Nhất định phải hạnh phúc
Tôi lơ lửng giữa không trung nhìn cái tư thế chết bi hài của mình, có chút không biết làm sao mới tốt.
Cho dù chết tôi cũng không nghĩ mình sẽ chết một cách vô lý như vậy. Bị gió thổi, ngã cầu thang chết.
Rốt cuộc là gió cấp mấy mới có thể thổi bay được tôi? Tôi cũng rất muốn biết, rốt cuộc tôi đã gây thù chuốc oán gì với ông trời để ông ấy ban cho tôi cái chết lãng xẹt như vậy? Tư thế chết còn chẳng đẹp mắt tí nào, nhìn như con cua chết cạn ấy.
Hiệu trưởng nhanh chóng chạy đến gọi cấp cứu.
Tôi rất muốn nói là, đến hồn cũng lơ lửng rồi, cứu con mẹ gì nữa mà cứu.
Nhưng tôi là hồn ma, vì thế chẳng làm gì được.
...
Một tuần sau khi chết, tôi vẫn chưa thể siêu thoát.
Tôi ngồi trong góc lớp ngẩng ngơ nghe giảng.
Haha, tôi ham học sao?
Xin lỗi, phải làm mọi người thất vọng rồi vì hiện tại ngoại trừ trường học ra tôi không thể đi đâu khác cho nên mới phải ngốc ở đây mà nghe giảng thôi. Chứ tôi cũng chẳng tha thiết gì cái chương trình dạy này.
Lớp học mấy hôm nay rất im lặng. Dù rằng bọn nó bình thường nhạt vãi đéo nhưng lúc nào cũng xôn xao như ong vỡ tổ, giáo viên bộ môn nào cũng ghét lớp tôi cả, cô chủ nhiệm cũng vậy nhưng bây giờ, người đứng trên bục giảng còn không nhíu mày lấy một cái nhưng tụi nó chẳng ai hé miệng ra nói tiếng nào.
Có vài người lặng lẽ khóc, có vài người lặng lẽ đưa khăn giấy sang.
Tôi có cảm giác gì trước khung cảnh này à?
Tôi có chút ưu thương, cũng có chút vui vẻ.
Tôi ưu thương vì tôi không muốn bọn họ tốn thời gian khóc than cho một việc bình thường như vậy.
Được rồi, chết là một việc rất quan trọng trong đời người nhưng mỗi ngày đều có hàng trăm người chết trên cái nước này thì mạng nhỏ của tôi chẳng thấm vào đâu, đây không phải chuyện bình thường gì chuyện gì mới bình thường đây?
Còn vui vẻ?
Khi chết, cảm nhận được sự quan tâm của mọi người đối với mình thông qua những giọt nước mắt, tôi thấy rất vui.
Ít ra thì bọn họ quan tâm tôi, không phải sao? Dù rằng chỉ là tạm thời, chẳng bao lâu nữa tôi trong nấm mồ nhỏ kia chỉ còn lại bụi trắng, bọn họ cũng quên đi tôi như chưa bao giờ tồn tại. Nhưng ít ra bây giờ họ nhớ đến tôi, đau thương vì tôi, khóc cho sự ra đi của tôi, điều này khiến tôi rất ấm áp.
Nó khiến tôi cảm thấy, mình tồn tại trên thế giới này không phải là vô nghĩa.
Nhưng mà, tôi chết rồi.
...
Mấy ngày trước nhà tôi làm đám tang, tôi có ghé qua ngồi đùa giỡn với mọi người một chút (dù rằng chẳng ai thấy hay đáp lại tôi).
Chỗ tôi ở gói xác để vào quan tài không tỉ mỉ gì cả. Bọn họ đặt tôi lên một cái bọc nilon, sau đó phủ thêm một cái lên mặt rồi buột lại.
Tôi nhìn mà cũng thấy đau.
Con bạn của tôi thấy tôi bị gói lại tùy tiện như vậy chỉ có thể im lặng rơi nước mắt.
Tôi nhìn nó nhưng rất nhanh lại quay đi, đặt mắt trên cơ thể cứng đơ của mình.
Mấy tháng trước bà của nó mất.
Lúc đó nó khóc rất nhiều, không thèm ăn uống hay ngủ nghỉ gì cả. Khi đó tôi bên cạnh, có thể giúp nó lau nước mắt, bón cơm chăm ngủ này nọ. Nhưng bây giờ đến tôi cũng đi rồi, nhìn nó đứng một mình như vậy, chẳng có ai cho nó dựa vào.
Tôi vừa thấy thương vừa không dám đối mặt. Chỉ hi vọng bạn trai nó tới mau an ủi nó một chút, thay tôi xin lỗi nó.
Tôi thực sự không dám nhìn biểu cảm đau thương đó của nó tí nào.
Cũng may nó không nhìn thấy tôi.
Cũng may tôi đã chết rồi.
...
Tôi nói, nếu biết chết đột ngột như vậy tôi sẽ viết lại di chúc, kêu mẹ đừng gọi nhà tổ chức tang lễ này chôn tôi. Coi cách bọn họ quấn băng keo kìa, có cần tùy tiện vậy không? Nhìn như cái bánh dày ấy, chẳng đẹp mắt gì cả.
'Roẹt'
'Roẹt'
Tiếng băng dính vang lên.
Rất lâu trước đây lớp cũ của tôi cũng có một người mất do tai nạn giao thông. Tôi có đến đi lễ, cũng tận mắt nhìn một màn quấn băng này. Nhìn người bạn chưa đến mười lăm tuổi của tôi thu lại chỉ còn một chiếc hộp, nhìn người bạn chưa đến mười lăm tuổi của tôi để lại người bà và ông mặt mày đầy nếp nhăn của mình mà đóng lại nắp quan tài.
Từ đó tôi không thích âm thanh cuộn băng dính tí nào.
Tôi biết con người tới số phải chết, chẳng ai trường sinh mãi được. Tôi cũng biết bản thân mình rồi cũng đi theo ông bà gì đó thôi nhưng tôi không ngờ bản thân mình lại ra đi nhanh và bất ngờ như vậy.
Bạn tôi chưa đến mười lăm tuổi đã để lại hai lão nhân trên đời, còn tôi bây giờ chưa đến mười tám tuổi đã bỏ lại gia đình nhỏ của mình mà rời đi.
Cũng may mẹ tôi còn có anh. Dù rằng thằng anh tôi vô dụng vãi ra nhưng ít nhất nó có thể thay tôi chăm sóc cho mẹ.
'Roẹt'
'Roẹt'
Tiếng băng dán lại vang lên, nhà tang lễ đã bắt đầu dán lại miệng quan tài như sợ tôi từ bên trong nhảy bật ra vậy.
Tôi nhíu mày bịt chặt tai lại.
Tôi không thích âm thanh này tí nào.
Nó như một tiếng nói hét lên với tôi.
Mày đã chết rồi, mày đã chết rồi. Nhìn cho kỹ bản thân mày đi, chẳng còn gì cả, ngay cả cái xác mày cũng không còn. Mày rốt cuộc đã làm gì cho cuộc đời của mình suốt mười lăm năm qua?
Mày nhìn cho kỹ những người xung quanh mày đi. Mày nhìn mẹ mày đi, mày nhìn anh mày đi, mày nhìn bạn mày đi.
Tôi hét lên kêu bọn họ dừng lại nhưng không có tiếng nào ra hồn. Tôi đẩy ngã cái bàn gần đó nhưng chẳng có thứ gì xi nhê. Tôi đụng vào hàng người đông đúc sau lưng mình, hi vọng ai đó có thể nhìn thấy, kêu tang lễ kia dừng lại nhưng, chẳng có ích gì cả.
Đinh đóng chặt lại nắp quan tài, nó như nói rằng, tôi đã chết rồi, chẳng còn cơ hội để hối hận tiếc nuối gì đâu.
Tôi nói mẹ tôi đừng khóc nữa, tôi vẫn còn ở đây. Tôi kêu người yêu con bạn mình mau tới đỡ nó, nó sắp không đứng vững rồi. Tôi hét vào tai anh tôi, kêu anh đừng đứng trong góc nữa, mau đến đưa khăn giấy cho mẹ đi.
Tôi la lên, nhưng chẳng có âm thanh nào phát ra.
Thế giới của tôi chỉ còn lại tĩnh lặng.
Cuộc sống của tôi đã kết thúc.
Tôi bật khóc. Khóc điên cuồng.
Tôi muốn gào lên như con nít ba tuổi đòi mẹ nhưng cổ họng nghẹn ứ.
Đáng tiếc, tôi đã chết rồi.
...
Tôi nằm giữa sân trường, ngẩng đầu nhìn trăng cao.
Ban đêm trường thật yên tĩnh.
Sau tang lễ của chính mình rất lâu tôi đã không về nhà.
Ha, tôi đã có bóng ma tâm lý với âm thanh băng dính, cũng như cái nhà nhỏ của mình, nơi mà cái xác của tôi bị bó lại rồi xem như cuốn chả mà lăn vào quan tài. Tôi không muốn về đó để gợi lại 'kỷ niệm xưa' tí nào, tôi cũng không muốn nhìn mẹ mình thơ thẩn mất hồn làm việc.
Có lẽ tôi nên đi tìm con bạn xem nó bây giờ ra sao tiện thể kể cho nó nghe trải nghiệm của tôi mấy ngày gần đây.
Nhưng chắc vô dụng thôi.
Vì tôi đã chết rồi.
Đúng.
Đáng tiếc, tôi đã chết rồi.
...
Một chị gái xinh đẹp đột nhiên xuất hiện trước mặt tôi, nói với tôi sắp tới trường mở cửa đón tân sinh hỏi tôi có định đi đâu chơi không.
Tôi chớp mắt.
Đã gần một năm tôi ở lại trong trường này. Tôi phát hiện trường có rất nhiều 'anh chị' giống mình ngồi xổm ở đây chọc phá giáo viên học sinh.
Những trò bọn họ bày ra trông hơi ác nhưng thực chất lại khá thú vị, thỉnh thoảng tôi có góp một tay nhưng đa số vẫn đứng ở một bên nhìn thôi. Nhìn để lấy kinh nghiệm : )
Nhà trường không rõ có biết đến sự hiện diện của chúng tôi hay không nhưng rất hay tổ chức mấy cái lễ hội vào buổi tối, đặc biệt là hôm cắm trại còn 'phục vụ' cả thức ăn khuya lúc mười hai giờ đêm với cái tên 'Chợ âm phủ'. Nghe khá rùng mình nhỉ? Nhưng chúng tôi cảm thấy rất thú vị.
Hôm đó tôi cùng mấy vị tiền bối lẻn vào nhóm học sinh, cũng ăn mảnh không ít nhưng phải nói, đồ ăn bọn nhỏ nấu ngon nhưng thiếu vệ sinh vãi đéo, có vài người ăn xong liền chạy vào nhà cầu còn không thì lên phòng y tế, nhìn phát tội.
À, tất nhiên trong đó không có bọn tôi.
...
Tôi buồn chán đến phòng hiệu trưởng.
Thời gian ngắn ở trường tôi tìm ra được rất nhiều điều thú vị.
Ví dụ như trong dãy lầu ban giám hiệu có một tầng hầm, tầng hầm này dùng để đựng sách cũ. Thực chất trước đây có không ít người chết ở đây, linh hồn của bọn họ vẫn còn lởn vởn trong phòng, thỉnh thoảng tôi cũng ghé qua thăm hỏi chơi đùa một chút.
Ví dụ như phòng lớn thuộc dãy nhà kho thực ra thời trước giải phóng là phòng chứa xác người chết.
Ví dụ như phía sau hội trường có một cầu thang cụt, cầu thang này nằm trên tầng hầm tôi vừa nói. Nó dẫn từ tầng trệt lên cửa sau hội trường, cánh cửa mà chẳng bao giờ được mở.
Ví dụ như bên cạnh cánh cửa chẳng bao giờ được mở đó có một cái nhà vệ sinh. Điều quan trọng là, chỉ có nhà vệ sinh nữ không có nhà vệ sinh nam.
Nhiều lắm, nói chung cái trường này rất thú vị, cũng có rất nhiều 'người', tôi đi hoài mà cũng không chán.
Hôm nay tôi vào phòng hiệu trưởng, lại thấy thầy rút từ trong ví ra một tờ tiền mỏng bỏ vào ngăn kéo rồi khóa chặt.
Mỗi lần thấy thầy làm như vậy tôi sẽ nhận ra. A, cuối tháng rồi.
Từ khi chết tôi mới biết thầy hiệu trưởng có một thói quen là cứ cuối tháng lãnh lương sẽ trích tiền ra bỏ vào ngăn kéo.
Tôi luôn tò mò không biết tiền đó dùng để làm gì.
Không lẽ là quỹ đen?
Sẵn nay rảnh rỗi, tôi đến vỗ vai thầy, hỏi thầy để dành tiền làm gì.
Thầy vỗ vỗ xấp giấy trên bàn, vẫn không quay đầu mà trả lời tôi. Thầy nói sắp đến năm học mới rồi, chuẩn bị tiền đi tang lễ.
Nói đoạn, thầy sững lại, lập tức quay đầu nhìn loanh quanh.
Tôi biết thừa thầy không thấy được mình nên cũng chẳng trốn tránh, đứng trước mặt thầy mà chọt chọt.
Hiệu trưởng cảnh giác nhìn khắp nơi, rùng mình một cái sau đó ôm lấy cặp giấy tờ mà chạy đi mất.
Tôi cảm thấy trò đùa này rất thú vị.
...
Trường tôi có truyền thống đáng sợ là cứ mỗi năm sẽ có một học sinh chết đi. Không chết vì tai nạn cũng là do tự sát, có người chết tại trường, có người chết gần trường nhưng trung bình mỗi năm đều có một người thiệt mạng. Và những lần như thế thầy hiệu trưởng đều đích thân ra mặt đi dự tang lễ.
Truyền thống này hiệu trưởng biết, giáo viên biết, học sinh lớp mười một mười hai đều biết nhưng chẳng ai nói ra.
Vì họ sợ năm tiếp theo sẽ đến lượt mình.
Tôi nhớ con bạn từng kể khi đón tân học sinh hiệu phó có nói qua những điều cấm của trường, một trong số đó là trừ khi đi học thì không ai được mặc đồng phục chạy gần trường, nhất là ở ngã tư cách trường không xa.
Những 'cựu học sinh' chết oan do tai nạn giao thông đều đứng ở ngã tư đó, mỗi lần họ thấy ai 'đáng yêu', đặc biệt là khi phát hiện người cùng trường mình sẽ chạy đến mà đùa giỡn một chút.
Ví dụ như đạp bánh xe...
Nhẹ thì trầy trật ngoài da, nặng thì đi luôn với bọn họ.
Nhẹ thì anh chị sẽ phá lên cười còn nặng thì chỉ có thể cảm thán.
Ops, lỡ tay.
Những lúc như vậy tôi chỉ biết trầm mặc.
...
Hôm tân sinh nhóm chúng tôi đi dạo lên hội trường vô tình gặp phải một đám đàn em đến trễ.
Chị gái xinh đẹp hôm nọ đột nhiên nhảy ra chặn đường bọn nó. Bọn nhỏ hình như không biết chị là ai, nói chuyện rất lễ phép, còn rất thân mật.
Lũ chúng tôi nấp ở một bên nghe đối thoại của bọn họ mà phì cười.
Chị gái đó là người hay ra mặt nhất trong nhóm chúng tôi, cũng là người nổi tiếng trong các truyền thuyết của trường, được mệnh danh 'chị gái mang giày đỏ'. Ừ, bởi vì chị ấy mang giày đỏ thật.
Chị ấy nói với đám nhóc như thế này. "Mấy em không biết chị sao?"
Bọn nhỏ ngơ ngác lắc lắc đầu.
Chị gái mang giày đỏ. "Ừ, không biết thì thôi. Không biết cũng tốt..."
Rồi không để bọn nhỏ kịp hiểu cái đéo gì đang diễn ra chị ấy quay người, một tay đẩy bọn họ xuống cầu thang, hét lên. "Tốt cái quần què! Về đọc lại tiểu sử trường đi rồi quay lại nói chuyện với chị!"
"Á!" nhóm tân sinh la lên một cái rồi như trái bóng tròn lăn tưng tưng xuống cầu thang.
Cũng may ngã nhẹ, nhìn qua chỉ bầm xíu da đỏ xíu thịt, không có gãy chân chết người các kiểu. Nhưng tôi vẫn không thể nói được gì.
Tôi trầm mặc bi thương năm giây.
...
Hôm nay là lễ ra trường của khóa mà tôi vào học, tất nhiên trong số những người tốt nghiệp có con bạn thân của tôi rồi. Nó nay đã sinh hoạt bình thường, cũng không hay im lặng mò vào facebook của tôi hay nhìn chăm chăm mấy cái vòng tay tôi tặng cho nó nữa, thằng bạn trai năm lớp mười của nó vẫn ở bên cạnh nó, thật tốt biết bao.
Tôi không biết ở trường khác như thế nào nhưng lễ trưởng thành ở trường tôi diễn ra khá kỳ lạ. Tất cả học sinh lớp mười hai sau bảy giờ tập trung lại ở trung tâm sân trường, chơi đùa ăn uống gì đó cứ tự nhiên nhưng đến chín giờ phải xếp thành vòng tròn, cầm chân nến trên tay, đặt trước ngực trái rồi nối đuôi nhau đi vòng ba vòng.
Lúc này, trường đã tắt hết đèn, từ trên lầu nhìn xuống chỉ thấy một hàng dài những ánh sáng nhỏ lập lòe di chuyển khắp sân hết vòng này đến vòng khác. Chuỗi ánh sáng này rất chói mắt, át cả mặt trăng trên cao.
Tôi thấy đây không phải lễ trưởng thành ra trường mà như một buổi cúng viếng cho chúng tôi hơn. Biểu tình của ai cũng rất nghiêm túc, hơn năm trăm người ngay hàng thẳng lối cầm nến đi xung quanh, nhìn mà hoa cả mắt.
Chị gái mang giày đỏ đến gần tôi, hỏi năm nay có phải khóa tôi tốt nghiệp không.
Tôi im lặng rồi nhẹ ừm một tiếng.
Chị hỏi tôi không xuống chơi cùng lớp hay bạn mình sao.
Tôi không trả lời, chỉ đứng trên tầng mà nhìn bọn họ.
Xung quanh vòng tròn không phải chỉ có cây xanh tán nhỏ mà còn có vô số 'cựu học sinh' khoanh tay nhàn nhạt nhìn. Bên cạnh tôi cũng có không ít.
Chúng tôi cứ đứng yên như vậy nhìn đoàn người đi khắp sân trường.
Khi họ đi đến vòng thứ hai, tôi kìm không được từ trên tầng cao nhảy xuống, đi về phía cái bàn nhỏ của lớp mình.
Lớp tôi ban đầu có bốn mươi học sinh nhưng sau nhiều biến động, tôi chết đi lớp tôi chỉ còn ba mươi ba người. Do lớp tôi là lớp đặc chọn chương trình học mới nên không có ai vào hay chuyển ra cả, ba năm lớp vẫn chỉ có ba mươi ba. Nhưng ở cái bàn đặt nến của lớp hôm nay lại có đến ba mươi bốn cây. Không biết là do tụi nó vô tình mua dư một cái hay là vẫn còn nhớ đến người không mấy nổi bật trong cái lớp này.
Tôi nhìn ngọn nến đã thắp sáng lẻ loi trên bàn, đột nhiên sống mũi cay cay.
Chị gái giày đỏ không biết từ khi nào xuất hiện bên cạnh tôi, nghiêng nghiêng đầu nhìn cây nến rồi mỉm cười.
Chị nói cây nến này là của hiệu trưởng đặc biệt chuẩn bị, chính là để cho người chết mang đi tham gia lễ tốt nghiệp. Chị còn nói năm nào thầy cũng chuẩn bị, năm khóa chị ra trường chị cũng được cầm một cái.
Rồi chị kêu tôi lấy nó đi chơi đi.
Tôi chỉ im lặng mà nhìn nó chằm chằm, cảm xúc khó miêu tả.
Mỗi năm đều chuẩn bị dư ra một cây.
Thầy hiệu trưởng có lẽ không nhớ đến tôi đâu, dù sao mỗi năm đều chết một người mà thầy lên chức cũng lâu lắm rồi. Cứ nghĩ đến việc bản thân mình vẫn được ai đó nhớ tới, dù rằng không nhớ rõ cụ thể nhưng tôi cũng không kìm được xúc động rơi nước mắt.
Sau khi chết rồi tôi mới biết, đau đớn nhất không phải chết đi mà là bị quên lãng. Khi bị quên lãng, chúng ta mới thực sự biến mất trên thế gian này, biến mất mãi mãi chẳng còn sót lại thứ gì.
Sự hiện diện của con người trên đời này rất nhỏ bé. Ngay cả khi chúng ta than khóc, ngay cả khi chúng ta vui cười, thế giới này chẳng mấy ai quan tâm, thời gian cũng chẳng thương xót dừng lại.
Huống chi chúng ta còn chết nhanh như thế.
Sau khi chết, thời gian của chúng ta dừng lại, nhưng bánh răng đồng hồ của người khác vẫn quay. Thời gian vùi lấp, mười năm, hai mươi năm, một trăm năm ai còn có thể rơi cho chúng ta giọt nước mắt nào? Ngay cả những nhà tư tưởng vĩ đại lưu truyền vạn vạn trong sách giáo khoa hay lịch sử cũng chỉ khiến người ta cảm thán vài ba câu.
Ôi, quá khứ mà.
Chúng ta nhỏ bé như vậy đấy.
Tán cây xào xạc, hàng loạt ánh nến run run tưởng chừng như sắp tắt.
Hình như vừa có gió thổi qua.
Một người trong hàng thở dài, nến của người đó hình như bị gió thổi bay rồi thì phải.
Tôi đến gần nhìn, nhận ra là cô bạn trước đây tôi từng thích. Bao nhiêu năm rồi cô ấy vẫn vậy, khuôn mặt luôn trưng ra biểu cảm nghiêm khắc, nói chuyện với người khác cũng rất nghiêm nhưng những cử chỉ hàng ngày lại đáng yêu không sao kể xiết.
Học sinh đi bên cạnh cô ấy nhìn ngọn nến tối thui trong tay cô, bảo cô mau đến lấy cái còn dư trên bàn.
Cô bạn nghiêm mặt nhìn nhìn sau đó lắc đầu, nói là để cây nến đó cho tôi chơi đi còn mình thì loay hoay tìm hộp diêm để đốt lại.
Lúc nghe cô ấy nói như vậy, cả linh hồn tôi đều run lên.
Cô gái đó vẫn còn nhớ đến tôi.
Hai năm rồi, cô ấy vẫn còn nhớ đến tôi.
Tôi rất vui vẻ.
Đoàn người sau khi chỉnh lý xong lại cất bước.
Tôi nhìn theo bọn họ sau đó cũng mang theo cây nến nhỏ của mình mà đi đến cuối hàng, chầm chậm di chuyển.
Tôi cũng muốn làm lễ trưởng thành.
Tôi cũng muốn làm lễ tốt nghiệp.
Tôi muốn ra trường.
Tôi...
Tôi không muốn chết.
...
Tôi chết đã năm năm.
Tôi ở lại trường đã năm năm.
Nhìn từng tốp học sinh ra ra vào vào, tôi luôn hi vọng một ngày nào đó sẽ có người đến thăm tôi.
Nhưng hình như bọn họ đều quên tôi hết rồi.
Cũng phải, năm năm rồi mà.
Có ai nhớ ai hoài được.
Họp lớp những năm qua người về càng ngày càng ít, cô gái mà tôi từng thương thầm chưa bao giờ quay lại, có lẽ cô ấy bận học, cô ấy nói là cô ấy muốn sang Đài Loan mà.
Thằng bạn đồng tính của tôi bây giờ không đi học nữa mà dọn ra ở riêng, tiện đường mở một quán cà phê nho nhỏ. Nghe nói sống rất tốt, chỉ là mấy năm nay nó cũng chưa từng về trường.
Con bạn thân cùng bạn trai nó học khác lớp với tôi, hàng năm tôi vẫn thấy tụi nó nắm tay nắm chân mà vào trường thăm thầy chủ nhiệm. Tụi nó vẫn bên nhau, thật tốt quá.
Thầy hiệu trưởng cũng sắp năm mươi tuổi rồi, hàng tháng vẫn chuẩn bị đồ ăn cho chúng tôi (mặc dù chúng tôi chẳng ăn bao giờ), hàng năm vẫn dành dụm tiền đi tang lễ.
Mọi người đều có kết thúc của riêng mình rồi. Còn tôi thì sao?
À đúng, câu chuyện của tôi đã kết thúc lâu rồi còn đâu.
Tôi từ trên lầu nhìn từng tốp học sinh dắt nhau ra cổng, một loại cảm xúc nhộn nhạo nhảy nhót trong lòng.
Tôi muốn về nhà.
Không biết mẹ có còn khóc ngày khóc đêm nữa hay không?
Không biết mẹ có dứt bỏ được quá khứ là tôi hay không?
Không biết ba có đến gặp mẹ nữa không?
Không biết, mẹ có còn nhớ đến tôi hay không?
...
Tôi tạm biệt 'mọi người' rồi lơ lửng bay đi. Lâu lắm rồi tôi mới ra khỏi trường, con đường về nhà bây giờ đối với tôi cũng dần trở nên xa lạ.
Tôi men theo dòng xe cộ tấp nập trên lộ lớn mà về, khi thì ngồi trên xe người này, khi thì ngồi trên xe người kia. Cảm giác đi ké này thực sự rất tuyệt.
À tôi không quan tâm việc lái xe không ngừng rùng mình khi tôi chạm vào họ đâu.
Tôi vào nhà. Thật may là mẹ tôi vẫn chưa chuyển đi.
Trong nhà nhỏ của chúng tôi bây giờ bày ra một mâm đồ ăn lớn, trên đó có cắm vài cây nhang nghi ngút khói sương.
Con bạn thân cùng người yêu nó vào nhà, cúi đầu chào mẹ tôi.
Thằng bạn đồng tính kia cũng đến.
Tôi đứng trước cửa, tụi nó dứt khoát đi xuyên qua.
Giờ tôi mới nhớ hôm nay là ngày giỗ của mình.
Nhìn con bạn quen thuộc đi khắp ngõ ngách trong nhà, tôi tự hỏi bộ nó hay đến đây lắm sao?
Trong khi tôi ngốc ở trường, năm nào giỗ của tôi tụi nó cũng đến đây sao?
Tôi nhìn nụ cười trên khuôn mặt nếp nhăn của mẹ, đột nhiên cảm thấy nghẹn ở sống mũi.
Bọn họ bốn người nói chuyện với nhau một chút rồi cắm nhan lên ảnh thờ của tôi rồi ngồi vào bàn cơm.
Tôi nhìn lướt qua khuôn mặt của mình, sau đó cũng không nhìn thêm lần nào nữa.
Tôi bước đến, tìm một cái ghế trống rồi ngồi xuống theo.
Anh tôi từ ngoài cửa bước vào, bên cạnh còn đi cùng một cô gái.
Mọi người đều nói đây là vợ tương lai của anh tôi, cô gái đó nghe xong chỉ ngại ngùng cười cười.
Cả nhà cười vang, tôi cũng mỉm cười theo. Cười xong tôi thở dài một hơi.
Cuối cùng thằng anh trời đánh này cũng có người yêu.
Cuối cùng mẹ tôi cũng không còn khóc sướt mướt như mấy ngày đầu tôi chết nữa.
Cuối cùng con bạn vẫn cùng người nó yêu sống hạnh phúc.
Cuối cùng thằng bạn đã mạnh mẽ làm những gì nó muốn.
Cuối cùng...
Câu truyện này cũng nên kết thúc rồi nhỉ?
Người ta thường nói sau bốn mươi chín ngày linh hồn con người sau khi chết sẽ đi đầu thai hay tan biến hư vô gì đó. Tại sao đã năm năm rồi tôi vẫn còn ở đây?
Nhìn mọi người cười vui vẻ với nhau, cổ họng tôi nghẹn lại.
Tôi cũng không biết tại sao mình lại ở đây.
Sống là gì? Chết là gì? Năm năm nhàm chán dài đằng đẵng tôi nghĩ mãi cũng không ra định nghĩa chính xác của chúng.
Tôi là ai? Lý do tồn tại là gì? Sao chết rồi vẫn không nỡ từ bỏ mọi thứ?
Tôi không biết.
Thời gian của tôi là vĩnh cửu, mãi mãi dừng lại ở tuổi mười lăm.
Tôi khi còn sống không có ước mơ gì vĩ đại, khi chết rồi di nguyện của tôi đã thành sự thật. Tôi không còn gì luyến tiếc ở đây nữa, có lẽ tôi sẽ biến mất ngay bây giờ, hoặc ngày mai, hoặc ngày mốt hoặc có lẽ là mãi mãi chẳng thể rời đi.
Nhưng quan trọng sao?
Điều tôi tiếc nuối nhất đã được hoàn thành trọn vẹn, tôi còn gì than trách nữa đây?
Tôi luôn muốn.
Mọi người được hạnh phúc.
Những người xung quanh tôi, người mà tôi trân trọng, người mà khi còn sống tôi còn căm ghét. Người ghét tôi, người tôi thương, người nào đó xa lạ trên cõi đời này.
Tôi hi vọng mọi người đều hạnh phúc.
---
Thể loại: linh dị kỳ quái, bi, hiện đại, học đường, ?E,...
Tác giả nội dung: Hải Âu bay bay bay~
Khả năng viết thành truyện dài: 4%
Lảm nhảm đôi lời:
Dạo gần đây bị stress, đột nhiên nghĩ đến nếu có một ngày mình chết thì sao?
Những mẩu truyện ngắn ngắn phía trên là ở trường ta truyền miệng thật đó, hội trại cũng có một cái gọi là 'Chợ âm phủ' luôn, hàng năm thầy hiệu trưởng đều nghỉ phép đi đám tang là thật (cơ mà không biết có phải gia đình học sinh không), lễ trưởng thành ở trường ta đúng như miêu tả còn trường mọi người thì thế nào?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top