Light In August - William Faulkner (Part 6)

"Tôi không làm chuyện đó vào thời giờ tôi phải làm việc cho ông."

"Tất nhiên rồi. Tao làm sao cản mày được. Tao chỉ chán ghét thấy mày làm vậy thôi. Một thằng nhóc cả đời chưa từng thấy trọn một đô-la. Thị xã này thì đầy kẻ rủng rỉnh tiền bạc, họ sẽ đối xử với mày đàng hoàng lắm đó."

"Chắc là tôi thích ảnh. Có lẽ ông đã không nghĩ tới điều này."

Hắn nhìn nàng, nhìn cái đỉnh đầu bất động và cúi xuống của nàng trong khi nàng vẫn ngồi trên giường, hai bàn tay đặt trên đùi. Hắn tựa người vào cái tủ thấp, hút thuốc. Hắn nói, "Mame!". Sau một lát, hắn lập lại, "Mame! Vào đây coi." Các bức tường thì mỏng. Sau một lát, một mụ đàn bà tóc vàng to con đủng đỉnh đến gần trong hành lang. Cả hai người đều nghe thấy mụ. Mụ đi vào. "Nghe cái này nè," tên đàn ông nói. "Con nhỏ này nói nó thích cái thằng đó nhất. Chàng Romeo của nàng Juliet[58] đó. Ông nội ơi!"

Mụ đàn bà tóc vàng nhìn cái đỉnh đầu tóc nâu của cô bồi bàn. "Ông tính sao đây?"

"Không tính gì hết. Tốt thôi mà. Xin quý vị nghe đây, tôi, Max Confrey, xin giới thiệu cô Bobbie Allen, người bạn tình của tuổi trẻ."

"Ra ngoài đi cho tôi nhờ," mụ đàn bà nói.

"Được thôi. Tôi chỉ mang đến cho nó năm xen tiền lẻ." Hắn đi ra. Cô bồi bàn vẫn ngồi yên. Mụ đàn bà tóc vàng đến tựa người vào cái tủ thấp, nhìn cái đầu cúi xuống của nàng.

"Hắn có bao giờ trả tiền mày không?" mụ nói.

Cô bồi bàn vẫn ngồi yên. "Có chớ. Ảnh có trả tiền tôi."

Mụ đàn bà tóc vàng nhìn nàng, tựa người vào cái tủ thấp như Max đã làm trước đó. "Đi cả một quãng đường từ Memphis xuống tận đây. Mang cái đó suốt từ Memphis tới đây để phung phí nó."

Cô bồi bàn vẫn ngồi yên. "Tôi có làm hại gì đến Max đâu."

Mụ đàn bà tóc vàng nhìn cái đầu cúi xuống của người kia. Rồi mụ quay lưng đi ra cửa. "Coi chừng đừng làm hại đến Max," mụ nói. "Chuyện này không kéo dài mãi đâu. Những thị xã nhỏ này không tha thứ chuyện này lâu đâu. Tao biết quá mà. Tao từ đó chui ra mà, từ một thị xã nhỏ đó."

Ngồi trên giường, cầm trong tay hộp kẹo rẻ tiền, lòe loẹt, nàng ngồi như nàng đã ngồi trước đó khi mụ đàn bà tóc vàng nói chuyện với nàng. Nhưng bây giờ là Joe, đứng tựa người vào cái tủ thấp và nhìn nàng. Nàng bắt đầu cười. Nàng cười, cầm hộp kẹo lòe loẹt trong hai bàn tay có những khớp ngón tay to tướng. Joe nhìn nàng. Nó nhìn nàng đứng lên, đi ngang qua nó, mặt cúi gằm. Nàng ra khỏi cửa và gọi Max bằng tên. Joe chưa hề gặp Max trước đó, ngoại trừ ở tiệm ăn, mũ trên đầu và tấm tạp dề dơ dáy trên người. Khi đi vào, Max lại không hút thuốc. Hắn đưa tay ra. "Khỏe không anh Romeo?" hắn nói.

Joe hầu như không nhận ra người mà nó đang bắt tay. "Tui tên là Joe McEachern," nó nói. Mụ đàn bà tóc vàng giờ cũng đi vào. Đây cũng là lần đầu tiên nó gặp mụ ở ngoài tiệm ăn. Nó thấy mụ bước vào, nhìn mụ, nhìn cô bồi bàn mở hộp kẹo. Nàng đưa nó ra.

"Joe mang tới cho tôi đó," nàng nói.

Mụ đàn bà liếc nhìn hộp kẹo, chỉ một lần. Mụ thậm chí không cử động bàn tay. "Cám ơn," mụ nói. Tên đàn ông cũng liếc nhìn hộp kẹo, bàn tay không cử động.

"Lạ, lạ, lạ thật đó," hắn nói. "Lễ Giáng sinh đôi khi kéo dài rất lâu, không phải vậy sao anh Romeo?" Joe đã đứng xa cái tủ thấp một chút. Đây là lần đầu tiên nó vào cái nhà này. Nó nhìn tên đàn ông, mặt lộ ra vẻ làm lành, hoang mang nhưng không hoảng sợ, nhìn cái bộ mặt khó hiểu, trông giống thầy tu của hắn. Nhưng nó không nói gì. Rồi chính cô bồi bàn nói,

"Nếu không ai muốn ăn thì không ai ép." Nó nhìn Max, nhìn bộ mặt hắn, nghe thấy giọng nói của cô bồi bàn; giọng nói với đôi mắt nhìn xuống: "Không làm hại đến ông hay bất cứ ai khác... không đụng vào thời giờ làm việc cho ông..." Nó không nhìn nàng, cũng không nhìn mụ đàn bà tóc vàng. Nó nhìn Max, mặt lộ ra vẻ làm lành, hoang mang nhưng không sợ hãi. Mụ đàn bà tóc vàng bây giờ nói, nghe như thể họ đang nói về nó, với sự có mặt của nó và bằng một thứ tiếng mà họ biết là nó không hiểu.

"Thôi, đi ra," mụ đàn bà tóc vàng nói.

"Ông nội ơi," Max nói. "Tôi sắp sửa mời anh Romeo này một ly đó, chủ tiệm trả tiền mà."

"Hắn có muốn uống không đã chớ?" mụ đàn bà tóc vàng nói. Ngay cả khi mụ nói chuyện trực tiếp với Joe thì trông như thể mụ vẫn nói với Max. "Cậu có muốn uống cái gì không?"

"Đừng làm cho hắn căng thẳng vì chuyện hắn xử sự trước đây. Nói với hắn là chủ tiệm bao đó."

"Tui không biết," Joe nói. "Tui chưa từng thử."

"Chưa từng uống cái gì do chủ tiệm mời," Max nói. "Ông nội ơi." Hắn đã không nhìn Joe một lần nào nữa từ khi bước vô phòng. Và người ta lại có thể tưởng rằng họ nói chuyện với nó, vì nó, bằng một thứ tiếng mà nó không hiểu.

"Đi nào," mụ đàn bà tóc vàng nói. "Thôi, đi nào."

Họ ra ngoài. Mụ đàn bà tóc vàng đã không hề nhìn nó chút nào, và tên đàn ông thì vẫn tiếp tục không nhìn nó. Rồi họ đi khỏi. Joe đứng bên cạnh cái tủ thấp. Cô bồi bàn đứng giữa phòng, mắt nhìn xuống, tay vẫn cầm hộp kẹo đã mở. Căn phòng thì kín cửa, có mùi ẩm mốc. Joe chưa bao giờ thấy nó trước đây. Joe đã không hề tin là mình sẽ thấy nó bao giờ. Màn sáo đã kéo xuống. Một bóng đèn độc nhất cháy sáng ở đầu một sợi dây điện, với một tờ giấy báo kẹp xung quanh thế cho chụp đèn, đã bị sức nóng biến thành màu nâu. "Được rồi," nó nói. "Được rồi." Nàng không trả lời, cũng không cử động. Nó nghĩ đến bóng tối bên ngoài, đến cái đêm mà chỉ có riêng hai người, nó và nàng, bên nhau. "Tụi mình đi nghe," nó nói.

"Đi à?" nàng nói. Rồi nó nhìn nàng. "Đi đâu đây?" nàng nói. "Để làm gì chớ?" Nó vẫn không hiểu nàng. Nó nhìn nàng đến gần cái tủ thấp và đặt hộp kẹo lên đó. Trong khi nó nhìn, nàng bắt đầu cởi quần áo, giật mạnh ra rồi ném xuống đất.

Nó nói, "Ở đây sao? Trong phòng này sao?" Đó là lần đầu tiên nó thấy một người đàn bà trần truồng, dù nó là người tình của nàng được một tháng nay. Nhưng ngay cả lúc đó, nó thậm chí không biết là nó đã không biết mình mong đợi cái gì để thấy đây.

Đêm đó, hai người chuyện trò với nhau. Họ nằm trong giường, trong bóng tối, và nói chuyện. Hay đúng hơn, nó nói. Trong khi nó nghĩ không ngừng: 'Trời ơi. Trời ơi. Vậy là chỉ có thế thôi!' Nó nằm, cũng trần truồng, bên cạnh nàng, đưa bàn tay vuốt ve nàng, và nói về nàng. Không phải về quê quán nàng và ngay cả những gì nàng đã làm, nhưng về thân thể nàng, như thể chưa ai đã từng làm vậy trước nó, với nàng hay với bất cứ ai khác. Có vẻ như bằng lời nói, nó biết được thân thể đàn bà bằng sự tò mò của một đứa trẻ. Nàng nói về chuyện nàng có kinh vào đêm đầu tiên. Và lần này thì nó không thấy bị sốc. Như sự trần truồng và hình dạng cơ thể, chuyện này thì giống như cái gì đó đã không bao giờ xảy ra hay tồn tại trước đó. Vậy là đến lượt nó kể với nàng những gì nó biết để kể. Nó kể về cô gái da đen trong xưởng cưa bỏ hoang vào buổi chiều đó ba năm trước đây. Nó kể với nàng một cách dịu dàng, bình thản, nằm bên cạnh nàng, vuốt ve nàng. Có lẽ nó thậm chí không thể biết chắc chắn là nàng có nghe hay không. Rồi nó nói, "Em có để ý đến da anh, tóc anh không?" chờ nàng trả lời, bàn tay vuốt chầm chậm trên người nàng.

Nàng cũng thầm thì. "Có. Em từng nghĩ có lẽ anh là người nước ngoài, anh không phải quê ở đây."

"Không đâu, đây là chuyện khác mà. Khác hơn cả chuyện người nước ngoài nhiều. Em không thể đoán ra đâu."

"Cái gì? Khác sao chớ?"

"Đoán coi."

Giọng họ thì êm ả. Mọi thứ thì bất động, yên tĩnh; đêm bây giờ thì quen thuộc, đêm không còn được ham muốn, đêm không còn được mong chờ. "Em không thể đoán. Anh là người gì vậy?"

Bàn tay nó di chuyển chậm chạp, lặng lẽ dọc trên mạng mỡ của nàng mà nó không thấy được. Nó không trả lời ngay. Không phải vì nó tìm cách kích thích sự tò mò của nàng. Mà chính vì nó có vẻ không nhớ ra là mình phải nói thêm nữa về chuyện này. Nàng lặp lại câu hỏi. Vậy là nó nói. "Anh có máu mọi đen trong người."

Nàng vẫn nằm, hoàn toàn bất động, nhưng với một sự bất động khác. Nhưng nó có vẻ không nhận ra. Nó nằm, cũng bình thản, bàn tay lên xuống trên mạng mỡ nàng, chậm rãi. "Anh có cái gì?" nàng nói.

"Anh nghĩ anh có một ít máu mọi đen trong người." Hai mắt nhắm, bàn tay chậm, không ngừng. "Anh không biết rõ lắm. Anh tin là mình có cái máu đó."

Nàng không cử động. Nàng nói ngay lập tức: "Anh nói láo."

"Thôi được," nó nói, người không cử động nhưng bàn tay không ngừng lại.

"Em không tin chuyện này," giọng nàng nói trong bóng tối.

"Thôi được," nó nói, không ngừng bàn tay lại.

Ngày thứ bảy tiếp đó nó lấy một nửa đô-la khác từ chỗ giấu của bà McEachern và đem cho cô bồi bàn. Một hay hai ngày sau nó có lý do để tin rằng bà McEachern nhận ra mình mất tiền và bà nghi ngờ nó lấy. Bởi vì bà kín đáo chờ đợi nó cho đến khi nó biết là bà biết rằng ông McEachern sẽ không xen vô giữa chừng vào cái việc giữa họ với nhau. Rồi bà nói, "Joe này." Nó ngừng và nhìn bà, biết là bà sẽ không nhìn nó. Bà nói, mắt không nhìn nó, giọng đều đều, uể oải: "Má biết một thanh niên mới lớn thì cần tiền, cần hơn số tiền mà ông McEachern cho con..." Nó nhìn bà cho tới khi tiếng nói của bà ngừng lại rồi tắt hẳn. Chắc là Joe đợi nó ngừng. Rồi nó nói,

"Tiền à? Con cần tiền để làm gì chớ?"

Vào ngày thứ bảy sau đó, nó kiếm được hai đô-la nhờ bổ củi cho người hàng xóm. Nó nói láo với McEachern khi ông hỏi nó đi đâu, ở đâu trước đó và đã làm gì ở đó. Nó cho cô bồi bàn cả số tiền đó. McEachern phát hiện ra là nó đã làm việc. Ông có lẽ tin rằng Joe đã giấu số tiền kiếm được. Có lẽ bà McEachern đã nói vậy với ông.

Joe và cô bồi bàn gặp nhau ở phòng nàng có lẽ hai đêm mỗi tuần. Thoạt đầu nó không biết là có những tên đàn ông cũng đã làm như vậy trước đó. Có lẽ nó tin là người ta đã ban một sự miễn trừ khác thường có lợi cho nó, vì lợi ích của nó. Rất có thể, cho đến phút cuối cùng, nó vẫn còn tin là phải xoa dịu Max và Mame, không phải vì sự làm tình với nàng nhưng vì sự có mặt của nó ở nhà họ. Tuy nhiên, nó không gặp lại họ lần nào nữa trong nhà, dù nó biết là họ ở đó. Nhưng nó không biết một cách chắc chắn là họ có biết nó có mặt ở trong nhà họ hay nó đã trở lại sau cái đêm mời kẹo đó không.

Hai người thường gặp nhau bên ngoài, đi đến một nơi nào khác hay chỉ la cà trên đường về nơi nàng ở. Có lẽ nó tin đến phút cuối là chính nó đã gợi ý điều đó. Rồi một đêm nàng không đến gặp nó chỗ nó đợi nàng. Nó chờ cho tới khi đồng hồ ở tháp tòa thị sảnh điểm mười hai tiếng. Rồi nó đi đến chỗ nàng ở. Nó chưa từng làm thế trước đó. Tuy vậy, ngay cả vào lúc đó, nó không thể biết chắc lắm là nàng có bao giờ cấm nó đến nhà nàng mà không đi cùng với nàng không. Nhưng nó đi đến đó, vào đêm ấy, tưởng sẽ thấy căn nhà chìm trong bóng tối và trong giấc ngủ. Nhà thì tối nhưng không ngủ. Nó biết điều này. Biết là đằng sau các bức màn sáo tối tăm của căn phòng nàng thì có những người không ngủ, và nàng không có một mình. Làm sao biết? Hẳn là nó không thể nói được. Và nó cũng không muốn chấp nhận điều nó biết. 'Đó chỉ là Max,' nó nghĩ. 'Đó chỉ là Max thôi mà.' Nhưng nó biết rõ là không phải vậy. Nó biết là có một tên đàn ông trong phòng, với nàng. Cả hai tuần sau đó nó không gặp nàng, dù biết nàng đang đợi nó. Rồi một đêm nó chờ ở góc đường quen thuộc và nàng xuất hiện. Nó đánh nàng, không báo trước, cảm thấy da thịt nàng dưới bàn tay mình. Lúc đó, nó biết được điều mà nó đã chưa tin. "Ôi," nàng tức tưởi nói. Nó đánh nàng lần nữa. "Đừng ở đây!" nàng thầm thì. "Đừng ở đây!" Rồi nó thấy ra nàng đang khóc. Nó không nhớ mình đã có bao giờ khóc chưa. Nó vừa khóc, vừa nguyền rủa, vừa đánh đập nàng. Rồi nàng giữ tay nó lại được. Ngay cả lý do đánh nàng lúc này cũng biến đi. "Thôi nào, thôi nào," nàng nói. "Thôi nào, thôi nào."

Đêm đó, họ không rời khỏi góc đường đó. Họ không đi bộ la cà chỗ này chỗ nọ, và cũng không rời khỏi con lộ. Họ ngồi ở một triền dốc có cỏ mọc và chuyện trò. Lần này, chính nàng nói chuyện, kể chuyện cho nó nghe. Thực sự không có nhiều chuyện để kể ra. Bây giờ nó thấy được điều mà nó hiểu ra là nó đã luôn luôn biết: những tên đàn ông vô công rỗi nghề trong tiệm ăn với điếu thuốc lá ngẩng lên hạ xuống trên miệng khi chúng vừa đi ngang qua nàng, vừa nói với nàng. Và nàng, đi tới, đi lui, đầu cúi xuống, với sự hèn hạ không thay đổi. Lắng nghe giọng nói nàng, nó có vẻ ngửi thấy cái mùi nồng nặc của tất cả đàn ông vô danh còn sống trên mặt đất này. Nàng hơi cúi đầu khi nói chuyện, hai bàn tay to tướng đặt trên đùi. Nó không thể thấy, tất nhiên rồi. Nó không phải thấy. "Em nghĩ là anh đã biết rồi," nàng nói.

"Không biết," nó nói. "Anh nghĩ là anh đã không biết."

"Em nghĩ anh đã biết."

"Không," nó nói. "Anh không nghĩ là anh đã biết."

Hai tuần sau đó, nó bắt đầu hút thuốc, mặt mũi nhăn nhó đằng sau khói thuốc, và nó cũng uống rượu nữa. Nó uống vào ban đêm với Max và Mame và đôi khi với ba hay bốn tên đàn ông khác và thường với một hay hai người đàn bà. Các chị em này đôi khi có quê ngay ở thị xã đây, nhưng thường là từ quê khác đến, từ Memphis chẳng hạn, và các chị em ta ở lại một tuần hay một tháng, làm bồi bàn ở đằng sau quầy tiệm ăn, nơi các tên đàn ông vô công rỗi nghề tụ tập suốt ngày. Nó không phải lúc nào cũng biết tên họ, nhưng nó có thể đội lệch chiếc mũ của mình như họ; Buổi tối, ở nhà Max, đằng sau các màn sáo đã buông xuống trong phòng ăn, nó đội lệch mũ như vậy, và với giọng nói trẻ trung, âm vang, thống thiết, sặc mùi rượu, nó nói với mấy người khác về cô bồi bàn, ngay cả khi nàng có mặt ở đó. Nó gọi nàng là con đĩ ngựa của mình. Đôi khi, trong chiếc xe hơi của Max, nó đưa nàng đi dự các buổi khiêu vũ ở nhà quê, bao giờ cũng thận trọng để McEachern không hay biết gì hết. "Anh không biết cái gì làm ông ta nổi điên hơn," nó nói với nàng; "em hay chuyện nhảy đầm." Một lần nọ, nó say như chết và họ phải khiêng nó vào giường, trong căn nhà này, nơi mà trước đó nó đã không hề mơ, dù chỉ một lần, có thể đặt chân vào. Ngay sáng hôm sau, cô bồi bàn lái xe đưa nó về nhà trước khi trời sáng để mà nó có thể vào lại trong nhà mà không bị ai bắt gặp. Và trong ngày hôm đó, McEachern theo dõi nó với sự chấp nhận miễn cưỡng và nghiêm khắc.

"Nhưng mày vẫn còn nhiều thời gian để mà làm tao hối tiếc về con bò cái tơ đó," McEachern nói.

9

McEachern nằm trong giường. Căn phòng thì tối nhưng ông không ngủ. Ông nằm bên cạnh bà McEachern mà ông thực sự tin là đang ngủ say, và ông để đầu óc mình suy nghĩ một cách nhặm lẹ và ráo riết. Ông nghĩ, 'Bộ com-lê thì có mặc rồi. Nhưng khi nào đây? Không thể mặc vào ban ngày được, bởi vì lúc nào mình cũng thấy nó mà, trừ những chiều thứ bảy. Nhưng vào bất cứ chiều thứ bảy nào nó cũng có thể đi vào chuồng ngựa, cởi và giấu bộ quần áo làm việc tiện dụng mà mình bắt nó mặc, rồi khoác lên bộ cánh mà có lẽ nó chỉ muốn và chỉ cần như đồ phụ tùng cho việc phạm tội.' Ông nghĩ như thể ông đã biết, như thể đã được ai đó kể lại. Điều này khiến ông suy ra là bộ com-lê được mặc một cách bí mật, và do đó, rất có thể là mặc vào ban đêm. Và nếu đúng như vậy, ông không muốn tin là thằng nhỏ có thể có mục đích khác hơn là sự dâm đãng. Bản thân ông thì chưa hề rơi vào sự dâm đãng và ông lúc nào cũng khăng khăng không muốn nghe bất cứ ai nói về thói tật này. Thế nhưng, chỉ trong vòng ba mươi phút suy nghĩ ráo riết, ông biết về những hành vi của Joe nhiều gần như bằng chính Joe đã có thể kể lại với ông, ngoại trừ các tên người và các nơi chốn. Và rất có thể ông sẽ không tin những hành vi đó, ngay cả từ miệng Joe nói ra, bởi vì những con người cùng loại như ông thường có niềm tin đối với những quy trình và sự dàn dựng của cái xấu một cách cũng dứt khoát và cứng rắn như đối với cái tốt. Như vậy, tính cố chấp và sự sáng suốt hầu như hòa lẫn vào nhau, chỉ riêng tính cố chấp thì hơi chậm một chút. Cho nên, khi Joe leo xuống bằng sợi dây thừng, lướt như cái bóng nhanh nhẹn qua cái cửa sổ mở rộng và đầy ánh trăng, đằng sau nó là McEachern đang nằm, thì McEachern không nhận ra Joe ngay lập tức hay có lẽ không tin nơi mắt mình, dù ông vẫn thấy đúng là sợi dây thừng. Và khi ông đến bên cửa sổ thì Joe đã rút sợi dây xuống và cuộn nhanh nó lại, và bây giờ đang đi về phía chuồng ngựa. Trong khi nhìn theo nó từ cửa sổ, McEachern cảm thấy một cái gì đó tương tự như một sự xúc phạm đơn thuần và không có gì riêng tư mà một quan tòa hẳn sẽ cảm nhận nếu thấy một người đàn ông có thể bị tòa kết án tử hình lại khom người nhổ phẹt nước miếng vào tay áo một nhân viên chấp hành[59] của tòa án.

Giấu mình trong bóng tối, nửa đường giữa ngôi nhà và con lộ, ông thấy Joe ở ngã ba con đường làng với con lộ. Ông cũng nghe tiếng xe hơi và thấy nó đến, ngừng lại và Joe leo vào trong. Có thể là ông thậm chí không quan tâm đến ai khác đã có mặt trong xe. Có lẽ ông đã biết rồi, và ý định của ông chỉ là xem chiếc xe chạy theo hướng nào. Có lẽ ông cũng đã biết rồi, bởi vì chiếc xe hẳn có thể đi bất cứ đâu trong vùng này, nó đầy những chỗ đến có thể, và những con lộ dẫn đến đó. Vì bây giờ ông quay về ngôi nhà, bước nhanh, thúc đẩy bởi cùng sự xúc phạm đơn thuần và không riêng tư đó, như thể ông tin là, để có thể được dẫn dắt bởi sự xúc phạm còn lớn hơn, còn đơn thuần hơn[60], ông không cần nghi ngờ các khả năng cá nhân của mình nữa. Mang đôi dép mềm dùng đi trong nhà, chiếc áo ngủ nhét trong quần, dải đeo quần lủng lẳng, và không đội mũ, ông đi như tên bắn thẳng đến chuồng ngựa và thắng yên con ngựa trắng già, to, khỏe của mình và quay xuống lại con đường làng cho đến con lộ, luôn thúc ngựa phi nước đại, mặc dù bà McEachern, từ cửa nhà bếp, đã gọi tên ông khi ông cưỡi ngựa ra khỏi sân nhà. Ông rẽ lên con lộ, cũng bằng nước đại chậm và nặng nề đó, cả hai, người và con vật, khom người ra đằng trước một cách hơi khó nhọc, như thể trong một sự giả cách mang sức mạnh tàn phá của tốc độ rùng rợn, mặc dù trên thực tế ông và ngựa không đi nhanh lắm, như thể trong niềm tin lạnh lùng và không khoan nhượng và không lệch hướng của cả hai, ông và con ngựa đều sáng suốt và có quyền năng rất lớn đến mức cả hai không còn cần đến tốc độ hay một chỗ đến rõ ràng.

Ông cho ngựa chạy cùng tốc độ thẳng tới chỗ mà ông tìm, mà ông rốt cuộc đã tìm ra sau khi chạy gần hết đêm và gần như cả nửa quận, dù nó không thực sự xa đến vậy. Ông đã đi chưa được bốn dặm thì nghe tiếng nhạc phía trước mình. Rồi ông thấy, ở một bên đường, ánh sáng trong một trường học, một tòa nhà độc một phòng. Ông đã biết cái trường này nằm ở đâu, nhưng không có gì có thể chỉ ra cho ông, làm cho ông biết là người ta tổ chức khiêu vũ ở đó. Nhưng ông cứ chạy thẳng đến đó, vào trong các mảng bóng tối tản mát của những chiếc xe hơi đang đậu, những cỗ xe ngựa, những con la và ngựa có thắng yên, chúng đứng đầy khu rừng nhỏ bao quanh ngôi trường, và ông xuống ngựa mà không đợi nó ngừng hẳn. Ông thậm chí không cột nó lại. Ông nhảy xuống, và vẫn với đôi dép mềm dùng đi trong nhà và dải đeo quần lủng lẳng và cái đầu tròn và bộ râu ngắn, không tỉa tớm, phẫn nộ, ông chạy về phía cửa ra vào đang mở, về phía các cửa sổ đang mở, từ đó tiếng nhạc vang đến và các bóng người, trong ánh sáng của những ngọn đèn dầu lửa, chập chờn theo nhịp điệu nào đó trong sự huyên náo.

Có lẽ khi bước vào trong phòng, ông nghĩ là, giả dụ là ông có nghĩ, ông được dẫn dắt, và bây giờ được một tổng thiên sứ Michael[61] quyết chiến nào đó đẩy đi. Chắc là đôi mắt ông không bị chóa ngay lập tức bởi cái ánh sáng đột ngột và các thân thể đang chuyển động khi ông len qua giữa những thân người quay đầu nhìn, để lại sau lưng hàng loạt cái nhìn ngạc nhiên và cái miệng bắt đầu la lối om sòm, ông chạy về phía chàng trai mà ông đã tự nguyện mang về nuôi và ông đã cố sức dạy dỗ theo những nguyên tắc mà ông tin là đúng đắn. Joe và cô bồi bàn đang khiêu vũ và Joe chưa nhìn thấy ông. Người đàn bà đó chỉ thấy ông có một lần, nhưng có lẽ nàng còn nhớ ông hay có lẽ vẻ bề ngoài của ông thì cũng đủ rồi, ngay lúc này. Bởi vì nàng ngừng nhảy và trên mặt nàng hiện ra vẻ hốt hoảng. Joe thấy và quay người lại. Khi nó quay người lại, McEachern đã đến bên họ rồi. McEachern cũng chỉ thấy người đàn bà đó có một lần, và rất có thể lúc đó ông đã không nhìn nàng, cũng như ông đã không muốn nghe khi đám đàn ông nói chuyện gian dâm. Tuy nhiên, ông bước tới trước mặt nàng, lơ hẳn Joe trong lúc này. "Cút đi, đồ đĩ ngựa trơ tráo!" ông nói. Tiếng ông vang như sấm trong sự im lặng chưng hửng, trên những bộ mặt xung quanh bị sốc, dưới những ngọn đèn dầu lửa, trong tiếng nhạc đã ngưng bặt, trong đêm có ánh trăng yên bình của mùa hè tươi trẻ. "Cút đi, đồ đĩ ngựa!"

Có lẽ dường như ông không nhận ra là mình đã hành động lẹ làng và ăn nói to tiếng đến vậy. Rất có thể là ông có cảm tưởng mình đang đứng đây, chính đáng và cứng rắn như đá, không hấp tấp, không giận dữ, trong khi từ mọi phía sự đê hèn của những con người yếu đuối lại rỉ ra thành một tiếng thở dài kinh hoàng xung quanh vị đại diện thực tế cho chiếc Ngai[62] của sự phẫn nộ và sự trừng phạt. Có lẽ thậm chí cũng không phải hai bàn tay của chính ông đã đấm thẳng vào mặt chàng trai mà ông đã cho ăn, cho ở, cho mặc từ thuở còn là đứa bé, và có lẽ khi bộ mặt đó chúi xuống để né cú đấm và ngửng lên lại thì nó không còn là bộ mặt của đứa bé đó nữa. Nhưng điều này hẳn không làm ông ngạc nhiên, bởi vì không phải bộ mặt đứa bé đó mà ông quan tâm nhưng chính là bộ mặt của quỷ Sa-tăng mà ông cũng biết nữa. Và khi nhìn chằm chằm bộ mặt này, ông vững bước tiến tới nó, bàn tay vẫn giơ cao, ông tiến tới, rất có thể với sự phấn khích mãnh liệt và mê mộng của kẻ tử vì đạo đã được xá tội, tới cái ghế mà Joe phang xuống đầu ông, và vào cõi hư vô. Có lẽ cõi hư vô làm ông ngạc nhiên đôi chút, nhưng không nhiều, và không lâu.

***

Rồi Joe có cảm tưởng là mọi người vội vã tháo chạy, tiếng gào thét tắt dần, bỏ nó lại ngay giữa sàn nhảy, chiếc ghế gãy vẫn nắm chặt trong tay, cặp mắt hạ xuống nhìn người cha nuôi của mình. McEachern nằm ngửa. Bây giờ ông trông có vẻ hoàn toàn thanh thản. Ông dường như đang ngủ, với cái đầu hơi bị móp mép, trông ông như người không thể bị khuất phục ngay cả khi nằm nghỉ, máu trên trán ông cũng yên bình và câm lặng.

Joe thở hổn hển. Nó nghe ra cái đó và cũng nghe cái khác nữa, một cái gì đó lảnh lót, chói tai và xa xôi. Nó có vẻ lắng nghe cái đó một đỗi lâu trước khi nhận ra nó là một giọng nói, một giọng nói đàn bà. Nó nhìn và thấy hai tên đàn ông đang giữ chặt nàng. Nàng cựa quậy, chống chọi, tóc tai bung ra phía trước, bộ mặt tái mét, méo mó và xấu xí với những vết bẩn trên lớp phấn thô thiển, miệng là cái lỗ nhỏ có răng đang kêu gào inh ỏi. "Gọi tao đĩ ngựa à!" nàng vừa hét lên, vừa vùng vẫy trong các cánh tay của hai tên đàn ông đang giữ nàng. "Cái thằng già chó đẻ đó! Thả tao ra! Thả tao ra!" Rồi giọng nàng không nói ra lời nữa, chỉ còn la hét. Nàng cứ cựa quậy, cong người lại, tìm cách cắn tay hai tên đàn ông đang giằng co với nàng.

Tay vẫn cầm chiếc ghế gãy, Joe bước về phía nàng. Chen chúc nhau đứng sát tường, những người khác nhìn nó: đàn bà áo quần thô kệch và lòe loẹt, giày cao gót và bít tất dài mua bằng đường bưu điện; đàn ông bộ com-lê may xấu, cứng quèo, cũng mua bằng đường bưu điện, với những bàn tay chai sạn, biến dạng và những đôi mắt đã biểu lộ một di sản về sự suy nghĩ ủ ê, nhẫn nại trên các luống cày bất tận và trên các đôi mông chậm chạp của các con la. Joe bắt đầu chạy, tay vung chiếc ghế. "Thả cổ ra!" nó nói. Ngay tức khắc, nàng ngừng chống chọi và dồn mọi sự giận dữ và la hét về phía nó, như thể nàng mới vừa thấy nó, vừa nhận ra là nó cũng ở đó.

"Mày! Chính mày đưa tao tới đây. Đồ nhà quê trời đánh thánh vật! Đồ con hoang! Đồ chó đẻ, mày và cả cái thằng già đó. Mày thả nó ra để chửi tao, cái thằng chó đó tao có gặp nó bao giờ đâu..." Joe không có vẻ xông tới một ai đó cụ thể, và bộ mặt nó thì điềm tĩnh dưới cái ghế giơ cao. Những người khác lùi lại, buông người đàn bà ra, dù nàng vẫn tiếp tục giật mạnh hai cánh tay như thể nàng chưa nhận ra là mình vừa được thả ra.

"Ra khỏi đây đi!" Joe hét lên. Nó quay người lại, tay vung cái ghế; tuy vậy nó vẫn giữ được vẻ mặt điềm tĩnh. "Lùi lại!" nó nói, dù không một ai tiến về phía nó. Mọi người đều bất động, im lặng như người đàn ông đang nằm trên sàn nhà. Bây giờ, nó vung cái ghế, lùi dần về phía cửa. "Đứng lùi lại! Tui nói rồi mà, có ngày tui sẽ giết ổng! Tui đã nói với ổng rồi mà!" Vẻ mặt điềm tĩnh, nó vừa vung ghế xung quanh mình, vừa lùi về phía cửa. "Tất cả đứng im đó," nó nói, không ngừng đảo mắt nhìn những bộ mặt giờ trông giống như những cái mặt nạ. Rồi nó thả chiếc ghế xuống đất, quay người và vọt nhanh qua cửa, đi vào trong nỗi dịu dàng của ánh trăng lốm đốm xuyên qua cây lá. Nó đuổi kịp cô bồi bàn khi cô sắp sửa bước lên chiếc xe hơi đã đưa họ đến đây. Nó thở hổn hển, vậy mà giọng nói vẫn điềm tĩnh: một khuôn mặt đang ngủ nhưng vẫn thở đủ mạnh để tạo ra âm thanh. "Quay về phố đi," nó nói. "Anh sẽ gặp lại em ngay khi anh..." Chắc là nó không ý thức về những điều nó đang nói hay đang xảy ra khi người đàn bà bất thần quay người lại ở cửa xe và bắt đầu đánh vào mặt nó; nó không tránh né, giọng nói không đổi: "Phải. Phải vậy rồi. Anh sẽ gặp lại em ngay khi anh..." Rồi nó quay lưng và chạy, trong khi nàng vẫn còn vung tay đánh nó.

Nó không thể biết McEachern đã để con ngựa ở đâu. Thậm chí nó cũng không biết con ngựa có đó không nữa. Vậy mà nó chạy thẳng tới đó, thúc đẩy bởi một niềm tin khá tương tự như người cha nuôi về tính không thể sai lầm của các sự biến xảy ra. Nó nhảy lên ngựa và cho chạy ra lại con lộ. Chiếc xe hơi đã ở trên đường, và nó chỉ kịp nhìn ánh đèn sau xe nhỏ dần rồi biến mất.

Con ngựa già khỏe mạnh, được nuôi lớn ở trang trại, quay về nhà bằng nước tế, chậm và đều. Tên thanh niên cưỡi ngựa một cách nhẹ nhàng, giữ thăng bằng một cách nhẹ nhàng, cúi rạp người ra trước, vào lúc đó có lẽ hả hê, như Faustus[63] đã từng, vì đã bỏ lại sau lưng tức thì và mãi mãi tất cả những "Ngươi không được"[64], vì cảm thấy rốt cuộc được giải thoát khỏi danh dự và luật pháp. Ngựa chạy toát ra mồ hôi có mùi thơm hắc của lưu huỳnh; và ngọn gió vô hình đó thổi qua. Nó hét to lên, "Tui đã làm chuyện đó! Tui đã làm chuyện đó! Tui đã nói với họ là tui sẽ làm mà!"

Nó rẽ vào con đường làng nhưng không cho ngựa chạy chậm lại, cứ thẳng một mạch về nhà dưới ánh trăng. Trước đó, nó tưởng là trời sẽ tối đen nhưng không phải vậy. Nó không dừng lại. Giờ thì sợi dây thừng được cẩn thận giấu kín là một phần của cuộc đời đã chết của nó, chẳng khác gì như danh dự và niềm hy vọng, và cái bà già chán ngắt đó đã là kẻ thù của nó trong mười ba năm trời và bây giờ đang thức chờ nó. Ánh sáng chiếu ra từ phòng ngủ của bà với McEachern, và bà đứng ở cửa, khăn choàng khoác quanh áo ngủ. "Joe," bà nói. Nó bước nhanh đến hành lang ở cửa ra vào. Bộ mặt nó thì trông như bộ mặt mà McEachern đã nhìn thấy khi chiếc ghế giáng xuống. Có lẽ bà chưa thể nhìn rõ mặt nó. "Có chuyện gì vậy?" bà nói. "Cha đã cưỡi ngựa đi đâu đó. Con nghe..." Lúc này bà mới thấy mặt nó. Nhưng bà cũng không có thì giờ để bước lùi lại. Nó không đánh bà; nó chỉ cầm cánh tay bà lên, một cách gần như khá dịu dàng. Một cử chỉ đơn giản, nhanh chóng để đưa bà ra khỏi lối đi, ra khỏi ngưỡng cửa. Nó kéo bà sang một bên như thể kéo tấm màn trước cửa ra vào.

"Ổng ở chỗ nhảy đầm đó," nó nói. "Tránh ra, bà già!" Bà quay người, một bàn tay nắm chặt chiếc khăn choàng, bày tay kia bấu lên mặt cánh cửa khi lùi ra sau, mắt vẫn nhìn nó đi xuyên qua căn phòng và bắt đầu chạy lên cầu thang dẫn đến căn phòng áp mái của nó. Nó quay đầu lại, tuy chân vẫn bước. Và bà thấy được những cái răng của nó sáng lên trong ánh đèn. "Ở chỗ nhảy đầm đó, bà nghe chưa? Nhưng ổng đâu có nhảy." Tiếng cười của nó quét ngược lại phía ngọn đèn. Rồi quay cả đầu lẫn tiếng cười, nó chạy tiếp lên cầu thang, chạy và biến mất, biến mất từ phía trên xuống, trước hết là cái đầu, như thể nó cười, như thể nó chạy đâm đầu vào cái gì đó và cái này xóa bỏ nó như người ta xóa một bức vẽ bằng phấn trên bảng đen.

Bà đi theo nó, khó nhọc leo lên cầu thang. Nó vừa mới đi ngang bà là bà bắt đầu theo nó liền, làm như sự cấp bách không nguôi này đã từng kích động ông chồng bà giờ đã trở lại như một tấm áo choàng khoác trên vai đứa con trai và đến lượt, chuyển từ nó sang bà. Bà kéo lê từng bước chân lên cái cầu thang hẹp, một tay níu chặt cái tay vịn, tay kia giữ khăn choàng. Bà không nói, không gọi nó. Tưởng như bà là một bóng ma tuân theo mệnh lệnh gởi từ xa về của ông chủ vắng mặt. Joe đã không thắp đèn. Nhưng căn phòng thì đầy ánh trăng chiếu vào, và dù không có ánh trăng đi nữa bà hẳn có thể biết được nó đang làm gì. Bà đứng thẳng người, lưng tựa vào tường, đưa tay dò dẫm dọc theo tường cho tới khi tìm thấy cái giường rồi buông người ngồi bịch xuống. Bà đã mất ít nhiều thì giờ vì khi bà đưa mắt nhìn về chỗ có tấm ván di động thì nó đã đến gần giường, nơi ánh trăng rơi thẳng vào, và bà nhìn nó đổ hết cái lon thiếc ra trên giường, hốt hết cái đống đồng tiền và giấy bạc nhỏ nhoi trong một bàn tay rồi đút sâu vào túi. Và chỉ vào lúc đó nó mới nhìn bà ngồi đó, giờ hơi ngả người ra sau, tựa bằng một cánh tay, và bàn tay kia vẫn nắm chặt tấm khăn choàng. "Con không xin má tiền này," nó nói. "Má hãy nhớ điều đó. Con không xin, bởi vì con sợ má sẽ cho con. Con lấy tiền này thiệt đó. Má đừng quên nghe." Nó đã quay người hầu như trước khi tiếng nói chấm dứt. Trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn hắt lên từ chân cầu thang, bà nhìn nó quay lưng đi xuống. Nó ra khỏi tầm mắt nhưng bà vẫn còn nghe thấy nó. Bà nghe tiếng chân bước nhanh trong hành lang, rồi sau một lúc, bà nghe tiếng vó ngựa phi nhanh; và sau một lúc nữa, tiếng vó ngựa tắt hẳn.

***

Chuông đồng hồ điểm một tiếng đâu đó khi Joe thúc con ngựa già kiệt sức chạy tiếp trên con đường phố chính của thị xã. Ngựa đã bắt đầu thở nặng nhọc từ một đỗi lâu nhưng Joe vẫn giữ nó chạy nước kiệu nhờ dùng cái gậy to quất theo nhịp chạy xuống mông ngựa, tuy thỉnh thoảng nó lại trượt chân. Đó không phải chiếc roi ngựa: nó là một khúc cán chổi mà bà McEachern đã cắm làm cọc đỡ cây trong khoảnh vườn trồng hoa trước nhà. Mặc dù ngựa còn phi được ít nhiều nhưng nó không chạy nhanh hơn người đi bộ bao nhiêu. Gậy cũng giơ lên đập xuống với cùng một sự chậm chạp kinh khiếp và mệt lử, và tên thanh niên, người cúi rạp trên lưng ngựa, có vẻ không biết là ngựa đã yếu đi nhiều, hay có vẻ cũng muốn nhấc lên, đẩy về phía trước con thú kiệt lực, tiếng móng guốc chậm chạp của nó nghe đều đặn và rỗng rang trên phố vắng lốm đốm ánh trăng. Cả hai, ngựa và người cưỡi, tạo ra một hình ảnh lạ lùng và không thực giống như một cuốn phim chiếu chậm trong khi họ cứ mải miết chạy cho nhanh, dù mệt lử, trên con đường dẫn đến cái góc phố mà nó thường đứng đợi, lần này có lẽ ít khẩn thiết hơn nhưng không kém hăm hở, và trẻ trung hơn.

Bây giờ con ngựa cũng không thể chạy nước kiệu nữa trên đôi chân đã cứng lại. Nó thở khó nhọc, sâu, chậm lại, mỗi hơi thở là một tiếng rên rỉ. Gậy vẫn đập xuống. Ngựa đi càng chậm, gậy đập càng nhanh, theo tỷ lệ nghịch như vậy. Nhưng nó cứ chậm lại, lảo đảo nghiêng về phía lề đường. Joe kéo đầu nó bằng cách đánh nó nhưng nó vẫn cứ chậm lại gần lề đường và ngừng hẳn, trên thân lốm đốm bóng tối, đầu gục xuống, run rẩy, hơi thở nghe như giọng nói con người. Vậy mà tên kỵ mã ngồi trên yên, cúi người về phía trước trong tư thế giữ tốc độ ghê gớm, vẫn vung gậy đập xuống mông ngựa. Không có cái gậy giơ lên giáng xuống, không có tiếng thở rên rỉ của con thú, cả hai đã có thể trông giống như bức tượng người kỵ mã đã rời khỏi bệ và đến đây nghỉ mệt trong tư thế kiệt lực cuối cùng trên đường phố yên tĩnh và trống vắng, chập chờn những đốm trăng.

Joe nhảy xuống. Nó nắm lấy đầu ngựa và bắt đầu kéo đi, làm như chỉ bằng sức riêng của mình nó có thể làm ngựa di chuyển rồi nhảy lên yên lại. Con ngựa không cử động. Joe đành ngừng tay, và có vẻ hơi khom người về phía ngựa. Một lần nữa, cả hai đều bất động: con thú kiệt sức và tên thanh niên, mặt đối mặt, hai đầu khá sát nhau, như thể được tạc trong tư thế lắng nghe hay cầu nguyện hay trao đổi chuyện riêng tư. Rồi Joe giơ cao cây gậy và bắt đầu đập xung quanh cái đầu bất động của con ngựa. Nó đánh không ngưng tay cho đến khi gãy gậy, và nó cứ tiếp tục đánh với khúc gậy còn lại không dài hơn bàn tay. Rồi có lẽ nó nhận ra là chẳng còn làm đau nữa, hay có lẽ cánh tay nó cuối cùng đã quá mỏi, bởi vì nó quăng khúc gậy ra xa, quay người chạy vụt đi. Nó không ngoái đầu nhìn lại. Hình dạng nó nhỏ dần, chiếc áo sơ-mi trắng phập phồng rồi mờ dần dưới bóng trăng. Nó chạy trốn khỏi cuộc đời con ngựa như thể con ngựa này chưa hề hiện hữu.

Joe chạy qua góc phố mà nó thường đứng đợi. Nếu mà để ý, nếu mà có nghĩ chút nào, nó hẳn đã nói Trời ơi, đã lâu lắm rồi, đã lâu lắm rồi từ đó Con đường phố bỗng ngoặt đi, trở thành một con lộ trải sỏi. Nó còn gần một dặm để đi, vì vậy nó bắt đầu chạy, không nhanh nhưng đều, thận trọng, đầu hơi cúi xuống như thể để ngắm con lộ đáng khinh dưới chân mình, hai cùi chỏ giữ sát hai bên hông như một người chạy đua chuyên nghiệp. Con lộ tiếp tục quẹo, sáng nhợt nhạt dưới ánh trăng; ở hai bên và nằm cách quãng khá xa, là những căn nhà, đôi chỗ là nhà mới, chúng thì trắng, nhỏ, xấu kinh khiếp, đó là chỗ ở bên rìa thị xã của những con người hôm qua không biết đến từ đâu và ngày mai sẵn sàng ra đi vào nơi vô định. Tất cả đều chìm trong bóng tối, ngoại trừ cái nhà mà nó đang chạy tới.

Nó đến chỗ căn nhà đó và rời con lộ. Nó chạy, hai bàn chân nặng nề và đều đặn trong sự im lặng khuya khoắt. Có lẽ nó đã có thể thấy cô bồi bàn đang đợi, người mặc đồ đen để đi xa, mũ trên đầu, cái va-li sẵn sàng (đi đến nơi nào làm sao, ra đi bằng phương tiện gì, chắc là nó đã không bao giờ nghĩ tới). Và có lẽ Max và Mame cũng đang đợi, chắc đã thay quần áo - Max với áo sơ-mi trần hay thậm chí có lẽ với áo thun lót, và Mame với áo ki-mô-nô màu xanh nhạt - cả hai người vồn vã theo lối vui vẻ ồn ào trong các buổi tiễn đưa. Nhưng trong thực tế nó không nghĩ gì cả, bởi vì nó có bao giờ nói gì với cô bồi bàn về chuyện sửa soạn ra đi đâu. Có lẽ nó tin là nó đã bảo nàng, hay là nàng phải biết chớ, bởi vì các hành động vừa rồi và các dự định tương lai của nó hẳn phải là khá đơn giản để hiểu đối với bất cứ ai. Có lẽ nó thậm chí tin rằng nó có nói với nàng khi nàng bước lên chiếc xe hơi là hắn đi về nhà để lấy tiền.

Nó chạy lên hàng hiên. Cho tới lúc đó, ngay cả trong những ngày vàng son của đời nó trong căn nhà này, nó có tính bốc đồng là luôn luôn luồn vào, càng nhanh và càng kín đáo càng tốt, từ con lộ tới bóng của hàng hiên, rồi vào bên trong nhà, nơi người ta chờ nó. Nó gõ cửa. Có ánh đèn trong phòng nàng và một ánh đèn khác ở cuối hành lang, như nó trông đợi; và cũng có các tiếng nói nữa, đằng sau những cửa sổ rủ màn, nhiều tiếng nói mà nó nhận ra là gay gắt hơn là vui vẻ. Nó cũng trông đợi chuyện đó, nghĩ Họ có lẽ nghĩ là mình không đến. Cái con ngựa mắc dịch. Cái con ngựa mắc dịch Nó gõ lần nữa, mạnh hơn, đặt tay lên nắm cửa, lắc lắc, áp mặt nó sát mặt kính có rủ màn của cánh cửa ra vào. Các tiếng nói im bặt. Rồi không còn bất cứ tiếng động nào bên trong căn nhà. Hai ngọn đèn, bức mành trong phòng nàng thì được rọi sáng và bức màn thì sáng mờ đục ở cửa ra vào, vẫn chiếu sáng liên tục và không dao động, như thể mọi người trong nhà bỗng đột tử khi nó đưa tay chạm đến nắm cửa. Nó gõ cửa lần nữa, dồn dập hơn; nó còn đang gõ thì cánh cửa (không có cái bóng nào hiện trên màn cửa, không có bước chân nào đến gần) bật mở và không gây tiếng động dưới bàn tay đang gõ của nó. Nó đã đặt chân lên ngưỡng cửa, làm như nó bị cột dính theo cánh cửa, khi Max hiện ra, chắn ngang lối vào. Hắn mặc quần áo đầy đủ, kể cả mũ trên đầu. "Ôi, ông nội ơi," hắn nói. Giọng hắn không to, và hắn như thể hút nhanh Joe vào bên trong hành lang và đóng cửa và khóa lại trước khi Joe nhận ra là mình đã ở bên trong. Tuy nhiên, giọng hắn vẫn giữ cái âm sắc mơ hồ đó, cái âm sắc vừa nồng nhiệt vừa hoàn toàn trống rỗng, hoàn toàn không có lạc thú hay vui vẻ, như cái vỏ sò, như cái gì đó hắn mang trước mặt mình và nhìn Joe qua nó: cái vẻ này, trong quá khứ, đã làm cho Joe nhìn Max một cách vừa ngạc nhiên vừa tức giận. "Rốt cuộc thì chàng Romeo cũng đến đây rồi," hắn nói. "Tay chơi của Phố Beale[65] đây này." Rồi hắn lên giọng một chút, nói khá to với chàng Romeo. "Vào đi, vào gặp bạn bè."

Joe đã đi đến cánh cửa mà nó biết rõ, gần như bắt đầu chạy lại, giả như nó có thực sự dừng bước bao giờ. Nó không để tai nghe Max. Nó đã chưa từng nghe nói đến Phố Beale, gồm ba hay bốn khu nhà phố ở Memphis mà Harlem[66], nếu so sánh với nó, thì chỉ là một bối cảnh để quay phim. Joe đã không nhìn gì cả. Vì bất thình lình nó thấy mụ đàn bà tóc vàng đứng ở cuối hành lang. Nó đã không thấy mụ xuất hiện ở hành lang, tuy khi nó vào thì hành lang trống trơn. Và bất ngờ mụ đứng ở đó. Mụ mặc váy đen, tay cầm mũ. Và ở khuôn cửa tối của một cánh cửa mở gần nó thì có một đống hành lý với nhiều va-li. Có lẽ nó không thấy chúng nằm đó. Hay có lẽ nó thấy chúng bằng cái liếc mắt nhanh hơn ý tưởng Mình đã không nghĩ là cổ có nhiều đồ đến vậy Có lẽ lúc đó là lần đầu tiên nó nghĩ là họ không có phương tiện đi lại, nó nghĩ Làm sao mình có thể xách đi hết mấy thứ này Nhưng, không dừng chân nó đi thẳng tới cánh cửa mà nó biết rõ. Và chỉ khi đặt tay lên nắm cửa nó mới nhận ra sự im lặng tuyệt đối phía sau cánh cửa, một sự im lặng mà khi ở tuổi mười tám nó đã biết là phải cần nhiều hơn một người để tạo ra. Nhưng nó không dừng chân; có lẽ thậm chí nó không nhận ra là cái hành lang lại trống trơn thêm lần nữa, là mụ đàn bà tóc vàng đã biến mất lần nữa mà nó không thấy hay nghe mụ di chuyển.

Nó mở cửa. Bây giờ nó chạy, tức là như một người đàn ông có thể chạy rất xa trước chính mình và trước sự hiểu biết của mình, vào lúc anh ta ngừng hẳn. Cô bồi bàn ngồi trên giường như nó đã nhìn nàng ngồi rất nhiều lần trước đó. Nàng mặc áo đầm màu tối và đội mũ, như nó trông đợi, như nó biết. Nàng ngồi, đầu cúi xuống, và nàng thậm chí không nhìn cánh cửa khi nó mở ra, một điếu thuốc đang cháy ở bàn tay nàng, bàn tay này thì bất động đến mức kỳ quái, bất động trên chiếc áo đầm tối màu. Và cùng khoảnh khắc đó, nó thấy tên đàn ông thứ hai. Nó chưa hề thấy y trước đó. Nhưng nó chưa nhận ra điều này trước tiên. Chỉ về sau này nó mới nhớ lại điều này, nhớ lại cái đống hành lý trong căn phòng tối tăm mà nó đã nhìn đến trong một khoảnh khắc trong khi ý tưởng trong đầu nó thì đi nhanh hơn cái nhìn.

Tên lạ mặt đó cũng ngồi trên giường và hút thuốc. Mũ y đội trễ xuống tận mắt khiến cho cái bóng của vành mũ phủ lên miệng y. Y không già, nhưng y trông cũng không trẻ. Max và y đã có thể là anh em, cũng như những thổ dân cho là anh em khi thấy hai tên đàn ông da trắng bỗng dưng đi lạc vào một ngôi làng châu Phi. Bộ mặt, cái cằm mà trên đó có ánh sáng chiếu đến thì bất động. Joe không biết tên lạ mặt đó có nhìn mình hay không. Nó cũng không biết là Max đang đứng ngay sau lưng nó. Và nó nghe tiếng nói của họ mà không biết họ nói gì, thậm chí không để tai nghe: Hỏi hắn đi

Làm sao hắn biết chớ Có lẽ nó nghe những từ được phát ra. Nhưng không chắc. Chỉ chắc là chúng không có nghĩa hơn tiếng lạo xạo của đám sâu bọ sau cánh cửa sổ đóng kín mít, hay những cái va-li khóa chặt mà nó đã nhìn nhưng chưa thấy. Hắn đã bỏ trốn ngay sau đó, Bobbie nói

Có thể hắn biết. Tụi mình hãy cố gắng, nếu có thể, tìm ra cho rõ ràng chuyện gì khiến tụi mình phải chạy trốn đây, ít nhất

Mặc dù đã không cử động từ khi đi vào, Joe vẫn đang chạy. Khi Max chạm tay vào vai nó, nó quay đầu lại như thể nó bị chặn lại ngay giữa bước sải. Nó thậm chí đã không nhận ra là Max có mặt trong phòng. Nó nhìn Max qua vai mình với một thứ như sự bực dọc tức tối. "Này nhóc, kể ra đi," Max nói. "Chuyện ra sao rồi?"

"Chuyện là chuyện gì đây?"

"Cái thằng già đó. Bạn có nghĩ là bạn đã giết lão không? Nói thẳng thắn ra coi! Bạn đâu muốn Bobbie dính vào mấy thứ chuyện rắc rối này, phải không?"

"Bobbie," Joe nói, trong khi nghĩ Bobbie. Bobbie Nó quay đầu, lại chạy nữa. Lần này Max nắm vai nó, dù không chặt.

"Ráng lên," Max nói. "Bộ ở đây tụi mình không phải bầu bạn sao? Bạn đã giết lão rồi phải không?"

"Giết ổng?" Joe nói, bằng cái giọng cáu kỉnh của sự nôn nóng được kiềm chế như thể nó bị một đứa bé giữ lại và hỏi han này nọ.

Tên lạ mặt mở miệng nói. "Cái lão mà bạn dộng ghế xuống đầu đó, lão chết chưa?"

"Chết sao?" Joe nói. Nó nhìn tên lạ mặt. Cùng lúc nó thấy lại cô bồi bàn và nó chạy nữa. Bây giờ, nó thực sự cử động. Nó đã hoàn toàn đuổi hai tên đàn ông đó ra khỏi tâm trí mình. Nó bước về phía chiếc giường, tay nhét trong túi, mặt lộ ra vẻ phấn khích và đắc thắng. Cô bồi bàn không nhìn nó. Nàng đã không nhìn nó lấy một lần từ khi nó vào, dù rất có thể nó đã quên bẵng chi tiết này. Nàng đã không cử động; điếu thuốc trên tay nàng vẫn cháy. Bàn tay bất động của nàng thấy to và tái và vô hồn giống như miếng thịt sắp lên chảo. Ai đó nắm vai nó lần nữa. Đó là tên lạ mặt, lần này. Tên lạ mặt và Max đứng kề vai nhau, chằm chằm nhìn Joe.

"Đừng câu giờ nữa," tên lạ mặt nói. "Nếu bạn đã giết cái lão đó thì nói vậy cho rồi. Không thể giấu kín lâu được đâu. Chưa đầy một tháng thì thiên hạ biết mẹ nó hết rồi."

"Tui không biết, tui nói thật mà!" Joe nói. Nó nhìn người này đến người kia, cáu kỉnh nhưng chưa giận dữ. "Tui có đánh ổng. Ổng té nhào xuống. Tui có biểu ổng là một ngày kia tui sẽ làm chuyện này." Nó nhìn mặt người này đến mặt người kia, cả hai đều bất động và hầu như giống hệt nhau. Nó bắt đầu lắc mạnh vai mình dưới bàn tay tên lạ mặt.

Max nói. "Vậy thì bạn tới đây làm gì?"

"Tới đây làm..." Joe nói. "Tui tới đây làm..." nó nói với cái giọng mang chút gì ngạc nhiên yếu ớt, tia mắt hung tợn chiếu lên hết bộ mặt này đến bộ mặt kia với một cái gì như là bực tức, tuy có giận đấy nhưng còn kiên nhẫn. "Tui tới đây làm gì à? Tui tới tìm Bobbie. Mấy người có nghĩ là tui... khi tui đi về tận nhà lấy tiền để làm đám cưới với..." Một lần nữa, nó lại quên bẵng, lại đuổi họ ra khỏi tâm trí mình. Nó lắc mạnh vai ra khỏi bàn tay của tên lạ mặt và quay về phía người đàn bà, và một lần nữa, bộ mặt nó lộ vẻ phấn khích, kiêu hãnh và quên hết xung quanh. Rất có thể vào khoảnh khắc đó, hai tên đàn ông bị thổi bay ra khỏi hoàn toàn cuộc đời nó như hai mảnh giấy trước luồng gió mạnh. Rất có thể nó thậm chí không để ý gì khi Max bước về phía cửa và gọi to, và một lát sau mụ đàn bà tóc vàng đi vào. Nó khom người phía trên cái giường, nơi cô bồi bàn đang ngồi cúi mặt, bất động, khom người phía trên nàng, nó rút từ túi ra các đồng tiền và các tờ giấy bạc và để lên đùi nàng và lên giường bên cạnh nàng. "Đây, em nhìn này. Nhìn đi. Của anh đó. Thấy không?"

Rồi ngọn gió lại thổi lên người nó lần nữa, như khi ở trong ngôi trường ba tiếng đồng hồ trước, giữa những bộ mặt đang há hốc mồm kinh ngạc mà nó đã quên bẵng lúc đó. Nó bây giờ đứng thẳng người, trầm tĩnh, trông như đang mơ, ngay cái chỗ mà cô bồi bàn, bỗng bật dậy như cái lò xo, đã để lại cho nó, và nó thấy nàng, đứng, đưa tay hốt những đồng tiền tản mát và những tờ giấy bạc được cuộn nhỏ rồi quăng tất cả ra xa. Nó bình thản nhìn bộ mặt nàng bơ phờ, cái miệng nàng la hét, cặp mắt nàng cũng la hét nữa. Chỉ một mình nó, giữa tất cả bọn họ, trông có vẻ điềm tĩnh và lặng lẽ; và chỉ riêng giọng nói của nó thì đủ thản nhiên để lọt tai người nghe: "Nghĩa là em không muốn, phải không?" nó nói. "Nghĩa là, em không muốn?"

Cảnh tượng bây giờ thì trông rất giống như ở trường học trước đó: một người nào đó giữ chặt nàng trong khi nàng cực lực vùng vẫy, la hét, tóc tai xổ tung vì cái đầu cứ co giật, hất lên hất xuống, và bộ mặt, ngay cả cái miệng, trái với tóc tai, thì trơ ì như một cái miệng chết trên một bộ mặt chết. "Đồ con hoang! Đồ chó đẻ! Làm tao dính mẹ vô cái chuyện rắc rối này, trong khi tao xưa nay đối xử với mày như thể mày là thằng da trắng! Một thằng da trắng!"

Nhưng rất có thể đối với nó, những lời chửi rủa đó chỉ còn là những tiếng động vào tai này ra hết tai kia: chỉ là một cơn gió lốc bất chợt. Nó chỉ nhìn nàng chằm chằm, nhìn bộ mặt mà nó chưa hề thấy trước đây, và nhẹ nhàng nói (có thành tiếng hay không thì nó không biết chắc) với sự kinh ngạc chậm rãi: Tại sao, tui đã giết người vì nàng. Tui thậm chí đã ăn cắp tiền vì nàng như thể nó vừa nghe đến chuyện này, vừa nghĩ đến chuyện này, như thể người ta vừa báo cho nó biết là nó đã làm chuyện này.

Rồi nàng cũng có vẻ bay ra khỏi đời nó dưới cơn gió mạnh đột ngột như một mảnh giấy thứ ba. Nó bắt đầu vung cánh tay làm như bàn tay nó còn nắm chặt cái ghế gãy. Mụ đàn bà tóc vàng đã có mặt trong phòng từ một đỗi lâu rồi. Nó thấy mụ lần đầu tiên, hình như hiện hình từ không khí, nhưng nó không tỏ ra ngạc nhiên. Mụ đứng đó, bất động, vẻ ngoài điềm tĩnh chắc cứng như kim cương tạo cho mụ một sự đáng trọng cũng khắt khe và bình thản như cái găng trắng bọc bàn tay được giơ lên của người cảnh sát. Đầu tóc bới tém rất gọn gàng. Lúc này mụ mặc chiếc áo ki-mô-nô màu xanh nhạt bên ngoài cái áo đầm dùng mặc khi đi xa. Mụ nói nhẹ nhàng: "Giữ hắn lại. Tụi mình hãy rời khỏi đây đi. Bọn cảnh sát sẽ tới đây bất cứ lúc nào đó. Tụi nó sẽ biết tìm hắn ở đâu mà."

Có lẽ Joe không nghe mụ gì cả, cũng chẳng nghe cô bồi bàn đang la hét: "Chính hắn mở miệng kể ra cho tôi nghe hắn là mọi đen đó! Một thằng con hoang! Vậy mà tôi cho hắn đ. chùa bấy lâu nay, cái thằng mọi đen chó đẻ này, để rồi bị hắn kéo vào gây chuyện rắc rối với tụi cảnh sát của dân nhà quê. Lại trong buổi nhảy đầm của đám nhà quê đó nữa chớ!" Có lẽ nó chỉ nghe cơn gió mạnh bất chợt trong khi nó vung tay, như thể còn nắm chặt cái ghế, lao vào hai tên đàn ông. Rất có thể là nó thậm chí không biết là hai tên đó đã tiến về phía nó. Bởi vì, với sự phấn khích tương tự như cha nuôi của mình, nó tự ý lao cả người vào, chỉ để nhận một cú đấm như trời giáng của tên lạ mặt. Mặc dù tên đó đã đấm thẳng vào mặt nó đến hai cú, có lẽ nó không cảm thấy một cú nào cả trước khi té nhào xuống đất, và cũng giống như người mà nó đã đánh ngã bằng ghế trước đó, nó nằm ngửa, không cựa quậy. Nhưng nó không bất tỉnh, vì đôi mắt nó vẫn mở và nhìn lên hai tên đàn ông. Không có gì trong đôi mắt ấy cả, không đau đớn, không ngạc nhiên. Nhưng theo bề ngoài, nó không thể cử động; nó chỉ nằm đó với vẻ mặt trầm ngâm sâu lắng, lặng lẽ nhìn lên hai tên đàn ông và mụ đàn bà tóc vàng lúc nào cũng bất động, hoàn tất trọn vẹn và hiện xuất như một bức tượng đúc từ khuôn ra. Có lẽ nó cũng không nghe các tiếng nói, hay có lẽ nó nghe nhưng những tiếng nói này, một lần nữa, thì cũng vô nghĩa như tiếng kêu vù vù khô khan và liên tục của đám côn trùng bên ngoài cửa sổ:

Quấy rầy con bé dễ thương nhất mà tao có thể ham muốn

Hắn nên tránh xa các con điếm

Hắn không thể nhịn được. Hắn sinh ra quá gần một con điếm mà

Hắn thực sự là một thằng mọi đen không? Hắn trông đâu giống mọi đen

Đó là điều hắn nói với Bobbie, vào một đêm nào đó. Nhưng tao đoán là con nhỏ không biết nhiều hơn hắn về chuyện hắn là cái người gì. Mấy thằng nhà quê trời đánh này thì có thể là bất cứ cái giống gì

Tụi mình sẽ tìm ra. Tụi mình sẽ thấy hắn có máu da đen trong người không Nằm im, thư thái, Joe nhìn tên lạ mặt cúi người xuống và nâng đầu nó dậy và đấm vào mặt nó lần nữa, lần này bằng một cú nhanh như roi quất. Sau một lát, nó đưa lưỡi liếm môi, nhè nhẹ, ít nhiều như đứa bé liếm cái muỗng múc nước xốt. Nó nhìn bàn tay tên lạ mặt giơ lên, nhưng không hạ xuống

Thôi đủ rồi. Tụi mình chạy thẳng đến Memphis đi.

Chỉ một lần nữa thôi Joe nằm im và nhìn bàn tay. Rồi Max đến bên cạnh tên lạ mặt, cũng cúi người xuống Tụi tôi cần thêm chút máu để biết cho chắc

Chắc chắn rồi. Hắn không cần phải lo lắng. Cái này thì cũng được chủ tiệm trả tiền mà

Nắm đấm không hạ xuống. Rồi mụ đàn bà tóc vàng cũng đứng ngay đó. Mụ đã nắm lấy cánh tay giơ cao của tên lạ mặt ở cổ tay. Tao đã biểu đủ rồi mà

10

Sự hiểu biết, chớ không phải nỗi đau buồn, nhớ lại cả ngàn con đường hoang dã và hiu quạnh. Chúng bắt đầu từ cái đêm nó nằm dưới đất và nghe những bước chân cuối cùng rồi cái cánh cửa cuối cùng (họ thậm chí không tắt đèn). Và nó nằm ngửa, yên lặng, hai mắt mở, trong khi cái bóng đèn hình cầu treo phía trên nó vẫn chiếu ra một thứ ánh sáng ổn định và đau đớn như trong một cái nhà mà mọi người ở đó đều chết. Nó không biết mình nằm đây bao lâu rồi. Nó không suy nghĩ gì hết. Nó không thấy đau khổ. Có lẽ nó ý thức là ở đâu đó bên trong con người mình hai cái đầu nhánh đứt rời của ý muốn và tri giác, giờ nằm xa cách, đang chờ được chạm nhau, được nối lại một lần nữa để nó có thể cử động. Trong khi làm xong việc sửa soạn cho chuyến đi, bọn họ thỉnh thoảng bước ngang qua người nó, giống như những người sắp sửa rời bỏ ngôi nhà vĩnh viễn bước ngang qua một đồ vật mà họ có ý định bỏ lại. Này Bobbie này cô bé đây là cái lược mà em bỏ quên đây cũng là số tiền nhỏ nhoi của Romeo trời ơi chắc là hắn đã thó cái két của trường dạy ngày chủ nhật[67] khi ra khỏi lớp bây giờ tiền này là của Bobbie đó bộ bà không thấy hắn cho Bobbie tiền này sao bà không thấy sao bà là người tốt bụng lắm mà đúng vậy hãy lượm tiền lên cô bé em có thể giữ nó như là tiền trả góp hay như là kỷ niệm hay như là bất cứ cái gì em thích ủa sao con nhỏ này lại không muốn tiền thôi thì thật đáng tiếc thật không may nhưng tụi mình không thể để tiền này nằm đây trên sàn nhà nó sẽ làm mục rữa một lỗ trong sàn nhà nó đã bắt đầu làm thủng một lỗ khá lớn so với kích thước của nó khá lớn so với bất cứ kích thước nào ê Bobbie ê cô bé được rồi anh sẽ giữ lại tiền này cho Bobbie không đời nào mày được lấy tiền này thôi được tôi muốn nói là tôi sẽ giữ một nửa số tiền này cho Bobbie tụi mày hãy để tiền lại đó đồ trời đánh thánh vật tụi mày muốn làm gì với tiền này có phải là của tụi mày đâu nó thuộc về hắn mà trời ơi hắn muốn làm gì với tiền này cơ chứ hắn không dùng tiền hắn không cần tiền hãy hỏi Bobbie xem hắn có cần tiền không người ta cho hắn và chính tụi tôi đây phải trả giùm cho hắn hãy để tiền lại đây tao nói với tụi mày không đời nào rồi đây không phải là tiền của tao để mà vứt lại đó là tiền của Bobbie nhưng thực ra cũng không phải của mày nữa Bobbie à trời ơi trừ phi mày bảo tao rằng hắn cũng nợ tiền mày rằng hắn cũng đã đ. chịu mày rồi sau này mới trả tiền những khi tao đi vắng tao đã nói rồi để tiền này lại đây tụi mày cút đi chỉ có năm hay sáu đô-la cho mỗi đứa là cùng Rồi mụ đàn bà tóc vàng đứng thẳng lên bên cạnh nó và cúi người xuống; nó im lặng nhìn; mụ kéo váy lên và lấy ra từ phía trên bít tất dài một xấp tiền giấy được xếp phẳng, gọn và rút ra một tờ, ngừng lại, rồi nhét tờ bạc đó vào túi để đồng hồ ở quần nó. Xong mụ bỏ đi Này ra khỏi đây đi chính mày chưa sẵn sàng đó mày phải xếp lại cái áo ki-mô-nô này và đóng va-li và đánh phấn lên mặt lần nữa và mang va-li và cái mũ lại đây cho tao ê mày cũng ra trước đi dẫn Bobbie theo và ngồi đợi tao với Max trong xe hơi cùng với những cái va-li khác bộ mày nghĩ tao sẽ để một trong hai đứa mày ở lại đây một mình để lấy trộm hắn số tiền này nữa sao thôi nào cút khỏi đây ngay

Rồi họ đi hết: những bước chân cuối cùng, cái cánh cửa cuối cùng. Rồi nó nghe tiếng xe hơi át hẳn tiếng côn trùng, tiếng rồ rồ từ bên trên tụt xuống ngang bằng chỗ nó nằm, rồi tụt xuống thấp hơn nữa đến mức nó chỉ còn nghe tiếng côn trùng thôi. Nó nằm đó, dưới ánh sáng ngọn đèn. Nó chưa thể cử động như nó đã có thể nhìn mà không thực sự thấy, nghe mà không thực sự biết; hai cái đầu nhánh chưa nối lại được trong khi nó nằm một cách thanh thản, thỉnh thoảng đưa lưỡi liếm môi như một đứa bé thường làm.

Rồi hai đầu nhánh nối lại và sự tiếp xúc được tái lập. Nó không biết cái khoảnh khắc chính xác đó nhưng đột ngột nó ý thức là trong đầu có tiếng kêu ù ù, và nó chậm rãi ngồi dậy, biết ra là các giác quan đã sống lại hết, rồi đứng lên. Nó thấy choáng váng; căn phòng quay chậm chạp, nhẹ nhàng, như một ý tưởng, và cái ý tưởng này nói Chưa đâu. Nhưng nó vẫn không thấy đau, ngay cả khi dựa người vào cái tủ thấp nó xem xét trước gương bộ mặt sưng vù máu me của mình và ngay cả khi đưa tay chạm vào mặt. "Trời ơi," nó nói. "Tụi nó nện mình một trận quá cỡ!" Nó chưa suy nghĩ. Đầu óc nó chưa hoạt động tới mức đó Mình cho là tốt hơn nên ra khỏi đây Mình cho là tốt hơn nên ra khỏi đây Nó đi về phía cửa, hai bàn tay đưa ra trước như một người mù hay người mộng du. Nó ra đến hành lang mà không nhận ra là mình đã bước qua cửa rồi nó thấy mình ở trong một phòng ngủ khác trong khi nó vẫn hy vọng, nhưng có lẽ không tin, là mình đang đi về phía cửa ra vào căn nhà. Phòng ngủ này cũng nhỏ. Tuy vậy nó có vẻ còn đầy sự hiện diện của mụ đàn bà tóc vàng, ngay những bức tường thô cứng và nhỏ hẹp cũng có vẻ phình ra với sự đáng trọng mang tính chiến đấu có bề mặt cứng như kim cương. Trên cái tủ thấp trần trụi có một chai uýt-ki loại xấp xỉ nửa lít[68] còn gần đầy. Nó cầm đưa lên miệng uống chậm rãi, không cảm thấy lửa từ rượu bốc ra, tay kia bám chặt vào cái tủ thấp để đứng cho vững. Uýt-ki chảy xuống cổ họng nó, lạnh như mật mía, không mùi vị. Nó đặt chai rượu không còn một giọt xuống, tựa người vào cái tủ thấp, cúi đầu, không suy nghĩ gì hết, có lẽ chờ đợi mà không biết, thậm chí có lẽ cũng không chờ đợi. Rồi rượu uýt-ki bắt đầu đốt trong người và nó bắt đầu lắc cái đầu từ bên này sang bên kia trong khi sự suy nghĩ thì đi theo những cơn quặn thắt chậm và nóng trong ruột gan: 'Mình phải rời khỏi đây.' Nó ra lại hành lang. Bây giờ chính cái đầu nó trở nên rõ ràng trong khi thân thể thì vận hành lộn xộn. Nó phải dỗ dành cái thân đó để nó dựa vào tường dọc theo hành lang mà đi lần ra tới cửa, nghĩ, 'Ráng lên đi, giữ bình tĩnh chút coi. Tao phải ra khỏi đây đó mày.' trong khi nghĩ Nếu mình mà có thể chỉ đưa nó ra ngoài, ra ngoài trời, trong không khí mát mẻ, trong bóng đêm mát mẻ Nó nhìn hai bàn tay dò dẫm ở cánh cửa ra vào, cố gắng giúp đỡ chúng, dỗ dành và kiểm soát chúng. 'Dù sao, đâu phải lúc nào bọn họ cũng khóa cửa,' nó nghĩ. 'Trời ơi, nếu khóa thì mình hẳn không thể ra khỏi đây cho đến sáng mai. Mình hẳn không bao giờ có thể mở cửa sổ mà trèo ra.' Cuối cùng nó mở được cửa, bước ra ngoài và đóng lại sau lưng, dỗ dành lắm, ép buộc lắm thân thể nó mới chịu đóng cánh cửa ra vào của căn nhà trống vắng, chỉ có hai ngọn đèn được thắp, chiếu sáng một cách ổn định và buồn tẻ mà không biết, không bận tâm là căn nhà đã vắng người, cũng tỏ ra lãnh đạm đối với sự im ắng và buồn đau như đối với những đêm bẩn thỉu và thô bạo với những ly tách cũ mèm cứ dùng hoài, với những cái giường cũ mèm cứ nằm hoài. Giờ thì thân thể nó nghe lời tốt hơn, dễ bảo hơn. Nó bước ra khỏi hàng hiên, vào vùng trăng chiếu sáng, và với cái đầu vấy máu, với cái bụng trống không, cồn cào, hoang dại và gan dạ nhờ rượu uýt-ki, nó đặt chân xuống con đường phố mà nó chỉ sẽ thấy được khúc cuối mười lăm năm sau.

Trong đời nó có những giai đoạn mà việc mua bán rượu uýt-ki tàn lụi kịp thời, được hồi phục, rồi tàn lụi lại, nhưng con đường phố này vẫn chạy tiếp. Từ cái đêm đó, hàng ngàn con đường phố chạy dài ra, có vẻ như tạo thành một con đường phố duy nhất, với những góc đường không thể nhận thấy và những quang cảnh thay đổi, thỉnh thoảng bị đứt gãy do các chuyến đi trên xe tải mà nó xin xỏ, trên tàu lửa mà nó đi lậu, và trên xe la nhà quê mà khi ở tuổi hai mươi, hai mươi lăm, ba mươi, nó ngồi trên ghế với bộ mặt cứng nhắc, trơ lì, và bộ áo quần thị dân (ngay khi đã lấm bẩn và cũ sờn). Và người đánh xe la không biết tên hành khách đó là ai hay là gì, và không dám mở miệng hỏi. Con đường phố đó chạy qua các bang Oklahoma và Missouri, xuống phía Nam tận biên giới Mexico, rồi ngược lên phía Bắc, tới các thành phố Chicago và Detroit, trước khi quay xuống phía Nam lần nữa rồi cuối cùng dừng ở bang Mississippi. Con đường dài mười lăm năm: nó chạy giữa các mặt tiền bằng gỗ, hoang dã và giả tạo, của các thành phố dầu lửa, nơi mà bùn đen không đáy làm lấm lem đôi giày màu sáng và bộ quần áo bằng vải "xéc" lúc nào cũng thấy trên người nó, nơi mà nó nuốt đồ ăn sống trong mấy cái dĩa bằng thiếc mà nó phải tốn hết mười hay mười lăm đô-la một bữa ăn và nó trả bằng một cuộn giấy bạc to như con ễnh ương cũng bị lấm lem vì cái bùn đen có mặt khắp nơi này và có vẻ cũng vô hạn như vàng đen mà người ta hút ra từ nó. Con đường cũng chạy qua những cánh đồng lúa mì vàng ươm lượn sóng dưới những ngày vàng làm việc cật lực và ngủ mê man trong đống cỏ khô dưới ánh sáng nhợt nhạt, lạnh lẽo của vầng trăng điên tháng chín và những vì sao nhấp nhánh: nó lần lượt từng là lao động tay chân, thợ mỏ, kẻ đi tìm vàng, tên kéo khách cho các sòng bạc; nó đăng lính, phục vụ được bốn tháng thì đào ngũ và không hề bị bắt lại. Và như thường lệ, chỉ sớm hay muộn thôi, con đường rồi cũng chạy xuyên qua các thành phố, xuyên qua các khu phố giống hệt nhau và hầu như có thể thay đổi được với nhau, mang những cái tên giờ đã chìm vào quên lãng, nơi mà, dưới vòm trời nửa đêm tối tăm, mập mờ và mang tính tượng trưng, nó ăn nằm với những người đàn bà và trả tiền cho họ mỗi khi nó có tiền, và khi không tiền thì nó cũng vẫn ngủ với họ, rồi bảo họ nó là da đen. Việc này thì xuông xẻ được một thời gian, khi nó vẫn còn ở dưới miền Nam. Đơn giản và dễ dàng như chơi. Tất cả những gì nó có cơ phải chịu thì thường là những lời chửi rủa của những người đàn bà nó chơi quịt và của các mụ Tú bà. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nó cũng bị các tên chủ chứa gái khác dần cho một trận đến bất tỉnh để rồi thức dậy sau đó ở ngoài đường hay trong nhà tù.

Mấy chuyện này xảy ra khi nó còn ở dưới miệt mà người ta có thể gọi một cách tương đối là miền Nam. Bởi vì nó bị bể mánh vào một đêm. Nó đứng dậy ra khỏi giường và nói với người đàn bà nó là da đen. "Thật sao anh trai?" nàng ta nói. "Gái này nghĩ anh trai là dân Ý hay cái giống gì tương tự." Nàng ta nhìn nó, không lộ vẻ tò mò gì đặc biệt, rồi rõ ràng là nàng ta thấy cái gì đó trên bộ mặt nó: "Chuyện này là thế nào? Anh trai trông được lắm đó. Giá mà anh trai thấy được cái thằng mọi đen mà gái này vừa tống cổ ra cửa, ngay trước khi tới phiên anh trai đó." Nàng ta vẫn nhìn nó, vẻ bình thản. "Này, bộ anh trai tưởng cái chuồng heo này đây là cái gì chớ? Khách sạn Ritz[69] chắc? Rồi nàng ta ngừng nói. Quan sát bộ mặt nó. Bắt đầu lùi bước chậm chạp trước nó. Nhìn nó chằm chằm, nét mặt mệt mỏi, miệng há ra để hét lên. Và nàng ta hét thật. Sau đó thì phải cần đến hai viên cảnh sát mới khuất phục được nó. Thoạt đầu, hai người này nghĩ là nàng ta đã mất mạng.

Nó lâm bệnh sau vụ này. Cho tới lúc đó, nó đã không hề biết là có những đàn bà da trắng chịu làm tình với đàn ông da đen. Nó bịnh cả hai năm. Đôi khi nó nhớ lại là có một lần nó đã đánh lừa hay trêu chọc các gã da trắng để họ gọi nó là mọi đen, và vậy là nó có cớ để đánh nhau với họ, để đánh họ hay để họ đánh mình; bây giờ nó lại đánh nhau với các gã da đen vì họ gọi nó là dân da trắng. Bây giờ nó ở miền Bắc, ở thành phố Chicago rồi tới Detroit. Nó sống với dân da đen và tránh xa dân da trắng. Nó ăn với họ, ngủ với họ, và tính khí thì hung hăng, khép kín, không ổn định. Nó giờ sống như vợ chồng với một người đàn bà trông giống như một bức tượng bằng gỗ mun. Ban đêm, nằm bên cạnh nàng, không ngủ được, nó bắt đầu thở sâu và mạnh. Nó cố ý làm vậy, cảm thấy, thậm chí nhìn thấy bộ ngực da trắng của mình căng phồng, càng lúc càng to lên trong lồng ngực, cố sức hít vào trong con người mình cái mùi da đen, cái suy nghĩ, cái bản chất tối tăm, không thể hiểu được của người da đen, và với mỗi hơi thở ra, nó tìm cách tống cái máu huyết da trắng, cái suy nghĩ, cái bản chất da trắng ra khỏi con người mình. Và trong suốt thời gian đó, với cái mùi mà nó đang cố gắng đồng hóa, hai lỗ mũi nó trở nên trắng hơn và co thắt lại, toàn bộ con người nó dằn vặt và căng thẳng vì sự nổi loạn của thân xác và sự chối bỏ của tinh thần.

Nó nghĩ là chính sự cô đơn mà nó tìm cách trốn tránh, chứ không phải chính nó. Nhưng con đường cứ tiếp tục chạy: như con mèo, nơi chốn nào trông cũng giống nhau đối với nó. Nhưng không ở nơi nào nó có thể thấy cõi lòng mình bình yên. Nhưng con đường vẫn tiếp tục chạy với những tâm trạng riêng, những thời kỳ riêng của con đường, nhưng bao giờ cũng trống vắng: nó hẳn có thể lặng lẽ tự thấy mình như trong vô số những sự hóa thân, bị số phận bắt phải di chuyển, thúc đẩy bởi sự can đảm của một niềm tuyệt vọng bị suy yếu và bị kích động; bởi niềm tuyệt vọng của sự can đảm mà những cơ hội của nó đã phải bị suy yếu và bị kích động. Nó ba mươi ba tuổi, lúc đó.

Vào một buổi chiều con đường phố này trở thành một con lộ đồng quê ở bang Mississippi. Trước đó, gần một thị trấn, nó bị đuổi xuống chuyến tàu lửa chở hàng xuôi Nam. Nó không biết tên thị trấn này; nó bất cần biết người ta dùng từ gì để đặt tên. Dù sao nó đâu thấy mặt mũi thị trấn ra sao. Nó đi vòng ra xa dọc theo rừng cây, rồi khi đến con lộ thì nó nhìn cả hai hướng. Con lộ không được trải đá dù có vẻ được sử dụng thường xuyên. Nó thấy nhiều căn lều của dân da đen rải rác dọc theo đường; rồi nó thấy, cách xa khoảng nửa dặm, một cái nhà to hơn. Đó là một ngôi nhà rộng lớn nằm giữa một lùm cây, rõ ràng là một chỗ ở đã từng có nhiều uy thế trước đây. Nhưng giờ thì cây cối cần phải cắt tỉa và ngôi nhà trông như đã không được sơn phết lại từ nhiều năm nay. Nhưng nó cũng nhận ra là có người ở đó, và nó đã không ăn gì từ hai mươi bốn giờ qua. 'Cái nhà này thì được việc cho mình đây,' nó nghĩ.

Nhưng nó không đến gần ngay tức khắc, dù buổi chiều sắp hết. Trái lại, nó quay lưng đi ngược hướng với ngôi nhà, trên người mặc chiếc áo sơ-mi trắng đã bẩn và cái quần vải "xéc" cũ mòn, mang đôi giày đi phố đã rạn nứt và đầy bụi, và cái mũ dạ thì đội lệch một cách kiêu ngạo phía trên bộ râu ba ngày chưa cạo. Tuy nhiên, dù như vậy nó vẫn không có vẻ một tên lang thang đầu đường xó chợ, ít ra là dưới mắt thằng bé da đen đang đi trên đường, tay lúc lắc cái xô bằng thiếc, mà nó sắp gặp trong chốc lát. Nó chặn thằng bé lại. "Ai ở cái nhà bự dưới kia?" nó nói.

"Đó là nơi cô Burden ở."

"Ông và bà Burden chớ?"

"Thưa ông không phải đâu. Đâu có ông Burden nào. Đâu có ai khác ở với cổ."

"Vậy à! Một bà già phải không?"

"Thưa ông không phải đâu. Cô Burden đâu có già. Cũng đâu có trẻ."

"Và cổ sống một mình ở đó. Cổ không sợ sao?"

"Ngay trong thành phố này ai mà muốn làm hại cổ chớ? Dân da đen xung quanh đây chăm lo cho cổ mà."

"Dân da đen chăm lo cho cổ sao?"

Ngay lập tức, thằng bé dường như đóng sập cánh cửa giữa nó và tên đàn ông đang hỏi han nó. "Tui cho là không có ai ở đây muốn làm hại cổ cả. Cổ có bao giờ làm hại ai đâu."

"Chắc vậy rồi," Christmas nói. "Từ đây đến thị trấn gần nhất thì bao xa, theo hướng này?"

"Độ ba chục dặm, người ta nói vậy. Không lẽ ông lại định lội bộ đến đó sao?"

"Không đâu," Christmas nói. Rồi quay người bỏ đi. Thằng bé da đen nhìn theo nó. Rồi chính thằng bé cũng bước đi, cái xô thiếc lúc la lúc lắc bên hông. Mới được vài bước chân thì thằng bé ngoái đầu ngó lại. Tên đàn ông vừa hỏi han nó giờ tiếp tục bước đều, tuy không nhanh. Thằng bé lại đi tiếp, trong bộ quần yếm bạc màu, vá chùm vá đụp và quá chật. Nó đi chân không. Một lát sau, nó bắt đầu kéo lê đôi chân nhưng vẫn đi tới, bụi đỏ bay lên xung quanh cẳng chân tong teo màu sô-cô-la, xung quanh hai ống đã sờn của cái quần yếm quá ngắn. Thằng bé cũng bắt đầu hát nhiều lần, không có giai điệu nhưng nhịp nhàng, du dương dù chỉ với một nốt nhạc duy nhất:

Say dont didn't.

Didn't dont who.

Want dat yaller gal's

Pudden dont hide.[70]

***

Nằm trong một bụi cây cành lá um tùm và lộn xộn cách ngôi nhà chừng trăm thước, Christmas nghe từ nơi xa vọng đến tiếng đồng hồ điểm chín giờ rồi mười giờ. Trước mắt nó, ngôi nhà nổi bật lên, đồ sộ, vuông vắn, giữa các lùm cây. Ở một cửa sổ trên lầu có ánh sáng hắt ra. Màn sáo không buông xuống và nó thấy ánh sáng đó là từ một ngọn đèn dầu lửa, và thỉnh thoảng nó thấy xuyên qua cửa sổ và trên bức tường cuối phòng, cái bóng của một người đang di chuyển. Nhưng nó không thấy người đó chút nào. Sau một lát, ánh sáng tắt hẳn.

Ngôi nhà giờ chìm trong bóng tối và nó không nhìn nữa. Nó nằm trong khu rừng nhỏ đầy bụi rậm, nằm sấp trên mặt đất tối tăm. Bóng tối trong khu rừng thì không thể thâm nhập được. Xuyên qua làn áo sơ-mi và quần tây, nó cảm thấy sự mát lạnh, nhẹ, gần gũi, hơi ẩm ướt, như thể mặt trời không hề vào được bầu không khí của khu rừng. Xuyên qua áo quần, nó có thể cảm thấy cái mặt đất bị mặt trời ruồng bỏ đó đang phập phồng, chậm chạp và dễ nhận cảm, cận kề thân thể mình: hai quả thận, hai bên hông, bụng, ngực, hai cẳng tay. Trán nó đặt trên hai cánh tay khoanh lại. Mùi ẩm và nồng của đất tối đen và màu mỡ bốc lên đầy hai lỗ mũi nó.

Nó không nhìn lại ngôi nhà trong bóng tối lấy một lần nữa. Nó nằm hoàn toàn bất động trong khu rừng hơn một tiếng đồng hồ trước khi đứng dậy và ra khỏi bụi rậm. Nó không bò. Không có gì lẩn lút, thậm chí không có gì thận trọng đặc biệt khi nó tiếp cận ngôi nhà. Nó chỉ đơn giản đi đến đó một cách yên lặng, như thể đó là cái cung cách đi đứng tự nhiên của nó, rồi đi vòng cái khối to lớn nhưng giờ đây không còn hình dạng nhất định của ngôi nhà, ra phía sau nơi chắc có nhà bếp. Nó đi nhẹ êm không thua gì con mèo, ngừng chân đứng nghỉ một lát dưới cái cửa sổ đã hắt ra ánh sáng trước đó. Đám dế dưới cỏ xung quanh chân nó, đã im tiếng khi nó bước đi và tạo ra một hòn đảo nhỏ yên tĩnh bao quanh nó như một ánh phản chiếu có màu vàng và mỏng manh của các tiếng gáy nhỏ nhoi của chúng, bây giờ bắt đầu lại. Khi nó cử động, chúng lại im tiếng một lần nữa, cùng một cách đột ngột, nhẹ nhàng và mau lẹ như trước. Sau lưng nhà có một cái chái chỉ có tầng trệt. 'Đây chắc là nhà bếp,' nó nghĩ. 'Đúng rồi, nhà bếp đây.' Nó bước tới, không gây ra tiếng động, trong cái đảo nhỏ của đám côn trùng bỗng dưng im bặt. Trên bức tường nhà bếp nó có thể nhận ra một cánh cửa ra vào. Nếu mà thử tìm cách mở, nó sẽ thấy ra là cánh cửa không được khóa lại. Nhưng nó không thử. Nó đi ngang qua và đứng lại dưới cửa sổ. Trước khi thử mở nó, Joe nhớ lại là mình đã không thấy lưới chống muỗi ở cái cửa sổ trên lầu có ánh sáng hắt ra.

Cửa sổ thì mở, một thanh gỗ ngắn chống nó lên. 'A, bất cẩn đến vậy sao!' nó nghĩ. Nó đứng bên cửa sổ, hai bàn tay đặt lên mép cửa, hơi thở nhẹ nhàng, không tỏ ra nghe ngóng, không tỏ ra vội vã, làm như sự vội vã thì vô ích trong thế giới này. 'Lạ, lạ, lạ thật! Bất cẩn quá mà! Lạ, lạ, lạ thật!' Rồi nó leo qua cửa sổ; nó có vẻ hòa lẫn vào không gian tối tăm của nhà bếp, như một cái bóng trở về mà không gây ra tiếng động, mà không có di chuyển, trong bóng tối bao la của lòng mẹ. Có lẽ nó nghĩ đến cái cửa sổ khác mà nó đã thường leo qua và sợi dây thừng nó đã phải dùng để lên xuống; có lẽ nó không nghĩ gì đến mấy thứ này.

Rất có thể là không. Không hơn gì con mèo khi nhớ lại một cửa sổ khác; và giống như các con mèo, nó cũng có vẻ nhìn được trong bóng tối khi di chuyển một cách chính xác về phía có đồ ăn mà nó thèm muốn, làm như nó đã biết đồ ăn nằm chỗ nào rồi; hay là, làm như nó được một người rành đường đi nước bước lôi kéo theo. Nó ăn đồ gì đó từ một cái dĩa không thể nhìn thấy, bằng các ngón tay không thể nhìn thấy: các món ăn không thể nhìn thấy. Nó không quan tâm đó là cái gì. Nó không biết là nó thậm chí đã tự hỏi cái đó, đã thưởng thức cái đó cho tới khi hàm nó bất chợt ngừng lại nửa chừng khi đang nhai và những ý tưởng trong đầu nó lại vụt chạy xuống con đường, lùi về hai mươi lăm năm trước, ngang qua các góc phố không thể nhận thấy được của những thất bại cay đắng và những thắng lợi còn cay đắng hơn nữa, và ngừng lại năm dặm tận bên kia cái góc đường mà nó thường đứng đợi, trong cái thuở ban đầu khủng khiếp của tình yêu, một người nào đó mà nó đã quên tên. Nó ngừng suy nghĩ ở chỗ năm dặm tận bên kia cái góc đường đó Mình sẽ biết trong vòng một phút thôi. Mình đã ăn cái này trước đây, ở đâu đó. Trong một phút mình sẽ trí nhớ khởi động và biết Mình thấy mình thấy mình làm hơn cả thấy cả nghe mình nghe mình thấy đầu cúi xuống mình nghe cái giọng nói đơn điệu và giáo điều mà mình tin là nó sẽ không bao giờ chấm dứt mình nghe cái giọng đó cứ nói và nói dai, nói dài mãi, rồi bằng cách nhìn trộm mình thấy cái đầu tròn ngang bướng không thể khuất phục được và bộ râu cắt tỉa gọn gàng cũng cúi xuống và mình nghĩ Làm sao mà ông ta có thể không thấy đói như vậy trong khi mùi vị thơm phức thì vào đầy cả miệng lẫn lưỡi mình khóc như ăn phải muối nóng vì sự chờ đợi và đôi mắt mình cay cay vì hơi nóng bốc lên từ dĩa đồ ăn "Đó là đậu Hà Lan," nó hét to. "Trời đất, đậu Hà Lan hái ngoài đồng nấu với mật mía."

Có lẽ không những sự suy nghĩ mà còn những thứ khác đã làm nó lơ đãng: đáng lẽ nó đã nghe ra tiếng động vài khoảnh khắc trước đó chớ, bởi vì người nào đó tạo ra tiếng động này, không khác gì nó, dường như bất cần sự thận trọng và sự im lặng. Có lẽ nó đã nghe thực sự. Nhưng nó vẫn đứng yên trong khi từ bên trong nhà tiếng động êm nhẹ của đôi bàn chân mang dép mềm đang đến gần nhà bếp. Rồi cuối cùng khi đột ngột quay người lại, đôi mắt bất ngờ bốc lửa, nó thấy dưới cánh cửa dẫn vào ngôi nhà đã có cái ánh sáng yếu ớt tiến lại gần. Cái cửa sổ mở thì sờ sờ ra đó: chỉ cần hầu như một bước thôi là nó hẳn có thể leo qua rồi. Nhưng nó không cử động. Nó thậm chí cũng không đặt cái dĩa xuống. Nó thậm chí cũng không ngừng nhai. Vậy là nó đợi, ngay giữa căn bếp, tay cầm dĩa đồ ăn, miệng cứ nhai. Cửa mở và một người đàn bà bước vào. Cô mặc chiếc áo choàng ngủ phai màu, tay cầm nến. Cô giơ cây nến lên cao đến mức ánh sáng rọi sáng cả khuôn mặt cô: một khuôn mặt điềm tĩnh, nghiêm trang, không tỏ ra sợ sệt chút nào. Dưới ánh nến mềm dịu, cô trông không quá ba mươi tuổi lắm đâu. Cô đứng ở ngưỡng cửa. Hai người nhìn nhau hơn cả một phút, hầu như với cùng một tư thế: nó với dĩa đồ ăn, cô với cây nến. Giờ thì nó đã ngừng nhai.

"Nếu anh đến đây chỉ để ăn thì anh sẽ tìm được các thứ anh cần," cô nói với giọng hơi trầm, thản nhiên, khá lạnh nhạt.

11

Ngọn nến tỏa ra ánh sáng mềm dịu chiếu lên vóc dáng đàn bà đang sửa soạn đi ngủ trong cái áo choàng ngủ không có thắt lưng, cô trông không quá ba mươi tuổi lắm đâu. Khi y thấy cô vào ban ngày, y biết là cô hơn ba mươi lăm rồi. Sau này, cô bảo y là cô bốn mươi tuổi. 'Điều này có nghĩa hoặc bốn mươi mốt hoặc bốn mươi chín, theo cách nói của cổ,' y nghĩ. Nhưng không phải trong đêm đầu tiên mà cô bảo y như vậy, và cũng không phải trong nhiều đêm tiếp theo.

Vả lại, cô nói rất ít với y. Hai người nói chuyện rất ít, và có nói thì cũng thất thường, ngay cả sau khi y trở thành tình nhân ăn nằm trong chiếc giường gái già của cô. Đôi khi y gần như đã tin là họ không nói với nhau chút nào, là y không biết cô chút nào. Như thể có đến hai con người ở cô: một người mà y thỉnh thoảng thấy vào ban ngày, mà y nhìn khi họ trao đổi với nhau bằng những lời nói hoàn toàn vô nghĩa, vì họ muốn vậy, vì họ chấp nhận vậy; và một người khác mà y ngủ chung vào ban đêm, mà y thậm chí không thấy, không nói chuyện chút nào.

Ngay cả sau một năm (lúc đó y đang làm việc ở xưởng bào), khi y không còn gặp cô vào ban ngày, ngoại trừ chiều thứ bảy hay ngày chủ nhật, hay khi y đến nhà để lấy đồ ăn mà cô đã sửa soạn cho y và để sẵn trên bàn trong nhà bếp. Thỉnh thoảng, cô vào bếp nhưng cô không bao giờ ở lại trong khi y ăn. Và đôi khi cô gặp y ngoài hàng hiên ở sau nhà. Trong bốn hay năm tháng đầu tiên kể từ khi y dọn tới ở căn lều gần ngôi nhà, hai người có khi gặp nhau trong chốc lát và trao đổi một hai câu, ít nhiều giống như những người xa lạ. Họ bao giờ cũng đứng: cô mặc một trong những chiếc áo đầm sạch sẽ bằng vải bông in hoa mà cô có vẻ sở hữu hàng tá, và đôi khi đội trên đầu cái mũ vải che nắng như một bà nông dân; và y, dạo này trong chiếc áo sơ-mi trắng sạch sẽ và cái quần bằng "xéc" được ủi thẳng thớm mỗi tuần. Họ không bao giờ ngồi xuống để nói chuyện. Từ trước đến nay, chỉ một lần y thấy cô ngồi, đó là khi nhìn qua cửa sổ ở tầng trệt y thấy cô ngồi viết ở bàn giấy trong phòng. Và một năm sau y mới để ý đến, nhưng không tỏ ra tò mò chút nào, cái số lượng lớn thư từ mà cô nhận được hay gởi đi. Lúc đó y nhận ra là cô dành một phần thời gian mỗi buổi sáng ngồi ở cái bàn viết có nắp đậy cũ mòn và đầy dấu vết trong căn phòng ít đồ đạc và ít khi dùng đến ở tầng trệt, cô viết không ngừng tay. Sau này y mới biết thư từ cô nhận là gồm những chứng từ thương mại, những giấy tờ cá nhân với năm chục dấu bưu điện khác nhau, và thư từ cô gởi đi là những thư trả lời - các ý kiến tư vấn của cô về các vấn đề thương mại, tài chánh và đạo giáo cho những hiệu trưởng, những giáo sư, những ủy viên quản trị của một tá trường học và trường đại học dành cho người da đen ở miền Nam cũng như các lời khuyên riêng tư và thiết thực cho những cô sinh viên trẻ hay ngay cả những cựu học sinh. Thỉnh thoảng cô vắng mặt ở nhà mỗi lần khoảng ba hay bốn ngày, và dù dạo này y có thể gặp cô bất cứ vào đêm nào y muốn, phải sau một năm thì y mới biết là trong những lần vắng mặt này cô đích thân thăm viếng các trường đó và nói chuyện với các thầy cô và các học sinh, sinh viên. Những công việc kinh doanh của riêng cô thì được một luật sư da đen ở Memphis lo liệu, ông cũng là ủy viên quản trị của một trong những trường đó. Trong két sắt của ông, ngoài bản chúc thư của cô, thì còn có những lời hướng dẫn trên giấy (do chính tay cô viết ra) về cách xử lý xác cô sau khi chết. Khi biết được mấy chuyện này, y hiểu ra thái độ của thành phố đối với cô, dù y biết là thành phố không biết được nhiều bằng y. Y tự nhủ: "Như vậy thì chẳng ma nào đến quấy rầy mình ở đây."

Một ngày nọ y nhận ra là trước nay cô đã không hề mời y vào đúng cái gọi là nhà. Y đã không hề vào xa hơn căn bếp, nơi mà y đã từng tự ý vào trước đó, và y nhếch môi, nghĩ, 'Cổ không thể cản mình vào trong đó. Cổ biết mà!' Và y đã không hề vào căn bếp đó ban ngày, trừ khi y đến lấy đồ ăn mà cô đã nấu cho y và để sẵn trên bàn. Và mỗi khi y vào trong nhà ban đêm thì lại như cách y vào đêm đầu tiên; y cảm thấy mình như quân đầu trộm đuôi cướp, ngay cả khi đi lên phòng ngủ, nơi cô đang đợi y. Và ngay cả sau một năm, y vẫn có cái vẻ lén lút vào nhà để, lại một lần nữa, cưỡng đoạt trinh tiết của cô. Như thể mỗi khi bóng tối đổ xuống, y lại thấy mình bị bắt buộc phải cưỡng đoạt lần nữa cái mà y đã cưỡng đoạt rồi - hay y đã chưa bao giờ cưỡng đoạt và sẽ không bao giờ cưỡng đoạt.

Đôi khi y nghĩ về chuyện này theo cách đó, nhớ lại sự nhượng bộ đó của cô, không nước mắt, không mủi lòng, không yếu mềm, gần như đầy tính đàn ông, để hiến thân cho y. Một sự riêng biệt tâm linh còn nguyên vẹn lâu đến độ mà bản năng sinh tồn của chính nó đã giết nó để làm vật hiến sinh, cho thấy trong giai đoạn thể chất của nó cả sức mạnh và sự dũng cảm của một người đàn ông. Một nhân cách kép: cái này, người đàn bà dưới ánh nến (hay có lẽ chính tiếng các bước chân mang dép đến gần) mà khi thấy lần đầu đã làm lộ ra trước mắt y, ngay tức khắc như một phong cảnh hiện ra dưới ánh chớp, một chân trời có sự an toàn cho thân xác và cho sự thông dâm, nếu không phải là khoái lạc; cái kia, những cơ bắp được tập luyện như đàn ông và thói quen suy nghĩ cũng như đàn ông, thừa hưởng từ giòng họ và môi trường sống, đó là tất cả những thứ mà y đã phải đấu tranh chống lại đến cùng. Không có lấy một sự dao động nữ tính, không có lấy một sự rụt rè trước nỗi ham muốn rõ ràng và ý định nhượng bộ đàn ông vào phút cuối. Như thể y đem thân mình ra đánh nhau với một người đàn ông khác để giành giựt một đồ vật không có giá trị gì thực sự đối với cả hai người, họ đánh nhau giành nó chỉ vì nguyên tắc đạo đức mà thôi.

Khi gặp lại cô, y nghĩ, 'Trời đất, mình tưởng mình biết đàn bà lắm, té ra chẳng bao nhiêu!' Gặp lại ngay ngày hôm sau đó: trong khi cô nói chuyện, y vừa nhìn cô, như thể cái điều mà trí nhớ của y xác nhận là đã xảy ra mới mười hai giờ trước đó thì không thể có thực, vừa nghĩ Dưới lớp áo quần, cổ cũng không thể được tạo ra để cho điều ấy có thể xảy ra Vào thời điểm đó, y chưa bắt đầu làm việc ở xưởng bào. Gần như suốt ngày hôm đó y nằm dài hút thuốc, tay gối đầu, trên chiếc giường dã chiến mà cô cho y mượn, trong căn lều mà cô cho y ở. 'Trời ơi,' y nghĩ, 'làm như mình là đàn bà và cổ là đàn ông không bằng.' Nhưng điều này không chính xác đâu, bởi vì cô đã chống cự đến phút cuối. Nhưng đó không phải là một sự chống cự của đàn bà; nếu đúng là sự chống cự thực sự thì không một tên đàn ông nào có thể vượt qua nó, vì lý do đơn giản là đàn bà không tuân thủ qui tắc gì trong cuộc đánh nhau bằng sức lực. Nhưng cô đã chống cự một cách thẳng thắn, theo những qui tắc quyết định là khi đến một mức nào đó người ta đành chịu thua, dù sự chống cự có chấm dứt hay không. Đêm đó y chờ cho đến khi đèn tắt trong căn bếp rồi đèn sáng lên trong phòng ngủ. Y đi đến ngôi nhà. Y đi, không tỏ ra nóng ruột nhưng mang một nỗi giận dữ ngấm ngầm trong người. "Mình sẽ cho cổ biết tay," y nói to. Y không cố tránh gây ra tiếng động. Y bạo dạn bước vào nhà và leo lên cầu thang; cô nghe ra y tức khắc. "Ai đó?" cô nói. Nhưng giọng cô không có vẻ lo sợ chút nào. Y không trả lời. Y leo lên hết cầu thang và đi vào phòng. Cô còn mặc đồ, quay người lại, mắt nhìn ra cửa khi y vào. Nhưng cô không nói gì với y. Cô chỉ ngó theo khi y đến bên bàn và thổi tắt ngọn đèn. Và y nghĩ, ' Giờ thì cổ phải bỏ chạy.' Vậy là y nhảy vọt về phía cửa để chặn đường. Nhưng cô không chạy trốn. Y tìm thấy cô trong bóng tối, ngay chỗ cô đứng khi ánh đèn phụt tắt, trong cùng một tư thế. Y bắt đầu lột áo quần cô. Y nói với cô, giọng căng thẳng, xẵng xớm nhưng không to: "Tôi cho cô biết tay! Tôi cho cô biết tay, đồ đĩ ngựa!" Cô không chống cự chút nào. Cô thậm chí có vẻ như giúp y bằng cách di chuyển tay chân chút xíu khi thấy cần thiết vào phút chót. Nhưng dưới hai bàn tay y, cái thân xác này hẳn có thể là thân xác chưa cứng lại của một người đàn bà đã chết. Nhưng y không ngừng lại; hai tay y thì thô bạo và nóng nảy, ấy là do sự giận dữ mà thôi. 'Ít ra mình rốt cuộc cũng biến được cổ thành đàn bà,' y nghĩ. 'Giờ thì cổ thù ghét mình. Ít ra mình đã dạy cổ điều này mà.'

Hôm sau y lại nằm dài suốt ngày trên giường trong căn lều. Y không ăn gì cả. Y thậm chí không đi đến nhà bếp để xem cô có để đồ ăn cho y không. Y đang đợi mặt trời lặn, đợi bóng hoàng hôn. 'Lúc đó thì mình dông mẹ nó rồi,' y nghĩ. Y không trông mong là có ngày gặp lại cô. 'Dông quách đi là tốt nhất,' y nghĩ. 'Đừng cho cổ cơ hội đuổi mình ra khỏi căn lều này. Đừng để xảy ra như vậy. Đàn bà da trắng không bao giờ làm vậy. Chỉ có đàn bà mọi đen mới đuổi mình đi, mới tống cổ mình ra ngoài.' Vậy là y nằm dài trên giường, hút thuốc lá và chờ mặt trời lặn. Qua cánh cửa mở, y nhìn mặt trời chếch về một bên, kéo dài ra và đổi sang màu đồng thau. Rồi màu đồng thau phai dần sang màu tía nhạt, rồi màu tía nhạt mờ dần trong bóng hoàng hôn đậm đặc. Y nghe tiếng ếch nhái, và những con đom đóm bắt đầu bay vật vờ từ bên này sang bên kia khung cửa mở, khi bóng tối càng dày hơn thì chúng càng sáng hơn. Rồi y đứng dậy. Y không sở hữu thứ gì khác ngoài cái dao cạo râu; khi bỏ nó vào túi là y sẵn sàng lên đường, đi một dặm hay một ngàn dặm, tùy theo con đường, với những góc phố không thể nhận thấy được, sẽ kéo dài ra tới đâu. Tuy nhiên, khi cất bước, y lại nhắm ngôi nhà mà đi tới. Như thể, ngay khi nhận thấy hai chân mình muốn đi đến đó, y cứ để mặc, y dường như trôi đi và đầu hàng, nghĩ Được rồi Được rồi trôi tiếp, đi tiếp trong bóng hoàng hôn về phía ngôi nhà, lên hàng hiên sau nhà, đến cánh cửa mà y có thể vào, nó không bao giờ khóa mà. Nhưng khi y đặt tay lên thì nó không chịu mở. Có lẽ vào khoảnh khắc đó, cả bàn tay lẫn đầu óc không muốn tin y; y có vẻ đứng đó, im lặng, chưa suy nghĩ, nhìn bàn tay mình lắc lắc cánh cửa, nghe tiếng chốt cửa rung lên bên trong. Y im lặng bỏ đi. Y chưa nổi giận. Y đi đến cửa nhà bếp. Y tin là cái này cũng bị khóa, nhưng chỉ sau khi thấy nó được để mở y mới nhận ra là y đã muốn nó để mở. Khi thấy ra là cửa không khóa, y cảm thấy bị sỉ nhục. Như thể một kẻ thù mà y đã trút lên những bạo lực hung hãn nhất, những lời chửi rủa nặng nề nhất, vẫn đứng trơ trơ, không thương tật, đưa mắt nhìn y với vẻ trầm ngâm và khinh miệt không thể chịu nổi. Khi y đi vào nhà bếp, y không đến thẳng cái cửa thông với bên trong ngôi nhà, cái cửa mà cô đã xuất hiện với cây nến trên tay, vào cái đêm y thấy cô lần đầu tiên. Y đi thẳng đến cái bàn, nơi cô để đồ ăn dành cho y. Y không cần thấy. Hai bàn tay thấy giùm y. Các dĩa thức ăn còn ấm, và y nghĩ Để đó cho thằng mọi đen. Cho thằng mọi đen

Y có vẻ quan sát bàn tay mình như thể y ở từ xa. Y nhìn nó cầm một cái dĩa, vung lên cao rồi giữ nó ở đó trong khi y thở sâu và chậm, và đầu óc thì nghĩ ngợi căng thẳng. Y nghe tiếng nói của mình oang oang, như thể y đang chơi một trò gì đó: "Giăm-bông," và y nhìn bàn tay quăng mạnh chiếc dĩa vào tường, một bức tường vô hình, và chờ cho tiếng vỡ chát chúa ngưng hẳn, chờ cho sự im lặng trở lại, để lấy cái dĩa khác. Y thong thả cầm lên chiếc dĩa thứ hai, ngửi ngửi. Lần này y cầm khá lâu. "Đậu hay rau xanh?" y nói. "Đậu hay rau cải bó xôi?... Được rồi. Gọi là đậu đi." Y ném chiếc dĩa thật mạnh và chờ tiếng vỡ im hẳn. Y giơ cao cái dĩa thứ ba. "Món gì đó với hành tây," y nói, và nghĩ Trò này vui thật. Sao mình lại không nghĩ đến sớm hơn? "Đồ dơ của đàn bà." Y ném nó thật mạnh, không vội vàng, nghe tiếng vỡ, và chờ. Nhưng bây giờ y nghe ra cái gì khác: bước chân đi trong nhà, đang lại gần cửa. Y nghĩ, 'Lần này cổ sẽ có cái đèn,' trong khi nghĩ Nếu phải nhìn bây giờ thì mình hẳn thấy ánh sáng dưới cánh cửa Bàn tay y vung lên rồi hạ xuống Bây giờ thì cổ gần như tới cửa rồi "Khoai tây," cuối cùng y nói, với sự dứt khoát sáng suốt. Y không nhìn quanh, ngay cả khi y nghe cái chốt cửa bị kéo, ngay cả khi cánh cửa mở ra và ánh sáng chiếu lên người y, nơi y đang đứng với cái dĩa trên tay. "Phải rồi, khoai tây đó," y nói, với giọng lơ đãng và quên lãng của một đứa bé chơi một mình. Y thấy và nghe cùng lúc tiếng dĩa vỡ. Rồi ánh sáng biến mất; một lần nữa y nghe cánh cửa khép lại nửa chừng, một lần nữa y nghe cái chốt cửa kéo lại. Y vẫn chưa đưa mắt nhìn xung quanh. Y cầm tiếp một cái dĩa khác. "Củ cải đường," y nói. "Dù sao mình cũng không thích củ cải đường."

Ngày hôm sau y đi tìm việc làm ở xưởng bào. Và y bắt đầu làm ngay, vào ngày thứ sáu đó. Y đã không ăn gì từ tối thứ tư. Y chỉ nhận được tiền lương vào tối thứ bảy, sau khi làm thêm giờ chiều thứ bảy. Và tối thứ bảy đó, y ăn uống ở một tiệm trong trung tâm thành phố. Đó là lần đầu tiên sau ba ngày. Y không đặt chân trở lại ngôi nhà đó. Trong một thời gian, y thậm chí không nhìn về phía ngôi nhà khi y rời đi hay trở vào căn lều. Sau sáu tháng, đôi chân cuốc bộ của y đã tạo ra được một con đường mòn riêng biệt, từ căn lều cho tới xưởng bào. Nó hầu như thẳng hàng, tránh né tất cả nhà cửa, vào ngay khu rừng và chạy thẳng, càng ngày càng rõ ràng, càng chính xác, cho tới đống mạt cưa, nơi y làm việc. Và luôn luôn vào lúc còi hụ, năm giờ rưỡi chiều, y trở lại căn lều bằng con đường mòn đó. Y thay đồ, mặc cái áo sơ-mi trắng, cái quần đen ủi thẳng thớm, rồi lại cuốc bộ cả hai dặm trở xuống phố để ăn tối, như thể y xấu hổ với bộ quần yếm lao động. Hay có lẽ không phải sự xấu hổ, tuy chắc là giữa hai điều, biết đó là cái gì và biết đó không phải là sự xấu hổ, thì y hẳn có thể biết điều này không nhiều hơn y biết điều kia.

Y không còn cố ý tránh nhìn ngôi nhà nữa; và y cũng không cố ý nhìn nó. Trong một thời gian y tin là cô sẽ cho tìm y. 'Cổ sẽ đi bước trước,' y nghĩ. Nhưng cô đã không làm vậy. Rồi sau đó y tin là mình không còn trông chờ chuyện đó nữa. Vậy mà lần đầu tiên khi cố ý nhìn lại về phía ngôi nhà, y cảm thấy tim mình se thắt một cách lạ lùng; lúc đó y hiểu ra là y đã luôn luôn lo sợ cô xuất hiện trong tầm mắt, hiểu ra là cô đã theo dõi y suốt thời gian đó với sự khinh miệt lặng lẽ nhưng rõ ràng. Y có cảm giác cả người toát mồ hôi, như đã vượt qua một thử thách khổ sở. 'Xong rồi,' y nghĩ. 'Giờ thì mình đã vượt qua.' Nhờ vậy, vào cái ngày mà y thực sự thấy cô, y không cảm thấy bị sốc. Có lẽ y đã phòng bị trước. Dù gì đi nữa, khi y ngước mắt, hoàn toàn tình cờ thôi, và thấy cô trong sân sau nhà, trên người mặc cái áo đầm màu xám và đội mũ chống nắng, y không cảm thấy tim mình se thắt. Y không thể biết cô đã quan sát, đã thấy y trước đó, hay đang quan sát y bây giờ, hay không. Y nghĩ 'Cô không làm phiền tôi và tôi không làm phiền cô,' trong khi nghĩ Mình đã nằm mơ điều đó. Nhưng nó đã không xảy ra. Cổ đâu có gì dưới lớp áo quần để mà nó có thể xảy ra

Y bắt đầu đi làm vào mùa xuân. Một buổi tối tháng chín, y trở về nhà và khựng lại ở ngưỡng cửa căn lều, một chân bước dở còn trên không, lộ vẻ sửng sốt tột độ. Ngồi ở giường, cô nhìn y. Cô để đầu trần. Đây là lần đầu tiên y thấy cô đầu trần dù trước đó, trong bóng tối, y đã cảm thấy mái tóc cô buông thả một phần trên mặt gối tối tăm. Nhưng y chưa bao giờ thấy tóc cô trước đó, và y đứng trơ mắt nhìn tóc cô thôi trong khi cô quan sát y. Và bất ngờ y tự nhủ, ngay lúc y sắp sửa bước tiếp: 'Cổ đang cố sức đây. Mình tưởng là cổ đã có tóc bạc rồi chớ Cổ đang cố sức làm đàn bà nhưng cổ không biết làm cách nào.' Y nghĩ, y hiểu là Cổ đến để nói chuyện với mình đây Hai tiếng đồng hồ sau, cô vẫn còn nói, hai người ngồi cạnh nhau trên giường, trong căn lều giờ đã bắt đầu tối. Cô bảo y là cô bốn mươi mốt tuổi, cô sinh ra trong ngôi nhà đàng kia và sống ở đó từ xưa đến nay. Là cô chưa bao giờ xa Jefferson quá sáu tháng, và hơn nữa, thỉnh thoảng lâu lắm mới xa như vậy thôi. Là những ngày tháng xa nhà của cô thì đầy nỗi niềm luyến tiếc, nhớ nhung những tấm ván, cây đinh, đất đai, bờ cây bụi cỏ, những thứ tạo nên một nơi chốn đi về mà trước đây còn là một xứ sở xa lạ đối với cô và những người thân thuộc của cô. Ngay đến bây giờ khi cô nói, sau bốn mươi năm, giữa những phụ âm líu nhíu và những nguyên âm đều đều của vùng đất mà cô đã gắn chặt đời mình, giọng vùng New England[71] của cô cũng vẫn nghe rõ ràng như các bà con trong dòng họ cô, những người cả đời không ra khỏi bang New Hampshire và cô chỉ gặp họ có lẽ ba lần trong bốn mươi năm của đời cô. Ngồi bên cạnh cô, trên cái giường tối tăm trong khi ánh sáng lụi tàn và nghe tiếng nói cô tuôn ra đều đặn, không ngừng, có âm sắc gần như giống tiếng đàn ông, Chirstmas nghĩ, 'Cổ thì cũng giống như những con đàn bà khác thôi. Dù mười bảy hay bốn mươi bảy tuổi, khi mấy em, mấy chị này cuối cùng chịu khuất phục hoàn toàn để mình làm tình, thì bao giờ cũng bằng lời nói tuôn ra từ cửa miệng chị em ta mà.'

Calvin Burden là con trai của một mục sư tên là Nathaniel Burrington. Út trong đám mười đứa con, ông trốn nhà ra đi trên một chiếc tàu thủy khi mười hai tuổi, trước khi có thể viết được tên mình (hay không muốn viết ra, theo lời cha ông). Ông làm một vòng qua mũi Hảo Vọng[72] rồi đến California và theo đạo Thiên chúa; ông sống một năm trong một tu viện. Mười năm sau ông rời miền Tây để đi về bang Missouri. Ba tuần sau khi đặt chân đến đó, ông kết hôn với cô con gái của một gia đình thuộc gốc Huguenot[73] đã di cư từ bang Carolina qua ngả Kentucky. Ngày hôm sau lễ cưới, ông nói, "Tôi nghĩ tốt hơn nên dừng chân định cư tại đây." Và ông bắt đầu ổn định cuộc sống ngay ngày hôm đó. Cuộc liên hoan vẫn đang tiếp tục và việc đầu tiên ông làm là từ bỏ công khai đạo Thiên chúa. Ông làm việc này trong một quán rượu, khăng khăng đòi mọi người có mặt hãy nghe ông và nói lên những lời phản đối; ông nhấn mạnh là ông sẵn sàng nghe họ phản đối nhưng không ai lên tiếng, ít ra là cho tới lúc các người bạn của ông kéo ông đi ra. Dù sao, ngày hôm sau ông nói rằng đó không phải là trò đùa, rằng ông không muốn ở trong một giáo hội đầy những tên chủ nô lệ có thói quen ăn thịt ếch. Chuyện này xảy ra ở Saint Louis[74]. Ông mua một căn nhà ở thành phố đó, và sau một năm thì ông có con. Ông nói ông đã từ bỏ đạo Thiên chúa năm trước là để linh hồn đứa con trai ông được cứu rỗi; nó vừa sinh ra là ông liền ra sức khắc sâu vào trí não nó tôn giáo của tổ tiên ông ở vùng New England. Không có nhà thờ Nhất thể[75] gần nơi ở và ông không thể đọc Kinh thánh bằng tiếng Anh. Nhưng ở California, các linh mục đã dạy ông học đọc tiếng Tây Ban Nha, và ngay khi thằng bé chập chững biết đi, Burden (ông chỉ biết phát âm Burden thôi, vì ông không biết viết đúng chính tả cái từ này chút nào, và các linh mục đã khó nhọc dạy ông viết nó với bàn tay quen sử dụng dây thừng, báng súng, dao búa hơn là cây bút) bắt đầu đọc cho con nghe, bằng tiếng Tây Ban Nha, những trang trong cuốn sách mà ông mang theo mình từ California, và ông thỉnh thoảng xen thêm vào trong dòng chảy đẹp đẽ và kêu vang của thuyết thần bí bằng tiếng nước ngoài bằng những lời bàn luận ngẫu hứng, khắc nghiệt, hình thành một nửa từ cái lô-gic khô khan và nặng nề mà ông còn nhớ từ các bài giảng đạo của cha ông trong những ngày chủ nhật dài lê thê ở New England, một nửa kia từ lửa địa ngục trước mắt và mưa lưu huỳnh[76] rành rành mà bất cứ một anh mục sư Hội Giám lý[77] cưỡi ngựa đi giảng đạo lưu động[78] ở vùng quê hẳn lấy làm hãnh diện lắm. Chỉ có hai người họ trong phòng: người cha thuộc chủng tộc Bắc u, cao và ốm, và đứa con, bé nhỏ, da hơi nâu và nhanh nhẹn, thừa hưởng hình dạng và màu da của mẹ. Hai cha con có vẻ như thuộc về hai chủng tộc khác nhau. Khi thằng bé khoảng năm tuổi thì Burden giết một người đàn ông trong một cuộc cãi lộn về chế độ chiếm hữu nô lệ. Ông phải bỏ trốn, kéo cả bầu đoàn thê tử chạy theo. Ông phải rời Saint Louis. Ông chạy về phía Tây, "để tránh xa bọn Dân chủ[79]," ông nói.

Ngôi làng mà ông dừng chân thì gồm một cửa hàng tạp hóa, một xưởng rèn, một nhà thờ và hai tiệm rượu. Ở đây, ông dành phần lớn thì giờ để nói chuyện chính trị, và bằng cái giọng kêu vang và cứng ngắc ông nguyền rủa chế độ nô lệ và những tên chủ nô. Rồi sự nổi danh của ông cuối cùng đuổi kịp ông và người ta biết là đi đâu ông cũng mang một khẩu súng lục trong người, và các quan điểm chính trị của ông thì được chấp nhận không lời bình luận, ít ra là vậy. Thỉnh thoảng, nhất là vào tối thứ bảy, ông về nhà sặc mùi rượu uýt-ki không pha và trong đầu còn vang vọng những lời nói oang oang của mình. Rồi với bàn tay thô ráp, ông đánh thức đứa con trai (vào thời điểm này, người mẹ đã chết và ông có ba đứa con gái, tất cả đều có mắt màu xanh biển). "Tao sẽ dạy mày thù ghét hai thứ," ông nói, "nếu mày không muốn tao dần cho một trận nhừ tử. Hai thứ đó, một là địa ngục, hai là những thằng chủ nô. Mày nghe tao không đó?"

"Dạ có," thằng bé nói. "Con làm sao không nghe cha được. Cha đi nằm đi và để cho con ngủ."

Ông không phải nhà truyền giáo, không phải người đi thu phục tín đồ. Ngoại trừ vài sự cố nhỏ nhặt với mấy phát súng lục, không phát nào gây chết người, ông giới hạn việc giảng đạo của mình trong phạm vi gia đình. "Hãy để tất cả tụi nó kéo xuống địa ngục tối tăm riêng của tụi nó," ông nói với các con. "Nhưng về phần tao, chừng nào tao còn giơ tay lên được thì tao còn dạy bốn đứa tụi mày về lòng nhân từ của Chúa, bằng roi vọt nếu cần." Ông nói điều này vào ngày chủ nhật, mọi ngày chủ nhật: sau khi tắm rửa sạch sẽ, các con ông mặc đồ bằng vải bông in hoa hay vải bông dệt chéo[80], còn ông mặc cái áo vét có đuôi dài[81] bằng dạ mà cái súng lục trong túi quần làm phình lên, và cái áo sơ-mi có nếp, không cổ cồn, mà cô con gái đầu, vào mỗi thứ bảy, ủi thẳng thớm không thua gì bà mẹ đã mất, mọi người tụ tập trong phòng khách thô kệch nhưng sạch sẽ và Burden bắt đầu đọc các trang từ cuốn sách trước kia được mạ vàng và trang trí huy hiệu, trong một thứ tiếng mà không một ai hiểu. Ông tiếp tục làm như vậy cho đến ngày đứa con trai bỏ nhà đi.

Con trai ông tên là Nathaniel. Nó bỏ nhà đi lúc mườibốn tuổi và mười sáu năm sau mới trở về, tuy họ vẫn nhận được tin nó hai lầntrong khoảng thời gian đó, qua cửa miệng người mang tin. Lần đầu tiên tin đếntừ Colorado[82], lần thứ hai từ Old Mexico[83]. Nó không nói ra nó làm gì ở hainơi đó. "Ảnh vẫn khỏe khi cháu chia tay ảnh," anh ta nói. Đó là người đưa tinthứ hai; và năm đó là năm 1863, và anh chàng đó đang dùng bữa sáng ở nhà bếp,nuốt chửng thức ăn một cách rất ư là lịch sự. Ba cô gái, hai cô đầu nay hầu nhưđã lớn, phục vụ anh ta, đứng chờ gần bàn với các dĩa đồ ăn trên tay, miệng hơihá ra; họ mặc áo đầm dài tận gót, sạch sẽ và mộc mạc. Người cha ngồi đối diệnanh chàng đưa tin, bên kia bàn, đầu chống lên bàn tay duy nhất. Cánh tay kia,ông đã mất hai năm trước đó, trong các trận đánh ở Kansas[84] khi ông làm dânquân du kích trong một phân đội kỵ binh, và đầu và râu ông giờ đã bạc. Nhưngông vẫn còn đầy sinh lực, và cái áo vét có đuôi dài vẫn phồng lên phía sau vìcái báng của khẩu súng lục nặng nề. "Ảnh bị một chút rắc rối," người đưa tin nói."Nhưng ảnh vẫn bình yên vô sự, theo tin mới nhất mà cháu biết." 



* * *   

[58] Romeo và Juliet, cặp tình nhân rất trẻ, nổi tiếng trong vở bi kịch cùng tên (khoảng năm 1595) của nhà soạn kịch vĩ đại người Anh William Shakespeare (1564-1616) - ND.

[59] Bailiff: ở Mỹ, chỉ một nhân viên chấp hành ở tòa án, đặc biệt làm cái việc thu xếp mọi người ngồi vào chỗ của mình trong một phiên xử, và loan báo việc quan tòa đi vào cũng như đi ra khỏi phòng xử để mọi người có mặt đứng dậy chào - ND.

[60] Chỉ sự xúc phạm đối với Chúa - ND.

[61] Thánh Michael, theo Kinh thánh, được xem là một thiên sứ chiến binh của Chúa trong cuộc chiến chống lại quỷ Sa-tăng và các thiên sứ nổi loạn - ND.

[62] Throne: Chỉ cái ngai mà Chúa Trời sẽ ngồi trong Ngày phán xét cuối cùng (The Day of Judgement hay the Last Judgement) để xét xử tất cả mọi người đã từng sống, kẻ tội lỗi cũng như người đức hạnh - ND.

[63] Theo truyền thuyết, Faustus là một thuật sĩ ở Đức cuối thế kỷ 16 đã chịu bán linh hồn cho quỷ sứ Mephistopheles (hay Mephisto) để đổi lấy sự hiểu biết và của cải trần gian. Faustus sau này trở thành chủ đề và nhân vật chính của nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, trong số đó có lẽ nổi tiếng nhất là "Faust" của nhà văn lớn người Đức, Goethe (1749-1832) - ND.

[64] The Shalt Not: "Ngươi không được..." hay "Ngươi chớ..." là Mười điều răn (The Ten Commandments) trong Kinh thánh, ví dụ như "Ngươi không được giết người; Người không được ngoại tình; Người không được làm chứng gian hại người." v.v...- ND.

[65] Beale Street là một đường phố ăn chơi nổi tiếng dài chưa đến ba cây số ở trung tâm Memphis (bang Tennessee) với rất nhiều câu lạc bộ nhạc jazz, tiệm ăn, cửa hàng... Vào những năm 20 và 30 thế kỷ trước, những nhạc sĩ huyền thoại nhạc blues và Jazz như Louis Amstrong, Muddy Waters... đã biểu diễn ở đây - ND.

[66] Một khu phố nổi tiếng ở thành phố New York, từ những năm 20 thế kỷ trước, trở thành một trung tâm văn hóa, thương mại, cư ngụ... của người Mỹ da đen - ND.

[67] Sunday school: lớp học được tổ chức vào ngày chủ nhật để giảng dạy giáo lý cho trẻ em - ND.

[68] Pint bottle: ở Mỹ, chai có dung tích 0,473 lít - ND.

[69] The Ritz hotel: chỉ khách sạn Ritz ở Paris (mở cửa năm 1898) hay ở London (mở cửa năm 1906) do ông César Ritz sáng lập, thuộc hạng xa hoa, sang trọng nhất thế giới - ND.

[70] Lời ca này thì tối tăm, khó hiểu. Có thể dịch nghĩa là: 'Này, không, đã không. Đã không, không, ai muốn cái l. của con gái đen da sáng đó thì đừng nấp trốn nữa'.

Pudden là tiếng lóng Mỹ chỉ bộ phận sinh dục đàn bà. Yaller (như 'yellow'= màu vàng) là tiếng lóng chỉ người Mỹ da đen có nước da sáng.

Nhưng theo sự giải mã của một nhà nghiên cứu Mỹ về Faulkner thì thằng bé da đen cất tiếng hát bài này vì nghĩ đến một người đàn bà da trắng mà nó mơ được làm tình, có thể là cô Joanna Burden. Trong hai hàng đầu (say/dont/didn't/... who), thằng bé nói đến những giới hạn trong lối ăn nói và bản sắc của dân da đen; nhưng trong hai hàng sau (want dat yaller gal's/pudden don't hide), sự phủ định trước (dont, didn't) được giải thoát và nỗi ham muốn tình dục của người da đen được tự do nói ra. (John T.Matthews, "This race which is not one: The 'more inextricable compositeness' of William Faulkner's South", trang 217, trong cuốn "Look away! The U.S.South in New World studies" do Jon Smith và Deborah Cohn chủ biên, Duke University Press, USA, 2004) - ND.

[71] Nằm ở phía Đông Bắc nước Mỹ, gồm 6 khu di dân được lập vào thế kỷ 17 dọc theo bờ Đại Tây Dương, sau này trở thành 6 tiểu bang: Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut - ND.

[72] Cape of Good Hope (ở nước Nam Phi) - ND.

[73] Ở Mỹ, từ chỉ người Pháp theo đạo Tin lành. Ở Pháp là biệt danh mà người Pháp theo đạo Thiên chúa gán cho người Pháp theo giáo phái Tin lành do ông Jean Calvin (1509-1564) sáng lập - ND.

[74] Một thành phố lớn thuộc bang Missouri - ND.

[75] Unitarian Church (Giáo phái Nhất thể): một giáo pháo Cơ đốc bác bỏ thuyết Chúa Ba Ngôi hay Ba ngôi một thể (the Trinity) và tin rằng Chúa Trời chỉ là một người - ND.

[76] Tác giả chỗ này dùng đặc ngữ "fire and brimstone" (có nghĩa sự tra tấn ở địa ngục mà những người đã làm Thượng đế nổi giận phải chịu), dựa theo sự tích trong Cựu Ước là Thượng đế đã tiêu diệt Sodom và Gomorrah (hai thành phố tội lỗi ở vùng Biển Chết) bằng những trận mưa lửa và lưu huỳnh. Ngoài ra, ở Mỹ đặc ngữ này còn dùng để chỉ (có ý chê bai) một phong cách giảng đạo Cơ đốc bằng cách mô tả một cách quá sống động và dài dòng những hình ảnh trừng phạt hãi hùng ở địa ngục để người ta kinh sợ mà sám hối - ND.

[77] Methodism: một giáo phái Tin lành do mục sư người Anh John Wesley (1703-1791) khởi xướng - ND.

[78] Circuit: ở đây chỉ nhóm nhà thờ Giám lý có chung những mục sư thay phiên nhau đi thuyết giáo trong một khu vực nhất định - ND.

[79] Những người theo đảng Dân chủ ở miền Nam nước Mỹ thời đó thì tích cực ủng hộ chế độ nô lệ trước và trong cuộc Nội chiến (1861-1865) - ND.

[80] Denim: vải bông dệt chéo, màu xanh, dày và bền, thường dùng để may quần jeans, quần yếm lao động...- ND.

[81] Frock-coat: vào thế kỷ 19, đàn ông thường mặc áo này vào những dịp nghi lễ - ND.

[82] Một tiểu bang ở miền Nam dãy núi Rocky Mountains, thuộc vùng Tây-Nam nước Mỹ, thủ phủ là Denver - ND.

[83] Vào thế kỷ 19, chỉ vùng đất thuộc nước Mexico, nằm ở phía Nam bang New Mexico (Mỹ) và phía Tây bang Texas (Mỹ), bên kia sông Rio Grande. Nay là tiểu bang Chihuahua của nước Mexico. Vào thời điểm nói đến trong đoạn truyện này (khoảng giữa thế kỷ 19), các tội phạm người Mỹ (và cả nô lệ da đen) thường chạy trốn sang đây - ND.

[84] Một tiểu bang thuộc vùng Trung-Tây nước Mỹ, sátbên phía Đông bang Colorado, thủ phủ là Topeka - ND.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top