---Part 2---

Chủ đề "tình yêu vẹn nguyên - vượt mọi không gian, thời gian" không hề mới mẻ trong văn hóa đại chúng những năm đầu thập niên 1930, dễ thấy nhất có thể kể đến vài câu chuyện cổ tích dân gian truyền miệng từ Á sang Âu mà ắt hẳn chúng ta ít nhiều từng nghe qua. Nơi đó thêu dệt nên giấc mơ con người cộp mác nhân vật chính một lúc nào đó sẽ tìm thấy nửa kia của đời mình. Họ chìm đắm trong tình yêu cùng những lời thề non hẹn biển rằng dẫu ở hình thái ra sao, địa vị xã hội cao hay thấp,... vẫn sẽ trùng phùng tận đời đời kiếp kiếp. Người có thể cho nó hão huyền trẻ con rồi nảy sinh lòng thù ghét, người xem nó như cuộc sống lý tưởng để tôn sùng và mơ mộng; cả hai ý kiến đều đúng chỉ là độc giả muốn chọn bên nào mà thôi. Bởi làm gì có người lại tàn nhẫn đánh thuế giấc mơ kia chứ, đối với Công Nam cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

"... Và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Hết truyện."

"Nữa đi mẹ! Con muốn nghe thêm."

"Ngoan, 9 giờ kém rồi."

"Mẹ đoán xem nửa kia của con trông như thế nào vậy?!"

"Mẹ không biết nhưng mà mẹ tin con trai mẹ sẽ gặp họ sớm thôi."

"He con yêu mẹ nhiều!"

Cậu lớn lên với lời ru điệu hò, những mẩu chuyện mẹ kể trước khi ngủ; tụ chung luôn kết thúc viên mãn. Dù đã ở tuổi 23, Công Nam vẫn ươm mầm hạt giống kỳ vọng mẹ đã gieo cấy rằng thời điểm mình gặp được người mình yêu sẽ đến. Tuy nhiên nếu nhìn nhận thật sự khách quan, kỳ vọng giống bong bóng xà phòng; càng thổi phồng chúng càng dễ bề nổ tung dẫu chỉ bằng một cái chạm nhẹ. Sau bao năm yêu rồi được yêu, Công Nam vẫn chưa thành toàn được ước vọng của mình. Cậu đứng một mình trong viện bảo tàng thành phố trầm ngâm vài món đồ thời xưa còn được lưu trữ lại để trưng bày cho các thế hệ tiếp nối hiểu thêm về một thời đại đã lụi tàn sau sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp hóa cuối TK19 - đầu TK20.

Đây cũng chẳng phải lần đầu tiên Nam đến thăm bảo tàng, chỉ là bản ngã cứ liên tục thôi thúc cậu trở lại dành cả mấy chục phút đồng hồ đăm đăm vào một chỗ duy nhất. Ánh mắt cậu đắm đuối vào cây quạt the lẫn cây đàn kìm trong tủ kính mà không khỏi dấy lên nỗi niềm bâng khuâng, bởi nó vừa quen vừa lạ một cách khó hiểu. Đang suy nghĩ thì giọng nói đàn ông ồm ồm, khá lớn tuổi cảm thán:

"Hiếm gặp người trẻ tuổi như cháu lại để mắt đến mấy thứ cũ kỹ này đấy."

"Dạ, có chút xíu hà. Chủ yếu cháu khá tò mò về hai cái này."; Công Nam nhận ra là bác lao công, mỉm cười trả lời, dùng ngón trỏ chỉ vào tủ kính tiếp tục: "Rõ là chúng không liên quan gì đến nhau mà sao phải đặt cạnh vậy ạ?"

Người đàn ông với khuôn mặt dày dạn sương gió, từ tốn đáp: "Chúng là tín vật định tình của hai vị quan quyền cao chức trọng khi mà chế độ phong kiến còn hưng thịnh. Cháu có thể xem chúng là sợi dây kết nối nhân duyên họ lại và mãi không tách rời, đại loại thế."

Kỷ vật định tình? Lãng mạn thật.; Công Nam trộm nghĩ, cậu thoáng có chút ghen tị với cách các cặp đôi bộc lộ cảm xúc của mình. Tuy xã hội cũ quả thật tồn tại sự gò ép quy củ lễ nghi, đã là bề tôi chỉ có trọng trách làm hài lòng vua chúa thay vì sống cho bản thân nhưng không thể phủ nhận niên đại đó đã đặt nền móng cho quá trình dựng nước lẫn rèn giũa tình cảm yêu đương tuyệt đẹp.

"Trông cháu, bác tự nhiên nhớ cậu thanh niên thành đạt kia."

"Sao vậy bác? Bộ có người tỏa ra nét dễ thương giống cháu vầy hả?!"

Bác lao công bật cười, giơ tay vả vào bả vai Nam, lắc đầu: "Haha không. Ý bác là cậu ấy cũng thường xuyên đến đây, đứng ngay tại vị trí này kèm biểu hiện y hệt cháu."

Công Nam nghe vậy, nhướng mày ngạc nhiên rồi nhún vai nói đùa: "Hì ít nhất là bác công nhận cháu trẻ trung hơn người đó là được rồi!"

Nam và bác trò chuyện khá lâu thì cậu siết chiếc ba lô chéo vai, cúi đầu đặng xin về còn đi công chuyện kẻo bị ông chủ mắng trốn việc không thông báo... Không quên trên đường ra khỏi còn nở nụ cười tươi với người đàn ông rồi mới bắt cuốc xe điện trên tuyến trục lộ chính nhằm đến cửa hiệu tạp hóa gần nhất mua bổ sung ít nguyên liệu cho quán cà phê mình làm thêm.

***

Giới thiệu đôi nét về Công Nam, cậu là người từ quê chân ướt chân ráo đến mảnh đất Sài thành học tập và làm lụng kiếm sống. Tính tình hoạt ngôn, gặp ai cũng lễ phép chào hỏi giống một anh bạn hàng xóm thân thiện; vì nuôi dưỡng ước ao theo đuổi âm nhạc nên Nam làm hai nghề cùng một lúc. Sáng phụ chân chạy vặt ở quán cà phê của người anh trai kết nghĩa được bao ăn bao ở, tối hành nghề ca nhạc sĩ ở gánh hát Quốc Bảo mà cậu hay quen miệng gọi là dì BB; do được cha mẹ ở quê nhà cho lên thành thị ăn học đường hoàng, cậu cũng nhận đánh máy hoặc viết thư tay cho cô dì chú bác lớn tuổi, ai có hoàn cảnh khó khăn quá thì cậu tự mình bỏ vào phông bì, dán tem gửi hộ. Cuộc sống bình dị, không thừa không thiếu cũng không phải trải qua quá nhiều sự kiện đặc sắc... Đó là cho tới khi nhân vật trời đánh thánh đâm xuất hiện đảo lộn tất cả, mọi chuyện bắt đầu từ một vụ tranh chấp nhỏ nhặt.

"Em còn lấy gì nữa không, Nam?"

"Để em coi... Không ạ, theo danh sách anh Luật đưa là nhiêu đây thôi."

"Ừa, để anh cho em cái túi lớn hơn."

"Anh có ít trái cây gửi bên quán, nhớ ăn dần nhé."

"Dạ em cảm ơn anh Hà với anh Hiệp nhiều!", Công Nam vừa cười híp mắt vừa nói với người đồng chủ tiệm tạp hóa lớn nhất khu vực là Vĩnh Hà và Hoàng Hiệp. Bảo là tạp hóa cũng không chuẩn lắm, mà nó tương đương với siêu thị với mô hình tự phục vụ hơn. Một bên là nguồn cung ứng, một bên là khách hàng lâu năm nên nói mối quan hệ thân thiết cộng sinh cũng không ngoa.

"À phải rồi, tiệm còn trà hoa mộc không ạ?", Công Nam hỏi, cậu sực nhớ nhà hết loại thức uống cậu ưa thích tiện đường sắm luôn cho đủ bộ.

"Anh chưa kịp nhập lô hàng mới nên không chắc nữa.", Vĩnh Hà nói.

"Em xem dãy ngoài cùng thử. Biết đâu còn sót.", Hoàng Hiệp nối tiếp.

Công Nam gật đầu nghe theo. Cậu đảo mắt nhìn lên nhìn xuống giữa hai kệ bày bán sản phẩm áp tường lướt nhanh qua bao bì của mấy hộp bánh mứt, kẹo ngậm, đồ hộp thì mới đến quầy trà.

Ấy chà, may quá vẫn còn; Công Nam thầm vui mừng vì thấy hộp trà mình tìm ở tầng trên cùng của kệ hàng. Cậu cắn môi cố gắng kiễng chân lên, vươn người thật cao để lấy nó; mấy đầu ngón tay chạm nhẹ được rìa hộp ngỡ như sắp sửa thành công thì có bàn tay khác chộp lấy trước. Công Nam mất hồn quay đầu sang liền va phải người có vóc dáng cao gầy, đeo kính gọng đen, mặc com-lê sẫm màu cúi đầu săm soi hộp trà quế chi vốn dĩ là của cậu. Kiểu đàn ông mà ta có thể dễ dàng bắt gặp làm giáo viên trong trường học hoặc chủ đầu tư đầy tham vọng.

Từ những năm khởi điểm cho thời kỳ cận đại, không ít thì nhiều Nam từ lúc còn trên ghế nhà trường đã va vấp phải bộ phận nhóm có tiền a dua theo nếp sống châu Âu "dởm" luôn mồm bảo bản thân văn minh, cầu thị. Nó nhan nhản khắp nơi từ mấy phụ huynh tồi tiêm nhiễm vào đầu con trẻ mình đua đòi học làm sang, tập tành dùng tiếng Tây thay chữ Quốc ngữ rồi xem những người thuộc tầng lớp khác là "đám hạ lưu" không đáng để vào mắt. Thực tế chúng hiện lên không khác gì dòng nửa nạc nửa mỡ, ngụy biện cho hành vi se sua "mốt" thời trang kỳ quặc lố lăng, thói ăn chơi trác táng, không phân rạch ròi được thế nào là giao thoa văn hóa đúng chừng mực.

Mặc dù hiện tượng này tồn đọng trong xã hội đương thời khá lâu và chưa có dấu hiệu suy giảm số lượng chạy đua theo trào lưu "Tây phương hóa" dẫn đến sự xuống cấp về đạo đức, vẫn không thể vơ đũa cả nắm họ với những người thực sự mang tư tưởng cấp tiến - chủ trương học hỏi cái hay nhưng không đánh mất nề nếp tinh hoa bản sắc dân tộc truyền thống. Nói đâu xa, Công Nam cũng là một trong những người thuộc loại sau. Dẫu vậy, nếu nói không có thành kiến hay sự dè chừng thì là nói dối.

Thấy mình bị nẫng tay trên bởi một người chả biết từ đâu chui ra, Công Nam chống nạnh, thở hắt ra nói vào: "Ê anh gì ơi, tui tới trước rõ ràng nên cái đó của tui á nha."

"Em thanh toán chưa?", hắn trầm giọng, ung dung hỏi.

"Tất nhiên- chưa. Mà trả sau hay trả trước- có vấn đề gì đâu!", Công Nam vấp váp trả lời.

Gã lắc đầu, điềm đạm tiếp tục: "Thế không hợp lý. Hàng hóa vào tay ai thì là của người đó, trừ phi em đưa được hóa đơn chứng từ em mua rồi anh mới trả."

"Ơ sao anh nói thế được!", Công Nam tức mình nói lớn, "Con người gì ngang ngược quá vậy!"

"Em nên biết quy luật kinh doanh tiền trao cháo múc-"

Hắn từ từ ngẩng đầu lên thì khựng lại giữa chừng nhìn chằm chằm vào Nam như thể gặp ma rồi vô duyên vô cớ tiến sát thêm. Dù nhận thức được điệu bộ của hắn, Công Nam không thể điều khiển thân thể theo ý mình mà mặc nhiên để mọi thứ diễn ra, họ ở khoảng cách gần tới mức cậu ngửi được mùi nước hoa quế cay nồng thoang thoảng hương vani dịu ngọt dễ chịu xộc qua cánh mũi tỏa ra từ gã. Bỗng chốc, hắn giơ tay lên nắm lấy một bên cánh tay cậu nở nụ cười.

"Là em phải không, Công Nam? Anh tìm được em rồi."

Câu nói ấy rất đỗi nhẹ nhàng, ẩn chứa sự nhẹ nhõm xen lẫn niềm vui như rót mật vào tai. Công Nam thấy lòng mình lâng lâng cảm xúc khó tả, trong giây phút ấy cậu tưởng chừng mình bị thôi miên bởi lẽ đầu óc trống hoác tựa một căn nhà không có đồ đạc hoặc chúng đã bị dọn sạch đi từ lúc nào chẳng hay thì nhịp tim lại đập nhanh đột ngột, nhất thời không nghĩ được gì cậu nuốt nước bọt gạt phăng họ sang một bên. Phải chăng dùng lực hơi quá tay, Nam đẩy cả món đồ họ cầm văng ra góc xa trong sự ngỡ ngàng tột độ của đối phương lộ rõ trên gương mặt rồi dần dần chau mày u ám.

"Neko ơi là Neko, lựa vàng bạc hay gì lâu dữ!?"

"Đã bảo ra chợ mua cho lẹ, cứng đầu cứng cổ không nghe giờ biệt tăm tận đẩu tận đâu rồi!"

Chợt nghe loáng thoáng tiếng người có vẻ đang tìm hắn, âm thanh lộp cộp vang ra từ gót giày ngày càng to hơn nên Công Nam ngậm chặt miệng, lật đật ba chân bốn cẳng chạy đi không thèm quay đầu lại nhìn một lần. Cứ như thế, cuộc sống vô tư lự của Công Nam đang được dự báo biến chuyển do thứ gọi nôm na là "biến số lương duyên" mà tạo hóa sử dụng nhằm trêu ngươi số phận loài người thấp cổ bé họng.

-----000-----

Chuyên mục fanart:

Cảm ơn bạn @nmn đã và vẫn đang ủng hộ bộ truyện này thông qua từng bức tranh xinh xắn, rất chi là nhiệt thành ★ㅅ★


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top