Light In August - William Faulkner (Part 2)
1
Ngồi bên bờ đường, đưa mắt dõi theo chiếc xe la đang leo dần lên đồi về phía nàng, Lena nghĩ, 'Mình đến từ Alabama[7]: thiệt là một quãng đường xa. Lội bộ suốt từ Alabama đến tận đây. Ui cha, xa quá trời luôn!', trong khi nghĩ dù lên đường chưa đầy một tháng mà mình đã đến được Mississippi[8] rồi. Mình chưa hề đi xa nhà đến vậy. Mình chưa hề đi xa Doane's Mill đến vậy, kể từ hồi mười hai tuổi tới nay.
Thuở đó nàng thậm chí chưa từng đặt chân đến Doane's Mill cho đến khi cả cha lẫn mẹ nàng chết đi, dù mỗi năm nàng vẫn vào thị trấn sáu hay tám lần gì đó, vào ngày thứ bảy, ngồi trên chiếc xe la, mặc chiếc áo đầm may sẵn mua bằng đường bưu điện, hai bàn chân trần đặt nằm trên sàn xe còn đôi giày thì được gói kỹ trong giấy đặt trên ghế bên cạnh nàng. Chỉ lúc xe đến thị trấn nàng mới xỏ chân mang giày. Khi lớn hơn, nàng đòi cha cho ngừng xe ở ngoài rìa thị trấn, nàng bước xuống và đi bộ tiếp. Nàng không nói với cha tại sao nàng muốn đi bộ thay vì ngồi lại trên xe. Ông nghĩ là do những con đường phẳng phiu và do có những vỉa hè. Còn nàng thì tin là khi thấy nàng đi bộ như thế, những người đi qua nàng sẽ nghĩ nàng cũng cư ngụ trong thị trấn.
Nàng lên mười hai thì cha và mẹ nàng qua đời trong cùng một mùa hè, trong ngôi nhà vách làm bằng thân gỗ tròn có ba phòng và một hành lang, không có lưới chống muỗi ở cửa sổ, trong căn phòng được soi sáng bằng một ngọn đèn dầu lửa đầy thiêu thân bay quanh, sàn nhà trần trụi thì trơn nhẵn như đồ bạc cũ nhờ cọ xát nhiều với các bàn chân không. Nàng là đứa con nhỏ tuổi nhất còn sống. Mẹ nàng chết đầu tiên. Bà nói, "Chăm sóc cha nghe". Và Lena đã làm theo. Rồi một ngày nọ, cha nàng nói, "Hãy đến Doane's Mill với McKinley nghe con. Sửa soạn trước đi, nó đến là sẵn sàng đó nghe." Rồi ông chết. McKinley, anh nàng, về nhà trong một chiếc xe la. Hai anh em chôn cất cha, vào một buổi chiều, dưới một lùm cây phía sau ngôi nhà thờ đồng quê, dựng một tấm ván thông thay cho bia đá. Sáng hôm sau nàng ra đi, có lẽ vào lúc đó nàng không biết là mình sẽ đi xa mãi mãi, cùng với McKinley trên chiếc xe la, nơi đến là Doane's Mill. Anh nàng mượn cỗ xe đó và hứa trả lại nó khi đêm xuống.
Anh nàng làm việc ở xưởng cưa. Tất cả đám đàn ông trong làng đều làm việc ở xưởng cưa, hay làm cho nó. Người ta cưa xẻ những cây thông. Xưởng đã hoạt động ở đó được bảy năm và trong vòng bảy năm nữa thì cả rừng cây quanh vùng sẽ bị đốn ngã sạch bách. Vậy là vài bộ phận máy móc và phần lớn đám thợ từng làm chạy xưởng cưa, từng sống nhờ nó hay vì nó, sẽ được đưa lên các toa chở hàng và vận chuyển đi nơi khác. Nhưng một phần máy móc khác sẽ được bỏ lại, vì người ta bao giờ cũng có thể mua được các bộ phận thay thế tại chỗ mới bằng cách trả góp - những bánh xe chỉ còn trơ cốt sắt bất động nổi lên giữa những đống gạch vụn và đám cỏ dại lởm chởm, đăm đăm nhìn lên trời xanh với vẻ kinh ngạc tột cùng, và những nồi hơi lòi ruột chỏng các ống han gỉ không còn phun khói với vẻ bướng bỉnh, sững sờ và bối rối cùng lúc ngay giữa quang cảnh lỗ chỗ những gốc cây bị đẵn, một cảnh tan hoang nặng nề, im ắng, đất đai bỏ hoang, từ từ bị xói lở thành những khe nước ngầu đục, ứ đọng dưới những trận mưa dầm êm ả vào mùa thu và các cơn thịnh nộ sấm sét vào những ngày xuân phân. Rồi tới lúc cái xóm nhỏ này, ngay vào thời kỳ thịnh vượng nhất của nó mà đã không có tên trên danh bạ của Sở Bưu điện, cuối cùng thì sẽ bị ngay cả những tên mua vét lúc nhúc chấy rận trên người quên bẵng sau khi chúng phá đổ các nhà kho, nhà xưởng... để mang về đốt trong các lò bếp nhà chúng, hay trong lò sưởi vào mùa đông.
Xóm có lẽ chỉ có năm gia đình khi Lena đặt chân đến. Một đường ray, một nhà ga, và mỗi ngày một lần có chuyến tàu lửa chở hàng lẫn khách chạy qua xóm, còi kéo đinh tai nhức óc. Tàu có thể bị chặn lại với một lá cờ đỏ nhưng thường thì nó hiện ra từ những ngọn đồi trụi cây một cách đột ngột như ma hiện hình và rền rĩ giống tiếng than khóc của mụ thần báo tử[9] khi chạy ngang cái xóm nhỏ ơi là nhỏ này như một hạt chuỗi bị bỏ quên từ cái dây xâu bị đứt. Người anh lớn hơn nàng hai mươi tuổi. Nàng hầu như không nhớ đến anh chút nào trước khi nàng đến ở với anh. Anh sống trong căn nhà bằng gỗ thô, có bốn phòng, với bà vợ kiệt sức vì sinh đẻ quá nhiều. Mỗi năm thì có gần đến sáu tháng bà chị dâu này hoặc ở cữ hoặc nằm dưỡng bệnh. Trong suốt thời gian đó Lena làm mọi việc nhà và chăm sóc các đứa bé khác. Sau này nàng tự nhủ, 'Mình nghĩ chính vì vậy mà bụng mình dính bầu nhanh quá cỡ!'
Chỗ ngủ của nàng là cái phòng dưới mái che nằm đằng sau căn nhà. Nó có một cửa sổ nàng học được cách mở và đóng trong bóng tối mà không gây ra tiếng động, dù nàng phải chia sẻ cái phòng dưới mái che này, trước tiên với đứa cháu đầu, rồi thêm đứa cháu thứ hai, rồi cả ba đứa cùng lúc. Nàng ở được tám năm thì mới mở cánh cửa sổ đó lần đầu tiên. Nàng đã mở nó chưa đến mười hai lần thì nhận ra là nàng đáng lẽ không nên mở nó bao giờ. Nàng tự nhủ, 'Thiệt đúng cái số mình!'
Bà chị dâu mách với người anh. Vậy là anh nhận ra thân hình nàng thay đổi, điều mà lẽ ra anh phải để ý từ lâu. Đó là một con người khắc nghiệt. Nỗi dịu dàng, lòng khoan dung và tuổi thanh xuân (anh mới bốn mươi tuổi) và gần như tất cả những thứ khác đã theo những giọt mồ hôi toát ra trên người mà biến mất, chỉ còn lại một thứ nghị lực bướng bỉnh và tuyệt vọng, và một di sản u ám từ niềm kiêu hãnh huyết thống. Anh xem nàng là đồ điếm. Anh buộc tội đúng chóc tên thủ phạm (khó gì đâu, những thanh niên độc thân hay Casanova[10] "mạt cưa" thì thậm chí còn ít hơn các gia đình ở đây) nhưng nàng không muốn thừa nhận, dù chàng ta đã bỏ đi từ sáu tháng trước. Nàng chỉ lặp đi lặp lại một cách ương bướng, "Ảnh sẽ gọi cho mình. Ảnh đã nói ảnh sẽ gọi cho mình mà"; nàng tỏ ra kiên trì nhưng dễ tính đến độ cả tin, nhờ dựa vào sức mạnh tích tụ của niềm chung thủy sắt son và nhẫn nại mà những người trong gia đình Lucas Burch luôn tùy thuộc và tin tưởng, dù cho họ không có ý định sẽ hiện diện ở đó một khi sự chung thủy này trở nên cần thiết. Hai tuần sau nàng lại còn leo qua cửa sổ đó. Lần này thì hơi khó. 'Eo ơi, giá như mấy tháng trước đó mà cũng khó như vầy thì bây giờ mình đâu phải leo qua cho cực tấm thân', nàng nghĩ. Nàng hẳn có thể đi khỏi nhà qua cửa chính, ngay giữa ban ngày. Không một ai chặn nàng lại đâu. Nàng biết điều đó, có lẽ vậy. Nhưng nàng chọn ra đi vào ban đêm, qua cửa sổ. Nàng mang theo một cái quạt bằng lá cọ và một cái bọc nhỏ được cột lại gọn gàng trong chiếc khăn tay màu sáng. Nó chứa, giữa các thứ khác, ba mươi lăm xen[11] bằng đồng năm và mười xen. Nàng mang giày của người anh, cái đôi mà anh đã cho nàng. Còn gần như mới vì chẳng ai chịu xỏ chúng vào mùa hè. Khi cảm thấy có bụi đường dưới đôi bàn chân, nàng tháo giày và cầm trên tay.
Nàng đã đi bộ như thế đến nay gần được bốn tuần lễ rồi. Sau lưng nàng, bốn tuần lễ và cái cảm giác về cái gì xa xôi ấy kéo dài như một cái hành lang yên tĩnh được lát bằng niềm tin lặng lẽ, chắc nịch, và đầy những giọng nói, những khuôn mặt không tên nhưng tử tế: Lucas Burch? Tôi không biết. Tôi không biết ai mang tên đó quanh đây. Con lộ này à? Nó dẫn đến Pocahontas. Ờ, anh ta có thể ở dưới đấy. Có thể lắm. À, chiếc xe này đi xuống miệt đó. Nó sẽ đưa cô đến đó; giờ đây, đằng sau nàng là một chuỗi ngày đêm đều đặn, yên tĩnh nối đuôi nhau, lê thê và đơn điệu, những ngày, những đêm mà nàng đã đi về phía trước trong những chiếc xe la vô danh giống hệt nhau và thong thả như thể xuyên qua các biến dạng liên tiếp của những cái bánh xe cọt kẹt và những đôi tai la cụp lại, giống cái gì đó chuyển động không ngừng nhưng không tiến tới được, như thể đi vòng bên hông một cái vại.
Chiếc xe la leo đồi về phía nàng. Nàng qua mặt nó cách đây một dặm phía dưới con lộ. Nó đậu bên vệ đường, các con la say ngủ với cái ách còn trên cổ, đầu chúng chỉ về hướng mà nàng đang lầm lũi rảo bước. Nàng đã thấy nó và cũng thấy hai tên đàn ông ngồi xổm bên cạnh một chuồng ngựa đằng sau hàng rào. Nàng nhìn họ và chiếc xe, chỉ một lần: liếc một cái nhưng thấy mọi thứ, nhanh gọn, trong trắng và thâm trầm. Nàng không dừng bước; có thể là hai tên đàn ông phía sau hàng rào đã không thấy nàng nhìn họ cùng chiếc xe la. Nàng cũng không ngoái đầu lại. Nàng chậm rãi tiếp tục đi khuất mắt họ, giày cởi dây xung quanh mắt cá, cho đến khi nàng lên tới đỉnh đồi cách đấy một dặm. Rồi nàng ngồi bệt xuống bên mép cái rãnh thoát nước, để hai bàn chân trong cái rãnh lúc này cạn khô và lột giày. Một đỗi sau nàng bắt đầu nghe tiếng chiếc xe la. Nàng nghe được một lát, rồi thấy nó đang nặng nhọc leo đồi.
Thiếu dầu bôi trơn, và biến dạng vì mưa nắng, gỗ và sắt thép của xe khi rung lắc chầm chậm thì kêu cọt kẹt, nghe khô giòn đến chói tai kinh khủng: một loạt tiếng động nổ ra khô khốc, uể oải vang xa đến nửa dặm xuyên qua sự tĩnh lặng nóng bức, đứng gió và đượm mùi nhựa thông của buổi chiều tháng tám này. Mặc dù các con la dầm dãi cất bước như thể ở trong tình trạng thôi miên ổn định và không mệt mỏi, chiếc xe hình như không tiến tới được. Vì bánh xe quay cực kỳ chậm, nó có vẻ như bị treo lơ lửng mãi mãi ở nửa chừng, như một hạt chuỗi tồi tàn trên sợi dây đỏ nhạt là con lộ. Và cảnh tượng này thì thực đến mức mà, dù theo dõi nó, cặp mắt người ta không thấy nó nữa khi thị giác và các giác quan khác nhập chung và trộn lẫn trong sự ngầy ngật, như chính con lộ, với chuỗi ngày đêm yên tĩnh và đơn điệu nối tiếp nhau, giống như sợi chỉ đo sẵn được quấn vào ống một lần nữa. Nó thực đến mức mà cuối cùng người ta có thể tưởng rằng tiếng xe đó dường như đến từ một vùng đất tầm thường, nhỏ nhoi, và bất chấp khoảng cách, nó đến chậm chạp, kinh khủng và vô nghĩa, như thể nó là cái bóng ma đi trước thân xác của chính mình cả nửa dặm đường. 'Mình có thể nghe nó từ xa đến vậy trước khi thấy nó', Lena nghĩ. Nàng thấy mình đã di chuyển trên đường, đã ngồi trong chiếc xe lần nữa, trong khi nghĩ rồi cứ như thể là nó chở mình đi được nửa dặm ngay cả trước khi bước lên xe, ngay cả trước khi xe đến chỗ mình đang chờ đây, và sau khi mình bước xuống xe, nó vẫn còn chở mình bên trong thêm nửa dặm nữa. Nàng đợi, thậm chí không đưa mắt dõi theo chiếc xe lúc này, trong khi các ý tưởng trong đầu nàng trở nên vu vơ, êm ả và nhanh lẹ, đầy những giọng nói, những khuôn mặt không tên nhưng tử tế: Lucas Burch? Cô nói cô đã đi tìm ở Pocahontas à? Con lộ này sao? Nó chạy xuống Springvale đó. Chờ đây nghe. Có chiếc xe sắp sửa qua đây sẽ đưa cô đi một đoạn đường vẫn trong khi nghĩ, 'A, nếu Lucas Burch đi tuốt lên Jefferson thì ảnh sẽ nghe mình đến ngay cả trước khi thấy mình. Ảnh sẽ nghe được tiếng xe, nhưng ảnh sẽ không tài nào biết được. Vậy là sẽ có ai đó đến trong tầm tai trước khi đến trong tầm mắt ảnh. Và lúc đó thì ảnh sẽ thấy mình và ảnh sẽ phấn khởi. Vậy là ảnh sẽ thấy hai người trước khi ảnh nhớ ra được.'
***
Ngồi bệt trong bóng mát, lưng tựa vào bức tường chuồng ngựa của Winterbottom, Armstid và Winterbottom thấy nàng đi qua trên đường. Hai người nhận ra tức khắc là nàng trẻ, có chửa và không phải là người trong vùng. "Tao tự hỏi con nhỏ dính bầu đó ở đâu?" Winterbottom nói.
"Tao tự hỏi nó ễnh bụng bao lâu rồi?" Armstid nói.
"Tao cho là con nhỏ đi thăm ai phía dưới con lộ," Winterbottom nói.
"Tao không tin vậy. Nếu đúng thì tao đã nghe nói rồi. Cũng đâu phải người vùng mình. Tao hẳn đã nghe nói rồi."
"Tao cho là con nhỏ biết mình đi đâu," Winterbottom nói. "Qua cách đi đó, nó có vẻ biết mình đi đâu."
"Không bao lâu nữa chắc nó sẽ có bạn đồng hành," Armstid nói. Người đàn bà đi xa dần, chậm chạp với gánh nặng căng ra trước bụng mà ai thấy cũng biết. Cả hai tên đàn ông đều không thấy nàng liếc nhìn họ một lần khi nàng đi ngang qua, trên người mặc chiếc áo đầm xanh bạc phếch và không còn hình thù gì hết, tay mang một cái quạt bằng lá cọ và một bọc vải nhỏ. "Nó không đến từ miệt nào gần đây đâu," Armstid nói. "Theo cách đi đó thì nó chắc đã lặn lội trên đường nhiều ngày rồi và chắc còn lội thêm một đoạn đường dài nữa à nghe."
"Chắc là con nhỏ đi thăm ai đó quanh miệt này," Winterbottom nói.
"Nếu vậy thì tao đã nghe nói rồi," Armstid nói.
Người đàn bà cứ bước đi. Không ngoảnh mặt nhìn lại. Nàng ra khỏi tầm mắt khi lên đến đỉnh con đường dốc: bụng căng to, chậm chạp, kiên quyết, không vội vã, không mệt mỏi, giống như buổi chiều đang dần dần tiến tới. Nàng cũng ra khỏi câu chuyện của họ, có lẽ ra khỏi tâm trí họ nữa. Bởi vì sau một lúc thì Armstid mở miệng nói cái chuyện mà hắn đến đây để nói. Trước đó hắn đã có hai chuyến đi bằng xe la, năm dặm đường từ nhà đến đây chớ ít sao, chỉ để ngồi xổm và khạc nhổ suốt ba tiếng đồng hồ dưới bóng bức tường chuồng ngựa của Winterbottom, với sự dùng dằng chậm rãi của những loại người như hắn luôn xem thì giờ là không đáng xu teng gì, để mà nói cái chuyện đó. À, chính là để mặc cả cái máy xới đất của Winterbottom mà tay này muốn bán. Rồi cuối cùng Armstid nhìn mặt trời và đưa ra cái giá mà khi nằm trong giường ba đêm trước đây hắn đã quyết định đưa ra. "Tao biết có một cái máy giống như của mày ở Jefferson mà tao có thể mua với cái giá này," hắn nói.
"Tao nghĩ mày nên mua nó đi thì hơn," Winterbottom nói. "Có vẻ rẻ mạt đó."
"Hẳn vậy rồi," Armstid nói. Hắn nhổ nước miếng. Hắn lại nhìn mặt trời rồi đứng dậy. "Thôi được, giờ thì tao phải quay về nhà đây."
Hắn leo lên xe của mình và đánh thức các con la. Hay đúng hơn, hắn cho chúng di chuyển, bởi vì chỉ có dân da đen mới có thể biết khi nào con la ngủ hay thức. Winterbottom đi theo hắn đến tận hàng rào, chống cùi chỏ lên đó. "Đúng vậy đó," Winterbottom nói. "Chắc là tao sẽ mua cái máy xới đất mày vừa nói với cái giá đó. Nếu mày không lấy nó, tao là đồ chó nếu tao không ba chân bốn cẳng xách đít đi mua nó. Và cái thằng cha có cái máy đó, nó lại không có một cặp la để bán với giá khoảng năm đô-la hay sao?"
"Hẳn vậy rồi," Armstid nói. Hắn bỏ đi, chiếc xe bắt đầu vang lên tiếng lọc cọc chậm chạp nuốt dần các dặm đường. Hắn không ngoái đầu nhìn lại. Và hình như hắn cũng không nhìn về phía trước, vì hắn không thấy người đàn bà ngồi ở cái rãnh bên vệ đường cho tới khi chiếc xe lên gần sát đỉnh đồi. Vào lúc nhận ra cái áo đầm màu xanh, hắn không biết được là nàng có bao giờ thấy chiếc xe la này không. Và hẳn không ai có thể biết là hắn có bao giờ nhìn nàng không khi thấy hai người càng lúc càng gần nhau một cách chậm chạp quá sức, có vẻ như không tiến tới chút nào, trong khi chiếc xe cứ mải miết bò về phía nàng, nó thì được bao bọc trong một vầng sáng uể oải và có thể chạm tới được của tình trạng ngủ gà ngủ gật và của bụi đỏ mà trong đó những bàn chân cứng cáp của các con la di chuyển như trong một giấc mơ, theo nhịp rời rạc của các bộ cương kêu lách cách và của các đôi tai như tai thỏ rừng ve vẩy một cách mềm mại. Khi hắn cho các con la dừng bước, chúng vẫn không ngủ mà cũng chẳng thức.
Bên dưới cái mũ che nắng màu xanh đã phai, giờ lại bạc thêm bởi cái gì khác hơn là xà bông và nước giặt, nàng ngước lên nhìn hắn một cách bình thản và dễ thương: khuôn mặt nàng trẻ, dễ gần, thẳng thắn, thân thiện và lanh lợi. Nàng cứ ngồi yên. Bên dưới tấm áo đầm phai màu, cùng một sắc xanh bạc phếch, thân thể bị biến dạng của nàng vẫn bất động. Quạt và bọc vải đặt trên hai đùi. Nàng không mang tất dài. Hai bàn chân trần nghỉ ngơi bên nhau trong cái rãnh cạn. Nằm trơ ra cạnh đó là đôi giày đàn ông nặng nề và lấm bụi. Trên chiếc xe la đã ngừng, Armstid ngồi, lưng khòm và đôi mắt nhợt nhạt. Hắn thấy chiếc quạt được viền kỹ lưỡng bằng cùng một màu xanh bạc phếch như cái mũ che nắng và chiếc áo đầm.
"Đi xa đến đâu?" hắn nói.
"Tôi cố đi thêm một quãng trước khi trời tối," nàng nói. Nàng đứng lên, đưa tay cầm đôi giày. Nàng leo lên mặt đường, cố ý chậm rãi, và đến gần chiếc xe. Armstid không bước xuống để giúp nàng. Hắn chỉ giữ cỗ xe đứng yên trong khi nàng nắm bánh xe mà trèo lên một cách nặng nhọc và đặt đôi giày dưới ghế ngồi. Rồi xe chuyển bánh lại. "Cám ơn chú," nàng nói. "Lội bộ như vầy mệt thiệt."
Armstid hình như không hề nhìn kỹ nàng. Vậy mà hắn đã thấy nàng không đeo nhẫn cưới. Bây giờ hắn không nhìn nàng. Chiếc xe la lại vang lên tiếng lọc cọc chậm chạp. "Từ xa đến phải không?" hắn nói.
Nàng thở ra. Đó không phải là tiếng thở dài mà đúng hơn là tiếng thở ra thanh thản, như thể để diễn tả một nỗi kinh ngạc thầm lặng. "Bây giờ nhìn lại thì trông như một quãng đường xa thiệt đó. Tôi đến từ Alabama." Nàng đáp.
"Từ Alabama thiệt sao? Với cái bụng ễnh như vầy sao? Gia đình ở đâu?"
Nàng cũng không nhìn hắn. "Tôi cố sức đi gặp ảnh ở miệt trên đó. Biết đâu chú biết ảnh. Ảnh tên là Lucas Burch. Ở miệt dưới đó họ nói với tôi ảnh ở Jefferson, làm việc trong một xưởng bào."
"Lucas Burch?" Giọng của Armstid gần như giống hệt giọng nàng. Hai người ngồi bên cạnh nhau, trên chiếc ghế bị lõm xuống vì các lò xo đã đứt. Hắn có thể thấy hai bàn tay nàng để trên đùi và gương mặt nhìn nghiêng của nàng dưới cái mũ che nắng. Hắn thấy các thứ này từ khóe mắt mình. Nàng có vẻ quan sát con lộ trải dần ra giữa những cái tai mềm của các con la. "Và đã lội bộ suốt cả chặng đường dài như vầy, một thân một mình, chỉ để lùng kiếm thằng chả sao?"
Nàng không mở miệng trả lời ngay. Một lát sau, nàng nói: "Bà con cô bác tốt bụng lắm. Họ tốt bụng lắm, thiệt tình."
"Đàn bà cũng vậy à?" Từ khóe mắt hắn quan sát gương mặt nhìn nghiêng của nàng, nghĩ Mình không biết mụ Martha sắp sửa nói gì trong khi nghĩ: 'Chắc là mình biết rõ mụ Martha sắp sửa nói gì rồi. Mình cho là đám đàn bà có thể tốt bụng mà không thực sự có lòng trắc ẩn. Đám đàn ông bây giờ cũng vậy, có lẽ. Nhưng chỉ có những mụ đàn bà xấu tính mới có thể tỏ ra tốt bụng với một người đàn bà khác đang cần lòng trắc ẩn'. Hắn nghĩ tiếp Đúng vậy, mình biết mà. Mình biết y bon mụ Martha sắp nói gì đây
Nàng ngồi rất yên, hơi dịch ra phía trước một chút, gương mặt nhìn nghiêng của nàng cũng rất yên, và đôi má... "Thiệt lạ lùng," nàng nói.
"Làm sao mà khi nhìn một cô gái trẻ lạ nước lạ cái lội bộ trên đường với cái bụng bầu như cô đây, thiên hạ có thể biết được là thằng chồng đã bỏ rơi cổ?" Nàng không cử động. Chiếc xe la giờ đây di chuyển theo một thứ nhịp điệu nào đó. Bánh gỗ đã mòn và khô dầu nhập lại làm một với buổi chiều chậm chạp, với con lộ, với hơi nóng. "Và cô định tìm thằng chả ở miệt trên này à?"
Nàng không cử động. Nàng có vẻ quan sát con lộ, chậm rãi hiện dần ra giữa những cái tai của các con la, và khoảng cách thì có lẽ được tạc theo hình dạng con đường đi, rõ ràng vậy mà. "Tôi nghĩ tôi sẽ tìm ra ảnh. Không khó lắm đâu. Ảnh sẽ ở chỗ nào mà nhiều người cùng nhau tụ họp, cười giỡn với nhau. Ảnh thì giỏi đàn đúm lắm."
Armstid buột miệng càu nhàu, giọng nghe thô lỗ và hung dữ. "La, đi tụi mày!" hắn nói; hắn tự nói với mình, nửa suy nghĩ trong đầu, nửa phát ra ở cửa miệng: 'Tui nghĩ cô ta có lý. Chắc là thằng chả sẽ nhận ra là nó đã sai lầm thậm tệ khi nó dừng chân ở phía bên này Arkansas[12], hay ngay cả Texas[13].'
Mặt trời nghiêng dần, hiện chỉ còn độ một giờ ở trên đường chân trời, trước khi bóng đêm mùa hè nhanh chóng buông xuống. Một đường làng hiện ra, xuất phát từ con lộ nhưng còn im ắng hơn nó. "Đến rồi đó," Armstid nói.
Người đàn bà cử động ngay lập tức. Nàng khom người lấy đôi giày. Và hình như nàng không muốn làm chậm trễ chiếc xe, dù chỉ vài giây ngắn ngủi để xỏ giày. "Tôi thiệt bụng cám ơn chú," nàng nói. "Đi được một đoạn như vầy thiệt đỡ cho tôi quá."
Chiếc xe ngừng lại lần nữa. Người đàn bà sửa soạn bước xuống. "Ngay cả khi cô đến được cửa tiệm Varner trước khi trời tối thì cô vẫn còn cách Jefferson đến mười hai dặm đó," Armsitd nói.
Nàng luống cuống cầm cả đôi giày, cái bọc và chiếc quạt bằng một tay, còn tay kia thì nắm cái gì đó để xuống xe. "Tôi đi tiếp thì hơn," nàng nói.
Armstid không chạm đến người nàng. "Cô đến qua đêm ở nhà tui đi," hắn nói. "Nhà có đàn bà mà... có một bà có thể... nếu cô... Đến cho rồi nghe. Sáng mai tui sẽ chở cô đến cửa tiệm Varner rất sớm, rồi cô có thể đi xe tiếp vào thành phố. Ngày thứ bảy nào cũng có người lên đó. Không lẽ thằng chả sẽ thoát được tay cô vì cô ngủ lại một đêm ở đây à? Nếu như thằng chả ở Jefferson thiệt thì chắc là thằng chả sẽ còn ở đó ngày mai mà."
Nàng ngồi yên, một tay nắm giữ các vật dụng của mình, sẵn sàng xuống xe. Nàng nhìn thẳng phía trước, tới chỗ mà con lộ cong mình rồi xa dần, với bóng tối đổ nghiêng trên mặt đường. "Tôi cho là tôi vẫn còn vài ngày."
"Hẳn vậy rồi. Cô hãy còn nhiều thì giờ lắm đó. Có điều là bất cứ lúc nào từ nay cô cũng có thể rơi vào hoàn cảnh có thêm một bạn đồng hành chưa thể tự mình bước đi được."
Không chờ trả lời, hắn cho các con la cất bước. Chiếc xe rẽ vào con đường làng đã lờ mờ tối. Người đàn bà ngồi thụt vào, tay vẫn cầm chặt chiếc quạt, cái bọc vải, đôi giày.
"Tôi không muốn mang ơn," nàng nói. "Tôi không muốn làm phiền."
"Hẳn vậy rồi," Armstid nói. "Đến nhà với tui nghe." Lần đầu tiên các con la đi nhanh theo ý chúng. "Chúng có mùi bắp," Armstid nói, và nghĩ: 'Nhờ đó mà ta nhận ra đàn bà. Và đàn bà, nó sẽ là kẻ đầu tiên nói xấu một con đàn bà khác, nhưng lại không biết xấu hổ lượn lên lượn xuống trước mặt thiên hạ bởi vì nó biết là người ta, nhất là đám đàn ông, sẽ chăm lo cho nó. Phần nó thì nó chẳng quan tâm mẹ gì đến những con đàn bà khác. Đâu có phải một con đàn bà đã đẩy nó vào cái hoàn cảnh rắc rối mà chính nó cũng chẳng thèm lo nghĩ đến. Đúng quá cha rồi gì nữa. Cứ để cho một đứa trong tụi nó lấy chồng hay có chửa mà không chồng, vậy là ngay tức khắc người ta thấy nó lìa bỏ giống đàn bà, ra khỏi loài cái, và trải qua phần còn lại của đời nó tìm cách gia nhập vào giống đàn ông. Đó là lý do tại sao tụi nó hít thuốc lá bột, tại sao tụi nó hút thuốc lá, và tại sao tụi nó đòi quyền bỏ phiếu.'
Khi chiếc xe đi ngang trước ngôi nhà về phía sân đất có chuồng la, bà vợ hắn đứng ở cửa ra vào đưa mắt dõi theo nó. Hắn không nhìn về phía bà ta; hắn không cần nhìn để biết là bà sẽ ở đó, là bà ở đó. 'Đúng rồi,' hắn nghĩ với sự hối tiếc đượm vẻ mỉa mai trong khi đưa các con la quẹo vào cánh cổng đã mở sẵn, 'Mình biết y bon bả sắp nói gì rồi. Mình biết y bon mà.' Hắn dừng xe; hắn không cần nhìn để biết là bà vợ hắn đang ở trong bếp - bả bây giờ không còn nhìn nữa, chỉ đợi thôi. Hắn dừng xe. "Cô vào nhà đi," hắn nói; hắn đã xuống xe rồi và người đàn bà trẻ bây giờ chậm chạp leo xuống với sự thận trọng như thể nó xuất phát ngay từ bên trong người nàng. "Khi cô gặp ai trong nhà, thì chính là Martha đó. Tui sẽ vào sau khi cho mấy con la ăn uống đã."
Hắn không nhìn nàng đi ngang qua sân, về phía nhà bếp. Hắn không cần nhìn đâu. Nhưng hắn hình dung mình đi theo sau nàng từng bước, cũng vào cửa bếp và đối mặt với bà vợ giờ đang nhìn cái cửa bếp y như bà đã nhìn trước đó, từ cửa ra vào, chiếc xe đi ngang. 'Mình biết y bon bả sẽ nói gì rồi,' hắn nghĩ.
Hắn tháo ách các con la, cho uống nước, dẫn vào chuồng và cho ăn. Rồi hắn ra ngoài cánh đồng, lùa các con bò cái về chuồng. Sau đó, hắn đi vào bếp. Bà vẫn còn đứng đó, một người đàn bà tóc muối tiêu với bộ mặt lạnh lùng, nghiêm khắc, nóng tính, trong vòng sáu năm mà đã đẻ cho hắn những năm đứa con và nuôi dưỡng chúng thành đàn ông và đàn bà. Bà đâu có ăn không ngồi rồi. Hắn không nhìn bà. Hắn đến bên bồn rửa bát, lấy xô nước đổ vào chậu rồi xăn tay áo. "Họ của cổ là Burch[14]", hắn nói. "Ít ra đó là theo lời cổ, cái họ của thằng đực rựa mà cổ đang lùng kiếm. Lucas Burch. Ở miệt phía dưới con lộ, ai đó đã nói với cổ là thằng chả hiện đang ở Jefferson." Quay lưng về phía vợ, hắn bắt đầu rửa ráy. "Cổ đến từ Alabama. Một mình lội bộ đến tận đây, cổ nói vậy đó."
Bà Armstid không nhìn xung quanh mình. Bà đang bận rộn sửa soạn bàn ăn. "Con nhỏ này, sắp tới đây, không sống một mình nữa trong một thời gian dài trước khi quay lại Alabama," bà nói.
"Thì thằng cha Burch đó cũng vậy thôi." Hắn bận tay với nước và xà bông ở bồn rửa bát. Và hắn có thể cảm thấy bà vợ đang nhìn hắn, nhìn gáy và hai vai hắn dưới lớp áo sơ-mi xanh bạc màu vì mồ hôi. "Cổ nói ai đó dưới chỗ lão Samson biểu là có thằng cha mang họ Burch hay gì đó làm việc ở xưởng bào trên Jefferson."
"Và con nhỏ trông mong tìm thấy thằng chả trên đó. Đang ngồi chờ cục cưng của mình... với căn nhà sắm sửa sẵn đủ thứ đồ đạc!"
Hắn không thể biết, dựa theo giọng nói của bà, là lúc này bà còn nhìn hắn hay không. Hắn lau tay với tấm khăn làm bằng bao đựng bột mì cắt làm đôi.
"Có lẽ cổ sẽ tìm ra thằng chả. Và nếu thằng chả thực sự muốn bỏ rơi cổ, tui cho rằng chẳng chóng thì chầy thằng chả sẽ nhận ra là thằng chả đã phạm sai lầm do đã dừng chân quá sớm, trước khi đặt con sông Mississippi cách trở giữa thằng chả và cổ."
Và bây giờ hắn biết là bà đang nhìn hắn: người đàn bà tóc muối tiêu, chẳng mập chẳng ốm, nghiệt ngã với đàn ông, làm việc cật lực, thô lỗ và hung dữ trong cái áo đầm tiện lợi màu xám, hai tay chống nạnh, bộ mặt trông giống như mấy tên tướng lãnh bại trận.
- Ôi, đàn ông các ông! bà nói.
- Bà tính sao về chuyện này? Đuổi cổ ra ngoài à? Hay có lẽ để cổ ngủ trong chuồng với mấy con la?
- Ôi, đàn ông các ông! bà nói. Đám đàn ông trời đánh thánh vật các ông!
***
Họ cùng nhau vào nhà bếp, dù bà Armstid đi trước. Bà đi thẳng tới cái bếp lò. Lena đứng ở gần cửa. Nàng đã dỡ mũ, mái tóc được chải thẳng thớm. Ngay cả chiếc áo đầm màu xanh cũng trông tươi mát và nhẹ nhàng hẳn ra. Nàng đứng xem trong khi bà Armstid ở bếp lò làm va đập các nắp vung bằng kim loại vào nhau và huơ các thanh gỗ với sự hung dữ thô kệch của đàn ông. "Cháu muốn giúp một tay," Lena nói.
Bà Armstid không quay đầu lại. Bà cời lò một cách hung hăng. "Mày cứ ở yên tại chỗ nghe. Bây giờ mà mày để cho cặp giò nghỉ ngơi thì có lẽ mày sẽ không phải ngả lưng nằm đẻ sớm đâu."
"Dì có tốt bụng thì hãy để cháu giúp một tay."
"Mày cứ ở yên tại chỗ đi. Tao làm việc này mỗi ngày ba lần đến nay đã ba mươi năm rồi đó. Cái thời mà tao cần người ta giúp đã qua rồi."(Bà cứ làm liền tay ở cái bếp lò, không quay đầu lại). "Lão Armstid nói họ mày là Burch?"
"Dạ đúng," Lena đáp. Giọng nàng lúc này nghe khá trịnh trọng nhưng từ tốn. Nàng ngồi yên, hai bàn tay bất động để trên đùi. Và bà Armstid cũng không quay đầu lại. Bà vẫn còn bận rộn nơi cái bếp lò. Hình như nó đòi hỏi sự chăm chú không tương xứng chút nào với sự hung hăng mà bà phô trương để nhóm lửa. Hình như nó thu hút sự chú ý của bà chẳng kém gì một cái đồng hồ đeo tay đắt tiền.
"Mày mang họ Burch chưa?" bà Armstid nói.
Người đàn bà trẻ không trả lời ngay lập tức. Bà Armstid bây giờ không cời lò nữa, nhưng vẫn quay lưng về phía Lena. Rồi bà quay mặt lại. Hai người nhìn nhau, quan sát lẫn nhau, người này bỗng dưng trần trụi dưới mắt người kia: người đàn bà trẻ ngồi trên ghế, đầu tóc gọn gàng, hai bàn tay bất động trên đùi, và người đàn bà nhiều tuổi hơn đứng bên cạnh lò bếp, người mới quay một nửa, cũng bất động nữa, với một lọn tóc rối bu màu xám ở sau ót và một khuôn mặt tưởng như được tạc trong sa thạch. Rồi người đàn bà trẻ hơn nói:
"Cháu đã không nói thật với dì. Họ cháu chưa phải là Burch đâu. Tên và họ của cháu là Lena Grove."
Hai người nhìn nhau. Giọng nói bà Armstid thì không lạnh, không ấm. Nó chẳng là gì hết. "Vậy là mày muốn đuổi kịp thằng đó để mày có thể mang họ Burch trước khi quá trễ. Có phải vậy không?"
Lena bây giờ hạ ánh mắt xuống, như thể quan sát hai bàn tay đặt trên đùi. Giọng nàng êm ả, hơi lì lợm. Tuy nhiên, nó vẫn lộ vẻ bình tâm. "Cháu không cho là cháu cần Lucas hứa này hứa nọ với cháu. Chỉ tình cờ vì xui xẻo mà ảnh phải ra đi. Công việc làm ăn của ảnh lại không bao giờ thuận buồm xuôi gió để ảnh quay lại tìm cháu như ảnh tính. Cháu nghĩ giữa ảnh và cháu thì không cần hứa hẹn ngoài miệng làm gì. Khi ảnh biết ra đêm ấy là ảnh phải ra đi, ảnh..."
"Biết ra đêm nào? Cái đêm mà mày nói với thằng chả về cái thai trong bụng phải không?"
Lena không trả lời trong một lát. Vẻ mặt nàng thì bình lặng như đá, nhưng không khô cứng. Có vẻ gan góc nhưng không phải là không dịu dàng; nó phản chiếu một thứ ánh sáng nội tâm, bình thản, lặng lẽ và dửng dưng quá đỗi. Bà Armstid nhìn nàng chằm chằm. Lena không nhìn người đàn bà kia trong khi nói chuyện. "Người ta đã bảo ảnh là có thể ảnh phải ra đi, trước cái chuyện đó lâu lắm. Nhưng ảnh lại không bao giờ chịu nói với cháu sớm hơn vì ảnh không muốn làm cháu lo. Ngay khi ảnh biết là có thể ảnh phải ra đi, ảnh hiểu hay nhất là ảnh nên ra đi, là ảnh có cơ may thành công nhanh hơn ở nơi khác, nơi mà các cai thợ sẽ không tỏ ra khó chịu với ảnh. Nhưng ảnh cứ chần chừ mãi. Nhưng rồi khi cháu bị chuyện này đây thì bọn cháu không thể chần chừ được nữa. Tên cai thợ cứ tỏ ra khó chịu với ảnh vì hắn không thích ảnh, vì Lucas thì trẻ trung, lúc nào cũng rất hiếu động, và vì tên cai thợ muốn giựt việc của Lucas để cho một trong những đứa em họ của hắn. Nhưng ảnh đã không muốn nói ra với cháu để cháu khỏi lo lắng. Nhưng rồi khi cháu bị chuyện này đây thì bọn cháu không thể chờ thêm được nữa. Chính cháu đã khuyên ảnh ra đi. Ảnh nói ảnh sẽ ở lại nếu cháu muốn vậy, dù tên cai thợ có đối xử với ảnh đúng hay không. Nhưng cháu biểu ảnh đi. Mặc dù vậy, ảnh không bao giờ muốn bỏ đi chút nào. Nhưng cháu cứ biểu ảnh đi đi. Và chỉ cần báo tin cho cháu biết khi nào thì ảnh sẵn sàng để cháu đến đoàn tụ với ảnh. Rồi công việc của ảnh lại không xuôi chèo mát mái để ảnh cho gọi cháu đến như ảnh tính. Một thanh niên ra đi như vậy, đến giữa đám người xa lạ thì cần thời gian để ổn định cuộc sống mà. Ảnh đâu bao giờ biết tới chuyện này khi ảnh bỏ đi, tức là ảnh cần nhiều thời gian để ổn định cuộc sống hơn ảnh tưởng. Nhất là đối với một thanh niên đầy sức sống như Lucas, thích đàn đúm vui chơi với mọi người và mọi người cũng thích ảnh lắm. Ảnh đã không biết là cần nhiều thời gian hơn ảnh tính, vì ảnh trẻ trung và người ta cứ tìm theo ảnh vì ảnh luôn sẵn sàng cười đùa, đấu hót, gây trở ngại cho công việc mặc dù ảnh không muốn, vì ảnh không bao giờ muốn làm phật ý ai cả. Và cháu muốn ảnh cứ vui chơi cho thỏa chí một lần cuối cùng, bởi vì một khi cưới nhau rồi thì không còn như trước nữa, đối với đàn bà cũng như đối với thanh niên, trẻ trung và sôi nổi. Nó kéo dài lâu như vậy đối với một anh trai trẻ đầy sức sống. Dì không nghĩ vậy sao?"
Bà Armstid không trả lời. Bà nhìn nàng ngồi trên ghế với mái tóc mượt mà, hai bàn tay bất động trên đùi, khuôn mặt dịu dàng và thoáng chút trầm ngâm. "Có thể là ảnh đã gửi tin cho cháu biết nhưng nó bị thất lạc trên đường. Thiệt là một quãng đường xa, chỉ tính từ đây tới Alabama thôi đó, và cháu vẫn chưa đến Jefferson. Cháu biểu ảnh cháu không trông mong ảnh viết cho cháu vì thư từ là không phải việc ảnh làm giỏi. 'Chừng nào anh thấy sẵn sàng đón em thì anh nhờ ai đó báo cho em biết,' cháu nói với ảnh. 'Em sẽ đợi'. Lúc đầu, sau khi ảnh bỏ đi, thì cháu cũng lo lắng đôi chút, bởi vì cháu chưa mang họ Burch mà, và ông anh cháu và gia đình trong nhà thì không biết rõ Lucas bằng cháu. Làm sao mà họ có thể biết chớ?" Từ từ trên khuôn mặt nàng hiện ra vẻ ngạc nhiên, dịu dàng và rạng rỡ, như thể nàng vừa nghĩ tới điều gì đó mà nàng cũng không ý thức là nàng không biết nó tới giờ. "Dì thấy đấy, làm sao mình có thể mong họ biết được chớ? Nhưng trước tiên ảnh phải ổn định cuộc sống đã; chính ảnh phải chịu đựng mọi thứ rắc rối khi sống giữa đám người xa lạ, và về phần cháu thì không có gì phải bận tâm cả ngoài việc nằm nhà mà chờ đợi trong khi ảnh gặp đủ thứ phiền phức và lôi thôi. Nhưng sau một thời gian cháu thấy mình quá bận bịu chăm sóc đứa bé trong bụng cho đến khi nó ra đời để mà lo lắng về chuyện cháu mang họ gì hay thiên hạ nghĩ gì. Chắc là có chuyện gì không lường trước đã xảy ra, hay là ảnh cũng đã bắn tin và cái tin đó thất lạc. Vậy là, một ngày nọ cháu chỉ việc quyết định không chờ thêm nữa."
"Làm sao mày biết đi về hướng nào khi mày mới lên đường?"
Lena nhìn hai bàn tay mình. Chúng bây giờ động đậy, mải mê vân vê cái vạt áo đầm trong sự bối rối kéo dài. Đó không phải là sự thiếu tự tin, sự bẽn lẽn. Hình như đó là cái phản xạ lơ đãng của chỉ một bàn tay.
"Cháu cứ việc hỏi người này, người nọ thôi. Dì biết đấy, Lucas là một chàng trai trẻ trung, đầy sinh lực, kết thân với người khác dễ dàng và nhanh chóng, cho nên cháu biết là ảnh đi đến đâu thì người ta đều nhớ đến ảnh. Vậy là cháu tiếp tục hỏi thăm. Và bà con cô bác thiệt là tốt bụng. Và đúng y chang là cách đây hai hôm, trên đường đi, người ta nói với cháu rằng ảnh đang ở Jefferson, làm việc ở xưởng bào."
Bà Armstid quan sát khuôn mặt đang cúi xuống. Bà đứng chống nạnh, ánh mắt nhìn Lena thì mang vẻ khinh bỉ lạnh lùng và vô cảm. "Và mày tin rằng khi mày đến đó thì thằng chả có ở đó à? Cứ cho là thằng chả bao giờ cũng ở đó đi. Mày tin rằng một khi biết mày ở trong cùng thành phố với thằng chả thì thằng chả vẫn còn ở đó vào giờ mặt trời lặn hay sao?"
Khuôn mặt cúi xuống của Lena có vẻ nghiêm trang và thanh thản. Một bàn tay của nàng bây giờ ngừng cử động. Nó nằm im trên đùi nàng, như thể đã chết ở đó. Giọng nói nàng có vẻ bình thản, nhỏ nhẹ và bướng bỉnh. "Cháu cho là mọi người trong gia đình phải đoàn tụ khi đứa bé ra đời. Nhất là đứa con đầu. Cháu tin là Chúa sẽ ra tay lo liệu việc đó."
"Và tôi cho là Chúa buộc phải làm vậy," bà Armstid nói một cách dữ tợn, ác nghiệt. Armstid nằm trên giường, đầu gối lên cao một chút, nhìn bà vợ qua tấm bảng chân giường, bà vẫn chưa thay đồ ngủ, đang khom người dưới ánh sáng ngọn đèn đặt trên tủ com-mốt, hai tay lục lọi trong cái ngăn kéo một cách hung hăng. Bà lấy ra một cái hộp kim loại và mở nó bằng cái chìa khóa bà đeo ở cổ, rồi cầm lên một gói vải, mở và lấy ra một con gà trống nhỏ bằng sứ có khe ở trên lưng. Những đồng tiền kêu xủng xoẻng bên trong. Bà cầm và lật ngược rồi lắc nó dữ dội ở trên tủ com-mốt. Từ khe lọt ra một cách khó khăn những đồng tiền ít ỏi. Armstid đưa mắt nhìn theo bà từ giường.
"Bà muốn làm gì với cái tiền bán trứng của bà đêm hôm khuya khoắc như vầy?" hắn nói.
"Tiền của tôi thì tôi thích làm gì thì làm." Bà khom người dưới ánh đèn, bộ mặt khắc nghiệt, cay đắng. "Chúa biết là chính tôi đã cực khổ nuôi chúng. Còn ông thì chẳng đụng đến cái móng tay."
"Hẳn vậy rồi," hắn nói. "Tui cho là không có con nào, thằng nào trong cái xứ sở này dám tranh giành mấy con gà mái đó với bà, ngoài các con rắn và chồn túi[15]. Và cái ông nội gà trống này cũng vậy," hắn nói.
Quả nhiên, bà bỗng dưng cúi người xuống, lột một chiếc giày và quật mạnh một cú lên cái ống sứ khiến nó bể tan. Nằm tựa trên giường, Armstid vẫn trơ mắt nhìn bà nhặt những đồng tiền còn lại giữa những mảnh sứ vỡ và bỏ chúng chung với các đồng tiền khác vào trong một cái bao rồi cột đi cột lại những ba bốn lần một cách căng thẳng và bực dọc.
"Ông cho con nhỏ đó cái này," bà nói. "Và khi mặt trời mọc, ông đóng cỗ xe và đưa nó đi từ đây. Đưa nó đến tận Jefferson, nếu ông muốn."
"Tui cho là ở cửa tiệm Varner cổ có thể tìm ra xe đi tiếp," hắn nói.
***
Bà Armstid đã dậy trước hừng đông và nấu bữa ăn sáng. Nó được bày sẵn trên bàn lúc Armstid bước vào nhà sau khi vắt sữa bò.
"Đi kêu con nhỏ đến ăn," bà Armstid nói.
Khi Lena và hắn trở vào bếp, bà Armstid không còn đó nữa. Lena đưa mắt nhìn quanh một lần, bước chân ngập ngừng ở ngưỡng cửa, vẻ mặt sựng lại ngay trước khi nàng kịp cười, kịp thốt ra lời nào, những lời được sửa soạn trước, Armstid chắc thế. Đôi môi tưởng chừng mở ra nhưng nàng không nói gì cả.
"Ăn rồi đi," Armstid nói. "Cô còn cả một đoạn đường dài đó."
Hắn nhìn nàng ăn, cũng với vẻ chững chạc lặng lẽ và thật lòng mà nàng đã tỏ ra vào buổi ăn tối hôm qua. Nhưng lúc này thì sự chững chạc đó bị thoái hóa vì trông nàng dè dặt một cách lễ độ và gần như kiểu cách quá. Rồi hắn đưa cho nàng cái bao vải đã buộc chặt. Nàng cầm lấy, mặt lộ vẻ hài lòng, ấm áp, dù không ngạc nhiên lắm.
"Sao! Dì ấy tốt bụng quá," nàng nói. "Nhưng thiệt tình tôi sẽ không cần đến. Tôi gần tới nơi rồi mà."
"Tui cho là cô nên giữ lấy thì hơn. Cô chắc để ý thấy là Martha không thích người khác làm trái ý bả lắm."
"Dì ấy tốt bụng thiệt," Lena nói. Nàng buộc bao tiền vào cái bọc vải rồi đội mũ che nắng lên đầu. Chiếc xe la đang chờ. Khi họ đi xuống con đường làng, nàng ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà. "Thiệt là tốt bụng, cả dì ấy, cả chú nữa," nàng nói.
"Chỉ mình bả làm chuyện này thôi," Armstid nói. "Tui chẳng có công lao gì ráo."
"Dù sao đi nữa cũng thiệt là tốt bụng. Chú nói dùm là tôi gửi lời chào dì ấy nghe. Tôi tưởng gặp lại dì ấy sáng nay, nhưng..."
"Hẳn vậy rồi," Armstid nói. "Bả chắc bận việc gì đó. Tui sẽ nói lại."
Hai người đến cửa tiệm Varner khi mặt trời vừa mọc. Những người đàn ông ngồi bệt ở hàng hiên, khạc nhổ lên các bậc tam cấp cũ mòn. Họ nhìn nàng bước xuống xe, chậm chạp và thận trọng, tay cầm cái bọc vải và chiếc quạt. Armstid lại không làm gì để giúp nàng. Hắn nói to từ chỗ đang ngồi trên xe: "Đây là bà Burch. Bả muốn đi Jefferson. Nếu có ai đi đến đó thì làm ơn cho bả đi cùng."
Hai chân nàng chạm mặt đất, trong đôi giày nặng nề lấm bụi. Nàng ngước mắt nhìn Armstid, vẻ mặt thanh thản, hiền hậu. "Chú tốt bụng thiệt," nàng nói.
"Hẳn vậy rồi," Armstid nói. "Bây giờ thì cô có thể đến thành phố rồi đó."
Hắn nhìn xuống nàng. Rồi hình như có một thời gian bất tận trôi qua trong khi hắn theo dõi cái lưỡi mày mò tìm chữ, đầu óc suy nghĩ thật nhanh và lặng lẽ, ý tưởng trốn đâu mất tiêu Con người. Tất cả mọi người. Nó sẽ khước từ cả trăm cơ hội để làm điều thiện chỉ cốt đổi lấy một cơ hội xía vào việc người khác mà không ai mở miệng yêu cầu. Nó sẽ bỏ qua và quên thấy các cơ may, các thời cơ để làm ra tiền tài, danh vọng và việc thiện, và đôi khi cả việc ác nữa. Nhưng nó sẽ không bao giờ bỏ qua một dịp nào để xía vào việc người khác Rồi lưỡi hắn tìm được chữ, hắn nghe chính mình nói ra, có lẽ cùng với nỗi ngạc nhiên như Lena: "Có điều tui sẽ không tin quá vào... không tin quá ở..." trong khi nghĩ Cổ không nghe mình nói đâu. Nếu mà cổ nghe được những chữ nghĩa như vầy thì cổ hẳn đã không leo xuống xe đâu, với cái bụng ễnh đó, với cái quạt đó và với cái bọc nhỏ đó, một thân một mình, lê bước đến một nơi hoàn toàn lạ nước lạ cái, đi tìm một thằng đực rựa mà cổ sẽ không bao giờ gặp lại và cổ đã gặp một lần là quá nhiều lắm rồi "- nếu có bao giờ cô quay lại miệt này, ngày mai hay thậm chí đêm nay..."
"Tôi cho là mọi sự sẽ ổn thôi," nàng nói. "Họ biểu tôi là ảnh ở đó mà."
Hắn cho xe quành lại và ngược đường cũ về nhà, cặp mắt nhợt nhạt, ngồi khòm lưng trên chiếc ghế lõm sâu, nghĩ, 'Làm vậy thì hẳn là không đi tới đâu. Giá như cổ nghe mình mở miệng nói ra điều này thì cổ sẽ không tin chút nào, cổ đâu tin nó hơn tin những ý nghĩ cứ hiện ra dài dài xung quanh cổ từ khi... Nay thì đã bốn tuần lễ rồi, cổ nói vậy. Cổ cũng sẽ không cảm thấy nó hay tin nó lúc này. Và cổ ngồi đó, trên bậc cấp cao nhất ở hàng hiên, hai bàn tay để trên đùi, và đám đàn ông ngồi bệt ở đó và khạc nhổ xuống đường, gần bên cổ. Và cổ thậm chí không cần chờ bọn họ mở miệng hỏi, cổ cứ khơi khơi kể trước. Tự ý kể cho bọn họ nghe về cái thằng tồi tệ đó, như thể cổ chẳng bao giờ có cái gì đặc biệt trong quá khứ để che giấu hay bày ra, ngay cả khi Jody Varner hay tên nào trong đám đó sẽ nói với cổ là thằng cha làm trong xưởng cưa ở Jefferson có họ là Bunch chớ không phải Burch. Và điều này thì cũng sẽ không làm cổ lo lắng chút nào. Mình cho là cổ biết nhiều hơn cả Martha, như tối hôm qua cổ bảo Martha là việc nào đúng thì sẽ được Chúa lo liệu để nó được thực hiện.'
Chỉ cần một hay hai câu hỏi là đủ. Rồi, ngồi trên bậc cao nhất ở hàng hiên, quạt và bọc vải đặt trên đùi, Lena kể ra câu chuyện của nàng thêm một lần nữa, với sự tóm tắt rõ ràng và kiên nhẫn của một đứa bé nói dối, và đám đàn ông mặc quần yếm ngồi bệt bên cạnh im lặng nghe.
"Họ của thằng đó là Bunch," Varner nói. "Nó làm việc ở xưởng bào khoảng bảy năm nay. Làm sao cô biết là thằng cha Burch cũng ở đó?"
Nàng đưa mắt nhìn ra con lộ, theo hướng đi về Jefferson. Khuôn mặt nàng mang vẻ điềm tĩnh, chờ đợi, hơi thờ ơ nhưng không bối rối. "Tôi tin là ảnh ở đó mà. Ở xưởng bào đó hay các xưởng nào khác. Lucas lúc nào cũng thích cái gì mới, cái gì kích thích. Ảnh không bao giờ thích sống yên lặng cả. Đó là lý do tại sao Doane's Mill không bao giờ hợp với ảnh. Lý do tại sao ảnh - hai đứa tụi tôi quyết định thay đổi, vì tiền bạc và cái gì hứng thú."
"Vì tiền bạc và cái gì hứng thú," Varner nói. "Lucas không phải thằng hỉ mũi chưa sạch đầu tiên vứt bỏ những gì nó được nuôi dạy để làm và bỏ rơi những người tùy thuộc vào những gì nó làm, chỉ vì tiền bạc và cái gì hứng thú đâu."
Nhưng chắc là nàng không nghe. Nàng ngồi yên lặng trên bậc cao nhất của hàng hiên, nhìn con lộ từ từ lên dốc rồi quẹo, trống trải và xa dần, về phía Jefferson. Những tên đàn ông, ngồi bệt lưng dựa vào tường, nhìn khuôn mặt lặng lẽ và bình thản của nàng và nghĩ như Armstid đã nghĩ và như Varner nghĩ: là nàng đang nghĩ đến cái thằng vô lại đã "bỏ của chạy lấy người" ấy, để lại nàng cái bụng ễnh đó, cái thằng mà họ tin là nàng sẽ chẳng bao giờ gặp lại, có lẽ chỉ thấy được cái đít quần của nó khi bỏ chạy. 'Hay trừ phi con nhỏ này nghĩ đến xưởng cưa Sloane hay xưởng Bone,' Varner nghĩ. 'Tôi cho là ngay cả một đứa con gái ngu ngốc không cần phải đi xa như đến tận bang Mississippi này để nhận ra là nơi chốn mà nó bỏ đi thì đâu khác gì hay không tệ hơn nơi chốn mà nó hiện đang có mặt. Ngay cả khi ở đó có một người anh phản đối đứa em gái mình ban đêm cứ lảng vảng ngoài đường,' trong khi nghĩ lẽ ra mình nên làm như người anh đó; lẽ ra người cha cũng làm như vậy. Cô ta không có mẹ, bởi vì máu của người cha căm ghét, với lòng thương yêu và kiêu hãnh, nhưng máu người mẹ, với lòng căm ghét, thì thương yêu và chung sống
Nàng chẳng nghĩ đến tất cả mấy điều này chút nào. Nàng đang nghĩ đến những đồng tiền buộc trong cái bọc vải nằm dưới hai bàn tay nàng. Nàng đang nhớ đến bữa ăn sáng, nàng nghĩ như thế nào nàng có thể vào trong tiệm ngay lúc này và mua phó mát, bánh bích quy và ngay cả cá mòi hộp, nếu nàng thích. Ở nhà Armstid, nàng chỉ uống một tách cà phê và ăn một miếng bánh đậu bắp, có vậy thôi, dù Armstid ân cần mời nàng ăn thêm. 'Mình đã xực một cách lễ phép', nàng nghĩ, hai bàn tay nằm trên cái bọc vải, biết là nó chứa các đồng tiền được giấu kín, nhớ lại tách cà phê độc nhất và chỉ một miếng bánh xa lạ mà nàng ăn cho phải phép, nàng nghĩ với một thứ gì đó như niềm kiêu hãnh thanh thản: 'Mình đã xực như một quý bà. Như một quý bà trên đường đi chơi xa. Nhưng bây giờ thì mình cũng có thể mua cá mòi hộp nữa nếu mình muốn vậy.'
Nên chi nàng có vẻ mơ màng, đưa mắt dõi theo con lộ bắt đầu lên dốc trong khi những tên đàn ông ngồi bệt vừa chậm rãi khạc nhổ vừa nhìn trộm nàng, họ tin là nàng đang suy nghĩ về thằng tình nhân và sự sinh nở đang đến gần, khi mà trong thực tế nàng chỉ đang tiến hành một trận đánh không có gì là gay gắt lắm với sự thận trọng trời cho đó đến từ cái trái đất xưa cũ này mà từ nó, do nó, với nó, nàng sống. Lần này, nàng thắng trận. Nàng đứng lên, và với những bước chân hơi vụng về, hơi cẩn thận, nàng đi xuyên qua một loạt cặp mắt đàn ông săm soi và bước vào trong cửa hàng; tên bán hàng theo sau. 'Mình sắp sửa làm chuyện đó', nàng nghĩ, ngay trong khi gọi mua phó mát và bánh quy; 'Mình sắp sửa làm chuyện đó', và nàng nói to: "Và một hộp cá mòi." Nàng phát âm sour[16]-deens. "Hộp năm xen đó nghe."
"Tụi tôi không có cá mòi năm xen," tên bán hàng nói. "Chỉ có loại mười lăm xen thôi." Hắn cũng phát âm sour-deens.
Nàng do dự. "Anh có đồ hộp gì mà năm xen không?"
"Không có gì cả, trừ hộp xi đánh giày. Tôi cho là không phải thứ cô muốn. Có phải để ăn đâu!"
"Vậy thì tôi mua loại hộp mười lăm xen đó." Nàng mở cái bọc vải và tháo giây buộc cái bao đựng tiền. Phải khá lâu nàng mới mở được mấy cái nút thắt. Nhưng nàng tháo chúng một cách kiên nhẫn, từng cái một. Nàng trả tiền rồi buộc lại cái bao và cái bọc vải, và nhận đồ đã mua. Khi nàng trở ra ngoài hàng hiên thì đã có một chiếc xe la đậu bên bậc tam cấp. Một người đàn ông ngồi sẵn trên đó.
"Xe này đi lên phố đó," họ nói với nàng. "Thằng cha này cho cô đi theo đó."
Khuôn mặt nàng từ từ sáng ra, ấm áp và thanh thản.
"Sao! Các chú tốt bụng quá đi," nàng nói.
***
Chiếc xe di chuyển không ngừng nhưng chậm chạp, như thể ở đây, trong nỗi cô đơn đầy ánh nắng của vùng đất mênh mông này, nó nằm ngoài, vượt ra khỏi giới hạn của thời gian và mọi sự vội vã. Từ cửa tiệm Varner đến Jefferson là mười hai dặm. "Mình tới Jefferson trước giờ ăn tối chớ?" nàng nói.
Tên đánh xe nhổ nước miếng. "Hên lắm thì...," hắn nói.
Hình như hắn chẳng khi nào nhìn nàng, ngay cả lúc nàng leo lên xe. Hình như nàng cũng chẳng khi nào nhìn hắn. Bây giờ nàng vẫn không nhìn hắn: "Tôi cho là chú đi Jefferson thường lắm."
Hắn nói: "Nhiều lần." Chiếc xe vừa đi, vừa kêu cọt kẹt. Các cánh đồng và các khu rừng nhỏ có vẻ như treo lơ lửng ở giữa chừng, không thể lẩn tránh được. Chúng có vẻ tĩnh và động cùng lúc, và lẹ làng như ảo ảnh. Tuy vậy, chiếc xe vẫn vượt qua chúng.
"Chú biết ai ở Jefferson tên là Lucas Burch không?"
"Burch à?"
"Tôi đi lên đó để tìm ảnh. Ảnh làm việc ở xưởng bào."
"Không," tên đánh xe nói. "Tui không biết là tui biết nó. Nhưng chắc có rất nhiều người ở Jefferson mà tui không biết nữa. Chắc là nó ở đó."
"Tôi mong vậy, hẳn rồi. Thiệt tình, cứ đi đường mãi thì chán quá."
Tên đánh xe không nhìn nàng. "Cô từ xa đến đây tìm nó?"
"Từ Alabama đó chú. Thiệt là một quãng đường xa."
Hắn không nhìn nàng. Giọng hắn khá hững hờ.
"Làm sao mà cha mẹ cô lại để cô ra đi với cái bụng như vầy chớ?"
"Cha mẹ tôi chết rồi. Tôi sống với ông anh. Chính tôi quyết định ra đi đó."
"Hiểu rồi. Nó nhắn tin biểu cô đến Jefferson chớ gì."
Nàng không trả lời. Hắn có thể thấy gương mặt nhìn nghiêng bình thản của nàng dưới mũ che nắng. Chiếc xe tiếp tục lăn bánh, chậm chạp, nằm ngoài thời gian. Những dặm đường bụi đỏ và thong dong trải dài dưới các bàn chân cứng cáp của các con la, dưới các bánh xe kêu cọt kẹt và răng rắc. Mặt trời giờ đây ở cao trên đầu họ; cái mũ che nắng đổ bóng trên đùi nàng. Nàng ngước mắt nhìn lên mặt trời. "Đến lúc ăn trưa rồi đó chú," nàng nói. Hắn nhìn nàng từ khóe mắt khi nàng mở phó mát, bánh quy, cá mòi và mời hắn.
"Tui không muốn ăn chút nào," hắn nói.
"Chú làm ơn ăn chung với tôi cho vui."
"Tui không muốn ăn. Cô cứ tự nhiên đi."
Nàng bắt đầu ăn. Nàng ăn từ từ và liên tục, đưa lưỡi liếm dầu cá mòi béo ngậy dính ở đầu các ngón tay với một sự hứng thú chậm rãi và trọn vẹn. Rồi nàng ngừng hẳn, một cách nhẹ nhàng, cái hàm giữ yên khi đang nhai nửa chừng, miếng bánh quy đã cắn còn cầm trên tay và mặt nàng cúi xuống một chút, đôi mắt đờ đẫn, như thể nàng đang nghe cái gì ở rất xa hay ở rất gần đến độ nàng cảm thấy nó bên trong người nàng. Mặt nàng mất sắc, mất sự nồng nhiệt và đủ đầy của máu huyết, và nàng ngồi yên, nghe và cảm thấy quả đất ngàn đời xưa cũ và da diết, nhưng không sợ hãi hay hốt hoảng. 'Hai đứa sinh đôi là ít nhất', nàng tự nói với mình, không động đậy đôi môi, không phát ra thành tiếng. Rồi sự co thắt qua đi. Nàng tiếp tục ăn. Chiếc xe la đã không dừng lại. Thời gian đã không dừng lại. Chiếc xe lên tới đỉnh ngọn đồi cuối cùng và họ thấy khói.
"Jefferson đó," tên đánh xe nói.
"Ủa, thật sao?" nàng nói. "Mình sắp tới nơi rồi hả?"
Lần này, chính người đàn ông không nghe. Hắn nhìn thẳng về phía trước, xuyên qua thung lũng bên dưới, hướng về thành phố nằm ở triền đồi đối diện. Nhìn theo ngọn roi hắn chỉ, nàng thấy hai cột khói: một cái thì ở trên một ống khói lò sưởi lớn, dày đặc và nặng nề giống như khói than đá, cái kia là một cột khói vàng lớn hình như thoát ra từ một khóm cây cách phía bên kia thành phố một quãng. "Một cái nhà đang cháy đó," tên đánh xe nói. "Thấy không?"
Nhưng nàng, đến lượt mình, lại có vẻ không đang lắng nghe và cũng không nghe. "Ôi trời, ôi trời," nàng nói. "Mình đi chưa đầy bốn tuần lễ mà bây giờ mình đã ở Jefferson rồi. Ôi trời, ôi trời! Thân thể té ra cũng vượt qua được mọi thứ đó chớ."
2
Đây là điều Byron Bunch biết: đó là một buổi sáng thứ sáu, ba năm trước. Tốp đàn ông làm việc ở phân xưởng bào gỗ ngước mắt lên, và thấy một tên lạ mặt đứng nhìn họ. Họ không biết y đứng ở đó bao lâu rồi. Y trông như một kẻ lang thang đầu đường xó chợ, vậy mà y không hẳn là thứ người đó. Đôi giày lấm bụi. Quần thì bẩn, nhưng may bằng vải "xéc"[17] đứng đắn, có nếp gấp rõ ràng, và áo sơ-mi cũng bẩn nhưng đó là một chiếc sơ-mi màu trắng. Y đeo cà vạt, và cái mũ rơm vành cứng gần như mới thì đội lệch ở một góc độ ngạo mạn khiến khuôn mặt trầm tĩnh của y mang vẻ đe dọa. Y không có dáng dấp của một tên thợ làm rong rày đây mai đó trong bộ áo quần lao động tả tơi nhưng con người y rõ ràng toát ra cái gì đó mất gốc, như thể y chẳng thuộc về bất cứ thị trấn hay thành phố nào, như thể không có một con đường, một bức tường hay một mảnh đất nào mà y có thể tự gọi là nhà mình. Và y lúc nào cũng mang theo tất cả những gì y biết, giống như người ta mang cờ hiệu, với cái gì đó tàn nhẫn, cô độc và gần như kiêu hãnh. "Như thể thằng chả gặp phải thời vận xui xẻo mà thằng chả hy vọng thoát ra nhanh chóng nhưng lại tỏ ra đếch cần biết là bằng cách nào thằng chả có thể thoát ra," những người thợ đó nói sau này. Y thì trẻ. Và Byron quan sát y đứng đó, điếu thuốc lá ngậm ở khóe miệng hơi bị trễ xuống vì hút nhiều, vẻ mặt điềm tĩnh một cách u ám và khinh khỉnh, đang nhìn những người thợ trong bộ quần yếm lấm láp mồ hôi. Sau một lát, y nhổ mẩu thuốc lá xuống đất, không đụng đến tay, quay người đi về phía văn phòng xưởng bào trong khi đám thợ trong bộ quần yếm bạc màu và vấy bẩn nhìn theo lưng y với sự tức tối pha lẫn bối rối. "Tụi mình phải 'bào' nó một trận nên thân," tên cai thợ nói. "Cho tiêu cái bản mặt phách lối đó đi."
Họ không biết y là ai. Không ai trong bọn họ đã gặp y bao giờ. "Ngoài ra, một thằng đàn ông mà mang cái bộ mặt như vậy trước mắt mọi người thì cũng to gan thiệt chớ," một người nói. "Có thể là thằng chả quên phức và dùng cái bộ mặt đó rồi ngộ khi gặp phải một tên du côn nó ngửi không vô thằng chả." Rồi họ thôi nghĩ đến y, hay ít ra là không nói đến nữa. Họ trở lại làm việc giữa những tiếng kêu vù vù và tiếng rít ken két của các dây cua-roa và trục máy. Nhưng chưa đầy mười phút sau thì viên giám thị đi vào, tên lạ mặt theo sau.
"Nhận thằng này vào làm," viên giám thị bảo tên cai thợ. "Nó nói nó biết dùng xẻng. Giao nó xúc mùn cưa đi."
Những người thợ khác vẫn làm không ngừng tay nhưng không một ai trong xưởng lại không đưa mắt nhìn kẻ xa lạ trong bộ áo quần thị dân lấm bẩn, với bộ mặt u ám, khó chịu, với vẻ khinh người lạnh lùng và im lặng. Tên cai liếc y rất nhanh, cái nhìn thì cũng lạnh tanh như các người thợ khác. "Ăn mặc sang vậy mà mần việc sao?"
"Đó là chuyện riêng của nó," viên giám thị nói. "Tao thuê nó chớ có thuê áo quần của nó để làm đâu."
"Thôi được, nó ăn mặc ra sao mà được với ông và với nó thì cũng được với tôi luôn," tên cai nói. "Thưa ông nội, được rồi đó, ông nội xuống dưới kia tìm cái xẻng và giúp tụi nó hốt đống mùn cưa đi."
Kẻ mới đến quay người đi không nói một lời. Những người thợ khác nhìn y đi xuống chỗ đống mùn cưa, khuất dạng rồi hiện ra với cái xẻng và bắt đầu làm việc. Tên cai và viên giám thị đứng nói chuyện ở cửa. Hai người chia tay và tên cai quay lại. "Họ nó là Christmas[18]," ông ta nói.
"Họ cái gì?" một người hỏi.
"Christmas."
"Nó người nước ngoài sao?"
"Bộ mày chưa hề biết một thằng da trắng nào mang họ Christmas à?" tên cai nói.
"Tui chưa bao giờ biết ai có cái họ lạ vậy," người kia nói.
Và đó là lần đầu tiên Byron nhớ ra là mình chưa từng nghĩ rằng cái tên của một người, thường được xem như là một âm thanh đơn giản để chỉ định người đó là ai, lại có thể bằng cách này hay cách khác là điềm báo trước những gì người đó sẽ làm, nếu như người ta có thể đọc ý nghĩa của nó kịp thời. Theo anh thì dường như không một người thợ nào chú ý quá mức đến kẻ lạ mặt đó cho tới khi nghe được tên y. Nhưng vừa nghe xong thì họ cảm tưởng là có cái gì đó trong độ âm vang của cái tên đang tìm cách báo cho họ biết những điều mà họ phải trông chờ; như thể y mang theo người một lời cảnh báo không thể lẩn tránh được, như hoa mang mùi thơm, như con rắn chuông mang tiếng kêu lanh canh ở đuôi. Chỉ có điều là không ai trong bọn họ cảm thấy đủ đầy để nhận ra nó. Họ chỉ nghĩ đơn giản y là một người nước ngoài, và trong khi nhìn y làm việc trong quãng thời gian còn lại của ngày thứ sáu đó, với cà vạt, mũ rơm, quần có nếp gấp, họ nói giữa họ với nhau là ở nước y người ta làm việc như vậy đó. Tuy vậy vẫn có ai đó nói: "Nó sẽ thay đồ tối nay mà. Nó sẽ không diện bộ cánh dành cho ngày chủ nhật như vậy để trở lại làm việc sáng mai đâu."
Sáng thứ bảy đến. Vừa mới bước vào xưởng ngay trước khi còi hụ, những người đến muộn đã buột miệng hỏi: "Nó có... Ở đâu...?" Những người khác đưa tay chỉ. Người thợ mới đang đứng một mình, bên cạnh đống mùn cưa và chiếc xẻng. Và y vẫn mặc bộ đồ ngày hôm qua, với cái mũ kênh kiệu và điếu thuốc lá gắn ở miệng. "Nó có mặt ở đó rồi khi tụi mày đến," những người đầu tiên vào xưởng nói. "Chỉ đứng đó thôi, như vậy đó. Làm như nó đã không leo lên giường ngủ bao giờ."
Christmas không nói chuyện với bất cứ người nào trong bọn họ. Và chẳng một ai tìm cách nói chuyện với y. Nhưng mọi người cảm thấy sự hiện diện của y, của tấm lưng chắc nịch và hai cánh tay cứng cáp (y làm việc khá tốt, hồ như với một sự đều đặn có tiết chế và đáng ngại). Giờ trưa đến. Ngoại trừ Byron, ngày hôm nay không ai mang theo đồ ăn trưa, và họ bắt đầu gom vật dụng của mình, sẵn sàng rời xưởng cho đến sáng thứ hai. Tay cầm cà mèn, Byron đi một mình đến căn nhà đặt máy bơm. Đó là nơi đám thợ thường ăn trưa. Anh ngồi xuống. Rồi có cái gì đó khiến anh ngước mắt lên. Không xa anh lắm, lưng tựa vào một cái cột, tên xa lạ đó đang đứng hút thuốc lá. Byron biết là y đã ở sẵn đó khi anh bước vào, và cũng chẳng thèm đi chỗ khác. Hay tệ hơn nữa: là y cố ý đến đây, không buồn để ý đến Byron, như thể anh là một cái cột khác. "Này, ông bạn có định làm tiếp không?" Byron nói.
Tên kia nhả ra một hơi khói. Rồi y nhìn Byron. Khuôn mặt hốc hác, thịt có màu chết và phẳng như tấm giấy da. Nhưng không phải da: chính là thịt, như thể cái sọ được nặn từ sự đều đặn chết người và bất động, rồi được bỏ vào một lò nung bị quá nhiệt. "Những giờ làm thêm, người ta trả bao nhiêu vậy?" y nói. Vậy là Byron hiểu ra. Anh hiểu ra tại sao y làm việc chân tay trong bộ quần áo dành cho ngày chủ nhật, và tại sao y đã không mang theo đồ ăn trưa, cả hôm qua lẫn hôm nay, và tại sao y đã không ra về cùng những người khác khi còi hụ lúc trưa. Anh hiểu cũng rõ ràng như thể y nói ra cho anh biết là y chẳng có một xu teng dính túi và chắc là y đã sống bằng thuốc lá từ hai hay ba ngày nay. Ý tưởng này vừa chớm hiện trong đầu là Byron đưa cà mèn của mình ra mời, một hành động cũng do phản xạ như cái ý tưởng. Nhưng cử chỉ đó chưa kịp hoàn thành thì tên đàn ông, vẫn giữ thái độ uể oải và hách dịch, quay mặt lại và liếc nhìn cái cà mèn được mời xuyên qua làn khói thuốc la đà. "Tao không đói. Mày giữ lại cái thứ bẩn thỉu này mà ăn đi."
Sáng thứ hai tới và chứng tỏ là Byron đã nghĩ đúng. Y đến làm trong bộ quần yếm mới toanh và với một cái túi giấy đựng đồ ăn. Nhưng y không ngồi bệt xuống đất trong căn nhà đặt máy bơm với những người khác vào giờ ăn trưa, và vẫn giữ vẻ mặt khinh khỉnh như trước đây. "Hãy để nó yên nghe tụi bây," tên cai nói. "Ông giám thị Simms có thuê quần áo nó hay cái bản mặt nó để làm việc đâu?"
Ông Simms cũng đã không thuê cái lưỡi của thằng cha xa lạ này, Byron nghĩ. Và ít ra theo cách xử sự của y, Christmas có vẻ cũng nghĩ như Byron. Sáu tháng trôi qua mà y vẫn không mở miệng nói với ai một lời. Chẳng ai biết được y làm gì sau những giờ làm việc ở trại bào. Đôi khi, sau buổi ăn tối, một trong các người thợ làm chung gặp y ở quảng trường trung tâm thành phố, và Christmas lại làm như hai người không hề biết nhau trước nay. Vào giờ đó, y thường đội cái mũ mới, mặc quần ủi thẳng thớm, điếu thuốc lá gắn ở khóe miệng và khói lờn vờn như chế nhạo trước mặt y. Không một ai biết được chỗ y ở, chỗ y ngủ ban đêm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người ta thấy y đi theo con đường mòn xuyên qua khu rừng cây nằm ngoài rìa thành phố, như thể y sống đâu đó ở mé ngoài này.
Tất cả chuyện đó không phải Byron bây giờ mới biết. Đó là chuyện anh đã biết hồi đó rồi, đã nghe người ta kể, đã quan sát dần dần. Không ai, vào thời đó, biết được chỗ Christmas ở, biết được y thực sự làm gì đằng sau vẻ bí ẩn, sau tấm màn ngụy trang bằng công việc dành cho bọn da đen ở xưởng bào. Và có lẽ người ta hẳn không bao giờ biết được nếu như không có Brown, một tên lạ mặt khác. Thế nhưng, Brown vừa mới mở miệng nói ra thì cỡ chừng một tá đàn ông thú nhận đã mua rượu uýt-ki từ Christmas hơn hai năm nay. Họ gặp một mình y ban đêm trong khu rừng cây nằm phía sau ngôi nhà đồn điền cũ kiểu thuộc địa cách thành phố hai dặm, trong đó có một cô gái già tên là Burden sống một mình. Tuy vậy, ngay cả những người mua uýt-ki cũng không biết là Christmas ở trong một căn lều gỗ ọp ẹp dành cho người da đen nằm trong khuôn viên của cô Burden, và y sống một mình ở đó hơn hai năm nay.
Rồi vào một ngày đẹp trời nào đó cách đây sáu tháng, một tên lạ mặt khác xuất hiện tìm việc làm ở xưởng bào, y như Christmas ngày trước. Hắn cũng trẻ, cao lớn, và hắn đã mặc sẵn cái quần yếm, nó trông như ở hoài trên người hắn từ lâu lắm rồi. Hắn cũng có vẻ đi đây, đi đó một cách gọn nhẹ, không có hành lý mang theo. Khuôn mặt lanh lợi của hắn thì đẹp một cách yếu ớt với một cái sẹo trắng nhỏ bên cạnh khóe miệng, nó trông như được ngắm nghía nhiều lần trước gương soi, và hắn có kiểu lúc lắc nhanh cái đầu và liếc nhìn qua vai giống như con la gặp phải trước mặt chiếc xe hơi ngược chiều trên đường, Byron nghĩ. Nhưng đó không chỉ là cái nhìn ra sau, một phản ứng lo sợ. Byron hình như cũng thấy ra một sự tự tin nào đó, một sự xấc láo nào đó, như thể tên đàn ông này cứ khăng khăng chứng tỏ là hắn ta chẳng lo sợ chút nào về các nguy cơ có thể đến từ sau lưng. Và khi Mooney, tên cai, thấy người thợ mới thì Byron tin là anh và Mooney có cùng ý nghĩ. Mooney nói: "Vậy thì ông Simms chắc chắn không phải thuê cái gì cả khi thâu nhận tên này vào làm. Ngay cả bộ quần yếm ổng cũng không bao giờ phải thuê nữa đó."
"Thật vậy," Byron nói. "Thằng đó khiến tôi nghĩ đến một trong những chiếc xe hơi chạy dọc theo đường phố với máy thu thanh bên trong. Ông không thể nghe được cái máy nó nói cái gì và chiếc xe thì cứ chạy loanh quanh, không đến riêng chỗ nào cả, và khi ông nhìn nó cận kề thì thấy là không có ai trong xe."
"Đúng," Mooney nói. "Thằng đó khiến tao nghĩ đến con ngựa. Không phải con ngựa chứng đâu. Một con ngựa vô tích sự, đơn giản vậy thôi. Trông thì oách lắm trên đồng cỏ, nhưng mỗi khi có ai xuất hiện ở cổng với bộ dây cương thì y như rằng nó đã ở tuốt phía dưới mé suối rồi. Chạy thì cũng được nhưng khi đến giờ đóng vào xe thì y như rằng nó bị đau móng guốc."
"Nhưng có lẽ mấy con ngựa cái thì thích nó," Byron nói.
"Hẳn vậy rồi," Mooney nói. "Tao cho là nó chẳng làm nên trò trống gì lâu ngay cả với một con ngựa cái."
Tên thợ mới đi xuống làm việc ở đống mùn cưa với Christmas. Hoa chân múa tay, hắn oang oang kể cho mọi người biết hắn là ai, và từ đâu đến, với cái giọng và cung cách làm lộ ra bản chất con người hắn, lộn xộn và dối trá. Đến nỗi người ta không tin những gì hắn nói là hắn đã làm và cũng chẳng tin hơn cái tên họ mà hắn đưa ra, Byron nghĩ. Nhưng không có lý do gì mà họ của hắn không phải là Brown kia chớ. Chỉ cần nhìn hắn một chút là người ta biết vào một lúc nào đó trong đời hắn, sự ngu xuẩn của hắn đã phải lên đến cao độ khi hắn đổi họ, và chọn cái họ Brown này với niềm vui sướng hả hê, như thể cái họ này chưa bao giờ được con người ta đặt ra trước đó. Thực tế là, người ta không thấy lý do tại sao hắn phải có hay cần có một cái họ để làm gì. Chẳng ai thèm để ý đến hắn cả, đúng như Byron tin là không ai (ít ra là những kẻ mặc quần) thèm để ý là hắn đến từ đâu, hắn đi đâu, hắn ở lại bao lâu. Bởi vì bất kể từ đâu hắn đến, bất kể nơi nào hắn đã sống qua, người ta biết là hắn sống ở nhà quê như một con châu chấu. Như thể hắn sống ở đó lâu đến nỗi cả con người hắn trở nên ly tán và tản mác, và bây giờ thì không còn lại gì ngoài cái vỏ trong suốt và không trọng lượng mà ngọn gió đầu tiên nào đến cũng có thể thổi bay về đâu đó trong vùng quên lãng.
Tuy nhiên, hắn vẫn làm việc một ít, theo cách của hắn. Byron tin là hắn chẳng còn đủ sức lực đâu mà chuồn lủi công việc một cách khéo léo và khôn ngoan. Ngay cả khi tự mình muốn chuồn lủi công việc hết sức, người ta phải tỏ ra giỏi hơn người thường để làm chuyện đó cho hay, y chang như làm bất cứ chuyện gì khác: trộm cắp hay thậm chí giết người. Người ta phải nhắm đến một mục tiêu cụ thể và dứt khoát nào đó, và cố gắng hướng về nó. Và anh nghĩ đây không phải là trường hợp của Brown. Họ nghe là vào đêm thứ bảy đầu tiên, hắn đã mất cha nó hết số tiền lương tuần làm việc thứ nhất trong trò gieo súc sắc ăn tiền. Byron nói với Mooney: "Tôi thấy ngạc nhiên về chuyện đó. Tôi tưởng gieo súc sắc là nghề của chàng mà."
"Thằng đó à?" Mooney nói. "Cái gì khiến mày nghĩ là nó có thể làm được cái chó gì cho ra hồn trong khi chỉ việc hốt mùn cưa thôi mà còn quá khó đối với nó? Cái gì khiến mày nghĩ là nó có thể gạt ai với cái gì đó khó chơi như trò gieo súc sắc trong khi nó không thể sử dụng cái gì đó dễ như cái xẻng?" Rồi tên cai nói thêm: "Thôi, tao cho là mình không nên lo là nó không thể làm cái gì hơn ai. Bởi vì ít ra nó có thể hạ thằng Christmas trong chuyện đếch làm gì cả."
"Hẳn vậy rồi," Byron nói, "tôi cho là làm người tốt thì gần như không gì dễ hơn đối với một thằng lười biếng."
"Tao cho là nó sẽ không tốt được lâu đâu," Mooney nói, "nếu ít ra nó có được ai đó chỉ cho nó cách làm."
"Ôi, sớm hay muộn gì nó cũng tìm ra được người đó đâu đây mà," Byron nói. Cả hai quay người và nhìn đống mùn cưa, nơi mà Brown và Christmas đang làm việc, một người thì với sự đều đặn có suy tính và hung bạo, một người thì với sự vung tay múa chân được chăng hay chớ, hẳn là không thể gạt ai được, ngay cả chính mình.
"Chắc vậy," Mooney nói. "Nhưng mà, nếu bỗng dưng tao muốn trở nên xấu thì bảo đảm là tao sẽ không chọn nó để làm chung đâu."
Giống như Christmas, Brown đến làm việc trong cùng một bộ quần áo mà hắn đã mặc khi đi phố. Nhưng khác với Christmas, hắn không thay nó trong một thời gian khá lâu. "Vào một đêm thứ bảy nào đó nó sẽ ăn được vừa đủ tiền trong trò gieo súc sắc đó để mua một bộ quần áo mới và vẫn còn năm mươi xen bằng đồng năm xen kêu lách cách trong túi," Mooney nói, "và sáng thứ hai sau đó thì tụi mình sẽ không còn gặp nó nữa." Tuy nhiên, Brown vẫn tiếp tục đến làm, vẫn trong bộ quần yếm và áo sơ-mi đó mà hắn đã mặc trong ngày đầu tiên đến Jefferson. Và thua sạch tiền lương hàng tuần trong trò súc sắc vào đêm thứ bảy hay có lẽ ăn chút ít. Trong cả hai trường hợp, thua hay ăn, hắn đều bật cười hề hề một cách ngu ngốc, đùa giỡn, cười cợt vui vẻ với chính những người rất có thể là đã quịt hắn đều đều. Rồi một ngày kia, người ta nghe là hắn đã ăn được sáu mươi đô-la. "Vậy là nó sẽ biến mất tiêu," ai đó buột miệng.
"Tao không biết đâu," Mooney nói. "Sáu chục đô-la, con số này trật bét. Nếu là mười đô hay năm trăm đô thì tụi mày có thể nói đúng. Nhưng không phải y bon sáu chục đâu. Nó đơn giản sẽ nghĩ là nó đang ổn định cuộc sống lâu dài ở đây, và cuối cùng thì cũng lãnh được lương hàng tuần khá tương xứng với khả năng của nó." Và vào sáng thứ hai hắn vẫn trở lại làm việc thật, trong bộ quần yếm quen thuộc; họ thấy cả hai, Brown và Christmas, ở đống mùn cưa. Họ đã quan sát hai đứa dưới đó từ cái ngày Brown đến làm: Chrismas thọc xẻng vào đống mùn cưa một cách đều đặn và chậm rãi, nhưng mạnh mẽ, như thể y đang chặt ra từng khúc một con rắn bị chôn dưới đất ("hay một con người," Mooney nói), và Brown thì tựa người vào cái xẻng của hắn, miệng huyên thuyên như có vẻ kể cho Christmas nghe một câu chuyện hay một giai thoại nào đó. Thực vậy, giờ thì hắn bật cười, rồi vừa hét vừa cười, đầu ngửa ra đằng sau, trong khi bên cạnh hắn tên đàn ông kia cứ im lặng làm việc trong sự đều đặn hung bạo. Rồi Brown cầm xẻng lại. Trong một thời gian hắn làm việc cũng nhanh nhẹn như Christmas nhưng hắn xúc càng lúc càng ít hơn cho đến khi cái xẻng thậm chí không còn đụng đến mùn cưa nữa trong cái vung tay hình vòng cung uể oải. Rồi hắn lại tựa người vào xẻng và hình như kết thúc điều gì đó mà hắn đã bắt đầu kể cho Christmas, huyên thuyên kể cho một người chẳng tỏ ra muốn nghe cái quái gì cả, kể cả giọng nói của hắn. Như thể người kia đang ở cách đây cả dặm, hay nói một thứ tiếng khác với thứ tiếng hắn biết, Byron nghĩ. Và đôi khi người ta thấy cả hai tên cùng đi với nhau ở trung tâm thành phố, vào tối thứ bảy: Christmas thì mặc bộ đồ bằng vải "xéc" sạch sẽ, đơn giản và nhã nhặn và đội chiếc mũ rơm, còn Brown thì mặc một bộ đồ lớn mới (màu nâu nhạt với những ô vuông đỏ), áo sơ-mi màu và đội cái mũ giống như Christmas nhưng với dải băng màu. Brown cười nói với Christmas, giọng hắn nghe rõ, xuyên qua quảng trường rồi tiếng vang của nó dội lại, hơi giống như cái âm thanh vô nghĩa trong một giáo đường dường như đến từ mọi phía cùng lúc. Như thể hắn muốn mọi người thấy rõ hắn và Christmas là bạn bè chí cốt, Byron nghĩ. Rồi Christmas quay người lại và với bộ mặt bao giờ cũng điềm tĩnh và ủ rũ, rời khỏi nhóm người, đôi khi rất nhỏ, mà Brown đã lôi kéo đến do những lời kề cà vô nghĩa phát ra từ miệng hắn. Và Brown đi theo y, vẫn cười, vẫn nói. Và mỗi lần như vậy, những người thợ lại nói: "Vậy là nó sẽ không đi làm sáng thứ hai rồi." Nhưng mỗi sáng thứ hai hắn lại dẫn xác đến. Rồi chính Christmas bỏ đi đầu tiên.
Y bỏ đi vào một tối thứ bảy, không kèn không trống, sau gần ba năm làm việc. Chính Brown loan báo cho mọi người biết Christmas đã bỏ đi. Trong đám thợ thì gồm những người đã có vợ con và những người độc thân, họ thuộc đủ mọi lứa tuổi và đều có nhiều lối sống khác nhau; tuy vậy, vào sáng thứ hai đó, tất cả bọn họ đến làm việc với bộ mặt nặng nề, gần như nghiêm trang. Vài người trong bọn họ thì trẻ, đã nhậu rượu và đánh bạc tối thứ bảy, và thậm chí đi chơi bời ở tận Memphis[19], lúc này lúc nọ. Vậy mà sáng thứ hai, mọi người đều đến làm việc một cách lặng lẽ, tỉnh táo trong bộ quần yếm và áo sơ-mi sạch sẽ, và bình thản chờ đợi cho đến khi còi hụ rồi bình thản bắt tay vào việc, như thể còn cái gì đó của ngày "xa-ba"[20] vẫn la đà trong không khí, để xác lập nguyên tắc này: dù bất cứ chuyện gì mà người ta làm trong ngày chủ nhật, việc đúng đắn duy nhất, vào sáng thứ hai, là đi làm, lặng lẽ và sạch sẽ.
Đó là điều mà họ luôn luôn nhận thấy nơi Brown. Vào sáng thứ hai, rất có thể là hắn xuất hiện trong cùng bộ quần áo dơ bẩn của tuần trước và bộ râu đen chưa hề biết đến dao cạo. Và hắn làm ồn hơn bao giờ hết, với những tiếng la hét và các trò đùa tinh nghịch của một đứa bé lên mười. Đối với những người khác thích yên tĩnh thì điều đó trông không đứng đắn chút nào. Dưới mắt họ thì như thể hắn đến làm việc mà người cứ ở truồng hay say rượu. Vậy mà chính Brown, vào sáng thứ hai đó, báo cho họ biết là Christmas đã bỏ đi. Hắn đến trễ, nhưng không phải vì vậy. Hắn cũng không cạo râu, nhưng không phải vì vậy. Mà vì hắn yên lặng. Trong một lúc họ chẳng nhận ra là hắn cũng hiện diện ở đó và hẳn là đã có một nửa đám đàn ông trong xưởng nguyền rủa hắn lúc đó, và dĩ nhiên, vài người trong bọn họ nguyền rủa một cách thực lòng. Hắn xuất hiện đúng lúc còi hụ và đi thẳng tới đống mùn cưa và bắt tay làm việc không nói một lời với ai, ngay cả khi có người lên tiếng với hắn. Rồi họ thấy ra là hắn chỉ có một mình dưới đó, và Christmas, kẻ làm chung với hắn, thì không có đó. Khi tên cai đến, có ai đó nói: "Thôi rồi, tui thấy ông đã mất một trong những thằng học việc đốt lò của ông rồi."
Mooney nhìn xuống cái chỗ mà Brown ấn cái xẻng vào đống mùn cưa như thể đó là trứng gà. Tên cai nhổ nhẹ nước miếng xuống đất.
"Phải rồi. Y làm giàu nhanh quá. Cái việc lặt vặt cũ rích ở đây không thể giữ y lại được."
"Làm giàu sao?" một người nói.
"Nếu không phải thằng này đây thì phải là thằng kia," Mooney nói, mắt vẫn không rời Brown. "Tao thấy hai đứa nó hôm qua đi một chiếc xe hơi mới toanh. Thằng này" - Mooney hất cằm về phía Brown - "cầm lái đó. Tao đâu ngạc nhiên khi thấy vậy. Tao chỉ ngạc nhiên là một trong hai đứa nó lại chịu khó vác xác đi cày ngày hôm nay."
"Được rồi. Tui nghĩ là ông giám thị Simms tìm người thay thế y đâu có khó gì ở thời buổi này," người kia nói.
"Ổng tìm được mà, dễ thôi, bất cứ lúc nào," Mooney nói.
"Theo tui thì y làm việc có vẻ khá tốt đó."
"Vậy à?" Mooney nói. "Nhưng mày nói đến thằng Christmas đó sao?"
"Vậy chớ ông đang nói đến ai đây? Bộ thằng Brown có nói là nó cũng bỏ đi à?"
"Mày tưởng nó cứ nai lưng ra làm việc ở đây trong khi thằng kia lái chiếc xe láng cón đi diễu cả ngày trong phố sao?"
"Ồ" Người kia cũng đưa mắt nhìn Brown. "Tui tự hỏi hai đứa nó lấy chiếc xe đó ở đâu ra?"
"Tao thì không hỏi vậy," Mooney nói. "Tao chỉ muốn biết Brown sẽ bỏ đi vào buổi trưa nay hay làm việc đến sáu giờ chiều."
"À này," Byron nói, "nếu ở đây mà tôi làm ra tiền, đủ giàu để mua xe hơi, thì tôi cũng bỏ đi thôi."
Một hay hai người thợ ngước mắt nhìn Byron. Họ mỉm cười đôi chút. "Đâu phải ở đây mà tụi nó trở nên giàu có," một người nói.
Byron nhìn anh ta. "Tao cho là Byron còn quá ngây thơ để mà thấy ra những trò khỉ của thiên hạ," người kia nói.
Họ nhìn Byron. "Brown là đứa mà người ta có thể gọi là một tên phục vụ công chúng tận tụy. Trước kia Christmas vẫn thường bắt họ đến ban đêm tuốt dưới đó, ở trong khu rừng cây nằm sau nhà cô Burden. Bây giờ thì Brown mang vào ngay trong phố cho họ. Tao nghe nói, nếu người ta biết mật khẩu thì có thể mua ở bất cứ con hẻm nào, vào tối thứ bảy, một panh[21] rượu uýt-ki lấy ra từ ngực áo sơ-mi hắn."
"Mật khẩu thế nào?" Người kia nói. "Bảy mươi lăm xen[22]."
Byron nhìn hết người này đến người kia. "Thiệt vậy sao? Tụi nó làm chuyện đó à?"
"Đúng là chuyện Brown làm đó. Còn Christmas thì tao không biết. Tao không dám chắc. Nhưng Brown thì có bao giờ ở xa Christmas đâu. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã mà, như ông bà nói."
"Đó là một việc có thật," người kia nói. "Christmas có nhúng tay vào hay không thì tụi mình làm sao biết được. Không lẽ y đi khơi khơi trước mặt bàn dân thiên hạ mà không đề phòng gì, như thằng Brown này sao?"
"Y không cần làm vậy đâu," Mooney vừa nói, vừa nhìn Brown.
Và Mooney nói đúng. Họ quan sát Brown suốt từ sáng cho đến trưa, một mình phía dưới đó, bên đống mùn cưa. Rồi còi hụ và họ lấy ra cà mèn đựng bữa ăn trưa rồi ngồi bệt ở căn nhà chứa máy bơm và bắt đầu ăn. Brown đi vào, dáng điệu ủ rũ, bộ mặt trông cau có và tổn thương cùng lúc, như một đứa con nít, và ngồi bệt xuống giữa họ, đôi bàn tay lúc lắc giữa hai đầu gối. Hôm nay, hắn không mang theo đồ ăn trưa.
"Mày không ăn miếng nào à?" một người nói.
"Ăn thứ đồ bẩn thỉu lạnh tanh trong cái cà mèn dính mỡ dơ dáy này sao?" Brown nói. "Bắt đầu làm từ sáng sớm, quần quật suốt cả ngày như một thằng mọi đen trời đánh thánh vật, chỉ được một giờ nghỉ trưa để nuốt mấy thứ bẩn thỉu lạnh tanh trong cái cà mèn thiếc."
"Này, có lẽ là có những thằng làm việc giống như tụi mọi đen làm ở xứ tụi nó," Mooney nói. "Nhưng một thằng mọi đen sẽ không trụ nổi đến khi còi hụ buổi trưa đâu, nếu nó làm việc ở đây theo kiểu mấy tên da trắng."
Nhưng Brown, ngồi bệt dưới đất, bộ mặt ủ rũ, hai bàn tay lúc lắc, không có vẻ nghe hay để tai lắng nghe. Như thể hắn không lắng nghe ai cả, trừ hắn ra, như thể hắn chỉ nghe hắn thôi: "Đồ ngu! Chỉ đồ ngu mới làm việc này!"
"Mày có bị cột vào cái xẻng đó đâu," Mooney nói.
"Tất nhiên là vậy rồi," Brown nói.
Rồi tiếng còi vang lên. Cả đám quay lại làm việc. Và họ cứ quan sát Brown phía dưới đó, bên đống mùn cưa. Hắn xúc một lúc rồi bắt đầu chậm tay lại, càng lúc càng chậm cho đến khi hắn nắm chặt cái xẻng như thể nó là cái roi ngựa không bằng, và họ có thể thấy là hắn tự nói với mình. "Bởi vì không có ai khác ở phía dưới đó để hắn nói chuyện", một người nói.
"Không phải vậy đâu," Mooney nói. "Vì nó chưa tự thuyết phục mình được. Nó không phấn khởi lắm đâu."
"Phấn khởi về chuyện gì?"
"Về chuyện là nó còn ngu hơn tao tưởng," Mooney nói.
Sáng hôm sau hắn không đến xưởng. "Từ rày về sau, địa chỉ nó là ở tiệm hớt tóc," người nào đó nói.
"Hay ở con hẻm ngay đằng sau tiệm đó," một người khác nói.
"Tao cho là tụi mình sẽ gặp nó lần nữa," Mooney nói. "Nó còn phải tới đây để lãnh lương làm ngày hôm qua chớ."
Đúng vậy. Hắn đến khoảng mười một giờ. Hắn mặc bộ đồ lớn mới toanh, đầu đội mũ rơm, và hắn dừng chân ở nhà xưởng, đứng yên đó, đưa mắt nhìn đám thợ làm việc, y hệt Christmas đã từng đứng nhìn một ngày nọ ba năm trước, như thể không hiểu làm sao mà chính những thái độ của ông thầy đã tỏ ra trong kiếp trước đã thúc đẩy, dù ông này cũng không biết, các cơ bắp dễ bảo của đứa học trò, nó đã học quá nhanh và quá tốt đi thôi. Nhưng, trong khi ông thầy mang bộ mặt rầu rĩ, điềm tĩnh và chết người như một con rắn thì Brown, về phần mình, lại bày đặt tỏ ra nhớn nhác và vênh váo một cách rỗng tuếch. "Ê, đồ con hoang, đồ nô lệ, làm nhanh lên coi!" Brown nói, với cái giọng ầm ĩ và vui vẻ, dù bị hàng răng trước chặn bớt trong miệng.
Mooney nhìn Brown. Và hàng răng của Brown không còn lộ ra nữa.
"Này, không lẽ mày gọi tao vậy sao?" Mooney nói.
Bộ mặt linh hoạt của Brown biến đổi tức khắc, nó mang một trong những cái biến đổi mà họ thấy quen quá rồi. Như thể nó không được định hình nhưng được tạo ra một cách mềm mại đến mức Brown có thể thay đổi nó mà không thấy lúng túng gì cả, Byron nghĩ. "Tui có nói chuyện với ông đâu," Brown đáp.
"À, vậy sao," Mooney nói với một giọng dễ chịu, gần như thân mật. "Vậy là mày gọi mấy đứa kia là đồ con hoang."
Ngay lập tức một người khác nói: "Có phải mày gọi tao như vậy phải không?"
"Tui chỉ nói với tui thôi mà," Brown nói.
"Thôi được, ít ra mày nói lên lời Chúa thành tín một lần trong đời mày," Mooney nói. "Tức là, mới có một nửa lời đó thôi! Mày có muốn tao lại gần và nói nhỏ bên tai mày cái nửa kia không?"
Và đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy hắn ở xưởng bào. Nhưng Byron biết, và bây giờ nhớ lại chiếc xe hơi mới toanh đó (mà một hay hai thanh chắn sốc thì đã bị bẹp dúm liền), nó cứ chạy loanh quanh trong phố, nhàn rỗi, không mục đích, với Brown ung dung ngồi sau tay lái, không biết làm sao đóng cho hay vai kẻ vô công rồi nghề, phóng đãng và làm người khác nhìn theo mà chảy nước miếng. Thỉnh thoảng Christmas đi với hắn, nhưng không thường lắm. Và bây giờ hai đứa nó làm gì thì chẳng còn bí ẩn nữa. Đám thanh niên, và ngay cả tụi con nít, đều biết là người ta có thể mua uýt-ki từ Brown bất cứ lúc nào; và thành phố hàng ngày chờ thấy hắn bị tóm, chờ xem hắn lấy ra chai uýt-ki từ bên trong áo mưa để trao cho một viên cảnh sát chìm nào đó. Người ta vẫn chưa chắc chắn là Christmas có thông đồng với hắn không mặc dù không ai tin rằng Brown một mình lại đủ khôn ngoan để có thể kiếm lời trong việc buôn rượu lậu[23]; và cũng có vài người biết là Christmas và Brown, cả hai đều ở trong một căn lều trong khuôn viên của cô Burden. Nhưng ngay cả những người này cũng không biết là cô Burden có biết điều đó hay không; vả lại, nếu họ biết thì họ cũng chẳng mở miệng nói với cô đâu. Cô đã vào tuổi trung niên và sống một mình trong ngôi nhà to tổ bố. Cô đã sống trong ngôi nhà đó từ khi ra đời, vậy mà người ta vẫn xem cô là một người xa lạ, một người nước ngoài mà cha mẹ từ miền Bắc đã xuống đây định cư trong Thời kỳ Tái thiết[24]. Một Yankee[25] chính hiệu, một người yêu thích dân da đen mà cả thành phố còn bàn tán xôn xao về những quan hệ lạ lùng với đám da đen sống trong thành phố hay nơi khác, mặc dù cách đây gần sáu mươi năm ông nội và anh của cô đã bị một tên trước đây là chủ nô lệ giết chết ở quảng trường vì cãi nhau về quyền bỏ phiếu của người da đen trong cuộc bầu cử tiểu bang. Nhưng vẫn có cái gì đó tối tăm, kỳ quặc và đáng lo ngại còn phảng phất xung quanh cô và ngôi nhà, dù cô chỉ là một người đàn bà và chỉ là con cháu của những người mà các tiền nhân của thành phố đã có lý do (hay nghĩ là có) để thù ghét hay lo sợ. Nhưng sự việc bày ra đó là: những hậu duệ của hai phe luôn phải đối mặt với những hồn ma của phía bên kia, và bao giờ cũng bị ngăn cách bởi cái bóng ma của cuộc đổ máu ngày trước, của sự ghê rợn, nỗi giận dữ và niềm sợ hãi khi xưa.
***
Nếu tình yêu đã từng hiện hữu, dù chỉ một lần, đàn ông và đàn bà hẳn sẽ nói rằng Byron Bunch đã quên nó. Hay là, có lẽ đúng hơn, tình yêu đã quên anh - người đàn ông nhỏ thó đã quá xa tuổi ba mươi, từ bảy năm nay cứ làm việc hết sáu ngày mỗi tuần ở xưởng bào, cặm cụi đút các tấm ván vào cỗ máy. Ngay cả chiều thứ bảy anh cũng có mặt ở đó, một mình, trong khi tất cả các người thợ khác đều lang thang dưới phố, diện bộ cánh ngày chủ nhật và đeo cà vạt ở cổ, trong sự nhàn rỗi khủng khiếp, bồn chồn và vô định thường thấy ở những người quen lao động.
Trong những chiều thứ bảy này, anh chất những tấm ván đã bào xong lên các toa hàng vì chỉ một mình anh thì không thể vận hành máy bào. Và anh canh giờ làm việc của mình cho tới đúng cái giây phút cuối cùng khi hồi còi tưởng tượng vang lên. Những người thợ khác, ngay cả thành phố, hay ít ra một phần của thành phố, mà còn nhớ hay nghĩ đến anh, đều tin rằng anh làm thế để lãnh thêm tiền ngoài giờ. Có lẽ đấy là lý do. Con người biết quá ít về đồng loại của mình! Dưới mắt chúng ta, đàn ông và đàn bà đều hành động dựa theo cùng những lý do thúc đẩy ngay chính chúng ta, nếu chúng ta điên khùng tới mức làm những gì mà họ đang làm. Thực ra, cả thành phố này chỉ có một người có thể nói về Bunch mà không sợ sai lầm, và thành phố thì không biết là Bunch và người này quen biết nhau, bởi vì họ chỉ gặp và nói chuyện với nhau vào ban đêm. Ông ta tên là Hightower. Hai mươi lăm năm trước, ông là mục sư ở một trong những nhà thờ quan trọng nhất, có lẽ là quan trọng nhất đó. Chỉ có ông mới biết được Bunch đi đâu vào mỗi tối thứ bảy khi tiếng còi tưởng tượng vang lên (hay khi cái đồng hồ to bằng bạc của Bunch nói với anh là còi đang hụ). Bà Beard, chủ nhà trọ của Bunch, chỉ biết mỗi thứ bảy, sau sáu giờ chiều một chút, là Bunch về nhà, tắm rửa và thay áo quần, mặc bộ đồ lớn bằng vải "xéc" rẻ tiền không còn mới, ăn bữa tối rồi thắng yên con la mà anh giữ trong cái chuồng ở sau nhà do chính anh sửa chữa và lợp mái, và ra đi trên lưng con la. Bà ta không biết anh đi đâu. Chỉ có một mình mục sư Hightower biết là Bunch cưỡi la đi ba mươi dặm về nông thôn, rồi trải qua ngày chủ nhật điều khiển đội hát thánh ca của một nhà thờ đồng quê - buổi lễ này kéo dài suốt cả ngày. Rồi vào khoảng nửa đêm, anh lại thắng cương con la, cưỡi nó quay về Jefferson, la đi nước kiệu chậm, suốt đêm không ngừng. Và vào sáng thứ hai, anh đã có mặt ở xưởng bào khi còi hụ vào làm, trong bộ quần yếm và áo sơ-mi sạch sẽ. Bà Beard chỉ biết là mỗi tuần, từ bữa ăn tối thứ bảy cho đến bữa ăn sáng thứ hai, căn phòng của anh cũng như cái chuồng la tạm bợ, thì trống vắng. Chỉ một mình Hightower biết anh đi đâu và anh làm gì ở đó, bởi vì hai hay ba đêm mỗi tuần Bunch đến thăm Hightower trong ngôi nhà nhỏ, nơi ông cựu mục sư này sống một mình, nơi mà dân trong thành phố gọi là nỗi ô nhục - một căn nhà nhỏ bé, tối tăm, không sơn phết, ít đèn đuốc, chứa mùi người và mùi ẩm mốc. Tại đây, trong căn phòng làm việc của ông mục sư, hai người nói chuyện một cách kín đáo: một người nhỏ con, hình dạng quá ư bình thường nên khó tả, và không hề ý thức là mình bị những bạn cùng làm ở xưởng bào cho là bí hiểm; và một người năm chục tuổi bị giáo hội của mình ruồng bỏ, khước từ.
Rồi Byron thấy trái tim mình đột ngột rung động vì ai. Anh phải lòng, ngược lại tất cả những truyền thống của nền giáo dục tỉnh lẻ mà anh thụ hưởng, vừa khắc khổ vừa đòi hỏi tới mức ghen tuông là người được yêu phải còn trinh bạch. Chuyện xảy ra vào một buổi chiều thứ bảy khi anh chỉ có một mình ở xưởng. Cách đấy hai dặm ngôi nhà vẫn đang cháy, khói vàng bốc lên ở chân trời, thẳng đứng như một cột tháp. Người ta đã thấy đám cháy trước buổi trưa khi khói bắt đầu bay lên cao hơn đầu các ngọn cây, trước khi còi hụ và các người thợ khác rời xưởng.
"Chắc hôm nay Byron cũng bỏ làm buổi chiều," đám thợ nói với nhau. "Có đám cháy để xem miễn phí mà."
"Đám cháy này lớn lắm," một người khác nói. "Nó ở đâu vậy ta? Dưới miệt đó, tao không biết có cái gì đủ lớn để mà cháy ra nhiều khói như vậy, trừ phi đó là nhà cô Burden."
"Có lẽ chính nó đó," một người khác nói. "Cha tao nói ổng nhớ là năm mươi năm trước đây, người ta bảo phải đốt cái nhà đó đi, chỉ cần một chút mỡ người để bén lửa thật nhanh lúc đầu."
"Có lẽ cha mày đã lẻn xuống dưới đó và châm lửa đốt nó," một người thứ ba nói. Cả bọn cười ồ. Rồi họ quay lại làm việc, chờ cho còi hụ, thỉnh thoảng ngừng tay liếc nhìn cột khói. Một đỗi sau có chiếc xe tải chở các thân cây đến. Họ hỏi tên tài xế vì hắn đã đi xuyên thành phố để đến đây.
"Burden," tên tài xế nói. "Đúng đó, chính là cái tên này. Có người dưới phố nói là ông cò[26] đã xuống đó xem rồi."
"Chắc rồi, tao cho là lão Watt Kennedy thích ngắm nhìn hỏa hoạn, dù lão phải đi đến đó vì phận sự," một người nào đó lên tiếng.
"Chỉ cần nhìn bãi đất thôi," tên tài xế nói, "thì ông cò đâu có khó gì tìm ra một thằng nào ở dưới miệt đó mà ổng muốn tống vô tù."
Còi trưa hụ vang. Mọi người ra về, trừ Byron. Anh bắt đầu ăn trưa, cái đồng hồ bằng bạc mở ra đặt sẵn bên cạnh. Khi nó chỉ một giờ đúng, anh quay lại công việc. Anh làm một mình ở kho bốc hàng, đi lại đều đặn, không ngừng, như con thoi giữa chiếc xe tải và nhà kho đó, với miếng vải bố gấp lại đặt lên vai như tấm đệm và vác những chồng gỗ ván thùng nặng trên vai mà thoạt nhìn người ta tưởng là anh không thể nhấc lên và vác đi. Chính lúc đó thì Lena Grove hiện ra ở cánh cửa ra vào, sau lưng anh, khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười bình tâm sắp sửa toát ra, đôi môi sắp sửa lên tiếng. Anh nghe nàng, quay người lại và thấy vẻ mặt nàng tối lại như những vòng tròn chết dần trên mặt nước sau khi viên sỏi rơi xuống.
"Anh không phải ảnh," nàng nói, đằng sau nụ cười héo dần, mang theo sự ngạc nhiên trầm trọng của một đứa bé.
"Thưa bà, không phải đâu," Byron nói. Anh ngừng bước, quay nửa người lại, chồng gỗ ván được giữ thăng bằng trên vai. "Tôi nghĩ là không. Nhưng ảnh là ai mà tôi không phải ảnh chớ?"
"Lucas Burch. Người ta biểu tôi..."
"Lucas Burch à?"
"Người ta biểu là tôi có thể tìm ra ảnh ở đây mà." Nàng nói với một thứ gì như sự bình thản chứa chút ngờ vực, chằm chằm nhìn anh không nháy mắt, như thể nàng nghĩ là anh đang tìm cách gạt nàng.
"Khi tôi đi đến gần thành phố, họ cứ gọi họ ảnh là Bunch thay vì Burch. Nhưng tôi chỉ nghĩ là họ gọi sai thôi. Hay có lẽ tôi nghe sai."
"Thưa bà, phải đó," anh nói. "Đúng như vầy nè: Bunch. Byron Bunch." Anh nhìn nàng, chồng ván gỗ vẫn thăng bằng trên vai, nhìn thân hình căng ra của nàng, cái bụng nặng nề, nhìn đôi giày đàn ông nặng trịch lấm bụi đỏ ở chân nàng. "Bà có phải là bà Burch không?"
Nàng không trả lời tức khắc. Nàng đứng đó, ở ngay ngưỡng cửa, nhìn anh chằm chằm nhưng không hốt hoảng, vẫn với ánh mắt thản nhiên, chỉ hơi lúng túng, hơi nghi ngại. Đôi mắt nàng thì rất xanh màu biển. Nhưng chứa đựng một cảm giác mơ hồ là anh đang tìm cách gạt nàng. "Ở miệt dưới đó, trên đường tới đây, người ta biểu tôi là Lucas làm việc trong xưởng bào ở Jefferson. Rất nhiều người biểu tôi như vậy. Rồi tôi đến được Jefferson và người ta chỉ tôi đường đến xưởng bào, tôi hỏi quanh ở trong phố về Lucas Burch và người ta nói: 'Có lẽ cô muốn hỏi tên Bunch chớ gì?' rồi như vậy tôi cho là người ta biết sai họ ảnh, nhưng có vậy thì cũng không quan trọng gì. Ngay cả khi người ta biểu tôi rằng người mà họ muốn chỉ thì không phải da nâu. Không lẽ anh cũng nói anh không biết Lucas Burch ngoài này sao?"
Byron đặt gánh nặng trên vai xuống đất, sắp lại thành chồng ngay ngắn để sẵn sàng vác lại.
"Thưa bà, tôi không biết. Không phải ngoài này. Không có ai là Lucas Burch ở ngoài này. Tôi biết tất cả mọi người làm việc ở đây mà. Có thể ảnh làm đâu đó trong phố. Hay là ở một xưởng khác."
"Bộ có một xưởng bào khác nữa sao?"
"Thưa bà, không có đâu. Nhưng lại có vài xưởng cưa, nhiều xưởng cưa là đằng khác."
Nàng nhìn anh dò xét. "Ở miệt dưới đó, trên đường tới đây, người ta biểu tôi là ảnh làm việc ở xưởng bào mà."
"Tôi không biết ai có họ đó ở đây," Byron nói. "Tôi không nhớ ai có họ Burch, trừ tôi ra, và họ tôi lại là Bunch mà."
Nàng cứ tiếp tục xem xét anh, vẻ mặt lộ ra không phải nỗi lo lắng cho tương lai mà đúng hơn là sự ngờ vực đối với hiện tại. Rồi nàng buông ra một tiếng thở. Đó không phải là tiếng thở dài: nàng đơn giản chỉ thở thật sâu và thật êm, một lần rồi thôi. "Được rồi," nàng nói. Nàng quay nửa người, liếc nhìn xung quanh, nhìn những tấm gỗ đã cưa sẵn, những tấm ván thùng chồng lên nhau. "Chắc tôi phải ngồi xuống nghỉ một lát. Thiệt là mệt hết sức đi bộ trên mấy con đường thành thị này, cứng quá trời. Có vẻ như đi bộ trong phố xá làm tôi mệt hơn là cả quãng đường dài từ Alabama đến tận đây." Nàng bước đến bên cạnh một chồng ván thấp.
"Chờ chút," Byron nói. Anh vừa nhảy vọt tới, gần như thế, vừa bỏ miếng vải bố từ trên vai xuống. Người đàn bà chưa kịp ngồi thì anh vội vàng trải nó lên trên chồng ván đó. "Bà ngồi vậy êm hơn."
"Ồ, anh thiệt tốt bụng." Nàng ngồi xuống.
"Chắc là êm hơn chút đó chớ," Byron nói. Anh móc túi lấy cái đồng hồ bằng bạc ra xem giờ; rồi anh cũng ngồi xuống, ở đầu bên kia chồng ván. "Tôi nghĩ rằng năm phút thì gần đúng đó."
"Năm phút để nghỉ tay à?" nàng nói.
"Năm phút là từ khi bà vào đây. Có vẻ như tôi đã bắt đầu nghỉ tay rồi đó. Tối thứ bảy thì tôi tự chấm công lấy," anh nói.
"Và mỗi lần anh ngưng làm một phút thì anh cũng tính à? Làm sao mà họ biết là anh ngừng chớ? Một vài phút, bộ cũng thành chuyện hay sao?"
"Tôi cho là người ta trả lương cho tôi đâu phải để ngồi không," anh nói. "Vậy là bà đến từ Alabama?"
Bây giờ thì đến lượt nàng nói, ngồi tạm trên tấm đệm bằng vải bố, thân hình nặng nhọc, vẻ mặt bình thản và yên ả, và anh vừa nghe vừa nhìn nàng, cũng tỏ ra bình thản không kém. Nàng nói với anh nhiều hơn những gì nàng định bụng nói ra, giống như nàng đã làm với những khuôn mặt xa lạ mà nàng đã đi xa cùng họ suốt bốn tuần lễ với sự chậm rãi điềm nhiên của trời đất khi đổi mùa. Rồi Byron, đến phiên mình, từ từ thấy hiện ra hình ảnh của một cô gái trẻ bị phản bội và bỏ rơi thậm chí cũng không biết là mình đã bị bỏ rơi, và họ của nàng chưa phải là Burch.
"Không đâu, tôi không nghĩ là tôi biết anh ta," cuối cùng anh nói. "Dù sao đi nữa, chỉ có mình tôi ở đây tối nay. Mọi người khác thì chắc đi xuống dưới kia xem đám cháy." Anh chỉ cho nàng thấy cột khói vàng dựng thẳng trong bầu không khí đứng gió, phía trên những ngọn cây.
"Tụi tôi đã thấy nó khi ngồi trên xe la trước khi vào thành phố," nàng nói. "Đám cháy chắc là to lắm."
"Đó là một ngôi nhà xưa, nó bự lắm. Nó có đó từ lâu rồi. Không ai ở đó cả, trừ một người đàn bà, sống một mình. Tôi nghĩ, ngay đến tận bây giờ vẫn có nhiều người trong thành phố này gọi đó là trời hành, trời phạt. Cổ là người Yankee đó. Gia đình cổ đến định cư ở đây vào Thời kỳ Tái thiết, để khích động dân da đen. Hai người trong gia đình cổ bị giết khi làm chuyện đó. Người ta nói cổ vẫn còn giao du với tụi đen. Thăm viếng khi tụi nó đau ốm, như thể tụi nó là dân da trắng không bằng. Cổ không muốn thuê người nấu bếp bởi vì nếu vậy thì phải thuê một mụ da đen. Người ta nói cổ quả quyết là da đen hay da trắng đều cũng giống nhau thôi, đều cũng là con người cả. Chính vì lý do này mà người ta không bao giờ đặt chân đến nhà cổ. Trừ một..." Nàng vừa lắng tai nghe, vừa nhìn anh không rời mắt. Anh bây giờ không nhìn nàng, anh nhìn nghiêng chút xíu sang một bên. "Hay có lẽ hai đứa, theo những gì tôi nghe được. Tôi hy vọng tụi nó sẽ đến kịp để giúp cổ khiêng đồ đạc ra ngoài. Có lẽ tụi nó đã có mặt dưới đó rồi."
"Tụi nó là ai mà có lẽ đã có mặt dưới đó rồi vậy?"
"Hai đứa cùng tên Joe ở đâu đó gần nhà cổ. Joe Christmas và Joe Brown."
"Joe Christmas? Cái họ gì mà nghe mắc cười quá!"
"Thằng cha đó buồn cười lắm." Anh lại nhìn nghiêng chút xíu sang một bên để tránh vẻ mặt chăm chú của nàng. "Tên làm chung với nó trông cũng lố bịch không thua gì. Brown. Nó cũng đã từng làm ở đây. Nhưng giờ thì đã bỏ đi, cả hai đứa nó. Và tôi cho là không ai thiệt mất cái lông chân vì vậy cả."
Người đàn bà vẫn ngồi trên tấm đệm bằng vải bố, yên lặng và chăm chú. Tưởng chừng như cả hai người đang ngồi, vào một buổi chiều chủ nhật với bộ cánh đẹp nhất của mình, trong chiếc ghế bành bằng mây đặt trên mặt đất bằng phẳng có màu gỉ đồng, ngay đằng trước căn lều ở nông thôn. "Người bạn của anh ta cũng tên Joe phải không?"
"Thưa bà, đúng đó. Joe Brown. Tên họ thật của nó đó, có thể lắm chớ. Bởi vì, khi nghĩ đến ai đó có cái tên Joe Brown người ta liền hình dung ra một tên lẻo miệng lúc nào cũng cười nói oang oang. Vì vậy mà tôi tin đó là tên thật của nó, mặc dù Joe Brown thì không hiểu sao nghe có vẻ quá nhanh, quá dễ đối với một cái tên tự nhiên. Nhưng tôi nghĩ đúng là tên của nó. Bởi vì nếu chỉ làm bằng miệng không thôi thì bây giờ nó đã thành chủ nhân ông của cái xưởng này rồi. Vậy mà người ta có vẻ thích nó. Dù sao đi nữa, nó với thằng Christmas ăn ý với nhau lắm."
Nàng nhìn anh chăm chăm. Khuôn mặt nàng vẫn bình thản nhưng bây giờ lại nghiêm trang, đôi mắt cũng nghiêm trang và chăm chú. "Anh ta và người kia làm gì?"
"Tôi cho rằng không có gì xấu cả. Ít ra thì tụi nó chưa bị tóm. Brown đã từng làm việc ít nhiều ở đây, mỗi khi nó không bận rộn cười giỡn và chọc phá người khác. Nhưng Christmas thì nghỉ việc. Hai đứa nó ở chung với nhau dưới kia, đâu đó dưới kia, gần cái nhà đang cháy đó. Và tôi cũng nghe chuyện tụi nó làm gì để kiếm sống. Nhưng đầu tiên, đó không phải là chuyện của tôi, và thứ hai là phần lớn chuyện người ta kể về người khác thường thì không đúng chút nào. Như vậy tôi nghĩ mình cũng không tốt hơn người khác đâu."
Nàng nhìn anh chăm chăm. Thậm chí không chớp mắt. "Và một trong hai người đó nói họ của mình là Brown" Lẽ ra đây là một câu hỏi nhưng nàng không chờ đợi câu trả lời. "Anh còn nghe những chuyện đồn đại gì nữa mà người ta kể về những gì họ làm không?"
"Tôi không muốn làm hại ai cả," Byron nói. "Tôi không nên nói nhiều như vậy. Sự thật là ai mà ngừng làm việc thì sớm rơi vào cảnh 'nhàn cư vi bất thiện' đó."
"Người ta đồn đại chuyện gì?" nàng nói. Nàng vẫn ngồi yên. Giọng nàng thì điềm nhiên, nhưng Byron đã yêu nàng dù anh chưa biết chuyện này. Anh không nhìn nàng. Anh cảm thấy đôi mắt nghiêm trang, chăm chú của nàng đăm đăm nhìn khuôn mặt anh, nhìn miệng anh.
"Vài người quả quyết là hai đứa nó bán uýt-ki. Cất giấu rượu lậu ở chỗ cái nhà đang cháy đó. Rồi người ta cũng kể là Brown, vào một đêm thứ bảy say xỉn dưới phố, gần như nói ra oang oang chuyện gì đó mà đáng lẽ nó không nên nói ra: chuyện về nó và tên Christmas một đêm nọ ở Memphis, hay ở một con lộ tối tăm gần Memphis. Có dính dáng đến một khẩu súng lục trong việc này. Hay có lẽ hai khẩu. Song Christmas đã nhanh chóng bước đến, chặn họng Brown lại và kéo cổ nó đi. Dù sao đi nữa, có chuyện gì đó mà Christmas không muốn người khác biết, và ngay cả Brown, giá như không say thì đã tỉnh táo hơn để không kể ra. Đó là những gì tôi nghe được. Tôi đâu có mặt ở đó."
Khi ngẩng đầu lên, anh nhận ra là mình đã nhìn xuống lần nữa ngay cả trước khi anh bắt gặp ánh mắt nàng. Anh dường như có linh cảm về cái gì đó giờ đây không thể vãn hồi được, cái gì đó không nên nhớ lại, anh đã tin trước đó là tại đây, một mình trong xưởng bào vào một buổi chiều thứ bảy, chắc anh đã không thể có cơ hội làm thương tổn hay gây hại cho bất cứ ai .
"Anh ta trông ra sao?" nàng nói.
"Christmas à? Tại sao -"
"Tôi có nói đến Christmas đâu."
"Ồ, Brown. Được rồi. Cao to, trẻ tuổi. Ngăm ngăm đen; đàn bà thấy nó đẹp trai, nhiều bà thấy như vậy lắm, tôi nghe nói vậy. Một tên lúc nào cũng thích cười, thích đùa nghịch và ưa chọc ghẹo người khác. Nhưng tôi..." Giọng anh bỗng ngưng bặt. Anh không thể nhìn nàng, vì anh cảm thấy ánh nhìn chín chắn và vững vàng của nàng dán chặt vào khuôn mặt anh.
"Joe Brown," nàng nói. "Có phải anh ta có một cái sẹo trắng nhỏ, ngay đây này, gần cái miệng không?"
Và anh không thể nhìn nàng, anh cứ ngồi đó, trên chồng ván, và bây giờ thì đã quá trễ, và bây giờ giá như anh cắn đứt cha cái lưỡi lẻo mép của mình cho rồi.
3
Từ cửa sổ phòng làm việc ông có thể nhìn ra đường. Con đường nằm không xa lắm, vì sân cỏ trước nhà không rộng. Cái sân cỏ đó thì nhỏ, trồng độ nửa tá cây phong lùn. Ngôi nhà, một cái "bơn-ghơ-lô"[27] khiêm tốn bằng gỗ nâu không sơn phết, thì cũng nhỏ. Những khóm cây hải đào, tử đinh hương và thục quỳ gần như che kín nó, chỉ để lại một khoảng trống nhờ qua đó ông quan sát con đường từ cửa sổ phòng làm việc. Ngôi nhà bị che kín đến nỗi ngọn đèn ở góc đường chỉ soi được nó lờ mờ.
Từ cửa sổ ông cũng có thể thấy cái tấm biển mà ông gọi là đài kỷ niệm của mình. Nó được cắm ở một góc sân, khá thấp, quay mặt ra ngoài đường. Dài chín tấc, cao bốn tấc rưỡi[28] - một hình chữ nhật gọn gàng, người đi ngoài đường thấy mặt phải, còn ông thì chỉ thấy mặt trái của nó. Nhưng ông không cần đọc nó, bởi vì một khi hiểu ra là ông phải bắt đầu kiếm tiền để ăn, mặc, sưởi ấm, ông đã chịu khó tự mình làm ra cái biển hiệu này với búa và cưa một cách kỹ lưỡng và ông đã sơn phết những chữ trên đó cũng kỹ lưỡng không kém, tuy thấy chán ngắt. Khi rời khỏi chủng viện, ông có một ít thu nhập được thừa kế từ người cha. Và ngay từ khi nhận được ngôi nhà thờ dành cho mình, ông bắt đầu gửi tặng toàn bộ số tiền mình nhận được mỗi ba tháng đó đến một cơ sở từ thiện chuyên chăm lo những cô gái trẻ phạm pháp ở Memphis. Rồi ông bị đuổi ra khỏi ngôi nhà thờ của mình, bị đuổi ra khỏi giáo hội, và điều cay đắng nhất mà ông chưa hề chịu đựng trước đó, theo ý ông, - thậm chí cay đắng hơn sự cách chức và nỗi ô nhục - là lá thư mà ông viết để báo tin là từ nay về sau ông chỉ có thể gửi cho họ một nửa số tiền mà ông từng gửi trước đây.
Vậy là ông tiếp tục chia sẻ với họ số lợi tức mà nếu không gởi thì nó cũng chỉ vừa đủ cho ông sống. "May sao là còn có những việc mà mình có thể làm được," ông nói vào lúc đó. Vì vậy mà có cái tấm biển gỗ này do ông tự tay đóng cẩn thận và tự tay ông tạo chữ bằng những mảnh thủy tinh vỡ vụn khéo léo trộn với nước sơn để mà vào ban đêm, khi ngọn đèn ở góc đường chiếu lên tấm biển thì các hàng chữ lấp lánh sáng gợi lên hình ảnh lễ Giáng sinh:
Rev.[29] Gail Hightower, D.D.[30]
Nhận dạy vẽ, nhạc
Làm thiệp Giáng sinh & Sinh nhật vẽ bằng tay
Tráng, in ảnh
***
Nhưng thời đó đã lâu lắm rồi, ông chẳng bao giờ có được một học viên nghệ thuật nào và có rất ít thiệp Giáng sinh hay tấm kính ảnh; lớp sơn và vụn kính đã bị tróc khỏi những hàng chữ phai màu. Tuy nhiên người ta vẫn còn đọc được, nhưng cũng giống như chính Hightower, ít ai trong đám dân phố cần đọc nó làm gì nữa. Tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn có một mụ vú da đen với những đứa con nít da trắng của mụ dừng chân trước tấm biển và to tiếng đánh vần các từ, với vẻ ngu ngốc và trống rỗng của loại người rảnh rỗi và dốt nát như mụ. Đôi khi một người lạ mặt xuất hiện trên con đường yên tĩnh, xa xôi, không lát đá và ít người qua lại này, ngừng bước và đọc tấm biển rồi ngước mắt nhìn ngôi nhà nhỏ, màu nâu và gần như bị che kín rồi tiếp tục đi; và năm thì mười họa người lạ mặt đó nói đến tấm biển với vài người quen biết trong phố. "Đúng rồi đó," người bạn nói. "Hightower. Hắn sống một mình ở đó. Hắn đến sinh sống ở đây như là mục sư của giáo hội Trưởng lão[31] nhưng con vợ hắn đã chơi xỏ hắn một vố nặng. Nàng ta thỉnh thoảng lẻn đi Memphis để vui chơi thỏa thích. Nói vậy chứ cũng hai mươi lăm năm rồi đó, ngay sau khi hắn dọn đến đây. Vài người quả quyết rằng hắn biết chuyện chứ không đâu, rằng chính hắn không thể hay không muốn thỏa mãn con vợ, và rằng hắn biết chuyện nàng ta làm. Rồi vào một đêm thứ bảy nàng ta bị giết, trong một ngôi nhà hay đâu đó, ở Memphis. Báo chí đăng đầy chuyện này. Hắn bị buộc phải rời bỏ ngôi nhà thờ của mình, nhưng vì lý do nào đó, hắn không muốn đi khỏi Jefferson đây. Người ta đã thử ép hắn ra đi, vì lợi ích của riêng hắn cũng như của thành phố và giáo hội. Thật tình thì chẳng dễ chịu gì cho giáo hội đâu, bạn thấy đấy, khi có nhiều người ở xa đến đây và nghe ra chuyện này và chuyện hắn không chịu ra đi. Hắn muốn ở lại thành phố. Và từ đó đến nay hắn sống dưới đó, một thân một mình, tại cái nơi mà trước kia là con đường chính. Giờ thì nó không còn là đường chính nữa, vậy là được lắm rồi. Nhưng rồi thì hắn không còn làm phiền ai nữa, và tôi tin là người ta phần lớn đã quên hắn. Hắn tự làm việc nhà lấy. Tôi tin là chẳng có ma nào đặt chân vào trong nhà đó từ hai mươi lăm năm nay. Người ta không biết tại sao hắn cứ ở lì đó. Nhưng nếu bạn đi ngang đó, bất cứ ngày nào, vào lúc chạng vạng hay khi đêm xuống, bạn có thể thấy hắn ngồi bên cửa sổ. Chỉ ngồi đó thôi, tuyệt không làm gì khác. Phần thời gian còn lại, người ta hầu như không thấy hắn bao giờ, trừ đôi lần hắn làm việc trong vườn nhà."
* * *
[7] Một tiểu bang ở miền Nam nước Mỹ, thủ phủ là Montgomery - ND.
[8] Một tiểu bang ở miền Nam nước Mỹ, nằm bên bờ đông sông Mississippi, cận kề bang Alabama, thủ phủ là Jackson - ND.
[9] Banshee: nữ thần có tiếng khóc than đặc biệt, được người ta tin là báo trước cái chết trong một gia đình -ND.
[10] Casanova (1725-1798), người thành Venice (Ý), nổi tiếng giỏi chinh phục đàn bà con gái - ND.
[11] Một đô-la Mỹ có 100 xen (cent) - ND.
[12] Một tiểu bang ở miền Nam nước Mỹ, nằm ở phía Tây sông Mississippi. Bên kia sông là bang Mississippi - ND.
[13] Một tiểu bang lớn, nằm ở phía Nam bang Arkansas và cũng ở phía Tây sông Mississippi - ND.
[14] Ngày trước ở Mỹ, cô gái khi lấy chồng thường phải đổi họ riêng của mình sang họ của chồng -ND.
[15] Possum (còn viết là opossum), một động vật nhỏ hơi giống con chồn, ở Mỹ hay Úc, sống trên cây và mang con trong một cái túi - ND.
[16] Viết là "sardines" (cá mòi). Từ "sour" có nghĩa là chua - ND.
[17] Serge, một loại vải len chắc, dệt vân chéo, dùng để may quần áo - ND.
[18] Một cái họ khá hiếm, lại có nghĩa là lễ hay ngày Giáng sinh - ND.
[19] Một thành phố lớn (thuộc bang Tennessee) nằm sát biên giới phía Bắc của bang Mississippi - ND.
[20] Sabbath: ngày trong tuần dành cho nghỉ ngơi và thờ phụng Chúa. Đối với người theo đạo Cơ đốc thì đó là ngày chủ nhật - ND.
[21] Một đơn vị đo lường chất lỏng, bằng 0,473 lít (ở Mỹ) - ND.
[22] Nguyên văn: "Six bits". Ở Mỹ, một bit bằng 12,5 xen. 2 bits bằng 25 xen (tức là 1 quarter, ¼ đô-la) - ND.
[23] Ở Mỹ, từ năm 1920 đến 1933 có luật cấm nấu, chuyên chở và bán rượu, gọi là The Prohibition - ND.
[24] The Reconstruction: chỉ giai đoạn chiếm đóng và cải cách ở các bang miền Nam sau khi họ bị đánh bại bởi các bang miền Bắc trong cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865)- ND.
[25] Từ chỉ người dân của một bang miền Bắc nước Mỹ, nhất là ở vùng New England- ND.
[26] Sheriff: ở Mỹ, là người đứng đầu phụ trách việc thi hành luật pháp ở một quận, tức quận trưởng cảnh sát (hay cò quận), thường do dân chúng bầu ra; ở các khu vực thành thị thì sheriff là người chỉ huy các đơn vị cảnh sát, cũng do dân bầu - ND.
[27] Bungalow: ở Mỹ, chỉ nhà nhỏ một tầng, thường bằng gỗ, có chút bãi cỏ hay sân vườn phía trước và sau nhà, và thường nằm ở ngoại ô - ND.
[28] Nguyên văn: three feet long and eighteen inches high... - ND.
[29] Rev.: viết tắt từ tôn xưng The Reverend (ở đây là mục sư trong các giáo phái Tin lành) - ND.
[30] D.D.: viết tắt của Doctor of Divinity (Tiến sĩthần học)- ND.
[31] Presbyterian church: một giáo phái Tin lànhbắt nguồn từ Scotland, theo truyền thống thần học và hệ thống tổ chức của JeanCalvin (1509-1564) - ND.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top