. Lần đầu tiên vì buồn phiền mà tôi bỏ cả ăn uống, chắc nhiều cô gái cũng bỏ ăn vì Long rồi tôi chẳng bao giờ muốn mình là một trong số đó nên tự cố an ủi mình rằng tại hôm qua bận quá đó thôi. Hà đã chuẩn bị rất nhiều đồ ăn cho chuyến đi này, chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện trên tàu mọi người cũng khá thân thiện. Hai vợ chồng người Thanh Hóa ngồi đối diện còn mời chúng tôi ăn chuối và táo mèo mà hai vợ chồng mang theo từ Yên Bái. Họ vừa đi dự đám cưới họ hàng về đi suốt từ rạng sáng rồi, hai vợ chồng nhìn cũng đã có tuổi mà trông rất tình cảm. Ngồi lâu quá thấy nhức mỏi thì họ thay phiên đấm bóp cho nhau, rồi nói với nhau về chuyện đường xá, xe cộ, ruộng vườn, nhà cửa, con cái… qua cách mà họ nói chuyện tôi thấy đây là một cặp vợ chồng hạnh phúc. Tôi thấy ghen tị với họ, vì thực ra tôi cũng chỉ cần có một hạnh phúc bình dị như thế mà thôi.
Đến ga Thanh Hóa hai vợ chồng tạm biệt chúng tôi xuống tàu, lúc này cơn buồn ngủ ập mới ập đến, Hà bảo tôi tựa vào vai nó mà ngủ. Tôi ngủ và lại mơ thấy Long, đến nhà Hà là tôi chạy ra biển ngay chiều hoàng hôn trên biển đẹp đến mê hồn. Đi dọc bờ biền tôi bắt được một bó hoa hồng nhung đỏ thắm còn tươi nguyên, nó quá đẹp tôi không thể không nhặt nó lên. Biển đang vắng người nhưng tôi chợt nghe thấy một giọng nói ấm áp, thân quen vang lên từ phía sau lưng mình.
“Em có thích không? Anh dành tặng cho em đấy?”
Không hiểu sao Long lại có thể tìm ra tôi ở đây, có lẽ nào anh đã đi cùng tôi, anh đã theo dõi tôi ư? Gặp lại anh tôi vừa vui sướng nhưng không hiểu sao niềm vui ấy bỗng mong manh vụt biến. Tôi quay mặt đi nhìn về phía biển thủy triều đang dâng lên khi quay sang nhìn anh thì anh đã biến mất. Tôi giật mình tỉnh giấc vì tiếng còi tàu inh ỏi, đoàn tàu đã đến ga tiếp theo. Những hình ảnh vừa rồi chỉ là một giấc mơ, giờ nó đã vụt tan rồi. Tôi thấy thất vọng não nề giấc mơ ấy như một dấu hiệu báo trước, nó như làm Long càng thêm xa rời tôi mà thôi.
VIII
Hà bảo muốn đi vệ sinh, nó đưa tôi một chai nước mát bảo tôi uổng cho tỉnh người để còn biết đường mà trông coi đồ đạc trong lúc nó vào nhà vệ sinh. Từ lúc tỉnh dậy tôi đã có cảm giác có ai đó đang nhìn mình chằm chằm, nhất định là người ngồi đối diện nhưng tôi luôn làm như không để ý, không hề quay mặt nhìn thẳng về phía trước xem là ai. Hình như đôi mắt ấy từng phút một lại càng xoáy sâu vào tôi hơn, tôi bực bõ đánh mắt về phía đối diện, một nụ cười tươi rói chào tôi. Nụ cười với cái răng khểnh nhìn rất quen nhưng tôi thật sự chưa nhận ra đó là ai. Thấy khuôn mặt sững sờ mà lơ ngơ của tôi người đó liền lên tiếng.
“Chào em, lâu quá rồi không gặp đừng nói là em quên anh rồi đó nhé!”
Tôi mỉm cười chào lại và cố nhớ xem đây là ai, chàng trai vừa nói với tôi có một cái giọng khàn khàn lạ, tôi đã từng gặp người này ở đâu rồi hình như là từ hồi năm nhất đại học. Tôi không chắc chắn lắm nhưng vẫn cố đoán mò.
“Ôi, anh Huy đấy phải không ạ, lâu lắm rồi em chẳng nhận ra trông anh khác quá đi.”
“Lâu gì chứ, ừ mà cũng hơn hai năm rồi ấy chứ, em sắp ra trường chưa?”
“Dạ em đang chuẩn bị làm khóa luận tốt nghiệp thôi ạ. Bất ngờ quá không nghĩ là sẽ được gặp lại anh”.
Huy cười và nói như nửa thật, nửa đùa. Chính xác là anh ta, tôi đã không nhận lầm người.
“Nghe em nói mà anh cứ nghĩ em mong gặp lại anh thật ý”.
Tôi cũng cười gượng bảo.
“Trông anh khác với ngày xưa quá, hình như bây giờ anh mới… lớn thêm thì phải, anh cao hơn phải không?
“Ừ em cũng xinh đẹp ra nhiều đấy”.
Trong lúc Hà đi vệ sinh chưa trở lại chúng tôi đã nói được chừng ấy chuyện, thật là quá bất ngờ tôi vẫn chưa tin đó là Huy. Anh ta trông cao lớn và đẹp trai hơn trước rất nhiều, y hệt như vừa đi phẫu thuật thẩm mỹ về vậy. Nhìn nước da sáng ngời, trắng trẻo của anh ta tôi nghi ngờ là anh ta vừa đi tắm trắng về, chắc lại còn kéo giò nữa nên mới cao được vậy chứ. Ngày trước trông anh ta nhỏ thó mà, chỉ tầm hơn mét sáu giờ chắc cũng lên khoảng hơn mét bảy, người mập mạp hơn, trông sáng sủa ra bao nhiêu. Mà phong cách ăn mặc giờ cũng khác, không sơ mi đóng thùng như ngày xưa nữa, hôm đó trên tàu anh ta mặc áo phông với quần Jean bạc màu, đeo khuyên tai một bên, trên cánh tay trái lại có săm vài dòng chữ Thái cổ trông rất bắt mắt. Nhìn anh ta “tươi mới” quá chừng. Cái Hà bước vào, tôi giới thiệu nó với Huy, anh này mỉm cười tươi rói chào nó như bạn thân lâu năm không gặp vậy. Hà nhìn anh ta với một cái ánh nhìn mê say, quên mất luôn thằng người yêu ở Hà Nội đang giận dỗi vì nó bỏ về quê đột ngột quá. Chả biết đây có phải là cái duyên số không nữa nhưng Huy và tôi đang cùng đến một địa điểm, anh ta cũng đang đi du lịch, điểm dừng chân cuối cùng là Lý Sơn. Tôi cũng đến nhà Hà ở đó, Huy cũng đến thăm nhà một người bạn. Trên tàu chúng tôi tiếp tục câu chuyện, tôi hỏi.
“Sao hai năm qua ở cùng một thành phố mà không lần nào em gặp lại anh Huy nhỉ? Chẳng biết anh hay đi những đâu nữa”.
“Ồ em không gặp anh là phải thôi, sau khi chia tay một thời gian anh đi Hàn Quốc mà”.
Cái Hà quay sang nhìn tôi, nó trố to đôi mắt trắng dã tỏ vẻ ngạc nhiên, Huy dùng từ “chia tay” làm tôi cũng phát ngượng, nào tôi và anh ta đã yêu đương gì đâu chứ. Anh ta nói đi Hàn Quốc điều này làm tôi suýt bật cười, hình như phỏng đoán của mình là đúng thì phải.
“Anh sang Hàn Quốc á? Không phải là anh đi phẫu thuật thẩm mỹ đấy chứ?”
“Đâu anh đi học mà, trường anh có chương trình trao đổi sinh viên với một trường bên đấy và anh được đi thôi, sang bên đấy tập tạ nhiều khí hậu lại mát mẻ nên bỗng dưng anh cũng lớn phổng lên và thay đổi đôi chút, mọi người ai cũng cứ bảo anh đi phẫu thuật thẩm mỹ hết cả. Đâu phải đâu, anh làm gì thừa tiền cho mấy vụ đấy chứ!”
Hà cũng hào hứng xen vào giữa câu chuyện, nó hỏi anh ta vô khối thứ về nước Hàn, về miền quê anh ở biển Sầm Sơn và so sánh nó với đảo Lý Sơn của nó. Huy vẫn giữ cái khiếu hài hước, dễ mến như ngày nào điều này làm Hà thích thú đến độ chỉ sau mấy chục phút nói chuyện nó đã mời và năn nỉ anh ta về nhà nó chơi mấy hôm. Con tàu dường như càng lúc càng đi nhanh hơn, những vùng đất mới hiện lên hút mắt tôi về phía ngoài cửa số. Qua chuyến đi này tôi mới biết đất nước Việt Nam mình đẹp thật và dài nữa, bỗng thấy lòng yêu nước hơn. Hình ảnh về Mường Phai yêu dấu lại hiện lên, cứ mỗi lần đi xa tôi lại nhớ nơi ấy nhiều hơn. Chẳng bao lâu nữa là tôi tốt nghiệp đại học nhưng có lẽ tôi sẽ không về quê, tôi không biết tôi sẽ làm gì ở Mường Phai nữa. Tôi cũng chẳng muốn ở lại Hà Nội, tôi muốn đi du học tôi muốn sang Pháp hoặc Mỹ, hoặc Tây Ban Nha… tôi muốn đi nhiều lắm nhưng ước mơ ấy sao mà xa vời quá. Tôi chờ đợi một suất học phổng toàn phần vì bố mẹ tôi không thể chu cấp cho tôi đi du học được nhưng có lẽ tôi đang chờ đợi trong vô vọng. Những hồ sơ mà tôi gửi đi cho các trường ở bên mấy nước ấy vẫn đang bặt vô âm tín, có lẽ nào họ đã từ chối tôi trong im lặng. Lúc này đây tôi chỉ muốn được đi du học, tôi nghĩ chỉ như vậy sau khi trở về tôi mới có thể ngẩng cao đầu trước mọi người kể cả Long và gia đình của anh.
Suốt một ngày trời ngồi ê cả người cuối cùng chúng tôi cũng dã đến nơi, xuống ga tàu chúng tôi và Huy tạm chia tay nhau, anh ta được một người bạn đánh hẳn cái ô tô con ra đón. Còn chúng tôi cũng được bố Hà và em trai nó ra đón tận ga bằng xe máy. Chúng tôi còn phải đi một chặng đường dài nữa mới đến nhà Hà, chỉ trong một ngày mà tôi đã được đi hết từ đường sắt đến đường bộ và đường thủy kể cũng thú vị. Người miền trung có thứ giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng kì lạ rất cuốn hút tôi mặc dù nhiều từ tôi chẳng nghe được. Bố mẹ Hà làm kinh doanh buôn bán thủy hải sản, nhà Hà không phải dân gốc miền trung mà là từ Bắc di cư vào đây làm ăn, mẹ Hà vào đây từ bé nên có chất giọng như người miền trung chính gốc vậy. Cô chú ấy đều rất thoải mái thấy tôi là khách từ xa đến nên họ đón tiếp tôi rất đôn hậu. Ngay tối hôm đó tôi đã đòi Hà cho đi ra biển, biển đêm tối om nhưng rất tuyệt vời. Tôi hò hét với tiếng sóng, mọi khổ đau như dần tan biến mau. Khi trở về tôi và Long sẽ là những con người xa lạ, tôi sẽ quên anh. Lúc trở về nhà Hà hỏi tôi.
“Mày vui không, được thỏa lòng mong ước rồi nhé! Biển chỗ tao đẹp không?”
“Đẹp, nước biển mặn như nước mắt ấy!”- tôi bảo.
Sáng sớm hôm sau Hà lại đưa tôi ra biển ngắm bình minh, bố mẹ nó tất bận chuyện buôn bán nên đi vắng luôn, chỉ có tôi với nó ở nhà nên cũng thoải mái và tự do. Lần đầu tiên ngắm bình minh trên biển tôi thấy sao mà sung sướng và hạnh phúc quá, biển và mặt trời đẹp lạ kì. Lúc ấy tôi vẫn không thôi nghĩ về Long, ước gì anh có ở bên tôi lúc này, tôi luôn mơ ước điều tươi đẹp sẽ đến nhưng chắc chẳng bao giờ nó xảy ra nữa cả. Tôi đã im lặng ra đi, tôi ghét anh vì anh làm bạn với tôi bởi vì sự hiếu kì nhưng tôi không thể nào thôi nhung nhớ anh. Phía xa xa cũng có vài người đang đi ngắm bình mình trên biển, tôi cùng Hà đi dạo dọc bờ biển trước khi về nhà. Có hai người đàn ông đi về phía chúng tôi, giấc mơ trên chuyến tàu hôm qua vẫn còn phảng phất trong đầu, tôi thầm mong bóng dáng người đàn ông phía xa xa kia, người đang tiến về tôi là Long. Hai người đàn ông đó đến gần, hình như một trong hai người kia biết tôi, đó không phải là Long mà là Huy. Anh ta mặc một cái quần sooc, áo phông, đi dép tông, đội mũ rơm, đeo trên cổ một cái máy ảnh nhỏ trông rất nghệ sĩ và lãng tử. Cùng đi với Huy là bạn của anh ta, tuy là dân miền biển mà anh chàng kia cũng trắng trẻo lạ thường. Huy cùng tôi đi dạo dọc bờ biển còn cái Hà thì cũng đi với bạn của anh ta dao loanh quanh. Tôi và Huy nói đủ thứ chuyện, lần này gặp lại tôi cũng thấy không còn ghét anh ta nữa vì căn bản là anh ta đã khác hẳn.
“Em đã có người yêu chưa?” – Huy hỏi bất ngờ.
“Suýt, nhưng giờ thì hết rồi!”
“Tại em lại kén chọn quá chứ gì?”
“Không, tại người ta không chọn em”.
“Ngày xưa bị em từ chối anh cũng rất buồn, nhưng anh cảm ơn em vì em mà anh đã thay đổi như thế này”.
Tôi ngạc nhiên đến sững sờ nhìn Huy, vì tôi mà anh ta đa thay đổi như vậy ư? Đẹp hơn, tài năng hơn, thành công hơn. Tôi đang chạy trốn một tình yêu, có thể vì tình yêu ấy tôi sẽ suy sụp. Tôi nhìn Huy mà ngưỡng mộ anh ta quá đi vì tôi mà anh ta đã thay đổi như thế thật sao,ước gì tôi cũng có được sức mạnh như thế nhỉ.
“Sao em lại không yêu người đó nữa?” – Huy hỏi sau vài phút im lặng.
“Không phải em không yêu nữa mà em không thể yêu được nữa”.
“Vì sao?”
“Vì người ấy là sóng còn em là Mây, chúng em không phù hợp”.
Huy thở dài đẫy não nề.
“Anh nhớ khi em từ chối anh, em đã từng chúc cho anh sẽ sớm tìm được một tình yêu xứng đáng”.
“Vậy anh đã tìm được chưa?”
“Anh đang cố tìm kiếm đây! thế còn em có định đi tìm tiếp không?”
“Em nghĩ là em sẽ không mỏi mệt đi tìm đâu, cái gì đến rồi sẽ đến”.
Huy quay sang nhìn tôi mỉm cười, cả hai chúng tôi đi bên nhau im lặng một lúc lâu rồi đột nhiên Huy nhìn về phía những con sóng và cười đùa bảo tôi.
“Nó đã đến rồi đấy!”
Tôi chưa kịp hiểu anh ta đang nói gì thì Huy tiếp tục.
“Gặp lại em là duyên số!”
Tôi quay mặt đi, hẳn là tôi đã có những lựa chọn sai lầm, tôi đã nghĩ đến những điều to tát quá, tôi luôn mộng mơ về những thứ quá xa vời với mình chăng? Đôi lúc ta mải chạy theo cái gì đó vô định, xa vời mà tự rơi vào giữa những khoảng lặng cô đơn, thấy mình lạc lõng thậm chí bất hạnh và đau khổ. Đôi lúc ta nghĩ ta xấu xí, ta bất tài nên không ai yêu ta mà không biết rằng tình yêu ngay bên cạnh ta, ta mải đi trên con đường của riêng mình mà không quay đầu lại để biết rằng có người ở phía sau lưng luôn chờ đợi mình. Tôi là một đứa con gái vô tâm, nóng nảy, cũng mộng mơ và luôn chờ đợi những giấc mơ ngọt ngào. Tôi đau khổ vì những giấc mơ tan vỡ nhưng khi ra đến biển, sóng biển đã làm tôi lòng dịu lại và tôi đã nhận ra ở một phương trời khác có những giấc mơ khác đang chờ đợi tôi.
Tiểu thuyết của Hoa Thược Dược
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top