2. Mùng 6 tháng Tám năm 1945 (1)

Năm 1945, chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc. Khi ấy chúng tôi đang sống bên sông, ở khu vực gọi là Kusunoki thuộc Hiroshima, nơi bố mở tiệm cắt tóc đầu tiên. Sau khi bố nhập ngũ, mẹ là người trông nom cửa tiệm.

Đây cũng là năm quân Đồng minh không kích dữ dội các đảo chính của Nhật Bản. Họ cho máy bay ném bom tới tấp xuống các căn cứ quân sự và khu vực thành thị. Trước đó, chiến tranh Thái Bình Dương chủ yếu diễn ra trên biển, đúng như tên gọi của nó. Nhưng vào giai đoạn cuối cuộc chiến, quân Đồng minh tăng cường không kích lên các đảo của Nhật Bản, quân đội Nhật bị dồn vào đường cùng, thất bại đã ở ngay trước mắt.

Những đợt không kích với quy mô lớn từ tháng Ba đến tháng Năm đã gây thiệt hại nặng nề cho Tokyo. Trận không kích vào mùng 10 tháng Ba với cái tên gọi Chiến dịch Meetinghouse là trận oanh tạc có quy mô cực lớn mà chiến tranh đi qua rồi mà người ta vẫn còn nhắc đến.

Trận giội bom bắt đầu lúc nửa đêm, hơn 300 pháo đài bay B-29 thả 380.000 quả bom napan xuống thành phố.Bom thông thường đã gây thiệt hại và thương vong nặng nề rồi, bom napan còn tai hại hơn, vì có chứa nhiên liệu dễ bắt cháy, dẫn đến những vụ hỏa hoạn vô cùng khủng khiếp. Ngọn lửa rừng rực khiến không khí cuộc xoáy như đám vòi rồng giận dữ,hung bạo ngốn ngấu và thiêu đốt những con người đang cố gắng trốn chạy.

Asakusa là khu vực đầu tiên của Tokyo bị phá hủy, ước tính có khoảng 80.000 đến 100.000 người thiệt mạng. Mỗi khi máy bay của quân Đồng minh kéo đến, tiếng còi hiệu không kích lại vang lên từng hồi để cảnh báo. Thành phố Tokyo bấy giờ ngập tràn những con người chập chờn không ngủ suốt đêm trong nỗi khiếp sợ tiếng còi báo động, và cả những người không còn để ngủ vì bom napan đã thiêu rụi tất cả.

Vào khoảng thời gian đó Hiroshima cũng phải hứng chịu những đợt giội bom, nhưng không có thiệt hại đáng kể. Tiếng còi không kích ở Kusunoki vẫn thường xuyên rú rít, nhưng may thay, đều chỉ là báo động chứ không có nhiều trận đánh bom thật sự.

Trong kí ức tôi không có cảnh dân cư chạy trốn không kích, mà chỉ có âm thanh rền rĩ của còi báo động thôi. Sadako bấy giờ mới hai tuổi nhưng đã rất chững chạc cầm lấy tay tôi hoặc bà nội đi xuống hầm trú bom. Thực sự thì tôi nhớ là cả tôi và Sadako đều không sợ ném bom bao giờ, bình thường thì chúng tôi vẫn chơi đùa bên bờ sông.

Tôi là một đứa ham chơi tới mức quên cả thời gian. Những lúc ấy Sadako lại nhìn tôi với khuôn mặt giận dữ như một bà mẹ và nói, "Anh à, đến lúc về nhà ăn cơm tối rồi."

Một lần, sau khi lăn lê bò toài bên bờ sông, vì một lí do nào đó mà trên đường về nhà tôi bắt đầu cởi quần áo và ném linh tinh khắp nơi.

Trong lúc tôi vừa đi vừa quăng quần áo, Sadako chập chững bước phía sau lại nhặt nhạnh từng món một.

"Anh ơi, không được làm thế. Anh mặc quần áo vào chứ!"

Tôi ném áo đi.

"Ê, anh sẽ ném mấy cái này ra đằng kia!"

Và tôi ném quần, rồi đến quần lót. Sadako lượm tất cả lại và ôm trên tay.

"Anh à, không được làm thế đâu," em nhấn mạnh.

Giờ hồi tưởng chi tiết này, tôi thấy mình đúng là một người anh thiếu chín chắn. Nhưng đồng thời tôi cũng nhận ra, kể từ khi còn rất nhỏ, Sadako đã thật chỉn chu và nghiêm túc.

Ở Hiroshima, căn cứ quân sự tọa lạc khắp nơi, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn.

Lúc này bố đã nhập ngũ và phục vụ ở Sư đoàn Bộ binh số 2, chúng tôi đã quen dần với việc thiếu vắng ông. Nói là nói vậy, chứ bố đóng quân tại bệnh viện quân đội bên kia sông, từ nhà nhìn sang vẫn trông thấy. Ông đi qua đi lại giữa nơi đóng quân và một bệnh viện chi nhánh ở thành phố Miyoshi cũng thuộc tỉnh Hiroshima.

Bố làm quân y trên chiến trường, và là thợ cắt tóc trong doanh trại. Không chỉ lành nghề, bố còn trung hậu và tinh ý, nhất là biết cách làm hài lòng mọi người nhờ việc mở tiệm kinh doanh riêng, vì vậy ông rất được các sĩ quan quý mến.

Trong quân đội, sĩ quan bạo hành binh lính là chuyện thường ngày ở huyện. Nhớ lại thời tại ngũ, bố nói, "Bố chưa bao giờ bị đánh, một lần cũng không." Khi một sĩ quan cấp trên nổi khùng vì một lí do nào đó và hùng hổ đi vào doanh trại với bộ dạng chuẩn bị trừng phạt lính tráng để trút giận, một trong các cấp trên khác sẽ gọi bố tôi.

"Sasaki có đấy không? Sang đây cắt tóc cho tôi nào."

Vậy là trong khi các đồng đội đang phải oằn mình xuống những cái tát và cú đấm của cấp trên, bố tôi lại yên ổn cắt tóc ở một phòng nào đấy

Kể đến đây, có lẽ ai cũng nghĩ các đồng đội ghen tị với bố lắm, nhưng không, họ cư xử với bố rất thân thiện ôn hòa. Bố ăn ở thế nào mà từ sĩ quan đến binh lính đều quý mến.

Mỗi khi được phân phát quân nhu, bố và các đồng đội lại trao đổi qua trao đổi lại những món mình cần và không cần. Ví như bố hay đổi khẩu phần thuốc lá của mình để lấy khẩu phần kẹo của đồng đội. Việc các binh sĩ bù đắp giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường nhật như thế cũng đủ chứng tỏ sự gắn bó keo sơn giữa họ.

Nhờ đó bố được nhiều vật dụng phù hợp để phân phát cho người già hoặc trẻ em đến thăm doanh trại. Thỉnh thoảng bố cũng mang đồ về cho chúng tôi. Mỗi khi có dịp đạp xe qua nhà, ông đều để lại gói kẹo hay một thứ gì ăn được trước cửa.

Hồi tại ngũ, bố chỉ là binh sĩ cấp thấp, nghe qua dễ tưởng ông không cơ hội về thăm nhà. Thế nên ở Hiroshima chiến tranh không quá khốc liệt, hơn nữa như đã nói ở trên, bố tôi được thượng cấp quý mến, nên nói chung là ổn cả.

Tôi vô cùng mong chờ mỗi dịp bố về để được đưa đi chơi bằng xe đạp. Bố sẽ đặt tôi ngồi giạng chân sau chỗ thồ hàng sau xe và chở tôi ra bờ sông gần nhà. Với một người cha, cho các con đi chơi bằng xe đạp là một cách thể hiện tình cảm rất tự nhiên. Bố thường ôm Sadako vào lòng rồi hỏi.

"Con có muốn đi chơi một chuyến không, Sadako?"

Lần nào nghe bố hỏi, em cũng trả lời.

"Con đợi được mà. Bố chở anh đi trước đi."

Sadako còn rất nhỏ, nhưng không bướng bỉnh và ích kỉ bao giờ. Em biết quan tâm đến bố mẹ và anh, luôn có ý thức nhường nhịn mọi người xung quanh.

"Thật chứ. Được rồi, Masahiro đi trước nào."

Bố lại thả Sadako xuống. Ông anh trai vô tư lự là tôi bèn hớn hở leo tót lên chỗ thồ hàng sau xe.

"A! Sadako, xem anh này!"

Chỉ đơn giản là ngồi sau xe để bố đạp đi dọc bờ sông thôi, sao tôi lại phấn khích đến thế không biết!

"Này!"

Hoàng hôn buông xuống, bầu trời pha sắc cam. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại nghe tiếng hét vọng sang từ sông bên kia.

Đó là tiếng bố nói với mẹ ở sông bên này

"Sáng mai để một ít Suzuki cho anh ở chỗ cũ nhé."

Suzuki là tên ông buôn đường kính giàu nhất thành phố hồi  ấy, bố bèn dùng luôn từ "Suzuki" để gọi đường kính. Đó là ám hiệu riêng của bố mẹ. Bố là người hảo ngọt, thường dùng cách này để nhờ mẹ làm ohagi.

Hễ thấy bố đứng bên kia sông, mẹ lại giơ cao tay vẫy vẫy.

"Chào anh!"

"Nhớ để phần Suzuki cho anh đấy!"

Trao đổi bằng ám hiệu chỉ hai người mới hiểu, nghe qua thật trẻ con, nhưng bố mẹ là một cặp đôi mà tiền hôn nhân không có cơ hội hẹn hò, hậu hôn nhân lại có tu chí làm ăn đến tận khi bố nhập ngũ, thế nên những hành động ngây ngô kiểu như thế có lẽ là một niềm hạnh phúc âm thầm.

Nghĩ lại hoàn cảnh của bố mẹ, tôi nhận ra rằng chẳng dễ dàng gì dành dụm đủ nguyên liệu làm ohagi với khẩu phần hồi ấy.

Dù vậy, tôi không nhớ là có khi nào mình phải chịu đói. Như tôi đã nói, nước Nhật chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc chiến, Tokyo phải hướng chịu những trận không kích nặng nề, đất nước rơi vào tình trạng rất tồi tệ. Thế nhưng một đứa trẻ Hiroshima như tôi lại chưa từng ăn đói mặc rách hay trải qua mưa bom bão đạn, và hoàn toàn không cảm nhận được sự bi thảm và khắc nghiệt của thời cuộc.

dù đất nước vẫn bị bắn phá khắp nơi, trú bom trở thành hoạt động thường nhật, nhưng có thể nói khoảng thời gian ấy với tôi là chuỗi ngày bình yên.

Cho đến sáng mùng 6 tháng Tám...

***


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top