17/8: Tân lang


"Anh nợ em một tân hôn đàng hoàng, một đám cưới cho ra đám cưới, chứ không phải một đám cưới ma..."

------------------------------

Tôi có phải là một kẻ mê tín dị đoan hay không? Xin thưa: tất nhiên không, nhưng những kẻ sùng đạo và mê tín thái quá thì không ở đâu là không có cả.


Hàn Trạch, "Trạch" trong từ "nhập trạch", tức nghĩa "lên nhà mới". Lí do hắn mang cái tên này là vì hắn sinh vào đúng ngày gia đình nhập trạch, nhưng vì "mua" nhầm thầy pháp dỏm nên dây phải ngày Tam Nương 13/7 âm lịch, xấu ngày nên ông hắn lấy tên hắn làm bùa trấn, đề phòng biến cố. Nhưng "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", bùa "trấn trạch" lại chỉ linh ứng với mình hắn, cứu hắn thoát chết, còn cả nhà hắn thì toàn bộ chết dưới tay người cha nghiện rượu nặng. Hắn về sống với ông ngoại-một người "tín" toàn những điều quái gở, ví dụ như không được đi vệ sinh lúc nửa đêm(!)


Kế vách nhà hắn là gia đình họ Vu toàn những người ngây thơ tin ở "số trời định", có một cậu con trai duy nhất sinh ngày giờ Ngũ hành khuyết Thủy, tên ban đầu là Vu Sinh, nguyên là vì y có một người anh trai sinh đôi đẻ ra thai lưu, chết yểu, sợ khó nuôi nên lập đàn khấn rồi đổi tên thành Vu Thủy. Sau khi "anh đỏ" của y mất được 3 năm thì nhà mang "trùng tang", lần lượt kéo theo ông nội, bác, chú, cha ruột của y xuống lỗ. Mẹ y chạy khắp nơi xoay thầy pháp về cúng tế giải trùng nhưng mấy lần đều không thành.


Dở hơi ở chỗ, hai con người từ hai gia đình cổ hủ mê tín đó lại yêu nhau sâu đậm...


Vu Thủy rất yêu Hàn Trạch, có lẽ ước mơ cả đời này của y cũng chỉ có là được gả cho Hàn Trạch. Nhưng y thừa biết, trong cái gia đình như thế, tuyệt đối sẽ không có chuyện đồng ý một người mang "vận sát" bước chân vào cửa, huống hồ là chấp nhận chuyện đứa trẻ duy nhất còn lại để nối dõi tông đường lại là một "thằng đồng tính bệnh hoạn". Vu Thủy còn chưa học hết cấp 3, chuyện yêu đương lại càng bị cấm, vì mẹ y bốc được xăm nói rằng: "Nếu quý tử yêu trước 20 tuổi sẽ chết sớm, hồn hóa ngạ quỷ, kéo cả nhà chết theo."


Nhưng ai chả hiểu, chuyện yêu đương là chuyện có thể "cấm" nhưng không thể "cản", đó đã thành lẽ hiển nhiên rồi. Vu Thủy và Hàn Trạch vẫn lén lút bên nhau được hơn 3 năm, tình cảm vô cùng tốt. Vu Thủy còn luôn miệng nói với Hàn Trạch: "Anh ơi, anh ơi, sau này em lớn anh cưới em nhé? Cưới em, có được không?"


Những lúc như thế Hàn Trạch chỉ biết cười trừ. Hắn cũng muốn điều đó, đương nhiên, cả hai sẽ tổ chức đám cưới kiểu truyền thống, Vu Thủy của hắn sẽ mặc hỉ phục tân nương, trùm khăn voan đỏ. Hắn chưa từng nhìn thấy Vu Thủy mặc váy, nhưng hắn dám chắc sẽ rất đẹp...Có điều, làm gì có chuyện đó...


Làm gì có chuyện hai gia đình bị đủ các thể loại bùa ngải làm cho điên đảo này chấp nhận chuyện hai thằng đàn ông, lại còn là hai dòng huyết mạch cuối cùng còn sót lại để duy trì dòng tộc yêu nhau...

Kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra, mẹ y vô tình phát hiện y và hắn yêu nhau.


Bà gần như phát điên, túm lấy Hàn Trạch chửi rủa, thậm chí còn hắt nước tiểu chó lên người hắn để "xả xui". Hàn Trạch không biết làm gì hơn ngoài việc quỳ xuống dưới chân bà, van bà cứ chửi cứ đánh, nhưng làm ơn đừng đem Vu Thủy của hắn ra để "trừ tà". Bà không nghe, một mực lôi Vu Thủy về nhà, ấn xuống ván dùng cây tầm gai đánh tới tấp, rồi rắc gạo, muối lên người y, còn mời cả thầy pháp về lập tràng cúng liền 3 ngày 3 đêm không cho ăn uống, rồi sau lấy xích xích lại. Cháu gái con nhà chị họ y thương cậu, nửa đêm lén xuống nhét vào tay hắn vài trăm tiền tiết kiệm, trộm chìa khóa mở xích cho y, lại còn đưa luôn khóa chiếc xe máy vẫn dùng để lên trung tâm huyện đi học cho y, bảo y trốn đi, việc ở nhà sẽ cố gắng lo liệu. Vu Thủy-người chưa từng sờ đến xe cộ-chính xác hơn là chưa từng được rời khỏi nhà quá bán kính 2km-không biết phải làm thế nào, được đứa cháu đẩy giúp xe ra tận đầu làng, luống cuống tra chìa vào ổ. Y không biết tiếp theo phải làm gì, chỉ biết y phải đi khỏi đây, đi ngay lập tức thì mới có cơ hội sống tiếp. Y còn phải kết hôn với Hàn Trạch mà, hắn cũng đã hứa rồi...


Y phải sống tiếp, vì Hàn Trạch...


Lúc đi ngang qua nhà Hàn Trạch, y dừng lại, tháo cái nhẫn bện bằng cỏ lau gói lại trong mảnh giấy gói bánh Hàn Trạch mang cho y, ghi vội được vài chữ: "Em rời làng rồi, sau này khi nào ổn định, em sẽ liên lạc với anh."


Nhưng khốn nạn thay, không phải lời hứa nào cũng có thể thực hiện được. Vu Thủy ban đầu định trốn ra ngoại tỉnh, nhưng đến nửa đường gặp bão lớn, bị gió hất xuống vực.


Mẹ y sau khi biết đứa con trai độc nhất bỏ trốn, đem hết tội đổ lên đầu Hàn Trạch, cho rằng là vì hắn làm huyết mạch họ Vu bị ô nhiễm, khiến con trai duy nhất của bà "bị" đồng tính. Đến chập tối hôm sau có lão người làng đi ngang qua vách vực nhận ra chiếc xe bị vướng vào cành cây, vội về báo lại. Nhà Vu Thủy gọi cả thợ đến thòng dây xuống để tìm vớt xác. Mẹ y khóc vật vã hơn một ngày trời, nói "ông trời không có mắt", lại nhẫn tâm đem đứa trẻ còn lại của gia đình này đi mất.


"Nghi thức" cuối cùng trước khi phát tang, lập bia vô cùng quen thuộc: Xem quẻ.


Thầy bói phán, quẻ động, quý tử chết là do người anh song sinh kéo theo, lại còn là tân nam, chưa động phòng, lại chết đúng sinh nhật tròn 18 tuổi, tuổi xấu, so với chuyện gái trinh chết thì cũng một chín một mười, đều là điềm gở, cho nên phải xem lúc còn sống từng qua lại với ai, hoặc phải "mãi thi", tổ chức minh hôn, phòng dưới âm ti lạnh sẽ kéo thêm người xuống.


Mẹ y tìm khắp nơi hỏi "mãi thi", nhưng không tìm được "cô gái" nào ưng ý. Lại có thầy phán: Nếu như trước lúc chết có người tình thì buộc phải để kết hôn cùng người đó, nếu không âm khí sẽ nặng gấp đôi, ảnh hưởng đến vía của gia chủ. Mẹ y tin ngay, mặc dù ghét cay ghét đắng Hàn Trạch, thậm chí thù hắn tận xương tủy, nhưng vẫn phải tuân theo lời "sấm" của các đấng.Sau khi lo đủ các lễ vật, các nghi thức nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tệ, thỉnh kỳ thì quyết định, lễ thân nghinh sẽ diễn ra ngày 15/7 âm lịch, dễ gọi vong về...

---------------

Hôn lễ được tổ chức đúng những gì Hàn Trạch và Vu Thủy từng nói với nhau. Vu Thủy được thay hỉ phục tân nương, trùm khăn voan nằm trong áo quan, cho thay bằng một con gà trống choai lông trắng. Chủ hôn là ông chủ nhà tang lễ, nhưng vì cả đời chưa từng làm lần nào nên run như cầy sấy. Gia đình không còn ai là đàn ông ôm gà trống cho đúng lệ, nên để đứa cháu gái-người duy nhất tiếp xúc với Vu Thủy trước khi chết đứng cạnh quan tài. Người nhà đến mừng toàn tiền giấy, hoa giấy, thả đầy trong quan của Vu Thủy, và một cỗ quan rỗng nữa. Một người chết thì cần quái gì đến hai áo quan, nhưng tất có lí do, hồi sau sẽ rõ.


Thay vì có nhạc mừng, thì thay bằng kèn trống đám ma, nhưng không có người tụng niệm tiễn vong.


Hàn Trạch đứng cạnh áo quan, nhìn chăm chăm vào cái xác tái xanh của Vu Thủy. Một nửa hộp sọ do va đập với vách đá lõm hẳn vào, xương chân trái gãy quặp ngược vào trong, có mấy vết sẹo nằm trên vùng cơ tay do bị phơi nắng co lại, lồi ra, trông như vết cắt tiết khi người ta thui lông con bò. Tay hắn mân mê cái nhẫn cỏ, thở dài một tiếng, rồi đeo lên ngón áp út của Vu Thủy. Vật về nguyên chủ, nhưng người thì không về với hắn...


Ông chủ hôn run run kéo tay hắn về lại chính đường, sắp xếp đâu vào đấy, để đứa cháu gái ôm con gà trống buộc hoa cưới đỏ ở cổ chân đứng bên trái, Hàn Trạch đứng bên phải, hắng giọng đến 3 lần mới cất được tiếng, xướng lên:


- Giờ lành đã điểm!!


"Quan viên" hai họ đâu đã vào đấy, ai cũng cười nói khen hai "chú rể" đẹp trai, xứng đôi. Mấy đứa trẻ con không đứa nào dám khóc, mặc dù phải trông vào áo quan nhìn thi hài co quắp của Vu Thủy. Làng xóm đến mừng quần áo giấy, hài giấy, còn có người mừng cả một bao giấy tiền, những cái này sẽ hạ thổ chung với áo quan của Vu Thủy. Ngoài ra còn có bình hoa, và một chậu than làm bằng giấy, trước khi vào làm lễ Hàn Trạch phải bước qua chậu than này, rồi mới được nhập đường.


- Nhất bái thiên địa!


Cả "lễ đường" xem lẫn nửa trắng nửa đỏ đồng loạt hướng về phía Hàn Trạch và đứa bé gái. Cả hai đồng loại bước lên một bước, đặt chân lên thảm trải sẵn(cũng hai màu trắng đỏ), Hàn Trạch quỳ xuống lạy bàn thờ thổ địa và gia tiên treo trước mặt một lạy, rồi lại đứng lên, vòng hai tay trước ngực đỡ tấm bia đề tên hắn. Chủ hôn tiếp tục xướng:


- Nhị bái cao đường!


Hàn Trạch quay sang mẹ Vu Thủy chắp tay lạy một lạy, rồi lại quay sang ông ngoại hắn lạy một lạy nữa. Lẽ ra theo tục lệ chỉ cần bái một bái, nhưng bái đầu tiên cúa hắn dành cho mẹ y là tạ lỗi, còn bái thứ hai là bái chung hai bên gia tiên hai họ.


- Phu thê đối bái!


Đến lúc này thì mẹ Vu Thủy không nén nổi nữa, khóc nấc lên. Hàn Trạch bái con gà trắng xong, họ Vu lập tức đem máu chó mực(chó đen) hắt lên người hắn và cô cháu ngoại của Vu Thủy, cùng với hoa đậu khấu, đậu xanh, đậu đỏ...


Sau khi xong, hai chữ song hỉ dán trước cửa đều được bóc xuống, treo một cành cây nhỏ lên song cửa báo gia đình có tang, rồi hàng xóm láng giềng lần lượt rút về. Chủ hôn rót hai chén rượu, một chén đưa cho Hàn Trạch uống cạn, chén còn lại đem đổ vào túi lụa đỏ, lại cắt tóc, móng tay của Hàn Trạch cho vào túi, nhét xuống dưới gối kê đầu của Vu Thủy, rồi cũng cắt tóc và móng tay của Vu Thủy cho vào một túi lụa trắng, gài vào bên thắt lưng Hàn Trạch. Chủ lễ lại xướng:


- Nhập quan!


Lập tức có 8 người trai trẻ xúm lại đóng nắp áo quan của Vu Thủy lại, khiêng ra xe 2 con ô mã. Hàn Trạch ngồi bên hai cái áo quan, một cái rỗng, một cái chứa Vu Thủy, linh cữu ra đồng. Hai đứa trẻ nam trong làng được cắt cử chạy đằng trước, một đứa cầm một giỏ giấy tiền, vừa đi vừa tung ra, diễu một vòng quanh làng rồi quay về trước nhà Hàn Trạch, cài thêm một nhánh cây lên cửa nhà, rồi mới chính thức đưa đi chôn cất.


Lúc ấy đã là 12 giờ đêm, tính sang ngày 16/7 âm lịch. Mấy nhà có trẻ con trong làng đều đóng kín cửa, nhưng bọn nhóc lại ngồi đọc đồng dao ầm ĩ cả xóm.


Bài đồng dao thế này:


"Rằm tháng bảy


Đón rể hiền


Mưa liên miên


Đổ dọc triền


Giấy tiền bay


Trống kèn tiễn..."


Quan tài được hạ xuống huyệt sâu 5m, rải lên trên một lớp tiền giấy, phủ đất lên nửa mét, rồi lại đặt đè cỗ quan rỗng lên trên. Hàn Trạch uống hết nửa chai rượu trắng, còn nửa chai đổ xuống huyệt, bước vào trong hòm, nằm xuống. Bên trên đậy nắp áo quan, bắt vít cẩn thận, lấp đất lên, hai nhà hai bên bắt đầu ném vỡ bình hoa được tặng, rồi mới đặt một bia mộ chung:


HÀN-VU, TỨC HÀN TRẠCH-VU THỦY, ĐẦU BẠC RĂNG LONG


NGÀY 15/7 ÂM LỊCH, GIỜ TÍ, NĂM ẤT MÃO(1975)


"Rằm tháng bảy


Đón rể hiền


Mưa liên miên


Đổ dọc triền


Giấy tiền bay


Trống kèn tiễn


Hạ thổ, lấp đất, tuẫn táng!"

---------------------

Thì đúng còn gì, người chết rồi thì cũng chỉ có xuống lỗ mà thôi. Đàn ông hay đàn bà chết cũng đều ra ma, sinh con đẻ cái hay không thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. Nếu không bắt ép, có khi sẽ không có kết cục bi thảm như vậy...


Chính con người trong cùng một gia đình nhiều khi còn tàn nhẫn với nhau đến thế, nói chi đến người ngoài, mà còn ra đường đòi hỏi "mong rằng thế giới này sẽ dịu dàng với mình một chút". Không có đâu, hai người duy nhất trên cuộc đời này sẽ đối xử dịu dàng với mình chỉ có chính mình, và một người tình nguyện yêu mình hơn cả mạng sống của chính họ...


Nghĩ mà xót xa, dựng bia chung cho những người bị xã hội ruồng rẫy, cho cả những người bị phân biệt đối xử, cho sự bất công giữa chính con người với con người (có lẽ là cho cả chính tôi nữa), mong rằng thực sự một ngày nào đó thế giới sẽ thực sự nhìn họ theo cách khác. Mong rằng nếu lỡ họ có đi rồi, lần sau họ có quay lại thế giới này, thì "hoa hướng dương sẽ nở, ánh mặt trời sẽ rực rỡ chan hòa"...


P/s: Toy nghỉ việc ròi, sếp giờ đã là dĩ vãng nên cờm bác quẫy nè :>>

Chúc mừng tháng cô hồn sắp kết thúc:>>

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tản-văn