News Bai tap
&
Kính chào các anh chị, theo lịch trình, sáng ngày hôm nay đoàn chúng ta sẽ tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám. Bây giờ chúng ta sẽ khởi hành đến Văn miếu, từ khách sạn đến Văn miếu thì mất khoảng 10’, trước tiên tôi xin giới thiệu vài nét sơ lược về Văn miếu Quốc Tử Giám.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long, được khởi lập vào thời nhà Lý. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Kiến trúc chủ thể của Văn miếu Quốc Tử giám là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử - người sáng lập ra nền nho giáo phương Đông, các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam; và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Ngày nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi.
Theo Đại Việt sử ký, vào mùa thu năm Canh Tuất - 1070, Vua Lý Thánh Tông đã cho khởi công xây dựng Văn Miếu để thờ các bậc tiên thánh tiên hiền, các bậc nho gia có công với nước.
Sáu năm sau - năm 1076, Vua Lý Nhân Tông quyết định khởi xây Quốc Tử Giám - một trường Nho học cao cấp nhất hồi bấy giờ nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự chọn lựa đầu tiên của triều đình phong kiến Việt Nam về vấn đề giáo dục, đào tạo con người Việt Nam theo mô hình Nho học châu Á.
Tọa lạc trên khuôn viên hơn 54.000m2, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm giữa bốn dãy phố, cổng chính ở đường Quốc Tử Giám, quay về hướng Nam , theo quan niệm “Thánh nhân Nam diện nhi trị thiên hạ”, có nghĩa là “Bậc thánh nhân quay mặt về phương Nam để cai trị thiên hạ”.
Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, mô phỏng tổng thể quy hoạch khu Văn Miếu thờ Khổng Tử ở quê hương ông tại Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc. Tuy nhiên, quy mô ở đây đơn giản hơn, kiến trúc đơn giản hơn và theo phương thức truyền thống nghệ thuật dân tộc.
Toàn bộ kiến trúc Văn Miếu hiện nay đều là kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn. Khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám được bao bọc bởi bốn bức tường xây bằng gạch vồ (sản phẩm của nhà Hậu Lê), phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau, song liên hoàn với nhau thành một tổng thể kiến trúc hài hòa qua trục đường thần đạo nối từ đầu đến cuối khuôn viên. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: cổng Văn Miếu, Đại Trung, Khuê Văn Các, Đại Thành và cổng Thái Học.
Kính thưa các anh chị, đoàn chúng ta đã đến Văn miếu Quốc Tử Giám. Mời anh chị xuống xe và tập trung lại trước cổng, tôi sẽ đi mua vé và dẫn các anh chị tìm hiểu cụ thể hơn từng khu của Văn miếu Quốc Tử Giám.
&&
Các anh chị hãy đứng lại gần đây đi ạ, các anh chị có thể thấy,
Hai bên tay trái và tay phải của chúng ta có hai tấm bia, hai tấm bia này tuy nhỏ nhưng nó có ý nghĩa rất lớn. Trên hai tấm bia có hai chữ “Hạ mã”, đánh dấu mốc ranh giới của Văn miếu Quốc Tử giám. Hai chữ trên tấm bia có nghĩa là khi đi tới nơi đây phải xuống ngựa để thể hiện lòng thành kính với các bậc hiền nhân. Xưa kia dù công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe hễ đi qua Văn Miếu đều phải xuống đi bộ ít nhất từ tấm bia Hạ mã bên này sang tới tấm bia Hạ mã bên kia mới lại được lên xe lên ngựa. Điều này chứng tỏ sự tôn nghiêm của Văn miếu Quốc Tử Giám.
Kính thưa các anh chị, trước mặt chúng ta là Tứ Trụ(tức Nghi môn), tứ trụ được xây bằng gạch, trên đỉnh hai trụ giữa xây cao hơn có hình 2 con nghê chầu vào nhau, theo quan niệm tâm linh cho rằng đây là vật linh thiêng có khả năng nhận ra kẻ ác hay người thiện. Trên đỉnh hai trụ đắp nổi 4 con chim phượng hoàng xòe cánh chắp đuôi vào nhau thể hiện sự thiêng liêng và vẻ hoa mỹ của di tích quý giá. Tứ trụ biểu hiện cho sự vững trãi, trường tồn của nơi đây.
Những câu đối đề trên tứ trụ đều có ý nghĩa ngợi ca đạo học trong chốn nhân gian.
&&&
Sau khi qua cánh cổng tứ trụ này chúng ta đã bước vào đoạn đầu của con đường thần đạo, đoạn nối giữa Tứ Trụ và Cổng Tam Quan (Văn Miếu Môn).
Ở đây là Văn Miếu Môn, hay cổng Tam Môn, tại sao lại gọi là cổng Tam Môn thì chúng ta có thể thấy ngay nó có 3 cổng( Chính môn,Tả Môn, Hữu Môn). Nhìn bề ngoài Cổng Tam Môn là một kiến trúc riêng biệt ,cửa chính giữa xây 2 tầng, mặt bằng hình vuông, tầng dưới to, tầng trên nhỏ chồng lên tầng dưới, do đó xung quanh thừa ra một hành lang rộng 4 mặt có lan can, phía bên ngoài tầng dưới chỉ mở một cửa cuốn,bằng gỗ lim mở vào trong, cửa hình bán nguyệt chạm nổi hình đôi rồng chầu mặt nguyệt và hai cửa nhỏ bên trái, bên phải phía trong là lối bậc lên tầng hai tam quan, bản thân tầng hai đã một Tam Môn mở không có cửa. Tầng trên làm tám mái, bốn mái hiên và 4 mái cong lên ở bốn góc, bờ nóc đắp nỗi lưỡng long chầu nguyệt. Trên cổng tam quan có 3 chữ lớn “Văn Miếu Môn” và đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Phía trái cổng tam quan đắp hình “Long ngư tụ hội”, “Cá rồng ẩn hiện trong mây”, ví như cảnh thanh vân đắc lộ của các nho sinh thành tài. Bên phải là cảnh “Mãnh hổ hạ sơn”, hổ lớn hùng dũng xuống núi ngụ ý như các bậc thức giả vững bước vào thời cuộc mới. Những câu đối trên cổng có ý nghĩa ngợi ca kết quả của sự học.
Ngày xưa, cổng Tam Môn chỉ dành cho vua và các quan. Trong một năm chỉ có hai lần và dịp lễ Khổng Tử (mùa xuân và mùa thu), vua, quan dẫn đầu đoàn hành lễ đi qua cổng tam quan.
Mọi dân thường muốn đến cúng vái và học tập tại Văn Miếu thì qua Tả Môn hoặc Hữu Môn.
&&&&
Từ cổng chính Văn Miếu môn, vào không gian thứ nhất gọi là khu Nhập đạo, theo đường thẳng này tới cổng thứ hai là Đại Trung môn. Ngang hàng với Đại Trung môn bên trái có Thành Đức môn, bên phải có Đạt Tài môn. Có nghĩa là đạo học sẽ đào tạo môn sinh thành những con người toàn diện, có đủ cả đức lẫn tài. Có khả năng đem tài đức ra thi thố trong xã hội để phụng sự triều đình và chúng dân muôn nhà .
Cửa Đại Trung môn làm kiểu 3 gian, xây trên nền gạch cao, có mái lợp ngói mũi hài, có hai hàng cột hiên trước và sau, ở giữa là hàng cột chống nóc. Gian giữa cổng treo một tấm biển nhỏ đề 3 chữ sơn then Đại Trung môn.
Con đường thẳng từ Văn Miếu môn tới Đại Trung môn lại vươn tiếp thẳng tới Khuê Văn Các. Từ hai cửa Đạt Tài và Thành Đức ở hai bên cửa Đại Trung, hai con đường nhỏ hơn song song chạy thẳng với con đường trục giữa, chia khu vực thứ hai này thành 4 dải khá cân bằng. Hai hồ nước ở hai bên góp phần tạo nên sự thoáng đãng cho không gian ở nơi đây.
&&&&&
Ở giữa đây là Khuê Văn Các,
Khuê Văn Các do Đức Tiền Quân Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành cho xây năm 1805, là công trình kiến trúc tuy không đồ sộ song có tỷ lệ hài hòa và đẹp mắt. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài một mét và trên các mặt trụ đều có chạm trổ các hoa văn rất tinh vi và sắc sảo. Tầng trên có 4 cửa tròn hình mặt trời tỏa tia sáng, tượng trưng cho đạo học và những điều thiêng liêng cao quý; hàng lan can con tiện và con sơn đỡ mái bằng gỗ đơn giản, mộc mạc. Mái ngói chồng hai lớp tạo thành công trình 8 mái, gờ mái và mặt mái phẳng.
Ở mặt trước và mặt sau đều có 3 chữ lớn là Khuê Văn Các.
Xung quanh gác Khuê Văn đều chạm một đôi câu đối chữ Hán thiếp vàng. Cả bốn đôi câu đối này đều có ngụ ý ca tụng vẻ đẹp và ý nghĩa của đạo học và văn chương trong trời đất.
Công trình mang vẻ đẹp sao Khuê, ngôi sao sáng nhất trong số 28 ngôi sao trên bầu trời, gọi là Nhị thập Bát tú, ngôi sao Khuê tượng trưng cho văn chương. Đây là nơi thường được dùng làm nơi thưởng thức các sáng tác văn thơ từ cổ xưa tới nay. Ngày nay, Khuê Văn Các ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã được công nhận là biểu tượng của thành phố Hà Nội.
Hai bên Khuê Văn Các là hai cửa Bí Văn và Xúc văn. Bí Văn và Xúc Văn hàm ý ca tụng vẻ đẹp của văn chương, đó là hàm ý súc tích, trau chuốt, sáng sủa.
Hai cửa này cùng với gác Khuê Văn đồng thời mở đầu cho khu vực tiếp theo, khu vực giếng Thiên Quang và hai vườn bia Tiến sĩ.
&&&&&&
Thiên Quang tỉnh (tức "giếng soi ánh sáng bầu trời") còn được gọi là Văn Trì (Ao Văn). Thiên Quang nghĩa là ánh sáng bầu trời. Đặt tên này cho giếng, người xây dựng có ý muốn nói con người thu nhận được tinh túy của vũ trụ, soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn. Giếng Thiên Quang vừa tạo nên sự hài hòa trong tổng thể kiến trúc Văn miếu Quốc Tử giám, vừa có ý nghĩa như một hồ nước điều hòa cho cả không gian rộng lớn nơi đây. Giếng hình vuông, quanh bờ đều xây hàng lan can tới độ ngang lưng. Người xưa còn có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn với những tia sáng xung quanh tượng trưng cho mặt trời rực rỡ. Tinh hoa của cả trời cả đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm giữa chốn đế đô này.
Hai bên giếng là hệ thống 2 dãy 4 nhà bia lớn, mỗi dãy là 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng. Mỗi tấm bia được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Bia đặt trên lưng một con rùa. Nội dung của tấm bia bao giờ cũng có phần chữ nhỏ viết về ý chỉ của hoàng đế và biểu dương việc học. Còn những chữ to và đậm hơn chính là tên của những người đã đỗ đạt trong khoa thi đó. Trên 82 tấm bia có ghi danh sách tên tuổi của 1307 vị đỗ đại khoa của 82 khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779.
Rùa là một trong tứ linh của Việt Nam cùng với long (rồng), lân, phụng (phượng hoàng) và đặc biệt rùa còn là con vật tượng trưng cho sức sống trường thọ. Vì thế đặt bia đá trên lưng rùa còn có ý nghĩa mong cho tên tuổi các vị tiến sĩ được khắc trên đó sẽ mãi mãi vang danh như biểu trưng của loài vật này.
Ở giữa hai dãy nhà bia là hai tòa đình thờ bia, hai tòa đình đặt hai tấm bia của hai khoa thi đầu tiên dưới triều nhà Lê năm 1442 và 1448, hai đình này 4 mặt bỏ trống, nền cao, giữa nền có bệ, cửa đều trông thẳng xuống giếng. Xưa kia hàng năm xuân thu nhị kỳ trong Văn Miếu làm lễ tế thì ở đây cũng sửa lễ vật cúng bái các vị tiên nho của nước ta mà tên tuổi còn khắc trên bia đá.
Khu nhà bia tiến sĩ thực sự là kho tàng vô giá, lưu giữ không chỉ là tên tuổi của những người đã đỗ đạt trong các khoa thi thời nhà Lê, mà còn là nơi giữ gìn, và biểu đạt ra cả hệ thống tư tưởng và văn hóa của nước Việt Nam thời bấy giờ. Trong đó có một tư tưởng được mọi người khâm phục và công nhận đó là một câu văn viết ở tấm bia Năm Đại Bảo, khoa thi 1442, đó là lời của Thân Nhân Trung nhưng theo lệnh của vua Lê Thánh Tông mà viết ra rằng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.
Những tấm bia này được dựng vào năm 1484, vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi (chủ trương đã đề ra năm 1442 nhưng chưa thực hiện được). Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Các khoa thi được tổ chức đều đặn cứ ba năm một lần.
Không phải khoa thi nào tiến hành xong đều được khắc bia ngay, không phải bia đã dựng thì vĩnh tồn, không hư hỏng, không mất mát. Từng thời có những đợt dựng lại. Cuối triều Lê, thời Cảnh Hưng, bia vẫn được khắc đều đặn.
Dù không còn giữ được đủ bia, nhưng đây vẫn là công trình điêu khắc có giá trị và là tư liệu lịch sử quý báu. Vào ngày 9 tháng 3 năm 2010, UNESCO đã chính thức công nhận 82 tấm bia tại Văn miếu - Quốc Tử Giám, là Di sản tư liệu thế giới.
Trong 82 tấm bia còn lại tới ngày nay, tấm sớm nhất dựng vào năm 1484, khắc tên các vị tiến sĩ đỗ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) tấm cuối cùng dựng vào năm 1780, khắc tên các Tiến sĩ đỗ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 (1779).
Cũng trên các tấm bia này đã ghi lại người đỗ tiến sĩ cao tuổi nhất trong lịch sử là ông Bàn Tử Quang. Ông đỗ tiến sĩ khi 82 tuổi. Người trẻ nhất là Nguyễn Hiền, quê Nam Trực (Nam Định), đậu trạng nguyên năm Đinh Mùi niên hiệu Thiên ứng Chính bình thứ 16 ( tức năm 1247) dưới triều Trần Thái Tông khi đó mới 13 tuổi.
&&&&&&&
Sau hai dãy nhà bia, mời các anh chị theo tôi, chúng ta qua cửa Đại Thành ở phía trước, cũng nằm trên trục thần đạo trong bố cục của Văn Miếu Quốc Tử giám. Cấu trúc cửa Đại Thành cũng giống như cửa Đại Trung khi nãy chúng ta đi qua. Cửa được dựng vào tháng 8, năm Canh Tuất 1070, dưới triều vua Lê Thánh Tông. Khác với cửa Đại Trung, cửa Đại Thành có hai cửa là Kim Thanh và Ngọc Chấn gọi là Kim Thanh môn và Ngọc Chấn môn nằm ngang với cửa Đại Thành, 2 cửa này không mở vào thẳng khu vực chính, mà để đi qua con đường lát gạch phía sau 2 dãy Tả Vu và Hữu Vu để vào sân Đại Bái và Điện Đại Thành. Trước đây chỉ có kỳ đại tế lễ Khổng Tử thì cửa Đại thành mới được mở. Ý nghĩa của 3 khuôn cửa là khi tấu nhạc dùng thanh âm của tiếng chuông khởi đầu, Kim thanh tập hợp tiết tấu, nhịp điệu âm nhạc mà trình diễn một cách khéo léo tinh tế, để rồi kết thúc bằng tiếng khánh, Ngọc Chấn, để kết thúc phần hòa âm một cách trôi chảy, ý nhị, hầu diễn đạt được những ý tưởng cao đẹp của đức thánh.
Đại Thành là lấy nghĩa từ câu nói của Mạnh Tử đánh giá về Khổng Tử là người Đại thành đạt do đã biết tập hợp học vấn, đạo đức tốt đẹp của các bậc tiên thánh tiên hiền trong trời đất.
Tòa Bái đường gồm 9 gian, là nơi diễn ra các cuộc đại tế lễ quan trọng. Do vậy chính giữa điện Đại Bái có một tòa hương án lớn với các đồ thờ tự quý giá. Phía trên hương án có 4 chữ to “Vạn thế sư biểu”, ý nghĩa đề cao đức Khổng Tử là người thầy của muôn đời. Các gian xung quanh đều treo các câu đối ngợi ca tài đức của Khổng tử, đại ý “Đạo đứng đầu kim cổ, Đức tỏa lan trời đất”.
Điện Đại thành(Hậu cung) chạy song song với tòa Đại Bái và nối với nhau qua một tiểu đình. Điện đại thành (Thượng Điện) cũng gồm 9 gian, mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, tường xây 3 phía, phía trước có cửa bức bàn đóng kín 5 gian giữa, 4 gian đầu hồi có cửa chấn song cố định. Thượng Điện kín đáo và do đó cũng tối hơn Đại Bái, tạo nên không khí thâm nghiêm, u tịch. Đây chính là nơi thờ Khổng Tử, Tứ phối và Thập triết (là những người tiêu biểu cho tứ khoa đức hạnh, ngôn ngữ. chính trị, văn học: Mẫn Tồn, Nhiễm Canh, Nhiễm Cung, Tể Dư, Đoan Mộc Tứ, Nhiễm Cầu, Trọng Do, Tôn Yển, Bốc Thương, Chuyên Tôn Sư).
Tượng Khổng Tử được tạo tác vào thời Lê năm 1729, hướng mặt về phía Nam theo quan niệm cổ truyền “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ”, bậc thánh nhân ngoảnh mặt về phương Nam để lắng nghe thiên hạ. Phía sau là khám thờ, trên ngài có bài vị đề chữ “Đại thành Chí Thánh tiên sư Khổng tử thần vị”.
Ở điện thờ Khổng Tử có hai cặp hạc cưỡi trên lưng rùa. Đây là hình tượng rất đặc trưng tại các đền, chùa, lăng tẩm, miếu mạo ở Việt nam. Hình ảnh hạc chầu trên lưng rùa trong nhiều ngôi chùa, miếu..., hạc đứng trên lưng rùa biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm - dương. Hạc là con vật tượng trưng cho sự tinh tuý và thanh cao. Theo truyền thuyết rùa và hạc là đôi bạn rất thân nhau. Rùa tượng trưng cho con vật sống dưới nước, biết bò, hạc tượng trưng cho con vật sống trên cạn, biết bay. Khi trời làm mưa lũ, ngập úng cả một vùng rộng lớn, hạc không thể sống dưới nước nên rùa đã giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, rùa đã được hạc giúp đưa đến vùng có nước. Điều này nói lên lòng chung thuỷ và sự tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn giữa những người bạn tốt.
Bên phải là tượng của phục thánh Nhan Hồi và thuật thánh Tử Tư. Bên trái là Tông thánh Tăng tử và Á thánh Mạnh Tử. Đó chính là 4 người học trò thành đạt nhất của Khổng tử, những người có công kế thừa và phát huy truyền bá những nét đẹp của đạo Nho rộng khắp đất nước Trung Hoa và các quốc gia khác.
Hai gian đầu hồi cũng có 2 khám lớn xếp chầu vào gian giữa, thờ Thập Triết gồm những vị: Mẫu tử, Nhiễm tử, Đoan mộc tử, Trang Tử, Bốc tử, Hữu tử, Tề tử, Ngân tử, Suyền Tôn tử, Chu tử.
Hai dãy Tả Vu và Hữu Vu song song bên sân Đại Bái cũng đều gồm 9 gian, trước đây là nơi thời phụng thất thập nhị hiền (72 học trò thành danh của Khổng Tử). Phía sau điện Đại thành còn gọi là Điện Thánh, có cổng Thái học dẫn sang Thái học đường.
Thái Học Đường là một công trinh được phục chế, nhà Thái học chính là Quốc Tử giám thời Lý Trần(Quốc Tử giám được khởi lập vào năm 1076 vào thời Lý Nhân Tông. Ban đầu đây là một trường học dành riêng cho con em trong hoàng tộc, con em các vị đại thần quan lại trong triều đình, sau đến năm 1253, vua Trần Thái Tông mới cho mở rộng Quốc Tử giám và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc). Còn tên Nhà Thái học có tên từ thời Lê. Đây là nơi giảng dạy, học tập và cả lưu trú của các sỹ tử, những người tài được tuyển chọn từ hàng ngũ quý tộc và những người tài trong dân chúng. Đây chính là cơ sở đào tạo, rèn luyện ra những nhân tài cho đất nước, bên cạnh nơi thời phụng các ông tổ của Đạo Nho và Nho học.
Quy mô của nhà Thái học và Điện Khải thánh trước đây rất to lớn và hoành tráng, sang năm kháng chiến chống Pháp 1946 thì hai nơi này đã bị phá hủy hoàn toàn. Diện mạo như bây giờ là đã được tôn tạo lại vào những năm 90 của thế kỷ 20.
Toàn bộ khu Thái học có diện tích 1530m2, gồm tòa Tiền đường, Tòa Hậu đường, Nhà Tả Vu, Hữu Vu, Lầu chuông, Lầu trống, mô phỏng theo kiến trúc truyền thống trên nền đất xưa của Quốc Tử giám. Đây là công trình xây dựng hoàn toàn mới do Trung tâm thiết kế tu bổ di tích - Bộ Văn hoá Thông tin thiết kế kỹ thuật, nằm trong công trình trùng tu khu Thái Học khởi công xây dựng ngày 13 - 7 - 1999.
Nhà Tiền đường gồm 9 gian, trưng bày những tác phẩm thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo và hiếu học của dân tộc Việt Nam.
Hậu đường là kiến trúc gỗ gồm 2 tầng. Chính giữa tầng 1 Hậu đường là nơi thờ phụng Chu Văn An, đồng thời cũng là vị Tư nghiệp Quốc Tử giám đầu tiên, nêu một tấm gương người thầy của muôn đời. Chu Văn An sinh năm 1292 – mất năm 1370, là người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, phía Nam Kinh thành Thăng Long, nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội; là người nổi tiếng tài ba, đạo cao đức trọng, thanh liêm, trung thực; là người có khả năng sư phạm tuyệt vời.
Năm 1328 ông được vua Trần Minh Tông mời về kinh đô dạy học cho các Thái tử, sau đó được bổ nhiệm cương vị tư nghiệp Quốc Tử giám. Sau khi ông mất đã được vua Trần Nghệ Tông ban tên thụy là Khang Tiết, và cho phối thờ tại Văn miếu.
Tầng trên là nơi đặt 3 pho tượng thờ 3 vị vua đã có công lớn trong việc khởi lập, xây dựng, tôn tạo Văn miếu Quốc Tử giám và chấn hưng đạo học, chiêu tập hiền tài, làm rạng danh nền văn hiến dân tộc.
Vua Lý Thánh Tông(1023 - 1072) là người đã cho xây khu văn miếu vào năm 1070.
Vua Lý Nhân Tông(1066 -1127), người đã cho tạo dựng khu Quốc Tử giám mà đến thời Lê thì có tên là Nhà Thái học.
Vua Lê Thánh Tông(1442 - 1497), người đã cho tạo dựng những tấm bia đầu tiên trong hệ thống 82 tấm bia tiến sỹ mà đến bây giờ chúng ta vẫn đang còn.
Tượng của 3 vị vua được đúc bằng đồng, từ bàn tay của các nghệ nhân làng Ngũ Xã, Hà Nội trong dịp kỷ niệm 990 Thăng Long Hà Nội.
Mỗi pho tượng cao 1,4m, nặng 1 tấn, tác giả là hai họa sĩ Nguyễn Minh Vũ và Nguyễn Văn Dong.
Trải qua bao thăng trầm và những biến cố của lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không còn nguyên vẹn như xưa. Những công trình thời Lý, thời Lê hầu như không còn nữa. Song qua 11 lần tu sửa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn giữ nguyên được những nét tôn nghiêm cổ kính của một trường đại học có từ gần 1000 năm trước của Hà Nội, vẫn giữ được trọn vẹn giá trị của một khu di tích kiến trúc cổ Việt Nam, xứng đáng là khu di tích vǎn hoá hàng đầu và mãi là niềm tự hào của người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung khi nhắc đến truyền thống ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Kính thưa các anh chị, buổi tham quan Văn miếu Quốc Tử giám của chúng ta đến đây là kết thúc. Bây giờ, các anh chị có thể tự do tham quan, chụp ảnh và nghỉ ngơi, sau 15 phút chúng ta tập trung tại đây để lên xe đến điểm tham quan tiếp theo.
Di vật quý "Bích Ung đại chuông" (chuông lớn của nhà Giám) được đúc năm 1768
Tại đây có một số hiện vật quý: bên trái treo "Bích Ung đại chuông" (chuông lớn của nhà Giám), bên phải có một chiếc khánh đá. Chuông Bích Ung do Nguyễn Nghiễm đứng ra đúc nǎm 1768. Tấm khánh mặt trong có hai chữ Thọ Xương, mặt ngoài khắc bài minh viết kiểu chữ lệ nói về công dụng loại nhạc khí này.
Khổng Tử (chữ Hán: 孔子; còn gọi là Khổng Phu Tử 孔夫子;[1]27 tháng 8 âm, 551 – 479 TCN)[2] là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á
Tứ phối gồm:
1. Nhan Hồi (Nhan Tử), học trò của Đức Khổng Tử.
2. Tăng Sâm (Tăng Tử), học trò của Đức Khổng Tử.
3. Khổng Cấp (Tử Tư), học trò của Tăng Sâm và là cháu nội của Đức Khổng Tử.
4. Mạnh Kha (Mạnh Tử), học trò của Tử Tư.
Thập triết là 10 vị hiền triết của Nho giáo, đó là 10 học trò tài giỏi của Đức Khổng Tử, đứng trên Thất thập nhị Hiền, nhưng dưới Tứ Phối (4 vị Thánh).
Chu Văn An (chữ Hán: 朱文安; 1292–1370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn (樵隱), tên chữ là Linh Triệt (靈澤), là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An.
Lý Thánh Tông là vị vua thứ ba của nhà Lý (1009-1225), cai trị từ năm 1054 đến 1072. Ông tên thật là Lý Nhật Tôn, sinh tại kinh đô Thăng Long.
Cũng như vua cha Lý Thái Tông (1000-1054) và vua ông Lý Thái Tổ (974-1028), Lý Thánh Tông là người văn võ toàn tài. Ông nổi tiếng là một minh quân có nhiều đức độ trong lịch sử Việt Nam, tận tụy với công việc, thương dân như con, đối xử tử tế với tù nhân.
Lý Thái Tông là người đã đặt quốc hiệu Đại Việt (1054-1804), xây dựng Văn Miếu (1070), phá Tống (1060) và bình Chiêm (1069), lấy được ba châu của Chiêm Thành.
Lý Nhân Tông (chữ Hán: 李仁宗; 1066 – 1127), là vị vua thứ tư của triều Lý. Tên húy (thật) của ông là Lý Càn Đức (李乾德). Ông nổi tiếng là một minh quân trong lịch sử Việt Nam, là người đặt nền móng xây nền giáo dục đại học Việt Nam.
Trong thời gian trị vì, ông cùng với mẹ là nhiếp chính Ỷ Lan và thái úy Lý Thường Kiệt hai lần đánh bại quân Tống.
Lê Thánh Tông (chữ Hán: 黎聖宗; 20 tháng 7[1] năm Nhâm Tuất 1442 – 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ 1497)[1], là vị Hoàng đế thứ năm của nhà Hậu Lê (tính cả Lê Bang Cơ và Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân) trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1460 đến 1497. Ông tên thật là Lê Tư Thành (黎思誠), còn có tên khác là Lê Hạo (黎灝). Ông nổi tiếng là vị minh quân, là người đã đưa Đại Việt lên tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến. Ông cũng được xem là một nhà văn hoá và một người coi trọng hiền tài.
Trong lúc trị vì, Lê Thánh Tông đã đề xuất nhiều cải cách trong hệ thống quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và luật pháp. Ngoài ra, ông đã tiến hành công cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi Đại Việt bằng cách đánh chiếm kinh đô của vương quốc Chiêm Thành (1471), sáp nhập một phần lãnh thổ Chiêm Thành vào Đại Việt; đồng thời có cuộc hành quân về phía Tây đất nước vào năm 1479.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top