Nep song van hoa
NẾP SỐNG VĂN HÓA
Được sống giữa những con người có văn hoá bao giờ cũng là một cuộc sống dễ chịu , hạnh phúc và đáng mơ ước . Có người học thức cao nhưng chưa chắc đã có văn hoá , ngược lại có người tuy học ít , nhưng biết cách sống có văn hoá , có tình người thì thật đáng cho ta trân trọng .
Danh ngôn đã có câu : " Văn hoá là những gì còn lại sau khi người ta đã quên hết " ....
Nói chung , sự biểu hiện nếp sống thiếu văn hoá thì rất nhiều , nó xảy ra hàng ngày chung quanh cuộc sống của chúng ta . Nhưng làm thế nào để nhận biết một người có văn hoá hay không có văn hóa ?
Ta hãy thử nhìn xem có rất nhiều vị trông dáng vẻ bề ngoài khá lịch sự sang trọng , có bằng cấp hẳn hoi , có chỗ đứng vững vàng trong xã hội , nhưng họ không có sức cuốn hút , hấp dẫn người khác bởi vì những cử chỉ , lời nói , cách cư xử , việc làm của họ...thiếu văn hóa !
Trong cuộc sống hàng ngày , nét đẹp văn hóa của mỗi người không chỉ thể hiện ở dáng vẻ bề ngoài mà còn biểu lộ ra ở ngôn ngữ , cử chỉ , lối sống , cách cư xử , việc làm ... của người đó nữa .
Người có duyên thu hút được nhiều người quý mến thì nhất định phải là người có văn hóa.
Và người có văn hóa thông thường phải thể hiện được các nhân cách như sau đây :
NGÔN NGỮ : Đây là biểu hiện rất dễ nhận ra , một người có văn hoá bao giờ cũng nói năng ôn tồn , nhã nhặn , khả ái , chân thành ...Nếu như tài sản dùng để phân biệt giai cấp xã hội giữa người nghèo và người giàu , thì ngôn ngữ là điều dùng để phân biệt trình độ văn hoá của một con người . Tầng lớp giàu văn hoá thường có một kho từ vựng dồi dào tinh tế , đẹp đẽ , biết xử dụng nó một cách phù hợp , đúng nơi đúng chỗ .Họ luôn giữ chữ tín khi nhận lời giúp ai một việc gì đó ; Giữ chữ tín còn thể hiện trong những cuộc hẹn đúng giờ. Bạn nghĩ sao nếu một người con gái xinh đẹp được coi là quý phái sang trọng mà luôn luôn thất hẹn hoặc trễ hẹn .
Không bao giờ " ngồi lê đôi mách " kể chuyện của người này người nọ , rồi đưa ra lời bình phẩm , chê bai. Điều đó vừa mất thời gian , vừa hạ thấp nhân cách của chính mình . Hơn nữa , khi ai đó tâm sự với mình những chuyện thầm kín riêng tư , tuyệt đối phải giữ bí mật cho người ta.
CỬ CHỈ : Người có văn hoá bao giờ cũng có một thái độ đúng mực , không kiểu cách giả tạo . Ví dụ như không kênh kiệu hống hách cũng không quá khúm núm , sợ sệt . Không quá phô trương lộ liễu cũng không bao giờ để cho mình tồi tàn .Luôn luôn ý tứ trong việc đi đứng , nằm ngồi ở mọi nơi , mọi lúc .
Luôn giữ cho mình một phong thái đĩnh đạc đàng hoàng , những cử chỉ và lời nói đẹp luôn ở trên môi . Chỉ cần một sơ ý nhỏ thôi ( chẳng hạn như một cái ngáp dài hay thò tay ngoáy mũi ở chỗ đông người ) thì bạn sẽ thiếu đi nét đẹp văn hóa và đánh mất vẻ đẹp duyên dáng của mình.
TRANG PHỤC : Dù ở đâu hay bất cứ trong hoàn cảnh nào thì người có văn hóa cũng phải biết ăn mặc một cách tươm tất , phù hợp với tuổi tác , mức sống , công việc đang làm ... Tuyệt đối không bao giờ ăn mặc hở hang giữa nơi đông người , không đi dự đám cưới đám tiệc bằng áo thun quần short hoặc dự đám tang trong chiếc áo đầm sặc sỡ.
Phải có con mắt thẩm mỹ để biết cách ăn mặc , trang điểm phù hợp với môi trường , hoàn cảnh sống. Sẽ trở nên vô duyên nếu khi đến thăm một người ốm đau nằm trong bệnh viện mà bạn lại diện bộ đồ sặc sỡ và trang điểm son phấn loè loẹt.
ỨNG XỬ : Luôn luôn tỏ ra thân thiện với hết tất cả mọi người , và bất kỳ trong hoàn cảnh nào người có văn hóa cũng cố giữ cho được sự bình tĩnh , lịch sự , tìm phương cách ôn hoà nhất để giải quyết những mâu thuẫn , bất đồng .
Biết ứng xử khéo léo ở nơi đông người và trong các tình huống giao tiếp. Ở nơi đông người , bạn không nên nhìn ngó , nhìn nghiêng chỗ này chỗ nọ và cũng đừng chen ngang vào chuyện người khác khi mức độ quan hệ của mình với họ chưa thân thiết.
Không nên gác hai chân lên ghế , mắt lơ đễnh nhìn đi nơi khác khi trong một cuộc họp có người đang phát biểu...
Hãy biết tha thứ và cư xử với mọi người chân thành , đúng mực. Lòng vị tha , bao dung của bạn luôn mang lại sự kính trọng , lòng biết ơn của nhiều người đối với bạn. Thật là một hành vi vô đạo đức , nếu bạn cứ thích lấy điểm yếu của người khác ra làm trò cười cho thiên hạ .
Bên cạnh đó , khi tiếp xúc với ai , bạn nên có thái độ đúng mực , không tự kiêu cũng không tự ti , dù cho người đó có địa vị , học vấn cao hay thấp.
Phải có sự đánh giá đúng đắn về mình , đừng bao giờ tự coi mình là giỏi giang là hiểu biết hơn hết tất cả mọi người. Nếu vậy , dù cho là bạn có tài giỏi đến đâu đi chăng nữa thì bạn sẽ chẳng chiếm được tình cảm yêu mến của mọi người.
Ý THỨC : Ý thức tôn trọng bản thân của người có văn hóa rất cao : Thông qua việc tôn trọng pháp luật , lẽ phải , phong tục tập quán , biết cách sống hài hoà giữa cộng đồng dù là giống mình hoặc khác mình .
Văn hoá được hun đúc từ đâu ? Từ gia đình , nhà trường và cuộc sống chung quanh mình . Quan trọng nhất là sự rèn luyện ở ngay chính bản thân của mình mà có được .
Tế nhị là gì ?
Tế nhị là gì ? Vì sao ta phải tế nhị ? Đó quả là một vấn đề phức tạp và hết sức ....tế nhị .Có người lại bảo : Thanh niên thì ít tế nhị . Phải chăng đức tính tế nhị chỉ dành cho những người từng trải trên trường đời . Thực ra không phải như vậy . Tế nhị thuộc về đạo đức , một nhân cách con người . Tính e dè một tình cảm bình thường của con người là chất liệu tạo thành tính tế nhị . Đó là về mặt nội dung , còn về hình thức thì đó là tiếng nói và lý trí của lòng tốt con người . Những con người tự cao tự đại thì không có nhiều chất tế nhị , vì ở nơi họ không có sự tương quan giữa khả năng và quyền lợi của mình với khả năng và quyền lợi của người khác .( Điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người ta ) được xem là tiêu chuẩn để làm thước đo tính tế nhị . Bởi vì trước khi mình định làm một việc gì đó , không những cần xem xét nó có chính đáng hay không ? có hợp đạo lý làm người hay không ? mà còn cần phải xét xem những người chung quanh mình cảm nhận được hành động đó như thế nào ? Hãy thử đặt mình vào địa vị đối tượng hành động của mình để biết cảm giác của họ sẽ ra sao ?Người biết cách cư xử tế nhị sẽ mang lại sự hòa thuận vui vẻ với mọi người ở chung quanh . Thí dụ như là : + Khi xảy ra xích mích hay xung đột , bạn nên nhận lỗi về phần mình . Hãy nhớ câu ngạn ngữ : " Một bước lùi bằng mười bước tiến " . + Hãy kìm nén sự nóng giận của mình và dùng những lời lẽ thật tế nhị thuyết phục người khác nhận ra lỗi của mình . + Trước hết , hãy tự trách bản thân mình vì bạn không phải là người hoàn hảo . Như người xưa đã dạy : " Tiên trách kỷ , hậu trách nhân " . + Luôn luôn giữ thể diện cho đối phương của mình , bởi vì chỉ khi bạn tôn trọng người khác thì bạn mới được họ tôn trọng lại . + Nên nhìn nhận một cách khách quan những phần phải của họ để tự rút ra cho mình những bài học về đối nhân xử thế . + Cố gắng tìm cách xoa dịu sự nóng nảy của họ cũng như bản thân mình bằng nụ cười tươi như hoa hay là nói lên những câu dí dỏm hài hước để cả hai cùng biết thông cảm nhau hơn . + Hãy bình tĩnh trước mọi tình huống . Đừng vì một chút tự ái nông nổi của mình mà xúc phạm người khác . + Luôn tỏ ra thật nhã nhặn . Chính thái độ ôn hoà của bạn sẽ dễ dàng thuyết phục được những người xung quanh ta. Sự lễ độ là một trong những nét chủ yếu của văn hoá ở một con người . Sự lễ độ cùng với cách cư xử tế nhị và những cử chỉ tao nhã sẽ tạo thành cho bạn một phong cách lịch sự khiến cho mọi người chung quanh vô cùng quý mến và nể phục bạn .Nếu bạn nhường chỗ cho một phụ nữ hay người già trên xe bus bằng một cử chỉ lộ liễu , phô trương ...thì tất nhiên trong thái độ cư xử của bạn không có tính tế nhị , và như vậy cũng chưa phải là lịch sự . Phép lịch sự cần cả sự lặng lẽ ---đó là điều cần nhớ --- Tế nhị là ý thức về mức độ trong tất cả mọi lãnh vực chứ không chỉ trong cử chỉ xã giao . Thật vậy , không có gì bực mình hơn là một người nào đó mà ta không ưa lại cứ vỗ vai , vỗ lưng ta ... rồi buông ra những tiếng mày , tao suồng xã mỗi lần gặp mặt . Ngay cả giữa những người bạn thân với nhau , thì một sự " hồn nhiên " quá đáng cũng có hại nhiều hơn là có lợi . Tế nhị không bao giờ là sự giả dối , thủ đoạn , những cái mà người ta khinh ghét nhất . Giữa tế nhị với sự khôn vặt ,giả dối có một lằn ranh nhất định . Tính tế nhị đi liền với sự chân thành và lòng tôn trọng người khác . Người tế nhị cũng là người khiêm tốn . Không kín đáo đến mức khó hiểu , biết im lặng khi cần thiết . Không xúc phạm đến lòng tự trọng của người khác , cũng không tò mò thóc mách , không chế giễu người khác trước mặt cũng như sau lưng --ngược lại -- Tế nhị cũng không phải bày tỏ lòng quan tâm qúa mức cần thiết . Có những cái vặt vãnh mà ta đừng nên xem thường ,như không nên tự tiện lục túi , đọc trộm nhật ký và lưu bút ,thư riêng v.v..Nhưng tuyệt nhiên tế nhị không đối lập với tính nguyên tắc , không đối lập với lòng can đảm đấu tranh bảo vệ chân lý ,lẽ phải , đặc biệt là đối với những vấn đề lập trường , quan điểm sống , quan điểm đạo đức . Cần phải biết phản ứng đúng lúc đối với những điều xúc phạm con người ---vì đó cũng là một sự tế nhị với yêu cầu cao nhất ---Chúng ta cần có sự tế nhị mang tính nguyên tắc chứ không cần sự tế nhị bao che , giản đơn . Con người tế nhị bao giờ cũng mang vẻ đẹp của lòng nhân hậu , tinh thần cao thượng và sự hiểu biết giàu có trong đời sống .
Học ăn , học nói , học gói , học mở .
Ăn uống là nhu cầu rất cần thiết của con người . Người xưa có câu : " nhân sinh dĩ thực vi tiên " , con người sống được trước hết là nhờ ăn uống . Nhưng ăn không phải là cứ đưa thực phẩm vào dạ dày để tiêu hoá nó đi mà còn nói lên được nét văn hoá , đức phẩm hạnh cùng với cái duyên dáng đáng yêu của con người nữa , nhất là khi đến ăn ở những nơi chốn đông người hội họp , tiệc tùng ... v.v. Nhiều khi cái thú ăn uống còn được nâng lên thành một nghệ thuật ẩm thực , một nét đẹp thuần túy trong truyền thống văn hoá của người Việt Nam .
Tục ngữ có câu : " ăn tuỳ nơi , chơi tuỳ chốn " thì rõ ràng chứng tỏ việc ăn uống không thể tuỳ tiện , tùy hứng được . Có nơi thân tình , gặp bữa có lời mời là có thể phủi chân ngồi vào ăn chung , nhưng có nơi mời đến " gãy đũa , gãy bát " cũng nhất định không thèm ăn . Có nơi " yêu nhau bốc bải dần sàng " nhưng có nơi bụng đói meo mà " mâm cao cỗ đầy " vẫn phải từ chối .
Khi ngồi vào mâm , trước khi bưng bát hay cầm đũa ăn thì phải tuỳ theo tuổi tác người ngồi cùng mâm mà lên tiếng mời chào ; không thể cứ cắm đầu giả đò như chẳng nhìn thấy ai mà lùi lũi gắp ăn . Khi gắp thức ăn , trước hết phải để vào bát của mình rồi mới đưa lên miệng ăn (cần phải từ tốn làm hai động tác như vậy mới đúng nghi thức con người lịch sự ). Không nên chan canh rồi ghé miệng húp soàn soạt hay nhai ngấu nghiến hoặc trong mồm để phát ra tiếng kêu tóp tép . Nói chung trong khi ăn , người có văn hóa rất hạn chế những âm thanh phát ra , kể cả việc gõ đũa lách cách hay nói chuyện riêng tư . Nếu cần nói , phải chờ lúc đã nuốt xong miếng ăn mới hả miệng nói , không nên vừa ăn vừa nói nhồm nhoàm văng vãi cả thức ăn ra ngoài . Bởi vì khi nói chuyện , người ta thường nhìn vào miệng nhau . Bạn thử tưởng tượng nếu nhìn thấy một cái miệng đang nói mà đầy thức ăn thì sẽ mất cảm tình như thế nào ?
Người lịch sự bao giờ cũng chú ý đến việc nhường nhịn người khác . Không nên gắp trước những miếng ngon , miếng to . Nói chung phải nhìn nhau mà ăn , không thể chỉ biết có mình , cứ mặc sức mà ăn cho " khoái khẩu " . Ngay cả khi sử dụng các thứ nước chấm hay gia vị cũng phải biết nhường người khác dùng trước .
Động tác ăn uống của người con gái lại càng phải giữ gìn ý tứ hơn nữa . Người con gái có văn hóa là phải biết những cử chỉ từ tốn , nhẹ nhàng . Từ động tác chấm thức ăn vào bát nước mắm , cầm cái thìa để chan canh hay đưa thức ăn lên miệng đều phải cho gọn gàng , thong thả . Nếu cô gái nào làm mạnh tay hoặc ăn nhanh thoăn thoắt dễ thành ra ăn thô , uống tục . Trước khi gắp một thứ thức ăn thì cần phải biết thức ăn đó chấm vào loại nước chấm nào , không nên gắp lên đã nhưng chưa biết chấm vào đâu , cứ phân vân cầm miếng thức ăn giơ lên trước mặt mọi người thì thật là kỳ cục khó coi . Chưa hết , một khi đã đụng đũa vào miếng nào là nên gắp ngay miếng ấy , không được kén chọn , gắp miếng nọ , bỏ miếng kia hoặc cầm đôi đũa bới dĩa thức ăn rối tung lên hay lấy thìa ngoáy trong bát canh để tìm miếng mình thích . Khi gắp miếng thức ăn phải gọn gàng và chọn miếng vừa phải , không gắp miếng quá to hoặc quá dài .
Khi ngừng ăn cũng phải đúng lúc và đúng phép xã giao . Chủ nhà mời khách mà buông bát đũa rời mâm đứng dậy quá sớm khi mọi người đang ăn là điều cấm kỵ , khác nào đuổi khách đi . Trái lại , mọi người đã thôi không ăn nữa mà mình vẫn ngồi ăn thản nhiên để mọi người phải chờ cũng là con người bất lịch sự thiếu văn hóa .
Ăn thì phải ăn cho hết sạch bát cơm mới được ngừng và nhẹ nhàng đặt bát đũa xuống , miệng nói mời mọi người còn mình xin đủ nhưng vẫn chưa được bỏ đi nếu mọi người còn đang ăn .
Ăn xong , nên dùng giấy ăn hay khăn lau miệng chứ đừng bao giờ theo thói xấu lấy đũa gạt ngang miệng làm sạch . Xỉa răng cũng phải có ý tứ , lấy tay che miệng lại chứ không nên cầm cái tăm quét đi quét lại hay xỉa mạnh vào từng kẽ răng . Nên xỉa răng nhanh và vứt tăm đi chứ không nên vừa ngậm cái tăm ở mồm vừa nói chuyện thì thật là kỳ cục lắm .
Có thể nói trong các sinh hoạt thường ngày , việc ăn uống thể hiện rất rõ nhân phẩm của con người . Thông qua cách ăn nết ở , người ta có thể biết người đó có văn hoá và biết tự trọng hay không ? Cao hơn nữa , nghệ thuật ẩm thực còn liên quan đến đạo đức và phong cách sống của một con người . Miếng ăn quan trọng thật đấy , nhưng tục ngữ cũng có câu : " miếng ăn quá khẩu thành tàn " . Người con gái có duyên , có văn hoá hay không , điều đó thể hiện rất rõ trong nghệ thuật ẩm thực của họ .
Biết ơn người khác.
Nếu một ngày nào đó đang đi trên đường phố , vô tình bạn đánh rơi một vật gì đấy như chùm chìa khoá hoặc giá trị hơn là giấy tờ tuỳ thân , tiền bạc hay các vật quý khác... Và nếu như có ai đó nhặt được , thông báo hoặc mang tận đến nhà trả cho bạn thì bạn có vui mừng và cảm động hay không ? Dĩ nhiên là có rồi. Và trong hoàn cảnh này , bất kỳ ai cũng đều biết nói lời cảm ơn. Nhưng mà cách xử sự tiếp theo đó như thế nào đối với ân nhân thì có lẽ mỗi người mỗi hành xử khác nhau bởi điều này còn phụ thuộc vào vật bạn đánh rơi và thái độ ứng xử , tình cảm , đạo đức của mỗi người nữa.
Trong nhiều trường hợp , có bạn đã hỏi thăm đến tận gia đình người đó để cảm tạ và sau đó tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp , thân tình. Tiếc thay , cũng có nhiều bạn lại hời hợt và vô tình. Sau tiếng cám ơn là ngay lập tức họ sẽ " hậu tạ " đúng mực theo kiểu " ân nghĩa sòng phẳng " rồi lạnh lùng chia tay để rồi không còn nhớ lại ai là người làm ơn cho mình. Nếu như bạn xử sự theo kiểu sòng phẳng này thì thật không hợp lẽ đạo đức ở đời. Bởi suy cho cùng , trong cuộc sống của chúng ta : CÁI ÂN , CÁI NGHĨA là lớn lắm , không gì có thể trả cho hết được đâu.
Biết ơn một ai đó từng giúp đỡ , cưu mang mình trong lúc hoạn nạn khó khăn dù lớn hay nhỏ là một việc làm tối cần thiết hợp với lẽ phải làm người. Qua đó , tình cảm và giá trị đạo đức của bạn cũng được biểu lộ một cách đậm nét.
Hãy biết nói lời " cám ơn ".
Trong cuộc sống hàng ngày , có không ít những người trông rất sang trọng , có học vấn hẳn hoi , nhưng khi cất lên tiếng nói thì dường như tất cả những điều tốt đẹp ở họ đều tan biến , chỉ còn lại giọng nói trơ trẽn cùng với thái độ kênh kiệu vô cùng khó tả !
Nên nhớ rằng : ngoài âm sắc giọng nói , thái độ chào hỏi , thưa gửi ... thì lời " cảm ơn " được nói ra đúng lúc , đúng hoàn cảnh , đúng sự việc sẽ tạo ra mối thân tình , sẽ chia sẻ ấm áp trong quan hệ giữa người với người . Thiếu nó , cuộc sống gần như vô nghĩa , kém đi sự tinh tế hài hoà hơn . Bởi vì khi nói lời " cảm ơn " với ai đó là ta đã ghi nhận lòng tốt , sự quan tâm chăm sóc của họ đối với bản thân ta . Một lời " cảm ơn " đối với ai đó về sự giúp đỡ của họ như việc chỉ dẫn đường hay nhặt hộ cái gì đó mà mình vô tình đánh rơi . Cũng như khi lời cảm ơn được nói ra khi ai đó nhường cho mình lên xe , xuống tàu ...v.v . Chớ bao giờ bỏ quên những cử chỉ thân thiện của người khác dành cho mình , dù là rất nhỏ .
Lời cảm ơn cũng được nói ra khi bạn nhận được một món quà , một lời khuyên bảo , nhắc nhở , thậm chí cả lời phê bình chân thành , đứng đắn , giúp bạn nhận ra lỗi lầm của mình . Bạn cũng đừng quên nói với người đồng nghiệp thân tình hay " sếp " của mình lời cảm ơn về một món quà dù rất nhỏ mà họ mang tặng bạn khi đi công tác ở xa về .
Thông thường , lời cảm ơn được nói ra phải đi cùng với vẻ mặt chân thành , lòng biết ơn , đôi mắt trìu mến , giọng nói thân thiện của bạn . Lời nói đó không thể đi cùng với vẻ mặt lạnh lùng , cau có hay khó chịu . Khi nói lời : " cảm ơn " với ai đó , bạn phải hướng khuôn mặt , ánh mắt nhìn của bạn vào đối phương . Tuyệt đối không được nói lời cảm ơn qua loa , đại khái cho xong việc , vì như thế là bạn thiếu tôn trọng họ ....
Người biết nói lời cảm ơn chân thành với ai đó khi nhận được sự giúp đỡ , quan tâm đến những người khác . Cũng cần lưu ý rằng nếu sự giúp đỡ của người khác đối với mình là quá lớn , quá to tát ( trong trường hợp mối quan hệ giữa hai người rất thân tình ) thì ở vào thời điểm đó , bạn không nên nói lời cảm ơn suông , bởi vì nghe nó thông thường quá , xã giao quá . Điều này sẽ làm giảm đi mức độ ý nghĩa cao quý của sự việc . Tốt hơn hết , vào thời điểm đó bạn hãy nói một câu nào đó biểu thị sự biết ơn vô cùng thay cho lời " cảm ơn " . Hoặc bạn có thể im lặng biểu thị sự cảm ơn bằng ánh mắt , vẻ mặt . Sau đấy , bạn hãy chọn một thời điểm thích hợp để đền đáp lời cảm ơn của mình dưới nhiều hình thức khác nhau như một việc làm hay tặng quà v.v...
Lời cảm ơn tưởng chừng như đơn giản , dễ thốt ra bằng lời , nhưng lại biểu hiện dưới nhiều góc độ , hoàn cảnh khác nhau . Ai muốn mình trở thành con người đáng yêu , được mọi người quý trọng thì hãy biết nói lời cám ơn đúng lúc.
Giao tiếp với mọi người.
Giao tiếp với mọi người là cả một nghệ thuật. Xưa nay những người thành công trong lĩnh vực này đều là những người biết cách ứng xử tinh tế, biết suy nghĩ chín chắn trước khi trình bày một điều gì . Vì một lời đã trót nói ra, khó có thể sửa chữa lại được , đôi khi càng chữa càng tồi tệ hơn thêm .
Khi ta nói chuyện với một người, nhất là khi nói với một nhóm người thì càng cần phải có ý tứ. Bởi vì câu chuyện của mình có thể vô tình khiến người khác chạnh lòng. Dù không ác ý mà chỉ do quá "vô tư" thì cả hai trường hợp đó, lời nói vẫn có tác hại như nhau. Nghĩa là nỗi đau do nó gây ra không vì do vô tình mà giảm nhẹ đi.
Khi ta nói chuyện với một người vừa thi trượt vào đại học, lại khoe mình giỏi giang dư điểm đậu vào mấy trường, lại còn hỏi họ nên chọn trường nào thì vô tình đã đánh trúng vào chỗ đau người khác.
Trong số những người đang nói chuyện với mình có mấy người vừa ở quê ra thành phố. Nếu bạn luôn mồm chê bai người "nhà quê" không biết cách ăn mặc, nói năng toàn giọng địa phương thì chẳng khác nào phỉ báng họ.
Có người lại cứ "vô tư" chê bai những người đẻ toàn con gái là sinh ra một đàn "vịt giời" nay mai nó bay đi hết thì ngồi "trơ thổ địa", mà chẳng hề để ý đến người "sinh con một bề" đang ngồi chịu trận nghe một cách khó chịu.
Có nhiều trường hợp bô bô nói chuyện mình làm ăn gặp nhiều may mắn, nào là vừa xây nhà, mua xe hơi đời mới , trong khi người ngồi cạnh đấy đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phải hàng ngày chạy vạy từng đồng để chữa bệnh cho chồng ốm, con đau. Vì lẽ đó mà câu chuyện của họ thường là vô duyên, nhạt thếch, chẳng có ai thèm hưởng ứng hoặc không làm đau đớn người này thì cũng làm mất lòng người nọ.
Trong giao tiếp hàng ngày thì lời ăn tiếng nói có một tầm vóc quan trọng đặc biệt trong quan hệ giữa con người với nhau . Nhờ có giao tiếp , con người sẽ hiểu nhau hơn .Nhưng có nhiều trường hợp làm mất lòng nhau , thậm chí còn tẩy chay nhau hoặc không thèm nhìn mặt nhau cũng chỉ vì một câu nói hớ hênh . Vì vậy ông cha ta mới có một câu để răn dạy cho con cháu như sau : " Cần phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói ". Xảy chân xảy tay đỡ được nhưng xảy miệng là không đỡ được đâu.
Là phụ nữ thì chúng ta lại càng cần phải giữ gìn ý tứ hơn , đặc biệt trong giao tiếp với người khác giới .Vì qua đó " người ta " sẽ đánh giá phẩm hạnh đạo đức của bạn đấy . Trong các cuộc nói chuyện dù là thân tình hay xã giao , bạn gái cần phải chú ý tới một số điểm như sau :
Tránh nói to : Cường độ giọng nói quá lớn sẽ gây cho người nghe sự khó chịu . Và chẳng hay ho gì khi cuộc nói chuyện bỗng dưng biến thành như cuộc cãi vã . Gặp khi bị người khác khiêu khích , rất dễ xảy ra khẩu chiến .
Tránh nói dài : Thường rất dễ bị sơ hở nếu nói năng dài dòng , nói tràng giang đại hải , nói liên miên không dứt . Bạn nên nhớ rằng giao tiếp không bao giờ là một cuộc độc thoại .
Tránh nói nhiều về mình : Người ta thường ít có thiện cảm với kiểu người này . Vì người chỉ nói đến mình là người chỉ nghĩ đến mình . Và người chỉ biết nghĩ đến mình là người thiếu giáo dục , cho dù trình độ học vấn của họ đến đâu đi chăng nữa .
Tránh cướp lời người khác : Sẽ rất là bất nhã nếu chúng ta cứ tranh cướp lời của nhau khi nói chuyện . Hãy từ tốn chậm rãi , đó là bí quyết thành công của một cuộc đối thoại .
Cũng không nên nghe chuyện một cách ậm ừ ba phải , như thế cuộc nói chuyện sẽ trở nên tẻ nhạt và đơn điệu .
Tránh xử dụng tiếng lóng hoặc dùng ngoại ngữ ở những chỗ không phù hợp : Trông bạn ăn diện thật sang trọng quý phái , nhưng nếu miệng lại thốt ra toàn từ " chợ búa " thì mọi người chung quanh sẽ nhìn bạn bằng con mắt khác ngay . Trong trường hợp dùng ngoại ngữ cũng vậy , nếu người nói chuyện ở trong cùng môi trường nghề nghiệp với bạn thì không sao , nhưng nếu bạn dùng tiếng nước ngoài để nói kiểu " chêm " vào với ông bà , cha mẹ hoặc với người hàng xóm thì trông bạn có vẻ lố bịch và hợm hĩnh đấy .
Tránh không nên nói kiểu đả kích người khác : Người ta sẽ chẳng coi trọng chính bạn nếu bạn đả kích người khác sau lưng .
Tránh vội vã thân mật đến mức suồng sã một người mới quen :
Trong đám đông , hai người không nên nói chuyện riêng tư thì thầm hoặc cười khúc khích với nhau , rất dễ bị mọi người hiểu lầm là bạn đang chế giễu họ . Nếu có người nước ngoài cùng ngồi chung , thỉnh thoảng phải nói chuyện với họ vài câu . Trước mặt một người không biết tiếng của mình mà chúng ta cứ mải mê nói chuyện với nhau sẽ vô tình làm cho họ ngượng nghịu .
Tránh làm những cử chỉ khoa chân múa tay , làm bộ làm tịch như trên sân khấu khi diễn thuyết : Nếu bạn không có tài pha trò thì đừng bao giờ cố bắt chước để nói ra những câu gượng gạo vô duyên , nhạt nhẽo ...sẽ khiến làm cho bạn trở thành con người trơ trẽn .
Nên cẩn thận tránh vô ý đụng chạm đến sự bất hạnh tật nguyền của người tiếp chuyện và cần biết chọn lựa chủ đề phù hợp với từng đối tượng :
Nếu bạn không phải là bác sĩ thì đừng nên thốt ra những câu đại loại như : " Trông anh dạo này gầy sọm đi thế ? " ....hay : " Sao trông anh độ này có vẻ xanh xao ! hình như ...thiếu ăn thì phải ? " sẽ khiến người nghe phải buồn lòng .
" Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau .."
( Ca dao Việt Nam ) .
Vì vậy trong khi nói chuyện, ta nên tập thói quen không nói "ồn ào", hay chợt nghĩ câu gì nói luôn câu ấy mà cần phải suy nghĩ xem câu nói của mình sẽ có tác dụng đến với người nghe như thế nào ? Cái cảm nhận đó nói ra thì hơi khó đấy nhưng thực tế nó chỉ diễn ra vỏn vẹn trong mấy giây đồng hồ mà thôi . Nếu cảm nhận đó được tập luyện hàng ngày thì sẽ còn nhanh hơn , đến độ bạn có thể nói một cách thoải mái như không cần phải suy nghĩ gì thêm nữa .
Cái tâm lý phổ biến là khi ta buồn phiền, nếu mà gặp ai đó cũng có nỗi buồn tương tự thì tự nhiên giữa hai người sẽ nảy sinh một mối liên hệ cảm thông, gọi là "đồng cảm" như thân thiết, muốn chia sẻ với nhau.
Một cô gái bị tai nạn lao động cụt mất một đốt ngón tay út. Khi ở nhà, cô vật vã đau đớn kêu la .Mọi người càng dỗ dành an ủi thì cô lại càng khóc lóc không dứt , vì cảm thấy mình bị thiệt thòi quá nhiều so với những người lành lặn. Nhưng khi gia đình đưa cô đến bệnh viện, cô trông thấy những người khác bị cụt chân cụt tay, vỡ đầu, hỏng mắt . Lại còn có người mang những vết thương nặng hơn cô rất nhiều. Tự nhiên cô thấy mình vẫn còn may mắn biết bao , nỗi đau trong cô dường như giảm hẳn đi mặc dù cô chưa được chạy chữa thuốc men gì. Thế rồi cô cảm thấy như mình được chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ.
Trong khi nói chuyện, ta phải biết quan sát rất nhanh những người xung quanh. Định nói câu gì phải nghĩ trước , nghĩ sau. Bởi lẽ những câu nói của ta có thể vô tình đụng chạm tới những khiếm khuyết của họ về ngoại hình, hay chạm tự ái của ai đó vừa gặp phải một trận thất bại trên đời .
Trái lại nếu bạn chia sẻ được nỗi buồn đau của người khác hay tỏ ra đồng cảm với họ thì những lời nói của bạn rất cần cho họ và bạn sẽ trở thành người dễ mến và có duyên.
Vì vậy , giao tiếp với mọi người là cả một nghệ thuật mà không phải bất cứ ai cũng được hiểu biết , được trang bị như nhau . Tại sao với một người thì thật dễ gần dễ tin cậy và ai ai cũng muốn kết bạn ; còn với người khác thì thấy nhạt nhẽo vô duyên , thậm chí là chán ghét không muốn nhìn mặt .
Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Trong giao tiếp ứng xử với mọi người chung quanh , ta cũng cần phải có một chuẩn mực nhất định để duy trì được mối quan hệ tốt đẹp lâu bền. Thí dụ như :
* Tin tưởng nhưng không cả tin , vì khi mình tin tưởng người khác là điều kiện để người khác tin mình rồi. Nhưng lòng tin của bạn phải có giới hạn , nếu bạn chưa thực sự hiểu thấu đáo và gắn bó với đối phương trong suốt thời gian dài. Lòng tin phải có cơ sở , tuyệt đối không được mù quáng , dễ dẫn đến sai lầm.
*Nghiêm khắc với mình nhưng cần rộng lượng với người khác là một trong những nguyên tắc xử thế để rèn luyện bản thân mình trở thành người có nhân cách haon chỉnh hơn.
* Biết tự trọng nhưng phải tôn trọng người khác , bởi tự trọng là đức tính đáng quý của mỗi người ; nhưng trong cuộc sống bạn không chỉ biết trọng mình mà cần phải biết trọng người nữa.
* Biết thể hiện mình nhưng đừng bao giờ hạ thấp người khác. Trong giao tiếp , bạn có thể tự giới thiệu mình một cách hợp lý nhưng không nên tự cao tự đại , tự coi mình là tài giỏi hơn tất cả mọi người. Nếu không thì những cố gắng trong giao tiếp của bạn trở nên vô nghĩa. Nhưng trong những trường hợp nhất định , bạn cũng cần cho đối phương biết bạn là ai , và bạn đang làm gì ? Cần lưu ý rằng , những hành động giả tạo , vờ vĩnh để phô trương cá nhân mình chỉ làm cho người khác mất cảm tình với bạn mà thôi.
* Thẳng thắn nhưng không thô lỗ , bởi vì nếu bạn ăn nói quá thẳng thừng , lỗ mãng và cứng nhắc thì còn đâu nét duyên dáng nữa. Ông cha ta thường dạy : " Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau " đấy mà.
* Khiêm tốn nhưng không giả dối. Khiêm tốn là một nét đẹp trong tâm hồn tính cách của con người. Nhưng khiêm tốn phải được thể hiện trên cơ sở của đức tính thật thà , chân thành chứ không phải là giả tạo , thiếu trung thực.
* Cẩn thận nhưng đừng quá chặt chẽ , bởi sự chặt chẽ , so đo thường không chiếm được tình cảm của nhiều người . Nếu bạn hào phóng , cởi mở thì bạn sẽ là người hạnh phúc vì có được nhiều người yêu mến.
* Linh hoạt trong mọi tình huống nhưng không được tuỳ tiện , nói năng bạt mạng và có những hành động thiếu suy nghĩ , tuỳ hứng. Trong một vài tình huống , chỉ cần một hành động thiếu suy nghĩ chín chắn là bạn đã vô tình đánh mất đi những điều tốt đẹp vốn có ở mình.
Người ta có thể thống kê đến hàng ngàn lời khuyên dành cho người bạn đáng yêu trong cách giao tiếp hàng ngày vì con người luôn luôn phải sống giao tiếp với mọi người . Chính vì thế mà ta phải quan tâm đến cách cư xử trong đời sống để tránh những va chạm không cần thiết , và để được yêu thương .
KẾT LUẬN :
HÃY CHÂN THẬT :Nếu bạn thật tâm mong muốn mang lại điều tốt lành cho người khác , điều đó xuất phát tận đáy lòng bạn. Còn nếu như bạn cố tình gây khó khăn cho người khác , hãy coi chừng ! sự độc ác sẽ huỷ diệt chính bản thân bạn trước .
HÃY QUAN TÂM ĐẾN THÁI ĐỘ CỦA MÌNH :Chừng mực , điềm đạm, và không làm phiền người khác . Hãy cố gắng sống thực với những tâm trạng buồn vui của mình . Nên luôn luôn tạo tâm trạng dễ chịu thoải mái ,yêu đời --Vì không có ai muốn làm bạn với một người luôn luôn cau có gắt gỏng .
HÃY QUAN TÂM GIÚP ĐỠ MỌI NGƯỜI: Bạn giúp đỡ người khác một cách hồn nhiên , không vụ lợi , không tìm cách để được lòng ai . Nhưng cũng không từ chối lời yêu cầu của người khác một khi có khả năng giúp đỡ .
HÃY GIỮ GÌN CÁCH ĂN MẶC : Trang phục là cánh tay nối dài của nhân cách . Bạn luôn luôn ăn mặc phù hợp với vóc dáng và hoàn cảnh nơi bạn hiện diện . Người ăn mặc đẹp là người không tìm cách nổi bật bằng trang phục cầu kỳ hay đắt tiền .
TRONG ĐÁM ĐÔNG :Bạn đừng tìm cách lấn lướt người khác bằng sự hoạt bát của mình . Hãy niềm nở , lịch sự một cách vừa phải . Biết lắng nghe và biết phát biểu khi cần thiết .
KHI TRANH LUẬN PHÊ BÌNH:Tuyệt đối không nên nóng giận .Bạn hãy tự chủ và lựa lời . Một sự thật cay đắng vẫn có thể nói bằng lời dịu dàng .
HÃY TỎ LÒNG NGƯỠNG MỘ : Trước sự thành công của người khác , bạn hãy tỏ lòng thán phục , đừng nghĩ rằng ta có thể làm tốt hơn nhiều . Điều đó chứng tỏ bạn chủ quan và hay đố kỵ nhỏ nhen .
HÃY TỎ LÒNG KHOAN DUNG :Khi bạn bị quấy rầy hay bị sự công kích thô bạo , nhục mạ , bôi lọ v.v. Hãy tỏ ra là người độ lượng . Sự trung thực của bạn sớm hay muộn cũng sẽ được mọi người hiểu .
HÃY LUÔN LUÔN HOÀN THIỆN BẢN THÂN :Giá trị của con người chính là lợi ích mà người ta có thể mang lại cho người khác . Chính vì thế mà con người phải luôn luôn học hỏi suốt đời và không ngừng hoàn thiện nhân cách của chính mình .
Tôn trọng quyền riêng tư của người khác.
Ngày nay xã hội càng văn minh thì con người ta càng coi trọng quyền riêng tư của người khác. Trong giao tiếp giữa con người với con người , cho dù là có mối quan hệ thân thiết đến thế nào đi chăng nữa thì cũng cần phải biết tôn trọng và thông cảm với đời sống riêng tư của nhau .
Ở các nước văn minh , nếu một người nào đó cố ý thêu dệt và loan tin bí mật đời tư của người khác khi không được sự đồng ý của người đó thì có thể bị đưa ra toà và bị luật pháp trừng phạt.
Nhưng vẫn còn có một số người quan niệm sai lầm cho rằng đã là bạn bè thân thiết với nhau rồi thì chuyện gì của nhau cũng là của chung ? Nếu không nói hết ra cho nhau biết thì không phải là bạn tốt . Điều này đặc biệt là phổ biến trong quan niệm của các bạn gái. Vì vậy , hễ làm quen được với ai , dù nam hay nữ , thì các bạn gái luôn tìm mọi cách để biết cho bằng được những chuyện thầm kín , riêng tư của người ta . Thậm chí nhiều người còn lộ tư cách thấp hèn là đi thăm dò và soi mói vào chuyện của người khác để rồi thêm thắt đặt điều tung tin giật gân chứng tỏ rằng ta đây mới là người hiểu nhiều biết nhiều hơn ai hết .
Đương nhiên , giữa bạn bè thân thiết mà ý hợp tâm đồng thì ngoài việc hiểu biết lẫn nhau về quan niệm sống , cung cách làm việc , tính tình hài hoà , đồng thời cũng nên hiểu biết thêm những chuyện riêng tư của bạn bè nữa. Nhưng đối với vấn đề này phải làm sao cho thật tế nhị và khéo léo , nếu ta cảm thấy người bạn của mình không muốn thổ lộ ra... cách tốt nhất là nên chủ động né tránh để không biết , không nghe gì hết. Nếu có nghe thì càng ít càng tốt.
Giả sử như người bạn cứ khăng khăng coi ta là tri âm tri kỷ , muốn được thố lộ ra hết những điều khúc mắc băn khoăn , ta phải có trách nhiệm giữ gìn bí mật cho họ một cách tuyệt đối. Những bí mật riêng tư của bạn bè , dù là bạn thân đến đâu đi chăng nữa cũng không được tự tiện soi mói , càng không nên truy hỏi đến tận cùng. Có như vậy mới giữ được quan hệ lâu bền , ngược lại chỉ dẫn đến chia tay , có khi còn hận thù nhau.
Tôn trọng quyền riêng tư của người khác là một nét đẹp trong văn hoá giao tiếp ứng xử của con người .
Hãy biết nói lời xin lỗi đúng lúc :
Xin lỗi là một hình thức không thể thiếu được trong quan hệ giao tiếp hàng ngày của chúng ta. Hầu như bất cứ ai trong chúng ta , từ khi còn bé cho đến lúc trưởng thành , đều có ít nhất một đôi lần vấp phạm hay vô tình gây ra những lỗi lầm đối với người khác. Trong những trường hợp ấy thì chính câu " xin lỗi " của bạn sẽ giúp cho bạn giữ được hoà khí và làm dịu đi mối căng thẳng với người có liên quan.
Tiếc thay , trong xã hội ngày nay vẫn còn rất nhiều người không biết xử dụng hai từ " xin lỗi ". Vẫn có người ngang ngược biết rõ là mình sai , nhưng vẫn không chịu xin lỗi mà còn cố cãi cho bằng được , quyết giữ thái độ bảo thủ , nguỵ biện để chứng minh rằng mình đúng. Lại cũng có người " chữa ngượng " bằng cách tiếp tục nói xấu sau lưng , vu oan giá hoạ cho người khác để " đánh lừa " dư luận , mục đích tự thanh minh hoặc đề cao cá nhân mình. Những người này thật là tồi tệ , họ chỉ làm cho quan hệ hai bên ngày càng trở nên căng thẳng , mâu thuẫn càng thêm sâu. Hình như những người này rất sợ công nhận cái sai của mình , họ sợ xin lỗi rồi sẽ làm cho mọi người nhìn rõ hơn cái sai của họ và làm cho họ mất hết uy tín , giảm giá trị con người đi. Nhưng họ đã lầm. Làm như vậy thì hình ảnh của họ chỉ càng xấu đi trong con mắt người khác. Bởi vì ai cũng hiểu , một người mắc sai lầm mà không bao giờ chịu xin lỗi là người tư cách " có vấn đề " , là người thiếu văn hoá trong ứng xử giữa con người với con người. Và họ sẽ rất khó được người khác chấp nhận và tôn trọng.
Xin lỗi là một biện pháp để giải quyết những vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ giao tiếp hàng ngày giữa người này với người khác . Nó không những khiến cho mọi người nghĩ tốt về bạn , bỏ qua cho bạn những lỗi lầm đã mắc phải , mà nó còn giúp cho bạn hạ bớt cơn nóng giận của người khác để cho bạn có đủ thời gian mà sắp xếp lại những rối loạn về tâm lý của mình.
Lời xin lỗi có tác dụng như một nhịp cầu nối liền sự khác biệt giữa hai quan điểm lại với nhau ; ngay cả những người khó tính và cố chấp nhất cũng phải lưỡng lự trước câu xin lỗi của bạn . Chính bản thân người được xin lỗi cũng phải buộc lòng cộng tác với bạn bằng cách " đấu dịu " đi để bảo toàn danh dự của họ và để tỏ ra là con người có tư cách , có lòng khoan dung độ lượng.
Lời xin lỗi tự nó là con đường để đi đến sự thoải mái và thông cảm lẫn nhau. Nhưng trước khi xin lỗi thì bạn nên chân thành , đừng xin lỗi bằng thái độ nguỵ tạo và gượng ép. Bạn cũng đừng nên bạ đâu " xin lỗi " đó , câu chuyện nào cũng đem hai từ " xin lỗi " ra sẽ gây cảm giác " quen mồm " và nó sẽ trở nên sáo rỗng , vô nghĩa.
Tóm lại , thốt ra được hai từ " xin lỗi " là điều rất khó khăn đối với nhiều người. Nhưng khi đã nói ra được thì nó có thể biến một gánh nặng ngàn cân trong lòng bạn trở nên nhẹ nhàng biết bao.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top