Nd+yn Luog,chat

Nội dung và ý nghĩa của quy luật từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại. Quy luật từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Quy luật này chỉ rõ cách thức của sự phát triển của sự vật, hiện tượng. I. Nội dung của quy luật lượng - chất Mỗi sự vật, hiện tượng đều là một thể thống nhất của hai mặt chất và lượng. Để hiểu được mối quan hệ biện chứng giữa hai mặt này, trước hết cần phải nắm vững các khái niệm chất và lượng. 1. Cặp phạm trù chất và lượng - Chất: là một phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định vốn có của các sự vật và hiện tượng, là sự thống nhất hữu cơ của những thuộc tính, làm cho nó là nó và phân biệt nó với cái khác. Từ quan niệm trên chúng ta không nên đồng nhất khái niệm chất với khái niệm thuộc tính. + Mỗi sự vật, hiện tượng có nhiều thuộc tính. Nhưng những thuộc tính này không tham gia vào việc quy định chất như nhau, mà chỉ có những thuộc tính cơ bản mới quy định chất của sự vật. Vì thế, chỉ khi nào thuộc tính cơ bản thay đổi thì chất của sự vật mới thay đổi. Khi các thuộc tính không cơ bản có thể thay đổi, nhưng không làm cho chất của sự vật thay đổi. + Mặt khác, các thuộc tính cũng như chất của sự vật chỉ bộc lộ qua những mối liên hệ cụ thể. Do đó, việc phân biệt thuộc tính cơ bản và không cơ bản, chất và thuộc tính cũng chỉ là tương đối. Và như vậy, mỗi sự vật, hiện tượng không chỉ có một chất, mà có nhiều chất tuỳ theo những mối quan hệ cụ thể của nó với những cái khác. + Chất biểu hiện tính ổn định tương đối của sự vật, là cái vốn có và không tách rời sự vật. Do đó, không thể có chất tồn tại "thuần tuý" hoặc phụ thuộc vào cảm giác chủ quan của con người như các nhà triết học duy tâm chủ quan quan niệm. - Lượng: là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định vốn có của sự vật, về mặt quy mộ, trình độ phát triển của sự vật, biểu thị số lượng các thuộc tính, các yếu tố... cấu thành sự vật. + Đặc trưng của lượng được biểu thị bằng con số hoặc các đại lượng chỉ kích thước dài hay ngắn, quy mô to hay nhỏ, tổng số nhiều hay ít, trình độ cao hay thấp, tốc độ nhanh hay chậm v.v.. Nhưng đối với các sự vật phức tạp, không thể chỉ diễn tả bằng những con số chính xác, mà còn phải được nhận thức bằng khả năng trừu tượng hoá. + Cũng giống như chất, lượng là cái khách quan vốn có bên trong của sự vật. + Sự phân biệt giữa chất và lượng cũng là tương đối, nghĩa là, có cái ở trong quan hệ này là chất, nhưng ở trong quan hệ khác lại là lượng và ngược lại. Do đó, cần chống quan điểm siêu hình tuyệt đối hoá ranh giới giữa chất và lượng. 2. Mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng - Chất và lượng là hai mặt đối lập: chất tương đối ổn định, còn lượng thường xuyên biến đổi. Song, hai mặt đó không tách rời nhau, mà tác động lẫn nhau một cách biện chứng. Sự thống nhất giữa chất và lượng ở trong một độ nhất định, khi sự vật đang tồn tại. Độ là một phạm trù triết học dùng để chỉ sự thống nhất giữa lượng và chất, là khoảng giới hạn, mà trong đó sự thay đổi về lượng chưa làm thay đổi căn bản về chất của sự vật. Điểm giới hạn khi mà lượng đạt tới sẽ làm thay đổi chất của sự vật thì gọi là điểm nút. - Sự thay đổi về chất qua điểm nút được gọi là bước nhảy. Đó là bước ngoặt căn bản kết thúc một giai đoạn trong sự biến đổi về lượng, là sự gián đoạn trong quá trình biến đổi liên tục của các sự vật. Do vậy có thể nói phát triển là sự "đứt đoạn" trong liên tục, là trạng thái liên hợp của các điểm nút. - Khi sự vật mới ra đời với chất mới lại có một lượng mới phù hợp, tạo nên sự thống nhất mới giữa chất và lượng. Sự tác động của chất mới đối với lượng mới được biểu hiện ở quy mô, nhịp điệu phát triển mới của lượng. Tóm lại: Quy luật lượng - chất đã chỉ rõ cách thức biến đổi của sự vật và hiện tượng. Trước hết, lượng biến đổi dần dần và liên tục và khi đạt đến điểm nút (giới hạn của sự thống nhất giữa chất và lượng) sẽ dẫn đến bước nhảy về chất; chất mới ra đời lại tạo nên sự thống nhất mới giữa chất và lượng. Tất nhiên, thế giới sự vật, hiện tượng là đa dạng, phong phú, do đó hình thức của các bước nhảy cũng rất đa dạng và phong phú. II - Ý nghĩa phương pháp luận 1. Quy luật lượng chất có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Do sự vận động và phát triển của sự vật, trước hết, là sự tích luỹ về lượng và khi sự tích luỹ về lượng vượt quá giới hạn độ, thì tất yếu có bước nhảy về chất, nên trong nhận thức và hoạt động thực tiễn cần chống cả hai khuynh hướng: thứ nhất, "tả khuynh" - tư tưởng nôn nóng, chủ quan duy ý chí, thể hiện ở chỗ khi chưa có sự tích luỹ về lượng đã muốn thực hiện bước nhảy về chất; thứ hai, "hữu khuynh" - tư tưởng bảo thủ, chờ đợi, không dám thực hiện bước nhảy về chất, khi đã có sự tích luỹ đầy đủ về lượng hoặc chỉ nhấn mạnh đến sự biến đổi dần dần về lượng. 2. Cần có thái độ khách quan khoa học và có quyết tâm thực hiện các bước nhảy khi có các điều kiện đầy đủ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lyrics