Nếu Tôi Ra Đi, Ai Có Nhớ?
Thằng An lủi thủi trong căn buồng kín mít, ô vuông cửa sổ bé tí, may sao vẫn đón được ánh trăng chiếu vào trong đêm yên tĩnh. Tiếng lá xì xào sau những cơn gió nhẹ đi qua. Lắng lòng nó nghe tiếng rút rít, ò ò của côn trùng kêu mãi trong khuya vắng tĩnh mịch. Bất chợt nó nhận ra trong đêm tối tĩnh lặng nhưng không hề im lặng. Cũng như lòng nó vậy!
Lòng thằng bé như thể trĩu nặng ngàn mối tâm tư, vang động một bản trường ca trong tâm hồn sâu thẳm của đứa trẻ vừa mồ côi. Phương trời nào cha mẹ nó có nhận ra một thằng nhóc con giờ đây đã lớn.
Nó mới nhận ra mình mồ côi...
Cầm trên tay chiếc áo mẹ vá ngày xưa, An tức tưởi. cậu khóc như từ nhỏ đến giờ chưa biết khóc, khóc thật lớn, đang tập khóc và khóc thật lớn. Bao nhiêu hình ảnh của mẹ bay vào trong lòng nó và òa ra bao nhiêu kỉ niệm trong đầu đó. "Mẹ có nhớ con không?". Nó nhớ như in ngày hôm đó ông bà già đối xử với nó như thế nào. Người bỏ nó, người đuổi nó.
Chính ngày mưa giông đó là coi như cái ngày nó suy sụp, vào năm nó lên chín. Hôm nay ngày nghĩ hè đầu tiên, mẹ dắt An đi chợ sớm, trên đường về có ông nọ chạc bốn mươi, bán thúng gà con. Thằng bé thấy thích lắm, đòi mẹ mua cho bằng được một con gà, đòi miết rồi thì mẹ nó cũng mua cho một con. Trong cái thúng cả mấy chục con, trăm con, mà thằng chả chọn ngay chăng con gà bị hư một bên mắt. Nói ra chắc phải duyên, nên nợ với con gà chột mắt ấy.
Rồi cũng về tới nhà rồi mới biết, nhưng An thương nó lắm, tầm chiều chiều, là cái lúc đó nó đem khoe con gà khắp chốn, khắp làng, khắp xóm rồi. Về nhà ăn cơm, anh chả ra đằng sau bồng con gà ra trước ngắm ngía. Cha An lúc trưa mới về, lại đi mần tiếp, chắc giờ này còn ở đâu đó làng trên xóm dưới lận. Mẹ An đang ngồi vá cái áo ở đằng trước, nó đi chơi sao mà rách tới ba bốn lỗ nhìn mà phát chán. Thằng chả đưa con gà lên khoe mẹ, nó nói mới cho bé Chột ăn rồi, con gà cũng lớn lên chút đỉnh rồi. Mẹ nó hô: " tổ cha bây, con gà mới mua hồi sáng, giờ mới cho nó ăn miếng gạo mà nó bự lên rồi á hả ông?".
Ra sân chơi, con gà lon ton giữa sân với thằng bé, gió nhẹ thổi cái mùi mãng cầu ta phảng phất nhè nhẹ hòa với mùi hoa cỏ ở căn nhà quê cũ. Ai bật lên cái bài ầu ơ ru con nghe mà rịu cái lỗ tai, mà còn đi sâu vào hồn con người lúc đó:
Ầu ơ... dí (ví) dầu cầu dán (ván) đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập gềnh khó đi,
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học... ờ... con đi trường học
Mẹ đi trường đời...
Ơ ầu ơ...
Bỗng nghe đâu tiếng thất thanh của An. Mẹ nó ngước nhìn lên, thằng nhóc đang đối mặt với con rắn, con rắn nhìn thằng nhỏ như có vẻ muốn cắn một cái thật mạnh thật đau, An vừa chạy vào vừa kêu mẹ, đôi chân nhỏ bé ấy chạy chạy, tay ôm con gà, tiếng gà kêu chíp chíp, An cứ mãi khóc mà kêu mẹ. mẹ An chạy ra đuổi, đập con rắn đó. An không sao hết, con gà chột mắt cũng không sao,thằng nhỏ coi bộ cũng hên. Nhưng nhìn lại thì mẹ nó vì đuổi con rắn ấy lại bị cắn một cái. Lúc An biết mẹ nó bị cắn, nó khóc dữ lắm, khóc coi như rằng là mẹ nó sắp chết tới nơi vậy đó, nó sợ mẹ nó bị rắn cắn chết, nó sợ mẹ mất rồi không còn ai thương nó nữa, mẹ mất rồi không còn ai chăm sóc nó nữa, mất rồi không còn ai nhớ nó nữa, rồi nó không còn gì cả. Bởi làm gì mẹ cũng nghĩ đến An, lo lắng cho thằng bé, nó thương mẹ lắm! Mẹ nó thấy con thương mình vậy cũng không kìm được hai dòng nước mắt rơi rơi, bà hạnh phúc lắm, bà nói này nặn máu độc là ra, mua thuốc uống rồi mơi cha con dìa chở mẹ đi khám, xem là hỏng sao đâu, này con rắn ăn chuột, cắn nhẹ à hỏng có độc đâu mà khóc. Thằng chả cũng nín khóc.
Tối đến mưa giông cũng lớn, gió ù ù, mấy cây tre đằng trước đánh vô nhau nghe lạch cạch, tiếng lá cây xào xạc nghe cũng cảm thấy ớn lạnh. Cha nó về tới nhà mình mẩy cũng ướt nhẹp chèm nhem, ông không biết chuyện gì đang xảy ra khi thấy thằng An ngồi ôm con gà khóc bù lu bù loa. Thấy cha về thằng nhỏ chạy lại ôm cha mà khóc, khóc nấc, khóc nghẹn, khóc không nói được trước sự ngỡ ngàng và chưa biết gì của ông già nó. " Hồi nảy mẹ nóng hổi, rồi giờ mẹ lạnh ngắt ời cha ơi!". Nghe con nói ông chồng bàng hoàng, chạy một mạch vô buồng coi vợ sao, bà nằm im lìm.
Chiều là con rắn có độc chớ không phải rắn bắt chuột, bà bị hành sốt cao, co giật mà bỏ cha con nó. Thằng bé vừa khóc, nó ráng rặn từng con chữ mà kể, vừa kể vừa nuốt nước mắt, nước mắt nước mũi tè le, nó ráng kể, nó kể: " Hồi chiều con chơi với con Chột, nó chạy lon ton vô cái bụi cây đằng trước á, cái tự nhiên đâu có con rắn phóng ra khè khè , hên mà con ôm con gà kịp chạy, mẹ ra đuổi đập con rắn, mẹ bị nó cắn. Con hỏi có sao hông mẹ nói hỏng có sao. Chập tối mẹ than đau, mẹ kêu con qua ông chín thuốc tây mua cho mẹ liều thuốc, rồi đợi cha về coi sao, nhà hết tiền rồi. cái con đang cho con gà ăn nên con kêu mẹ chờ chút, hồi sau mẹ rên than đau quá, con bực bội mới đi qua ông chín liền, mẹ móc tiền còn mấy ngàn trong túi, lúc đó mẹ nóng như lửa vậy á cha. Con đi dọc đường con nhớ lại chưa cho con gà vô chuồng, sợ nó đi bậy bị con rắn hồi chiều cắn, con chạy về. Lúc về nghe mẹ réo tên con dữ lắm, mẹ kêu An ơi mẹ nhớ con, con đâu rồi, con có sao hông, cái sao hồi mẹ lạnh ngắt hà... Cha ơi con sợ lắm, mẹ có sao hông cha."
Nghe con kể mà mặt ông tím ngắt, đầu ông nghĩ nhiều lắm, ông muốn khuỵ xuống nhưng đôi chân ông cứ cứng đơ, đầu cảm thấy nóng bừng, mắt cay cay, rồi ông tức dữ lắm, tay giựt con gà con mà ông quăng ra ngoài sân, vào ông tán thằng nhỏ một bàn tay rõ đau, nó ngã xuống, ông túm áo nó lên mà chửi vào mặt nó: "Thằng con bất hiếu, thằng mất dạy, mày bỏ mẹ mày nằm sốt, mày lo cho con gà mù của mày, mẹ mày bây giờ bả nằm đó rồi, mày thì xót cho con gà ở ngoài sân, tao với bả cả đời nuôi mày, bây giờ bả chết là tại cứu cái mạng mày, bả thương mày, mày.. mày... mày đi ra khỏi nhà cho tao, đi mau, mày đi, mày ôm con gà mù mà mày đi, mày đừng có ở cái nhà này nữa, thằng nghịch tử, đi mau!".
Tiếng khóc ngày một lớn, thằng nhỏ quá hoảng mà, cái cảnh tượng mà suốt cả cuộc đời nó, không! Cả khoảng đời nó tới nay chưa bao giờ nó ngờ rằng có một ngày như vậy, thằng nhỏ chỉ mới chín tuổi, có lẽ cái đêm mưa này là cái đêm hằn trên trái tim nhỏ bé của nó một vết sâu và lớn, nó không thể khóc được nữa, đôi mắt long lanh của nó trước đây giờ ứa đọng nước mắt, như muốn sụp xuống, ánh mắt ngày càng bộc lên cái vẻ vô hồn, nó run rẫy trong vô thức, run vì lạnh của mưa giông hay buốt giá trong tâm can của đứa nhỏ chưa lên mười, đôi tay nhỏ bé thằng an nắm chặt xiếc lại vô nhau từ lúc nào, cái nắm đó làm bàn tay nó có cả vết hằn lớn, trên gương mặt nhỏ bé, một vết bàn tay chai sần vì mưa nắng, vất vả khổ cực và đau đớn của ông cha đã in vào mặt nó, rướm máu.
Thằng nhỏ chạy một mạch ra ngoài, ôm con gà thoi thóp mà chạy, nó chạy trong tiếng khóc của nó, của cha nó, của ông trời và của con gà con nhỏ xíu bị chột mắt. Đêm đó là một đêm mưa giông lớn lắm, như ông trời khóc thương cho số phận của thằng An, một sự kiện kinh hoàng đối với đứa nhóc. Trong màn đêm gió mưa, nó cứ chạy, đôi chân nhỏ bé cứ chạy, từng bước đi sâu vào lòng bóng tối, tối tăm như khoảng lòng của An, bóng dáng đứa trẻ ôm con gà nhỏ cứ lao vào bóng đêm, màn đêm dần nuốt chửng đứa trẻ, một màu đen.
Người đàn ông đi miết cũng nghe được tin, có đứa trẻ tầm mười tuổi, ốm ốm, đen đen, đôi mắt tròn xoe như hột nhãn, mái tóc màu hạt dẻ, có vết bớt sau gáy tầm một lóng tay. Ông này mừng dữ lắm, chắc chắn là thằng An rồi. Nghĩ cũng lạ, thằng nhỏ năm ngoái có chín tuổi, tới nay mà nó trốn cha nó kĩ thiệt. Ổng kiếm hoài không thấy. Chắc có khi nó trốn đằng đông, ông cha kiếm đằng tây, nó trốn đằng tây ổng kiếm đằng đông.
Thằng nhỏ giờ đi theo cái đoàn hát cải lương, đi tứ xứ. Nó vào trỏng làm sai lặt vặt, giả tỉ mà có vai nào cỏn cỏn con con thì ông bầu cho nó lên sân khấu đứng. Hay tin con mình vậy ông cha biết nó còn sống, cũng mừng lắm, vội vội vàng vàng đạp chiếc xe tập tàn, tàn tạ, đi kiếm con.
Trên đường đi tìm An, cái cảnh ông vố thằng nhỏ một bạt tay còn nhớ như in, hiện lên trước mắt, nghĩ lại, tay ổng còn thấy ngứa ngứa mà đau đau. Suy nghĩ tới lúc gặp con, con chạy lại ôm mình, mình ôm nó, cha sẽ nói xin lỗi An, ôm nó vào lòng và khóc dữ lắm, chắc nó cũng nhớ cha lắm, cha nhớ con lắm An à!
Tới đoàn hát đó, nói chuyện kiếm thằng nhỏ, thì một người trong đoàn dắt ông ra sau để coi phải con ông không. Thằng bé đang lật đật xếp gọn gàng mấy bộ đồ để chuẩn bị trình diễn cho mấy đêm tới, thấy cưng lắm! Nghe cái giọng trầm ấm, quen quen, nhớ nhớ kêu tên nó, "An!", nó quay qua, thì trước mặt nó là một ông trung niên bốn mấy, gầy gò, gương mặt dãi nắng dầm mưa không ăn không ngủ, đôi mắt sâu hút đượm buồn vì tìm con chẳng thấy, mái tóc dần ngã bạc như muối tiêu, lơ phơ bay, đôi môi khô ráp sau bao tiếng gọi "con ơi! An à!", bàn tay chai sần vì nhọc nhằn, bàn tay đó đã tát nó, đôi chân to đó do đi đây đi đó bán từng tờ vé số để nuôi vợ con. Đôi mắt ông cha lúc này ứa đẫm nước, khóe mắt đỏ hoe như màu phượng buồn, thằng con cũng rơi nước mắt lúc nào không hay. Mà trước nụ cười hạnh phúc của cha, là khuôn mặt vô cảm của An. Thằng nhỏ đứng hình, trong nó lúc này như thể trăm gói tơ vò, nó không biết nên làm sao nữa, người cha thương yêu nó, mong nhớ nó, lại đánh đuổi nó vào đêm nó mất mẹ, à không mẹ nó chỉ nằm im chưa mất, chưa mất đâu! Bạt tay đó, đêm đó đã chôn sâu người ta của nó vào bóng tối thăm thẳm.
Rồi thằng nhỏ đứng lên, tưởng chừng như viễn cảnh ông cha đã suy nghĩ, nó sẽ nhàu vào lòng ông. Không! Nó chạy một mạch ra ngoài trước, vẻ như trốn cha nó vậy, vừa chạy vừa nhìn phía sau, rồi nó dừng lại ngay chỗ mấy chú dựng sân khấu, đôi chân nó chùn lại. Mấy ông dựng sân khấu, đóng cái bảng lên cái cây bắt ngang thì sảy cái tay, ông chụp không kịp, cha thằng An không biết từ đâu nhau ra đỡ, xô nó ra một bên, ông nằm dưới đất, cây đinh bự còn ghim trên cổ ông, máu nhiều lắm, cứ ứa máu ra, cảnh trước mặt như một cái gì đó vô cùng kinh dị, nó dồn dập, đập vào đôi mắt thằng bé mười tuổi lại là một cảnh vô cùng kinh khủng khiếp, nó im lặng, nó lại run như đêm đó, cái đêm mưa giông kinh hãi, vò tóc ôm đầu, thét lên một tiếng: "Cha!". Rồi chạy đi mất hút.
Gọi là sống đầu đường xó chợ, hai ba năm, An từng sống như một thằng ăn mày, nơi này tới nơi khác, như mấy bộ kiếm hiệp kêu là cái bang, phiêu bạc giang hồ coi tứ bể là nhà, bởi nó không nghĩ mình có nhà nữa. Thằng bé mười ba tuổi giờ bán vé số, cái nghề của cha nó. Trời xui đất khiến đời nó được bán vé số, đỡ hơn là ăn xin, thằng nhóc được một đám trẻ không cha không mẹ cho nhập hội, tụi này đi bán vé số kiếm sống. Ngày nào mà bán nhiều thì có cơm ăn, có thịt ăn, bữa nào ế thì rau với cháo. Có khi mấy người mua thấy tội cũng cho mấy đứa miếng cơm, miếng cá cũng hỏng chừng.
Bữa đó, ngày 28 tết, đám mồ côi ngồi quanh nhau trong cái chồi lụp xụp, tối đó ngoài trời phất phơ vài hạt mưa, cũng se se lạnh khí tết, cũng có được ánh sao trời li ti mờ mờ ảo ảo chiếu cho sáng sáng tí. Đương không mấy đứa nhỏ nhắc tới người thân, hỏi về gia đình nhau. Gia đình... ờ thì nói gia đình vậy thôi, biết nó có không. Thằng thì sinh ra đã không có cha, mẹ mất, bà nuôi rồi bà cũng về với đất. Có nhỏ thì sinh ra xong cha mẹ không ở với nhau, mẹ có người mới, cảnh gà trống nuôi con một thời gian thì cha cũng theo người đàn bà khác. Đứa thì do có nó ngoài ý muốn, nên vừa sinh ra đã không có ai bên cạnh hết. Thằng nhóc nhỏ nghẹn ngào, nó hỏi cha mẹ là gì vậy? Em chỉ biết em sinh ra bên cạnh cái thùng rác ngoài chợ thôi! Người thì đã may mắn thấy được mặt cha mẹ, có đứa còn không biết nó chui ra từ đâu nữa. Trời xui đất khiến cho đám mồ côi này gặp nhau giữa chợ đời.
Thằng An nó ngồi buồn thiu thỉu, vẫn chưa biết mình mồ côi đâu, hoặc nó không muốn nghĩ vậy, dù không nhà nhưng nó vẫn có cha mẹ nhớ nó, chắc vậy! Mạng của nó là do cha mẹ nó hy sinh tới phút cuối cùng để đổi lại.
Gió hù hụ, đám trẻ ôm nhau mà ngủ say sưa. Sáng ra cả đám thấy thiếu một thằng trong nhóm.
Đường xá nào, quỷ thần nào mà dẫn dắt, cho nó biết về đường xưa quê cũ. Cũng chiều rồi, gần sụp tối rồi. Một con gà lon ton trên con đường cùng với mẹ nó, có cha nó nữa, rồi đám gà anh em nữa. Tình cờ An nhìn, thấy một con gà con, như in năm xưa, nó bị chột một con mắt, thẳng nhỏ bắt con gà lên mà ngắm ngía, tiếng kêu chíp chíp làm nó nhớ ngày hôm đó...
" Bây mua dìa nuôi là phải nuôi nghe hôn, phải lo lắng cho nó, có trách nhiệm với nó, đem nó dìa mà con bỏ xó là mẹ quánh đòn con đó nghen". Thằng nhóc lanh miệng nói: " con nuôi tốt mà mẹ, nuôi cho nó lớn như con luôn, con thương nó lắm lắm luôn". Mẹ nó chọc: " Ờ có người thương con gà, hết có thương nhớ gì tới tui rồi!". Thằng bé nhanh miệng: " dạ hông, con là con thương mẹ thương cha nhất trên đời, yêu mẹ cha nhất trên đời!".
Thương mẹ thương cha nhất trên đời, yêu mẹ cha nhất trên đời. Tiếng nói còn văng vẳng bên tai An. Đôi má hơi có vẻ gầy , đôi mắt có vẻ sâu nhưng vẫn long lanh ấy đã đỏ hoe từ khi nào. Gò má nó chảy hai hàng nước mắt, hai hàng nước mặn chát như cảnh đời của nó, ôm sát hai gò má đầy bụi đời của đứa nhỏ. Gió lạnh thổi qua lớp áo mỏng te, mái tóc đứa trẻ cũng phất phơ theo gió. Ánh mắt vô hồn đó nhìn về dòng nước lênh đênh, đám lục bình trôi dạt vô định hướng, khúc cây khô cũng xuôi theo con nước lạnh, cảnh trời cũng xẩm xì ảm đạm, đám cây cứ rủ lá mà lơ phơ lất phất. Tiếng cóc nhái, côn trùng bắt đầu mở màn giao hưởng đêm khuya, bài hát vô định của đứa con bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời gió rét.
Con đường đêm, năm đó nó chạy đi trong cơn giông cùng với con gà, giờ chỉ còn có mình ên nó. Bước chân nhỏ nhoi chạy về lối cũ, nơi nó từng chạy khỏi bốn năm trường vẫn nhớ. Cái lối có hai hàng chuối quơ quơ lá, cái lối có mấy cây bạch đàn phơ phất sầu. Đôi chân nhỏ chạy là bà lạch bạch trong cảnh sập trời. Trước đôi mắt nhỏ bé là một khung trời ảm đạm, hay lòng nó ảm đạm chăng?
Trước mặt thằng nhỏ là cảnh hoang sơ, cỏ mọc um tùm trước căn nhà đơn sơ, liêu xiêu mái lá, chó đẻ cũng mọc nhiều. Căn nhà ba người từng hạnh phúc, nói cười vui vẻ. Là cái sân mà cả nhà hay ngồi ban tối ngắm sao trời. Ngôi sao bự nhất ở đó là cha, kia nhỏ hơn là mẹ, còn nhỏ nhất là con...
Gió, lại là Gió, lần này nó không chỉ là thổi thấu qua lớp áo, mà thấu qua cả thớ da thịt mỏng manh, thấu qua cả tim gan đứa bé mới mười ba tuổi. Mới biết mình mồ côi. Mới biết cái gió lạnh của khí tết không người. Mấy năm nay nó không thấy được vậy!
Ảnh gia đình nó vẫn còn trên cái bàn học của nó, mặt dù nhòe đi, bám bụi nhưng vẫn là hình ảnh đó, ba người hạnh phúc cùng vui cười ôm nhau trong bức ảnh cũ. Ở trong buồng nó nghe được vang vọng tiếng con ơi.
Đứa bé mới bắt đầu mồ côi. Nghe cha mẹ nó gọi hãy về với cha mẹ, nhớ con! Nó thấy lạnh, lạnh ngoài xác thịt hay lạnh lòng, lạnh ngắt.
Nhắm mắt nó hỏi rằng, tôi ra đi chắc ai còn nhớ? Đứa trẻ mới bị mồ côi...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top