CHƯƠNG 2 : CHUYẾN TÀU EM XA ANH
Bần thần bước trên con phố ngợp nắng vàng, Khuynh Diệp như người mộng du, cứ vô thức bước đi đến tận khi giật mình nhận ra mình đã về đến nhà.
Cô nhìn chiếc túi màu xanh lá trên tay như thể đấy là một vật vô cùng lạ lùng, mà cô chưa từng nhìn thấy trước đó bao giờ. Một lúc lâu sau, đặt chiếc túi xuống đầu giường, cô ngồi xuống bên cạnh. Mẹ cô có lẽ đã đi bán hàng rồi, nhìn xung quanh một lượt, nón vẫn xếp đầy phòng. Những chiếc nón này, mẹ con cô làm ra suốt bao ngày qua nhưng không bán được, tiền không có. Khuynh Diệp cúi đầu ngẫm nghĩ, nhưng tất cả trống rỗng, càng cố càng không thể nghĩ nổi điều gì.
Khuynh Diệp mệt mỏi nằm xuống giường, ngước mắt nhìn lên trần nhà. Phía trên ấy là khoảng tường bị ngấm nước mưa tạo thành khoảng ố rộng. Ban đầu, khoảng ố ấy như những đám mây xám, rồi nó biến thành bóng một bụi cây. Càng nhìn lại càng giống hình một người tóc dài, mặc áo choàng rất lớn. Tất cả nhòa đi, rồi dần hiện rõ. Khuynh Diệp không tin vào mắt mình. Hình ảnh đó chính là gương mặt của Phong Lâm. Cô không dám tin, nhưng cũng không muốn nhắm mắt; cố căng mắt thật to, Khuynh Diệp chăm chú nhìn hình ảnh biến đổi. Đôi mắt kia, bờ môi kia, sống mũi kia, đúng là anh ấy rồi.
Bất chợt, khuôn mặt anh tan biến, Khuynh Diệp hoảng hốt bật dậy, ngơ ngác nhìn khoảng không xám xịt, trống rỗng trước mặt. Những giọt nước mắt thi nhau lăn dài trên gò má. Bỗng một bàn tay ấm áp đặt lên vai cô. Ngỡ ngàng, Khuynh Diệp quay đầu nhìn lại. Là anh, anh đang đứng đó, ngay sát cạnh cô. Khuôn mặt ấy, ánh mắt chan chứa yêu thương, nụ cười ấm áp. Anh ngồi xuống cạnh bên, bàn tay ấm áp ôm lấy khuôn mặt nhỏ nhắn của cô. Anh mỉm cười hiền lành, ngón cái lau dòng nước mắt ướt nhoèn khuôn mặt của Khuynh Diệp.
Chẳng hiểu sao, thấy anh như thế, nước mắt Khuynh Diệp càng tuôn rơi, không cách nào kìm giữ được. Phong Lâm kéo cô về phía mình, để đầu cô tựa lên vai anh. Bờ vai rộng lớn, vững vàng. Với một mái đầu phụ nữ yếu mềm, bờ vai người đàn ông có lẽ là thứ quan trọng nhất. Những giây phút yếu lòng, người phụ nữ có thể tựa mái đầu nhỏ bé của mình vào đó, để nước mắt tuôn rơi, cuốn đi mọi đau buồn. Khuynh Diệp tham lam dựa vào vai anh, cảm nhận hơi ấm vòng tay anh. Phong Lâm, anh sẽ ôm em như thế này mãi chứ?
- Anh có yêu em không? - Khuynh Diệp hỏi điều mà chưa từng bao giờ cô nghĩ mình sẽ hỏi.
- Ngốc ạ! Sao em phải hỏi thế? - Phong Lâm kéo đầu Khuynh Diệp sát lại vào ngực mình. - Em không tin sanh sao?
- Em tin anh, nhưng mà...
Câu nói của cô bị chặn lại bởi cái siết chặt hơn từ vòng tay anh. Hơi thở nồng nàn và rất ấm phả thẳng vào tóc khiến cô thấy an toàn đến lạ. Ừ, không cần phải hỏi gì cả, chẳng cần phải nghi ngờ gì, cứ thế này - được ở trong vòng tay anh - đã là quá đủ rồi! Và Khuynh Diệp biết, mình có thể đánh đổi rất nhiều thứ cho giây phút này. Cô cố gắng ngước mặt lên nhìn anh. Cô muốn nhìn thấy ánh mắt luôn chất chứa yêu thương dành cho mình từ gương mặt quen thuộc của anh. Trên ấy, chỉ là một quầng sáng chói lóa. Dư ảnh anh mờ ảo rồi hốt nhiên tan dần...
Một tiếng loảng xoảng chát chúa vang lên. Khuynh Diệp choàng bật dậy. Cô ngơ ngác nhìn, không thấy Phong Lâm đâu. Cô cuống quýt chạy ra ngoài cửa, ngó xung quanh, vẫn chẳng thấy bóng dáng anh đâu. Quay trở vào, ngồi phịch xuống giường, lúc này ý thức mới trở về với cô. Vòng ôm vừa rồi, chỉ là mơ thôi sao? Hai mắt Khuynh Diệp nhoi nhói khó chịu. Cô liếc nhìn xuống gối, chiếc gối vẫn lưu lại vệt nước loang ướt đẫm. Có lẽ vừa rồi là nhà ai làm rơi nồi hay chậu, vì cô nghe loáng thoáng âm thanh như tiếng cọ rửa.
Giật mình nhớ ra, Khuynh Diệp cuống quýt nhìn lên phía đầu giường. Chiếc túi màu xanh vẫn nằm ngoan ngoãn ở chỗ cũ. Vừa rồi cô đã ngủ thiếp đi mà quên không đóng cửa. Trái tim run lên, những ngón tay cũng run lên, Khuynh Diệp mở chiếc túi ra.
Trong túi đầy ắp tiền mặt, những ngón tay Khuynh Diệp run lên bần bật, cô không đếm nổi xem trong đó có bao nhiêu tiền. Từ lúc sinh ra đến giờ, đây là lần đầu tiên Khuynh Diệp cầm trên tay nhiều tiền đến thế. Nhưng nỗi cay đắng cũng nhiều như thế, thậm chí nhiều hơn số tiền này. Cô đã đồng ý với mẹ Phong Lâm. Mối tình đầu của cô... Tạm biệt!
***
Những âm thanh ầm ào. Chuyến tàu kéo một hồi còi dài vang động, rồi chầm chậm những vòng lăn đầu tiên cho việc khởi hành. Đây có thật là một sự bắt đầu mới cho cô và gia đình cô hay không? Mọi thứ rồi sẽ ổn chứ? Không! Làm sao ổn được khi thứ mà cô vừa vờ vĩnh mình là khởi đầu ấy thực chất là kết thúc cho một thứ tuyệt đẹp mà cô từng không dám tin mình có được trong đời - tình yêu của Phong Lâm. Trái tim trong lồng ngực rền rĩ những lời đau đớn át cả tiếng còi tàu... Cô đau thật sự!
Ngồi trên chiếc ghế cạnh cửa sổ, Khuynh Diệp dựa đầu vào cửa kính, nhìn ra phía ngoài. Bên cạnh cô, Thảo Anh ngồi chăm chú đọc sách, mặc kệ những cú rung liên tục. Phía đối diện Khuynh Diệp, mẹ cô và Tuấn đang ngồi. Tuấn mê mẩn xem tờ tạp chí các mẫu xe mới nhất. Còn mẹ lơ đãng nhìn cô, ánh mắt bà buồn rầu, chất chứa trăm ngàn điều không thể nói nên lời, vết chân chim hằn sâu nơi đuôi mắt. Thi thoảng, không kìm được, bà buông tiếng thở dài.
Thành phố, những căn nhà, siêu thị mini, con đường, hàng cây... tất cả xa dần phía sau lưng. Khuynh Diệp không dám ngoái nhìn, bởi cô biết, chỉ cần nhìn lại một lần thôi, cô sẽ không thể kìm được cảm xúc của mình nữa. Cô không biết quyết định này là đúng hay sai, liệu sau này cô có hối hận không; nhưng cô biết, chỉ cần nhìn lại dù chỉ một lần, ngay lập tức cô sẽ hối hận, sẽ bất chấp tất cả để quay về bên anh.
Bên đường, cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mươn mướt hiện ra. Hương sữa non dìu dịu phảng phất như xa như gần. Khuynh Diệp nhìn hút tầm mắt cánh đồng, phía xa xa, mấy con diều đang chao nghiêng, Khuynh Diệp như nghe thấy tiếng sáo diều tuổi thơ vọng về. Hồi ấy, cô còn bé, bố đã làm cho cô một con diều rất đẹp, sặc sỡ màu sắc; mỗi khi diều no gió vút cao, tiếng nhạc lại véo von cất lên, nâng cánh để tuổi thơ cô cũng bay cao mãi, thả mình trong mơ mộng mênh mông. Bố mất khi Tuấn mới lên năm, em không có nhiều kỷ niệm với bố, cũng chưa từng được bố làm cho con diều nào. Khuynh Diệp mong rằng, những ngày tháng sau này, Tuấn được sống đúng là một đứa trẻ, hồn nhiên và mơ mộng, để ánh mắt em không còn phải nhuốm âu lo, buồn bã vì cảnh nghèo. Cả Thảo Anh nữa, con nhà nghèo thường sớm lớn, sớm khôn. Thảo Anh luôn trầm lặng, chăm chỉ. Nhưng nhìn em gái như thế, Khuynh Diệp càng đau lòng, bởi cô biết, em đang cố gắng vì điều gì.
Sau hôm gặp mẹ Phong Lâm, Khuynh Diệp trở về, nói với mẹ rằng họ sẽ chuyển nhà, đến một thành phố khác. Mẹ cô ban đầu vô cùng kinh ngạc. Khuynh Diệp chỉ giải thích đơn giản cô có một món tiền, đủ để họ trang trải học phí cho hai em và sinh hoạt hằng ngày. Mẹ cô toan hỏi thêm, nhưng nhìn nét mặt, ánh mắt của con gái, linh cảm của một người mẹ khiến bà lờ mờ đoán ra mọi chuyện. Bà biết Phong Lâm, cũng biết gia đình Phong Lâm rất giàu có; bà cũng từng lo lắng chuyện tình cảm của con gái không biết rồi sẽ thế nào. Và khi biết tin đột ngột có một món tiền lớn, cộng thêm nét buồn rầu hiển hiện trên mặt Khuynh Diệp, bà thầm đoán được nguyên do.
Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, bà Hạnh - mẹ Khuynh Diệp - quyết định làm thủ tục xin chuyển trường cho Thảo Anh và Minh Tuấn. Khuôn mặt bà sau một đêm thức trắng càng hằn sâu nét mệt mỏi, âu lo.
Mỗi nếp nhăn ấy như một nhát dao cứa vào lòng Khuynh Diệp. Từ ngày bố bệnh, mẹ đã phải thức trắng nhiều đêm chăm sóc ông, chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay mượn từng đồng. Có đêm, hai mẹ con ngồi ngoài hành lang bệnh viện trông bố. Khuynh Diệp ngồi dựa đầu vào tường ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đến khi cổ đau mỏi quá khiến cô tỉnh dậy, không thấy mẹ ngồi bên. Khuynh Diệp đi tìm, cô phát hiện bóng mẹ ở cuối hành lang. Bà đang đứng dựa vào tường, bé nhỏ, liêu xiêu. Bà đang lén lau những giọt nước mắt cay đắng âm thầm nín nhịn không dám tuôn rơi những khi ở bên chồng con. Giọt nước mắt của người phụ nữ phải gồng mình lo cho cả gia đình khiến đêm ấy Khuynh Diệp không ngủ nổi. Và nó theo cô suốt những năm tháng qua. Những nếp nhăn trên mặt mẹ, đó là dấu tích của tình yêu vô tận, là sự hy sinh không giới hạn.
Cô biết, mẹ đang lo cho con gái - nỗi lo lắng âm thầm không thể thổ lộ thành lời. Nhưng Khuynh Diệp cũng biết, lần đánh đổi này, không phải chỉ toàn nỗi đau. Hai em của cô sẽ được ăn học, sẽ có tương lai tươi sáng, sẽ thoát khỏi cuộc sống tối tăm, cùng quẫn này.
Mấy ngày qua, để chuẩn bị cho sự "biến mất" này, Khuynh Diệp đã nói với Phong Lâm rằng mình cần về quê ngoại dự đám tang của một người họ hàng, vì việc bất ngờ nên cô cũng không biết trước. Phong Lâm không mảy may nghi ngờ, chỉ chia buồn cùng cô, anh cũng rất hạn chế liên lạc vì sợ làm phiền Khuynh Diệp.
Mân mê chiếc điện thoại đã tắt nguồn trong tay, chẳng hiểu sao, Khuynh Diệp vẫn mong chờ một cuộc gọi, một tin nhắn từ anh; dẫu biết thật nực cười, vì cô đã thay sim, lại còn tắt nguồn điện thoại. Anh có cách nào liên hệ được với cô đây? Chiếc điện thoại này, thực ra chính là do Phong Lâm tặng cô. Có lần anh hỏi số điện thoại của cô để tiện liên lạc, Khuynh Diệp bối rối nói rằng cô không có điện thoại. Phong Lâm hơi nhíu mày, không nói gì. Hôm sau, anh tặng cô một hộp quà, cô từ chối nhưng anh nói rằng cô phải nhận, để mỗi tối nhắc anh đi ngủ đúng giờ. Chiếc điện thoại khá bình thường, không quá đắt tiền. Khuynh Diệp thầm cảm ơn sự tinh tế của anh, để khiến cô không cảm thấy quá khó xử khi nhận món quà này, để cô không phải bận lòng về giá trị vật chất của món quà anh tặng. Anh ấy là vậy, lúc nào cũng quan tâm theo cách rất tế nhị. Ngón tay cái xoa nhẹ lên màn hình điện thoại, cô lơ đãng nhìn cánh đồng, con mương, những hàng cây bên đường. Thành phố nơi có anh đang dần xa em, mãi mãi...
Dựa đầu vào cửa kính, những nhịp rung đều đặn khiến mí mắt Khuynh Diệp trĩu nặng. Mấy đêm nay cô không ngủ ngon giấc, chỉ chợp mắt được một chút rồi tỉnh; và sáng ra, ngày nào cũng vậy, chiếc gối cô nằm, một khoảng ướt đầm nước mắt. Khuynh Diệp đi vào giấc ngủ chập chờn, lay động.
*
Đó là một buổi trưa cuối thu, nắng hanh hao vàng khu phố, Khuynh Diệp đã gặp được anh - Phong Lâm.
Hôm ấy, buổi trưa, siêu thị mini nơi cô làm khá vắng. Cô đứng quầy thu ngân một mình. Còn hai nhân viên khác đang tụm lại một góc, rì rầm buôn chuyện cho qua cơn buồn ngủ. Lúc ấy, có một vị khách bước vào. Ban đầu Khuynh Diệp không quan tâm lắm, cho tới khi "ầm", một loạt hàng bày trên giá rơi xuống đất. Hai nhân viên kia vội vã chạy lại xếp đồ. Vị khách luống cuống trước đống đồ bị đổ, luống cuống trước hai nhân viên siêu thị đang đưa mắt nhìn nhau rồi cười khúc khích, hích vai nhau đầy ám chỉ. Vị khách cúi đầu, bước vội ra quầy thanh toán. Khuynh Diệp thanh toán cho anh ta; cô cố gắng thao tác thật nhanh, vì cô biết, anh ấy đang khó chịu với nụ cười của nhân viên. Vị khách với thân hình quá khổ, khuôn mặt đỏ gay, bối rối gõ gõ chân xuống sàn. Ngay khi thanh toán xong, anh ta xách mấy túi đồ bước nhanh ra khỏi siêu thị. Khuynh Diệp cúi đầu check số liệu trên máy.
Xong xuôi, cô nhìn theo bóng dáng vị khách đang chui vào trong xe ô tô kia, thầm nghĩ, có lẽ anh ta đang rất khó chịu. Đúng lúc ấy, đập vào mắt cô là chiếc ví da màu đen nơi ngưỡng cửa. Khuynh Diệp vội chạy ra, nhặt chiếc ví lên; có lẽ vị khách kia vì vội vã lại thêm mấy túi đồ lỉnh kỉnh cầm trên tay nên chẳng may làm rơi ví mà không biết. Cô vội chạy ra ngoài, đuổi theo để trả lại cho vị khách với thân hình quá khổ. Nhưng anh ta đã lái xe lao vút đi. Khuynh Diệp cầm chiếc ví, ngơ ngẩn đứng nhìn theo.
Rồi cô nhún vai, quay trở lại quầy. Có lẽ khi về nhà, kiểm tra thấy mất ví, anh ta sẽ quay lại đây tìm. Khuynh Diệp không bận tâm thêm nữa, cô đặt chiếc ví phía bên quầy, liếc nhìn hai đồng nghiệp vẫn đang rúc rích cười đùa sau những giá hàng, có lẽ chính họ cũng không biết rằng nụ cười vô tâm của mình vừa làm ảnh hưởng tới một người xa lạ.
Đến hết ca làm, khi chuẩn bị ra về, Khuynh Diệp mới nhớ ra chiếc ví kia, chủ nhân của nó vẫn chưa quay lại. Cô cầm chiếc ví lên, tần ngần suy nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng, Khuynh Diệp quyết định sẽ mở ví xem bên trong có thông tin gì của chủ nhân không, để có thể liên hệ trả lại anh ta. Nhưng thật lạ, trong ví chỉ toàn tiền mặt, ngoài ra không có một giấy tờ gì khác. Khuynh Diệp băn khoăn không biết nên làm gì tiếp theo. Cô đành quay qua dặn đồng nghiệp vừa tới nhận ca rằng nếu có người đàn ông nào đến tìm ví thì bảo sáng mai quay lại, cô cũng không quên nói người đàn ông ấy cao, da trắng và rất béo. Hồng - đồng nghiệp trực ca tiếp theo của cô vui vẻ gật đầu. Việc bị rơi đồ trong siêu thị rồi đến tìm lại cũng không phải chuyện hiếm gì.
Nhưng ngày hôm sau, hôm sau nữa, và nhiều ngày trôi qua, vẫn không thấy vị khách béo kia đến tìm ví, cũng chẳng đến mua đồ thêm lần nào nữa, thậm chí có lúc chính Khuynh Diệp cũng quên mất mình từng nhặt được một chiếc ví của vị khách béo.
Hôm ấy, sau giờ làm, Khuynh Diệp trở về nhà, cô nhìn thấy Tuấn đang đứng trong sân, hướng mắt nhìn tụi trẻ đang đi xe đạp ngoài phố. Cô chợt nhận ra, em trai mình chưa biết đi xe đạp, cô cũng chưa có tiền mua một chiếc xe cho em. Mỗi sáng, Thảo Anh và Minh Tuấn sẽ cùng đi bộ đến trường. Nhưng Khuynh Diệp cũng không biết phải làm thế nào, tiền kiếm được quá ít so với nhu cầu chi tiêu của gia đình cô. Tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, rồi tiền học phí, sách vở cho hai đứa, tiền thi thoảng mua cho chúng bộ quần áo. Hàng trăm khoản tiền trông ngóng vào đồng lương ít ỏi của cô. Mẹ Khuynh Diệp có đan nón để kiếm thêm thu nhập, nhưng cái nghề ấy còn bèo bọt hơn, đan đến nát cả tay cũng chẳng được mấy đồng.
Vừa bước chân đến cửa phòng trọ, Khuynh Diệp đã nghe tiếng ho của mẹ. Mẹ cô dạo này cũng yếu đi thấy rõ. Đêm, cô thường nghe bà trằn trọc trở mình, có khi cố nén tiếng ho trong lồng ngực để tránh làm các con tỉnh giấc. Cái nghèo như bóng ma bao phủ gia đình họ. Khuynh Diệp thở dài, cô rất muốn làm một điều gì đó để giúp mẹ, giúp em, nhưng không có khả năng. Cô chỉ biết làm việc quần quật suốt ngày; ngoài làm chính là thu ngân cho siêu thị mini, Khuynh Diệp còn nhận làm giúp việc theo giờ để kiếm thêm chút thu nhập.
Bữa cơm tối của gia đình Khuynh Diệp buồn hiu. Không phải vì những món ăn đạm bạc trên mâm cơm, mà bởi tiền học phí rồi các khoản đóng góp của Tuấn. Mẹ Khuynh Diệp liếc nhìn cô, ánh mắt lo âu. Cả hai mẹ con cùng đang thầm tính toán trong đầu xem có thể xoay đâu được món tiền đóng học cho Tuấn. Những chỗ vay được đã vay cả rồi. Những cái bán được cũng đã bán cả rồi. Tiền lương tháng này Khuynh Diệp cũng đã ứng để đóng học cho Thảo Anh từ trước đó. Thật ra, hai mẹ con cô tính, bán hết lô nón này, rồi vay mượn đâu đó chút ít thì cũng đủ tiền đóng học cho Tuấn. Nhưng có lẽ bất hạnh luôn đổ xuống vai người nghèo. Suốt cả tuần nay người ta không nhập hàng, nói nón bán ế. Nỗi lo đè nặng lên vai hai mẹ con Khuynh Diệp.
Đêm buông mình ken đặc căn phòng nhỏ bé, Khuynh Diệp nằm bên cạnh mẹ - cô cố nằm im. Phía bên kia, cô biết mẹ cũng không ngủ được. Làm sao có thể bình thản mà nhắm mắt ngủ, khi sáng mai thức dậy, hàng tá thứ tiền sẽ đổ lên đôi vai mẹ vốn đã gồng gánh quá nhiều thứ rồi?! Nhưng lo lắng lúc này chỉ là vô ích, vì lo lắng thì không tạo ra tiền. Cô dõi mắt nhìn lên trần nhà thấp tè phía bên trên; thẳng đầu giường lên có những vết loang kỳ dị, nhưng đêm tối, không thể nhìn thấy. Khuynh Diệp lục tìm trong đầu xem còn người thân quen nào cô có thể vay tiền được không. Nhưng nghĩ mãi, nghĩ mãi vẫn chẳng ra.
Đến gần sáng, Khuynh Diệp chìm vào giấc ngủ nặng nề. Cô mơ thấy mình còn là một cô bé đang đạp xe trong công viên. Bố cô đứng phía sau, giữ xe cho cô. Khuynh Diệp sợ hãi đạp từng vòng, từng vòng; trái tim cô reo lên niềm vui chiến thắng vì đã biết đi xe. Cô bé Khuynh Diệp quay đầu, muốn khoe chiến công với bố. Đúng lúc ấy cô nhận ra bố đã bỏ tay ra từ lúc nào. Hoảng sợ, Khuynh Diệp lệch tay lái, vậy là ngã lăn xuống đất, đầu gối cô va xuống đường, bật máu. Bố cô đã đi đến bên, nhẹ nhàng đỡ con gái dậy và nói, "Con gái, bố không thể ở bên con mãi. Sau này lớn lên, nhớ lời bố dặn, dù thế nào cũng phải nhìn về phía trước và dấn bước". Ông xoa đầu cô, ánh mắt chất chứa u buồn. Khuynh Diệp lúc ấy ngây thơ không biết, thời gian cô còn được bố yêu thương chẳng còn bao lâu. Cô chỉ biết mếu máo đưa tay xoa vết thương.
Khuynh Diệp giật mình tỉnh dậy bởi tiếng mèo kêu, nghe thê lương và ma mị, khiến đêm vốn đã tịch mịch càng trở nên nặng nề hơn. Đầu cô nhức như búa bổ sau một giấc ngủ ngắn và chập chờn. Hóa ra cô đã ngủ từ lúc nào và mơ thấy kỷ niệm tập đi xe cùng bố. Nếu có tiền, cô cũng muốn mua cho Thảo Anh và Minh Tuấn một chiếc xe đạp. Khuynh Diệp thở dài. Bỗng một ý nghĩ vụt qua. Chiếc ví đó. Chiếc ví chứa đầy tiền mặt đó. Cũng đã hơn tháng trôi qua, vị khách kia không hề trở lại siêu thị tìm ví. Nhưng cô vội xua đi ý nghĩ ấy. Làm như vậy chẳng khác nào ăn cắp. Tuy nghèo nhưng Khuynh Diệp luôn sống ngay thẳng; cô chưa từng trộm cắp thứ gì của ai. Dù vậy, vẫn có một chút tiếc nuối mơ hồ vướng vít trong suy nghĩ của cô.
Ngày hôm sau, Tuấn không dám nhìn mẹ, rụt rè nhắc lại chuyện học phí. Mẹ cô cũng không dám nhìn con trai; bà quay mặt đi, ngăn nước mắt đang chực rơi xuống. Khuynh Diệp ngồi bên quan sát mẹ và em trai, lòng nặng trĩu; ý nghĩ hồi đêm lại quay về. Nếu cô chỉ dùng tạm số tiền trong chiếc ví đó! Ngay khi bán được nón hoặc được nhận lương tháng sau, cô nhất định sẽ trả lại. Coi như cô chỉ đang mượn tạm tiền của vị khách xa lạ kia mà thôi. Không được, như thế là không đúng, là rất sai; cô không cho phép mình làm thế! Nhưng, chỉ là mượn tạm thôi, nhất định cô sẽ kiếm thêm việc, có thêm tiền và tìm cách bù vào cho bằng đủ để trả lại cho người ta. Chỉ là mượn tạm thôi mà!
Băn khoăn rất nhiều, đến khi nhìn dáng điệu buồn bã, bần thần ngồi trước quyển vở bài tập của Tuấn, Khuynh Diệp quyết tâm liều một chuyến. Cô lấy tiền trong chiếc ví da màu đen kia đưa cho mẹ, giải thích mình đã vay được tiền của một đồng nghiệp. Nhìn nụ cười nhẹ nhõm của những người cô yêu nhất, Khuynh Diệp thầm nhủ, có lẽ cô làm như vậy cũng đáng.
Buổi tối hôm ấy, sau khi làm xong công việc giúp việc theo giờ, Khuynh Diệp không muốn về nhà ngay. Dẫu đã đưa tiền cho mẹ, nhưng Khuynh Diệp vẫn không nguôi được cảm giác bứt rứt, khó chịu trong lòng vì đã lấy tiền của người lạ. Cô đi loanh quanh trong khu phố ấy. Đó là một khu phố đẹp, yên tĩnh. Hai bên đường trồng rất nhiều cây xanh. Các căn nhà đều có sân, vườn, xây cách nhau không quá gần cũng không quá xa, tạo cảm giác vừa an toàn, vừa riêng tư, rất dễ chịu. Các ngôi nhà ở đây đều được bao quanh bởi hàng rào sơn trắng. Những hàng rào sơn trắng ấy hiện lên trong mắt người nghèo như Khuynh Diệp một vẻ tao nhã lạ lùng.
Khuynh Diệp đi dạo dưới ánh đèn đường, cô lặng lẽ cảm nhận hơi sương lành lạnh của đêm cuối thu thấm vào da thịt. Mùa đông đang đến gần, mùa của những âu lo. Mùa đông lạnh như vậy, cô còn chưa mua được quần áo ấm cho hai em. Với những người giàu, mùa đông họ có thể ngồi bên cửa sổ, trong căn phòng ấm áp, ngắm nhìn cây bàng đổ lá đỏ rực, nhìn gió bấc vun vút ngoài khung kính. Lạnh, với họ chỉ là khái niệm. Chỉ những người nghèo mới thấu hiểu cảm giác lạnh từ tận tâm can. Chạy ăn từng bữa, quần áo ấm không đủ. Mỗi cơn gió thổi qua là mỗi lằn roi quất vào da thịt. Chỉ nghĩ đến thôi cũng khiến Khuynh Diệp thấy xót xa. Thảo Anh và Minh Tuấn còn nhỏ thế. Mẹ cô dạo này sức khỏe cũng không tốt.
Nhưng cô biết làm thế nào đây? Khuynh Diệp mới chỉ học hết lớp Mười hai. Cô không có bằng cấp, không có trình độ chuyên môn. Chỉ biết quẩn quanh với mấy công việc lao động chân tay là chính, vì vậy thu nhập của cô rất thấp. Thảo Anh và Minh Tuấn càng lớn, các nhu cầu cho học hành của chúng cũng càng tăng. Suy nghĩ suốt bao ngày, Khuynh Diệp chưa tìm được cách giải quyết nào cho cuộc sống của cô lúc này.
Bất chợt, Khuynh Diệp nghe có tiếng sáo văng vẳng đâu đây. Tiếng sáo dìu dặt, êm ái. Chân vô thức bước đi, lần theo tiếng sáo. Tới khi âm thanh ấy dường như vang lên ngay bên tai, Khuynh Diệp dừng bước, ngước nhìn theo hướng phát ra âm thanh. Một căn nhà sơn trắng, phía trên ban công, một bóng người đang đứng dựa lưng vào tường, say mê thổi sáo. Khuynh Diệp khẽ mỉm cười, cô cũng yêu thích âm nhạc, chỉ là, không bao giờ có thời gian để học một nhạc cụ nào, mà nếu có thời gian đi chăng nữa thì cũng chẳng có tiền... Cô đứng dưới cổng, lắng nghe âm thanh dịu dàng như nước ấp iu quanh mình, xoa dịu nỗi buồn trong cô.
Khi bản nhạc kết thúc, Khuynh Diệp chuẩn bị rời đi, thì người đứng dựa vào tường kia cũng bước lên trước mấy bước, đứng vịn thành ban công, ngước mắt ngắm sao trời. Trái tim Khuynh Diệp bất chợt hẫng một nhịp. Người đang đứng trên ban công kia, không ai khác, chính là vị khách béo đánh rơi ví. Người mà hơn tháng nay cô chờ đợi để trả lại ví. Cũng lại là người cô vừa lấy tiền của anh ta xong. Vậy mà bây giờ vô tình lại gặp anh ta ở đây. Cô nên làm thế nào bây giờ?
Nếu bây giờ Khuynh Diệp nói với người đàn ông kia rằng cô đã trót tiêu tiền trong ví của anh ta, liệu anh ta có nghĩ cô là kẻ cắp? Nhưng ít nhất làm thế, cô cũng đã thành thật với chính mình.
Còn nếu giờ cô bỏ đi, vốn dĩ chẳng ai biết chuyện này, thì xem như tất cả đều êm đẹp. Nhưng còn lương tâm của cô? Chắc chắn cô sẽ không thể coi như chưa có chuyện gì xảy ra được.
Bối rối không biết nên làm thế nào, Khuynh Diệp nắm chặt thanh sắt cổng, ngước mắt nhìn người đàn ông đang đứng trên ban công. Dường như linh cảm thấy điều gì, anh ta đưa mắt nhìn về phía cổng. Bắt gặp ánh nhìn của người đàn ông, Khuynh Diệp vội rụt tay lại, xoay người, quay mặt ra ngoài đường. Tim cô đập mạnh, như thể vừa làm chuyện gì đó xấu xa. Một lát sau, không biết tình hình thế nào, cô len lén xoay đầu, nhìn lên ban công. Người đàn ông đó đang đứng dựa vào lan can, chăm chú nhìn về phía cô.
Đến nước này rồi thì còn chần chừ, đắn đo gì nữa chứ? Khuynh Diệp đành ngó quanh tìm chuông cổng. Tiếng chuông kính coong vang lên khiến trái tim Khuynh Diệp càng đập dồn dập sợ hãi. Cô cũng không biết tại sao mình lại sợ hãi, lo lắng như thế nữa. Có lẽ bởi vì đây là lần đầu tiên cô "ăn trộm" tiền của người khác.
Người đàn ông đứng nhìn về phía cổng vài giây rồi mới chậm rãi quay người, đi vào nhà. Khuynh Diệp đứng đợi một lúc lâu mới thấy anh ta ra khỏi cửa, bước về phía cô. Trái tim Khuynh Diệp càng đập mạnh, cô thấy cổ họng mình khô khốc, lưỡi cũng cứng đơ. Phải nói thế nào bây giờ?
LINK FULL TRUYỆN: https://waka.vn/nang-lo-lem-va-chang-hoang-tu-beo-nhom-4-0-bp2OWW.html
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top