Nêu các đặc điểm cơ bản của CNTBĐQ.Phân tích đặc điểm thứ nhất,thứ hai,thứ 3.
Câu 11+12+13:Nêu các đặc điểm cơ bản của CNTBĐQ.Phân tích đặc điểm thứ nhất,thứ hai,thứ 3.
Có 5 đặc điểm ktế cơ bản của CNTBĐQ:
+Sự tập trung sản xuất và các tổ chức độc quyền
+Tư bản tài chính và bọn đầu sỏ tài chính
+Xuất khẩu tư bản.
+Sự phân chia thế giới về ktế giữa các tổ chức độc quyền
+Sự phân chia tranh giành lãnh thổ giữa các cương quốc tư bản.
a/Sự tập trung sản xuất và các tổ chức độc quyền.
Tích tụ và tập trung sản xuất cao dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền là đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa đế quốc.
Trong những năm 1900, ở Mỹ, Đức, Anh, Pháp đều có tình hình là các xí nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 1% tổng số xí nghiệp, nhưng chiếm hơn 3,4 tổng số máy hơi nước và điện lực gần một nửa tổng số công nhân và sản xuất ra gần một nửa tổng số sản phẩm. Sự tích tụ và tập trung sản xuất đến mức cao như vậy đã trực tiếp dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền. Bởi vì, một mặt, do có một số ít các xí nghiệp lớn nên có thể dễ dàng thoả thuận với nhau; mặt khác, các xí nghiệp có quy mô lớn, kỹ thuật cao nên cạnh tranh sẽ rất gay gắt, quyết liệt, khó đánh bại nhau, do đó đã dẫn đến khuynh hướng thoả hiệp với nhau để nắm độc quyền.
Tổ chức độc quyền là tổ chức liên minh giữa các nhà tư bản lớn để tập trung vào trong tay phần lớn việc sản xuất và tiêu thụ một số loại hàng hoá nào đó nhằm mục đích thu được lợi nhuận độc quyền cao.
Khi mới bắt đầu quá trình độc quyền hoá, các liên minh độc quyền hình thành theo liên kết ngang, nghĩa là mới chỉ liên kết những doanh nghiệp trong cùng một ngành, nhưng về sau theo mối liên hệ dây chuyền, các tổ chức độc quyền đã phát triển theo liên kết dọc, mở rộng ra nhiều ngành khác nhau.
Những hình thức độc quyền cơ bản là: cácten,xanhđica, tơrớt, côngxoócxiom, cônggơlômêrát.
- Cácten là hình thức tổ chức độc quyền giữa các nhà tư bản ký hiệp nghị thoả thuận với nhau về giá cả, quy mô, sản lượng, thị trường tiêu thụ, kỳ hạn thanh toán, v.v.. Các nhà tư bản tham gia cácten vẫn độc lập về sản xuất và thương nghiệp. Họ chỉ cam kết làm đúng hiệp nghị, nếu làm sai sẽ bị phạt tiền theo quy định của hiệp nghị. Vì vậy, cácten là liên minh độc quyền không vững chắc. Trong nhiều trường hợp, những thành viên thấy ở vào vị trí bất lợi đã rút ra khỏi cácten, làm cho cácten thường tan vỡ trước kỳ hạn.
- Xanhđica là hình thức tổ chức độc quyền cao hơn, ổn định hơn cácten. Các xí nghiệp tham gia xanhđica vẫn giữ độc lập về sản xuất, chỉ mất độc lập về lưu thông: mọi việc mua - bán do một ban quản trị chung của xanhđica đảm nhận. Mục đích của xanhđica là thống nhất đầu mối mua và bán để mua nguyên liệu với giá rẻ, bán hàng hoá với giá đắt nhằm thu lợi nhuận độc quyền cao.
- Tơrớt là một hình thức độc quyền cao hơn cácten và xanhđica, nhằm thống nhất cả việc sản xuất, tiêu thụ, tài vụ đều do một ban quản trị quản lý. Các nhà tư bản tham gia tơrớt trở thành những cổ đông thu lợi nhuận theo số lượng cổ phần.
- Côngxoócxiom là hình thức tổ chức độc quyền có trình độ và quy mô lớn hơn các hình thức độc quyền trên. Tham gia côngxoócxiom không chỉ có các nhà tư bản lớn mà còn cá các xanhđica, tơrớt, thuộc các ngành khác nhau nhưng liên quan với nhau về kinh tế, kỹ thuật. Với kiểu liên kết dọc như vậy một côngxoócxiom có thể có hàng trăm xí nghiệp liên kết trên cơ sở hoàn toàn phụ thuộc về tài chính vào một nhóm tư bản kếch sù.
b/Tư bản tài chính và bọn đầu sỏ tài chính.
Cùng với quá trình tích tụ và tập trung sản xuất trong công nghiệp cũng diễn ra quá trình tích tụ, tập trung tư bản trong ngân hàng, dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền trong ngân hàng. Quy luật tích tụ, tập trung tư bản trong ngân hàng cũng giống như trong công nghiệp, do quá trình cạnh tranh các ngân hàng vừa và nhỏ bị thôn tính, dẫn đến hình thành những ngân hàng lớn. Khi sản xuất trong ngành công nghiệp tích tụ ở mức độ cao, thì các ngân hàng nhỏ không đủ tiềm lực và uy tín phục vụ cho công việc kinh doanh của các xí nghiệp công nghiệp lớn.
Các tổ chức độc quyền này tìm kiếm các ngân hàng lớn hơn, thích hợp với các điều kiện tài chính và tín dụng của mình. Trong điều kiện đó, các ngân hàng nhỏ phải tự sát nhập vào các ngân hàng mạnh hơn, hoặc phải chấm dứt sự tồn tại của mình trước quy luật khốc liệt của cạnh tranh. Quá trình này đã thúc đẩy các tổ chức độc quyền ngân hàng ra đời.
Sự xuất hiện, phát triển của các tổ chức độc quyền trong ngân hàng đã làm thay đổi quan hệ giữa tư bản ngân hàng và tư bản công nghiệp, làm cho ngân hàng bắt đầu có vai trò mới. Ngân hàng từ chỗ chỉ là trung gian trong việc thanh toán và tín dụng, nay đã nắm được hầu hết tư bản tiền tệ của xã hội nên có quyền lực vạn năng, khống chế mọi hoạt động của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Dựa trên địa vị người chủ cho vay, độc quyền ngân hàng cử đại diện của mình vào các cơ quan quản lý của độc quyền công nghiệp để theo dõi việc sử dụng tiền vay, hoặc trực tiếp đầu tư vào công nghiệp. Trước sự khống chế và chi phối ngày càng xiết chặt của ngân hàng, một quá trình xâm nhập tương ứng trở lại của các độc quyền công nghiệp vào ngân hàng cũng diễn ra. Các tổ chức độc quyền công nghiệp cũng tham gia vào công việc của ngân hàng bằng cách mua cổ phần của ngân hàng lớn để chi phối hoạt động của ngân hàng, hoặc lập ngân hàng riêng phục vụ cho mình. Quá trình độc quyền hoá trong công nghiệp và trong ngân hàng xoắn xuýt với nhau và thúc đẩy lẫn nhau làm nảy sinh một thứ tư bản mới, gọi là tư bản tài chính.
V.I.Lênin nói: "Tư bản tài chính là kết quả của sự hợp nhất giữa tư bản ngân hàng của một số ít ngân hàng độc quyền lớn nhất, với tư bản của những liên minh độc quyền các nhà công nghiệp".
Sự phát triển của tư bản tài chính dẫn đến sự hình thành một nhóm nhỏ độc quyền, chi phối toàn bộ đời sống kinh tế và chính trị của toàn xã hội tư bản gọi là bọn đầu sỏ tài chính.
Bọn đầu sỏ tài chính thiết lập sự thống trị của mình thông qua chế độ tham dự. Thực chất của chế độ tham dự là một nhà tài chính lớn, hoặc một tập đoàn tài chính nhờ có số cổ phiếu khống chế mà nắm được một công ty lớn nhất với tư cách là công ty gốc (hay là "công ty mẹ"); công ty này lại mua được cổ phiếu khống chế, thống trị được công ty khác, gọi là "công ty con"; "công ty con" đến lượt nó lại chi phối các "công ty cháu" cũng bằng cách như thế... Nhờ có chế độ tham dự và phương pháp tổ chức tập đoàn theo kiểu móc xích như vậy, bằng một lượng tư bản đầu tư nhỏ, các nhà tư bản độc quyền tài chính có thể khống chế và điều tiết được một lượng tư bản lớn gấp nhiều lần.
Ngoài "Chế độ tham dự", bọn đầu sỏ tài chính còn sử dụng những thủ đoạn như: lập công ty mới, phát hành trái khoán, kinh doanh công trái, đầu cơ chứng khoán ở sở giao dịch, đầu cơ ruộng đất... để thu được lợi nhuận độc quyền cao.
- Thống trị về kinh tế là cơ sở để bọn đầu sỏ tài chính thống trị về chính trị và các mặt khác. Về mặt chính trị, bọn đầu sỏ tài chính chi phối mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, biến nhà nước tư sản thành công cụ phục vụ lợi ích cho chúng. Sự thống trị của bọn tài phiệt đã làm nảy sinh chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quân phiệt và nhiều thứ chủ nghĩa phản động khác, cùng chạy đua vũ trang gây chiến tranh xâm lược để áp bức, bóc lột các nước đang phát triển và chậm phát triển.
c/Xuất khẩu tư bản.
V.I.Lênin vạch ra rằng, xuất khẩu hàng hoá là đặc điểm của giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, còn xuất khẩu tư bản là đặc điểm của chủ nghĩa tư bản độc quyền.
- Xuất khẩu tư bản là xuất khẩu giá trị ra nước ngoài (đầu tư tư bản ra nước ngoài) nhằm mục đích chiếm đoạt giá trị thặng dư và các nguồn lợi nhuận khác ở các nước nhập khẩu tư bản.
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xuất khẩu tư bản trở thành tất yếu vì:
+ Một số ít nước phát triển đã tích luỹ được một khối lượng tư bản lớn và có một số "tư bản thừa" tương đối cần tìm nơi đầu tư có nhiều lợi nhuận so với đầu tư ở trong nước .
+ Nhiều nước lạc hậu về kinh tế bị lôi cuốn vào sự giao lưu kinh tế thế giới nhưng lại rất thiếu tư bản, giá ruộng đất tương đối hạ, tiền lương thấp, nguyên liệu rẻ, nên tỷ suất lợi nhuận cao, rất hấp dẫn đầu tư tư bản.
+ Xuất khẩu tư bản được thực hiện dưới hai hình thức chủ yếu: xuất khẩu tư bản hoạt động (đầu tư trực tiếp) và xuất khẩu tư bản cho vay (đầu tư gián tiếp).
+ Xuất khẩu tư bản hoạt động (đầu tư trực tiếp) là hình thức xuất khẩu tư bản để xây dựng những xí nghiệp mới hoặc mua lại những xí nghiệp đang hoạt động ở nước nhận đầu tư, biến nó thành một chi nhánh của công ty mẹ ở chính quốc. Các xí nghiệp mới hình thành thường tồn tại dưới dạng hỗn hợp song phương hoặc đa phương, nhưng cũng có những xí nghiệp toàn bộ vốn của công ty nước ngoài.
+ Xuất khẩu tư bản cho vay (đầu tư gián tiếp) là hình thức xuất khẩu tư bản được thực hiện dưới hình thức cho chính phủ, thành phố, hay một ngân hàng ở nước ngoài vay tư bản tiền tệ có thu lãi.
- Thực hiện các hình thức xuất khẩu tư bản trên, xét về chủ sở hữu tư bản, có thể phân tích thành xuất khẩu tư bản tư nhân và xuất khẩu tư bản nhà nước.
Xuất khẩu tư bản nhà nước là nhà nước tư bản độc quyền dùng nguồn vốn từ ngân quỹ của mình để đầu tư vào nước nhập khẩu tư bản; hoặc viện trợ có hoàn lại hay không hoàn lại, để thực hiện những mục tiêu về kinh tế, chính trị và quân sự về kinh tế, xuất khẩu tư bản nhà nước thường hướng vào các ngành thuộc kết cấu hạ tầng để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư của tư bản tư nhân. Nhà nước tư bản viện trợ không hoàn lại cho nước nhập khẩu tư bản để ký được những hiệp định thương mại và đầu tư có lợi...
Về chính trị, viện trợ của nhà nước tư sản thường nhằm duy trì và bảo vệ chế độ chính trị "thân cận", đã bị lung lay ở các nước nhập khẩu tư bản, tăng cường sự phụ thuộc của các nước đó vào các nước đế quốc, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, tạo điều kiện cho tư nhân xuất khẩu tư bản.
Về quân sự, viện trợ của tư bản nhà nước nhằm lôi kéo các nước phụ thuộc vào khối quân sự hoặc buộc các nước nhận viện trợ phải cho các nước xuất khẩu lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình...
Xuất khẩu tư bản tư nhân là hình thức xuất khẩu tư bản tư nhân thực hiện. Hình thức này có đặc điểm cơ bản là nó thường được đầu tư vào những ngành kinh tế có vòng quay tư bản ngắn và thu được lợi nhuận độc quyền cao, dưới hình thức các hoạt động cắm nhánh của các công ty xuyên quốc gia.
Việc xuất khẩu tư bản là sự mở rộng quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra nước ngoài, là công cụ chủ yếu để bành trướng sự thống trị, bóc lột, nô dịch của tư bản tài chính trên phạm vi toàn thế giới.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top